Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

Thâm hụt ngân sách của VN có thể lên tới gần 10% GDP

Thâm hụt ngân sách của VN có thể lên tới gần 10% GDP

20/05/2009
Kho bạc nhà nước Việt Nam đã không thể huy động được thêm ngân sách thông qua việc phát hành trái phiếu trong năm nay, khiến nhiều người quan ngại về việc Hà Nội sẽ làm cách nào để bù vào khoản thâm hụt ngân sách có thể lên tới gần 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo bản tin hôm thứ Tư của Reuters thì trong một nỗ lực nhằm đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn kinh tế đã khiến tỉ lệ tăng trưởng GDP trong quí đầu giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua, chính phủ đã loan báo một gói kích cầu kinh tế trị giá khoảng 8 tỉ đô la. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đã khiến các nguồn thu chính như nguồn thu từ dầu thô và thuế giảm mạnh, làm dấy lên quan ngại là làm thế nào để có thể bù đắp vào sự thiếu hụt này.

Ông Benedict Bingham của Quĩ Tiền tệ Quốc Tế cho rằng cần có một số điều chỉnh trong chiến lược tài khoá trong năm 2009 để kiềm chế mức thâm hụt và đảm bảo sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Cho tới thời điểm này thì Hà Nội mới bán được 236 triệu đô la trái phiếu với cả hai loại mệnh giá tiền đồng và tiền đô la, con số này chỉ chiếm một phần nhỏ so với mục tiêu huy động ngân sách của chính phủ là 3,11 tỉ đô la, theo như số liệu của báo Nhân Dân hồi tháng Ba. Một loạt các đợt đấu thầu trái phiếu đã không thành công trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước giảm 20% xuống còn 86,27 ngàn tỉ đồng trong quí một năm nay. Ông Khalil Belhimeur, nhà chiến lược về thu nhập cố định của ngân hàng Standard Chartered cho rằng vấn đề khó khăn nhất là Việt Nam có thể duy trì được mức thiếu hụt này trong bao lâu và rõ ràng là Việt Nam đang cần thêm ngân sách. Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng chính phủ đang phải đối mặt với một vụ khủng hoảng ngân sách. Phân tích gia Kim Eng Tan của tổ chức Standard & Poor's ước tính rằng khoảng 1/5 ngân khoản trong gói kích cầu 8 tỉ đô la đã được đưa vào ngân sách hoặc không cần phải chi ngay tiền mặt vào lúc này. Trưởng Đại diện Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi nói với hãng thông tấn Reuters rằng Việt Nam cũng có thể huy động thêm khoảng 1 tỉ đến 1,5 tỉ đô la từ các nước cấp viện hoặc đẩy nhanh quá trình giải ngân những khoản cấp viện đã có sẵn. Ông cũng nói thêm rằng hầu hết các biện pháp trong gói kích cầu kinh tế là những biện pháp tạm thời và sẽ không có ảnh hưởng nhiều trong tương lai. ADB cũng dự báo mức thâm hụt trong năm tới sẽ là 5%. Ông nói rằng ADB không thực sự lo ngại lắm về tình trạng thâm hụt ngân sách của Việt Nam, tuy nhiên chắc chắn là cần phải có sự quản lý tài chính thận trọng hơn.
----------
ADB ký thỏa thuận tài chính với 8 ngân hàng Việt Nam
(Dân trí) - Ngày 20/5, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký thỏa thuận tài chính với 8 ngân hàng của Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại.
Các thỏa thuận được ký kết vào thời điểm cuộc khủng hoảng toàn cầu đã khiến nhiều tổ chức tài chính ngày càng hạn chế cho vay do cần bảo toàn nguồn vốn của mình. Việc nhiều ngân hàng không thể hỗ trợ tài chính cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp sẽ làm trầm trọng và kéo dài thêm tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là một vấn đề mà các quốc gia Châu Á có hoạt động xuất khẩu tích cực như Việt Nam đang gặp phải.
Theo ADB, thâm hụt thương mại của Việt Nam ở mức 12,379 tỷ USD vào năm 2009, sau khi đạt mức 12,782 tỷ USD vào năm 2008. Thâm hụt thương mại có thể giảm xuống 11,833 tỷ USD vào năm 2010. Thâm hụt tài khoản vãng lai được dự đoán sẽ tăng từ mức 9,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2008 lên mức 11,5% trong năm 2009 và mức 9,7% trong năm 2010.
----------

Quốc hội đồng ý điều chỉnh 4 chỉ tiêu kinh tế

Bốn chỉ tiêu tinh tế được UBKT Quốc hội tán thành điều chỉnh là chỉ tiêu GDP, tỷ lệ bội chi ngân sách, chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và chỉ số lạm phát.
Cụ thể, 4 chỉ tiêu xin điều chỉnh là chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ 6,5% còn 5,0%, bội chi ngân sách tối đa 8,0% (chỉ tiêu trước là 5%), chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống 3%, điều chỉnh chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống dưới 10% (tức là khống chế ở mức một con số).Ủy ban Kinh tế Quốc hội tán thành điều chỉnh 4 chỉ tiêu kinh tế và phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu.
Về bội chi ngân sách, UB Kinh tế cho rằng, còn một số khoản chi chưa được tính vào cân đối ngân sách, ví dụ nguồn vốn phát hành trái phiếu, nguồn tạm ứng ngân sách... Do đó, thực tế, tỷ lệ bội chi sẽ còn cao hơn.
Chi ngân sách nhà nước đạt 28,2% kế hoạch cả năm, tăng 3,3% so cùng kỳ. Giá cả thị trường 4 tháng đầu năm tương đối ổn định; so với tháng 12/2008, giá tiêu dùng tháng 4 tăng 1,68% (cùng kỳ năm trước tăng 11,67%) và 4 tháng đầu năm tăng 13,14% so cùng kỳ năm 2008.Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo phân tích làm rõ cơ sở và tính thực tế của việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5% để Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong khi đó, Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc phát hành 20000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trong bối cảnh không thể cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển, Chính phủ dự kiến mức hụt thu ngân sách vào khoảng 29.000-63.000 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội thông qua, nâng tổng mức bội chi ngân sách lên khoảng 116.300- 150.300 tỷ đồng, tương đương 6,4-8,3% GDP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, còn một số khoản chi chưa được tính vào cân đối ngân sách, ví dụ nguồn vốn phát hành trái phiếu, nguồn tạm ứng ngân sách... Nếu tính hết các khoản, bội chi ngân sách còn cao hơn.Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với ý kiến đề xuất của Chính phủ cho rằng về việc điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng từ mức 15% xuống dưới 10% tức là xuống mức 1 con số.
-------------------
Hàng hóa tiêu dùng đồng loạt tăng giá

Việc điều chỉnh giá xăng dầu lên thêm 500 đồng mỗi lít vào ngày 8/5, cùng với giá điện tăng đã đội chi phí tiêu dùng lên cao. Theo đó, những nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại các chợ đã bắt đầu tăng giá.
Lý do tăng giá những mặt hàng tiêu dùng là do mức giá bán buôn tại các chợ đầu mối tăng và phát sinh trong quá trình vận chuyển về các chợ nhỏ bán lẻ.Những người bán hàng cho biết, từ khi xăng tăng giá, họ phải bù thêm chi phí vận chuyển, nếu không tăng giá bán thì sẽ không có lãi nữa.Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng giá bán là do lượng hàng về chợ giảm, phù hợp quy luật cung cầu.Tại các siêu thị, trong tháng 6 tới đây, hàng loạt sản phẩm cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 7-10%.
----------
Vốn hỗ trợ lãi suất đang chảy vào chứng khoán?
(Toquoc)- Không doanh nghiệp nào công khai thừa nhận, bởi khác chi “chui đầu vào rọ” trước lệnh cấm của Chính phủ?
Một nhà doanh nghiệp nhìn nhận: Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang có tâm lý tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất rẻ, có thể đầu tư một phần vốn vay vào đầu tư chứng khoán vì giá chứng khoán cũng đang rẻ và nếu lựa chọn tốt có thể mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với kinh doanh.
Nhà doanh nghiệp này phân tích: nếu chịu khó để ý sẽ thấy một thực tế, thời gian triển khai vay vốn hỗ trợ lãi suất chưa nhiều thế nên hiệu quả sản xuất cũng khó có ngay được, trong khi đầu tư chứng khoán thì khác- lãi có thể tính bằng ngày.
Có thể nói, đến lúc này cũng chưa ai dám khẳng định hoặc đưa ra bằng chứng “không thể chối cãi” về việc sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất vào đầu tư chứng khoán, nhưng, những phân tích, lý giải của các chuyên gia và nhà doanh nghiệp hẳn không phải không có lý.
Người viết bài này thiển nghĩ, dẫu sao những lời cảnh báo đó cũng không thừa!
----------------
Dân sống sao hở trời ....

Tổng số lượt xem trang