Thứ Năm, 28 tháng 5, 2009

6 năm không ra được 1 giấy vì mâu thuẫn lợi ích các Bộ

Đọc bài này thấy ngán ngẩm cho cái gọi là Pháp quyền. Quốc hội mà còn thế thì dân đen có tiếng nói gì nhỉ ....???--- Đáng buồn là nếu không có Pháp quyền thì muôn đời không có dân chủ ....>>>>> Nhưng cũng cảm ơn Dân Trí đã nói tới nhóm lợi ích, các nhóm này đang lũng đoạn và có ảnh hưởng rất lớn ... nhìn vào cách sử dụng các gói kích cầu.... tiền đi về đâu ???
(Dân trí) - “Đã quy định 1 giấy từ lâu nhưng không ai làm. Tôi cũng được biết vì lợi ích này lợi ích khác mà các Bộ không thống nhất được với nhau, để tình trạng kéo dài đến 6 năm nay...”.
>> Thống nhất “sổ đỏ” và “sổ hồng”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao đổi liên quan đến việc thống nhất “sổ hồng”, “sổ đỏ” và những nội dung sửa đổi Luật Đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) vừa được trình.

Quốc hội chưa bao giờ nói 2 sổ

Quy định về “sổ hồng” - giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, “sổ đỏ” - giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - bất hợp lý, đã gây phiền toái, ý kiến trong dân suốt nhiều năm qua. Tại sao đến giờ các cơ quan nhà nước mới bàn việc thống nhất?

Từ năm 2003 làm xong luật đất đai, Quốc hội đã thông qua quy định chung làm 1 giấy. Năm 2005 Quốc hội thông qua luật nhà ở cũng nói 1 giấy. Nhưng 2 năm tiếp tục trôi đi mà vẫn không thấy 1 giấy đâu. Năm 2007, khi thực hiện giám sát lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tại kỳ họp Quốc hội, các đại biểu nói gay gắt về chuyện này thì Quốc hội một lần nữa tuyên bố chủ trương vẫn là 1 giấy.

Vấn đề ở chỗ Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ bàn bạc và quyết tâm có làm và thực hiện các quy định của pháp luật hay không.

Kỳ này, các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội, dư luận xã hội cũng đều thống nhất quan điểm quy thành 1. Cũng đã đến lúc cần phải sửa.

Ông nói Quốc hội cũng sốt ruột, bức xúc như vậy mà sao từ năm 2003 đến nay là 2009 rồi mà mới có thể đưa nội dung này vào luật sửa?

Nói đúng ra thì việc này cũng không phải là sửa đâu vì Quốc hội có bao giờ nói 2-3 giấy. Còn vấn đề các cơ quan của Chính phủ tham mưu với Chính phủ thế nào để ra được 1 giấy thì là trách nhiệm của cơ quan thi hành.

Lý do vì sao lại có sự “bất tuân” như vậy, thưa ông?

Đã quy định 1 giấy từ lâu nhưng không ai làm, vì nhiều lý do nào đấy tôi cũng không rõ lắm. Trời không chịu đất, đất không chịu trời, thôi thì khẳng định lại 1 lần nữa là 1 giấy. Sửa luật lần này theo hướng 1 giấy, 1 đầu mối còn quy trình thủ tục, thẩm quyền và mẫu giấy làm sao thì giao Chính phủ quy định rồi Chính phủ tự phân công Bộ ngành, ở địa phương là UBND giao cho đơn vị nào thì đơn vị đó làm. Còn để rối mãi, xã hội day dứt lắm.

Phải chăng sự rề rà chậm chễ như vậy là do Quốc hội có chủ trương nhưng khi Chính phủ buông lơi thì Quốc hội cũng không giám sát chặt chẽ?

Quốc hội đều tổ chức giám sát và khẳng định lại một lần nữa một cách mạnh mẽ bằng Nghị quyết năm 2007. Bây giờ chỉ có cái là vì lý do tại sao và do ai mà không ra được 1 loại giấy ấy thì phải có quy định của pháp luật để nghĩ cho đến nơi đến chốn. Còn tôi biết được rằng cũng có lợi ích này lợi ích khác, quyền lợi này quyền lợi khác mà các Bộ không thống nhất được với nhau để tình trạng kéo dài đến 6 năm nay mà không ra được 1 giấy.

Ông vừa nói, việc vẫn có 2 giấy hiện nay là do các cơ quan của Chính phủ đang đứng trên quyền lợi quản lý của các Bộ hơn là đứng trên quyền lợi của người dân?

Cái đấy thì để Chính phủ tự đánh giá nhưng để 1 thời gian dài 6 năm không ra được 1 giấy mà điều này đã quy định trong luật rồi thì điều này là 1 việc rất đáng lưu ý trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền với nhau trong bộ máy nhà nước của chúng ta.

Trông chờ lương tâm và trách nhiệm

Phần sửa đổi quan trọng trong luật đầu tư xây dựng cơ bản là về các quy định chỉ định và đấu thầu. Phó Chủ tịch có ý kiến như thế nào khi Chính phủ đề nghị giao quyền chỉ định thầu giới hạn?

Tôi vẫn nói chỉ định thầu hay đấu thầu, vấn đề cốt lõi vẫn là trách nhiệm và lương tâm của mỗi tổ chức cá nhân. Còn nếu lương tâm, trách nhiệm không đầy đủ, phương án nào cũng phát sinh tiêu cực.

Vậy ông nhận xét thế nào khi sau mấy chục năm phát triển rồi mà chúng ta vẫn phải đấu thầu trao tay?

Cái tốt là chính, còn cái không tốt vẫn len lỏi trong đời sống của chúng ta. Cho nên chỉ định thầu mà không đề cao lương tâm và trách nhiệm thì cũng phát sinh tiêu cực. Đấu thầu cũng thế, sẽ phát sinh tiêu cực dưới dạng “quân xanh, quân đỏ”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Ảnh: Việt Hưng)

Chúng ta phải có chế tài kiểm soát, bịt những “cửa” có khả năng phát sinh vấn đề chứ trông chờ vào lương tâm và trách nhiệm thì có đảm bảo?

Đương nhiên các quy định của pháp luật bây giờ đều có các chế tài điều chỉnh. Kỳ này cũng sẽ làm rõ hơn, cụ thể hoá những nội dung đã quy định. Còn vấn đề các cơ quan có thẩm quyền có “xử” theo trách nhiệm và thẩm quyền hay không thì lại là chuyện khác.

Liên quan đến việc này, dư luận vừa qua bức xúc về việc các dự án xây dựng cơ bản rơi vào tay nhà thầu nước ngoài nhiều quá. Quá trình triển khai, họ mang cả máy móc, nhân công sang. Có cách nào hạn chế “chảy máu” dự án, để tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước?

Tuỳ vào quy mô và tính phức tạp của từng công trình. Có những công trình không phức tạp lắm, mình làm được thì phải phấn đấu ở mức cao nhất. Còn những trường hợp dự án quy mô lớn, phức tạp mà trong khâu nào đó mình chưa làm được mà nhu cầu phát triển kinh tế phải làm thì cũng phải chấp nhận nhưng phải có những hợp đồng, giám sát thật chặt chẽ.

Như vậy có phải trước nay các công trình do nhà thầu nước ngoài thực hiện thì đều là vì chúng ta không đủ năng lực để làm?

Cái đó phải hỏi Chính phủ để rà lại các công trình đang triển khai. Cái nào mà trong nước đủ năng lực nhưng vẫn để cho nhà thầu nước ngoài tham gia thì cũng cần điều chỉnh để vừa phát triển kinh tế vừa tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội; lợi cho cả đôi đường.

Xin cảm ơn ông!

Tổng số lượt xem trang