Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

Hà Nội gửi thông điệp tới Bắc Kinh qua việc mua 6 tàu ngầm từ Nga-Luật về quyền được thông tin của người dân

HÀ NỘI 7-5 (TH).- Như một thông điệp chẳng mấy kín đáo tới Bắc Kinh, nhà cầm quyền Hà Nội mới đặt mua 6 chiếc tàu ngầm từ Nga vào lúc quần chúng đả kích nhà nứơc ngày càng bị ảnh hưởng và lệ thuộc vào Trung quốc. Hãng tin Fox News thuật lời một số chuyên viên về chính sách đối ngoại nói rằng căn cước của nước Việt Nam gắn chặt vào ý tưởng chống Trung quốc. Và cái việc nhà cầm quyền mua 6 cái tàu ngầm là dấu hiệu sau cùng của một nước với 87 triệu người lo ngại vấn đề “hán hóa”.

“Nhà cầm quyền CSVN cam kết bình thường hóa với Trung Quốc nhưng không một người nào ở Việt Nam lại nằm ngủ với hai mắt nhắm lại khi nghĩ đến nước Tàu.” Brantly Womack, giáo sư về quan hệ ngoại giao ở Ðại học Virginia. “Một phần lớn căn cước yêu nước của Việt Nam là chống sự xâm lăng từ Trung Quốc.”

Việt Nam mua 6 tàu ngầm của Nga trị giá $1.8 tỉ USD, loại Kilo, là một đơn đặt hàng cỡ lớn đối với một nước nhỏ, cố gắng để sinh tồn trong khi ngân sách quốc phòng ước tính chỉ khoảng $3.6 tỉ USD, theo tạp chí quốc phòng nổi tiếng thế giới Jane's Intelligence Review.


Tàu ngầm loại kilo-class sẽ được nhà cầm quyền Hà Nội
đặt mua 6 chiếc từ Nga với giá $1.8 tỉ USD.

Trong khi không phải là cuộc chạy đua võ trang tiêu biểu, hành động nói trên hiểu khá rõ là phản ứng lại sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Ðiều này bao gồm cả việc Trung Quốc thành lập căn cứ tàu ngầm mới ở đảo Hải Nam, nằm trấn bên ngoài vịnh Bắc phần của Việt Nam.

Sự đối kháng có rất nhiều bằng chứng mà những tuần lễ gần đây có các chuyện người dân Việt Nam phản đối việc để cho người Trung Quốc khai thác bauxite gây đại họa ở Tây Nguyên. Việt Nam là một trong những nơi có trữ lượng quặng bauxite nhiều nhất thế giới, thành phần chính để luyện ra nhôm, một thứ kim loại mà Trung Quốc rất cần để phục vụ kỹ nghệ xây cất.

Việc nhà cầm quyền CSVN để cho công ty quốc doanh Trung Quốc khai thác bauxite đã tạo ra một làn sóng chống đối bên trên cả sự quan ngại về sự tàn phá môi trường. Họ còn nêu ra những sự âu lo về ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Tướng Võ Nguyên Giáp, công thần hàng đầu của chế độ, đã hơn một lần nêu ý kiến chống lại việc khai thác bauxite. Hồi đầu năm ông đã gửi thư cho Nguyễn Tấn Dũng rồi ngày thứ năm mới đây ông đã nhắc lại khi Dũng đến chúc thọ cho ông tướng già.

“Khu vực này quan trọng chiến lược đối với đất nước về mặt an ninh quốc phòng không những chỉ cho Việt Nam mà cho cả Ðông Dương.” Ông Giáp nói với Nguyễn Tấn Dũng.

Một số nhà phân tích thời sự khu vực nói rằng sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam lên xuống từng thời kỳ. Cuộc khủng hoảng tài chính để lộ ra một số những tranh chấp đặc biệt là tranh giành đầu tư ngoại quốc.

“Ngay vào lúc này thì tôi không thấy có dấu hiệu thay đổi căn bản nào dẫn đến sự đối đầu.” Ken Lieberthal, một học giả về chính sách đối ngoại của Viện Khảo Cứu Brookings Institution nhận xét. “Tôi thấy luôn luôn có một mức độ giới hạn nào đó trong sự tin cậy lẫn nhau”.

Bề ngoài thì người ta thấy khi các lãnh tụ hai bên khi gặp nhau đều đem các khẩu hiệu “16 chữ vàng” và “4 tốt” ra để ca ngợi.

Việt Nam và Trung Quốc từng kình chống nhau qua 3 ngàn năm, gần đây nhất là trận chiến biên giới xảy ra năm 1979 với hàng chục ngàn người chết. Nhưng Trung Quốc viện trợ cho CSVN trong trận chiến chống Pháp và sau này nhuộm đỏ miền Nam.

Sự hợp tác đồng chí cộng sản anh em tan biến nhanh chóng khi CSVN nuốt trọn được cả nước và nghiêng về phía Nga vào những năm cuối thập niên 70. Lieberthal cho rằng cái rắc rối chính giữa Việt Nam và Trung Quốc nằm ở sự tranh chấp chủ quyền về biển Ðông và nguồn nước.

Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đập ngăn chặn dòng nước sông Mekong, huyết mạch nuôi sống đồng ruộng miền Nam. Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia bắt nguồn từ Tây Tạng.

“Hành động ngăn chặn dòng nước ảnh hưởng đến tất cả mọi người sống dọc theo sông Mekong.” Lieberthal nói. “Nếu người ta nói đến thắng thua, Trung Quốc đang ở vị thế thắng trong khi thiệt hại vô cùng lớn đối với Việt Nam và các nước khác có dòng sông Mekong chảy qua.”

Cả hai nước cũng đang tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà người ta tin là các vùng có một trữ lượng dầu khí quan trọng.
Chuyên viên quốc phòng tin rằng việc CSVN mua 6 tàu ngầm Kilo-Class có biệt danh là “Lỗ Ðen” (do hải quân Mỹ đặt) nhờ nó có khả năng tránh bị khám phá. Nó có nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm cũng như chống tàu mặt nước. Chúng sẽ giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở biển Ðông và chống lại sự xâm nhập suốt dọc bờ biển dài hơn 3 ngàn cây số.

Viên chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hững hờ bình luận về những sự căng thẳng trong khu vực hay về vụ Hà Nội mua tàu ngầm.

“Chúng tôi nói chuyện với các diễn viên của khu vực, kể cả Trung Quốc và Việt Nam trên căn bản tiếp xúc thường xuyên về những diễn biến của khu vực.” Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ, Gordon Duguid, nói. “Không có gì hữu ích để phỏng đoán về những việc mua bán quân sự của nước khác.”

Vietnam Orders Fleet of Russian Subs, Sending Message to China
Fox News
Thursday, May 07, 2009
By Joseph Abrams

---------------
Luật về quyền được thông tin của người dân1Nguyễn Quang A

Quyền được thông tin là một quyền hiến định của công dân. Điều 69 của Hiến pháp hiện hành (1992) của Việt Nam nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”.

Các quyền hiến định này phải được quy định bằng các luật cụ thể. Hàng chục năm sau khi hiến pháp được thông qua vẫn chưa có các luật như vậy về các quyền được hiến định này. Đã có luật báo chí, nhưng đấy không phải là luật về quyền tự do báo chí được nêu trong hiến pháp. Các luật và quy định liên quan đến các quyền khác cũng như vậy. Đấy là một món nợ lớn của cơ quan lập pháp với nhân dân, với đất nước. Để xây dựng nhà nước pháp quyền, để đạt mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh” cơ quan lập pháp phải tập trung làm ra các bộ luật cơ bản tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiều người, trong đó có người viết này, đã đề xuất phải sớm có các luật về các quyền được hiến định. Nghe nói đang có dự án xây dựng luật về quyền được thông tin của người dân. Đã quá muộn, nhưng muộn còn hơn không.

Thông tin là tài sản, là nguồn lực. Quyền sở hữu thông tin là một quyền tài sản. Có thông tin riêng tư thuộc về một người, một tổ chức, do họ sở hữu. Quyền sở hữu thông tin cũng như tính riêng tư của thông tin phải được pháp luật bảo vệ. Cũng có những thông tin mà chủ sở hữu công bố công khai và tất cả mọi người đều có thể sử dụng.

Công dân (kể cả các tổ chức có tư cách pháp nhân) phải có quyền nhận được thông tin liên quan đến, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, hoạt động của họ. Thông tin đó có thể là về một công ty, về một tổ chức, thậm chí về một cá nhân (như lai lịch tư pháp, lai lịch tín dụng của một người). Có những thông tin mang tính riêng tư mà không ai có quyền xâm phạm nếu không được người chủ cho phép. Nhưng có những thông tin về một tổ chức, một cá nhân có thể ảnh hưởng đến những người khác thì phải có cơ chế, quy tắc cho những người có thể bị ảnh hưởng có thể tiếp cận đến. Thí dụ người cho vay cần có thông tin về lai lịch tín dụng của người đi vay. Tổ chức tốt một hệ thống thông tin tín dụng như vậy là một điều kiện cần cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, phần tiếp theo trong bài viết này chỉ đề cập đến thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Nhà nước là “của dân, do dân và vì dân” nên công dân phải được thông tin trung thực kịp thời về hoạt động, chính sách, chủ trương của các cơ quan nhà nước, của các cơ quan “của mình”, “vì mình”. Đấy là quyền của công dân, họ có quyền đòi hỏi (chứ không phải xin) cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và các cơ quan nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp (chứ không phải ban phát). Đấy là nguyên tắc. Chừng nào người dân, các tổ chức, các cơ quan nhà nước chưa thấu hiểu và thực hành tốt nguyên tắc này thì chẳng bao giờ quyền hiến định được đảm bảo đầy đủ.

Người ta có thể vin vào các lý do an ninh quốc gia, bí mật nhà nước để hạn chế việc cung cấp thông tin. Phải quy định rõ, rành mạch những vấn đề này cũng như thời hạn “giải mật” và các thủ tục rõ ràng nhằm ngăn chặn các quan chức nhà nước và cơ quan nhà nước sự lạm dụng các lý do “an ninh quốc gia” hay “bí mật quốc gia”. Ngoài các thông tin “mật” được quy định rất rõ ràng này, với thời hạn “giải mật” cụ thể mà người dân chỉ có thể tiếp cận được một cách gián tiếp thông qua các đại diện (được bầu hay được bổ nhiệm) có thẩm quyền của mình (các ban của quốc hội chẳng hạn) trước thời hạn “giải mật” thì người dân phải được quyền tiếp cận đến tất các thông tin khác của các cơ quan nhà nước. Cách tiếp cận có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách công khai (càng nhiều càng tốt) hay được tiến hành theo những thủ tục rất đơn giản, dễ dàng đối với mọi công dân (phạm vi của loại thứ hai này càng hẹp càng tốt).

Có quy định rõ ràng thì việc thực thi mới nghiêm túc và người dân mới có thể giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và quan chức nhà nước một cách hữu hiệu. Phải buộc các quan chức và viên chức nhà nước, cả ở trung ương lẫn địa phương, chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép, đồng thời giáo dục công dân rằng họ có quyền làm bất cứ thứ gì mà pháp luật không cấm. Có sự bất đối xứng (tự do hơn cho người dân, hạn chế hơn đối với quan chức và cơ quan nhà nước) ở đây giữa người dân và quan chức. Có những loại thông tin đối với người dân thường là thông tin riêng tư, nhưng đối với quan chức cũng thông tin ấy lại phải công khai (hoặc phải khai báo và bất cứ ai quan tâm có thể tiếp cận được). Chỉ những người chấp nhận sự bất đối xứng được luật hóa này mới có thể làm việc trong bộ máy nhà nước (tức là nếu vi phạm phải bị kỷ luật và có thể bị sa thải). Làm được vậy thì họ mới thực sự là “công bộc” của dân, mới thực sự “phục vụ” dân. Nhưng nếu thế, ai dại gì mà đi làm quan chức? Đổi lại họ có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá, được coi trọng, được vinh danh, v.v. Tất cả những thứ đó phải được luật hóa. Nếu không được luật hóa một cách rõ ràng và thực thi một cách nghiêm minh thì tham nhũng tràn lan và việc chống tham nhũng không có kết quả, không có nhà nước trong sạch và đất nước không thể phát triển lành mạnh được.

Có loại thông tin mà các cơ quan nhà nước thu thập hay đưa ra về các công dân của mình (kể cả về các tổ chức có tư cách pháp nhân) thí dụ như thông tin về điều tra dân số, nhận xét của công an hay cơ quan thi hành pháp luật khác, v.v. Những thông tin đó phải được công khai, hay chí ít phải cho các đương sự (hay người đại diện của họ như luật sư chẳng hạn) biết và có ý kiến phản hồi một cách công khai nếu họ muốn. Đó cũng là một khía cạnh quan trọng của quyền được thông tin và phải được luật hóa. Chỉ có thế thì thông tin mới chính xác hơn, đỡ méo mó. Chỉ có thế mới hạn chế được sự lạm dụng quyền lực, mới có thể vạch mặt những kẻ “ném đá dấu tay”. Chỉ có thế mới làm cho pháp luật được nghiêm minh và góp phần củng cố niềm tin, đỡ gây tâm lý nghi kỵ. Thông tin chính xác, pháp luật nghiêm minh, niềm tin được củng cố đó là những nhân tố tối quan trọng cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

Còn nhiều khía cạnh khác của luật về quyền được thông tin của công dân mà do hạn chế về độ dài nên bài này chưa thể đề cập đến. Hy vọng có thể tiếp tục thảo luận một cách xây dựng và công khai.

Nguyễn Quang A

1 Báo Lao Động cuối tuần số 6 từ 6-8/2/2009 đã đăng bài này dưới nhan đề “Quyền được thông tin của người dân”, song cũng đã cắt bỏ đoạn thứ nhì và vài câu chữ khác. Đây là bản gốc tác giả gửi cho Diễn Đàn.

Trường đại học công lập sẽ thành công ty cổ phần?

Đó là ý kiến của TS Vũ Thành Tự Anh, giám đốc Chương trình Fulbright với dự thảo cổ phần hóa trường học vừa được đưa ra.

Nếu các trường công lập được thực hiện cổ phần hóa theo chương trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, thì đó một mặt, đó là sự từ chối trách nhiệm của Nhà nước; mặt khác, sẽ biến trường ĐH thành một hội buôn, trong đó, hội đồng quản trị thay thế hội đồng trường, người có tiền chứ không phải người có tri thức sẽ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của trường”, ông Tự Anh nói. (VietNamNet, 5/5)

TS Nguyễn Quang A gay gắt: “Đây là một chủ trương sai lầm. Do nhầm lẫn nhiều thứ nên người ta nghĩ biến trường học thành công ty cổ phần thì sẽ huy động được tiền bạc của các nhà đầu tư và sẽ giải quyết được các vấn nạn nhức nhối của hệ thống giáo dục” (Sài Gòn Giải Phóng, 6/5)

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội), thì lại cho rằng: "Giáo dục là khoản đầu tư chứ không ai cho không tri thức cả. Cổ phần hoá sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho giáo dục". (VietNamNet, 4/5)

Quan điểm của TS Trần Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Chính sách công (Bộ Tài chính), hiện là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, cũng vừa đưa ra nhận định đáng lưu tâm không kém: “Cái mới chưa làm thì có tâm lý rất sợ. Bất cứ sự chuyển đổi nào cũng có tính 2 mặt. Nhưng nếu không chuyển đổi, vẫn tồn tại như bây giờ thì giáo dục ĐH chẳng có gì mới cả" (!).

Tổng số lượt xem trang