Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

Bổn phận của nhà nước và bổn phận của công dân

Bổn phận của nhà nước và bổn phận của công dân
Hoang Long

Gạt qua mọi thứ chủ nghĩa, mọi học thuyết, mọi lý luận tư biện, vấn đề bổn phận của nhà nước và bổn phận của công dân là một cặp phạm trù có đi có lại, theo đó, nhà nước do dân lập ra nhằm bảo vệ một cách tuyệt đối và phát huy tối đa mọi quyền làm người của từng người dân và tập thể của những người đân sống trong xã hội có nhà nước. Ngược lại, người dân có trách nhiệm lập nên nhà nước và dưỡng bộ máy nhà nước để nó phục vụ một cách tốt nhất các quyền lợi của mình, trong đó, có các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do đi lại, tự do cư trú và tự do học hành phát triển cá nhân. Đó là chân lý tự ngàn xưa mà mọi người sinh ra trên trái đất này, dù là nam hay nữ, dân tộc này hay dân tộc khác, thuộc tín ngưỡng này hay tín ngưỡng khác, ở các trình độ khác nhau, đều ý thức được điều đó. Hay nói một cách ngắn gọn, vai trò của Nhà nước chỉ là một công cụ trong vô vàn công cụ được sử dụng để bảo vệ sự độc lập, tự do và hạnh phúc của người dân, bất kể thời đại nào và người dân đó ở trình độ nào.

Người dân có quyền thay đổi các công chức, từng phần hay toàn thể bộ máy Nhà nước không hoàn thành bổn phận hoặc có hành động đi ngược với lợi ích của nhân dân.

Khẩu hiệu "đừng đỏi hỏi Tổ quốc đã làm gì cho chúng ta, mà hãy hỏi chúng ta đã làm được gì cho Tổ quốc" được sử dụng nhiều trong cuộc sống cũng phản ánh nội dung cặp phạm trù về bổn phận ở trên. Tuy nhiên, một vấn đề phải phân biệt rõ Tổ quốc và Nhà nước là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau chứ không phải là một như cách ngụy biện của nhiều chính trị gia thường nói. Tổ quốc là khái niệm chỉ toàn thể người dân với một nhà nước do nó lập nên định cư trên một lãnh thổ địa lý xác định trên trái đất này. Cho nên, câu hỏi này nêu ra để đòi hỏi trách nhiệm mỗi người dân phải làm gì, đặc biệt là đặt ra cho cái Nhà nước (bao gồm toàn thể công chức và bộ máy công quyền) ý thức được bổn phận của mình đối với Tổ quốc mà nó đại diện. Bổn phận đó thể hiện ở các nhiệm vụ cơ bản sau:

- Bảo vệ sự độc lập, toàn vẹn của Tổ quốc trước ngoại xâm;
- Bảo vệ môi trường sống của người dân một cách tốt nhất.
- Xây dựng và đem lại cho người dân một nền giáo dục tốt nhất, qua đó mỗi người dân và mọi người dân
- Tôn trọng và bảo vệ mọi quyền tự do của người dân giúp họ có thể phát huy cao nhất các giá trị của con người, trong đó có các quyền sống, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại và quyền mưu cầu hạnh phúc thông qua các hoạt động khoa học, nghệ thuật và kinh doanh...

Thế nên, người dân luôn luôn và sẽ mãi được quyền đặt câu hỏi đó đối với Nhà nước, đối với mỗi công chức của Nhà nước, cũng như được quyền yêu cầu nó thực hiện các hành động bảo vệ các quyền lợi của người dân khi các quyền lợi đó không được đáp ứng hoặc bị xâm phạm. Mọi thứ chủ nghĩa, mọi học thuyết, mọi lý luận của Nhà nước nêu ra để biện hộ cho việc không hoàn thành bổn phận của mình đối với nhân dân hoặc đi ngược với bổn phận của mình đều trở nên lạc lõng đối với dư luận và không thể chấp nhận được. Người dân có quyền thay đổi các công chức, từng phần hay toàn thể bộ máy Nhà nước không hoàn thành bổn phận hoặc có hành động đi ngược với lợi ích của nhân dân.

Chỉ có các nhà nước chủ nô, phong kiến, thần quyền mới không cho người dân được các quyền nêu trên, trong khi các công chức của nhà nước đó vẫn phải sống thậm chí sống một cuộc sống xa hoa nhờ người dân.

Đó là chân lý và chân lý thường đơn giản.

Hoang Long

---------------------

Đi tìm lãnh đạo kinh tế tương lai cho Việt Nam.
MartianMobile

Qua những biến cố gần đây tại Việt Nam, người dân đang tự hỏi ai có thể là lãnh đạo kinh tế tương lai cho quốc gia họ. Đây là một bản danh sách những người có thể lãnh đạo kinh tế Việt Nam trong tương lai và làm người viết phải suy nghĩ.

1. Đảng viên đảng Cộng Sản ? Câu trả lời là KHÔNG. Đây chỉ là những kẻ chỉ biết nói như cái máy, lập lại những giáo điều của đảng thì thật khó cho họ có thể trở thành một Ủy Viên Kinh Tế khi họ thiếu suy nghĩ và không có sáng tạo.

2. Hay có thể là những người trong bộ chính trị của Cộng Sản Việt Nam như Tô Huy Rứa trưởng ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, như Trương Tấn Sang Thường trực Ban Bí thư Trung ương một thời là Trưởng ban Kinh tế Trung ương ? lại càng không được hơn vì đảng Cộng Sản đã nhìn nhận là họ theo đuổi một chủ nghĩa Cộng Sản trên đà phá sản về Kinh Tế và họ đã phải phá bộ hệ thống kinh tế của đảng CS và thay thế bằng hệ thống Kinh Tế Thị Trường. Những kẻ tự nhận mình là những người có cặp mắt nhìn xa chỉ trong một sớm một chiều trở thành những kẻ thiển cận nhất. Những người tự hào là chuyên nghiên cứu bản chất, nội dung và quy luật phát triển chung nhất của các quá trình kinh tế trở thành một kẻ được diễu cợt trên báo chí trong và ngoài nước về khả năng bói toán của họ về kinh tế.

3. Hay có thể là những người như ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một thời là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, phó trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái. Tình thật mà nói thì cơ hội cho ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản của ông ta dễ hơn là trở thành người lèo lái nền kinh tế Việt Nam. Chưa kể tư cách của ông ta trong những ngày gần đây chứng tỏ sự hiểu biết về kinh tế của Trung Quốc của ông giỏi hơn là sự suy đoán về kinh tế của chính nước Việt Nam của ông.

4. Hay những chuyên gia về kinh tế Việt Kiều yêu nước ? Lại càng phải nói KHÔNG thật lớn. Nếu họ tài giỏi, không một ai muốn đi làm việc cho một đất nước mà họ biết rất rõ rằng Việt Nam là một quốc gia rất không tôn trọng pháp luật từ người dân cho đến những người làm luật. Tham những là những tệ trạng mất máu trong bất kỳ một nền kinh tế nào. Kinh tế là sự giàu có và chỉ xuất hiện khi con người có thể sản xuất nhiều hơn với nguồn lực lao động và tài nguyên sẵn có. Không thể nào có một giầu có một khi tham nhũng tiêu diệt những sản xuất của con người. Những chuyên gia về kinh tế Việt Kiều yêu nước này chỉ là những kẻ cơ hội chủ nghĩa, họ lo làm giầu cho chính họ trước, trước khi họ lo lắng cho đất nước Việt Nam.

5. Hay là những luật sư trong nước ? Chắc là KHÔNG. Nhìn vào cả ngàn luật sư tại Việt Nam, không một ai dám có thể đứng lên tố cáo và truy tố những kẻ lạm quyền, tham nhũng tiêu diệt nền kinh tế mong manh của Việt Nam từ khi gia nhập vào tổ chức WTO. Họ chỉ là những kẻ được tạo dựng bởi đảng Cộng Sản Việt Nam cho nó có màu mè đẹp đẽ và được quảng cáo trên bích chương báo chí và các bài tuyên truyền trên các bạch thư để tô màu "dân chủ đánh phấn" của chính phủ Viêt Nam. Do đó tôi rất yên tâm gạch bỏ thành phần này.

6. Hay những kẻ đang làm việc trong các cơ sở, ngành, bộ Kinh Tế, Tài Chánh của Việt Nam ? Xin thưa KHÔNG. Họ là những kẻ nhìn thấy những thất bại hay lỗi lầm của kinh tế Việt Nam. Nhưng họ không dám sửa sai, không dám phơi bày. Họ là những cá nhân tốt nhưng họ thiếu đạo đức trong nghề nghiệp, bởi vì thấy lỗi lầm mà tiếp tục không sửa chữa hay tiếp tục che đậy. Họ phải tự hổ thẹn với chính họ, với thân nhân họ. Làm sao chúng ta có thể tin vào họ để lèo lái kinh tế của Việt Nam trong tương lai?

7. Hay những quan chức đang điều hành Bộ Kinh Tế, Tái Chánh ? Chắc chắn là KHÔNG. Nhớ lại khi ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khuyên bảo công chúng với câu nói bất hủ “Tôi mà mua cổ phần là bây giờ tôi thắng rồi”, “Nếu năm ngoái mua thì bây giờ khá đấy, nhưng không có tiền để mua thôi”. Và Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng từng khuyên “Nếu có tiền tôi cũng mua cổ phiếu vào lúc này.” Tại các quốc gia theo Kinh Tế Thị Trường và có các Thị Trường Chứng Khoán lâu đời thì không một viên chức chính phủ tuyên bố điều này vì người dân sẽ tự hỏi là "Không biết các các viên chức chính phủ Việt Nam đang trục lợi khi tuyên bố các điều trên hay dùng các câu tuyên bố của mình để trục lợi chính trị, gây ảnh hưởng kinh tế?" Chưa kể họ là những kẻ giáo điều của đảng CSVN thiếu kiến thức, họ thường xuyên phải dùng các chuyên gia về kinh tế để cho cái guồng máy Việt Nam chạy hằng ngày. Họ hành xử như những chủ nhân ông của Việt Nam nhưng không đủ tư cách lãnh đạo, thử hỏi có bao nhiêu các bộ trưởng của Việt Nam được mời nói chuyện về hiểu biết của mình về lãnh vực chuyên môn sau khi rời bỏ chức vụ? Trong khi tại các quốc gia tiên tiến thì điều này là thường xuyên.

8. Hay chúng ta thử đề nghị các quan chức đang điều hành Thị Trường Chứng Khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ? KHÔNG được đâu. Họ là những người lo lắng vào cái túi tiền của họ hơn là đất nước của họ. Họ là những người quan tâm đến những Thị Trường Chứng Khoán Shanghai, Dow Jones, Âu Châu lên xuống thế nào để ăn theo với chiều hướng của nó thay vì lo lắng cho các công ty được niêm yết trên Thị Trường Việt Nam có làm ăn đúng đắn hay không? Lúc trước họ là những người không quan tâm đến sự công bình, trong sạch cho các người đầu tư thì làm sao bây giờ họ có thể lo lắng cho đời sống của 80 triệu người dân Việt?

9. Hay các giáo sư hay chuyên gia kinh tế người Việt trong nước ? KHÔNG, họ cũng chẳng hơn gì. Thứ nhất, nhiều giáo sư kinh tế Việt Nam cho là giỏi thì không phải đảng viên đảng CS, do đó ta có thể loại trừ những người này trước vì họ không thể nắm giữ "trách nhiệm" trọng đại này. Những "chuyên gia hay giáo sư" còn lại thì đã là đảng viên đảng CSVN, cả đời được giáo huấn trong đó Kinh Tế Việt Nam ngày nay được chuyển đổi dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN nó trở thành Kinh Tế Thị Trường có định hướng! Một kinh tế siêu việt! Họ có một đầu óc vĩ đại nhưng được giáo huấn trong môi trường thiếu chủ động, không sáng tạo. Tại sao?... vì tại sao họ phải sáng tạo làm gì? Đã có đảng và nhà nước lo rồi và bao nhiêu năm tháng trôi qua, cái sĩ của họ nay chỉ là chén cơm manh áo. Họ lo không nổi cho bản thân họ thì làm sao lo được nồi cơm của người dân Việt. Do đó không ngạc nhiên khi không thấy một bài viết đáng kể nào trong trình độ quốc tế của các giáo sư này. Tôi gạch bỏ nhóm này ngay lập tức.

10. Hay có thể mời các bạn trẻ đang học tập trong nước hay ngoài nước để làm lãnh tụ về kinh tế ? KHÔNG và ... CÓ. Không là bởi vì các bạn trẻ này quá trẻ và không có kinh nghiệm. Một phần nữa, nhìn vào các ngài Bộ Trưởng của Việt Nam, trẻ nhất cũng phải trên dưới 50 và phải có thẻ đảng. Không thể mời một anh bạn trên dưới 30 và không phải đảng viên để làm lãnh tụ được. Nhỡ hôm nào hứng tử, bạn Bộ Trưởng trẻ tuyên bố viết bài vung vít như Luật Sư Lê Công Định hay Lê Thị Công Nhân thì có phải khổ không? Chưa kể các bạn trẻ ngày nay được đi du học ngoại quốc như Nguyễn Tiến Trung, Hoàng Lan nhiễm độc tự do dân chủ thì có phải là giết đảng Cộng Sản hay không? Vì tương lai và sự sống còn của đảng Cộng Sản Việt Nam, tôi cương quyết không tán thành để nhóm này trở thành lãnh tụ Kinh tế được.

Thế thì ai có thể lãnh đạo về kinh tế cho Việt Nam trong tương lai? Tôi đi tìm khắp mọi nơi và đề cử 10 nhóm người và đều thấy không một ai xứng đáng được với chức vụ trọng đại như vậy. Tôi nghĩ nhân việc chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, đề nghị Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cầu khẩn các tiền nhân của Việt Nam lúc trước coi họ có thể giúp được Việt Nam ngày hôm nay không? Không biết được hay không nhưng tôi mong rằng các quan chức Việt Nam đừng quên lời nói của danh tướng Trần Bình Trọng: “Thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm Vương đất Bắc.”

martianmobile gửi hôm Chủ Nhật, 21/06/2009

Tổng số lượt xem trang