Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

'Chiêu thức về nhân quyền của Hà Nội'

-'Chiêu thức về nhân quyền của Hà Nội' January 19, 2014
Điện văn của Tòa đại sứ Mỹ tiết lộ ‘mánh khóe’ của VN, theo Wikileaks.
Vũ Quí Hạo Nhiên
Viết cho BBC từ Little Saigon, California
Cập nhật: 12:55 GMT – thứ bảy, 18 tháng 1, 2014
Bảy tổ chức tranh đấu Việt Nam đang trên đường tới Geneva để cố gắng truyền đạt thông tin về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam tới các nước và các tổ chức quốc tế, nhân dịp sự kiện UPR hay Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.
UPR, viết tắt của Universal Period Review, là kỳ kiểm điểm diễn ra 4 năm một lần để Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc kiểm điểm tình trạng nhân quyền của các nước. Tất cả các nước hội viên LHQ đều phải qua UPR.
Các tổ chức người Việt Nam đang trên đường tới Geneva để tổ chức một Ngày Việt Nam bên lề buổi điều trần UPR, nhưng ngay cả cuộc họp này cũng chỉ là một phần của cả quá trình UPR.
Về phần tài liệu, UPR dưa trên 3 tài liệu chính, theo trang web Hội đồng Nhân quyền: Báo cáo của nước đang được kiểm điểm; báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ; và báo cáo do Văn phòng Cao ủy thu thập từ các nguồn thứ ba như các NGO.
Về phần điều trần, các nước sẽ cùng góp ý về tình trạng nhân quyền trong một phiên họp kéo dài 3 tiếng rưỡi, dưới sự chủ tọa của một nhóm 3 nước được gọi là ‘troika.’ Đây là buổi điều trần dự trù diễn ra tại Geneva ngày 5 tháng 2 tới đây để thảo luận về Việt Nam.

Báo cáo phi chính phủ

Một nhóm cha mẹ các tù nhân chính trị ở VN ra nước ngoài năm nay để dự điều trần và vận động cho con cái.
Một nhóm cha mẹ các tù nhân chính trị ở VN ra nước ngoài năm nay để dự điều trần và vận động cho con cái.
Việc góp tài liệu, một bản báo cáo đứng tên chung các tổ chức Việt Nam như VOICE, Con Đường Việt Nam, Dân Làm Báo, cùng với tổ chức Freedom House, đã được nộp cho Cao ủy Nhân quyền.
Blogger Đoan Trang, một tác giả chính của báo cáo này, nói ‘tài liệu thì không thiếu.’ Cô cho biết chi biết:
‘Trước hết là có bản báo cáo tình hình nhân quyền của Việt Nam trong vòng 4 năm qua, trong đó sẽ chia ra 4 phần, có thể nhiều hơn, đó là sự vi phạm tự do ngôn luận, sự vi phạm tự do tôn giáo, sự vi phạm về tự do lập hội, biểu tình, và một phần nữa là sự bắt giữ tùy tiện và hành xử tàn bạo, thô bạo với tù nhân.’
Ngoài ra, cô nói thêm, ‘có rất nhiều báo cáo khác đi kèm báo cáo chính đó, ví dụ báo cáo của riêng năm 2013 có rất nhiều những vụ vi phạm nhân quyền, như các bloggers bị ném mắm tôm trong Ngày Quốc tế Nhân quyền.’
Đó là phần tài liệu. Nhưng còn phần điều trần thì sao?
Tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bị Wikileaks tiết lộ, cho thấy những điều mà Phó Đại sứ Mỹ Virginia E. Palmer tại Hà Nội gọi là ‘chiêu thức’ (nguyên văn ‘manipulation’) của Việt Nam để làm lệch lạc kết quả UPR, mà người cầm đầu chính là ông Phạm Bình Minh, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao và nay là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

‘Chiêu thức’ năm 2009

Năm 2009 là lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền thực hiện UPR đối với Việt Nam, và năm nay là lần thứ nhì. Trong vòng UPR năm 2009, Canada là một trong 3 nước ‘troika’ (cùng với Nhật và Burkina Faso). Một nhân vật chính trong phái đoán Canada là Tham tán Chính trị Robert Burley thuộc Đại sứ quán Canada ở Hà Nội.
Tham tán chính trị của Mỹ đã gặp ông Burley, và báo cáo về cuộc gặp gỡ này đã được ghi lại trong tài liệu của Phó Đại sứ Palmer bị Wikileaks tiết lộ. Bản điện văn gởi về Bộ Ngoại giao đề ngày 5-6-2009 và được Wikileaks đánh số ký hiệu 09HANOI520.
Tham tán Burley miêu tả mức độ vận động của đoàn Việt Nam là ‘xưa nay chưa từng thấy.’ Mức độ vận động của Việt Nam lên tới mức một số nước khiếu nại với Ban Thư Ký của Hội đồng Nhân quyền.
Burley cho phía Mỹ biết, phái đoàn Việt Nam vì biết thời gian có hạn, nên cố tình mời thật nhiều các quốc gia thân thiện để điều trần, át đi các nước khác.
Việt Nam còn cố tình thuyết phục thay đổi báo cáo cuối cùng; họ chọn mẫu báo cáo mà những đề nghị nào Việt Nam đồng ý thì được liệt kê hai lần, trong khi những đề nghị nào Việt Nam không đồng ý thì rút bớt lại.
Điều này bóp méo con số và giúp Thứ trưởng Minh trong cuộc họp báo về UPR nhấn mạnh được là ‘Việt Nam chấp nhận 93 trong 123 đề nghị được đưa ra và chỉ bác bỏ 20 đề nghị (trong đó có 4 là của Hoa Kỳ).’
Điện văn của sứ quán Hoa Kỳ nói ông Phạm Bình Minh có vai trò tích cực trong các động thái vận động.
Điện văn của sứ quán Hoa Kỳ nói ông Phạm Bình Minh có vai trò tích cực trong các động thái vận động.

‘Sắp xếp điều trần’

Việt Nam biết trước là chỉ có thời gian cho 60 nước điều trần.
Vì vậy, một phái đoàn hùng hậu được Việt Nam đưa tới, mà theo chính Thứ trưởng Minh nói là có tới 29 người, gồm ‘22 người đến từ Hà Nội và từ 11 bộ khác nhau.’
‘Bốn tiếng trước giờ họp bắt đầu, Việt Nam đã cho người tháp tùng từng quốc gia thân thiện với họ như Zimbabwe, Venezuela, Lào, Cuba, Trung Quốc, Miến Điện, Nga, Iran, Syria, Belarus và các nước khác, đứng xếp hàng để điều trần.’
Ngoài ra, ‘phái đoàn Việt Nam còn cho người đứng ngay bên cạnh hàng, để đánh dấu danh sách các nước mà, Burley đoán, đã đồng ý sẽ điều trần có lợi cho Việt Nam.’
Phía Việt Nam tiếp tục nhét phe mình vào buổi điều trần cho tới phút chót.
‘Khi hàng kéo dài tới khoảng 45 nước, đoàn Việt Nam bắt đầu thúc đẩy hết sức để các nước còn lại trong danh sách của họ nằm trong số 60 nước.’

‘Gây thêm áp lực’

Không chỉ làm lệch lạc buổi điều trần tại Geneva, Việt Nam còn gây áp lực lên ngoại giao đoàn tại Hà Nội để gây ảnh hưởng.
Việt Nam vận động và thuyết phục các nước giảm nhẹ lời lẽ trong các đề nghị cải thiện nhân quyền.
‘Một số nước đồng ý (Burley nhắc tới Úc và Thụy Sĩ), trong khi một số nước khác (Canada và Hoa Kỳ) thì không.’
Bộ Ngoại giao triệu tập Đại sứ Thụy Điển hai lần, vì nước này đặt câu hỏi hóc búa cho đoàn Việt Nam.
Những phái đoàn nào chỉ trích nhân quyền ở Việt Nam, như New Zealand, Phần Lan, Canada, thì Thứ trưởng Minh gọi họ là không ‘khách quan.’

Hiệu ứng ngược

Nhưng không phải mọi chuyện đều được như ý của Việt Nam.
Chính vì chọn loại mẫu báo cáo làm nhân đôi số đề nghị Việt Nam đồng ý, mà lần đầu tiên danh tánh cụ thể các tù nhân lương tâm được đưa vào báo cáo.
Việt Nam đã khiếu nại với Ban Thư ký của Hội đồng Nhân quyền.
Thế nhưng cuối cùng thì chính vì Việt Nam đã chọn loại mẫu báo cáo này, nên tên của Linh mục Nguyễn Văn Lý và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân được đưa vào báo cáo cuối cùng, một việc làm ít thấy trong một báo cáo UPR.
Tuy rằng áp lực và mánh khóe ngoại giao giúp Việt Nam có được một báo cáo UPR vừa ý hơn đối với họ, Phó Đại sứ Palmer ghi nhận là khi Việt Nam dồn rất nhiều nỗ lực vào việc này thì ‘Mức độ tự biện hộ của Việt Nam cho thấy (ít nhất) Bộ Ngoại giao quan tâm tới những gì các nước khác nói về lối hành xử nhân quyền của Việt Nam.’
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một ký giả tự do đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ.





- Việt Nam trước diễn đàn nhân quyền (BBC).
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã nghe trình bày của đoàn Việt Nam chiều 08/05/2009

Báo cáo của Việt Nam về nhân quyền trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại Geneva có nhiều điểm tự phê và các cam kết cải tổ nhưng cũng nói đến các mối đe dọa và hoạt động thù địch.

Báo cáo của đoàn Việt Nam được truyền trực tiếp trên mạng Internet từ lúc 02:30 chiều này giờ Thuỵ Sĩ thừa nhận có những điều chưa đạt được nhưng nêu cao cam kết cải tổ.

Báo cáo của Việt Nam nói chất lượng của việc thực hiện pháp luật còn thấp nhưng hứa rằng việc thực hiện các tiêu chí nhân quyền quốc tế là ưu tiên của chính quyền.

Thậm chí, qua bản đọc tiếng Anh của ông Phạm Bình Minh, chính quyền Việt Nam thừa nhận trong các quan chức nhà nước còn có hiện tượng "nhận thức về nhân quyền" ở một số người còn "hạn chế".

Nhưng như thường lệ, Việt Nam đưa ra cách nhìn nhân quyền trong quan hệ gắn kết với các quyền kinh tế xã hội để nói rằng chính phủ sẽ tiếp tục chính sách xóa đói giảm nghèo, cải tổ hành chính và hệ thống tư pháp.

Bản phúc trình cũng nói Việt Nam đã và đang đưa ra các biện pháp cụ thể để nâng cao, đẩy mạnh cơ chế đảm bảo dân chủ và nhân quyền theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn: BBC Vietnamese
NHÂN QUYỀN - Việt Nam bị chỉ trích mạnh mẽ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Mặc dù được nhiều quốc gia Á châu và hồi giáo tại châu Phi bênh vực, Hà Nội vẫn bị công kích tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Genève. Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do tất cả tù nhân chính trị như linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê thị Công Nhân.
VIỆT NAM - Thiếu tôn trọng quyền con người
Ngày 08/05 tại Genève, Việt Nam báo cáo tình trạng nhân quyền trướcHội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Tường thuật của ông Vũ Quốc Dụng, đặc trách châu Á của Hiệp Hội quốc tế Nhân quyền tại Đức.
Đại diện VN thừa nhận một số hành động sai trái vi phạm nhân quyền, khi điều trần trước Uỷ Hội Nhân Quyền LHQ vào ngày hôm qua ở Geneve Thuỵ Sĩ.
Tuy nhiên Thứ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh đã phủ nhận mọi cáo buộc từ bên ngoài cho rằng, chính quyền đàn áp người bất đồng chính kiến và người thiểu số.
Ông Minh cũng loan báo, Hà Nội chính thức mời 5 đặc phái viên chuyên trách nhân quyền của LHQ tới Việt Nam để thẩm định tại chỗ. Những người được mời là chuyên gia LHQ về các lãnh vực thực phẩm, giáo dục, y tế , giám sát tình trạng nghèo khó và nợ nước ngoài.
Người Việt lưu vong, được sự hậu thuẫn của các nhóm nhân quyền có uy tín quốc tế, đã gởi báo cáo cho Uỷ Hội Nhân Quyền LHQ, cáo giác chính phủ VN tước đoạt quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận mạng Internet để ngăn chặn sự phê phán của công chúng. Báo cáo cũng đề cập tới tình trạng đàn áp tôn giáo mặc dù hiến pháp VN bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Theo đó, Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất bị cấm hoạt động từ năm 1981 và người Thượng Tây Nguyên theo đạo Tin Lành là các nạn nhân chủ yếu của nhà cầm quyền.
Người Việt lưu vong cũng đòi hỏi chính phủ VN trả tự do cho các tù nhân chính trị, những người bị giam giữ vì những lý do không rõ ràng viện dẫn an ninh quốc gia theo luật Việt Nam. Lời kêu gọi này được phái đoàn Hoa Kỳ hậu thuẫn trong diễn từ đọc trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.

Đặc phái viên nhân quyền vào Việt Nam
Diễn đàn nhân quyền của Ủy hội NQ Liên Hiệp Quốc - Nguồn www.vietnamnet.vn
Hãng tin Reuters nói các cố vấn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ tìm hiểu Việt Nam trong năm lĩnh vực.
Đó là lương thực, giáo dục, y tế, nhóm người nghèo cùng cực, và nợ nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm Việt Nam mời đặc phái viên nhân quyền vào đánh giá tình hình quốc gia.
Trong khi đó lên tiếng tại diễn đàn của Ủy hội Nhân quyền, phiên họp xem xét thành tích nhân quyền của Việt Nam, đại sứ Anh tại Cơ quan LHQ ở Geneva, Peter Gooderham, nói ông quan ngại với tự do phát biểu, tự do báo chí, và án tử hình tại Việt Nam.
Ông Gooderham thừa nhận Việt Nam có một số cải thiện trong tự do tôn giáo.
Đại diện của Mỹ kêu gọi Việt Nam công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và cho tổ chức này hoạt động độc lập.
Giáo hội này đã bị nhà nước cấm hoạt động từ năm 1981.
Mỹ cũng kêu gọi Việt Nam thả tù nhân chính trị, những người bị bắt giam theo điều khoản bảo vệ an ninh quốc gia, điều luật được cho là mang tính không rõ ràng.
Thành tích
Trưởng đoàn Việt Nam, thứ trưởng ngoại giao thường trực Phạm Bình Minh, nói Việt Nam đạt được nhiều thành tích trong việc bảo đảm quyền của người dân.
Ông nói các hoạt động tôn giáo đã nhộn nhịp hơn trước, người thiểu số tham gia hoạt động chính trị và xã hội ngày càng nhiều.
Và ông Minh thừa nhận bộ máy chính quyền đã phạm một số "khuyết điểm" (shortcomings) kể cả chuyện làm "làm sai" (wrongdoings), theo bản tin của hãng Reuters.
Tuy nhiên ông đổ lỗi cho cán bộ thừa hành vì họ đã không "hiểu về nhân quyền". Và công nhận đây là thách thức cần giải quyết của Hà Nội.
"Thật không may khi vẫn còn các thông tin thiếu cơ sở và chúng tôi bác bỏ cáo buộc có dụng ý xấu về dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam," ông Minh nói.
Theo ông đến nay Việt Nam vẫn là nạn nhân của các "hành động thù nghịch" như "khủng bố, phá hoại, hành vi gây bất ổn, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia."
Thành tích nhân quyền của Việt Nam vừa được xem xét kỹ lưỡng tại diễn đàn gồm 47 nước thành viên họp tại Geneva, Thụy Sĩ. Các quốc gia thành viên của LHQ sẽ lần lượt bị soi rọi về nhân quyền, theo cơ cấu hoạt động mới của Ủy hội nhân quyền LHQ.
Phản đối
Trong khi đó đại diện các nhóm tranh đấu cho nhân quyền ở hải ngoại đã đệ trình cho Ủy hội Nhân quyền của LHQ bản tường trình về "vi phạm nhân quyền tại Việt Nam."
Tường trình, được các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế hậu thuẫn, cáo buộc Việt Nam bóp nghẹt tự do báo chí và ngăn cấm kết nối internet để "bịt miệng những người chỉ trích."
Tài liệu nói đến nhà nước cộng sản dùng điều khoản buộc tội "gián điệp" để bắt giam những người đối kháng khi họ đăng chỉ trích chính phủ trên mạng intenet.
Đại diện của Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam, tổ chức bảo vệ nhân quyền trụ sở tại Paris cho hãng Reuters hay, Việt Nam có "nhiều ngàn tù nhân chính trị, bị bắt giam bằng nhiều cách khác nhau, kể cả quản thúc tại gia."
Trong lúc diễn đàn nghe báo cáo nhân quyền của Việt Nam một số người Việt hải ngoại đã tổ chức phản đối tại Geneva. Theo họ phản đối nhằm thu hút sự quan tâm của thế giới tới "phiên xét duyệt nhân quyền hiếm hoi dành cho Việt Nam."

Tổng số lượt xem trang