Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Đi kiện phá giá… còn xa!

VietStock Mới đây nhất, khi các bộ có động thái áp dụng biện pháp phòng vệ với hàng nhập khẩu bán phá giá, các doanh nghiệp vẫn không khởi ngỡ ngàng.

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề bởi thép Trung Quốc hồi năm ngoái, thay vì đi kiện, Hiệp hội thép Việt Nam cuối cùng lại chọn giải pháp “di hòa vi quý".

Rút cục, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn thu, thoái thu thuế tự vệ nhằm bảo vệ hàng hóa trong nước trước sức ép cạnh tranh từ hàng ngoại nhập. Có thể nói, với đa số các doanh nghiệp của Việt Nam, đây gần như là một thông tin gây ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp có điều kiện để thực hiện kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam triển khai công tác điều tra, áp dụng các biện pháp tự vệ kịp thời, đảm bảo công bằng cho sản xuất và kinh doanh trong nước !

Ai kiện?

Theo Bộ Công Thương, gần đây đã bắt đầu có hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh trước sức ép cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu. Thế nhưng, ông Lê Sỹ Giảng - Phó trưởng ban Phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết, vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên của các doanh nghiệp Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài vẫn ở... thì tương lai, bởi những yếu tố đủ để thực hiện một vụ điều tra, áp thuế lại gần như chưa có.

Thông thường, để bắt đầu một vụ kiện, đơn kiện (của ngành sản xuất nội địa) phải đưa ra tương đối đủ các bằng chứng về việc bán phá giá và thiệt hại gây ra, xác định chính xác loại hàng hóa và danh tính các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan. Sau khi kiểm tra sơ bộ đơn kiện, cơ quan có thẩm quyền chỉ ra quyết định khởi xướng điều tra khi: Đối tượng nộp đơn đáp ứng yêu cầu về tính đại diện (cho ngành sản xuất nội địa liên quan) và khi đã có tương đối đầy đủ bằng chứng về việc bán phá giá gây thiệt hại.

Chính yêu cầu về tính đại diện ấy đã trở thành một trở ngại lớn để các doanh nghiệp trong nước thực hiện một vụ khởi kiện. Không chỉ các doanh nghiệp quen với việc bị kiện hơn là đi kiện mà chính các hiệp hội ngành nghề cũng chưa dành nhiều sự quan tâm tới vấn đề này. Trong khi đó, chỉ cần một hiệp hội đứng đơn thì sẽ dễ dàng thỏa mãn điều kiện “các nhà sản xuất khởi kiện phải sản xuất ra ít nhất 25% tổng sản lượng trong nước”.

Một lý do khác, quan trọng hơn, đó là việc đưa ra bằng chứng về việc hàng hóa nhập khẩu đang bán phá giá tại thị trường Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, hiện công tác quản lý, thống kê đối với hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập.

Đơn cử trường hợp hàng dệt may của Trung Quốc tại Việt Nam. Theo Trung tâm thông tin thương mại, Bộ Công Thương, hơn 69% hàng dệt may và quần áo xuất khẩu của Trung Quốc đang tìm đường sang thị trường ASEAN và các nước châu Phi với giá bán được đánh giá là rẻ hơn 50% so với năm 2007. Sở dĩ vậy bởi giá thành của những sản phẩm này đã được tính vào thành phẩm xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, nên hàng dệt may Trung Quốc mới có giá rẻ ở thị trường Việt Nam. Phát biểu trên báo chí, ông Diệp Thành Kiệt, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek) cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kiện Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm dệt may ở thị trường nội địa, thế nhưng, cho tới nay vẫn chưa có một vụ kiện nào được tiến hành. Theo các chuyên gia của hiệp hội này, phần lớn hàng dệt may giá rẻ của Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch và hàng nhập lậu nên rất khó để có được số liệu cụ thể nhằm sử dụng làm hồ sơ khởi kiện.

Trên thực tế, việc tập hợp số liệu của hải quan, quản lý thị trường vốn rất kém và không đầy đủ. Chưa kể tới việc, doanh nghiệp khó lòng có thể tiếp cận các nguồn thông tin trên.

Vướng… từ trong nhà

Như trên đã nói, ông Lê Sỹ Giảng cho rằng, yếu tố cần là hành lang pháp lý cho việc tiến hành điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài đã gần như hoàn thiện. Sở dĩ nói là “gần như hoàn thiện” là vì mặc dù Pháp lệnh số 42/2002/PL của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng vào Việt Nam đã ban hành năm 2002, nghị định quy định chi tiết việc thực hiện Pháp lệnh này được ban hành năm 2003. Thế nhưng, đã 6 năm qua Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản hướng dẫn việc thu và thoái thu thuế tự vệ nên nếu Bộ Công Thương có điều tra, ra phán quyết thì cũng chưa thực hiện được. Bởi trong trường hợp kết luận sơ bộ khẳng định có tồn tại việc bán phá giá gây thiệt hại đáng kể, cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng biện pháp tạm thời (đặt cọc, ký quỹ hoặc thụế tạm thời) đối với hàng hóa nhập khẩu liên quan.

Hơn nữa, dường như cho đến nay các doanh nghiệp nội mới chỉ chú ý cạnh tranh với nhau mà chưa hợp tác với nhau trước những nguy hại mà đối thủ nước ngoài mang đến. Đó là chưa nói đến ngay bản thân các doanh nghiệp trong cùng một Hiệp hội cũng rất khó thống nhất khi mà quyền lợi của mỗi cá thể lại được đặt theo một hướng (khác biệt về quyền lợi giữa doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước).

Có một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, đó là hầu hết các doanh nghiệp, cũng như hiệp hội đều ngại tốn kém khi phải chi tiền theo đuổi vụ kiện mà kết quả thì khá mù mờ. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, năm 2008, thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam quá nhiều với giá thành thấp đã khiến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lao đao. Trước tình trạng ấy, Hiệp hội đã tính tới việc khởi kiện bán phá giá đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế nhưng, sau khi tham vấn Cục Quản lý Cạnh tranh thì ngoài những khó khăn như việc tập hợp con số thống kê về lượng hàng nhập khẩu, mức giá..., một trong những vướng mắc chính là chi phí cho việc đi tìm hiểu giá bán, lượng hàng, các chính sách ngành thép tại Trung Quốc... cũng như các chi phí khác để theo đuổi vụ kiện là quá lớn. Vì vậy, sau một hồi suy đi tính lại, Hiệp hội thép Việt Nam đã chọn giải pháp... đối thoại với các cơ quan chức năng Trung Quốc để thương lượng. Ông Cường cũng cho biết, chính Cục Quản lý cạnh tranh cũng đưa ra lời khuyên với Hiệp hội thép là nên đề nghị sử dụng các biện pháp bảo vệ như tăng thuế nhập khẩu... Đến đây, câu chuyện lại trở lại vấn đề mà nhiều người đã đề cập: Các doanh nghiệp, hiệp hội của chúng ta dường như mới chỉ biết... than khổ để nhờ Chính phủ giúp chứ chưa biết tự mình bảo vệ mình trước sự tấn công của hàng hóa nhập khẩu. Chính vì vậy, có lẽ tương lai của vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên của các doanh nghiệp Việt đối với hàng hóa nước ngoài vẫn là ở thì... tương lai xa.

Tổng số lượt xem trang