Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Đọc hồi kí Đất nước tôi của Nguyễn Bá Cẩn [2] (Nguyễn Đức Cung)

Những bài học tri hành rút ra từ lịch sử
(đọc hồi kí Đất nước tôi của Nguyễn Bá Cẩn)
Nguyễn Đức Cung

“...Nhìn chung, cuốn hồi ký Đất Nước Tôi của ông Nguyễn Bá Cẩn đã soi lại những tấm gương cũ về các bài học lịch sử trong hơn ba thập niên mà ông chứng kiến và dấn thân. Có những mặt đóng góp khá tích cực nhưng cũng có rất nhiều mặt tác phẩm chưa có những nhận định chính xác, phê phán vô tư...”

1
2

Thềm Lục Địa Ngoại Biên: So Sánh 2 Hồ Sơ VNCH-VNCS

Cựu Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn

San Jose (Vietastic.com): Cựu Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn, sau khi hoàn thành thủ tục đệ nạp hồ sơ về Thềm Lục Địa Việt Nam cho Liên Hiệp Quốc hôm 11-5-2009, và phê bình hồ sơ của CSVN là bỏ ngõ hải phận có thể giúp cho Trung Cộng thôn tính thêm lãnh hải và các quần đảo Việt Nam, đã vừa đột ngột từ trần vào khoảng 3:20AM đến 3:30AM ngày Thứ Tư 20-5-2009 nhằm ngày 26 tháng 4 năm Kỷ Sửu.

acrobat SoSanh2HoSoVNCH-VNCS.pdf (4 Mb)

Chung quanh vấn đề Việt Nam đăng ký “Thềm Lục Địa Ngoại Biên”

(Extended continental shelf)

Trần Bình Nam

Trước thế kỷ 20 ranh giới biển của các quốc gia có bờ biển (coastal states) gọi là lãnh hải chỉ trong khoảng 3 hải lý (giới hạn bởi tầm súng do sáng kiến của luật sư Cornelius van Bynkershoek người Hòa Lan). Vào đầu thế kỷ 20 nhiều quốc gia muốn nới rộng lãnh hải để rộng tay khai thác khoáng sản dưới đáy biển hoặc bảo vệ quyền đánh cá, và Hội Quốc Liên (League of Nations), tiền thân của Liên hiệp quốc hiện nay đã triệu tập một cuộc họp tại The Hague, thủ đô Hòa Lan để thảo luận. Nhưng không tìm ra giải pháp.

Năm 1945 tổng thống Truman của Hoa Kỳ đơn phương tuyên bố quyền bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa của mình bất chấp khoảng cách từ bờ ra biển. Tổng thống Truman hiểu thềm lục địa theo nghĩa thông thường là phần đất nằm dưới đáy biển thoai thoải kéo dài từ khối đất lục địa. Trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1950 các nước Nam Mỹ gồm Argentina, Chili, Peru và Ecuador theo chân Hoa Kỳ tuyên bố lãnh hải của họ là 200 hải lý. Sau đó nhiều nước khác nới rộng ra 12 hải lý (1). Đến năm 1967 trên thế giới có 8 nước tuyên bố lãnh hải 200 hải lý, 66 nước tuyên bố 12 hải lý và 25 nước vẫn còn giữ 3 hải lý.

Năm 1968 Liên hiệp quốc triệu tập một hội nghị về biển và sau 14 năm làm việc hoàn tất một quy ước về biển gọi là Quy ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS) gồm 320 điều khoản. 157 quốc gia tham dự cùng ký tại Montego Bay, Jamaica ngày 10/12/1982. Điều 308 của Luật Biển quy định khi có đủ 60 quốc gia phê chuẩn Quy ước sẽ có hiệu lực quốc tế sau đó một năm. Tham chiếu điều khoản này Luật Biển có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Việt Nam là một trong 157 nước ký Quy ước về Luật Biển ngày 10/12/1882 và quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 23/6/1994.

Ngày 13/5/1999 Liên hiệp quốc quyết định rằng các quốc gia đã phê chuẩn Quy ước có thời hạn 10 năm kể từ ngày 13/5/1999 để đăng ký chủ quyền Thềm Lục Địa Ngoại Biên (Extended continenetal shelf) của nước mình cho Ủy Ban duyệt xét giới hạn của thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf) (2).

Thềm lục địa (Continental shelf) theo định nghĩa của điều 76, khoản 1 của Luật Biển là những gì trên hoặc dưới đáy biển kéo dài một cách tự nhiên từ đất liền ra biển. Nếu thềm kéo dài này chưa đến 200 hải lý (3) kể từ đường chuẩn (baselines) (4) thì giới hạn của Thềm lục địa là 200 hải lý. Nếu thềm kéo dài này vượt quá giới hạn 200 hải lý thì Thềm lục địa ngừng ở thềm đó (qua một cách thức được xác định bởi công thức Gardiner dựa vào độ dày của lớp chất cứng kết tụ dưới đáy biển (sediment) hay theo công thức Hadberg dựa vào độ nghiêng nơi châm thềm cọng thêm 60 hải lý) hoặc ngừng ở khoảng cách 100 hải lý ngoài đường có cùng độ sâu 2.500 mét (quốc gia liên hệ chọn cách tính có lợi nhất cho mình, nhưng trong cả hai trường hợp không được vượt quá giới hạn 350 hải lý kể từ đường chuẩn). Phần thềm lục địa nằm ngoài giới hạn 200 hải lý gọi là Thềm Lục Địa Ngoại Biên (Extended Continental Shelf)

Ủy Ban duyệt xét giới hạn của thềm lục địa chỉ xét giá trị đăng ký Thềm Lục Địa Ngoại Biên và sẽ giải quyết trong trường hợp có tranh chấp giữa nước này với nước khác. Sự đăng ký Thềm lục địa ngoại biên không liên quan gì đến chủ quyền các chòm hải đảo trên biển dù có tranh chấp hay không (thí dụ như các chòm đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

Theo quy định của Quy ước, hôm 6/5/2009 Việt Nam đã đệ nạp Ủy Ban duyệt xét giới hạn của thềm lục địa hai bản đăng ký Thềm lục địa ngoại biên trên biển Đông, một bản liên quan đến Thềm lục địa ngoại biên phía Bắc (viết tắc là VNM-N) và một bản liên quan đến Thềm lục địa ngoại biên phía Nam nộp chung với Mã Lai Á (viết tắc là MYS-VNM). Việt Nam và Mã Lai Á đăng ký chung vì ý thức rằng Thềm lục địa ngoại biên này của hai nước chập vào nhau, và hiểu rằng sẽ cùng thương thảo giải quyết sau.

Trước Việt Nam nhiều nước đã đăng ký chủ quyền Thềm lục địa ngoại biên. Liên bang Nga đăng ký năm 2001, sau đó Pháp, Anh, Ireland và Tây Ban Nha (theo The Economist May 16th – 22nd, 2009 – “Suddenly, a widwer world below the waterline”). Hoa Kỳ đã ký Luật Biển nhưng Thượng nghị viện chưa phê chuẩn cho rằng Luật Biển để cho các nước nhỏ quá nhiều quyền có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của Hoa Kỳ.

Sự đăng ký (hay không đăng ký) Thềm Lục Địa Ngoại Biên của Việt Nam được nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước cũng như dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm vì biển Đông là vùng biển của Việt Nam nhưng Trung quốc đang lợi dụng thế nước lớn để giành giựt.

Bước vào tháng 5/2009 chưa thấy chính quyền Việt Nam động tỉnh gì, dư luận e rằng chính phủ Việt Nam sẽ không đệ nạp sợ đụng chạm với Trung quốc nên ngày 26/3/2009 (48 ngày trước hạn kỳ đăng ký) diễn đàn điện tử Đối Thoại (www.doi-thoai.com) đã cho lên mạng một đồng hồ đếm giờ ngược hằng giây đồng hồ để nhắc nhỡ chính phủ Việt Nam, và ông Nguyễn Bá Cẩn, nguyên chủ tịch quốc hội Việt Nam Cộng Hòa và là vị thủ tướng cuối cùng của miền nam Việt Nam đã tập hợp một số chuyên viên chuẩn bị tài liệu để đệ nạp Liên hiệp quốc trong trường hợp chính quyền Việt Nam không làm nhiệm vụ của mình (5).

Trong phần mở đầu của bản VNM-N (6) Việt Nam xác định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mặc dù Trung quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa đầu năm 1974), sau đó đi vào chi tiết của Thềm lục địa ngoại biên Việt Nam muốn đăng ký.

Thềm lục địa ngoại biên phía Bắc Việt Nam đăng ký là một tam giác chúc ngược gồm một cạnh ở phía Bắc, một cạnh ở phía Đông và một cạnh ở phía Tây. Đỉnh phía Nam của tam giác chúc ngược có tọa độ (10o798 N, 112o626E) nằm trên đường cách xa đường chuẩn 200 hải lý. Đỉnh phía Đông có tọa độ (15o067 N, 115o148 E), và đỉnh phía Tây nằm trên đường cách xa đường chuẩn 200 hải lý tọa độ ước chừng (15o500 N, 112o600 E). Cạnh phía Bắc là đường trung tuyến giữa hai đường chuẩn của bờ biển Việt Nam và bờ biển Trung quốc, cạnh phía Tây là đường giới hạn 200 hải lý tính từ đường chuẩn của bờ biển Việt Nam, và cạnh phía Đông là đường nối 45 điểm (đánh số từ 1 đến 45 từ Bắc xuống Nam) giới hạn ranh giới ngoài của Thềm lục địa ngoại biên của Việt Nam. Điểm số 1 là đỉnh phía Đông, điểm số 45 là đỉnh phía Nam, các điểm từ 2 đến 43 được xác định theo công thức Hedberg, điểm 44 được xác định theo công thức Gardiner (xem bản đồ đính kèm tài liệu chú thích 6).

Việt Nam tường trình với Ủy Ban duyệt xét giới hạn của thềm lục địa rằng bản đăng ký của Việt Nam là kết quả làm việc trong hai năm 2007 và 2008 của một ủy ban liên bộ gồm bộ Ngoại giao, bộ Tài nguyên Thiên nhiên & Môi trường, bộ Khoa học & Kỹ thuật cùng với nhiều cơ sở chuyên môn như Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa Lý, Sở lập bản đồ, Hải quân và công ty dầu khí PetroVietnam. Cùng với bản đăng ký là các tài liệu kỹ thuật chứng minh để Ủy Ban duyệt xét giới hạn của thềm lục địa kiểm chứng và phê duyệt .

Việt Nam ghi trong bản đăng ký rằng Thềm lục địa ngoại biên được đăng ký có thể bị các nước khác phản đối (ý nói Trung quốc nhưng không ghi ra) nhưng Việt Nam nhấn mạnh theo quan điểm khách quan của Việt Nam thì vùng đăng ký này hoàn toàn thuộc Việt Nam theo các nguyên tắc quy định bởi Luật Biển. Trung quốc đã không khiếu nại Liên hiệp quốc về nội dung bản đăng ký này (7).

Bản đệ nạp MYS-VNM (8) chung với Mã Lai Á liên quan đến Thềm lục địa ngoại biên nằm dưới vĩ độ 9oE kẹp giữa hai đường ranh giới 200 hải lý của Việt Nam và Mã Lai Á. Thềm lục địa ngoại biên chung này bao gồm nhiều đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa nên chỉ một ngày sau (7/5/2009) Trung quốc phản đối và yêu cầu Liên hiệp quốc bác bỏ bản đăng ký của Việt Nam và Mã Lai Á với lý do Thềm lục địa ngoại biên mà Việt Nam và Mã Lai Á tuyên bố của chung là thuộc Trung quốc (9).

Các quốc gia có giới hạn 3 tháng để chính thức khiếu nại nội dung các bản đăng ký quyền Thềm lục địa ngoại biên. Và nguyên tắc của Ủy Ban duyệt xét giới hạn của thềm lục địa là khuyến khích các quốc gia liên hệ giải quyết các bất đồng với nhau.

Tuy nhiên Thềm lục địa ngoại biên Việt Nam và Mã Lai Á tuyên bố giành quyền qua bản đăng ký MYS-VNM khó được sự đồng ý của Trung quốc qua thương thảo tay ba. Cho nên nội vụ có khả năng ra trước tòa án quốc tế The Hague hay trước tòa án đặc biệt ở Hamburg để phân xử. Sự phân xử này sẽ là cơ hội để Việt Nam trưng dẫn bằng chứng lịch sử rằng quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.

Từ tháng 12/2007 khi Trung quốc cho thành lập huyện Tam Sa gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhân dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã lên tiếng yêu cầu Hà Nội đưa vấn đề ra Liên hiệp quốc (để tối hậu đưa vấn đề ra tòa án quốc tế) nhưng Hà Nội vẫn dùng dằng.

Việc phân định quyền Thềm Lục Địa Ngoại Biên của Luật Biển và hồ sơ đăng ký chung của Việt Nam và Mã Lai Á bỗng trở thành một cơ hội để Việt Nam có diễn đàn tranh đấu bảo vệ đất đai của tổ tiên để lại./.

Trần Bình Nam
May 25, 2009
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

Ghi chú:

(1) Trong đó có Trung quốc qua tuyên bố ngày 4/9/1958 và công hàm thừa nhận của thủ tướng miền Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958 gây nhiều tranh cãi. Xem link: http://www.tranbinhnam.com/
(2) Một Ủy ban quy định bởi Annex II của Luật Biển.
(3) 200 hải lý theo Luật Biển là Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusice Economic Zone – EEZ) của mỗi nước.
(4) Đường chuẩn (baselines) theo định nghĩa của Luật Biển là đường bờ biển khi thủy triều thấp nhất. Khi bờ biển lồi lõm hoặc quá nhiều hải đảo nhỏ gần bờ, đường chuẩn là những đường thẳng nối liền các điểm đặc thù trên bở biển hoặc từ hải đảo này đến hải đảo khác.
(5) Sau công việc này ông Nguyễn Bá Cẩn đột ngột qua đời sáng ngày 13/5/2009 tại San Jose, California
(6) Link: vnm2009n_executivesummary.pdf
(7) Lý do dễ hiểu vì vùng đăng ký không bao gồm một hòn đảo nào thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa
(8) Link: mys_vnm2009excutivesummary.pdf
(9) Link: content_17744828.htm

Tổng số lượt xem trang