Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Kết cục đau lòng của anh hùng nghĩa hiệp

Đọc xong thấy day dứt, dù đã từng cảnh báo về những anh hùng nghĩa hiệp . Nhưng trách nhiệm xã hội ở đâu khi người dân phải tự cứu mình .... vai trò của các tổ chức xã hội dân sự ??? Lại nhớ tới bài này:
ĐTC: ''Nếu chúng ta quan tâm đển việc thanh lọc môi trường thì chúng ta cũng phải quan tâm đến việc tạo ra bầu khí trong sạch cho tinh thần''

VietBao “Mọi người đừng như thế, con không sao đâu, con không giết người…”, người thanh niên vừa tra tay vào còng vừa cố mỉm cười với đám người đang vật vã khóc lóc sau lưng nhóm cảnh sát tư pháp trong giờ nghị án.

Thế nhưng, khi bóng những thân vừa khuất sau cánh cửa, anh đã đổ gục xuống băng ghế như cái cây bị vạt gốc. Mái tóc bồng bềnh nghệ sỹ phất phơ trước vành móng ngựa, đôi vai rộng chốc chốc lại run lên. Xung quanh, vài cán bộ công an không giấu được ánh nhìn đầy ái ngại.

“Giá như lúc xảy ra tai nạn, cậu ấy báo chính quyền địa phương hay cảnh sát giao thông đến xử lý thì hậu quả đâu thê thảm như ngày hôm nay. Một mạng người nằm xuống, còn mình thì phải đối diện với tội giết người”, vị đại úy già khẽ chép miệng thương xót. Có lẽ vì thế mà nhà báo được phép tiếp cận với bị cáo Nguyễn Hoàng Phúc (29 tuổi) dễ dàng hơn - điều mà trong nguyên tắc dẫn giải không được phép.

Chiều ngày 7/10/2007, do có chút men trong người nên khi điều khiển xe vận tải nhẹ trên đường Lê Đức Thọ (quận 12), tài xế Lưu Hồng đã để xe va chạm với một xe máy chạy cùng chiều khiến người này ngã nhào xuống đường. Tuy nhiên, Hồng đã bỏ chạy và tiếp tục gây tai nạn cho một người khác rồi kéo lê chiếc xe máy của nạn nhân một đoạn đường dài.

Lúc này, Nguyễn Hoàng Phúc đang đi cùng với một người bạn. Phát hiện sự việc, Phúc quay đầu xe cùng với người dân gần đấy đuổi theo chiếc xe vận tải nhẹ. Đến ngã tư Lê Văn Thọ - Phạm Văn Chiêu, Hồng lại để xe của mình đụng vào xe máy do hai thanh niên chở nhau khiến họ ngã xuống đường. Cùng lúc đó, Phúc và mọi người cũng vừa đuổi đến, yêu cầu Hồng xuống xe giải quyết. Người bạn đi chung với Phúc do quá tức giận trước hành vi của Hồng nên đã ném 2 viên gạch trúng tay tài xế.

Thấy vậy, Hồng tiếp tục rú ga bỏ chạy khiến mọi người tiếp tục cuộc rượt đuổi. Khi đến công ty Huê Phong (quận Gò Vấp), Lưu Hồng cho xe chạy thẳng vào bên trong. Thấy những người đuổi theo nói rằng xe tải đó gây tai nạn chết người nên bảo vệ công ty đã cho vào. Lúc này, Phúc yêu cầu Hồng xuống nói chuyện nhưng người tài xế nhất định không xuống.

Quá tức giận, Phúc chạy lại gần đấy lấy một bình chữa cháy ném thẳng vào kính chắn gió của chiếc xe tải khiến tấm kính vỡ tan, đập vào thái dương của Lưu Hồng khiến người này gục tại chỗ. Phúc tiếp tục lấy thêm một bình chữa cháy khác ném vào hông xe tải và đuổi theo đánh người phụ xế vừa rời khỏi xe.

Trong khi đó, những người khác cũng vừa đến nơi. Mọi người lôi Lưu Hồng ra khỏi vô lăng đấm đá cho hả giận. Tuy nhiên, khi thấy người tài xế nằm bất động, họ đã đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng đã không kịp. Giám định pháp y kết luận, Lưu Hồng chết do chấn thương sọ não nặng. Hai ngày sau, Phúc bị bắt. Những người tham gia vào sự việc cũng bị mời lên nhưng do không có chứng cứ buộc tội nên cơ quan công an chỉ xử lý hành chính.

Suốt phiên xử, Phúc thường quay nhìn người thân buồn bã. Ảnh: A.X.

Ngày 26/5, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Phúc khổ sở khai nhận tất cả sự việc xảy ra vào cái hôm định mệnh ấy. Thế nhưng, trong tiếng khóc tức tưởi của gia đình người bị hại, Phúc vẫn một mực khẩn khoản: “Mong tòa xem xét lại, bị cáo không có ý chối tội, nhưng cái chết của anh Hồng không thể nào do một mình bị cáo gây ra. Bị cáo có trách nhiệm trong cái chết của anh ấy nhưng bị cáo không cố ý giết người”.

Giờ nghị án trôi qua chậm chạp, Phúc vẫn cúi đầu lặng lẽ trên băng ghế dài thượt. Bỗng ngoài hiên cửa vẳng vào tiếng nức nở: “Nếu chồng tôi gây tai nạn cho người ta thì để pháp luật xử lý, chứ đừng để mấy thằng côn đồ này nó giết”.

Giật mình vì câu nói đó nhắm vào mình, Phúc chầm chậm đưa tay vuốt mặt rồi buông tiếng thở dài đến não nuột. Khẽ nhíu đôi lông mày rậm đậm nét đàn ông, ánh mắt buồn u uất, anh nói, đây không phải là lần đầu tiên anh tham gia vào chuyện của người khác. Trước đây, Phúc đã hai lần cùng với người dân truy đuổi bắt cướp trên đường phố để lấy lại tài sản cho các nạn nhân.

Hôm xảy ra sự việc, vợ Phúc mới sinh đứa con thứ hai. Đang trên đường từ bệnh viện về nhà lấy quần áo cho vợ con thì Phúc gặp chiếc “xe điên” của Lưu Hồng. Anh tận mắt chứng kiến chiếc xe này liên tiếp gây tai nạn cho nhiều người nhưng vẫn hung hãn phóng đi với tốc độ kinh hoàng nên rất bức xúc. Lúc đầu, thấy đã có người đuổi theo, anh đã định mặc kệ vì công việc gia đình còn quá bề bộn. Thế nhưng, lại thấy người tài xế quá hung tợn khi lao thẳng xe vào đuôi những chiếc xe chặn bắt, Phúc đã không đành lòng ngó lơ.

“Những ngày bị giam giữ là quãng thời gian khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi. Nỗi ám ảnh về cái chết của anh Hồng cứ đeo bám tôi không rời. Nửa hối hận, nửa bất phục vì tôi không tin là mình gây ra cái chết cho anh ấy. Thế nhưng, trong lòng tôi lại luôn mong có một ngày được nói lời tạ tội với gia đình nạn nhân. Anh ấy cũng có một đứa con nhỏ…”, người đàn ông, nghẹn giọng, ánh mắt đỏ hoe.

Hôm đó, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Phúc mức án 7 năm 6 tháng tù về các tội “giết người” và “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Tra tay vào còng, Phúc quay đầu nói nhanh với người vợ trẻ: “Anh sẽ chống án, dù tòa phúc thẩm có xử nặng hơn anh cũng chấp nhận nhưng anh không phải kẻ giết người…”

Chiếc xe bít bùng hụ còi lao vút đi, người vợ trẻ đổ vật xuống sân tòa ngập nắng, thổn thức: “Em biết nuôi dạy các con thế nào đây? Có lẽ nào lại để chúng phải trả giá vì lòng tốt của cha?...”

Tổng số lượt xem trang