Bài viết thẳng thắn, chúng ta cần tỉnh táo ....
Tôi chú ý đến bài viết của ông Trương Thái Du, vì bài viết là một “phản biện” với một “phản biện”. Phản biện thì không cần phải ngụy biện bằng số đông với những chức tước, học hàm hay học vị. Phản biện là nguyên tắc luận sự việc ở những góc độ nhận thức khác nhau. Với 30 chục ý kiến phản hồi (có thể hơn nữa) đối với bài viết của ông Trương Thái Du, tôi chú ý đến ý kiến của ông Phùng Hi: “Trương Thái Du không thấy yếu thế sao mà còn xúi “phản biện của phản biện”… Nhưng coi chừng, bạn bị băm thành nước đấy“.
Ông Trương Thái Du hẳn đã vào trang nhà bauxite của nhóm GS. Nguyễn Huệ Chi để đọc sơ bộ về tóm tắt “tiểu sử” của những chữ ký ủng hộ (đang được cập nhật), và xem họ đã đăng tải những gì? Và ông đã “phản biện” qua bài viết “Phản biện của phản biện bô xít”, nhưng ông có sợ người ta “băm” ra thành nước không? Tôi nghĩ rằng, trí thức chứ có phải “đồ tể” đâu mà liên hệ đến những từ “rùng mình” ấy?
Phản biện về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đầu tiên và đáng kể là lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng loạt bài viết phân tích (nhiều chiều) trên VietNamNet, tất cả đều tập trung phân tích vào hai hệ lụy chính: an ninh quốc phòng và môi trường (vấn đề môi trường được quan tâm nhiều hơn). Sau đó là là bức Thư ngỏ 1 của nhóm GS. Nguyễn Huệ Chi với hơn 100 chữ ký ủng hộ, rồi Thư ngỏ 2 với vài trăm chữ ký ủng hộ, và Thư ngỏ 3 là hơn 1.000 chữ ký ủng hộ. Không biết có Thư ngỏ 4, Thư ngỏ 5 hay không? Vì mỗi lần phải thêm một thư ngỏ là thư ngỏ trước bị “mất tác dụng” đối với những người chủ trương khai thác bauxite. Nhưng tôi vẫn thắc mắc, nếu không có lá thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp thì nhóm GS. Nguyễn Huệ Chi có ra thư ngỏ (kiến nghị) không?
Người ta thường nói “sự bất quá tam”. Cá nhân tôi không trông chờ nhóm GS. Nguyễn Huệ Chi sẽ ra Thư ngỏ 4. Đó là chưa kể đến thư ngỏ về hình thức thì không phải là một bản phân tích khoa học. Bởi những phân tích khoa học về việc khai thác bauxite đã có qua hội thảo khoa học ở Tây Nguyên, đặc biệt những phân tích khoa học của tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn được đăng công khai trên tờ báo VietNamNet (tờ báo mà có người cho rằng nó ở “lề phải”).
Dự án bauxite có vốn đầu tư dự kiến từ 172 - 227 tỷ USD, với tổng cộng 10 dự án lớn, khai thác hàng triệu tấn bauxite mỗi năm để chế biến alumin tại các nhà máy trải dài từ Bình Phước, Lâm Đồng, đến Đăk Nông. Dự án sẽ cho xây dựng các nhà máy điện phân nhôm, xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên - Bình Thuận và một cảng biển chuyên xuất khẩu nhôm ở Bình Thuận. Và phải đến năm 2012, dự án Nhân Cơ mới tiến hành khai thác bauxite trên các vùng mỏ.
Hầu hết các thông tin báo chí đều nói đến nỗi lo về môi trường mà tác nhân xấu chính là “bùn đỏ” gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, không biến chất và tồn tại mãi mãi như Hematit (Fe2O3), Natri silico aluminate, Canxi titanat, Monohydrate nhôm (Al2O3.H2O), Trihydrate nhôm (Al2O3.3H2O)…
Với những lo lắng cụ thể này, Than Khoáng sản Việt Nam đã trình Chính phủ phương pháp xử lý bùn đỏ bằng công nghệ đang được thế giới áp dụng. Bùn đỏ dạng thải ướt sẽ được chuyển bằng đường ống đến hồ chứa được thiết kế chống thấm bằng vật liệu địa kỹ thuật với bờ đập vững chắc và hệ thống bơm nước tuần hoàn để tháo khô hồ và tái sử dụng nước và lượng xút dư thừa vì giá xút rất đắt. Bùn đỏ sau khi để khô tự nhiên được san ủi thành từng lớp, sau đó phủ một lớp đất màu lên trên và trồng cây để tái tạo giá trị thổ nhưỡng. Vì vậy chỉ cần diện tích hơn 300 ha hồ chứa, có thể đủ cho cả đời dự án công suất 600.000 tấn alumin/năm. Vấn đề là phương án xây dựng hồ chứa sẽ như thế nào khi Tây Nguyên thường xảy ra mưa lớn, lũ ống, lũ quét.
Thực tiễn khai khác bauxite mới cho ra những kiểm nghiệm tốt nhất về hệ lụy môi trường và các hệ lụy về an ninh quốc phòng khác. Chính vì thế dự án được triển khai thí điểm và đánh giá tác động ảnh hưởng ở từng nơi cụ thể.
Tình trạng “chưa đánh đã đau” cũng không phải lúc nào cũng cho ra những kết luận chân thật về sự việc. Vấn đề khai thác bauxite với những cam kết đảm bảo về an ninh quốc phòng và môi trường sẽ được Chính phủ giải trình trong kỳ họp Quốc hội (đang diễn ra). Chúng ta có tin vào quyết định của gần 500 con người ấy không? Nếu không thì thư ngỏ tiếp theo (nếu có) của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi sẽ phải gửi đến địa chỉ nào khác chăng?
Hệ lụy về an ninh quốc phòng và môi trường, mấy ông nhà nước có biết không? Ngày 24/4, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã thay mặt Bộ Chính trị ký Thông báo số 245- TB/TW về Kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025, trong đó đặc biệt quan tâm đến an ninh quốc phòng, môi trường và văn hóa Tây Nguyên.
Biết và làm luôn luôn cần thiết hơn nói và làm, và hơn rất nhiều nói mà không làm. Điều quan trọng là biết “đúng”. Đúng trong nhiều hoàn cảnh, trong nhiều thời cơ và trong nhiều thách thức. Cái “biết” ấy tạo nên bản lãnh, thế thuật (cương nhu - từ dùng của Trương Thái Du) của bộ máy cầm quyền.
Với hơn 2.000 công nhân Trung Quốc (và có thể hơn nữa) sang làm việc (chung với người Việt) so với con số lao động nước ngoài của Việt Nam ở từng nước cụ thể không phải là nhiều, nhưng vì sao nó trở thành nỗi “lo sợ” và cả nghi ngờ một cách thái quá? Vì cái “đường lưỡi bò” liếm quá sâu vào Việt Nam, vì những tranh chấp trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vì những cái mốc biên giới phía Bắc, và vì chủ nghĩa bá quyền… chăng? Vân vân những cái “vì” trên đã trở thành lăng kính “lo sợ” cho Tây Nguyên. Và cũng vì Tây Nguyên là vị trí địa chiến lược, ai chiếm được nó thì có khả năng thống lãnh toàn lãnh thổ, nên những công nhân Trung Quốc vì có mặt ở vùng “nhạy cảm” này đã được hình tượng hóa để trở thành những “chiến binh” có khả năng chiếm giữ Tây Nguyên. Đây là một cái nhìn khá “văn học” và hài hước. Không biết một ngày nào đó dân số người Hoa ở Quận 5, TP. HCM và rải rác trên toàn lãnh thổ (gần 1 triệu người) có trở thành những “chiến binh” của chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc không? Nếu cứ “viển vông” với những chuyện như vậy thì “an” cũng có ngày trở thành “nguy”, “bạn” cũng sẽ trở thành “thù”… “Lo trước cái lo của thiên hạ” là điều đáng khuyến khích, nhưng xin đừng sợ trước cái sợ của thiên hạ. Vì khi chưa ra trận đã run sợ rồi thì cho dù có quấn đầy mình những trang thiết bị quân sự hiện đại thì khi giáp mặt kẻ thù cũng bỏ chạy mà thôi.
Nếu với hệ lụy về môi trường, việc làm thiết thực là trang nhà bauxite nên kêu gọi các nhà khoa học chuyên môn đóng góp những thành quả nghiên cứu khoa học về bauxite một cách ích lợi nhất cho đất nước. Nhưng trang nhà bauxite được lập ra với phần lớn lượng thông tin chỉ để “phản đối” dự án khai thác bauxite.
Việt Nam là một nước có trữ lượng bauxite đứng thứ 3 thế giới. Nhiều nước có trữ lượng bauxite lớn trên thế giới đều đã tiến hành khai thác. Vậy chúng ta sẽ phải sử dụng những công nghệ tiên tiến nào để sản xuất? Rõ ràng chỉ sau khi tiến hành khai thác, chúng ta mới có những cơ sở thực tiễn để tham khảo nên tiếp tục mở rộng hay chấm dứt việc thực hiện dự án. Kinh nghiệm, sáng tạo nào thì cũng phải có thực tiễn để kiểm nghiệm. Chúng ta đã có lợi thế không nhỏ vì là nước “đi sau” trong khai thác bauxite.
Nhiều công việc trong cuộc sống đều được đảm bảo bằng niềm tin. Nếu tin ở người thì hãy cho họ một cơ hội. Còn nếu những bảo đảm đã được người đứng đầu Chính phủ cam kết mà chúng ta không tin thì đó là cái chúng ta đã mất niềm tin, chứ không phải cái sự việc đã được cam kết, bảo đảm (cần có thời gian để thực tiễn kiểm nghiệm) là không thể thực hiện. Trong một quốc gia mà niềm tin giữa các thành phần xã hội đã không còn với nhau thì mầm “nguy loạn” cũng từ đó mà ra cả.
Trước vấn đề tranh chấp Biển Đông mà Việt Nam vẫn thực hiện nghiêm túc cam kết trong dự án bauxite với Trung Quốc thì đó là một điều sòng phẳng. Bởi “dự án” nào thì cũng phải có cam kết và các nguyên tắc kèm theo. Nếu các nguyên tắc và cam kết không được thực hiện đúng thì vấn đề sẽ không còn giá trị.
Về vấn đề môi trường sống, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những cánh rừng đang trở thành đồi trọc, những dòng đang chết vì nhiễm độc, rác thải tràn lan khắp nơi, “đại dịch” túi ni lông…, nhưng tại sao vẫn không được nhiều người trong xã hội quan tâm?
Môi trường tự nhiên nhiễm độc cũng là do môi trường con người nhiễm độc. Khi “nước loạn”, trên dưới rối bời thì thử hỏi có còn ai ngồi với nhau để bàn việc làm sao ngày mai để dòng sông sẽ xanh trở lại, làm sao có những công nghệ tốt nhất để khai thác bauxite giảm tối đa tác động xấu tới môi trường?…
Tôi không phủ nhận yếu tố tích cực trong phản biện của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi, nhằm thúc đẩy nhà nước đi đến những giải pháp tốt nhất có thể cho môi trường và an ninh quốc phòng tại Tây Nguyên, nhưng nên tập trung những bộ óc có đủ những chuyên môn khoa học để phân tích và tìm giải pháp cho hai vấn đề trên. Và dĩ nhiên, những chữ ký ủng hộ sẽ có giá trị khi tương đồng với nhận thức đúng về hai vấn đề này, chứ không phải con số chữ ký là bao nhiêu. Trong thư gửi cho linh mục Lê Quang Uy, nhóm GS Nguyễn Huệ Chi cũng nói: “Chúng tôi lấy làm cảm kích khi nhận đựợc qua e-mail của Ngài lời đề nghị hành động hiệp thông chống thảm họa bauxite. Mối quan tâm của Ngài về hiểm họa bauxite có thể xẩy ra trên đất nước chúng ta một khi khai thác thứ quặng ấy, theo chúng tôi là chính đáng, và hẳn nó phải xuất phát từ một động cơ trong sáng dù rằng chúng tôi không thể nhìn thấy hết mọi khía cạnh của vấn đề“.
Nguyên nhân phản đối bauxite được lý giải: “Do một sự tình cờ mà chúng tôi như là nhận được sự “ủy thác” của 135 nhà trí thức gửi bản Kiến nghị đầu tiên lên các cơ quan công quyền Nhà nước Việt Nam vào ngày 17-4-2009“. Tôi nghĩ đây không phải một câu nói thật với 100% ý nghĩa và động cơ của sự phát động chữ ký. Nhưng dù gì, nhóm GS. Nguyễn Huệ Chi đã tỉnh táo khi từ chối lời đề nghị “hiệp thông” chống thảm họa bauxite (”phòng” thì đúng hơn, chứ làm sao “chống” một cái chưa diễn ra) của nhóm linh mục dòng Chúa Cứu thế, một nhóm vốn đã có xung đột với nhà nước khi hiệp thông cầu nguyện “đòi đất” ở Hà Nội vừa qua. Và chỉ riêng những người “hiệp thông” chống thảm họa bauxite của nhóm linh mục trên đã gấp mấy lần những chữ ký của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi. Nhóm GS Nguyễn Huệ Chi đã nói: “Chúng tôi không thể rời bỏ các nguyên tắc do mình đề ra và đã được hơn một nghìn người nhiệt liệt tán thành. Rời bỏ những nguyên tắc ấy tức là tự mình hủy bỏ ý nghĩa và giá trị vốn có của Kiến nghị. Vì những lý do như thế, chúng tôi xin gửi thư này kính mong LM hết sức thông cảm“.
Người phản đối và người chủ trương khai thác đều có những “nguyên tắc” không thể “tự hủy”, song vẫn có những vấn đề đang dần vượt ra ngoài chuyên môn về bauxite, “chống” bất cứ cái gì liên hệ đến bauxite (không như những thông tin phản đối công nghệ khai thác của Trung Quốc và sự có mặt của nhiều người Hoa tại Tây Nguyên).
Vì thế, tôi chú ý nhiều đến đoạn sau trong Thư ngỏ số 3: “Chúng tôi kêu gọi quý vị đại biểu tại kỳ họp này hãy đưa vấn đề bauxite Tây Nguyên đặt lên bàn nghị sự và đi tới một nghị quyết có tính toán toàn diện đến việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên; cụ thể là: a) Yêu cầu Chính phủ cho ngưng toàn bộ dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin hiện đang có với mọi đối tác: Australia, Nga, Trung Quốc, v.v. tại đây cũng như mọi nơi khác trên lãnh thổ chúng ta. Hãy để cho thế hệ sau, 25 - 30 năm nữa, với trình độ kỹ thuật cao hơn, trở lại xem xét khả năng khai thác bauxite, sản xuất alumin; b) Thành lập một Ủy ban nghiên cứu đường hướng phát triển kinh tế cho Tây Nguyên với sự hợp tác của nhiều lãnh vực chuyên môn và giữa các nhà trí thức trong và ngoài nước“.
Vấn đề bauxite Tây Nguyên chắc chắn sẽ lên bàn nghị sự. Còn “nghị quyết có tính toàn diện đến việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên“, tôi nghĩ rằng không những nó sẽ có mà còn kèm theo những đảm bảo về an ninh quốc phòng và môi trường nữa. Nhưng đọc đến cái yêu cầu “cụ thể”: “Yêu cầu Chính phủ cho ngưng toàn bộ dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin hiện đang có với mọi đối tác: Australia, Nga, Trung Quốc, v.v. tại đây cũng như mọi nơi khác trên lãnh thổ chúng ta”, thì tôi lại thấy dường như có mâu thuẫn trong diễn đạt, vì đã yêu cầu ngưng toàn bộ dự án khai thác với mọi đối tác (trong khi nhiều phản biện khoa học chủ yếu phản đối công nghệ của Trung Quốc), thì còn phải “nghị sự” và ra “nghị quyết có tính toàn diện đến việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên” làm gì nữa.
Nhưng dừng khai thác bauxite để làm gì? “Để cho thế hệ sau, 25 - 30 năm nữa, với trình độ kỹ thuật cao hơn [Của ai: Việt Nam, Australia, Nga, V.v... (Mỹ, Pháp, Đức, Ý?) hay vẫn lại là Trung Quốc?], trở lại xem xét khả năng khai thác bauxite, sản xuất alumin“. Vấn đề khai thác bauxite cũng đã tồn tại gần 30 năm, nay mới đi vào thực hiện ở những dự án cụ thể và có khả năng xét đến giai đoạn 2025 (bằng với thời gian nhóm GS Nguyễn Huệ Chi đã đưa ra). Nhưng nếu phải chờ đến 25 - 30 năm nữa, để (thế hệ nào đó) đem ra xem xét, và rồi sẽ có một “nhóm trí thức mới” quan tâm đến môi trường và an ninh quốc phòng hơn chúng ta bây giờ, bất chấp tất cả mọi đối tác (có công nghệ như thế nào) để yêu cầu “ngưng vĩnh viễn toàn bộ dự án bauxite” thì sẽ “an toàn” hơn chăng?
Người không ký tên trong bản kiến nghị của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi không có nghĩa rằng họ không quan tâm đến an ninh quốc phòng và môi trường Tây Nguyên. Nhưng mỗi người có một cách nhìn và cách thể hiện khác. Tôi chú ý nhiều đến đoạn kết của ông Trương Thái Du: “Thiết nghĩ, tinh thần xây dựng mới là sức mạnh chính trực của trí thức. Không có tự phản biện thì không riêng gì bô xít, bất cứ phong trào nào dán nhãn mác trí thức của xã hội Việt Nam trong tương lai, sẽ mang nặng tính lôi kéo đám đông hơn là lương tri, là ý thức. Điều khiển đám đông bằng vô thức thì lợi bất cập hại. Nó chỉ cho kết quả nhất thời, ở một vấn đề hẹp. Nó là đoản kế“.
“Giàn vững tại cây”, nhưng dường như mỗi cái cây đang ngó một hướng. Chúng ta đang thật thà (hết biết) để “phơi bày lòng dạ” của nhau. Theo tôi, đó không chỉ là “đoản kế” mà còn là “trúng kế”! Lúc đó không chỉ có hai hệ lụy từ bauxite mà còn xuất hiện nhiều hệ lụy khác nữa trong xã hội.
© 2009 Nguyễn Mai Sơn
© 2009 talawas blog
---------------------------Xử lý bùn đỏ ở dự án bô xít Nhân Cơ chưa đảm bảo
Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên trao đổi bên lề Quốc hội về các dự án khai thác bô xít Tây Nguyên đang gây chú ý trong dư luận cả nước.
Quan điểm của Bộ TN-MT đưa ra là trong bối cảnh nguồn khoáng sản bô xít trên thế giới đang cạn dần là một thế mạnh cho Việt Nam. Nhưng khai thác tài nguyên này đang đặt ra rất nhiều vấn đề?
Tài nguyên bô xít của ta đứng thứ 2 thế giới và có thuận lợi để khai thác vì là mỏ lộ thiên. Tuy nhiên cũng có nhược điểm là nó tập trung ở cao nguyên, địa hình cao. Nếu các giải pháp khai thác không đồng bộ sẽ gây ra ô nhiễm.
Được biết, đoàn công tác của Bộ TN-MT vừa qua đã đi khảo sát 2 khu mỏ Tân Rai và Nhân Cơ. Trong đợt giám sát, Bộ trưởng có nói vấn đề thủ tục pháp lý của dự án Nhân Cơ chưa đủ?
Vậy Bộ yêu cầu khi nào phải có báo cáo tác động môi trường?
Việc này đang làm rồi. Vừa qua, Nhân Cơ đã làm báo cáo này nhưng hội đồng xem xét thì chưa đạt yêu cầu. Còn 8 vấn đề nữa phải bổ sung, đơn vị thực hiện dự án đang tiến hành và đến nay vẫn chưa trình lại.
Chúng tôi đã yêu cầu làm rõ điều kiện để hoàn thổ, trồng cây vì chưa đạt. Xử lý bùn đỏ, bãi chứa bùn đỏ cũng chưa đảm bảo. Vấn đề xử lý nước đầu nguồn khi mùa mưa đến, các khâu lọc nước chưa được. Tiêu chuẩn nước thải ra cũng phải xem xét tiếp…
Lo lắng lớn nhất của người dân liên quan đến dự án khai thác bô xít Tây Nguyên chủ yếu là về môi trường. Các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này thế nào?
Tôi chỉ nói là vấn đề môi trường ở đây hoàn toàn giải quyết được. Với các yêu cầu nêu ra của Bộ TN-MT, sự đánh giá thẩm định của chúng tôi, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam cam kết là làm được. Chỉ có điều cần bàn là công nghệ kỹ thuật và vốn đầu tư.
Như vậy dự án Nhân Cơ khó có khả năng khởi công đúng thời hạn?
Chúng tôi cũng không biết được khó hay không. Về phần việc với Bộ TN-MT, khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt thì dự án chưa được khởi công. Đó là nguyên tắc.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Bộ có đưa ra đề xuất sẽ lập Uỷ ban giám sát vấn đề về môi trường với dự án thí điểm Nhân Cơ?
Chúng tôi sẽ thành lập một tổ chuyên giám sát, bao gồm thành phần của Bộ TN-MT, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (chủ đầu tư dự án), của tỉnh và của cả nhà máy để giám sát từ khâu bắt đầu khởi công xây dựng.
Như ông nói, khai thác bô xít lần này chúng ta sẽ không theo hướng xuất thô tài nguyên mà phải làm ra sản phẩm. Nhưng vấn đề để làm ra nhôm từ bô xít cần rất nhiều điện mà chúng ta chưa đáp ứng được nên chưa bàn đến việc này. Như vậy quan điểm có mâu thuẫn?
Không mâu thuẫn vì chúng ta chỉ làm đến alumina. Có thể khái quát 10 quặng bô xít thô thì có thể lấy được 5 quặng bô xít tinh. Từ 5 quặng đó thì ra được 2,5 alumina, đây cũng là một loại thành phẩm rồi. Nếu chế biến tiếp thì ta có được 1,2 nhôm. Đây mới là công đoạn sau.
Xây dựng dự án trên cơ sở giá alumina đang rất rẻ như hiện tại trong khi chỉ xuất nhôm mới có giá trị cao thì hiệu quả kinh tế nằm ở đâu?
Một trong những chủ trương của Bộ TN-MT nói riêng và cả nước nói chung hiện này là muốn kinh tế hoá ngành tài nguyên môi trường, tức làm sao đưa ra các cơ chế chính sách, dự án, chiến lược sao cho ngành này có thể đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế. Gần đây nhìn lại, Bộ TN-MT thấy khoáng sản là một nguồn lực phát triển rất mạnh của đất nước. Việt Nam hiện có 7 loại khoáng sản đứng nhất nhì thế giới, trong đó boxit đứng vị trí thứ 2. Đất nước có trữ lượng bô xít lớn nhất thế giới là Braxin, 12 tỷ tấn. Tiếp theo là Việt Nam, hiện đã xác định được khoảng 6 tỷ tấn và có khả năng lên 8 tỷ. Khi thế giới đã cạn nguồn tài nguyên này thì với Việt Nam lại là 1 thế mạnh. Vì vậy trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã bàn và đề ra mục tiêu chiến lược khai thác khoáng sản, coi đây là một nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế. Trước nay, Việt nam mới chủ yếu là xuất thô khoáng sản. Nhưng nếu xuất thô 1 thì chế biến hiệu quả sẽ gấp 10 lần. Chế biến hiệu quả kinh tế cao, lại mở mang được nhiều công ăn việc làm cho xã hội. đi vào chế biến cũng tạo ra 1 ngành công nghệ quan trọng cho đất nước. |
Bô-xít: "Hoàn toàn giải quyết được vấn đề môi trường" (vnn). Lạ nhỉ, còn xử lý bùn đỏ...
Thử kiểm lại một số sai lầm trong chính sách, chủ trương của Đảng trong quá khứ (bauxitevietnam.info).
Có dấu hiệu của một vụ án hình sự? (RFA).
Phải làm rõ cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 5% (Lao Động).