Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Bàn thêm về mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển

Bàn thêm về mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển
(TuanVietNam)- Để xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển, phải có một (hoặc một số) nhà lãnh đạo và một đội ngũ hoạch định chiến lược tài giỏi, có tinh thần yêu nước mãnh liệt, tận tuỵ và tâm huyết với sự phát triển kinh tế của đất nước, luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Đội ngũ lãnh đạo phải luôn có quyết tâm cao nhất trong việc phát triển và đưa đất nước chuyển mình, cất cánh.
>> Việt Nam trước thách thức xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển

Ngay sau khi Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của TS. Vũ Minh Khương với tựa đề: Việt Nam trước thách thức xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, chúng tôi đã nhận được hàng ngàn ý kiến phản hồi tham gia luận bàn về chủ đề này.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của độc giả Phạm Hưng Hùng, nghiên cứu sinh tại Đại học Birmingham – Vương Quốc Anh.


Đối với những nước công nghiệp hoá muộn như Việt Nam, mô hình "Nhà nước kiến tạo phát triển" được xem là một sự lựa chọn phù hợp nhất. Lịch sử cho thấy, những nước công nghiệp hoá sớm hơn đã rất thành công với mô hình này, điển hình là các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... (những nước này vẫn được cho là những nước công nghiệp hoá muộn, theo cách gọi của Phương Tây) và một số nước khác ở Đông Nam Á như Singapore, hay kém thuyết phục hơn là Thái Lan và Malaixia.

Vậy, mô hình phát triển này có những đặc điểm nổi bật gì để tạo nên sự thần kỳ của các nước Đông Á, cũng như sự phát triển ấn tượng của các nước Đông Nam Á nói trên. Những đặc trưng cơ bản của mô hình phát triển theo hình thức Nhà nước kiến tạo phát triển là gì?

Hai động lực cơ bản của nền kinh tế là chất lượng thể chế và nguyên tắc thị trường đã được Tiến sĩ Vũ Minh Khương khái quát trong bài Việt Nam trước thách thức xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, với vai trò then chốt thuộc về chất lượng thể chế. Chất lượng thể chế được xác định là yếu tố quyết định đối với sự thành công của quá trình phát triển.

Nhưng để xây dựng được một hệ thống thể chế phù hợp, với chất lượng cao là một vấn đề vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự hội tụ của rất nhiều các yếu tố trong hệ thống chính trị, xã hội của một quốc gia, cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài. Đó cũng là lý do tại sao số nước thành công chỉ tính trên đầu ngón tay, trong khi số nước nỗ lực theo đuổi mô hình này rất nhiều, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ đến châu Phi.

Những đặc trưng của một Nhà nước kiến tạo phát triển

Để xây dựng được hệ thống thể chế phù hợp,
với chất lượng cao là vấn đề vô cùng khó,
đòi hỏi sự hội tụ của nhiều các yếu tố trong
hệ thống chính trị, xã hội của một quốc gia,
cũng như những tác động khách quan
bên ngoài.
Điều kiện tiên quyết để xây dựng mô hình phát triển này là phải có một (hoặc một số) nhà lãnh đạo và một đội ngũ hoạch định chiến lược tài giỏi, có tinh thần yêu nước mãnh liệt, tận tuỵ và tâm huyết với sự phát triển kinh tế của đất nước, luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Đội ngũ lãnh đạo phải luôn có quyết tâm cao nhất trong việc phát triển và đưa đất nước chuyển mình, cất cánh.

Đội ngũ hoạch định chiến lược phát triển (như TS. Vũ Minh Khương đã đề cập) cần hội tụ được các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực trọng yếu, và cần được trao những quyền tự quyết tương đối, họ được ví như "tổ chức hoa tiêu" (pilot agencies) cho con tàu kinh tế của mỗi quốc gia.

Một trong những chiến lược quan trọng nhất là chiến lược phát triển công nghiệp, bao gồm ở cấp vĩ mô (về phát triển cơ cấu và tỉ trọng các ngành) và cấp vi mô (hợp lý hoá và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, của môi trường kinh doanh và của các thành phần kinh tế quốc dân)

Thứ hai, bộ máy lãnh đạo phải có quyền tự trị, độc lập tương đối trong việc theo đuổi các lợi ích quốc gia, mặc dù có thể làm ảnh hưởng đến các lợi ích của những nhóm cục bộ (như lợi ích của một giai tầng, một vùng hoặc một lĩnh vực nào đó).

Sự độc lập tương đối của bộ máy lãnh đạo không có nghĩa là sự tách rời khỏi hệ thống xã hội (tức là mang tính quan liêu), mà ngược lại phải được hoà cùng hệ thống các mối quan hệ xã hội và có mối liên hệ mật thiết với môi trường xã hội. Xây dựng các kênh trao đổi thông tin trên cơ sở luật định để thường xuyên thương thảo các mục tiêu và các dự án phát triển chung.

Thứ ba, là phải có một bộ máy cán bộ công chức có đủ năng lực và tương đối độc lập. Sự quyết tâm trong phát triển của lãnh đạo và quyền tự trị tương đối của bộ máy nhà nước sẽ giúp hình thành một bộ máy công chức chuyên nghiệp, đủ năng lực và độc lập. Để xây dựng được đội ngũ công chức như vậy cần phải dựa trên chế độ tuyển dụng nhân tài, chế độ bổ nhiệm và thăng tiến phù hợp (sẽ được nói kỹ hơn ở phần sau).

Thứ tư, bộ máy nhà nước độc lập và đủ mạnh phải được đặt trong một xã hội tương đối ‘yếu’ hơn. Điều này có lẽ hơi khó chấp nhận trong điều kiện sự đòi hỏi về tính dân chủ ngày càng tăng cao, cùng với sự phát triển của nhân quyền.

Tuy nhiên, đó là thực tế được phân tích ở các nước đã thành công. Sự yếu tương đối của các lực lượng xã hội sẽ tạo điều kiện cần thiết cho sự tiến hành các quyết sách của nhà nước được nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn.

Tuy vậy, ở khía cạnh này, nhà nước vẫn được chia thành hai loại là nhà nước "mạnh" và nhà nước "cứng rắn". Nhà nước "mạnh" được thể hiện trong sự hợp lý của các chính sách đưa ra và đạt được sự đồng thuận cao của xã hội. Trái lại nhà nước "cứng rắn" gắn liền với hình ảnh áp đặt và đàn áp, bắt xã hội phải chấp nhận các quyết sách của mình.

Thứ năm là khả năng quản lý, kiểm soát một cách có hiệu quả các lợi ích tư nhân. Việc củng cố sức mạnh và quyền lực của nhà nước, trước khi tầm quan trọng của các nguồn vốn trong và ngoài nước tăng lên, sẽ tăng cường khả năng kiểm soát của nhà nước đối với các lợi ích kinh tế tư nhân cả từ bên ngoài lẫn bên trong.

Nhà nước sẽ có ảnh hưởng lớn hơn trong việc quyết định vai trò của các nguồn vốn trong và ngoài nước, và đặt ra các quy định để quản lý chúng (chứ không bị chúng thao túng).

Tất cả các nhà nước kiến tạo phát triển đều thiết lập được một hệ thống các công cụ quản lý để hướng các nguồn vốn đầu tư (trong và ngoài nước) chảy vào những lĩnh vực mà nhà nước muốn phát triển.

Thứ sáu là tính chọn lọc cho phát triển trong định hướng và chiến lược phát triển. Xuất phát từ sự giới hạn về nguồn lực và khả năng sản xuất, một quốc gia không thể một lúc tập trung phát triển mọi lĩnh vực, họ phải biết lựa chọn, ưu tiên các nguồn lực cho những ngành, lĩnh vực phát triển quan trọng nhất trong từng giai đoạn, những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế quốc dân.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể đòi hỏi một nhà nước kiến tạo phát triển mang tính toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội tại mọi thời điểm phát triển.

Để đạt được những mục tiêu chiến lược, xã hội cần phải chấp nhận hy sinh một số mục tiêu khác kém quan trọng hơn, và những mục tiêu này sẽ được thực hiện ở những giai đoạn tiếp theo khi những mục tiêu chiến lược đã được thực hiện thành công.

Và cuối cùng là tính hợp pháp và kết quả thực hiện của nhà nước kiến tạo phát triển. Một nhà nước muốn thực hiện được những chương trình phát triển như trên cần phải có được tính hợp pháp cao, trước tiên từ sự cho phép của hệ thống pháp luật, sau đó là sự đồng thuận và ủng hộ của các lực lượng và các phong trào xã hội.

Hơn hết để đánh giá một nhà nước có được xếp vào loại kiến tạo phát triển hay không, người ta quan tâm nhiều hơn đến kết quả và hiệu quả mà nó mang lại cho nền kinh tế quốc dân. Kết quả được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu phúc lợi khác như y tế, giáo dục....

Việc đánh giá dựa trên kết quả thực hiện có thể bị xem giống như việc đánh giá một nhà nước sau khi nó đã đạt được những thành tựu phát triển nhất định (như đứng ở thời điểm hiện nay để đánh giá thời kỳ thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc,…) nhưng với một quốc gia như Việt Nam, đang học hỏi mô hình của những nước đi trước, thì tiêu chí đánh giá dựa kết quả thực hiện sẽ mang lại tính thực tế trong việc xem xét các chiến lược phát triển được đặt ra, tức là chiến lược đó cuối cùng sẽ mang lại gì cho nền kinh tế.

Chế độ tuyển dụng nhân tài, nhân tố quyết định sự thành công của mô hình

Một đặc điểm nổi bật của các nước công nghiệp hoá đã thành công là bộ máy của họ đều dự trên chế độ tuyển dụng nhân tài.

Ở Nhật Bản, việc tuyển dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước diễn ra hàng năm, Nguồn ứng viên được lựa chọn từ các trường đại học danh tiếng nhất của Nhật Bản. Đây được xem là một trong những kỳ thi khó khăn nhất, có tiêu chuẩn lựa chọn cao nhất, chỉ những thí sinh hội tụ đủ các yếu tố tài, đức mới có thể vượt qua. Thống kê những năm 1928-1943 cho thấy chỉ có khoảng 10% số người tham gia kỳ thi được tuyển chọn, và tỉ lệ thi đỗ của năm 1977 chỉ là gần 2,5% (với khoảng 53.000 người dự thi, số đỗ chỉ là 1.300 người).

Hàn Quốc cũng giống như Nhật Bản, nhà nước Hàn Quốc có truyền thống lựa chọn nhân lực cho họ từ những người tài nhất ở các trường đại học danh tiếng nhất. Trong khoảng từ 1949-1980, số người vượt qua kỳ thi tuyển chọn chỉ bằng 2% số người tham dự.

Ảnh: itgatevn
Song song với tuyển dụng nhân tài, chế độ bổ nhiệm và thăng cấp nhân tài cũng quan trọng không kém. Một phân tích cho thấy, thủ tướng Nhật chỉ bộ nhiệm vài chục vị trí cán bộ, tổng thống Mỹ bổ nhiệm vài trăm, trong khi đó tổng thống của Brazil thì bổ nhiệm nhiều nghìn (ước đoàn hơn 15.000 vị trí).

Ở Hàn Quốc, thời kỳ tổng thống Rhee nắm quyền, kỳ thi quốc gia tuyển chọn nhân lực cho bộ máy nhà nước không được chú trọng, việc bổ nhiệm cán bộ chủ yếu dựa vào chế độ ‘chỉ định đặc biệt’, chỉ khoảng 4% số người được bổ nhiệm là đã được tuyển chọn qua kỳ thi tuyển quốc gia.

Kết quả của nhiệm kỳ tổng thống này là sự cai trị hủ bại, với thâm hụt ngân sách trầm trọng, chính quyền bị các ràng buộc bởi các nhóm lợi ích, tham nhũng tràn lan. Khi Park Chung Hee lên nắm quyền, với chế độ tuyển dụng nhân lực minh bạch thông qua kỳ thi tuyển Haengsi, và chế độ thăng tiến nội bộ quyết định việc thăng chức cho cán bộ. Và nhiệm kỳ của tổng thống Park đã thay đổi hẳn bộ mặt của Hàn Quốc thời kỳ trước, đưa Hàn Quốc bước vào giai đoạn phát triển thần kỳ.

Tuy nhiên, để có thể thu hút và giữ được nhân tài trong bộ máy nhà nước, chế độ đãi ngộ là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Mức lương của cán bộ trong bộ máy nhà nước phải cao hơn so với lĩnh vực tư nhân. Bản thân Ngân Hàng Thế Giới (NHTG) cũng thừa nhận rằng các nước có nền kinh tế phát triển thần kỳ đều có ý thức và có nỗ lực đãi ngộ cán bộ của bộ máy nhà nước với mức thu nhâp cao hơn lĩnh vực tư nhân.

Nghiên cứu của NHTG cho thấy, sự tương phản giữa Singapore, nước có mức lương của khu vực nhà nước bằng 110% khu vực tư nhân, với Somalia, nơi mà mức lương của nhà nước chỉ bằng 11% khu vực tư nhân.

Nhìn lại nước ta thấy rằng, chế độ tiền lương của Việt Nam còn khá nhiều bất cập, so với khu vực tư nhân và đặc biệt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì còn thấp hơn rất nhiều. Một thực tế hiện nay là mọi người ít khi hỏi nhau về mức lương mà chủ yếu đề cập đến tổng thu nhập ra sao.

Đó có lẽ là vấn đề nhức nhối nhất, khi mức lương chính thức thấp, để tăng thu nhập, một số cá nhân phải tìm những mánh khoé khác, khai thác tối đa vị trí của mình để tăng thu nhập. Đây chính là căn nguyên của sự trì trệ, của tham nhũng và hối lộ. Tuy nhiên, việc cải tổ hệ thống tiền lương sẽ không dễ thực hiện nếu không tiến hành cải tổ cơ cấu của bộ máy hành chính trước.
Phần 2: Lợi thế của các nước trong khu vực, sự bù đắp cho Việt Nam

Tài liệu tham khảo

- Avans, P. (1995) Embedded Autonomy, State and industrial transformation, Princeton: Princeton University Press.

- Back, H, and Hadenius, A. (2008) Democracy and State Capcity: Exploring a J-Shaped Relationship, Governance: An International Journal of Policy, Administration, and Institutions, 21(1), 1-24.

- Johnson, C. (1982) MITI and the Japanese Economic Miracle, Canifornia: Stanford University Press.

- Lee, K. et al. (2005) Late Marketisation versus Late Industrialisation in East Asia, Asian Pacific Economic Literature, 19(1), 42-59.

- Vu Minh Khương (2009) Việt Nam trước thách thức xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, Tuần Việt Nam, 19/05/2009.

- White, G. (2006) Towards a Democratic Developmental State, IDS Bulletin, 37(4), 60-70.

Tổng số lượt xem trang