Quốc hội chất vấn ai? (TBKTSG) - Khi chất vấn về vấn đề tỷ lệ đầu tư công vào nông nghiệp hiện nay và hiệu quả chương trình đánh bắt xa bờ chưa cao, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII một đại biểu đã hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Vậy quan điểm Bộ trưởng như thế nào và trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao, giải pháp tới thì Bộ trưởng sẽ đề xuất với Chính phủ về việc phân bổ ngân sách này như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì giúp cho ngư dân?...”.
Vị Bộ trưởng dễ dàng vượt qua với câu trả lời: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với các bộ ngành dự thảo cơ chế chính sách và trong ngày hôm nay đồng chí Thứ trưởng đã ký gửi để xin ý kiến chính thức của các bộ trước khi chúng tôi trình Chính phủ phê duyệt”.
Còn khi chất vấn về tình trạng cấp phép sân golf tràn lan, đại biểu đã đặt câu hỏi: “Tôi xin hỏi Bộ trưởng việc cấp phép như vậy có vi phạm Luật Đất đai hay không? Ai vi phạm? Xử lý như thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai?”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời ngay: “Đừng nói rằng trách nhiệm ở ai, trách nhiệm chính là ở người cấp đất, ai cấp đất là trách nhiệm ở người đó… Anh nào cấp giấy phép đầu tư thì chịu trách nhiệm về cấp giấy phép đầu tư”.
Rất nhiều đại biểu đã chất vấn tương tự như vậy. Cách chất vấn và trả lời chất vấn trên tạo cho chúng ta cảm giác như đây là một cuộc họp của Chính phủ đúng hơn là một kỳ họp Quốc hội yêu cầu Chính phủ giải trình hoạt động điều hành của mình trước Quốc hội, trước nhân dân.
Với cơ chế giải trình trách nhiệm như trên, khoản 2, điều 84 Hiến pháp quy định: Quốc hội “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Như vậy, đối tượng chất vấn của Quốc hội phải là Chính phủ chứ không thể là một ông bộ trưởng nào đó cho dù Quốc hội với quyền lực của mình có thể làm điều đó. Kể cả khi bộ trưởng thực hiện báo cáo, trả lời chất vấn trước Quốc hội thì cũng với tư cách là người được Chính phủ ủy quyền thay mặt chứ không phải với tư cách là người đứng đầu ngành mà mình quản lý.
Nếu chất vấn theo cách như vẫn thường làm thì Quốc hội một mặt đang làm thay vai trò của Thủ tướng Chính phủ, mặt khác, quan trọng hơn là không tạo điều kiện cho Chính phủ giải trình trách nhiệm của mình trước Quốc hội, trước toàn dân.
Ví dụ như khi bị truy vấn về việc chia nhỏ các dự án trong dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời: “Chúng tôi không có thẩm quyền mà đây là quy hoạch phát triển công nghiệp bauxite đã được Chính phủ phê duyệt”. Mặc dù ai cũng thấy rõ trách nhiệm được “chuyển giao” sang cho Chính phủ nhưng câu trả lời của ông Bộ trưởng là không sai vì đại biểu chỉ chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng chứ có truy trách nhiệm của Chính phủ đâu.
Rõ ràng, nếu đánh giá về mặt hiệu quả thì việc chất vấn như trên sẽ không đem lại kết quả vì mục đích chất vấn ở đây là nhằm yêu cầu giải trình trách nhiệm trong dự án bauxite đã không hề đạt được. Do vậy, để đạt chất lượng cao hơn, hoạt động chất vấn của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cần thiết phải được thay đổi và việc thay đổi trước hết phải bắt đầu từ việc chất vấn ai và trong vai trò như thế nào?