Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Có những chủ trương lớn, sao nay QH mới bàn?

Có những chủ trương lớn, sao nay QH mới bàn?
(TuanVietNam)- "Quốc hội phải xem chính vai trò của mình tại sao đứng ngoài sự việc, khi giải trình Chính phủ đưa ra 2 tiêu chí để dự án không phải đưa ra Quốc hội là hạn mức đầu tư chưa đủ và mới là quy hoạch"- đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.


Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII, báo cáo về việc triển khai các dự án bôxit của Chính phủ do Bộ Công thương xây dựng đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Trước phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Phó bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Lê Thanh Phong trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam đã khẳng định quan điểm ủng hộ chủ trương khai thác bôxit ở Tây nguyên.

Tại phiên thảo luận tại hội trường được truyền hình trực tiếp hôm 26/5, ngoài phát biểu của đại diện hai địa phương Lâm Đồng và Đăk Nông, có bốn đại biểu khác cũng
trình bày quan điểm về vấn đề khai thác tài nguyên.

Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính đa chiều của truyền thông,
Tuần Việt Nam xin lược trích lại những ý kiến này.


Một vấn đề gây nhiều quan tâm của cử tri vào thời điểm này là dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên.

...Tôi không bàn về những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ nhưng tôi đã dự các cuộc hội thảo, đã đọc những phản biện nghiêm túc công phu theo đúng chức năng như phản biện của Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam mà tôi là thành viên. Tôi thấy luận chứng của Chính phủ chưa giải đáp được những phản biện mà các nhà khoa học đã đưa ra.

Tôi xin phát biểu ở góc độ của một người làm công tác nghiên cứu lịch sử và tôi rất tiếc có một cử tri lão thành, một hội viên cũng là Chủ tịch danh dự của Hội khoa học Việt Nam chúng tôi đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có tới 3 bức thư phát biểu về vấn đề này mà bức thư cuối cùng ngày 20/5/2009, tức là đúng ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội gửi các cơ quan lãnh đạo và Quốc hội. Nhưng rất tiếc cho đến thời điểm này ít đại biểu Quốc hội biết tới.

Xin bày tỏ quan điểm bằng những câu hỏi.

Thứ nhất, trong tư duy của Chính phủ có dự trữ cho tương lai, có để dành cho con cháu không hay có chút của giả nào của tổ tiên để lại là làm cho bằng hết như đất đai, than đá. Dầu khí hiện chiếm một tỷ trọng rất cao trong thu ngân sách là một biểu hiện.

* "Chúng ta không chỉ chống đỡ cơn bão suy giảm của nền kinh tế, nhưng Biển Đông đâu chỉ có sóng yên biển lặng.

Báo cáo của Chính phủ chưa tương xứng với độ nóng của tình hình thực tiễn. Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ có vai trò ngoại giao của Chính phủ, có sức mạnh lực lượng Quốc phòng và quan trọng hơn hết là lòng yêu nước và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người dân.

Do vậy Quốc hội cần được Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin để thực hiện sự giám sát cũng như tạo sự đồng thuận của nhân dân.

(Đại biểu Dương Trung Quốc- Đồng Nai)

* Chúng ta cần có một chiến lược cho biển và đảo. Vừa rồi chúng ta có hàng loạt hoạt động hướng về Trường Sa, tôi thấy như thế là rất tốt.

Tôi đề nghị Chính phủ thì làm việc lớn, còn các tỉnh, thành làm thế nào để mỗi địa phương có một công trình với Trường Sa. Như vậy thì chúng ta vừa nhắc nhở với thế giới về chủ quyền, vừa tăng được thế và lực của chúng ta trên lãnh thổ biển, đảo quốc gia.

(Đại biểu, Thiếu tướng Võ Trọng Việt- Sơn La)

Người phương Bắc họ có Thập tam lăng là 13 ngôi mộ của các hoàng đế, họ chỉ khai quật một vài còn để lại cho con cháu khi đủ tiền, đủ tài. Còn khoáng sản họ mua thô để dự trữ cho tương lai.

Tại sao ta không để dành bôxít cho con cháu làm khi chúng ta có đủ năng lực và đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất?

Ngoài bôxít thì Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng khác, bôxít không phải là duy nhất. Tổ tiên ta đã dạy là "lọt sàng, xuống nia" hay còn nhiều câu khuyên hay hơn là "đời cha phải tập ăn nhạt thì đời con mới có nước uống".

Thứ hai, một câu hỏi được đặt ra là vì sao một chủ trương lớn như thế, quan trọng như thế, có thể làm thay đổi Tây Nguyên như thế và đã được chuẩn bị lâu như thế mà đến lúc này Quốc hội mới có cơ hội bàn đến?

Tôi không dám như đại biểu tỉnh Lâm Đồng nhân danh là toàn thể nhân dân của tỉnh ủng hộ, tôi chỉ muốn dựa vào ý kiến của một bộ phận mà chính trong văn bản của Bộ chính trị đã bày tỏ lòng biết ơn đó là những vị lão thành cách mạng, đó là những nhà khoa học tâm huyết để nói rằng tại sao một vấn đề được đặt ở một tầm mức quan trọng như vậy mà bộ phận nhân dân này vẫn cảm thấy chưa đồng thuận?

Vậy thì Quốc hội phải xem chính vai trò của mình tại sao đứng ngoài sự việc, khi giải trình Chính phủ đưa ra 2 tiêu chí để dự án này không phải đưa ra Quốc hội là hạn mức đầu tư chưa đủ và mới là quy hoạch.

Vậy mà ai cũng biết rằng việc xây nhà Quốc hội và mở rộng Hà Nội đã từng đưa ra Quốc hội đâu phải vì hạn mức đầu tư hay mới là quy hoạch?

Còn ý kiến của đại diện Bộ công thương cho rằng nhiều người không tán thành khai thác bôxít vì thiếu thông tin, thậm chí bị những thông tin xấu lung lạc.

Chính tôi đây và có thể nhiều vị đại biểu khác cho đến trước ngày 22-5 tức 2 ngày sau khi kỳ họp khai mạc, chúng ta mới có được một thông tin tương đối đầy đủ và ngay tại cuộc hội thảo do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì mà tôi có tham dự ngày 9 tháng 4 khi Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam sau một công trình nghiên cứu đưa ra con số, những lao động nước ngoài sử dụng visa du lịch thì ngay lập tức đại diện của tỉnh Lâm Đồng chỉ đưa ra một con số không đầy 1/10, trong khi đó Phó Thủ tướng Chính phủ người chủ trì không đưa ra con số nào chính xác.

Như thế chúng ta không có đầy đủ thông tin.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): "Đưa ra Quốc hội có nghĩa đưa ra nhân dân"


Về vấn đề bôxit ở Tây Nguyên, qua nghiên cứu Kết luận của Bộ Chính trị, Báo cáo của Chính phủ về mặt chủ trương tôi hoàn toàn đồng tình.

Chúng ta có tài nguyên thì cần khai thác, nhưng khai thác như thế nào, lúc nào, công nghệ ra sao, những biện pháp tiếp theo và vấn đề pháp lý của nó thì xin được bàn bạc thật kỹ.

Tôi đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Minh Thuyết nói việc này là công trình quan trọng quốc gia cần phải ra Quốc hội bàn bạc.

Không phải Quốc hội bàn bạc tốt hơn Chính phủ bàn bạc, mà vấn đề đưa ra Quốc hội có nghĩa đưa ra nhân dân. Khi Quốc hội quyết thì đạt được sự đồng thuận cao. Rút kinh nghiệm như dự án Dung Quất, dự án Sơn La chúng ta thấy khi Quốc hội đã quyết, có những giải pháp đặc biệt thì công trình sẽ đẩy nhanh được tiến độ và tiến hành thuận lợi.

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk): "Vấn đề thuộc diện Quốc hội cần thông qua"


Là đại biểu Tây Nguyên, tôi là một trong những trí thức đã ký tên và kiến nghị gửi các vị lãnh đạo Nhà nước đề nghị xem xét cẩn trọng các khía cạnh về an toàn chính trị, an toàn môi sinh và an sinh xã hội khi tiến hành khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Do rất mừng khi thấy Đảng và Chính phủ đã nhanh chóng quan tâm đến kiến nghị của các nhà khoa học và đã sớm có kết luận của Bộ chính trị, có chỉ thị của Thủ tướng và bản giải trình của Chính phủ đối với Quốc hội.

Tuy nhiên ý kiến cá nhân tôi là Quốc hội nên tạo điều kiện để dân chủ bàn bạc trong Quốc hội về vấn đề hệ trọng này, về nhiều tiêu chí đây là vấn đề thuộc diện cần thông qua Quốc hội theo Nghị quyết 66 năm 2006 của Quốc hội Khóa XI.

Ví dụ tiêu chí địa bàn đặc biệt quan trọng quốc gia về quốc phòng an ninh, tiêu chí sử dụng rừng đầu nguồn, tiêu chí di dân từ 20.000 người trở lên v.v...Sự đồng thuận của Quốc hội đã tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân nếu Quốc hội đồng tình khi đó nhiệm vụ quan trọng sẽ là vai trò giám sát tối cao Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban nhất là Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đối với từng điểm cụ thể trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Tổng số lượt xem trang