Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

Mọi người hãy sám hối!---Tướng Giáp buộc chính quyền phải lắng nghe

Mọi người hãy sám hối!
VietCatholic News (28 Jun 2009 21:44)
Sám hối là việc thực hành mà mọi người thuộc mọi tôn giáo vẫn hay làm như một lời mời gọi. Người Công Giáo thường thực hiện nghi thức sám hối trước khi bước vào những buổi phụng vụ quan trọng. Theo đó, người Công giáo được mời gọi nhìn lại chính mình trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Người Công Giáo đặt mình trước Chúa, cầu xin Chúa thanh tẩy, để được xứng đáng đến với Chúa (trích từ Radio Vatican). Lời mời gọi ấy đã trở nên rõ ràng và khẩn thiết không riêng gì đối với người Công Giáo mà còn đối với tất cả chúng ta trong lúc này. Một trong những thiếu sót lớn là từ bao năm nay đa số chúng ta đã bàng quan, thờ ơ với bất công và nỗi đau của dân tộc. Hoặc có quan tâm thì cũng dừng lại ở mức độ tìm hiểu.

Hằng năm chúng ta hay chứng kiến sự bất thường của dòng chảy sông Mê Kông. Đến hẹn lại lên, lũ tràn về Miền Tây. Lũ cướp đi sinh mạng của hàng chục người, thậm chí hàng trăm người. Lũ rút, bỏ lại nhiều mảnh đời bơ vơ không nơi nương tựa. Trẻ em bỏ học, càng lúc càng nhiều, trẻ em bán vé số càng lúc càng gia tăng. Phụ nữ bán mình nơi đất khách để tìm kế sinh nhai. Người ta bảo: đó là do thiên tai và hậu quả của nó để lại.

Hằng năm, sau đợt khô hạn, bão tố lại kéo về cày nát Miền Trung. Bão tàn phá nhiều làng mạc, rồi lại cướp đi nhiều sinh linh. Có khi thật oái ăm vì người ta dự báo bão về phía Bắc, ngư dân lánh bão vào phía Nam và tất cả làm mồi cho cá. Người ta bảo do dự báo thời tiết không được chính xác.

Tôi thì không nghĩ vậy! Tôi thì nghĩ người ta vô trách nhiệm !

Hằng ngày hằng giờ, người ta vẫn thường lạnh lùng thông báo trên phương tiện truyền thông: “tháng này có khoảng hơn 4000 người chết vì tai nạn giao thông”.

Sinh mạng con người Việt Nam rẻ rúng quá phải không. Tại sao đều là con cái của Chúa mà sinh mạng con người Việt Nam lại bị xem như rác rưởi vậy?

Không những bàng quan với sinh mạng của người Việt mà chúng ta còn bàng quan với nỗi nhục của dân tộc.

Chúng ta từng tự hào có lịch sử 1000 năm chống giặc phương Bắc. Nhiều binh hùng tướng mạnh của Trung Quốc đã phải bỏ mạng tại đất nước này, nhưng giờ đây họ lại ngang nhiên xem mảnh đất này như quê cha đất tổ của họ. Họ cho xây dựng thành phố trên đảo của chúng ta, đưa dân của họ đến sinh sống. Họ cấm người dân Việt Nam không được đánh bắt cá ở vùng biển của người Việt. Trên Tây Nguyên, họ vô tư đưa công nhân Trung Quốc sang làm việc. Cao hứng, họ còn đánh những người dân của Việt Nam mà bây giờ chúng ta mới dám mở miệng. Họ mạnh dạn tuyên bố việc bổ nhiệm huyện trưởng huyện đảo của Việt Nam là phạm pháp. Nhục ơi là nhục! Thế mà trong nước, những người lên tiếng để bảo vệ Hoàng Sa Trường Sa thì bị cầm tù. Những người yêu cầu bãi bỏ dự án Bauxite được xem là chống đối lại chủ trương lớn của Đảng.

Không những bàng quan với sinh mạng người Việt, nỗi nhục của dân tộc mà chúng ta cũng bàng quan với nhiều nỗi thống khổ của người Việt Nam.

Đi tới đâu trên đất nước này cũng tìm thấy người dân khiếu nại, khiếu kiện vì mất đất. Nhiều người cả đời chỉ làm mỗi một việc là đòi lại đất. Họ khiếu kiện, chán chê mê mãi ở địa phương không ai giải quyết, họ bồng bế, dắt dìu nhau đến những thành phố lớn để hy vọng tìm thấy ánh sáng, công lý từ Trung Ương. Lúc đầu thì họ là những người xa lạ. Lâu dần, để chống lại sự sợ hãi, họ tập trung thành “bầy đàn”. Họ ngủ lang thang trên các đường phố, đêm đêm họ chấp tay lạy tám phương bốn hướng với chút hy vọng tìm lại sự thật. Mà nào có được yên thân, họ luôn luôn trong trạng thái thấp thỏm, đề phòng chiến dịch truy quét, vì “người ta” không thích tập trung đông người. Đói rách, họ tìm đến các Nhà Thờ, Nhà Chùa đề xin nương tựa rồi lại tiếp tục tìm công lý... trong vô vọng.

Còn biết bao nhiêu oan trái trên đất nước này mà chúng ta đã thờ ơ... im lặng.

Một xã hội im lặng đến khó hiểu, ngột ngạt khó thở, chúng ta như người bị bóp mồm bóp miệng không nói được!

Với toàn bộ ý nghĩa, sám hối là hành động trong sáng và cao cả. Chúng ta sám hối để có dịp tự nhận thấy những thiếu sót của mình. Chúng ta dũng cảm nhận thấy mình đã bàng quan với bất công và nỗi đau của dân tộc. Trong sám hối, tôi tin rằng mỗi người chúng ta sẽ tự tìm thấy hướng đi đồng hành cùng với khát khao của dân tộc...

Sài Gòn, ngày 28-06-2009
Ls Lê Trần Luật
--------------------
<<<::: trách nhiệm ... hãy nghĩ tới cuộc sống của dân chúng , những người phải chịu gánh nặng từ hành động của chúng ta >>
Xem thêm từ THD:
  • Vụ bôxít và ĐT VN Giáp: War Hero in Vietnam Forces Government to Listen (New York Times 29-6-09) -- (Ông Đoàn Văn Kiển (của tập đoàn Than Khoáng sản): “General Giap is a national hero. But I have to tell you, the general is nearly 100 years old. We have to respect him, but now we are under the leadership of the present government and Communist Party.” Tạm dich: "Tướng Giáp là một anh hùng dân tôc. Nhưng tôi phải nói cho bạn rõ, ông tướng ấy đã gần 100 tuổi rồi. Chúng tôi phải kính trọng ông ta, nhưng hiện thời thì chúng tôi đang dưới sự lãnh đạo của chính phủ và Đảng Cộng Sản hiện nay".) ◄◄ (Đọc thêm về ông Kiển trên Wikipedia)

Tướng Giáp buộc chính quyền phải lắng nghe
he New York Times

Vị anh hùng thời chiến Việt Nam

đang buộc chính quyền lắng nghe ý kiến



In Vietnam, a Voice That Can’t Be Ignored
Kham/Reuters

General Vo Nguyen Giap, who led Vietnam to victory over both France and the United States.

SETH MYDANS

Ngày 28-6-2009

Hà Nội, Việt Nam – Vị đại anh hùng thời chiến tranh, Tướng Võ Nguyên Giáp, đã đứng lên để bảo vệ quốc gia của ông một lần nữa, lần này là chống lại điều mà ông gọi là một sai lầm lớn nhất của chính phủ — một mỏ khổng lồ được điều hành bởi một công ty Trung Quốc.

Hiện nay vị chỉ huy, 97 tuổi, từng lãnh đạo quốc gia chiến thắng Pháp và Mỹ, đã nổi lên như là một người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong cuộc phản đối rộng rải được nhiều người biết đến. Việc phản đối này đang thách thức lối làm việc bí mật của các nhà lãnh đạo cộng sản của nước này.

Trong một bước đi bất thường, chính quyền VN đã và đang ghi nhận những lời chỉ trích trong các tuần lễ gần đây và dường như đang đưa ra thái độ đáp ứng, chính quyến cho biết họ sẽ xem xét lại các tác động môi trường và sẽ hoãn lại việc thực hiện dự án.

Dự án này, đã được Bộ Chính Trị của đảng cộng sản quyết định chấp thuận vào cuối năm 2007, kêu gọi đầu tư 15 tỉ đô la từ đây cho đến năm 2025 để khai thác mỏ bauxite – loại khoáng chính làm ra nhôm – mà theo một số đánh giá là khu mỏ có trữ lượng lớn đứng hàng thứ 3 thế giới.

Tập đoàn Chinalco của nhà nước Trung Quốc đã thu xếp cho công nhân của họ và máy móc làm việc tại vùng Tây Nguyên theo hợp đồng với hãng Vinacomin (Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam). Tập đoàn khai mỏ này đang có mục đích sản suất 6,6 triệu tấn nhôm trước năm 2015.

Tướng Giáp và những người phản đối khác cho rằng dự án sẽ gây tác hại lên môi trường, phải di dời các tộc người thiểu số và đe doạ an ninh quốc gia với sự hiện diện của một làn sóng công nhân Trung Quốc và việc sử dụng một món đầu tư rất nhỏ ban đầu để thu tóm một mối lợi kinh tế lớn hơn gấp nhiều lần của Trung Quốc.

Cuộc tranh cãi kéo theo một số vấn đề của Việt Nam ngày nay – trong đó có cuộc ganh đua với Trung Quốc trong mô hình phát triển công nghiệp gây tàn phá môi trường, một mối quan hệ liên quan giữa hệ thống nhà nước khép kín và các công dân của mình, và một mối ngờ vực theo linh cảm trong số nhiều người Việt Nam về người láng giềng khổng lồ của họ ở phương bắc.

Trong khi những phác thảo về dự án này đã nổi lên, sự liên minh lỏng lẻo giữa các nhà khoa học, giới trí thức, những nhà hoạt động môi trường, cựu binh chiến tranh và các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo không được công nhận và các nhóm Thiên chúa giáo đã cùng nhau thách thức những gì mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gọi là “một chính sách lớn của đảng và nhà nước.” Những tiếng nói của họ đã được vang lên mạnh mẽ trong môi trường có khả năng khuyếch tán của các blog chính trị, một tiếng nói mới trong diễn đàn công cộng ở đây.

“Có sự trao đổi qua lại giữa các bên và các đề nghị cùng nhau hành động trong một vài vấn đề,” theo nhận định của ông Carlyle A. Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc ở Canbera. “Có nhiều nhóm đã từng thúc đẩy về các chủ đề chính trị và không có kết quả gì thì giờ đây đang quay ra ủng hộ vấn đề bauxite vốn không mang tính chính trị.”

Trừ luận điểm môi trường và kinh tế học, chủ đề từng được loan tải trên khắp các blog và dư luận quần chúng trên đường phố là một mối lo ngại đã ăn sâu bén rễ về Trung Quốc. Việt Nam là một chư hầu của Trung Quốc trong 1.000 năm và đã bị nước này xâm lược năm 1979, và hai nước đã và đang tiếp tục cuộc tranh đấu giành chủ quyền trên Biển Đông [Biển Nam Trung Hoa].

Trong một bản kiến nghị gửi tới Quốc Hội vào tháng 4 năm nay, 135 nhà khoa học và trí thức đã phản đối lại kế hoạch này, họ nói rằng, “Trung Quốc có tăm tiếng rất xấu trên thế giới như một quốc gia đang gây ra nhiều ô nhiễm môi trường và các vấn nạn to lớn nhất.”

Phản ảnh lại quan điểm của các nhà bảo thủ đang nắm quyền, tổng giám đốc của tập đoàn Vinacomin do nhà nước làm chủ, ông Đoàn văn Kiển, đã bác bỏ ý kiến của các nhà chỉ trích trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rằng những người chỉ trích có “các ý kiến khác biệt bởi vì họ không có đầy đủ thông tin.”

Lời phê bình của ông Kiển rõ ràng có ý nghĩa như một lời chỉ trích những người phản đối kế hoạch bauxite, chứ không phải là chỉ trích chính quyền đã giữ kín các thông tin không cho công chúng biết.

Ông Kiển đã nhấn mạnh rằng sự tổn hại môi trường đã được cứu xét đến, rằng dân chúng địa phương sẽ được chăm sóc một cách thích hợp, và rằng Trung Quốc sẽ không chiếm lấy Tây Nguyên. Ông Kiển nói thêm: Việc xây dựng sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm và chỉ có một số nhỏ người Trung Quốc sẽ ở lại để điều hành các hoạt động.

Với những sức ép đang diễn ra, chính quyền đã tự mở cửa đón nhận các ý kiến chỉ trích vào tháng 4-2009, bằng việc tổ chức một cuộc hội thảo mà các nhà khoa học và các nhà kinh tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về điều mà một trong những người trong họ đã nói là có thể trở thành “một thảm họa nghiêm trọng”. Trả lời tại cuộc hội thảo này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trấn an những người chỉ trích rằng chính quyền VN sẽ không khai thác các mỏ bauxite này mà không xem xét tới các tác động lớn hơn và chính quyền sẽ điều chỉnh lại các dự án trong một nỗ lực để bảo vệ môi trường Tây Nguyên.

Hiện nay, chính quyền Việt Nam nói rằng họ sẽ bắt đầu bằng cách khai thác 2 trong số 4 mỏ như kế hoạch, và chính quyền đang đồng ý có một cuộc thảo luận ở Quốc Hội.

“Tôi nghĩ rằng Bộ Chính Trị đang lắng nghe các ý kiến liên quan tới việc xem xét lại dự án bauxite,” ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ của VN tại Thái Lan, cho biết. “Chính quyền VN nên tìm một phương pháp khác để khai thác vùng Tây Nguyên. Kế hoạch ấy nên là phát triển bảo vệ môi trường.”

Mức độ của sự uyển chuyển của chính quyền thì không rõ ràng bởi vì các chi tiết về kế hoạch lúc đầu không đưa ra công khai cho dân chúng biết. Nhưng tối thiểu, chính quyền đã và đang thừa nhận rằng ý kiến của dân chúng không thể nào bị coi thường.

“Chính quyền đã và đang rút lui,” ông Thayer cho biết. “Họ đã hiểu ra và chấp thuận các ý kiến của người dân và sẽ thay đổi phương cách để hành xử trong tương lai và họ phải đáp ứng các áp lực của dân chúng. Đối với tôi, điều này mang theo một hy vọng rằng khi cả một hệ thống gồm nhiều thành phần của dân chúng Việt Nam tham gia, chính quyền có thể đã phải xem xét lại các loại liên minh này một cách nghiêm cẩn hơn”

Nhưng, ông Thayer cho biết, “Việt Nam vẫn chưa đạt đến giai đoạn mà ở đó các nhóm độc lập và mọi người trong xã hội có khả năng xem xét một quyết định nào đó của chính quyền và đảo ngược lại quyết định ấy.”

Chính quyền VN có thể đã bác bỏ các ý kiến chỉ trích nếu như Tướng Giáp không lên tiếng, lần đầu tiên vào tháng Giêng và hai lần tiếp sau đó. Tướng Giáp nói rằng dự án bauxite “ sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, xã hội và quốc phòng.”

Nhà vận động viên lớn tuổi này đã dường như tập hợp lại ý kiến của công luận (ý kiến đó ngược lại với ý kiến ban lãnh đạo của nước), ông kêu gọi các nhà khoa học, các giám đốc và các nhà hoạt động xã hội “đề nghị đảng và nhà nước có một chính sách đúng đắn ở Tây Nguyên”

Tướng Giáp là người bạn thân thiết của cố chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nhà lãnh đạo hiện nay kéo dài sự cầm quyền của họ là do từ mối liên hệ của họ với thế hệ tướng Giáp, và vì thế họ đã đáp lại các lá thư của tướng Giáp với sự tôn trọng một cách công khai.

Khi được hỏi cảm tưởng ra sao khi nhận ra ông đang ở phía đối lập với vị tướng vĩ đại này, ông Kiển, tổng giám đốc của Vinacomin, bật ra một chút thái độ bất kiên nhẫn mà các nhà lãnh đạo có lẽ hiện đang nghĩ.

“Tôi không dám phê bình,” ông Kiển nói. “Tướng Giáp là một vị anh hùng của đất nước. Nhưng tôi phải nói với bạn rằng, ông tướng hiện nay gần 100 tuổi rồi. Chúng tôi phải tôn trọng ông ấy, nhưng hiện giờ chúng tôi đang dưới sự lãnh đạo của chính quyền hiện nay và của Đảng Cộng Sản”.


Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

———————–

The New York Times

War Hero in Vietnam Forces Government to Listen

By SETH MYDANS


Tổng số lượt xem trang