Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Và cả nước cũng hoàn toàn bất ngờ, không tin vào tai mình khi nghe đài truyền thanh Việt Nam thông báo.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất ngờ dùng vũ lực tấn công đảo Gạc Ma thuộc huyện Trường Sa của Việt Nam. Mới đây, trong tháng 3/2008 Trung Quốc đưa lên mạng đoạn phim do họ quay toàn cảnh đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam, nhằm mục đích biểu dương lực lượng hải quân Trung Quốc.
Đoạn video do phía TQ tung lên mạng youtube về cuộc đánh úp chiếm đảo Gạc Ma thuộc huyện đảo Trường Sa của Việt Nam
Chúng ta hãy xem đoạn phim trên của Trung Quốc. Tóm tắt, về phía Việt Nam là tàu hàng vận chuyển hậu cần. Các chiến sĩ Việt Nam, người cởi trần, người đứng ung dung trên boong tàu, ngắm nhìn tàu chiến Trung Quốc như ngắm nhìn những đồng nghiệp đi biển. Họ không hiểu rằng chỉ vài phút nữa cuộc sống của họ sẽ bị tước đoạt, để lại vợ con nheo nhóc ở quê nhà. Thuyền viên Việt Nam lên đảo. Là đảo chìm, nhưng nước ở đây chỉ đến đầu gối. Trên đảo không có một phương tiện phòng vệ tối thiểu: không công sự, không vũ khí. Trung Quốc dùng các tàu chiến hiện đại nhất bất ngờ bắn vào những người lính Việt Nam không có phương tiện chống cự trên đảo. Những người lính Việt Nam ngã xuống như đang xếp hàng ngang giữa trường bắn. Tàu hàng vận tải Việt Nam lao lên đảo để che đạn cho những người lính trên đảo và cứu thương nhưng bị tàu chiến Trung Quốc dùng hỏa lực hạng nặng chặn lại và bắn chìm…
Chiến thuật “bất ngờ” là một hình thức chiến tranh truyền thống của Trung Quốc. Họ đưa ra các cách tiếp cận khác nhau, sau đó bất ngờ tiêu diệt đối phương. Hãy nhìn lại năm 2008 là năm xảy ra nhiều sự kiện có tính liên hoàn về chiến lược của Trung Quốc với Việt Nam.
Đầu năm 2008, đài truyền hình Việt Nam đưa tin Tập đoàn Tân Tạo đề nghị đưa Trung Quốc vào quần đảo Nam Du xây dựng cảng than cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện Kiên Lương. Giữa năm 2008, Đài Loan thành công chiếm hữu vịnh Sơn Dương với vốn 100% vốn của Đài Loan xây dựng khu luyện thép lớn nhất Việt Nam. Cuối năm 2008 sự việc Nhà máy luyện nhôm Tân Rai và Nhơn Cơ bị lộ ra.
Về công nghệ, để tinh luyện bauxite Tây Nguyên cần qua năm bước: (1) khai thác quặng bauxite; (2) tinh luyện bằng nước: (3) tinh luyện bằng xút và hoá chất; (4) nung kết sản phẩm để có alumin (oxit nhôm); và (5) điện phân oxit nhôm để lấy nhôm.
Việc tuyển quặng bằng nước và xút cùng hoá chất trong bước 2 và 3 để tạo ra alumin sẽ thải ra môi trường một lượng rất lớn chất thải nước hoặc được làm khô tại thượng nguồn sông Đồng Nai. Dù có được làm khô, chúng cũng sẽ bị nước mưa hoà tan và làm ô nhiễm vùng đầu nguồn.
Từ năm 1988, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn, tôi đã nghiên cứu khá kỹ giải pháp xử lý bô xít Tây Nguyên. Kết luận khi đó là dứt khoát không thực hiện bước 2,3,4,5 tại Tây Nguyên, vì sẽ tạo ra quả bom hóa chất ngày càng lớn theo công suất và thời gian nằm trên đầu nguồn sông Đồng Nai hay sông Sebroc. Việc xây đập chứa bùn đỏ trên đầu nguồn hai dòng sông trên không chỉ cực kỳ tốn kém, mà còn giúp cho kẻ thù tạo ra một loại vũ khí mới có tính hủy diệt cực kỳ ghê gớm với nền kinh tế Việt Nam, khi có chiến tranh.
Trong kháng chiến chống Mỹ, để phá hủy các cơ sở tự cung tự cấp lương thực của Việt Nam trong chiến khu, Mỹ phải dùng từng chiếc may bay đi rải chất độc da cam để phát quang.
Với Trung Quốc thì họ thâm hiểm hơn nhiều. Họ thiết kế, thi công cho Việt Nam các nhà máy luyện bô xít trên Tây Nguyên với mục tiêu không chỉ thỏa mãn cơn khát nhôm của họ mà nhân cơ hội này họ còn sản xuất và “thả” được quả bom nằm “ngủ” trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Khi xảy ra kịch bản chiến tranh biên giới như năm 1979, dự đoán là Trung Quốc có thể sẽ một mặt chiếm Sơn Dương –Hà Tĩnh chặn đường tiếp tế từ Nam ra Bắc bằng đường biển và đường bộ, mặt khác sẽ chiếm quần đảo Nam Du để cắt đứt con đường tiếp tế đường biển của Quốc tế đến Việt Nam, và sẽ có thể tiến hành đánh bom phá hủy các bể chứa bùn đỏ trên thượng nguồn sông Đồng Nai nhằm cắt đứt nguồn nước uống của các tỉnh miền Đông và Thành phố Hồ Chí Minh để phá hủy nền kinh tế và gây hỗn loạn hậu phương của Việt Nam.
Giả như kịch bản đó xảy ra, chúng ta sẽ làm gì ? Câu trả lời là vô phương cứu vãn !
Xem phim Trung Quốc đánh Gạc Ma ngày 14/3/1988, chúng ta hiểu Trung Quốc đã và sẽ hành động “bất ngờ” khi chúng ta mất cảnh giác.
Vậy hôm nay hợp tác với Trung Quốc xây dựng nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, chúng ta có tính đến khả năng một ngày nào đó sự hợp tác hữu hảo đôi bên không còn (vốn dĩ đã chẳng có), thì Trung Quốc sẽ đánh bom phá hủy các bể chứa bùn đỏ, để khống chế kinh tế và làm hỗn loạn xã hội Việt Nam khi có chiến sự không?
KS Doãn Mạnh Dũng
Nguồn kinhtebien.vn
HD, ĐN Bauxite Việt Nam biên tập
http://www.bauxitevietnam.info/
Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã hoàn nguyên tại Quảng Ninh như thế nào ?
Phạm Công
Tối ngày 22/5/2009 tình cờ bật chương trình truyền hình Việt Nam, hình như chương trình VTV1, tôi bật chậm mất một vài phút, thấy Đài truyền hình Việt Nam đang chiếu một bộ phim phóng sự về các hoạt động hoàn nguyên của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam tại địa bàn Quảng Ninh... Bộ phim kéo dài quãng gần 30 phút.
Tôi đoán đây là đây là bộ phim được quay theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, một nỗ lực nhằm quảng bá và để làm yên lòng dư luận về việc Tập đoàn đang đầu tư khai thác bauxite ở Tây Nguyên, sẽ hoàn nguyên ở Tây Nguyên y như ở Quảng Ninh...
Theo bộ phim thì hiện nay hàng năm Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam đã khai thác tại địa bàn Quảng Ninh 40 triệu tấn than; đồng thời, trong hàng chục năm qua, tập đoàn đã từng bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để làm cái việc hoàn nguyên, tức là hoàn trả lại sự nguyên trạng địa hình, địa mạo và khôi phục thảm thực vật cho vùng đồi núi Quảng Ninh...
Lời bình của bộ phim cho thấy: Tập đoàn Than và Khoáng sản đã có nhiều nỗ lực rất lớn, nhiều sáng kiến, không tiếc công tiếc tiền và hết sức có trách nhiệm với công đoạn kỹ thuật này nhằm khôi phục, trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho những nơi tập đoàn từng khai thác than tại Quảng Ninh. Nếu người xem nhắm mắt lại và chỉ nghe các số liệu, sự việc, giải pháp, các biện pháp được phát thanh viên thông tin bằng lời thì không chê và trách Tập đoàn Than và Khoáng sản vào đâu được, hoàn toàn tin tưởng vào những gì mà Tập đoàn này đã làm; ác nỗi đây là một bộ phim truyền hình nên cái tác động vào người xem nhiều hơn lại là hình ảnh, những hình ảnh kèm theo lời bình lồ lộ trước mắt người xem lại gần như phản lại ý đồ muốn thanh minh, muốn kể công của Tập đoàn này.
Tôi căng mắt ra xem có được đoạn phim nào, những hình ảnh nào chứng tỏ được môi trường đã được hoàn nguyên độ 30 % thôi, nhưng hoàn toàn không thấy. Từ đầu đến cuối phim chỉ thấy hình ảnh những cây trồng leo ngoeo, lay lắt, cao không quá nửa mét, mọc bám bên những triền núi nham nhở. Chỉ thấy hình ảnh đất đá, đồi núi bị đào san nham nhở, bụi tung đầy trời toả theo những chiếc xe ben đang cõng đất đá và than.
Có thể do những người quay phim truyền hình kém về nghiệp vụ nên không đưa vào ống kính được những hình ảnh chứng minh công lao của Tập đoàn Than và Khoáng sản trong việc hoàn nguyên môi trường tại địa bàn Quảng Ninh; hay thực chất chẳng đào đâu ra được hình ảnh nào để chứng minh rằng môi trường đã được trả về nguyên trạng. Thành ra bộ phim đã gây nên một hiệu ứng trớ trêu, lời và số liệu ngược với hình ảnh được quay kèm làm minh chứng.
Nếu như Tập đoàn Than Khoáng sản đừng làm phim, chỉ tách lời bình ra rồi cho đăng báo thì may ra còn có người tin, đằng này lại "dại dột" cho quay phim, mà phim là hình ảnh nên không thể đánh lừa người xem được. Xem bộ phim trên chúng tôi thấy môi trường Quảng Ninh ở những nơi nào do khai thác than đều bị phá nát và nham nhở tất. Thực ra không phải qua bộ phim này tôi mới biết được những hậu quả mà đất, biển, trời Quang Ninh đang phải hứng chịu do công nghiệp khai thác than mang lại.
Cách đây mấy hôm nhà văn Dương Hướng có viết một bài đăng trên Trannhuong.com, nhan đề Con quái vật trên bờ Vịnh Bái Tử Long, nói về nhà máy Xi măng Cẩm Phả đang nhả khói mù trời vùng vịnh. Tôi biết khi nhà máy ximăng này được chuẩn bị xây dựng, Tổ chức UNESCO đã có công hàm gửi cho Chính phủ Việt Nam khuyến cáo sẽ rút Vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách di sản văn hoá thế giới nếu cho xây dựng nhà máy xi măng ở đây.
Hồi đó hình như Chính phủ được những nhà đầu tư nhà máy xi măng Cẩm Phả thuyết phục rằng: Chính phủ cứ yên tâm đi, họ sẽ xây dựng một nhà máy xi măng hiện đại bậc nhất thế giới, không mảy may đe doạ làm ô nhiễm môi trường vùng Vịnh. Bằng những hình ảnh do nhà văn Dương Hướng cung cấp, tôi đang lo UNESCO sẽ rút Vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách các Di sản thiên nhiên thế giới, bởi vì tổ chức này đã ra lời khuyến cáo mà phía Việt Nam không để vào tai! UNESCO không phải như những nhà trí thức ký đơn gửi cho các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan này không trả lời cũng chẳng làm gì được.
Một "chiến tích" môi trường gần đây báo chí và một vài cơ quan chức năng lên tiếng tại Vịnh Hạ Long, đó là việc cho đắp con đê-đường để nối đảo Tuần Châu và đất liền. Con đê này đã biến Tuần Châu thành một bán đảo, tạo điều kiện để xây dựng các cơ sở du lịch, thế nhưng hiệu quả của việc xây dựng khu du lịch Tuần Châu còn phải chờ đợi và chưa tương xứng với nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư; trong khi đó do việc đắp con đê này mà biến vùng biển quanh Tuần Châu thành một thứ ao tù và nhiều sinh vật biển trước đây sống nhiều ở đây đã tuyệt giống...
Để không mang tiếng là ác ý và vu oán giá hoạ cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, chúng tôi đề nghị Đài truyền hình Việt Nam cho chiếu lại bộ phim này và thông báo cho bà con ở Tây Nguyên, những nơi mà Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam dự kiến sẽ vào khai thác, xem kỹ bộ phim, xem cách hoàn nguyên ở Quảng Ninh có chấp nhận được không.
Đài truyền hình Việt Nam nên chiếu cho Quốc hội và các cơ quan chức năng xem lại bộ phim được quay theo ý đồ và "kịch bản" của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Để cho thấy đây không phải là hình ảnh do những nhà khoa học, những trí thức đã ký Kiến nghị, tưởng tượng ra !
P.C.
HD Bauxite Việt Nam biên tập
http://www.bauxitevietnam.info/
Con quái vật bên bờ Bái Tử Long và tầm nhìn 2020 của Quảng Ninh
Published on 05/02,2009
Con quái vật bên bờ Bái Tử Long
Và tầm nhìn 2020 của tỉnh Quảng Ninh
Ký của Dương Hướng
Công nghệ cao không bụi không khói nhà máy xi măng Cẩm Phả
Ảnh Dương Hướng
Đã bao năm sống ở Quảng Ninh, tôi đã nghe và thấy và cả thấm biết bao điều vui buồn về mảnh đất nơi mình đang sống. Niềm tự hào luôn canh cánh trong lòng khi mình đang là công dân của tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh được thượng đế ban tặng cho miền đất có vô vàn cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ là Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp. Nơi đây từ lâu đã làm xúc động lòng người, đã chinh phục cả ngàn vạn con tim khách du lịch trên toàn thế giới. Họ háo hức đến Quảng Ninh bởi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên từ Vịnh Hạ Long, Bái tử Long và cả một vùng biển Quan Lạn, Vân Đồn trong xanh với những bãi cát dài trắng phau. Ai đã về với Quảng Ninh chỉ một lần, sẽ nhớ mãi suốt đời và chắc chắn họ sẽ lại truyền tụng cho lớp lớp cháu con họ sau này không thể không đến Quảng Ninh. Đó mới chính là tiềm năng kinh tế lâu dài vô tận của Quảng Ninh. Chả thế tôi nghe nói người nước ngoài tới Quảng Ninh đã ngẫu hứng thốt lên: " Nếu biết làm du lịch, chỉ cần khai thác Vịnh Hạ Long có thể nuôi sống cả nước Việt Nam". Hạ Long đẹp là thế, tiềm năng kinh tế lớn là thế mà không hiểu tại sao chúng ta, những công dân sở tại vẫn làm ngơ trước những bất cập, trước những vấn đề trái khoáy đã và đang hủy hoại cảnh quan môi trường và thiên nhiên tuyệt đẹp của thượng đế ban tặng. Muốn có và giữ đươc tiềm năng kinh tế lớn và lâu bền, ta không chỉ dựa vao vẻ đẹp tự nhiên sẵn có của vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, mà ta còn phải giữ được cả vẻ đẹp văn hóa của vùng đất, phong tục tập quán tình người bản địa có chinh phục được du khách bốn phương? Những ai đã được đi ra các tỉnh bạn- "nhìn người mà ngẫm đến ta" Tiềm năng của họ còn hạn chế so với Quảng Ninh, nhưng về cách làm du lịch của họ quả là tuyệt vời. Nhiều khách du lịch đến Bãi cháy có cảm giác như bị lừa, bị bắt chẹt. Tất nhiên cũng cũng chỉ là "Con sâu làm rầu nồi canh" Dân bán hàng rong lèo lá, những tay cò mồi tranh giành khách ở một số nhà nghỉ khách sạn tư nhân làm cho khách hoảng sợ. Có những vị khách đã phẫn uất thốt lên nguyền rủa Bãi Cháy là "Bãi Chém" và thề không bao giờ thèm trở lại lần hai. Cũng chỉ là tư duy làm du lịch kiểu "mỳ ăn liền". Nhận xét này không chỉ riêng cá nhân tôi. Đúng thế, xét trên nhiều mặt, Quảng Ninh có rất nhiều tiềm năng- có đồng bằng, có rừng núi, có biển đảo- có cửa khẩu quốc tế- "một Việt Nam thu nhỏ".Đặc biệt còn có Vịnh Hạ Long, một kỳ quan thiên, di sản thế giới. Vậy mà chúng ta, chính chúng ta đang từng giờ, từng ngày, từng tháng...tự hủy hoại cảnh quan nơi đây, hủy hoại môi sinh môi trường, hủy hoại sức khỏe hàng vạn người dân đang sống và làm việc tại chính mảnh đất này. Điển hình nhất, ai cũng nhìn thấy, ai cũng hiểu và phải sửng sốt nhưng vẫn bất lực nhìn cái nhà máy xi măng giống như con quái vật khổng lồ nằm chềnh ềnh ngay bên bờ vịnh Bái tử Long- trung tâm thị xã Cẩm Phả- thủ phủ của vùng mỏ. Dân vùng mỏ vốn xưa nay đã phải chịu nhiều nỗi gian nan vất vả vì than bụi, vì độc hại nơi hầm lò, giờ lại phải hít thêm khói độc của than đá. Đã đến lúc cả thế giới cần cảnh báo loài người đang đứng trên bờ vực thẳm của thảm họa, nêu cứ cố tình cướp bóc, hủy hoại môi trường thiên nhiên, không biết quý trọng móm quà quý của thượng đế ban tặng.
Biển trời mênh mông là thế
Ảnh Dương Hướng
Nhân chuyến đi thực tế lên mỏ cùng các đồng nghiệp trại viết văn tạp chí Văn nghệ quân đội, từ trên đỉnh cao mỏ Khe Sim, chúng tôi nhìn xuống thị xã Cẩm Phả, giữa mênh mông mây nước biển trời núi non xanh thẳm, thật trớ trêu lại bị cái nhà máy xi măng suốt đêm ngày ngùn ngụt xả khói mù trời khiến một đồng nghiệp của tôi đã thốt lên bảo cái nhà máy xi măng Cẩm Phả kia chính là con quái vật. Đúng vậy, tôi nhìn cái "vòi bạch tuộc", đường dẫn băng tải của nhà máy xi măng Cẩm Phả vươn dài ra vịnh biển mà thấy kinh hoàng. Bài học chưa xa, thành phố Hạ Long, đã phải chuyển cảng than Hòn Gai đi nơi khác, phải phá bỏ nhà sàng tuyển than Hòn Gai di dời đến Cọc 8 và có lẽ cái nhà sàng tuyền than mua lại của nước Úc đã chuyển tới Cọc 8 ấy sẽ lại phải di dơi lần nữa chỉ vì cái tầm thấp kém của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định kinh tế của tỉnh đã không tính đến thành phố Hạ Long phải mở rộng. Lối tư duy ấu trí một thời của các nhà quy hoạch đô thị chỉ cho phép chiều cao của tầng một của nhà cao tầng không quá 2,8m, khiến con cháu chúng ta bây giờ chúng cười thối mũi. Tôi được biết trước khi dự án nhà máy xi măng Cẩm Phả đi vào xây dựng đã có không ít những bài báo, và những kiến nghị bức xúc của nhân dân phản đối. Nhưng rồi người ta đã dựa vào khoa học tân tiến, công bố đây là nhà máy xi măng hiện đại, với những thiết bị công nghệ cao, không khói, không bụi. Thế là dân tình yên tâm tin tưởng vào khoa học. Ngày khánh thành nhà máy xi măng Cẩm Phả người ta đã quảng bá rùm beng, cờ hoa khẩu hiệu rợp trời trên quốc lộ từ thành phố Hạ Long đến thị xã Cẩm Phả. Nhưng thực sự xin mới các bạn hãy xem mấy bức ảnh nhà máy xi măng Cẩm Phả đang xả khỏi ra vùng đất, vùng trời, vùng biển nơi đây thì hiểu ngay cái gọi là "Công nghệ cao" nó cao đến đâu. Những làn "khói thơm" đen kịt, làm mù trời, mờ biển Bái Tử Long và làm nức mũi con dân vùng mỏ bất khuất kiên cường cả trong chiến đấu và trong sản xuất. Có những việc chúng ta vô tình không biết do nhận thức còn hạn chế, có những việc chúng ta biết mà vẫn cố tình làm lấy được chỉ vì cái lợi ích kinh tế trước mắt. Điều này các nhà lãnh đạo có tâm có tầm chắc phải thấm thía và đau xót trước những gì chúng ta làm chưa được tốt trong các lĩnh vưc như đầu tư xây dưng, quy hoạch đô thị, giao thông...còn có rất nhiều điều đã gây nên không ít bức xúc trong dân chúng. Tôi thực sự buồn và lo lắng cho mục tiêu, tầm nhìn tới năm 2020 Quảng Ninh chúng ta cơ bản phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp và du lịch. Chưa nói tới sau này, đã bao năm nay dân thị xã Cẩm Phả đã phải chịu bụi than ngập đường ngập phố từ nạn than thổ phỉ đã đành, giờ lại chịu ô nhiễm nặng của khói bụi nhà máy xi măng Cẩm Phả, nhà máy kính, và không biết bao nhiêu chuyến xe chở than ra các cảng than tự phát ven biển suốt chiều dài tỉnh, từ Uông Bí đến Cửa Ông Mông Dương. Ngay bây giờ thành phố Hạ Long và thị xã Cẩm phả đã tứ bề bao phủ bởi làn khói của hai cái nhà máy xi măng nằm trên địa phận huyện Hoành Bồ, và một nhà máy nhiệt điện bên cầu Bang. Hồi chưa có cầu Bãi Cháy, ta cứ ngỡ vào Hoành Bồ là xa lắm, giờ đứng trên cầu Bãi Cháy, nhìn theo đường chim bay về phía Bắc, những ống khói của hai nhà máy xi măng lừng lững trước mắt. Gần hơn nữa, ngay đầu cầu Bãi Cháy, chừng cây số, là khu công nghiệp Cái Lân. Hàng loạt nhà máy mọc lên như nhà máy Nến, nhà máy bao bì, nhà máy mỳ, nhà máy dầu thực vật..và nhà máy đóng tầu Hạ Long ngày đêm xả ra không biết bao thứ rác thải công nghiệp và cái mùi đặc trưng khó tả làm ô nhiễm nặng môi trường xung quanh. Khách thập phương đến Hạ Long, ai cũng ngưỡng mộ nhìn cây cầu Bãi Cháy, cây cầu đã đi vào thi ca- "một cung đàn Hạ Long". Vậy mà phia dưới cái "cung đàn" ấy lại là cảng dầu B12 có từ thời chiến tranh chống Mỹ, và càng ngày càng phát triển hoành tráng với những cầu tầu cho những con tầu dầu vạn tấn cập cảng bơm dầu và không sao tránh khỏi những vệt dầu loang cả ra mặt vịnh Hạ Long. Người dân Hạ Long ai đã từng ăn cá Đối ngoài chợ sẽ nhận ra mùi dầu đã ngấm vào loài cá Đối chuyên ăn nổi này. Nằm sát dốc cầu Bãi Cháy về phía Tây là những bể dầu khổng lồ. Cầu giời khấn phật, đừng để sơ xuất cháy nổ. Nếu có sự cố, cả thành phố Hạ Long sẽ chìm trong biển lửa. Rồi cái cảng Mới từ thời bao cấp vẫn hiên ngang nằm giữa lòng thành phố Hạ Long, trong khi gần hết chiều dài của Quảng Ninh là bờ biển. Tư duy của chúng ta chỉ quen dạy lớp con cháu chúng ta phải biết yêu quê hương đất nước, biết giữ gìn bảo vệ non sông gấm vóc, nhưng chính chúng ta lại làm những điều ngược lại. Nếu chúng ta không thẳng thắn nhận ra những sai trái của chính chúng ta, do hạn chế của lịch sử và do cả lòng tham nữa, tôi tin rằng chẳng phải sau này mà ngay bây giờ lớp trẻ được học hành, có kiến thức, có trí tuệ, có văn hóa, có bản lĩnh chúng sẽ nghĩ gì về chúng ta ? Câu hỏi lớn đặt ra cho mọi công dân, đặc biệt đối với tất cả các nhà lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh tiền nhiệm đã nghỉ hưu, hoặc đã thăng tiến về trung ương đã nghĩ gì ? Và quan trọng hơn các nhà lãnh đạo còn đang giữ trọng trách lái con thuyền rồng Hạ Long nghĩ gì để đưa Quảng Ninh vào tầm nhìn 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp và du lịch ???.