Đề nghị Trung Quốc trao trả vô điều kiện ngư dân Việt Nam - VnExpress.net
Ông Chu Tiến Vĩnh. Ảnh: N.H. |
"Thay mặt Ủy ban liên hợp Nghề cá vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, tôi phản đối hành vi của lực lượng tuần tra Trung Quốc và đề nghị đồng chí can thiệp để trao trả vô điều kiện tàu và ngư dân Việt Nam đang bị tạm giữ", đại diện Bộ Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh trong thông điệp gửi lãnh đạo Cục nghề cá Trung Quốc.
> 'Phải đưa ngư dân bị Trung Quốc bắt về nước'/ Tàu lạ đâm ngư dân chạy trốn, không cứu hộ người bị thương
Thông điệp được ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục khai thác nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp) phát đi ngày 22/7 trong thư gửi tới ông Lý Kiện Hoa, Cục trưởng Cục nghề cá - Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
"Thay mặt Ủy ban liên hợp Nghề cá vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, tôi phản đối hành vi của lực lượng tuần tra Trung Quốc và đề nghị đồng chí (ông Lý Kiện Hoa) can thiệp để trao trả vô điều kiện tàu và ngư dân Việt Nam đang bị tạm giữ", ông Vĩnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Chu Tiến Vĩnh cũng đề nghị ông Lý Kiện Hoa với tư cách Chủ nhiệm trung tâm Chỉ huy Ngư chính Trung Quốc chỉ đạo lực lượng ngư chính nước này phải tuân thủ các quy định của Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa 2 nước, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông mà Việt Nam, Trung Quốc cùng các bên liên quan đã ký.
Thuyền trưởng Dương Văn Thọ (áo xanh) trên chiếc tàu từ Hoàng Sa trở về huyện đảo Lý Sơn vào cuối tháng 6. 12 ngư dân khác của Lý Sơn vẫn bị phía Trung Quốc tạm giữ.. Ảnh: Trí Nguyễn.
Cách đây một tháng, 3 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi với 37 người đã bị lực lượng tuần tra Trung Quốc vô cớ bắt giữ và đòi 210.000 nhân dân tệ tiền chuộc khi đang hành nghề trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và các tàu cá nói trên. Ba ngày sau, 2 tàu cá gồm 25 ngư dân đã về đến Việt Nam an toàn. Tuy nhiên, 12 người cùng 1 tàu cá còn lại vẫn bị phía Trung Quốc tạm giữ. Người nhà của 12 ngư dân này cho biết, hằng ngày họ vẫn nhận được điện thoại của những người bị tạm giữ với yêu cầu phải nộp tiền chuộc mới được thả về.
Lá cờ Tổ Quốc tung bay trên nóc những chuyến tàu ở cảng cá Lý Sơn. Ảnh: Trí Nguyễn.
Lá cờ Tổ Quốc tung bay trên nóc những chuyến tàu ở cảng cá Lý Sơn. Ảnh: Trí Nguyễn.
Không dừng lại các nội dung trên, người đứng đầu Cục khai thác thủy sản còn đề nghị phía Trung Quốc phối hợp cùng các cơ quan chức năng Việt Nam xác minh làm rõ 2 vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu lạ đâm chìm vào ngày 19/5 và 15/7 vừa qua. Trong đó, vụ đâm chìm thứ hai khiến 9 người bị thương, 2 người bị thương nặng. Theo các ngư dân bị nạn, sau khi đâm, tàu lạ đã phóng đi rất nhanh, không thèm quay lại cứu hộ.
Đây là lần đầu tiên Cục có ý kiến chính thức đề nghị Trung Quốc phối hợp truy tìm tàu lạ tấn công tàu cá Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vĩnh cho biết, 3 đề nghị trên cần được giải quyết trước Hội nghị trù bị lần thứ 6 của Ủy ban nghề cá giữa 2 nước được tổ chức vào giữa tháng 8 tới. "Nếu phía Trung Quốc không đáp ứng đề nghị này, Việt Nam sẽ không tham gia hội nghị", ông Vĩnh nói.
Hội nghị nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc được tổ chức thường niên từ 2004 với mục đích rà soát hoạt động nghề cá trong vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc Bộ. Qua đó điều chỉnh việc khai thác theo đúng hiệp định nghề cá giữa 2 nước cũng như điều chỉnh số lượng tàu thuyền được đánh bắt trong khu vực này. Hiện, Việt Nam có gần 1.500 tàu thuyền được cấp phép đánh bắt trong khu vực đánh bắt chung có diện tích chiếm tới 1/3 diện tích vịnh Bắc Bộ.