Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

Ngư dân bị chặn đường ra khơi: Đói trong mùa cá


Tàu thuyền của ngư dân Phổ Quang neo đậu tại cửa biển Mỹ Á - ảnh: H.CỪ

Không chỉ ngư dân Đà Nẵng khốn khó vì đường ra khơi đang bị phong tỏa, ngư dân nhiều tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Ngãi, Phú Yên... cũng đang lao đao bởi lý do tương tự.
* Bảo vệ ngư dân như thế nào?* Giúp dân bám biển, giữ ngư trường
*
Lệnh cấm vi phạm chủ quyền Việt Nam
Làng cá ngừ bỏ tàu lên bờ...
Từ khi có lệnh tạm cấm ngư trường của Trung Quốc đưa ra, nhiều ngư dân chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở phường 6 và câu mực ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) mất hẳn kế sinh nhai. Nhiều người vì lo sợ tính mạng bản thân, tài sản của gia đình đã kêu bán tàu, thuyền, làm những nghề tay trái với thu nhập thấp, khiến đời sống ngư dân càng thêm khó khăn...

Không khí cảng cá phường 6 và bến cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) những ngày qua khá trầm lắng, khác hẳn cảnh tươi cười vồn vã trước đây. Đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm chiếc thuyền “đứng bánh” dưới bến, dù đang vào mùa đánh bắt. Ngư dân Huỳnh Thế Dũng (KP Bạch Đằng, P.6), cho biết: “Trước đây mỗi tháng đi biển, tàu tôi đánh được 1,2 - 1,4 tấn bò gù. Với mức giá khi đó là 72.000 - 79.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, trung bình thu lãi được vài chục triệu đồng/chuyến. Hiện nay giá bò gù rất cao, từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, nhưng chẳng ai dám cho tàu ra khơi, bởi nguy cơ rình rập từ mọi hướng”.
Ngư dân Đoàn Văn Lộc và Huỳnh Thế Dũng bên chiếc tàu nằm bờ của mình - ảnh: X. Huy
Dù sao nhiều ngư dân cũng còn đỡ hơn gia đình bà Nguyễn Thị Tài (KP.6, P. Phú Đông, TP Tuy Hòa). Hơn 2 tháng qua, mẹ con bà Tài như người mất hồn khi phương tiện sinh nhai của gia đình là chiếc tàu PY-5236 TS chuyên nghề câu mực bị mất liên lạc, trên đó có 7 người gồm cả chồng bà là Nguyễn Văn Có. “Người quen đi biển về nói rằng chính mắt họ trông thấy thuyền gia đình tôi đi đến vùng biển ngoài đảo Hòn Gốm thì gặp một tàu nước khác có trang bị súng ống tới tịch thu tàu và bắt người đi đâu không rõ. Tôi chờ mãi nhưng không thấy có ai liên lạc với gia đình...”, bà Tài nói trong nước mắt.
“Trung Quốc họ cấm như thế thì coi như ngư trường của các tàu đánh bắt xa bờ cũng không còn. Thế là hết đường làm ăn rồi”, ngư dân Trần Văn Cúc, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, lo lắng. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều ngư dân ở Phổ Quang những ngày qua. Không ra khơi được, cũng đồng nghĩa cuộc sống của hàng trăm gia đình ngư dân phải đối mặt với vô cùng khó khăn, không biết lấy tiền đâu để trả nợ, trả lãi cho ngân hàng; còn ra khơi thì đối mặt với những hiểm nguy rình rập...
Cướp ngày giữa biển Đông

Ý kiến đại biểu Quốc hội

"Đây là vấn đề liên quan đến lợi ích hai quốc gia, nếu đã liên quan đến tranh chấp, thì phải đặt trong các cam kết quốc tế, và các bên phải vận dụng theo luật pháp quốc tế. Nếu ta đúng, thì phải đấu tranh kiên quyết, tốt nhất là qua đường ngoại giao”
- Đại biểu Dương Trung Quốc, Đồng Nai

“Hai nước phải có thương lượng với nhau để tìm ra một giải pháp cho quyền lợi của các bên được đảm bảo. Theo tôi, Bộ Ngoại giao VN phải sớm có ý kiến về giải pháp” -
Đại biểu Nguyễn Văn Sĩ, Quảng Nam

Lưu Quang Phổ (ghi)

Nỗi lo của ngư dân không phải không có cơ sở, khi thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ tàu cá VN bị tấn công, cướp trên biển. Ông Phạm Tĩnh (58 tuổi, ở thôn Phần Thất, xã Phổ Quang), chủ phương tiện và cũng là thuyền trưởng tàu QNg - 94734 TS chuyên hành nghề lưới rút, vẫn chưa hoàn hồn sau vụ tàu bị tấn công trên biển, dù vụ việc đã trôi qua hơn 1 tháng.
Ông Tĩnh kể: Hôm đó vào khoảng 10 giờ ngày 26.4, tàu của ông đang trên đường tìm kiếm ngư trường thì thấy có tàu nhấp nhô từ khá xa. Biết chuyện chẳng lành, ông Tĩnh cho tàu quay ngược trở lại và chạy hết tốc lực, nhưng chỉ được chừng hơn 20 phút thì 2 tàu sơn màu trắng không rõ quốc tịch (số hiệu 44061, 44831) đến gần và nổ súng, buộc tàu phải dừng lại. Liền sau đó, 2 chiếc ca nô xuất phát từ các tàu trên chở theo khoảng 10 người, tay lăm lăm súng "đổ bộ" lên tàu cá QNg - 94734 TS, nói toàn tiếng Trung Quốc và ra hiệu tất cả thuyền viên dồn về phía mũi tàu, tay giơ lên khỏi đầu. Họ lục lọi khắp tàu, giở hầm thấy cá ngừ, cá thu liền bắt các thuyền viên chuyển cá qua ca -nô để chở về tàu “trắng”. Hơn 1 giờ, toàn bộ số cá khoảng trên 3 tấn mà tàu ông Tĩnh sau 6 ngày cật lực khai thác đều bị cướp sạch. Trước khi bỏ đi, những người nói tiếng Trung Quốc còn “đe dọa” bằng cách lấy lưỡi lê súng AK đâm lủng 1 thúng chai...
Cho tàu cập âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), ngư dân Đặng Cận (63 tuổi, ở vùng 5, thôn Hải Tân, xã Phổ Quang), là chủ tàu QNg - 8793 TS hành nghề lưới cản về nhà vào sáng 5.6, vẻ mặt vẫn chưa hết lo sợ. Ngay sau đó, ông Cận đến tường trình với lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi toàn bộ vụ việc bị rượt đuổi, thu cá vào ngày 24.5. Ông Cận kể, lúc đó 9 giờ sáng, 9 thuyền viên trên tàu đang ngủ sau cả đêm đánh cá bỗng giật mình hoảng hốt khi nghe tiếng hụ còi của tàu “trắng” mang số hiệu 44183. Tất cả thuyền viên vùng dậy cho tàu chạy ngay, nhưng chỉ được vài trăm mét thì tàu “trắng” đã tiếp cận được. Ngay lập tức, 4 người nói tiếng Trung Quốc tay cầm súng trèo qua tàu QNg - 8793 TS, vừa nói vừa ra hiệu các thuyền viên về mũi tàu, hai tay giơ lên trời, lục lọi khắp người, khắp tàu và cuối cùng là buộc các ngư dân chuyển khoảng 5 tấn cá – thành quả lao động nhiều ngày của họ - qua tàu “trắng”. “Họ có súng, tính mạng mình ở trong tay họ nên chẳng biết làm gì hơn”, ông Cận bức xúc.
Bảo vệ ngư dân như thế nào?

Chiều 5.6, ông Nguyễn Việt Thắng (ảnh), Chủ tịch Hội nghề cá VN, trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên xung quanh việc Trung Quốc có lệnh tạm cấm ngư trường khiến một bộ phận ngư dân miền Trung phải nằm bờ giữa mùa đánh bắt cá. Ông Thắng nói: Chúng tôi phản đối lệnh tạm cấm ngư trường của Trung Quốc vì một phần vùng biển đó thuộc chủ quyền của VN. Đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phản đổi lệnh cấm này, khẳng định chủ quyền lãnh hải của VN.

Họ chỉ được quyền cấm phía vùng biển của họ thôi, chứ về nguyên tắc họ không có quyền cấm vùng biển của chúng ta.

* Ngày 5.6, một số ngư dân miền Trung cho biết họ bị tàu lạ tịch thu hết số cá đánh bắt được. Ông có biết thông tin này không?

- Tôi chưa nghe chuyện này, nhưng nếu như vậy cũng là sai, chúng ta phải phản đối ngay.

Bây giờ, chúng ta phải tuyên truyền để ngư dân duy trì đánh bắt, thể hiện chủ quyền trên biển của mình. Dự kiến trong một vài ngày tới Hội sẽ chính thức có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp cụ thể hơn để bảo vệ ngư dân yên tâm đánh bắt cá trong vùng biển chủ quyền VN.

* Theo ông, chúng ta sẽ có thể bảo vệ ngư dân trên biển như thế nào?

- Chúng ta một mặt phản đối, một mặt tuyên truyền cho bà con biết rằng đi đánh bắt trong ngư trường của mình vừa đảm bảo quyền lợi, vừa khẳng định chủ quyền của đất nước. Theo tôi trong tình hình này, thứ nhất, ngư dân nên đi đánh bắt theo tổ đội, đoàn kết tương trợ nhau trên biển. Thứ hai, phải thường xuyên thông tin liên lạc. Thứ ba, khi đi đánh bắt phải báo cáo cho biên phòng, công an và lực lượng hải quân biết vùng đánh bắt.

Chúng tôi đề nghị là nếu có chuyện ngư dân đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền VN mà phía họ gây ra chuyện gì đó thì sẽ phải yêu cầu họ bồi thường vì họ đã xâm phạm vào vùng biển của chúng ta, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân chúng ta.

Bùi Trần (thực hiện)
Giúp dân bám biển, giữ ngư trường

“Chúng tôi đang tăng cường hướng dẫn bà con ngư dân những ngư trường đánh bắt thuộc chủ quyền VN để bà con yên tâm bám biển, sản xuất. Nếu có vấn đề khó khăn nào xảy ra, ngư dân sẽ trực tiếp liên lạc với các đồn, tàu Biên phòng để được hướng dẫn”, Ban tác chiến BCH Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng hôm qua (5.6) cho hay.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, hiện tại ở Đà Nẵng 210 tàu cá nằm bờ.
Vũ Phương Thảo (ghi)
Ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT): Lệnh cấm vi phạm chủ quyền Việt Nam

“Việc Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, bởi những gì thuộc quyền quản lý của họ thì họ cấm, nhưng những gì thuộc quyền quản lý của VN thì họ không có quyền gì cả”.

Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh trên ngư trường thuộc quyền quản lý của Việt Nam có các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển... sẵn sàng hỗ trợ, nếu có gì xảy ra, bà con ngư dân hãy thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để được giúp đỡ, vì chủ quyền của VN thì không có ai có thể xâm phạm được...
Đ.Phú (ghi)
------------------------------------
Vậy có thể thấy những chuyện chính trị nó đâu có xa xôi, nó nằm ngay tại nồi cơm , niêu cá của mỗi người dân . Chủ quyền biển của ta nếu không gìn giữ , không được tôn trọng sẽ được thấy tại nơi mỗi con tầu ra khơi, tại căn nhà của mỗi ngư dân .... Đừng có nghĩ ừ đâu phải việc của mình, liên quan gì đến mình đâu. DânViệt ơi, hãy học bổn phận của mỗi người dân... hãy nghĩ dòng máu Việt đang chảy trong người..... Chúng ta có thể cảm nhận được ảnh hưởng của chính trị trong ngay căn nhà của chúng ta. Đúng là một đất nước để con dân buộc phải nghĩ ngợi tới chính trị thì đó là một đất nước bất hạnh nhưng biết làm sao ...
Tôi đã được biết câu chuyện buồn của một cô bé, làm tại một khách sạn, vừa rất buồn vừa nói cả bộ phận bếp bị kết thúc hợp đồng khi hết hạn và không một ai được ký tiếp ....
Câu chuyện kể ra thì đúng chả trách được ai mà trách chính mỗi nhân viên bếp, họ đã không ý thức được trách nhiệm của họ và phải trả giá... Lâu rồi, thực phẩm trong bếp cứ hao hụt và khách sạn đã phải thay quản lý. Ông quản lý này rất bực và trực tiếp thức đêm theo dõi. Sau một thời gian thì đã bắt được một nhân viên mang thực phẩm ra ngoài..., điều tra ra thì hầu hết nhân viên bếp không ít thì nhiều cũng có liên quan và quản lý đã không tin một ai, và ra quyết định như trên . Nếu nói thẳng ra thì đây là hành động ăn cắp, có lẽ đầu tiên chỉ 1 vài người không ra gì thực hiện. Nhưng chẳng ai nghĩ rằng hành động này sẽ có ảnh hưởng tới công ăn việc làm của mình nên đã kệ, dần dần có thể đã đồng lõa (đạo đức suy thoái). Nhưng kết quả thì sao, chỉ một vài cân bánh, cân thịt, cân dầu... họ đã mất việc.
Suy cho cùng , sự im lặng trước cái xấu cũng đồng nghĩa với đồng lõa và cuối cùng theo một cách ít ai ngờ tai họa sẽ giáng xuống đầu chúng ta. Cái ác còn ngự trị khi người tốt im tiếng, liệu có sai ???
Tiếp theo tôi cũng nghĩ tới tình hình bloggers hiện nay. Tôi có đọc: entry mới mời tất cả các bạn an ninh mạng vào đọc chơi :) mười cách để nhận ra chân rết CS :) Blog Entry
Ảo ảo thật thật. Tôi cũng không lần ra đâu là bạn, đâu là CAM... dần dần nhìn ai cũng nghi ngờ. Có bạn rất dễ thương nhưng rồi lại nghĩ biết đâu CAM dò ..uhmm, cái blog tí teo này cuối cùng cũng rơi vào mắt CAM.... liệu có bị xếp vào trang phản động ??? Nhưng cũng như vậy thì cũng thành con sâu làm rầu nồi canh. Đôi mắt chúng ta nhìn đời ngày càng xám xịt, (dù đều đã qua thời thơ ngây).... họ có biết rằng họ đang làm cho xã hội ngày càng tồi tệ, reo rắc sự nghi ngờ, làm người Việt ngày càng xấu xí và văn hóa Việt bớt tính nhân văn. Chính chúng ta đang tạo dựng hành vi cho mình và chính chúng ta đang viết nên lịch sử . Các bạn CAM hãy nghĩ lại, bloggers có người này người khác . Họ cũng phải bớt chút thời gian dành cho gia đình để viết blog, dù sao họ cũng không đến nỗi ích kỷ chỉ nghĩ cho mình... Vậy nhỉ !
------------------
Chuyện ngụ ngôn: CÁI BẨY CHUỘT
Một con chuột khi nhìn xuyên qua vết rạn trên tường thì thấy vợ chồng người nông dân đang mở một chiếc túi. Chuột nhà ta liền nghĩ “ Chiếc túi ấy chắc đựng một loại thức ăn nào đây!”, nhưng cậu ta đã sửng sốt khi khám phá ra đó là một cái bẫy chuột. Chuột vội rút lui ra sân, và thông báo cho mọi người biết “ Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”.

Cô gà mái nghe thế thì kêu cục cục và chạy đến trước mặt chuột mà nói “ Chú chuột ạ!Tôi chỉ có thể nói với chú một điều rằng chú đang gặp nguy hiểm đấy, nhưng điều đó không có quan trọng gì đối với tôi. Tôi không thể làm gì cho chú được cả”.

Chuột tiến đến bên chú lợn và nói “ Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”. Lợn nhìn chuột một cách thiện cảm và nói “ Tôi thật hối tiếc, chú chuột ạ, nhưng tôi không biết làm gì cả, ngoài việc cầu nguyện cho chú.”

Chuột đi về phía bò và nói “ Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”. Bò nghe thế thì nói “ Ồ, chú chuột ơi, tôi lấy làm tiếc cho chú, nhưng việc đó chẳng dính dáng gì đến tôi cả”.

Vì thế, chuột lầm lũi trở về nhà, đối mặt với cái bẫy cuả người nông dân một mình. Buổi tối hôm đó, một âm thanh vang động khắp cả nhà, dường như âm thanh này xuất phát từ chiếc bẫy chuột. Vợ của người nông dân vội chạy lại xem con nào đã bị sụp bẫy. Trong bóng tối, bà ta không nhìn thấy một con rắn độc, cái đuôi cuả nó bị dính vào bẫy chuột. Con rắn thấy bà ta thì liền tấn công. Người nông dân vội đưa vợ vào bệnh viện và khi trở về nhà thì bà phát sốt.

Thấy vợ bị ốm, người nông dân liền cầm con dao nhỏ tiến ra sân, tìm cô gà mái để nấu súp cho vợ ăn. Nhưng vợ ông vẫn chưa hết sốt, những người bạn và hàng xóm đến thăm bà, người nông dân liền làm thịt chú lợn để mời cơm họ.

Vợ cuả người nông dân không qua khỏi, bà đã qua đời. Vì thế, nhiều người đã đến chia buồn và giúp ông lo tang lễ cho bà, người nông dân liền làm thịt chú bò để bồi dưỡng họ.

Lâu nay, chú chuột ở phía trong quan sát mọi việc qua vết nứt trên tường, chú cảm thấy rất buồn, những người bạn cuả chú đều đã lần lượt qua đời.

Hãy nhớ rằng mạng sống cuả một người trong số chúng ta bị đe doạ, thì điều đó cũng có nghiã là tất cả chúng ta đang gặp nguy hiểm đấy.Chúng ta là những mắc xích, thế thôi.
- Lý luận đe dọa mới của Trung Quốc lại xuất hiện? (Vitinfo)
- Trung Quốc để mắt đến mỏ khí lớn nhất Iran (Vitinfo).
- Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay (Đất Việt).

Tổng số lượt xem trang