-
Việt Nam trên Wall Street Journal: Danger Signs Seen in Vietnam Stimulus (WSJ 2-7-09) -- Những dấu hiệu nguy hiểm trong kích cầu ở Việt Nam (có kèm theo một bản dịch) ◄◄(từ vietstudies )
James Hookway và Patrick Barta
Hà Nội -- Việt Nam đang tự hào rằng mình là một trong những nền kinh tế có sức hồi phục nhanh nhất thế giới năm nay, nhưng các nhà kinh tế lo ngại rằng thành công này che đậy những vẫn đề nghiêm trọng, bởi việc cho vay một cách phóng túng theo chỉ đạo của nhà nước khiến Việt Nam có nguy cơ rơi vào một bong bóng đầu cơ mới.
Những lo ngại này được nhấn mạnh vào Thứ Ba (30/06/2009), khi Fitch Ratings đánh tụt hạng tỷ giá đồng nội tệ của Việt Nam, nói rằng "vị trí tài chính của đất nước này đang suy giảm đều đặn" và hệ thống ngân hàng mà "dễ bị tổn thương bởi áp lực tiềm tàng của toàn bộ hệ thống" khi nhà nước đang nhấn chìm nền kinh tế với tín dụng.
Những lo ngại tương tự cũng ảnh hưởng Hoa Kỳ và Trung Quốc, những quốc gia đang dưới sức ép để chuẩn bị rút bớt các chương trình kích thích kinh tế của mình. Nhưng nỗi lo ngại đặc biệt rõ rệt ở Việt Nam, một trong những nền kinh tế đang trỗi dậy được nhiều chú ý nhất, và là một điểm thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng. Phần lớn nền kinh tế của Việt Nam bị chi phối bởi các doanh nghiệp quốc danh vốn có lịch sử đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của họ, điều đã góp phần vào hành vi đầu cơ và giai đoạn tăng trưởng nóng của nền kinh tế trong quá khứ.
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các ngân hàng nhà nước đã đổ ít nhất 19 tỷ USD dưới dạng các khoản vay vào nền kinh tế, tương đương với khoảng một phần năm tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của quốc gia này, theo báo cáo của chính phủ. Khoản tiền này là phần chủ yếu của chương trình kích thích kinh tế, trong đó nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng, để họ có thể tạo ra nhiều khoản cho vay giúp các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu.
Biện pháp này tỏ ra có hiệu quả trong ngắn hạn, khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) ước tính tốc độ tăng trưởng năm nay của Việt Nam là 3,3%, trong khi các quốc gia láng giềng như Thái Lan và Malaysia đối mặt với tăng trưởng âm sâu.
Vào thứ Tư, chính phủ nói GDP tăng 3,9% so với năm ngoái trong nửa đầu của năm, với tốc độ tăng lên đến 4,5% trong quý II, so với con số 3,1% của quý I. Kinh tế Việt Nam tăng 6,2% năm 2008 và 8,5% trong năm 2007.
Giá cổ phiếu trên thị trường cũng tăng cao rõ rệt, khi mà chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng 86% kể từ bắt đầu tháng Ba. Giá nhà ở cũng leo cao ở nhiều khu vực tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại và trung tâm của thị trường chứng khoán, các nhà kinh tế cho biết.
Cung cấp tín dụng thật nhiều là "một chiến lược tốt. Biện pháp kích thích kinh tế của chúng tôi buộc các ngân hàng phải cho vay một cách hiệu quả", theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, một trong những cơ quan quản lý tài chính chính của Việt Nam.
Nhưng với khoản tiền lớn như thế được đưa vào nền kinh tế, nhiều người dân thường lo ngại lạm phát quay trở lại: lạm phát đã từng tăng tới 28% giữa năm 2008 trước khi trở lại 5,6% vào tháng Năm.
Nhiều người Việt Nam đang đối phó bằng cách đầu tư tất cả những khoản tiền mà họ có thể cóp nhặt được, trước nỗi sợ lạm phát tăng trở lại. Ví dụ như tại những khu đô thị còn lấm đất ở phía Đông Hà Nội, bong bóng nhà đất đã tăng hết tốc lực. Hàng loạt các công ty tư nhân và quốc doanh đang dựng lên một vòng cung các thành phố vệ tinh tại khu vực này để giảm bớt tắc nghẽn ở Hà Nội, nơi ô tô và xe tải phải nỗ lực để vượt qua hàng đàn xe máy và xe đạp.
Nguyễn Thị Huyền, một môi giới trong dự án Đô Thị Mới Văn Khê, nói rằng chị ta đã môi giới thành công 10 giao dịch hoặc hơn tại đây, hơn nhiều so với chỉ 2-3 giao dịch thời điểm này năm ngoái. Một số đơn vị đã qua tay tới 5 lần hoặc hơn, và giá tăng gấp 6 lần kể từ khi dự án được khởi động vào thời điểm đỉnh cao của bong bóng năm 2007, chị Huyền nói.
Những người mua đang "lo sợ lạm phát và muốn đầu tư tiền của họ vào nơi nào đó an toàn", chị Huyền cho biết, châm một cây nến rọi sáng văn phòng của mình, nơi hàng chồng 100 USD giả được bày để lấy may.
Một số nhà kinh tế ở Việt Nam lo ngại rằng các chính trị gia tại đây đang vướng vào các kế hoạch phát triển kinh tế 5-năm theo hướng ưu tiên tăng trưởng tới mức họ không sẵn sàng tắt "vòi" kích thích kinh tế cho tới khi lạm phát ngập tới đầu của họ một lần nữa. Vào tháng Tư, chính phủ đã ra hạn 2 năm đối với chương trình cho vay kích thích kinh tế, trong đó trả 4 điểm phần trăm lãi suất cho bất kỳ khoản vay nào mà ngân hàng Việt Nam dành cho lĩnh vực kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng cho vay mạnh bạo hơn.
"Họ đang cố găng quay ngược kim đồng hồ lại thời điểm 2006 và 2007, khi mà mục tiêu chính của trò chơi là xuất khẩu càng nhiều càng tốt sang nước Mỹ đang tiêu hoang. Nhưng Hoa Kỳ có lẽ sẽ không thể tiếp tục chi tiêu như trước nữa, và chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với lạm phát nghiêm trọng một lần nữa", một nhà kinh tế có hiểu biết sâu sắc về cách suy nghĩ của chính phủ cho biết.
Trong khi "chính phủ đã và đang thành công trong việc ổn định nền kinh tế" trong những tháng gần đây, các quan chức "cũng cần phải cân nhắc nguy hiểm dài hạn, ví dụ như sự thừa mứa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và khả năng bùng nổ lạm phát", Trần Lê Khánh, Giám đốc đầu tư quỹ Prudential Việt Nam, thuộc tập đoàn Prudential PLC, cho biết.
Ngân hàng Thế Giới đã nhắc nhở chính phủ Việt Nam trong bản báo cáo tháng trước rằng việc cho vay theo chỉ thị của chính phủ có thể đang cản trở tiến trình cải tổ tại các doanh nghiệp nhà nước, và Việt Nam có lẽ nên tập trung vào giúp đỡ những người bị mất công ăn việc làm do khủng hoảng. "Có lẽ [chính phủ Việt Nam] nên dừng lại và cân nhắc xem hoạt động duy trì nền kinh tế có phải là ưu tiên duy nhất hay không?", ngân hàng Thế Giới đã nói.
Một số các nhà phân tích khác lo ngại việc thả nổi cho vay có thể làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng. Theo con số chính thống, nợ xấu đứng vào khoảng 2,6%, so với 2,2% vào cuối năm ngoái. Nhưng Việt Nam không tính toán tỷ lệ nợ xấu theo như tiêu chuẩn quốc tế. Fitch Ratings gần đây ước tính con số thực có lẽ lên đới 13% tổng số nợ vào cuối năm 2008. Trong bản đánh tụt hạng của mình hôm thứ Ba, Fitch Ratings đã nói chương trình hỗ trợ vay của Việt Nam "gần như chắc chắn rằng đã làm tình hình thêm tồi tệ".