Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Cái gốc của bài toán kinh tế là “ta”

Cái gốc của bài toán kinh tế là “ta” <<< ::: lý thuyết thì đúng vậy, nhưng nếu ta yếu thì sao... họ nhè đúng cái ta yếu mà đánh .... >>>
26/06/2009 11:05 (GMT + 7)
"Trong thương trường, chiến trường, cũng như võ trường, kẻ chiến thắng là người biết chuyển cái mạnh của đối thủ thành một lợi thế cho mình và sử dụng được thế mạnh của mình để công vào đúng chỗ, đúng lúc"- ông Trần Sĩ Chương.


Trong mậu dịch thương mại thế giới ngày nay, hàng hóa, con người, tiền của có xu hướng như nước chảy về chỗ thấp và đọng lại nơi nào trũng đến khi đầy. Trung Quốc đã trở thành một công xưởng của thế giới vì họ đã có khả năng sản xuất hàng loạt các loại hàng với giá rẻ chưa từng có. Các mặt hàng này được xuất đến những thị trường nào cần nó, ở mức giá phù hợp với sức mua của thị trường đó.

Ba mươi năm trước, một chiếc quần jeans Levi’s của Mỹ cũng phải trên dưới 20 USD một chiếc. Ngày nay, sau 30 năm, một chiếc quần jeans chất lượng tương tự thậm chí tốt hơn, mẫu mã bắt mắt hơn, cũng chỉ dưới 20 USD.

Không khó để mua một áo T-shirt made-in-China ở Mỹ. Ảnh: gappantone.com

Hàng hiệu, hàng đẹp ở Mỹ rẻ cực kỳ so với những nơi khác trên thế giới. Một chiếc sơ mi nam chất lượng cao nếu mua ở các cửa hàng cao cấp ở Việt Nam phải cỡ 2 triệu đồng một chiếc (trên 100 USD); ở Mỹ chỉ có khoảng 30-40 USD. Không phải chỉ hàng chất lượng cao, hàng áo thun polo, áo lót đủ loại chất lượng cũng tràn ngập thị trường Mỹ.

Không khó để mua một áo T-shirt made-in-China ở Mỹ chỉ với giá 1 USD. Các cửa hàng siêu thị 99 cents (dưới 1 USD) ở Mỹ bán đủ thứ từ kính mát, kính cận đến tất cả các đồ gia dụng, tập vở học sinh, kem đánh răng, nồi niêu xoong chảo, nước ngọt…Mỗi thứ đều đồng giá 99 cents, nhớ phần lớn là hàng từ Trung Quốc!

Từ khoảng 15 năm nay, người tiêu thụ ở Mỹ tiết kiệm được nhiều tỉ USD hàng năm là nhờ nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Người dân Mỹ đã bỏ phiếu cho hàng Trung Quốc qua túi tiền của họ, vì hàng Trung Quốc đã đem đến cho họ một cái lợi thiết thực khổng lồ. Từ khoản tiết kiệm này, dân Mỹ có thể chi tiêu nhiều hơn vào các mục khác, tạo vòng xoay nhanh và nhiều hơn cho đồng tiền của họ.

Càng tăng trưởng lại càng tạo thêm cầu, thêm cầu thì lại thêm cung.
Ảnh: thrifshop.com


Câu chuyện của người tiêu thụ ở Mỹ cũng không khác câu chuyện ở châu Âu và nhiều nước khác. Nguyên tắc chung (dĩ nhiên là kèm theo các luật chơi cơ bản) của việc hội nhập vào thị trường toàn cầu là tính “dân chủ” cho người tiêu dùng ở mỗi nước thành viên (WTO): người tiêu dùng có thể trúng, và họ cũng có thể trật trong việc lựa chọn mua gì, bán gì, nhưng hãy để cho họ tự quyết định, không ai được cấm cản ai.

Trên nguyên tắc này, cái cung và cái cầu sẽ dễ đến với nhau hơn, nhanh hơn, với giá rẻ hơn, như vậy nhiều cầu sẽ được đáp ứng hơn, cung tăng theo, tạo nên tăng trưởng. Càng tăng trưởng lại càng tạo thêm cầu, thêm cầu thì lại thêm cung. Cứ thế thì nhà nhà đều vui vẻ, ai cũng có thêm công ăn việc làm. Nhu cầu cuộc sống ngày càng được giải quyết tốt hơn.

Nhưng trong mỗi cái hay, cái được đều có cái nghiệt ngã của nó. Người thắng cuộc là người biết lách, biết khắc phục cái khó để được nhiều hơn, ít nhất là cao hơn điểm xuất phát của mình.

Chuyển cái hay của người thành cái lợi của ta

Trong thương trường, chiến trường, cũng như võ trường, kẻ chiến thắng là người biết chuyển cái mạnh của đối thủ thành một lợi thế cho mình và sử dụng được thế mạnh của mình để công vào đúng chỗ, đúng lúc.

Hàng đồ chơi Trung Quốc bày bán ở Việt Nam.
Ảnh: baothuongmai.com.vn

Trung Quốc có một thế mạnh tương đối (cũng gần như tuyệt đối) mà hầu như không có nước nào trên thế giới có thể cạnh tranh: đó là sử dụng tối đa nguồn lao động giá rẻ lớn nhất thế giới để sản xuất với giá thành thấp nhất, dựa vào khả năng tập trung sản xuất với quy mô lớn, cũng như khả năng huy động được một nguồn nhân lực lớn.

Nước Mỹ có thế mạnh là một nước có mãi lực lớn, có những sản phẩm có hàm lượng chất xám và đòi hỏi vốn đầu tư cao, và là nước dẫn đầu trong các dịch vụ tài chính đầu tư mà cả thế giới đều phải cần. Nước Mỹ trong vòng 15 năm qua đã nhờ áp lực cạnh tranh của Trung Quốc để có thể tập trung hơn vào những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn và dứt bỏ những ngành đòi hỏi hàm lượng lao động lớn. Đó cũng là một lí do làm cho năng suất kinh tế nước Mỹ tăng nhanh trong thập niên qua.

Trong một cuộc khảo sát thị trường Trung Quốc vào năm 2001, chúng tôi đã nhận thấy khả năng sản xuất một áo thun polo với giá thành chỉ bằng một nửa giá thành của một chiếc áo tương tự sản xuất ở Việt Nam! Lý do đơn giản là vì giá đầu vào của họ thấp: 1) ở đâu giá nhân công bắt đầu tăng thì họ chuyển sản xuất vào những vùng chưa phát triển có giá nhân công thấp hơn; 2) máy móc thiết bị cũng được chuyển qua những vùng sản xuất mới, sau khi đã được khấu hao ở các vùng cũ; 3) họ có thể đặt hàng (nguyên liệu đầu vào) với số lượng cực kì lớn để được giá thấp vì họ có một cơ quan phối hợp nhu cầu đầu vào để có lợi thế thương thuyết giá mua gần bằng giá thành của người bán.

Đây là những lợi thế mà chúng ta không thể và cũng không nên cạnh tranh. Ngược lại, chúng ta nên chuyển lợi thế của Trung Quốc thành lợi thế cho mình: đó là nhập tất cả cái gì ta cần với giá rẻ từ Trung Quốc, với chất lượng tối thiểu đạt yêu cầu. Đó là chuyển cái hay của người khác thành cái lợi cho mình.

Môi trường thông thoáng

Ở thị trường tiêu thụ, ai nên quyết thế nào là chất lượng tối thiểu đạt yêu cầu? Phải là người tiêu thụ. Bởi vậy người tiêu thụ cần có thông tin đầy đủ và chính xác về hàng hóa để họ có thể tự quyết định. Đó là trách nhiệm của các hội bảo vệ người tiêu dùng và các phương tiện truyền thông đại chúng. Các hội này cần được hỗ trợ để có khả năng thử nghiệm đánh giá tất cả các mặt hàng có mặt trên thị trường, cả hàng nội lẫn hàng ngoại; thu thập thông tin sẵn có trên thị trường quốc tế để quảng bá trong nước.

Ở thị trường sản xuất, ai nên quyết định sản xuất cái gì và cho ai.
Ảnh: thugian.com.vn


Đây là một hướng hiệu quả để giúp Nhà nước tránh phải đưa ra những chính sách bảo hộ có thể gây khó khăn về mặt đối ngoại, cũng như những “trả đũa” không có lợi cho cả người tiêu thụ trong nước lẫn những doanh nghiệp đang xuất khẩu những mặt hàng mà ta có thể cạnh tranh.

Ở thị trường sản xuất, ai nên quyết định sản xuất cái gì và cho ai, ở đâu để có thu nhập? Phải là doanh nghiệp. Đây là cái vế thứ hai của những thách thức từ hội nhập. Từ giai đoạn Đổi mới, doanh nghiệp trong nước đã chứng tỏ khả năng sinh tồn và tính năng động cao để vượt khó. Ngày nay hơn bao giờ hết, họ có khả năng thu thập thông tin thị trường một cách dễ dàng, họ có khả năng đánh giá quyết định nên làm gì, với ai và làm như thế nào.

Cái họ cần không phải là sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp định hướng kinh doanh, hoặc ngay cả vốn (vì thị trường vốn ngày nay đã đa dạng hóa và phong phú hơn nhiều), mà là tạo cho họ một môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh nhất có thể được. Cái họ cần là làm sao họ không còn phải vướng bận với những phí “phi kinh tế”, với những thủ tục hành chính rườm rà, với những luật lệ giới hạn khả năng phát triển của họ. Đây là những biến số phải được giải quyết tận gốc để doanh nhân trong nước có thể tự giải bài toán kinh doanh của chính họ.

Bài toán kinh tế ngày nay không chỉ có hệ quả kinh tế. Mặt trận kinh tế ngày nay mang tính toàn diện từ chính trị, xã hội đến chủ quyền đất nước. Cái gốc của bài toán kinh tế là “ta”, chứ không phải là từ “người”. Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh lịch sử.

Chúng ta đang phải chịu áp lực từ nhiều hướng. Hàng giá rẻ Trung Quốc trên bề mặt đang là một áp lực lớn cho doanh nghiệp trong nước. Nhưng nếu xét về mặt tổng thể thì đây cũng chỉ là một trong nhiều vấn đề mà chúng ta đang cần phải đối phó trên quan hệ song phương. Trong tình huống này, chúng ta cần phải tỉnh táo để tránh có những phản ứng và thái độ bất lợi lâu dài.

Nếu cần “tuyên chiến” thì chúng ta nên tuyên chiến quyết liệt hơn nữa với chính mình để dứt bỏ những nếp cũ không còn phù hợp với những yêu cầu sinh tồn và phát triển của thời đại mới. Nếu làm được vậy thì không những chúng ta sẽ tìm được hướng giải quyết vấn đề hàng giá rẻ từ Trung Quốc mà còn tạo được một thế cạnh tranh nhất định, thật sự trở thành một điểm đến lí tưởng cho các đối tác đầu tư tầm cỡ, không những để cùng chia sẻ lợi nhuận kinh tế, mà còn cùng nhau tạo một thế lực chiến lược có lợi chung. Đó cũng là một cơ hội mà nhiều đối tác tiềm năng quốc tế đang mong đợi ở ta.

  • Theo Trần Sĩ Chương (Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Tổng số lượt xem trang