Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Việt Nam bị cú đòn nặng nề bởi tình trạng suy sụp kinh tế

John Boudrreau
Ngày 21-5-2009
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, Việt Nam – Trên những đường phố ồn ào tiếng còi xe của trung tâm thương mại này, thật khó lòng để cho ta nhìn thấy những gợi ý nói về một cơn suy thoái kinh tế đang diễn ra.

Những nhà hàng cao cấp đang đông nghẹt người, những phụ nữ trẻ tuổi ăn mặc đúng mốt đứng chật kín các cửa hàng thời trang thanh lịch, và người nào dường như cũng đang nói chuyện qua những chiếc điện thoại di động trong khi cưỡi trên xe gắn máy dạo quanh các bùng binh đầy nghẹt những chiếc xe tay ga hiệu Honda và taxi loại đa dụng [SUV-sport-utility vehicle]. Thị trường chứng khoán chính của Việt Nam, sau khi sụt giảm 66% vào năm ngoái, đã và đang lướt đi ở một mức cao trong bảy tháng qua, tăng hơn 20% trong năm nay.
Thế nhưng lối tiêu pha đáng ngờ nầy đang che giấu một thực tế rằng sự suy sụp kinh tế toàn cầu đang loang ra khắp Thái Bình Dương và đang làm choáng váng quốc gia Cộng sản ở Đông Nam Á này, nước Việt Nam từng hăng hái cưỡi trên ngọn sóng toàn cầu hóa dâng cao.
Các công ty nhỏ sản xuất những sản phẩm công nghệ cấp thấp của Đài Loan đã lặng lẽ đóng cửa hoạt động trong đợt đón Năm mới vừa qua mà không nói cho công nhân của họ biết.
Thị trường bất động sản từng một thời nóng bỏng này đang chứng kiến giá nhà rớt xuống tới 40% tại một vài nơi. Và nền công nghiệp công nghệ thông tin non trẻ của Việt Nam – đại diện cho sự gia nhập của đất nước này vào vũ đài thế giới – cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thất nghiệp lan rộng và sự nhận thức ra hoàn cảnh thực tế đáng nghiêm trọng trong những nhân công trẻ rằng kinh doanh trên phạm vi toàn cầu là nguy hiểm hơn nhiều so với những gì họ đã từng nghĩ.
“Tuổi trung bình của người Việt Nam là 27. Hầu hết người dân khởi đầu sự nghiệp của mình trong vòng bảy năm qua. Bởi vậy, phần lớn những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ chỉ có kinh nghiệm trong giai đoạn bùng nổ kinh tế,” theo nhận xét của Jonah Levey, giám đốc điều hành Navigos Group, một hãng chuyên tìm kiếm các nhà quản trị cho doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. “Đó là một cú sốc nghiêm trọng”.
Cơn suy thoái, bị châm ngòi bởi sự tan rã của các cơ quan tài chính tại nửa bán cầu phía Tây, đã gây choáng váng cho các công nhân trên khắp Á châu là những người từng được nhìn thấy những khoản thu nhập được gia tăng đáng kể trong những năm gần đây khi các quốc gia này bám theo những vận may của họ với phương Tây bằng cách cung cấp mọi thứ từ những chiếc áo thun cho tới phần mềm máy tính và máy nghe nhạc iPod.
Việt Nam đã bị chậm trễ trước nền kinh tế toàn cầu, đi theo sau sự vươn dậy của những người láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ. Thế nhưng Việt Nam đã bù đắp lại quãng thời gian đã mất trong những năm gần đây, bằng cách khuyến dụ các nhà đầu tư nước ngoài, hợp tác với các hãng khổng lồ như Intel và các kỹ sư công nghệ người Mỹ gốc Việt từ Thung lũng Silicon [California] để khởi động nền công nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin của họ.
Hơn bất cứ điều gì, nền công nghiệp kỹ thuật mới ra ràng của Việt Nam tiêu biểu rõ ràng nhất cho tham vọng của một đất nước muốn tự mình vươn dậy. “Nền công nghiệp công nghệ thông tin đã là một con đường nhanh chóng để mở ra với thế giới,” theo lời Steve Cook, từng là nhà quản trị ở Thung lũng Silicon, giờ là chủ tịch hãng Enclave, một công ty phần mềm đóng tại Đà Nẵng. “Nó là một sự phù hợp hoàn hảo cho Việt Nam, với việc nhấn mạnh tới nền giáo dục dựa vào khoa học.”
Năm 2007, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam đã tăng 8,3% (tăng vào khoảng 5 tỉ đô la) so với năm trước, được châm mồi thêm bởi nhiều tỉ đô la đầu tư nước ngoài và bùng nổ sản xuất công nghiệp. Hãng Intel đã giành một khoản đầu tư 1 tỉ đô la để xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn khổng lồ dọc Xa lộ Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Các công ty khác – như Hewlett-Packard, IBM, Sun Microsystems – đã đổ xô vào mở ra các trung tâm kỹ nghệ trong một đất nước từng bị ngăn cấm giao thương với các doanh nghiệp Hoa Kỳ chỉ mới cách đây vài năm.
Đặc biệt, Việt Nam coi Intel như có tính chất rất quan trọng cho những hy vọng về kinh tế của họ. Các quan chức chính quyền đang hỏi vị giám đốc Thân Trọng Phúc của hãng Intel ở Việt Nam với tâm trạng lo lắng rằng: không biết việc xây dựng nhà máy ở đây, nơi mà rốt cục sẽ cung cấp khoảng 4.000 công ăn việc làm, vẫn còn tiếp tục diễn ra như trong kế hoạch hay không.
“Không có gì thay đổi hết,” ông Phúc trả lời trong một cuộc phỏng vấn, một tia hy vọng giữa tất cả những tin tức xấu.
Nhưng trong những góc nhìn khác, sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm tê liệt và chậm lại giấc mơ của Việt Nam.
Công nghiệp xuất khẩu những sản phẩm rẻ tiền của Việt Nam – từ áo quần may mặc cho tới cà phê – đã làm giảm bớt phần nào nỗi đau bởi vì nó không bị tổn hại so với việc cắt giảm mức tiêu thụ các mặt hàng đắt tiền ở những nước phương Tây giống các nước khác như Đài Loan đang phải gánh chịu [Phương Tây cắt giảm tiêu thụ sản phẩm đắt tiền làm kinh tế Đài Loan chết đứng, buộc Đài Loan phải thay đổi chính sách xích lại gần gũi hơn TQ từ cuối năm 2008 cho đến nay và đã làm cho toàn dân Đài Loan biểu tình phản đối chính phủ Mã Anh Cửu bắt tay với Trung Cộng - TH chú thích].
Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam được cho là sẽ rút lại từ 6,2% giữa năm 2007 và 2008 xuống còn 3,3% cho tới cuối năm nay, theo như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá. Các ngành công nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi các thị trường toàn cầu – đặc biệt là công nghệ thông tin – đã cảm nhận được tác động chính của sự suy thoái kinh tế.
Hầu như tất cả các công ty Internet của thành phố này đều phải cắt giảm nhân công, theo blogger Nguyễn Thị Khanh “Chip” Huyen, một nhân vật chuyên quảng bá cho công nghệ ePi, một loại cổng thông tin cho truyền thông đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, hàng trăm, nếu như không nói là hàng ngàn, các công việc làm trong lĩnh vực phần mềm đã bị mất và một số ít công ty phần mềm thậm chí đã phải đóng cửa. Ngành công nghiệp phần mềm doanh thu 600 triệu đô la một năm, từng tăng trưởng khoảng 30% một năm về lợi tức và trực tiếp thuê mướn khoảng 60.000 nhân công, có thể sẽ không nhìn thấy sự tăng trưởng trong năm nay, theo các hiệp hội kỹ thuật trong nước cho biết.
Chỉ ít tháng trước, các kỹ sư như Nguyễn Sơn và Vũ Dương đã được nhiều công ty lùng kiếm, rất nhiều lần họ đã nhận được nhiều lời mời đề nghị làm việc. Thế nhưng, cách đây một vài tuần, họ đã nhận được tờ giấy màu hồng (báo tin bị sa thải) cùng một loạt với nhiều người khác bởi công ty CSC có bản doanh đóng tại Virginia. [Công ty CSC chuyên nhận hợp đồng từ các công ty khác; và để giảm chi phí, họ đã gởi công việc ấy ra nước ngoài và thuê những người như Sơn và Vũ thực hiện các công việc - TH chú thích].
“Chúng tôi đã không nghĩ rằng chúng tôi có tên trong danh sách bị sa thải,” Nguyễn cho biết, anh ta ngồi trong một quán cà phê vào một ngày trong tuần với người bạn cũ cùng làm việc trước đây. “Họ cần cắt giảm chi phí. Họ cần giảm bớt những nhân công có mức lương cao.”
Các kỹ sư này, đều trạc tuổi 30, đã kiếm được khoảng 1.200 đô la* một tháng – một mức lương như ông hoàng ở một đất nước mà nhiều người vẫn còn phải sống với chưa tới một đô la một ngày.
Một số nhân công đã từng tưởng rằng họ sẽ gắn bó toàn bộ sự nghiệp của họ với công ty, theo lời người kỹ sư bị thất nghiệp Vũ Ngọc Phan. “Một số người đã rất hoảng hốt gần như điên lên khi họ nhận được quyết định nghỉ việc,” anh nói. “Họ gào lên. Họ cảm thấy tức giận. Nhiều cô gái chỉ biết khóc mà thôi.”
Cách đây không lâu, những kỹ sư có tài đó có thể nhận được thêm việc làm ngoài giờ – và hưởng thêm 50% tiền lương cao hơn [lương 10 đô/ 1 giờ trong 8 giờ làm việc chính, sẽ được trả thành 15 đô mỗi giờ kể từ giờ thứ 9], theo chủ tịch Levey của công ty Navigos, người cũng trông nom trang Vietnamworks.com, một trang tìm kiếm việc làm; Caravat.com, một trang nối mạng cho các doanh nghiệp; và trang Vietnamskills.com, một nơi quãng cáo giới thiệu các chương trình huấn luyện đào tạo.
Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp biết rõ những thời điểm thuận lợi hơn thế nào cũng sẽ quay trở lại. Họ đang quan tâm nhiều hơn về những trở ngại lâu dài đối diện với nền công nghiệp công nghệ thông tin non trẻ, bao gồm việc giáo dục đào tạo công nghệ tốt hơn, theo lời anh Phí Anh Tuấn, phó chủ tịch Hiệp hội Máy tính Thành phố Hồ Chí Minh. Intel, là một ví dụ, đã và đang phàn nàn lớn tiếng về một tình trạng khan hiếm các nhân công thành thạo kỹ thuật tốt nghiệp đại học.
Thế nhưng cơn suy thoái đã làm cho một số sinh viên đại học đang suy nghĩ lại về nghề nghiệp của họ.
“Hai hoặc ba năm trước, mọi người đều muốn học công nghệ,” một blogger tên Huyền nhận xét. “Giờ thì họ muốn học cái gì đó thực tế hơn, như là tiếp thị [marketing] hay quan hệ công chúng [public relation] chẳng hạn.”
Nhà kinh doanh từng ở Thung lũng Silicon Thịnh Nguyễn đã nhận thấy các đơn đặt hàng cho công ty Pyramid Software Development của ông ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm bớt 30%.
Ông Nguyễn Thịnh tin rằng nếu như ông có thể chỉ cần nhận được một ít dự án nhỏ thôi thì ông cũng sẽ có thể tránh được chuyện phải sa thải nhân công, đây là những người mà gia đình của họ thường phải gom góp tất cả các nguồn tiền bạc để gửi những đứa con của họ vào học một ngành công nghệ và một dự định bước chân vào tầng lớp trung lưu. “Đối với một dự án cần 20-30 người làm, quí vị sẽ nhận được sự chú ý của toàn thể chúng tôi,” ông Thịnh cho biết.
Một số trong những người bị mất việc làm đã biểu lộ thái độ tức giận về những gì mà họ nhìn nhận như là hành động thiếu cẩn thận của Hoa Kỳ. Dầu vậy, hầu hết hiểu rằng đó là cái giá cho việc gắn chặt số phận của nền kinh tế nước họ với số phận của nền kinh tế các nước khác trên thế giới.
“Chúng tôi giờ đây đã hội nhập với thế giới,” kỹ sư Phan nói. “Mọi thứ đều liên hệ với nhau.’

Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

———
Lời Bình của BBT
*Ở các nước ngoài, công việc của những người nầy có thể được trả lương từ 4000-7000 một tháng hoặc hơn nữa (chứ không phải là 1200 đô/1 tháng).
Chỉ cần lợi dụng thời buổi thất nghiệp nầy và học thêm tiếng Anh đàm thoại để vài ba năm sau tự mình nhận được các hợp đồng trực tiếp từ các công ty khác mà không cần phải qua các công ty trung gian như CSC.
Một cách khác nữa là tự quãng cáo về công việc của họ. Cứ 20-30 chục người lập thành một nhóm, có tên doanh nghiệp, có một website, hoặc thậm chí lập một blog (facebook, hay myspace.com…) tự giới thiệu công việc nào mà họ thành thạo nhất, có kinh nghiệm làm việc nhất trong 5-10 năm qua…với CSC
Hoặc cùng nhau thực hiện và hoàn thành một dự án (project) và giới thiệu kết quả của dự án ấy lên websit, nói rõ ứng dụng của dự án ấy vào lãnh vực nào (tài chánh, kế toán, thống kê, game, lãnh vực y tế…
Các sinh viên nước ngoài cũng tự mình làm lấy và quãng cáo về resume của họ trên các website, các blog, và làm sẵn dự án để phô trương với các công ty.
Năm 2008, khi quốc hội thảo luận đòi cắt giảm người nhập cư vào Hoa Kỳ, đích thân Bill Gate đã phản đối và ông đã ra điều trần tại quốc hội. Bill Gate yêu cầu quốc hội cho phép nhân công ngoại quốc có kỹ thuật cao không bị cắt giảm số lượng mà còn được ưu tiên cấp giấy nhập cảnh loại H1B vào làm việc ở Hoa Kỳ. Nhờ vậy, hãng Microsoft và các công ty con của họ đã thu nhận được các nhân công nói tiếng Anh thành thạo từ các quốc gia nghèo như Ấn Độ, Philippines, vào Mỹ làm việc.
Riêng các sinh viên Mỹ thì trong 9 năm qua có khuynh hướng không chọn ngành computer nữa mà lại chọn các ngành như public relation, tiếp thị, hoặc doanh nghiệp… để thưởng thức cuộc sống. Họ khá sợ hải về vụ sụp đổ của ngành computer từ năm 2000, và sự kiện các hãng, các tập đoàn, ngân hàng, tài chánh, chuyển hướng qua Ấn Độ thuê mướn các nhân công trong ngành công nghệ thông tin thực hiện các công việc cho họ. Nhưng trong khoảng mấy năm gần đây (trước khi có khủng hoảng tài chánh 2008), các sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin ở Hoa kỳ lại kiếm việc rất dễ dàng và lương cao. Nay, trong gói kích cầu 787 tỉ đô la, có nhiều mục liên quan tới ngành computer, và nhiều lãnh vực khác như ngành y tế đang bị bắt buộc phải dùng hồ sơ điện tử để quản lý bệnh nhân…ngành computer lại thu hút nhân công trở lại.
---------
Chọn nghề rất quan trọng, xu hướng lâu dài sẽ thuộc về nền kinh tế xanh, nên cũng cần lưu tâm tới các ngành về môi trường ..

Tổng số lượt xem trang