Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Công lý trước hết phải công bằng

Chế độ pháp quyền, một trong 3 trụ đỡ cho xã hội dân sự . Hãy làm sao để cho dân còn tin vào pháp luật .

Công lý trước hết phải công bằng

Lao Động Cuối tuần số 21 Ngày 24/05/2009 Cập nhật: 3:21 AM, 24/05/2009


(LĐCT) - Gia đình bà Trương Thị Mười ở Vĩnh Long, trong khi chồng mình bị bệnh còn đang chờ đợi sự định đoạt của công lý xem có tội hay không, bản thân bà quá bức xúc về thái độ thờ ơ trước yêu cầu chính đáng về mặt pháp lý của bà.

Đã gần 3 năm kể từ khi ông Trần Công Huệ - chồng bà Mười, nguyên Phó Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Vĩnh Long - bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái liên quan việc được giám đốc Công ty uỷ quyền giải ngân các hợp đồng đầu tư nuôi cá cho các hộ nông dân, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nay chưa thu hồi được khoản nợ của 17 cá nhân trên 12 tỉ đồng, hơn ai hết, bà Mười hiểu cặn kẽ ngọn nguồn vụ án.

Việc chồng bà có tội hay không, còn phải chờ sự phán xét của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Long, vì vụ án mới được kết thúc điều tra sau một thời gian dài tạm đình chỉ.

Điều mà bà không tự mình giải thích được chính là, mặc dù các hộ nuôi cá nêu trên có dấu hiệu sử dụng vốn vay của hợp đồng sau trả cho hợp đồng trước, nhưng cơ quan điều tra xác định đó là quan hệ hợp đồng kinh tế-dân sự, và coi đó là các khoản nợ dân sự, hành vi của các hộ nuôi cá không cấu thành tội phạm hình sự.

Chính từ lý do nhận định nêu trên, Công ty xuất nhập khẩu Vĩnh Long đã khởi kiện các hộ nuôi cá ra Toà dân sự và toà án đã có các phán quyết có hiệu lực pháp luật, yêu cầu các hộ nuôi cá phải thanh toán các khoản nợ nói trên cho Công ty.

Sau một thời gian tạm đình chỉ, khi khôi phục quyết định khởi tố bị can vào tháng 2.2009, bản chất vụ việc vẫn chỉ là khoản nợ dân sự của các hộ nuôi cá, nhưng chồng bà vẫn bị quyết định đề nghị truy tố ra Toà về hành vi cố ý làm trái...

"Có ở trong hoàn cảnh của gia đình tôi, mới hiểu các quyết định của cơ quan pháp luật ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người dân - bà Mười nói với tôi. "Vấn đề là trong khi việc chồng tôi kêu oan chưa được xem xét, đến lượt tôi lại vướng vào chuyện hành xử của chính cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long.

Vì phải lo công việc gia đình, nên ngày 27.9.2008 tôi đến tiệm vàng T.Â. ở thị xã Vĩnh Long mua 11 lượng vàng SJC, với giá 197 triệu đồng, chủ tiệm đã làm biên nhận tiền nhưng chưa giao vàng. Lần lữa, hứa hẹn từ đêm hôm đó cho đến sáng hôm sau vẫn chưa giao vàng, khi đến nhà thì hỡi ôi, tiệm vàng đóng cửa, chủ tiệm lẩn trốn...

Ít ngày sau, qua báo Công an TPHCM tôi mới biết sự thật chủ tiệm vàng T.Â. có hành vi lừa đảo nhiều người nên đã bỏ trốn. Sau đó, tôi làm đơn đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh tố cáo hành vi lừa đảo này, qua gần 7 tháng rồi vẫn chưa được giải quyết".

Cầm tờ giấy thông báo ngày 20.4.2009 của ông Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh cho rằng vụ việc của bà thuộc thẩm quyền của Toà án Nhân dân thị xã Vĩnh Long giải quyết, bà Mười như không tin vào mắt mình.

"Luật sư thử nghĩ xem, chuyện của tôi mười mươi chủ tiệm vàng có dấu hiệu phạm tội hình sự, cơ quan điều tra lại không ra quyết định không khởi tố hình sự, chỉ thông báo tôi đến Toà dân sự giải quyết; còn chuyện của chồng tôi rõ ràng mười mươi là quan hệ kinh tế-dân sự, hậu quả thiệt hại vụ án thật ra là các khoản nợ dân sự của các hộ nuôi cá, thì lại đề nghị truy tố chồng tôi về tội cố ý làm trái...".

Nhìn chồng hồ sơ khiếu nại dầy cộm mà bà Mười đặt trước mặt tôi, tôi chia sẻ điều lo lắng của bà là chủ tiệm vàng hiện đang có dấu hiệu tẩu tán, bán tài sản mà cơ quan pháp luật và chức năng chưa có bất cứ biện pháp nào để ngăn chặn.

Vẫn biết người dân hy vọng nhiều về vai trò của các cơ quan pháp luật là chỗ dựa cho việc tìm kiếm công lý. Công lý ở đâu chưa thấy, tôi hiểu gia đình bà Mười chỉ mong mỏi trước hết cần có sự công bằng trong cách thức giải quyết của cơ quan điều tra Công an tỉnh mà thôi.

Luật sư Phan Trung Hoài

Tổng số lượt xem trang