Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Tài liệu: Đệ trình chung của Mã Lai và Việt Nam: phần biển phía nam...

Đệ trình chung của Mã Lai và Việt Nam

Gửi lên Uỷ Ban Quy Hạn Thềm Lục Địa Mở Rộng
Căn cứ theo Điều Lệ 76, Phần 8 của
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982
Liên quan đến khu vực phía nam Biển Đông

Đệ trình chung của Mã Lai và Việt Nam

Gửi lên Uỷ Ban Quy Hạn Thềm Lục Địa Mở Rộng
Căn cứ theo Điều Lệ 76, Phần 8 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982
Liên quan đến khu vực phía nam Biển Đông


Phần 1 : Dẫn nhập & tóm lược

1. Dẫn nhập
1.1 Đệ Trình này lên Uỷ Ban Quy Hạn Thềm Lục Địa Mở Rộng (“Uỷ Ban”) đã được soạn thảo chung và trong sự hợp tác giữa nước Mã Lai và nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (sẽ được gọi chung là “Hai Quốc Gia Duyên Hải”), căn cứ vào Điều Lệ 76 của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (“UNCLOS 1982”), chiếu theo các Nguyên tắc Khoa học và Kỹ thuật Chỉ đạo của Uỷ Ban Quy Hạn Thềm Lục Địa Mở Rộng (“CLCS/11/Add.1”) (“Nguyên Tắc Chỉ đạo”) và chiếu theo các Quy định về Thủ tục của Uỷ Ban (“Quy Định về Thủ Tục của Uỷ Ban”), ngõ hầu phác thảo giới tuyến tận cùng của thềm lục địa mở rộng thuộc về hai nước.

1.2 Nước Mã Lai đã ký kết UNCLOS 1982 vào ngày 10 tháng 12 năm 1982 và đã phê chuẩn công ước này vào ngày 14 tháng 10 năm 1996. Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (“Việt Nam”) đã ký kết UNCLOS 1982 vào ngày 10 tháng 12 năm 1982 và đã phê chuẩn công ước này vào ngày 23 tháng 6 năm 1994

1.3 Chiếu theo Phần 3 thuộc Phụ Chương I của Quy Định về Thủ Tục của Uỷ Ban, Đệ Trình Chung này chỉ liên quan đến một phần của thềm lục địa mở rộng của Hai Quốc Gia Duyên Hải. Như sẽ được chỉ dẫn trong Sơ Đồ 1 và sẽ được mô tả trong đoạn 5.1, Đệ Trình này liên quan đến một khu vực hoàn toàn hướng về đất liền. Vùng này nằm ở vòng ngoài cùng, ở vùng cạnh biên, thuộc về bờ lề lục địa của Hai Quốc Gia Duyên Hải. (“Khu Vực Được Xác Định”). Dưới phương thức đơn phương hay song phương, Hai Quốc Gia Duyên Hải có thể nộp thêm những đệ trình có liên quan đến những khu vực khác.

2. Các điều khoản thuộc Điều Lệ 76 của UNCLOS 1982 được sử dụng để dẫn chứng

2.1 Các giới tuyến thuộc thềm lục địa mở rộng nằm trong Khu Vực Được Xác Định của Hai Quốc Gia Duyên Hải có căn bản trong điều khoản thuộc Điều Lệ 76 (4) và (5) của UNCLOS 1982.

3. Thành viên của Uỷ Ban đã cố vấn trong việc soạn thảo đệ trình chung này

3.1 Trong quá trình soạn thảo đệ trình này, Hai Quốc Gia Duyên Hải đã nhận được sự hỗ trợ của ông Abu Bakar Jaafar, thành viên Uỷ ban Quy hạn Thềm lục địa mở rộng (1997-Nay). Ngoài ra không có thêm tham vấn nào của thành viên khác thuộc Uỷ Ban.

4. Tranh chấp

4.1 Hai Quốc Gia Duyên Hải cần cho Uỷ Ban biết rằng hiện có một số tranh chấp chưa được giải quyết trong Khu Vực Được Xác Định thuộc Đệ Trình Chung này. Đệ Trình Chung này đã nghiên cứu điều khoản thuộc Điều Lệ 76 (10) của UNCLOS 1982, Điều Lệ 9 thuộc Phụ Chương II của UNCLOS 1982, Quy Định 46 của Quy Định về Thủ Tục của Uỷ Ban, và các Phần 1, 2 và 5 thuộc Phụ Chương I của Quy Định về Thủ Tục của Uỷ Ban.

4.2 Chiếu theo những điều khoản trên, Hai Quốc Gia Duyên Hải muốn bảo đảm cùng Uỷ Ban rằng, trong phạm vi chấp nhận được, Đệ Trình Chung này sẽ không gây tổn thương những đề tài liên quan đến việc phận định ranh giới giữa các Quốc gia có bờ biển đối mặt hay cận sát.

4.3 Hai Quốc Gia Duyên Hải đã có những cố gắng để bảo đảm rằng sẽ không có sự phản đối đến từ các Quốc gia duyên hải láng giềng khác. Hai Quốc Gia Duyên Hải xác nhận rằng Đệ Trình này phù hợp với Phần 5 (b) thuộc Phụ Chương I của Quy Định về Thủ Tục của Uỷ Ban.

5. Mô tả giới tuyến của thềm lục địa mở rộng trong Khu Vực Được Xác Định

5.1 Những giới tuyến đã được phác hoạ và giới hạn qua:

- Điểm giao tuyến của những vòng cung, cách Mã Lai 200 hải lý, là giới tuyến của Mã Lai và của Phi Luật Tân, về phiá Đông (Điểm A)

- Điểm giao tuyến của hai vòng cung hội tụ lại, cách Mã Lai 200 hải lý, là giới tuyến của Mã Lai , từ Điểm A về hướng Tây-Nam (Điểm B và C)

- Điểm giao tuyến cách Mã Lai 200 hải lý, là giới tuyến của Mã Lai và cũng là đường phân định được công nhận qua Hiệp ước giữa Chính phủ Mã lai và Chính phủ Cộng hoà Nam Dương về phân định thềm lục địa giữa hai Quốc gia năm 1969, về hướng Tây-Nam (Điểm D)

- Điểm 25, căn cứ theo Hiệp ước nêu trên, về hướng Tây-Bắc (Điểm E)

- Điểm 25, căn cứ theo Hiệp ước giữa Chính phủ Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Nam Dương về phân định thềm lục địa năm 2003, về hướng Tây-Bắc (Điểm F)

- Điểm giao tuyến căn cứ theo Hiệp ước (VN&ND) vừa nêu trên, về phiá Tây-Bắc (Điểm G)

- Và những vòng cung, cách Việt Nam 200 hải lý, là giới tuyến của Việt Nam, về phiá Đông-Bắc (Điểm H và I)
Những giới tuyến này bao gồm 810 điểm cố định và được liệt kê trong Bảng 1 (từ trang 6 trở đi).

6. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc soạn thảo Đề Trình Chung này

6.1 Đệ Trình Chung này cùng với tất cả các bản đồ, con số, tài liệu đính kèm, phụ lục và dữ liệu đã được soạn thảo bởi các cơ quan nhà nước của Hai Quốc Gia Duyên Hải sau đây:

Các cơ quan thuộc Chính phủ Mã Lai

(a) Hội đồng An ninh Quốc gia trực thuộc Phủ Thủ tướng
(b) Bộ Ngoại giao
(c) Chưởng lý viện
(d) Cục Nghiên cứu và Địa hình
(e) Cục Khoáng sản và Địa chất
(f) Trung tâm Thủy văn học Quốc gia, thuộc Hải quân Hoàng gia Mã Lai
(g) Petroliam Nasional Berhad (PETRONAS)

Các cơ quan thuộc Chính phủ Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(a) Bộ Ngoại giao
(b) Bộ Tài nguyên và Môi trường
(c) Bộ Khoa học và Kỹ thuật
(d) Viện Địa vật lý và Địa chất dưới biển
(f) Cục Nghiên cứu và Địa hình Việt Nam
(g) Cục Nghiên cứu Thủy văn học và Địa hình, Hải quân Việt Nam
(h) PETROVIETNAM

7. Sơ đồ và toạ độ

Sơ đồ 1: Khu vực được ấn định tại phần phía nam của Biển Nam Trung Hoa


7.1 Sơ đồ 1 mô tả giới tuyến của thềm lục địa mở rộng trong Khu Vực Được Xác Định, đề tài của Đệ Trình Chung này. Những toạ độ địa lý của World Geodetic System 1984 (WGS84) về những giới tuyến của thềm lục địa mở rộng trong Khu Vực Được Xác Định, cũng như các những phương pháp tính toán được liệt kê trong Bảng 1 (từ trang 6).

Sơ đồ 2: Rìa mé ngoài của địa giới và khu vực được ấn định tại phần phía nam của Biển Nam Trung Hoa


7.2 Sơ đồ 2 minh hoạ khu vực ở vòng ngoài cùng, thuộc bờ lề lục địa, được thiết lập để phụ lục cho Đệ Trình Chung này. Những toạ độ địa lý của WGS84 về các điểm cố định được dùng để thiết kế khu vực ở vòng ngoài cùng thuộc bờ lề lục địa được liệt kê trong Bảng 2 (từ trang 24 trở đi).

Nguồn: Join Submission to the Commision on the Limits of the Continental Shelf
pursuant to Article 76, Paragraph 8 of the United Nations Convention on the Law of the Sea 1982
in respect of the southern part of the South China Sea

- Part I: Executive Summary

Malaysia & Socialist Republic of Vietnam – May 2009
Nguyễn Huy Đức chuyển ngữ

© Thông Luận 2009

Tổng số lượt xem trang