VnExpress : "Tôi cho rằng, trong giai đoạn nhất định, dự án cũng có thể có một số sơ suất, chúng ta không nên phóng đại vấn đề nhưng phải nói ra để không lặp lại", Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nghiêm Vũ Khải trao đổi với báo chí.
> Kiến nghị Quốc hội giám sát dự án bô xít
- Sau chuyến thị sát dự án bô xít tại Tây Nguyên, vấn đề nào khiến ông quan tâm nhất?
- Trong quá trình khai thác chế biến quặng bô xít vấn đề lo ngại nhất là bùn đỏ - chất thải nguy hại trong quá trình chế biến alumina. Ngoài ra cũng có lo ngại việc triển khai dự án ảnh hưởng đến đa dạng sinh học vì khai thác quặng bô xít lộ thiên chiếm khá nhiều diện tích. Tất nhiên chủ đầu tư là Tập đoàn Than khoáng sản VN đưa ra phương án khai thác từng khu vực sau đó hoàn thổ rồi tiếp tục làm chỗ khác.
Ông Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: Việt Anh. |
- Một số nhà khoa học bày tỏ lo ngại tác động mội trường khi chọn công nghệ Trung Quốc - vốn chưa phải là tiên tiến nhất. Vấn đề này được Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường xem xét đến như thế nào?
- Công nghệ đúng là của Trung Quốc nhưng theo tôi được biết bản quyền công nghệ cũng thuộc loại tiên tiến. Tôi nghĩ với khoản tiền 400-500 triệu USD và ở vị trí môi trường nhạy cảm như vậy thì phải mua công nghệ hạn chế tối đa ảnh hưởng của chất thải. Chủ đầu tư (Tập đoàn Than khoáng sản VN) cũng cam kết giám sát, tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ tiên tiến.
- Hiện một số nước trong đó có Trung Quốc đã ngừng khai thác bô xít do lo ngại tác động môi trường, trong khi chúng ta lại chuẩn bị khai thác. Điều này đặt ra cho ông suy nghì gì?
- Trung Quốc đã đóng cửa mấy chục mỏ và các cơ sở khai thác chế biến. Tuy nhiên, mỗi nơi có điều kiện khai thác khác nhau (trữ lượng, quy mô) hoặc các mỏ ở Trung Quốc đã quá ngưỡng về ô nhiễm môi trường. Về phía Việt Nam, chúng ta cần phải phân tích thông tin đó để có cách ứng xử hợp lý, tính toán hiệu quả tổng hợp.
Rõ ràng làm kinh tế thì phải có hậu quả về môi trường. Đất nước ta bây giờ không đến mức quá nghèo, cho nên phải tính toán đủ khả năng khống chế ô nhiễm thì làm, nếu không thì không triển khai.
- Thưa ông, để triển khai sản xuất alumina - nhôm cần nhiều điện, nước trong khi nguồn cung đang thiếu. Bài toán này sẽ được giải như thế nào?
- Sản xuất nhôm cần rất nhiều điện nên trong quy hoạch không đặt vấn đề sản xuất nhôm cho đến năm 2015, nhưng để sản xuất alumina (giai đoạn tiền chế biến nhôm) thì không cần nhiều điện lắm.
Tuy nhiên, để dự án khai thác quặng bô xít hiệu quả cần rất nhiều yếu tố, phải gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ví dụ xây dựng tuyến đường sắt nối khu vực sản xuất với cảng biển. Đường sắt đó không chỉ phục vụ cho khai thác bô xít mà phục vụ chung cho phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Nguồn vốn xây đường giao thông không tính vào từ kinh phí dự án khai thác bô xít mà từ vốn phát triển kinh tế xã hội, vốn ODA...
Vấn đề thứ hai là phải hoàn thiện nhà máy điện nguyên tử, nhiệt điện, thủy điện. Khi nguồn điện dồi dào, giá rẻ thì làm nhôm giá rẻ và có lãi. Rồi vấn đề công nghệ, chúng ta phải tiến đến làm chủ được chuyển giao công nghệ. Khi có đủ các điều kiện thì việc khai thác bô xít sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội khu vực và ngược lại.
- Theo như ông nói, dự án sẽ thuận lợi nhất khi chúng ta hội tụ đủ các các điều kiện về công nghệ, giao thông, nguồn điện... Vậy triển khai thời điểm dự án bô xít Tây Nguyên vào thời điểm nào là hiệu quả nhất?
- Hiện, chúng ta nên triển khai 1-2 dự án với quy mô hợp lý, phù hợp với ngân sách, điều kiện giao thông, yếu tố môi trường. Trong quá trình chúng ta thực hiện, rút kinh nghiệm, trưởng thành lên cũng là lúc các yếu tố cần thiết hội tụ. Theo tôi năm 2015 nếu khai thác quy mô lớn sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn.
Tôi cho rằng, trong giai đoạn nhất định, dự án nhất định cũng có thể có một số sơ suất, chúng ta không phóng đại vấn đề nhưng phải nói ra để không lặp lại. Đó là thái độ tích cực. Việc tuyên truyền cần phải tránh 2 khuynh hướng, thứ nhất là thiếu trách nhiệm với vấn đề bảo vệ môi trường, liên quan đến đất nước; thứ hai là phóng đại gây căng thẳng không cần thiết
- Thời gian qua, chủ trương khai thác bô xít đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, nhà khoa học và cử tri. Ông nghĩ gì trước đề xuất Quốc hội nên vào cuộc giám sát việc triển khai dự án?
- Tôi đã đi thị sát Tây Nguyên 10 ngày, đọc rất kỹ quy hoạch dự án bô xít và tham dự nhiều hội nghị. Sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, nhà khoa học về vấn đề này rất lớn. Chính phủ nên chỉ đạo Bộ Công thương lập báo cáo môi trường chiến lược, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ thẩm định đánh giá. Trước tiên, các cơ quan của Chính phủ làm đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư.
Nếu Chính phủ có báo cáo riêng về đề án bô xít, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công các ủy ban có trách nhiệm thẩm tra dự án. Hiện, chúng tôi chưa nhận được quyết định phân công nào vì chưa có báo cáo của Chính phủ.