Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

Tự do tư tưởng gặp rủi ro

'Tự do tư tưởng gặp rủi ro'

Một trong các câu hỏi mà có lẽ lâu nay vẫn được nhiều giới trong nước quan tâm và đặt ra là tương lai đất nước sẽ đi tới đâu và làm cách nào để xã hội thực sự phồn thịnh và dân chủ.

Theo lời của Giáo sư Tô Duy Hợp, chuyên gia về biến đổi và các mô hình xã hội tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, sau 20 năm đổi mới đã có nhiều điều chỉnh nhận thức về các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân và công nhân.

"Sau 20 năm cải cách, thiệt hại lớn nhất vẫn là nông dân. Đất của họ bị mất mát, thu nhập thì thấp, khi mất việc làm phải đi vào thành phố thì nhiều người bị bắt, bị đuổi trở lại," Giáo sư Hợp nhận xét.

"Có một hiện tượng rất thú vị và tế nhị là giai cấp công nhân theo lý thuyết của Marx phải là giai cấp lãnh đạo, nòng cốt của cách mạng. Thế nhưng, qua thực tế hầu hết các cuộc điều tra cho biết nhiều gia đình công nhân trong nước không bao giờ muốn con cái họ lại trở lại làm công nhân như họ.

"Thử hỏi xem các vị lãnh đạo công nhân hiện nay xem có ai muốn con cái của họ trở thành công nhân hay không, hay họ đều muốn con cháu đi nước ngoài hoặc làm các việc khác,

"Có phải như vậy là nói một đằng, làm một nẻo không. Người dân, dù trình độ được cho là thấp tới như thế nào, thì người ta cũng hiểu ra hết," người từng chủ trì nhiều cuộc điều tra thực trạng xã hội tại Viện Xã hội học nhận xét.

Ba thái độ chính trị

Công nhân ở một xí nghiệp giày dép ở VN

Nhiều gia đình công nhân không muốn con cái theo nghề mình.

Giáo sư Hợp cho rằng lâu nay đang nổi lên một số hiện tượng xã hội khá phổ biến và đi kèm đó là thái độ chính trị rất khác nhau ở ít nhất ba nhóm chủ thể trong xã hội.

"Thứ nhất là nhóm quá khích. Ví dụ của nhóm này và mạnh mẽ nhất là nông dân. Biết bao cuộc biểu tình đã xảy ra. Ở Thái Bình hay ở Đắc Lắc, người ta biểu tình để bảo vệ lợi ích của mình và nhóm này đang gặp rủi ro rất lớn.

"Đối nghịch ở đầu kia của nhóm này là nhóm cơ hội. Mà trí thức thì khá nhiều là cơ hội.

"Cơ hội là để hưởng lợi thôi. Tức là ở bên ngoài thì nói thế này, thế kia, nhưng khi vào hệ thống chính thống thì ca ngợi đủ thứ.

"Có một nhóm thứ ba là tầng lớp trung gian chỉ làm ăn, không quan tâm tới chính trị. Đây là một hiện tượng không hay. Vì người ta cũng thấy rủi ro nhiều nếu dính đến chính trị.

"Mặt khác, làm ăn kinh tế ở Việt Nam rất phức tạp, nói chung phải lách luật nếu không rất rắc rối. Nhóm này nhìn chung cũng thành đạt. Tuy nhiên, đây thực ra là một thái độ chính trị mà theo đó người ta tỏ ra 'thờ ơ' chính trị," vẫn theo lời chuyên gia.

'Tự do tư tưởng rủi ro'

Người nông dân ở Việt Nam

Ở nhiều nơi, người nông dân bị thu hẹp đất đai nông nghiệp

Tiếp tục nhận định về nhu cầu đổi mới tự thân của các tầng lớp nhân dân trong nước trong bối cảnh hiện nay, Giáo sư Tô Duy Hợp nói với BBC:

"Hiện nay, làm sao thay đổi được thực trạng xã hội như hiện tại là cực kỳ khó khăn. Nếu làm cách mạng xã hội thì rất rủi ro, nhưng nếu không làm cách mạng xã hội thì đấu tranh ra sao. Như vậy, tình hình và câu chuyện sẽ kéo dài.

"Như vậy, có lẽ phải thực hiện tự do tư tưởng trước tự do hành động.

"Nhưng tự do tư tưởng đang gặp rủi ro. Hiện nay, nếu nhà báo nào ở trong nước mà viết lách 'không cẩn thận' có thể sẽ bị 'xử lý'.

Cuối cùng, người cũng từng phụ trách phòng lô-gích học tại Viện Triết học Việt Nam trong nhiều năm trước đây, đưa ra một nhận định về hành vi cần có của một nhà nước mạnh.

"Nếu một nhà nước mạnh và tự tin thì theo tôi không nên ngại hay e sợ đối thoại với các tầng lớp nhân dân, kể cả với những ý kiến trái ngược với mình," Giáo sư Hợp nói.

----

VN chống tham nhũng thế nào?

Việt Nam nói sẽ ký Công ước chống tham nhũng nhưng các bình luận cho là khó thực hiện vì cơ chế quyền lực.

Tổng số lượt xem trang