Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

An Ninh Chống Tham Nhũng

An Ninh Chống Tham Nhũng

Ở Úc, cảnh sát bắt đầu một cuộc điều tra quy mô, liên quan đến cáo buộc “công ty Securency của họ đã chi tiền hoa hồng cho một đại lý ở Việt Nam”. Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Việt Nam cũng kết luận điều tra, đề nghị truy tố Huỳnh Ngọc Sỹ về hành vi “cho thuê nhà” thay vì “nhận hối lộ”. Như vậy, vụ án của PCI không những chưa kết thúc mà còn đặt ra rất nhiều thách thức.

Huỳnh Ngọc Sỹ là quan chức đầu tiên bị bắt giam và PCI là vụ án đầu tiên được khởi tố kể từ khi có những dấu hiệu tham nhũng liên quan tới các quan chức Việt Nam được cảnh sát nước ngoài phát hiện. Năm 2006, cảnh sát Đức tìm ra dấu hiệu Siemens chuyển hơn 5 tỷ đồng vào một tài khoản ở Singapore của một người được nói là “quan chức Việt Nam”. Năm 2008, 3 Việt Kiều ở Mỹ bị truy tố vì “hối lộ 150 nghìn đô la để bán được các thiết bị cho một dự án ở Vũng Tàu”. Từ đó đến nay, không hề có bất cứ thông tin nào từ cơ quan điều tra Việt Nam về hai vụ án có dấu hiệu liên quan đến tham nhũng ấy.
Rất có thể là cơ quan điều tra đã không thể thu thập đủ chứng cứ “theo pháp luật Việt Nam”. Dân chúng không thể đòi hỏi một “nhà nước pháp quyền” bỏ tù ai đó mà không đảm bảo về bằng chứng. Tuy nhiên, khi có những vụ việc mà cảnh sát nước ngoài có thể tìm được những bằng chứng hiển nhiên mà cảnh sát Việt Nam bó tay thì dân chúng không thể không yêu cầu nhà nước phải làm điều gì đấy.
Tham nhũng không chỉ tạo ra hình ảnh xấu cho quốc gia, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh cho nền kinh tế mà, tại Hội nghị Trung ương 3, tháng 7-2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh còn cho rằng: “Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ”.
Vụ “luật sư Lê Công Định” cho thấy, cơ quan an ninh Việt Nam có đủ năng lực để phát hiện từ trong trứng nước các hành vi được coi là “vi phạm luật pháp Việt Nam”; những hành vi không chỉ xảy ra ở trong nước mà ở bất cứ chỗ nào bên ngoài Biên giới. Lực lượng an ninh, trước “nguy cơ” mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vừa chỉ ra, nên được huy động sức mạnh cho cả mục tiêu chống tham nhũng, trong những lĩnh vực mà cảnh sát không đặt chân tới được. Khi có những thương vụ lớn, sử dụng nguồn ngân sách quốc gia, lực lượng an ninh hoàn toàn có thể nhắm sự “quan tâm đặc biệt” vào các nhân vật có liên quan: các mối liên hệ; những tài khoản cá nhân; những căn nhà họ mua ở nước ngoài; ai trả cho những chuyến du lịch, trước, trong và sau khi hợp đồng được ký…
Tất nhiên, tham nhũng cũng lắm mưu nhiều kế, không phải, cứ quyết tâm là có thể đưa được tay tham nhũng vào còng. Nhưng, nhà nước cứ im lặng khi các thông tin liên quan đến các quan chức Việt Nam dính líu tới những khoản “hoa hồng” thì, tuy có thể dấu được dân, nhưng rất khó giải thích với các quốc gia mà mình đang làm ăn với họ. Đức, Mỹ, Nhật những năm trước hay nước Úc hiện nay, khi khui các vụ án ra không phải là vì họ “thù địch” với Việt Nam mà vì muốn bảo vệ môi trường kinh doanh của họ. Không thể có cạnh tranh minh bạch, điều kiện để một nền kinh tế phát triển vững bền, nếu có những hợp đồng đã bị giành lấy bởi những người dùng tiền hối lộ.
Vụ PCI, vụ Siemens… cho thấy, cho dù chúng ta không bắt được ai nhận “lại quả” thì về phía họ cũng có không ít nhà doanh nghiệp đã phải vào tù. Rủi ro khi làm ăn với một quốc gia hay bị đối tác vòi vĩnh, hóa ra, là rất lớn. Nếu như những nhà kinh doanh làm ăn đàng hoàng đến từ các quốc gia có luật pháp rõ ràng cứ lần lượt quay lưng, thì các hợp đồng của chúng ta cũng sẽ tuần tự rơi vào tay các nhà thầu đến từ các nước sẵn sàng chi hối lộ. Tất nhiên, sẽ có những kẻ giàu thêm, nhưng đất nước và dân chúng thì lại càng kiệt quệ. Hãy biết ơn những phát hiện tham nhũng từ bên ngoài và hãy xác định chống tham nhũng chính là nhu cầu nội tại.
Huy Đức

Tổng số lượt xem trang