Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Đồn Biên Phòng Hoàng Sa

Đồn Biên Phòng Hoàng Sa

Mấy ngày qua, các gia đình ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không còn liên lạc được với 12 ngư dân bị Trung Quốc bắt hôm 16-6 tại vùng biển Hoàng Sa để đòi 540 triệu đồng tiền chuộc. Đây không phải là lần đầu tiên ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc “bắt làm con tin để tống tiền”, như cách nói của ông Nguyễn Dự, Chủ tịch xã An Hải, huyện Lý Sơn. Chỉ riêng Quảng Ngãi, đã có 373 ngư dân và 33 tàu đánh cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tính từ năm 2005, để đòi từ 150-180 triệu một tàu. Không chỉ bị “tống tiền”, ngư dân Việt làm ăn trên lãnh hải của ông cha mà dễ gặp nguy hiểm như bị lạc sang xứ Somali xa lắc.

Ngày 26-4, tàu của ông Phạm Tĩnh, đang tìm cá thì bị 10 kẻ lạ mặt, nói tiếng Trung Quốc, đi trên một con tàu trắng, “nổ súng đuổi theo, nhảy sang lục lọi, rồi cướp sạch toàn bộ số cá khoảng trên 3 tấn”. Một ngư dân Quảng Ngãi khác, ông Ðặng Cận, hôm 24-5, cũng “bị những người nói tiếng Trung Quốc, từ một con tàu trắng khác, dùng súng cướp đi 5 tấn cá”… Trước đó, đêm 19-5, một tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị đâm chìm, 26 ngư dân thoát chết.

Những hành động ấy xảy ra không lâu sau khi Việt Nam thả hai tàu Trung Quốc “xâm phạm” sâu vào vùng biển Đại Lãnh. Ngôn từ ngoại giao mềm mỏng và cách đối xử “chí nhân” đã không đánh thức được tình “láng giềng” mà người ta vẫn nhận.

Năm 1999, khi Trung Quốc ra lệnh cấm ngư dân Philippines đánh bắt cá trên Biển Đông trong vòng 2 tháng, chính quyền Philippines đã lập tức phản đối: “Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc sẽ không có hiệu lực đối với ngư dân nước này”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tuyên bố: “Họ (Trung Quốc) mới chính là người xâm phạm”.

Ngư dân Trung Quốc chính là những người thường xuyên đánh bắt trong vùng lãnh hải của các quốc gia lân bang. Hôm 20-6-2009, Indonesia đã bắt giữ 75 người Trung Quốc đánh cá trong “vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”. Theo các ngư dân, ngay trên vùng biển Việt Nam, lúc nào cũng có thể bắt gặp tàu đánh cá của người Trung Quốc.

Đang có nhiều lời kêu gọi ngư dân không đóng tiền chuộc và tiếp tục ra khơi. Theo Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam: “Hành động của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khai thác hải sản vì hiện nay đang vào vụ cá Nam, chiếm tới 60% sản lượng cá khai thác cả năm”. Biển đang mùa cá nhưng rủi ro cũng đang còn đó.

Không chỉ là vấn đề kinh tế, sự có mặt của ngư dân trên lãnh hải của Việt Nam cũng như bụi chuối, khóm tre, mái nhà… mọc lên cạnh đường Biên trên bộ. Kể từ năm 1999, khi con tàu đầu tiên của Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ, ngư dân, đặc biệt là ngư dân Lý Sơn vẫn kiên cường đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa. Như truyền thống hàng trăm năm qua, những ngư phủ Lý Sơn tới Hoàng Sa hôm nay cũng là một biểu tượng về chủ quyền của Việt Nam “cắm” trên vùng biển ấy.

Nhưng, nhà nước không thể để họ tiếp tục bị “bắt cóc”, bị cướp hết cá, bị đâm vỡ tàu… Theo Trung tá Võ Thanh Hường, chính trị viên Ðồn Biên Phòng 328, khi ba tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắt, “Ngay lập tức họ gọi điện về cho Ðồn”. Cho dù có sẵn lòng dũng cảm, ngư dân vẫn cần sự chở che, họ cần “chỗ dựa quốc gia” biết bao khi gọi cho những chiến sỹ Biên phòng hôm ấy.

Hồi tháng Hai, khi có mặt ở phía Bắc, chúng tôi chứng kiến hình ảnh bộ đội Biên phòng thường xuyên sát cánh với dân chúng vùng Biên. Trước “phân giới cắm mốc”, nhiều nơi, bộ đội Biên phòng đã phải dựng lưới B40, đứng chắn đá được ném từ bên kia qua, để cho dân cày ruộng, để cho dân làm nhà. Những “tấm lưới” ấy cũng cần phải được “dựng” lên trên biển.

Ngư dân sẽ yên lòng bám biển theo lời kêu gọi của chính quyền, nếu có một “đồn Biên phòng” ở huyện Hoàng Sa; một “hạm đồn” được trang bị tối tân và có khả năng cơ động tốt. Nhà nước nên “trợ giá” để ngư dân có thể khai thác các dịch vụ định vị, dịch vụ thông tin từ vệ tinh. Làm sao, để khi gặp “hải tặc”, ngư dân có thể liên lạc ngay với Biên phòng và “Đồn” có thể gửi lực lượng đến bên dân trong thời gian ngắn nhất.

Trên mặt trận ngoại giao, đặc biệt là mặt trận báo chí thông tin phải càng thường xuyên chủ động, thay vì nhận được vài lời “hứa” lại “ngưng”. Người ta chỉ có thể chọn bạn chứ không thể chọn láng giềng. Nhưng, láng giềng dù to lớn ra sao thì cũng không thể bước qua những chuẩn mực mà một quốc gia nên ứng xử trước cộng đồng quốc tế.

Nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là những ngư dân vẫn đánh cá trên vùng Biển Hoàng Sa của Việt Nam, có lẽ cũng không chấp nhận hành động chính quyền mình truy đuổi những người láng giềng chỉ để bắt và đòi tiền chuộc, nhất là khi những người ấy đang “trên đường tránh bão”. Cộng đồng quốc tế sẽ nhìn một quốc gia ra sao, nếu quốc gia đó cho tàu đâm vào tàu đánh cá của thường dân, rồi bỏ mặc những nạn nhân của mình níu từng cái can, lênh đênh nhiều ngày trên biển.

Những hành vi nhắm vào thường dân trên Biển Đông không còn là chuyện riêng của một hay hai quốc gia; không chỉ là pháp lý mà còn là đạo lý. Cộng đồng quốc tế cần phải được thông tin về cách hành xử này; chính người dân Trung Quốc đánh cá trên Biển Đông cũng cần được biết: Việt Nam đã không cư xử với họ như cách mà Chính quyền họ vẫn làm với ngư dân người Việt.

Huy Đức

Tổng số lượt xem trang