Lữ Giang
Khi đài Á Châu Tự Do (RFA) thổi vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng lên như vũ bão, nhiều người tưởng “thời cơ đã đến rồi” và ngày tàn của chế độ cộng sản không còn xa. Họ tin rằng nối tiếp theo Đoàn Văn Vươn, sẽ có nhiều cuộc nỗi dậy khác khắp nơi để đòi công lý, vì tỉnh nào và huyện nào cũng có nạn cướp đất, gây bất mãn rộng lớn trong quần chúng.
Ở hải ngoại, gần như hầu hết các cơ quan truyền thông Việt ngữ đã yểm trợ chiến dịch này, kể cả một số websites Công Giáo. Nếu so với các bài phóng sự tại chỗ của RFA, các bài này không có giá trị kích động bằng, vì đó chỉ là những bài bình luận, tố cáo, lên án… còn RFA với phương tiện thông tin rất dồi dào, đã đi vào những sự kiện sống động diễn ra từng giờ, từng ngày. Nhưng đây cũng là một sự góp phần tích cực ít khi thấy.
Nhiều người rất thán phục các phóng viên đài RFA và nghĩ rằng đài này đang “làm nên lịch sử”, nhưng rồi bổng nhưng chiến dịch này bị ngưng lại. Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Ban Việt Ngữ đài RFA, người đang chỉ huy “trận đánh Đoàn Văn Vươn”, chạy qua yểm trợ Trúc Hồ thổi mạnh chiến dịch Việt Khang lên làm vụ Đoàn Văn Vươn mờ dần, sau đó vụ Việt Khang cũng biến luôn. Bây giờ nhóm Đoàn Văn Vươn đang bị truy tố về hai tội giết người và chống lại việc thi hành công vụ. Đài RFA có loan tin nhưng không bình luận.
KHÁC NHAU MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC
Có người từ trong nước đã hỏi chúng tôi: “Tại sao ngưng lại?”. Tôi trả lời tôi không rõ lắm. Hình như có lệnh từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Người này lại hỏi: “Thế thì đem con bỏ chợ sao?”
Trên đấu trường chính trị, “đem con bở chợ” hay dùng làm “con bài thí” là chuyện bình thường! Không phải chỉ một vài con chốt nhỏ như chúng ta đang thấy, mà ngay cả một tôn giáo hay một quốc gia cũng đã từng bị “đem con bỏ chợ” hay dùng làm “con bài thí”. Trường hợp của Phật Giáo Việt Nam và VNCH là những thí dụ điển hình.
Nhiều nhà phân tích cho rằng kế hoạch diễn biến hòa bình của Mỹ ở Việt Nam hiện nay là “dùng thằng con thay thế thằng cha”. Những sự đối kháng được kích động lên, cộng với sự thối nát và tham nhũng chỉ có mục đích làm cho chế độ yếu đi và cuối cùng Đảng CSVN phải xích lại gần Mỹ hơn, làm tiền đồn ngăn chận Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á như VNCH ngày xưa. Trong khi đó, mục tiêu của người Việt chống cộng ở trong nước cũng như ở hải ngoại là lật đổ chế độ cộng sản để giải phóng quê hương khỏi nghèo đói và áp bức. Với mục tiêu và chiến lược chiến thuật khác nhau, chắc chắn người Mỹ không bao giờ làm đúng như những người chống cộng muốn.
Các diễn biến cho thấy càng ngày các tổ chức tôn giáo lớn ở trong nước mà Hoa Kỳ nghĩ rằng có thể biến thành lực lượng đối kháng, đều đã thay đổi phương thức hành động để sống còn và vươn lên. Mục tiêu tuy là một, nhưng phương thức hành động phải tùy thời.
HOẰNG PHÁP TÙY DUYÊN
Đức Phật dạy chúng đệ tử: “Hoằng pháp tùy duyên” và người mang sứ mạng hoằng pháp phải nắm vững vàng 4 yếu tố: Giáo, cơ, thời, xứ.
Nói một cách tổng quát, “Hoằng pháp tùy duyên” có nghĩa là khi truyền pháp cho chúng sinh phải tùy theo hoàn cảnh. Hoàn cảnh nào cũng có thể hoằng pháp được, nhưng phải biết xử dụng đúng phương thức thích hợp.
Đạo Phật truyền vào Việt Nam từ thời phong kiến, qua thời Pháp thuộc đến thời VNCH đều theo phương châm “Hoằng pháp tùy duyên”. Chỉ khi Mỹ biến Phật Giáo thành một lực lượng đối kháng để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, một số tăng sĩ muốn đưa Phật Giáo lên nắm chính quyền, biến loạn mới xẩy ra, gây tổn thương cho Phật Giáo.
Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, đa số các tổ chức Phật Giáo đã vào Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước để “hoằng pháp tùy duyên”. Chỉ một số đi theo Hoà Thượng Huyền Quang và Hoà Thượng Quảng Độ chống lại. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc đấu tranh kiên cường và bất khuất, nhóm Già Lam có lẽ đã nhận thấy rằng phương thức đấu tranh này không còn thích hợp nữa nên đưa ra phương thức mới là “trá hàng để làm văn hóa, hoằng pháp”. Nhóm lập ra tổ chức “Về Nguồn” để thực hiện phương thức mới. Hoa Kỳ thấy không còn dùng Phật Giáo làm công cụ đối kháng được nữa, quay qua Công Giáo, gây ra nhiều xáo trộn.
Phải chăng các nhóm Phật Giáo trong nước đang quay lại với lời dạy: “Ta không ban phúc giáng họa cho ai, tự thắp đuốc lên mà đi”?
NÍN THỞ QUA TRUÔNG
Số tín đồ Tin Lành trong nước hiện nay được ước lượng khoảng 1 triệu. Tổng liên Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc có khoảng 10.000 tín đồ, Tổng liên Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam có 400.000. Đa số còn lại ở Tây Nguyên. Theo tạp chí Xưa và Nay ở trong nước, năm 2009 có tổng số 362.689 người theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên, trong đó có đến 90% là người Thượng.
Các giáo phái gia nhập Tổng liên Hội của Nhà Nước đang hoạt động dưới sự giám sát của Mặt Trận Tổ Quốc. Các giáo phái đứng ngoài phải nín thở qua truông. Thỉnh thoảng một vài giáo phái lại gia nhập quốc doanh, chẳng hạn như Cơ Đốc Phục Lâm và Báp Tít Ân Điển.
Tại Tây Nguyên, kể từ khi lực lượng FULRO nổi lên đòi thành lập một “Nước Dega tự trị”, Tin Lành Dega không được công nhận là một tôn giáo, bị đàn áp và phân tán mỏng. Giáo phái Mennonites có liên hệ với Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Mục sư Nguyễn Công Chính thường bị coi là tay sai của CIA và bị ngăn cản hoạt động.
Nhìn chung, rất khó biến các giáo phái Tin Lành ở Việt Nam thành một lực lượng đối kháng vì các giáo phái này hoạt động rời rạc, không được tổ chức thống nhất.
ĐỐI THOẠI VÀ THỰC THI BÁC ÁI
Sau cuộc cách mạng Pháp, giáo hội Công Giáo đã tách rời khỏi chính trị và chỉ thực hiện sứ mạng Rao Giảng Tin Mừng.
Nếu so sánh những khó khăn mà các tôn giáo đang gặp phải ở Việt Nam với các khó khăn mà Công Giáo đang gặp phải ở các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông, Bắc Phi, Pakistan, hoặc ở Ấn Độ, Bắc Hàn… những khó khăn mà Giáo Hội Công Giáo phải gánh chịu ở các nước này còn nặng nề hơn nhiều. Một thí dụ cụ thể là ở Iraq, gần như không có nơi nào là an toàn cho người Công Giáo: Thỉnh thoảng lại xẩy ra các vụ đốt nhà thờ, sát hại các giáo sĩ, đặt chất nổ tại những nơi giáo dân tập trung cầu nguyện, v.v. Riêng tại Mossul, các vụ khủng bố và kỳ thị đã khiến cho hơn 15.000 tín hữu Kitô trên tổng số hơn 20.000 người phải rời bỏ thành phố này. Trong vòng 8 năm qua, có ít nhất 65.000 tín hữu Công Giáo đã di cư qua Âu Châu. Số giáo dân năm 2001 là khoảng 750.000 người nay chỉ còn lại khoảng 250.000. Ở Ấn Độ, tuy hiến pháp liên bang công nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng tại nhiều tiểu bang còn có luật cấm cải đạo, ai cải đạo bị án tử hình. Các cuộc tấn công các cơ sở công giáo thỉnh thoảng lại xẩy ra. Tại Bắc Hàn, từ 1953 đến nay, có khoảng 300.000 Kitô hữu đã biến mất.
Mặc dầu tình trạng bi đát như vậy, ít khi chúng ta nghe Mỹ hay các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng, vì những nơi đó không phải là mục thiêu chiến thuật của họ. Nhìn chung, trong những thập niên qua, tại các quốc gia Hồi Giáo ở Trung Đông, Bắc Phi và Pakistan, tại Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo chủ trương đối thoại và thức thi bác ái để tồn tại và tiến lên.
CÁC NHÓM ĐỐI KHÁNG TỰ PHÁT
Mặc dầu bị kiểm soát và khống chế, nhiều thành phần trong nước vẫn can đảm vùng lên để chống lại sự bất công, hà khắc và áp bức, bất chấp mọi hậu quả. Hệ thống Internet đã giúp một cách rất đắc lực trong việc khơi động lên tinh thần đối kháng.
Tuy nhiên, đa số đã hành động vì sự bức xúc và lòng nhiệt thành, không có tổ chức, không có kế hoạch, không có chiến lược chiến thuật nên không thể tạo dựng một cơ cấu đối kháng có quy củ và thường dễ bị trúng kế địch hay bị biến thành công cụ giai đoạn.
Vì những bất công và tham nhũng, tinh thần đối kháng ở trong nước đang lên cao. Nó sẽ bùng nổ khi thời cơ đến. Điều quan trọng là phải nắm thế chủ động, đừng bị biến thành công cụ. Sau vụ Đoàn Văn Vươn, chắc chắn còn nhiều vụ khác.
ĐỐI KHÁNG Ở HẢI NGOẠI
Khí thế chống cộng ở hải ngoại lúc nào cũng cao, nhưng không có tổ chức, không có lãnh đạo và ai cũng là lãnh tụ, nên khó làm “đại sự”.
Tổ chức được coi là bề thế nhất ở hải ngoại hiện nay là Đảng Việt Tân. Đảng này có tổ chức gần như khắp nơi, có hệ thống cán bộ trẻ có kiến thức, có hệ thống kinh tài để hoạt động, nhưng từ khi FBI ra lệnh chuyển từ đấu tranh võ trang qua đấu tranh chính trị, đảng này không tìm ra được hướng đi. Sau cùng đãng đã tự “chỉnh đốn” lại nội bộ và chủ trương theo cơ hội chủ nghĩa. Đảng nỗ lực “biểu dương khí thế” ở trong cũng như ngoài nước với hy vọng được mời về làm “đại biểu quốc hội”. Đảng CSVN đã lợi dụng chủ trương này, thành lập nhiều tổ chức Việt Tân giả ở cả trong lẫn ngoài nước, làm thành hệ thống bẩy gài bắt các thành phần đối kháng trong nước (gióng Phục Quốc giả sau năm 1975). Nhóm Sinh Viên Vinh, đa số là “cộng tác viên truyền thông” của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, đã bị Công An gài vô Đảng Việt Tân giả để bắt (chúng tôi sẽ nói trong một bài khác). Do đó, Đảng Việt Tân không còn hoạt động được, vì khó phân biệt Việt Tân giả và Việt Tân thật.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng không để cho người Việt chống cộng ở Mỹ có một “chính sách” về Việt Nam khác với chính sách chung của nước Mỹ hay gây khó khăn cho các kế hoạch của Mỹ. Họ có đủ phương cách để biến cộng đồng người Việt thành công cụ của Mỹ. Công việc này được giao cho nhóm ăn “Fund” ăn “Grand” phụ trách. Khi nào mở chiến dịch tấn công Hà Nội, khi nào ngưng... đều do nhóm này lèo lái.
Từ lâu, một số người Việt chủ trương hình thành những tổ chức nhỏ để thực hiện từng mục tiêu ở trong nước, không bị chi phối bởi chính phủ Mỹ hay cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ cũng đã đem lại một số kết quả.
Ở trong cũng như ngoài nước, muốn khỏi bị dùng làm công cụ hay bị biến thành “con bài thí”, chỉ còn một cách là phải tự đốt đuốc lên mà đi và tùy thời cơ mà ứng phó.
Ngày 3.4.2012
Lữ Giang
-Lại kích động tôn giáo!
Lữ Giang
Từ đầu năm nay, vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, đã nổi lên như một cơn lốc. Có người tin rằng cơn lốc này nếu được thổi mạnh lên có thể làm sụp đổ toà nhà Bắc Bộ Phủ.
Ở hải ngoại, phải công nhận rằng cơ quan truyền thông có tiếng nói mạnh nhất thổi về Đông Nam Á là Đài Á Châu Tự Do(RFA) của Hoa Kỳ. Đài này đã có công rất lớn trong việc đẩy cơn lốc Đoàn Văn Vươn đi lên. Với những bài phóng sự nảy lửa như “Vụ án Tiên Lãng: đừng dồn họ vào chân tường” (9.1.2012), “Khi người nông dân nổi dậy” (11.1.2012), “Vụ Tiên Lãng: chữ tín của nhà nước ở đâu?” (11.1.2012), “Vợ ông Đoàn Văn Vươn kể lại những gì đã xảy ra trong vụ nổ súng ở Hải Phòng” (16.1.2012), “Kiến nghị tập thể cho Đoàn Văn Vươn” (15.2.2012), “Ông Đoàn Văn Vươn phạm tội gì?” (23.2.2012), “Đoàn Văn Vươn đến hành động của dân oan” (23.2.2012), “Người dân tìm mọi cách để nói lên sự bất công” (19.3.2012) v.v, đài này đã làm rung chuyển Bắc Bộ Phủ. Rất nhiều người trong nước mong chiến dịch này được đẩy mạnh để đưa tới những sự thay đổi lớn.
Thế nhưng, sau Hội Nghị Toàn Quốc về Chỉnh Đốn Đảng ngày 27.2.2012 của Đảng CSVN, chiến dịch này bổng nhưng ngưng lại rồi chìm hẳn luôn, không ai biết tại sao. Có người cho rằng có lẽ ông Nguyễn Văn Khanh, trưởng ban Việt ngữ của đài RFA bận đi giúp Trúc Hồ phát động chiến dịch Việt Khang, nên chiến dịch này bị bỏ dỡ. Nhưng ít ai tin như vậy. Hiện tượng cướp đất là hiện tượng đang gây công phẩn trong cả nước khiến Đảng CSVN lúng túng. Tại sao không đẩy mạnh sự công phẩn này lên để loại trừ thối nát và giúp người dân lấy lại quyền sống của họ? Phải chăng sự tố cáo về chiến dịch “diễn biến hoà bình” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong đại hội nói trên đã làm “các thế lực thù địch” thấy rằng con tẩy của họ đã bị lật lên?
Biến cố thừ hai cũng đã làm nhiều người ngạc nhiên, đó là trong khi người Việt chống cộng đang phấn khởi kéo nhau đến Toà Bạch Ốc để trình bày Thỉnh Nguyện Thư yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ “Ngưng mở rộng giao thương với Việt Nam để đổi lấy nhân quyền” (Stop expanding trade with Vietnam at the expense of human rights) thì Thứ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Francisco Sánchez đến Việt Nam. Mục tiêu của chuyến đi này được mô tả là “nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của các công ty Hoa Kỳ vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam”. Thống kê cho thấy thương mại song phương Việt - Mỹ trong năm 2011 đã tăng hơn 17%, với tổng giá trị lên đến 21 tỷ 800 triệu đô la.
Hai biến cố trên vừa lắng xuống thì trong tuần qua, đài RFA lại phát động chiến dịch kích động Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành và Phật Giáo Hòa Hoả đứng lên đòi tự do tôn giáo!
Các sự kiện trên khiến chúng ta phải suy nghĩ về hai điểm sau đây:
(1) Phải chăng Hoa Kỳ nhận thấy lá bài dân chủ và nhân quyền (vụ Đoàn Văn Vươn và vụ Việt Khang) không có khả năng làm thay đổi tình hình bằng tôn giáo, nên Hoa Kỳ cho quay trở lại vấn đề tôn giáo?
(2) Phải chăng chiến dịch nào cũng chỉ được phát động đến mức vừa đủ để tạo áp lực với Hà Nội, chứ không nhắm tiến tới “dứt điểm”? Con cờ Việt Nam vẫn là con cờ hữu dụng khi Mỹ muốn trở lại Châu Á Thái Bình Dương?
CSVN XIẾT CHẶT TÔN GIÁO
Chúng tôi xin nhắc lại, trong Hội Nghị Toàn Quốc về Chỉnh Đốn Đảng ngày 27.2.2012, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai nói toẹc ra chiến dịch “diễn biến hòa bình” của Mỹ như sau:
"Kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị".
Hai mũi đầu là “dân chủ” và “nhân quyền”, đang bị Đảng CSVN chận đứng một cách cương quyết. Trong hai năm qua, họ đã bắt bớ, truy tố và giam cầm hàng chục thành phần bị coi có tư tưởng chống đối chế độ, nhất là những thành phần hoạt động có tổ chức, có sự hổ trợ từ bên ngoài hay có khả năng xách động quần chúng.
Hai mũi còn lại là “dân tộc” và “tôn giáo”, đã bị Đảng CSVN đã kiểm soát chặt chẽ từ lâu và mới đây đã tăng cường thêm bằng cách bổ nhiệm một Trung Tướng Công An làm Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ.
Từ lâu, mỗi tòa Đại Sứ Mỹ đều có một Trạm CIA (CIA Station) và dĩ nhiên tại Toà Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội cũng có trạm đó. Nhưng các trạm này không được phép hoạt động công khai, chỉ trừ dưới thời VNCH. Cơ quan CIA thường nấp dưới các tổ chức phi chính phủ (non-government organizations – NGO) để hoạt động. Vì có xích mích trong việc thiết lập chính quyền mới, trong tháng 2 vừa qua, chính quyền Ai Cập đã bắt giữ và truy tố 43 người thuộc các tổ chức NGO, trong đó có 19 người Mỹ, vì hoạt động do sự tài trợ từ ngoại quốc. Trong khoảng 10 năm qua, Hoa Kỳ đã thương lượng để các NGO được thành lập tại Việt Nam, nhưng Đảng CSVN đã từ chối. Do đó, ngoài các mật báo viên, CIA không thể trực tiếp lãnh đạo các cuộc nổi dậy ở Việt Nam được.
Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia – RFA) được thành lập và tài trợ theo Đạo Luật “International Broadcasting Act of 1994”, được đặt dưới quyền kiểm soát của “U.S. Information Agency”. Số tiền tài trơ hàng năm hiện nay khoảng 23 triệu USD. Đài có nhiệm vụ “cung cấp các thông tin và bình luận chính xác và đúng lúc” về các biến cố xẩy ra ở Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Cambodia, Bắc Hàn, Tây Tạng và Việt Nam.
Đài RFA đi từ trên không xuống nên Công An CSVN không làm gì được. Công An chỉ bắt một số người được đài này phỏng vấn mà họ cho là nguy hiểm và nhìn cách kích động của đài RFA để nhận ra chiến thuật của Hoa Kỳ đang áp dụng trong từng giai đoạn.
GÂY KHÓ KHĂN CHO PHẬT GIÁO
Vì Phật Giáo đã có thành tích được Mỹ dùng để tạo biến loạn dưới thời VNCH, nên sau khi chiếm miền Nam, Đảng CSVN đã quan tâm đến Phật Giáo nhiều nhất. Ngoài việc “quốc doanh hoá” đa số các tổ chức của Phật Giáo, Công An đã dùng mọi biện pháp tinh vi để chiêu nạp, phân hóa hay phá vỡ các nhóm Phật Giáo còn lại.
Bản tin ngày 29.1.2010 của PTTPGQT ở Paris cho biết: “Kể từ mùa Vu Lan (tháng 8/2010) đến nay (tháng 11/2010), trong vòng 3 tháng, nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đã tung một chiến dịch đàn áp, khủng bố, bôi nhọ, vu khống, chụp mũ, trù dập từ thành viên lãnh đạo đến các cơ sở trực thuộc GHPGVNTN, nhất là tại các tỉnh Miền Trung Việt Nam. Họ hành động thô bạo, dã man, chẳng còn chút đạo lý làm người.”
Bản tin ngày 8.2.2010 lại cho biết: “Thành viên các Ban Đại Diện địa phương, các vị trụ trì các chùa thuộc GHPGVNTN, hầu hết đều bị đàn áp, đe doạ, cô lập, sách nhiễu bằng nhiều cách như thường xuyên mời “làm việc”, điều tra, thẩm vấn, bắt báo trình nhiều việc vặt vãnh để gây khó khăn, nhất là trước các cuộc lễ Phật giáo, các ngày Giỗ chạp các vị Tổ sư. Các Phật tử hằng ngày về chùa tụng kinh, lễ Phật cũng bị theo dõi, sách nhiễu, đe doạ công ăn việc làm, bóp chẹt kế sinh nhai ngoài xã hội.”
Những tin tức này cho thấy rất khó dùng Phật Giáo để tạo ra một cuộc chính biến mới.
Trong tuần qua, đài RFA đã phạm một sai lầm nghiêm trọng là tái áp dụng chiến thuật kích động lòng hận thù tôn giáo mà Mỹ đã áp dụng năm 1963 để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm để thúc đẩy Phật Giáo đứng lên. Chiến thuật này đã đưa Phật Giáo vào vị thế phải chiến đấu cùng một lúc hai mặt giáp công, thất bại là chuyện khó tránh khỏi. Nay, vì lợi ích gian đoạn, nhóm nhân viên đài RFA lại muốn Phật Giáo đi lại con đường sai lầm cũ?
DỒN TIN LÀNH VÀO NGỎ CỤT
Sau khi chiếm miền Nam, Đảng CSVN cũng đã dùng mọi biện pháp để “quốc doanh hoá” các giáo phái Tin Lành gióng như họ đã làm đối với Phật Giáo. Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Chính quyền đã rập khuôn tổ chức Tin Lành ở miền Bắc, cho cho thành lập Tổng liên Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam để gôm các giáo phái Tin Lành lại. Hiện nay, tổng hội này có khoảng 350.000 tín hữu.
Tuy nhiên, có hai giáo hội được coi là cái gai trong mắt, nhưng chính quyền vẫn chưa nhổ được, đó là Giáo Hội Tin Lành Degaở Tây Nguyên được thành lập từ thời Pháp thuộc, và Giáo Hội Tin Lành Menonnite được truyền vào miền Nam từ 1957, hoạt động chủ yếu ở vùng Banmêthuột. Hai giáo hội này thường bị gán cho là tay sai của CIA, có quan hệ với Kok Ksor, một nhà vận động cho người Thượng ở Mỹ.
Giáo Hội Dega có dính líu tới cuộc nổi dậy của tổ chức FULRO đòi thành lập “Nước Dega tự trị”. Chính quyền đã dẹp tan nhóm FULRO, nhưng vẫn không công nhận Tin Lành Dega như một tôn giáo. Ngoài ra, kế hoạch “Tây tiến” đã đẩy các sắc tộc ở Tây nguyên ngày càng vào trong rừng sâu, khiến họ phải vùng lên để sống còn. Kể từ tháng 9 năm 2010, họ phải đối mặt với các sự sách nhiễu và đàn áp của nhà cầm quyền. Sau vụ tranh chấp với bảo vệ các đồn điền cao su, chính quyền đã tăng cường sự hiện diện của lực lượng an ninh tại ba huyện biên giới là Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông, và đẩy mạnh kế hoạch loại bỏ và bắt giữ những người mà họ gọi là “Tin Lành Dega,”
Một số tín đồ của Giáo Hội Menonnite đã di tản qua các giáo hội khác, nhưng các tín đồ Mennonites có liên hệ với Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Mục sư Nguyễn Công Chính hay Hội Thánh Truyền giảng Phúc âm Việt Nam sinh hoạt ở các nhà thờ tại gia đều bị sách nhiễu.
Tóm lại, vấn đề tôn giáo tại Tây nguyên đã quyện lẫn với vấn đề sắc tộc, khiến chính quyền lo sợ các điểm nóng có thể bùng phát tại đây bất cứ lúc nào, nên đã đàn áp thẳng tay.
BIẾN CÔNG GIÁO THÀNH ĐIỂM NÓNG?
Hiện nay có hai giáo phận của Giáo Hội Công Giáo VN cũng đang phải đương đầu với chính sách tôn giáo của chính quyền, đó là giáo phận Hưng Hoá ở miền Bắc và giáo phận KonTum.
Giáo phận Hưng Hóa gồm 10 tỉnh với khoảng 8 triệu dân và 200.000 người Công Giáo, trong đó có ba tỉnh đã gây khó khăn rất nhiều cho các linh mục khi đến làm mục vụ, đó là Sơn La, Tuyên Quang và Hoà Bình. Các linh mục cũng phải tìm nhiều cách khác nhau để đến với giáo dân.
Giáo phận Kontum có 1,4 triệu dân với 244.000 người Công giáo trong đó có 140.000 người thuộc các dân tộc thiểu số sống rải rác nhiều nơi.
Trình độ học vấn của dân cư thuộc giáo phận Kon Tum, nhất là người Thượng, còn rất thấp. Số người chưa biết chữ và chưa học hết tiểu học chiếm tỷ lệ cao. Cuộc sống của họ lại còn quá nghèo. ĐGM Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, đang tìm cách nâng cao trình độ và mức sống của người Thượng lên để họ có thể dần dần hòa nhập với cuộc sống của người kinh. Theo đường lối này, trong năm 2008, đã có 30.000 người theo đạo và năm 2009, có thêm 20.000 người. Nhưng nhà cầm quyền lo sợ Giáo Hội khi tập trung những người Thượng lại thành nhóm, cộng đoàn hay giáo xứ sẽ biến người Thượng thành những “tụ điểm đối kháng” nên tìm cách ngăn cản. Họ đặt ra đủ thứ luật lệ khắt khe để ngăn cản hay hạn chế sự tiếp cận giữa các giáo sĩ với đồng bào Thượng. ĐGM Hoàng Đức Oanh đã mạnh mẽ lên tiếng chống lại những sự sách nhiễu này.
Trong thư mục vụ Giáng sinh đề ngày 22.12.2010, ĐGM Oanh cho biết trong các cuộc trao đổi với chính quyền trung ương và điạ phương, họ đều xác nhận là “Giám mục có quyền đi phục vụ và không ai cấm cản”. Nhưng trong đêm 25.12.2010, khi ĐGM Oanh đến cử hành thánh lễ Giáng Sinh với giáo dân thuộc sắc tộc thiểu số tại xã Sơn Lang, huyện K’Bang, thì chính quyền địa phương huy động nhân viên an ninh ra ngăn chận lại. Họ nói ngài có thể làm lễ, nhưng không phải cho tất cả mọi người ở đây, mà phải đến làm lễ ở từng nhà và mỗi thánh lễ không được quá một tiếng đồng hồ. Để tỏ thái độ phản đối, ngài đã hũy bỏ việc cử hành thánh lễ hôm đó.
Vụ phái đoàn Toà Đại Sứ Hoa Kỳ do bà Claire A. Pierangelo, Phó Đại Sứ cấm đầu, đến thăm ĐGM Kontum nhân vụ LM Nguyễn Quang Hoa bị đánh trọng thương, đã bị chính quyền nghi ngờ Mỹ muốn biến giáo phận Kontum thành một “điểm nóng” và biến ĐGM Hoàng Đức Oanh thành một lãnh tụ đối kháng thay thế Đức TGM Ngô Quang Kiệt. Nhưng Thư Mục Vụ Mùa Chay của ĐGM Oanh cho thấy giáo phận Kontum đi theo đường lối của Giáo Hội chứ không làm công cụ cho Hoa Kỳ.
SỰ MONG ĐỢI CỦA HỌ BỊ THẤT VỌNG!
Nhìn chung, “các thế lực thù địch” rất khó biến các tôn giáo ở Việt thành lực lượng đối kháng phục vụ cho những mục tiêu chính trị giai đoạn của họ, vì đối phương đã biết và có kế hoạch ngăn chận.
Trưa Chúa Nhật 11.3.2012, trước gần 20 ngàn tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐGH Benedict XVI đã diễn giải về ý nghĩa bài Phúc âm kể lại sự tích Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, đánh đuổi những người buôn bán súc vật và đổi tiền ra khỏi nơi thánh. ĐGH hỏi: Chúng ta phải giải thích thế nào về cử chỉ này của Chúa Giêsu?Ngài trả lời:
“Việc đánh đuổi những người bán súc vật ra khỏi Đền thờ cũng được giải thích theo nghĩa chính trị - cách mạng, đặt Chúa Giêsu theo chiều hướng của phong trào những người theo phái Zelote. Những người này, vốn là những người “hăng say nhiệt thành” đối với Luật Chúa, và sẵn sàng dùng bạo lực để buộc người ta phải tôn trọng luật Chúa. Vào thời Chúa Giêsu họ mong chờ một Đấng Messia đến giải thoát Israel khỏi sự thống trị của người La Mã. Nhưng Chúa Giêsu làm cho sự mong đợi của họ bị thất vọng, đến độ một số môn đệ đã bỏ Chúa và thậm chí Giuda Iscariote đã phản bội Ngài.”
Nhưng ĐGH nói: “Không thể giải thích Chúa Giêsu như một người bạo lực: bạo lực là điều trái ngược với Nước Thiên Chúa, là một dụng cụ của ma quỷ. Bạo lực không bao giờ phục vụ nhân loại, nhưng chỉ làm cho con người mất nhân tính”.
ĐGH nhấn mạnh: “Lòng nhiệt thành của Ngài (Chúa Jesus) là lòng nhiệt thành vì yêu thương mà Ngài trả giá bằng chính bản thân, chứ không phải là thứ nhiệt thành muốn phụng sự Thiên Chúa bằng bạo lực.”
Giáo Hội CGVN đang đi theo con đường mà các nhà truyền giáo đã đi khi đưa đạo Công Giáo vào đất Việt. “Các thế lực thù địch”, Đài Á Châu Tự Do và các nhóm Giao Điểm Công Giáo nông nổi ở hải ngoại đừng nghĩ rằng có thể kích động để tạo ra những “điểm nóng” và biến dần Giáo Hội Công Giáo thành một công cụ chính trị giai đoạn.
Ngày 20.3.2012
Lữ Giang