-
Kinh điển - Sử Việt Nam: Beyond Betrayal Beijing, Moscow, and the Paris Negotiations, 1971–1973 (Journal of Cold War History Spring 2009) -- Ai phản bội Việt Nam? ◄◄
-
Lãnh đạo nước ngoài và các chuyến công du Việt Nam (blog Dongsongxanh 25-5-09) -- Đón tiếp lãnh đạo Trung Quốc thì như thể "con đón cha" ◄ (theo THD)
(Bài trước: Lãnh đạo nhà nước và các chuyến công du ngoại quốc)
Có lẽ lãnh đạo nước ngoài thăm Việt Nam ít chuyện để kể hơn, bởi tính chuyên nghiệp cũng như sự chuẩn bị chu đáo ở phía bạn. Chuyện tiếp đón không có gì nổi cộm, nếu có thì chỉ là những câu chuyện hài hước hoặc vui vẻ mà thôi. Có chăng là người anh em Trung Quốc môi hở răng lạnh với mấy bác lãnh đạo Đảng Cộng sản nhà ta là hay có vấn đề. Dongsongxanh chỉ tạm kể câu chuyện gọi là có tính kịch một chút chủ yếu tập trung xoay quanh chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc để mọi người cùng tỏ.
Lãnh đạo cấp cao nhà nước Trung Quốc thăm Việt Nam thì khỏi cần nói mức độ lễ nghi thế nào rồi, điều đó là đương nhiên như thể con đón cha. Dongsongxanh chỉ kể ở cấp thấp hơn một chút để xem nó có phải vì thế mà giảm bớt đi không.
Người Việt Nam ta, nói đúng hơn là những người lãnh đạo giữ trọng trách cấp cao không hiểu có phải là giống duy tình hay duy lý hay là do yếu tố nào khác, phàm đã là nguyên tắc thì không được phép xâm phạm. Thế nhưng đôi khi cái nguyên tắc ấy lại bị phá vỡ bởi những điều tưởng chừng như không thể.
Xin kể câu chuyện này làm một ví dụ minh chứng.
Theo thông lệ luân phiên giữa các nước thành viên của Tổ chức…, năm đó, phía chủ nhà Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế thường niên lớn, mời hàng chục quan chức cấp cao các nước tham dự. Hội nghị được tổ chức tại 2 nơi là Hà Nội và tỉnh X. Tất nhiên phía Trung Quốc cũng cử đoàn tham gia. Trưởng đoàn là một nhân vật vai vế trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc, tuy cấp bậc chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng thực tế có sức ảnh hưởng lớn, bởi ủy viên thì cũng có 5, 7 đường ủy viên.
Trước đó, phía Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc đã có nhiều buổi làm việc cụ thể, trực tiếp để đi đến thống nhất chương trình bố trí đón tiếp cho đoàn trong thời gian tham gia hội nghị và thăm các địa phương của Việt Nam.
Ngày đón đoàn, theo dự kiến 10h đêm máy bay hạ cánh sân bay Nội Bài. Ban đón tiếp phía chủ nhà Việt Nam đã tới đó 2 trước tiếng, cùng với sự có mặt của cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc. Những tưởng mọi chuyện đều tốt đẹp, chỉ đợi đoàn xuống máy bay đưa về khách sạn là kết thúc nhiệm vụ. Thế nhưng vấn đề lại phát sinh ngay chính thời điểm này.
Trong lúc cán bộ phía Việt Nam và phía Trung Quốc gặp gỡ tại sân bay, Tham tán chính trị Chu Văn Nhuệ của Đại sứ quán Trung Quốc (hiện đã nghỉ hưu) có đến chào hỏi và trao đổi xã giao với cán bộ ta. Những câu chuyện vãn vu vơ ngoài xã hội cũng chỉ nhằm để giết thời gian chờ đợi, rồi cuối cùng đành quay lại công việc xoay quanh việc tiếp đoàn và hỏi về việc bố trí cho ông Trưởng đoàn nghỉ tại phòng nào ở khách sạn 5 sao Daewoo Hà Nội. Khi được thông báo Trưởng đoàn sẽ nghỉ tại một phòng tiêu chuẩn Deluxe thì tay tham tán này đã sa sầm mặt mày và bày tỏ sự tức giận. Mặc cho cán bộ phía Việt Nam đã giải thích rõ tiêu chuẩn bố trí phòng ốc, phương tiện đi lại cho đoàn đều căn cứ theo tiêu chuẩn cấp bậc tương ứng thể hiện rõ trong qui định của Bộ Tài chính Việt Nam (trước đó phía Trung Quốc cũng đã đồng ý với việc bố trí này).
Tuy nhiên, mặc kệ những lời giải thích thấu tình đạt lý này, tay tham tán chính trị quyết không đồng ý và yêu cầu phải được đổi sang tiêu chuẩn phòng Suite (phòng rất cao cấp). Tại thời điểm đó phòng Deluxe có giá tiền là 1,8 triệu VND/đêm, phòng Suite có giá trên 2,5 triệu VND/đêm (nếu chuyển sang phòng này thì đã vi phạm qui định của Bộ Tài chính). Cuộc nói chuyện càng lúc càng căng thẳng, thậm chí tay tham tán không nghe bất cứ lời giải thích nào nữa, mặt mày đỏ tía tai như muốn nuốt sống cán bộ ta. Một mực khăng khăng đòi phải đổi sang căn phòng trên với lý do Trưởng đoàn Trung Quốc mặc dù chỉ là Ủy viên Trung ương, nhưng cấp bậc tương đương với Phó Thủ tướng. Tình thế phát sinh bất ngờ buộc cán bộ phía Việt Nam phải gọi điện gấp về xin ý kiến lãnh đạo cấp trên, bởi nếu cứ tiếp tục thế này sẽ gây ra những xung đột ngoại giao không cần thiết.
Cuối cùng lãnh đạo Việt Nam cũng đành phải chiều ý phía Đại sứ quán Trung Quốc, chấp nhận chuyển đổi sang phòng Suite cho yên chuyện.
Thế nhưng tình trạng cháy phòng khách sạn tại Việt Nam, đặc biệt là tại các khách sạn 5 sao rất hay xảy ra, và hôm đó cũng vậy. Mọi thỏa thuận với khách sạn đã lên kế hoạch từ trước, các phòng Suite cũng đều đã có khách ở, giờ không lẽ lại đuổi khách ra khỏi phòng giữa đêm khuya để giành cho ông kia sao được. Vậy là sau khi cố gắng thương lượng với phía khách sạn Daewoo, đành hứa với phía Trung Quốc sẽ đổi cho phòng khác ngay ngày hôm sau. Thế mới được yên thân với ông bạn vàng của đảng ta.
Sáng hôm sau, theo kế hoạch phía Việt Nam tới khách sạn để đổi phòng cho Trưởng đoàn và đón đoàn đi làm việc, và ngày hôm đó cũng lại tiếp tục những diễn biến bất ngờ. Vẫn lại là phía Đại sứ quán Trung Quốc và tham tán Chu Văn Nhuệ. Lần này vấn đề phát sinh không phải là phòng ốc nữa mà là chuyện lực lượng bảo vệ an ninh và xe cảnh sát dẫn đường. Vẫn biết rằng với Việt Nam thì Trung Quốc luôn được nâng cấp lễ tân đón tiếp, và đoàn này cũng không nằm ngoại lệ khi bố trí 2 sĩ quan an ninh tiếp cận bảo vệ. Thế nhưng phía Trung Quốc chưa vừa ý, bởi cho rằng ngoài hai sĩ quan tiếp cận này còn cần một đội ngũ an ninh bảo vệ 24/24 tại phía ngoài phòng Trưởng đoàn tại khách sạn. Ngoài ra, đối với đội xe cảnh sát dẫn đoàn ban đầu, còn phải bố trí thêm 1 ô tô cảnh sát hộ tống và xe máy cảnh sát giao thông bảo vệ khóa đuôi. Đây quả là những yêu cầu vô lý và quá đáng, bởi xét theo tiêu chuẩn cấp bậc, cũng như đã ưu tiên nâng cấp lễ tân thì những yêu cầu tiếp theo đã vượt khung rất nhiều.
Cán bộ đoàn đã phải trình bày lý do với lãnh đạo cấp Vụ để xin ý kiến. Cũng bởi liên quan tới bên công an, không thuộc đơn vị cùng ngành thế nên lãnh đạo cấp Vụ cũng đã phải tiếp tục xin phép cấp cao hơn và trực tiếp gọi điện cho thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Khánh Toàn để xin ý kiến do tình thế đã rất gấp gáp. Và cuối cùng thì yêu cầu phi lý tiếp tục được Bộ Công an đáp ứng để làm vui lòng phía Trung Quốc.
Những tưởng mọi việc đã xong xuôi, thế nhưng vẫn lại những đòi hỏi nối tiếp đòi hỏi tưởng như không bao giờ hết. Ấy là chuyện xe ô tô cho Trưởng đoàn. Phía Việt Nam với sự nâng cấp nghi lễ đón tiếp đã bố trí một chiếc SsanYong Chairman 3 khoang sang trọng dành cho Trưởng đoàn (đây là chiếc xe nhập khẩu xịn nhất của Hàn Quốc), thế nhưng sau 2 hôm sử dụng thì phía Trung Quốc đã yêu cầu đổi sang xe khác với lý do khá hợp lý là giảm xóc xe… cứng, ngồi không thoải mái. Quá tam ba bận, và lần này cũng không khác hơn, một chiếc Mercedes 3 khoang từ Hà Nội điều xuống tỉnh X đã được thay thế để ngài Trưởng đoàn ngự cho êm ái. Đây là những đòi hỏi khá quá đáng và nổi bật, còn những yêu cầu nhỏ khác thì không kể hết, chỉ biết rằng một cán bộ Việt Nam có trách nhiệm tháp tùng đoàn với chiếc điện thoại sạc đầy pin kèm 1 pin phụ trong chưa đến 1 ngày đã dùng hết sạch chỉ để đón nghe các cuộc gọi từ phía Đại sứ quán Trung Quốc về những yêu cầu và kiến nghị của họ.
Quả đúng là phục vụ Trung Quốc không khác gì, thậm chí hơn cả phục vụ cha mẹ mình.
Còn những cuộc hội kiến, chào xã giao với các vị lãnh đạo nhà ta thì như nói trước đây, cứ học thuộc lòng 16 chữ và tinh thần 4 tốt là khiến thiên triều hài lòng thôi.
Nói qua đôi lời về Đại sứ quán Trung Quốc hiện nay, nói thẳng ra rằng đây chính là một ổ tình báo chiến lược của nhà nước Trung Quốc. Ngoài chức năng chính là cơ quan đại diện ngoại giao, nó có nhiệm vụ thu thập thông tin mọi mặt xã hội Việt Nam, đồng thời đánh giá mức độ suy nghĩ, biến động tình cảm, sự giao động ý chí của lãnh đạo nhà nước Việt Nam để kịp thời thông báo các động thái này cho phía lãnh đạo Trung Quốc nhằm điều chỉnh đối sách và cách hành xử. Bởi vậy, sau mỗi một sự kiện, mỗi một động thái nhỏ từ phía Việt Nam thì y như rằng chúng ta đều thấy một sự phủ dụ, đe dọa hoặc uy hiếp nào đó tương ứng từ phía Trung Quốc.
Với những nhiệm vụ lớn như vậy thì ở Đại sứ quán này tập trung toàn những nhân vật giỏi giang. Đại sứ Hồ Càn Văn, người thay ông Tề Kiến Quốc trong nhiệm kỳ trước là một người rất giỏi tiếng Việt. Hồ Càn Văn trước đây khi chưa làm Đại sứ tại Việt Nam là người theo đuổi chính sách cứng rắn đối với nước ta, tuy nhiên thái độ đó được thay đổi bằng kiểu mềm mỏng hơn để phù hợp với chính sách ngoại giao vừa ngầm đe dọa vừa phủ dụ hiện nay. Hồ Càn Văn mỗi khi dùng tiệc với lãnh đạo nhà nước Việt Nam thì thường không cần sử dụng phiên dịch, trực tiếp trao đổi, đặc biệt để thể hiện tình “đoàn kết” và lấy lòng lãnh đạo Việt Nam thì rất hay hát bài Quảng Bình quê ta ơi trong các buổi tiệc. Nếu ai chưa từng một lần tiếp xúc khi nghe thì rất dễ tưởng lầm đó là một ca sĩ ưu tú nào đó.
Từ trái sang phải: Người đứng ngoài cùng là Tham tán chính trị mới thay thế
Chu Văn Nhuệ, người đứng thứ 3, nguyên Đại sứ Hồ Càn Văn.
Bí thư thứ nhất Chu Đồng, sinh năm 1968, khóa trước làm bí thư tại Canada, tiếng Việt cũng vô cùng xuất sắc. Lấy vợ đã nhiều năm nhưng nhất quyết chưa chịu sinh con, đợi tới kết thúc kỳ công tại Việt Nam mới thực hiện kế hoạch này. Vẻ ngoài hiền lành, chất phác nhưng kỳ thực đầy mưu mẹo và bản lĩnh, qua nhiều cuộc làm việc với phía Việt Nam đã thể hiện điều này. Hỏi chuyện cho biết vì tính chất công việc bận rộn tại Việt Nam nên chưa có điều kiện và phải tạm gác kế hoạch này lại. Thế mới rõ người Trung Quốc quả có rất nhiều việc “phải làm” tại Việt Nam.
Từ phải sang trái: đứng ngoài cùng là Bí thư thứ nhất Chu Đồng.
Các bí thứ 2 như Trần Hồng, Lưu Chí, Lộ Lỗi tuổi đời chưa tới 30 nhưng cũng cực giỏi, nếu ta gặp gỡ nói chuyện thì sẽ không phân biệt được họ là người nước ngoài, hay đám nhân viên cấp thấp hơn ở phòng visa…thì khả năng tư duy, năng lực làm việc của đội ngũ này rất đáng khâm phục. Quả không hổ danh nước lớn.
Một số Đại sứ quán Việt Nam trên thế giới mà Dongsongxanh có dịp tiếp xúc thì chưa thấy có đội ngũ nào so được trên các phương diện với Đại sứ quán Trung Quốc, đặc biệt là về phương diện con người. Đa phần cán bộ, nhân viên làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam chỉ quan tâm tới cuộc sống cá nhân mà không chú trọng tới mục tiêu lớn hơn. Nhưng kể cũng phải vì họ cũng chán cái chế độ này lắm rồi, có cống hiến nữa thì cũng chỉ bảo vệ cho chế độ mục nát này kéo dài thêm mà thôi. Vậy thì bắt họ cống hiến thì cũng vì cái gì?
Thế nhưng nhìn vào tình cảnh đất nước ngày càng tụt hậu, thua kém so với thế giới mà lòng không khỏi cám cảnh và lo lắng. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì có lẽ sẽ nguy mất.
http://blog.360.yahoo.com/blog-E3O5ezo8eqhJy1OJkhW0qjAxaCb4tHLU2Zo-?cq=1&p=662