Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

Mong Anh sẽ thành công khi bào chữa cho mình trong phiên toà sắp tới

<<<::: thích bài này... phải rùi... lấy tư cách gì mà kết án người khác....trước khi phán xét người ta, hãy nghĩ tới tính người trước đã >>>
Mong Anh sẽ thành công khi bào chữa cho mình trong phiên toà sắp tới

Nghe tin Anh bị bắt hôm Chủ nhật vừa rồi, muốn viết một bài để chia sẻ cùng Anh nhưng vì lu bu công việc nên cứ khất lần, đến hôm nay thì Anh đã ‘nhận tội’, nhiều người bảo thôi viết làm chi nữa, nhưng tôi vẫn muốn viết, không những thế sự kiện đó càng thôi thúc tôi hơn nữa.

Tôi không quen biết Anh trực tiếp, chưa được diện kiến Anh lần nào, chỉ biết tên Anh đầu tiên qua những vụ kiện chống bán phá giá cá basa, tôm, sau này qua những bài viết sắc sảo của Anh về yêu cầu cải cách tư pháp, đòi hỏi sự minh bạch trong hoạt động của tòa án, qua bài bào chữa xuất sắc cho hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, qua những trả lời phỏng vấn của Anh trên báo, đài. Tôi đồng ý với Anh về rất nhiều điểm trong các bài viết đó, và trân trọng thái độ dấn thân, sự can đảm dám lên tiếng cũng như những suy nghĩ tự do, tư tưởng tiến bộ của Anh.

Rồi tôi nghe tin Anh bị bắt. Những gì Anh từng viết cho người khác bây giờ lại ứng đúng vào Anh. Tôi hy vọng thủ tục khám xét, tịch thu tài liệu nơi làm việc của Anh tuân thủ đúng pháp luật và tôn trọng các chuẩn mực văn minh toàn cầu, những giá trị mà Anh bảo vệ và đòi hỏi được thừa nhận tại Việt Nam.

Rồi Anh ‘nhận tội’. Nhiều người thất vọng vì họ chờ đợi ở Anh một người anh hùng, sẽ đứng lên tố cáo chế độ một cách đanh thép rồi sẵn sàng chết vì lý tưởng của mình. Một số người khác thất vọng vì Anh có liên quan đến các tổ chức chính trị, họ nghĩ Anh nên là một trí thức thuần túy, không nên dính dáng đến thế giới nhiều thủ đoạn đó. Nhưng Anh có cần phải quan tâm đến sự mong đợi đó không nhỉ, nếu họ thích, họ cứ sống lý tưởng như thế, còn Anh, hãy cứ sống như Anh cảm nhận, vì chỉ có Anh mới có quyền quyết định cuộc đời mình.

Một số người nói Anh hèn. Lấy tư cách gì để phán xét người khác, khi mình không ở trong hoàn cảnh của họ. Nếu đã từng ‘hân hạnh được’ làm việc với công an Việt Nam, có lẽ bạn sẽ hiểu hơn quyết định nhận tội của Anh. Có thể nói chưa có khi nào mà cảm giác bất lực và nỗi lo sợ lại hiển hiện, day dứt đến như vậy, không những cho bản thân mà còn cho gia đình, người thân, bởi vì những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, rằng số phận anh/chị và gia đình nằm trong tay chúng tôi, luôn được sử dụng đúng lúc như một công cụ khống chế hữu hiệu.

Anh đã từng bào chữa cho hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, bị kết án với cùng tội danh mà Anh đã nhận ngày hôm nay, vi phạm điều 88 của Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khi ấy Anh đã chứng minh các hành vi của luật sư Đài và Công Nhân là không vi phạm pháp luật, rằng cần phải phân biệt, tách rời các chủ thể Nhà nước và Đảng, và cần phải tôn trọng quyền tự do biểu đạt ý kiến và các quan điểm cá nhân theo Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã kí kết và tham gia. Anh đã cố gắng chứng minh điều luật này là vô lý, song khi ấy các luật sư vẫn bị kết án. Mong sao Anh sẽ thành công hơn lần này, khi bào chữa cho chính mình trong phiên tòa sắp tới, để một niềm tin mong manh về một xã hội Việt Nam sẽ ngày càng cởi mở, tự do hơn không bị dập tắt trong lòng mọi người.

Tôi không thần tượng Anh, càng không ‘ngưỡng mộ’ Anh như một ‘minh chủ’, nhưng trân trọng những suy nghĩ, ý kiến của Anh thể hiện qua các bài viết. Và tôi tin rằng giá trị của những thông điệp được truyền tải đó sẽ luôn tồn tại vững bền, mặc cho Anh sẽ bị kết án như thế nào, dù là bởi tòa án hay bởi dư luận.

Để kết thúc bài viết, xin được trích lời của chính Anh, trong bài bào chữa nói trên: Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay đổi luật pháp ấy’[1].

© 2009 Đặng Thảo

© 2009 talawas blog


[1] http://www.hoamai.org/TSHM/TS_20/dvd_TapSan_20_p4.htm

------------

Tính minh bạch trong hoạt động của tòa án

Lê Công Định

Trong các thiết chế dân chủ hiện đại, tòa án hành xử quyền tài phán, một trong ba quyền nền tảng của hệ thống quyền lực quốc gia – vừa thực hiện vai trò xét xử tranh chấp để tạo lập và duy trì công lý trong xã hội, vừa thực thi trách nhiệm giải thích luật pháp thông qua những luận điểm pháp lý nêu trong phán quyết, và qua đó ấn định khuôn khổ ứng xử cho hành vi của các tổ chức và cá nhân. Hành xử thẩm quyền này đòi hỏi hoạt động của tòa án phải có tính minh bạch. Tính minh bạch trong hoạt động của tòa án được thể hiện ở thủ tục tố tụng, tức là các quy định liên quan đến quy trình xét xử và xác lập chứng cứ khi giải quyết các vụ án và vụ kiện.

Thủ tục tố tụng hiện hành phần nào đó đã ấn định tính minh bạch của hệ thống tư pháp Việt Nam, chẳng hạn các phiên xử được tổ chức công khai ngoại trừ trường hợp liên quan đến danh dự cá nhân hoặc thuần phong mỹ tục, hoặc các bên liên quan được quyền xuất trình chứng cứ và tranh luận công khai tại phiên xử. Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa tính minh bạch cần phải thực hiện một số thay đổi quan trọng về thủ tục tố tụng của tòa án Việt Nam. Trong những cải cách cần thiết đó, chúng tôi nêu dưới đây hai vấn đề chủ yếu nhất để bình luận.

Thứ nhất, cần phải minh bạch hóa việc xác lập chứng cứ. Hẳn nhiên chúng ta đang thiếu một luật về chứng cứ, ít nhất dành cho hoạt động xét xử, nhưng không vì vậy mà thiếu lưu tâm đến sự minh bạch trong quy trình xác lập chứng cứ. Cho đến nay, liên quan đến tố tụng hình sự, chỉ cơ quan điều tra và công tố đuợc đặc quyền xác lập chứng cứ để bảo vệ quyền lợi xã hội, trong khi luật sư với vai trò bảo vệ quyền lợi cá nhân luôn gặp nhiều hạn chế khi thu thập chứng
cứ và thường chỉ giới hạn trách nhiệm của mình vào việc nêu ra những điểm bất hợp lý của các chứng cứ đã được cơ quan điều tra và công tố xác lập sẵn. Cách xét xử theo lối “án tại hồ sơ” của hầu hết thẩm phán hiện nay, dù muốn dù không, đã trở thành thói quen xấu khó thay đổi.

Sự thiếu minh bạch như vậy trong thủ tục tố tụng hình sự đã dẫn đến hậu quả là quyền tự do cá nhân và quyền lợi của công dân không được bảo đảm như Hiến Pháp hiện hành đã minh định. Các tranh luận gần đây về việc sửa đổi luật tố tụng hình sự đã chỉ rõ sự cần thiết phải mở rộng vai trò và sự tham gia của luật sư vào tiến trình xác lập chứng cứ, và như vậy mặc nhiên cho thấy tầm quan trọng của việc minh bạch hóa hoạt động xét xử của tòa án trong những vụ án hình sự.

Liên quan đến tố tụng dân sự và kinh tế, nguyên tắc “đối tụng”, một nguyên tắc tranh tụng thông dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những nước theo hệ thống Châu Âu lục địa (Civil Law) và Thông Luật (Common Law), vẫn chưa được công nhận và áp dụng tại Việt Nam. Theo nguyên tắc này, trước khi vụ kiện dân sự hoặc kinh tế được tòa án chính thức xét xử công khai, các đương sự có trách nhiệm trao đổi chứng cứ và tranh luận với nhau, chứ không đơn giản chỉ xuất trình chứng cứ và trình bày quan điểm của mình với thẩm phán mà thôi. Nói cách khác, phải có sự thông tri giữa các bên có liên quan về toàn bộ “bức tranh” của vụ kiện. Sự trao đổi chứng cứ vừa là nghĩa vụ vừa là quyền của các đương sự. Để bảo đảm sự thực thi quyền và nghĩa vụ này, trước khi phiên xử được khai mạc, các đương sự đều phải được dành đủ thời gian đánh giá và nhận xét chứng cứ của đối phương. Nguyên tắc đối tụng buộc thẩm phán tại phiên xử phải bác bỏ giá trị của những chứng cứ chưa được trao đổi và bình luận hợp lệ trước đó giữa các bên. Khiếm khuyết sự thông tri như vậy khiến việc xác lập chứng cứ trở nên thiếu minh bạch và do vậy công lý không được bảo đảm.

Quan sát các vụ tranh tụng dân sự và kinh tế tại Việt Nam, người ta dễ nhận thấy tình trạng các bên tranh tụng luôn tìm cách che giấu những chứng cứ quan trọng cho đến khi phiên xử chính thức bắt đầu mới tung ra nhằm “hạ độc thủ” đối phương để chiếm thế thượng phong (!).

Do bị bất ngờ và thiếu thời gian chuẩn bị trong trường hợp như vậy, việc đánh giá chứng cứ của một bên sẽ không toàn diện và họ mặc nhiên bị tước mất sự công bằng mà lẽ ra thủ tục tố tụng phải bảo đảm đồng đều cho tất cả các bên tranh tụng. Hậu quả của sự thiếu minh bạch này trong tranh tụng là các luật sư thay vì dành thời gian và công sức để trao dồi kỹ năng nghề nghiệp, chỉ lo tìm kiếm những thủ đoạn vặt vãnh nhằm tranh thủ lợi thế so với đối thủ của mình.

Thứ hai, thủ tục công bố án lệ cần phải được minh bạch hóa. Nếu phán quyết được tuyên công khai tại các phiên xử công khai thì không lý do gì phải bảo mật án lệ đối với công chúng. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, phán quyết đã tuyên của tòa án được tập hợp và xuất bản thành những tập án lệ, ít nhất dành cho giới nghiên cứu và thực hành pháp luật tham khảo và phê bình. Dù muốn dù không, do chức năng phản ánh thực tiễn pháp lý của mình, án lệ vẫn đóng vai
trò chính trong việc giải thích luật pháp và qua đó xác lập khuôn khổ ứng xử cho xã hội. Công bố án lệ sẽ giúp giới thực hành pháp luật hiểu ý nghĩa và sự vận hành của các đạo luật theo nhãn quan của cơ quan tài phán, đồng thời tránh tình trạng áp dụng luật tùy tiện của cơ quan hành pháp. Mặt khác, các tạp chí luật chuyên ngành thường có mục phê bình án lệ của các giáo sư đại học, sự phê bình này góp phần vào việc nghiên cứu và đề xuất các học thuyết pháp lý mới. Công bố án lệ vì vậy rất cần thiết cho việc phát triển luật pháp nói chung.

Tuy nhiên, công bố án lệ lại không được chú trọng tại Việt Nam. Giới nghiên cứu và thực hành pháp luật muốn tham khảo án lệ buộc phải dựa dẫm vào mối quan hệ riêng nhất thời với các thẩm phán. Tìm được án lệ vì vậy là vấn đề may rủi. Chính hạn chế này đã làm giảm thói quen nghiên cứu và cập nhật thực tiễn pháp lý của giới nghiên cứu và thực hành pháp luật. Hậu quả là luật pháp được giải thích tùy tiện, thường theo ý kiến riêng của các quan chức hành chính, và các giảng đường đại học hoàn toàn thiếu vắng những học thuyết pháp lý giá trị. Điều này cản trở sự phát triển lành mạnh của hệ thống luật pháp Việt Nam.

Từ những phân tích sơ lược nêu trên có thể thấy rằng tính minh bạch trong hoạt động của tòa án không chỉ là vấn đề hình thức. Quyền xuất trình chứng cứ và tranh luận tại các phiên xử công khai là điều kiện cần nhưng chưa đủ của tính minh bạch, cần phải có cái nhìn mới, thực tế và khoa học hơn về quy trình xác lập chứng cứ và công bố án lệ. Minh bạch hóa hơn nữa hoạt động của tòa án sẽ góp phần đáng kể vào công cuộc cải cách tư pháp tại Việt Nam.

Nguồn: Đặc San Nghề Luật, Trường Đào Tạo Các Chức Danh Tư Pháp, Số 7 năm 2004
-----------------
Ý kiến của Giám Đốc Hiệp Hội Báo chí ĐNA về việc bắt giữ luật sư Lê Công Định

Asia Times Online -

Chính Quyền Việt Nam bắt giữ một người

hay chỏ mũi vào chuyện của kẻ khác

By Roby Alampay

Người dịch : Trần Hoàng


Jun 20, 2009

Băng Cốc, Thái Lan – Trên bề mặt, chẳng có gì mới mẻ về cuộc bắt bớ một luật sư nổi tiếng của chính quyền Việt Nam hôm 13-6 vì các tội trạng luôn luôn thuộc về tuyên truyền chống lại nhà nước. Lê Công Định được giáo dục ở Mỹ – ông ta có một bằng cao học luật của Viện Đại Học Tulane (tiểu bang Louisiana) – và tham gia vào nhóm các luật sư quốc tế và các luật sư bênh vực cho nhân quyền và dân chủ.

Điều dễ hiểu nhất trong việc bắt giữ ông Định là dựa vào sự quan sát bình thường cho thấy rằng chính phủ Viêt nam đã quyết định và thực hiện việc bắt giữ (người) thêm lần nữa. Chính phủ đã và đang bắt giữ một người chịu ảnh hưởng của phương Tây đang đi rao giảng sự thay đổi. Việc bắt giữ ông Định là cọng thêm vào một danh sách của một nhóm 30 người bất đồng chính kiến, bao gồm các nghệ sĩ, các nhà hoạt động cho tôn giáo, các nhà văn mà Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế nói rằng những người nầy đã và đang nhận được những bản án tù lâu năm kể từ năm 2006.

Tuy nhiên, điều quan tâm của quốc tế và bên trong nước về việc chận bắt ông Định thì ở trên một mức độ khác. Việc chận bắt một nhân vật thường hay phát biểu thì không phải là chuyện mới lạ gì. Những lời buộc tội chống lại ông Lê Công Định đang gây khó khăn cho chính quyền vì một lý do liên quan đặc biệt tới thế đứng của ông ta trong xã hội Việt Nam, vị thế ấy là: ông Định không phải là một nhà bất đồng chính kiến.

Ông Định chỉ mới 41 tuổi và đã thành công rồi, với việc hành nghề luật sư đang phát triển mạnh và lập gia đình với một hoa hậu, Ông Định có thể được xem như là một thành phần của nhóm cầm quyền. (vậy thì) Điều gì đã và đang làm ông tách xa (khỏi nhóm cầm quyền) thì không liên quan nhiều tới việc bênh vực công khai của ông ta dành cho sự đổi mới và cải cách, nhưng chính là niềm tin của ông ta vào các nguyên lý đã lựa chọn. Chính các nguyên lý tương tự đó đang làm cho những lời buộc tội chống lại ông ta không còn ý nghĩa nữa.

Ông Định đã và đang bênh vực rất nhiều cho dân chủ, và các quyền của người Việt Nam. Ông đã và đang đứng bên trong các giới hạn thuộc quyền của ông với tư cách là một luật sư ở Việt Nam. Khi ông biện hộ cho các bloggers, các nhà văn và các nhà hoạt động nhân quyền, ông Định không viết hay dựa vào các quan điểm bên ngoài Việt Nam hay tổ chức các cuộc vận động bên trong nước.

Ông Định được biết đến vì lối nói chuyện đơn giản và rõ ràng của một luật sư, ông bàn cải và thảo luận thuần túy từ những gì ở trong hiến pháp của Việt Nam. Sự biện hộ và bênh vực của ông là tuân thủ theo luật pháp. Ông chỉ rõ rằng quyền phát biểu tự do được diễn đạt và được vinh danh một cách hiển nhiên ở trong hiến pháp, cùng với quyền tự do báo chí và tự do thành lập hội đoàn.

Nơi nào mà các nhà bất đồng chính kiến soi mói rằng các sự bảo đảm hợp pháp dành cho quyền tự do diễn đạt tư tưởng là chỉ có tính chất trên danh nghĩa, con người luật sư ở trong ông Định được người ta biết làm việc với tin tức hàm ý đó, “ điều đó là hợp lý, tôi đồng ý là vậy, nhưng chúng ta có thể chịu đựng chuyện nầy đến đâu.” Ông Định đã và đang bảo vệ các thân chủ của ông dựa trên cơ bản hợp lý tương tự mà qua đó các nhà báo và các blogger ở Việt Nam nói rằng sự thay đổi có thể, sẽ, và trên thực tế đang diễn ra rồi, bằng chứng là trên mạng internet. (blogger có tự do nói bất cứ điều gì được :) .

Làn Sóng của sự Cởi Mở

Mặc cho các hạn chế, sàn lọc tin tức và ngăn chận các trang mạng, sự cởi mở đang phát triển trên mạng internet thì có thể nhìn thấy, nghe thấy, và nhận thấy được ở Việt Nam. Thông qua các blog và các phương thức mạng trực tuyến, những người Việt Nam đang nói nhiều về các đề tài như tham nhũng, cải cách kinh tế và tôn giáo. Rõ ràng là vẫn còn có những biên giới, nhưng thật là chính xác đối với những ai đang tự họ vượt qua đường biên giới nầy (ý thức hay không có ý thức), ông Định trở nên được người ta biết đến như là một người đại diện cho tập thể ấy và ông là người đáng tin cậy.

Những gì mà các blogger và các nhà văn muốn tin vào internet, ông Định dường như đang cố gắng để chứng minh trong lãnh vực luật pháp. Ghi nhận sự đàn áp đã được hệ thống hóa của đảng Cộng sản đang nắm quyền hành, sự cam kết của luật sư Định để làm việc từ bên trong hệ thống nầy có tính chất vô giá và không dễ dàng gì để đạt được.

Tổ chức Quan sát Nhân Quyền (HRW) bênh vực cho các quyền của con người có căn cứ đóng ở Mỹ ghi nhận rằng “hầu hết các tù nhân chính trị và tù nhân các tôn giáo ở Việt Nam không có quyền tiếp xúc với các luật sư độc lập suốt thời gian xử án của họ”. Cùng lúc ấy, “Các luật sư nào khác tìm cách để bảo vệ cho các bị can (hoạt động cho nhân quyền của người Việt Nam và các nhà hoạt động cho tôn giáo) thì lại đối diện với các hăm dọa và quấy nhiễu (của chính quyền).”

Tổ chức Quan sát Nhân Quyền (HRW) thuật lại trường hợp của “luật sư Bùi Kim Thành, bà ta bị chính quyền cưỡng chế và giam giữ trong một bệnh viện tâm thần vào năm 2008 và năm 2006 bởi vì hành động bảo vệ của bà dành cho các nông dân tìm kiếm sự bồi thường vì (nhà nước) tịch thu đất đai của họ” .

Ở mức độ nầy, ông Định không phải là người đầu tiên mà cũng không phải là người duy nhất đối diện với sự quấy nhiễu của chính quyền. Năm 2007, các thân chủ của ông Định là hai nhà luật sư quen biết (LS Đài và LS. Công Nhân), và ông Định đã biện hộ thành công để có được các bản án tù ngắn hơn sau khi hai luật sư nầy đã bị phạt tù trước đó vì tội “Tuyên truyền chống lại nhà nước”.

Ông Định trước đó đã thành công làm nhẹ các bản án tù cho các đồng nghiệp của ông, và đó là một loại chiến thắng có tính chất đạo đức đã hổ trợ cho ông Định. Nhưng đây là phiên tòa đang chờ đợi của chính ông – sự bắt giữ của một người khác nổi tiếng nhất ở Việt Nam vì hay chỏ mũi vào chuyện của người – phiên tòa nầy đang nhấn mạnh tới sự thắng hay thua sau cùng (của ông ta).

Chính quyền Việt Nam cho rằng ông Định “đã lợi dụng công việc của ông ta với tư cách là một luật sư bảo vệ cho một số các bọn phản động…để tuyên truyền chống lại chế độ và xuyên tạc luật pháp và hiến pháp của Việt Nam”.

Tổ chức Bảo vệ quyền Tự Do Truyền Thông ở miền Đông Nam Á (SAMLDN), một tổ chức của các nhà bảo vệ cho ngành truyền thông được độc lập của miền nầy, cho rằng Việt Nam đang hình sự hóa một cách hiệu quả sự bó buộc có tính chất nghề nghiệp của luật sư để biện hộ cho các thân chủ của ông Định. Bằng cách tuyên phạt các lời biện hộ của ông Định dành cho quyền tự do phát biểu ý kiến, bao gồm những ai đã diễn đạt ý kiến để biện hộ bên trong biên giới của tòa án và bên trong tiến trình của việc thưa kiện, (khi làm thế) chính quyền đang quấy nhiễu nguyên cả khối luật gia và làm cho toàn cả nước Việt Nam không còn có được sự bảo vệ nữa.

Không phải chỉ có người Việt Nam sẽ lo lắng. Việt Nam đang nhận lãnh trách nhiệm chủ tịch Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (7 nước) vào năm 2010, đúng vào lúc hiệp hội nầy đang lên lịch làm việc để đưa lên bàn họp lần cuối cùng về một dự án dành cho sự thành lập một tổ chức về nhân quyền đang thành hình. Vì chưa có một nước nào có thể quyết định chuyện tổ chức nhân quyền đó sẽ là một hội đồng, một ủy hội, một tòa án, hay một bàn làm việc trong một văn phòng nho nhỏ, phương hướng và sự tiến bộ của tổ chức nhân quyền nầy phụ thuộc cao độ vào ước muốn chính trị.

Sự đối xử của chính quyền Việt Nam dành cho ông Định tiên đoán được ý kiến không ưa thích hay sự bất hạnh về khả năng phát triển và tính chất thực dụng của tổ chức nhân quyền ấy. Một số người cho rằng các động lực của việc bắt giữ ông Định có thể không nhất thiết đưa ra tín hiệu về một sự thắt chặt có tính chất trừng phạt trên toàn cả nước VN, mặc dù sự bắt giữ vào tuần nầy ba nhà hoạt động dân chủ bị cáo buộc về việc bí mật hành động để hợp tác với ông Định đang dương cao ngọn cờ đỏ báo động (về chuyện thắt chặt ấy).

Người ta ngờ rằng các tội chống lại ông Định có nguyên nhân chính trị. Đối với mọi người ông Định đã và đang giúp đỡ — cho quyền của các người nông dân, một sự thách thức đối với các việc khai thác mỏ, các khẳng định của Việt Nam về các hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc, và nhiều vấn đề khác nữa – người ta cho rằng ông Định có nhiều kẻ thù ở nhiều lãnh vực.

Mọi việc đều không đổi, tất cả đều do trách nhiệm một phần nào đó của hệ thống luật pháp không được mang ra thi hành chức năng và lợi dụng làm phương hại tới cả nước Việt Nam – và miền nầy—đã làm nhơ nhuốc và tàn hại quyền tự do ngôn luận và làm nhơ bẩn các báo cáo về nhân quyền.

Bất luận trường hợp nào, người Việt Nam sẽ mất đi một người đàn ông, một người đã từng khăng khăng, cố chấp để thúc đẩy cho một sự thay đổi bên trong chế độ. Giờ đây chính ông ta đang cần có một luật sư, những triển vọng dành cho mọi người mà ông Định đã đứng lên và tranh đấu ở Việt Nam đã và đang trở nên không chắc chắn nữa.

Roby Alampay là giám đốc của Hiệp Hội Báo Chí Đông Nam Á

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

COMMENT
Vietnam arrests a pragmatist

By Roby Alampay

Tổng số lượt xem trang