Nguyễn Quang Duy
“…Mẩu tư liệu lịch sử này giúp chúng ta hiểu thêm về quá khứ và mạnh dạn hơn hướng về tương lai…”
Trả lời phỏng vấn BBC Việt ngữ hôm 09/7/2009, GS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM ở Hà Nội, khẳng định việc bắt bớ các đảng viên Đảng Dân Chủ Việt Nam hiện nay là đương nhiên, nhưng đồng thời “hé lộ viễn cảnh về thể chế đa đảng tại Việt Nam”. Giáo sư Phúc cho biết về một sự điều chỉnh thể chế: “Trong tương lai cũng có thể có viễn cảnh Việt Nam với nhiều đảng phái chính trị cùng tồn tại và hoạt động, thế nhưng khuôn khổ pháp luật trong hiện tại, hiện này vẫn là như vậy. Và hiện tại này theo tôi cũng không phải là ngắn ngủi mà còn có thể kéo dài. Nhưng nếu có một viễn cảnh mà hệ thống đa đảng bộc lộ được những điểm tốt, thì cũng có thể có những điều chỉnh và lúc ấy hãy hay”.
Trong bài viết vừa đăng trên trang “Lề bên trái” do nhà văn Đào Hiếu chủ biên, nhà thơ Bùi Minh Quốc phân tích “cái con người tách đôi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính là biểu hiện cái sự thật đau đớn và ghê tởm kinh niên không còn che giấu được nữa“. Từ đó ông đề nghị tách Đảng Cộng sản Việt Nam làm hai Đảng: “trong lòng một đảng cầm quyền cùng chung danh xưng từ lâu đã chứa đựng hai đảng đối nghịch nhau về tiêu chí chính trị, về lẽ sống, lối sống, mức sống. Tách Đảng ra làm hai chính là đáp ứng một yêu cầu cả khách quan lẫn chủ quan không gì cưỡng nổi, như thế vừa dễ xử cho mọi đảng viên vừa là thức thời trước sức ép của qui luật: một đảng của số ít các quan chức hoạt động để giữ ghế, một đảng của số đông các đảng viên tử tế nguyện dâng trọn đời vì dân vì nước, quyết giữ trọn tư cách yêu nước, tư cách người chiến sĩ cách mạng chiến đấu vì độc lập dân tộc và vì quyền tự do của mỗi con người. Hai đảng thi đua nhau, cạnh tranh nhau“.
Trong quá khứ Đảng Dân Chủ Việt Nam đã có một thời gian dài hoạt động song song với Đảng Cộng Sản Việt Nam (1944-1986). Người viết có sưu tầm được một tài liệu lưu hành nội bộ Đảng Cộng Sản, đó là bản “Báo cáo về công tác mặt trận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV (25 - 30-1-1953)”. Bản “Báo cáo” này gồm ba phần: vận động tôn giáo, vận động dân tộc thiểu số và vận động các đảng phái dân chủ. Người viết chỉ xin giới thiệu phần thứ ba: vận động các đảng phái dân chủ.
Phần này của bản “Báo cáo” cung cấp khá nhiều dữ kiện về ba đảng: Đảng Cộng Sản, Đảng Xã Hội - và Đảng Dân Chủ. Một cách vắn tắt: Đảng Cộng Sản đã “xây dựng” hai đảng sau. Nhưng vì thiếu kiểm soát và đối xử không công bằng nên Đảng Xã Hội và Đảng Dân Chủ không thực hiện vai trò đã được thu xếp. Để sửa soạn tiến hành Cải Cách Ruộng Đất đánh vào tầng lớp địa chủ, Đảng Xã Hội và Đảng Dân Chủ cần phải được tổ chức lại để có thể trấn an các tầng lớp trí thức, tiểu tư sản và tư sản. Mẩu tư liệu lịch sử này giúp chúng ta hiểu thêm về quá khứ và mạnh dạn hơn hướng về tương lai.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 16/7/2009
Nguyễn Quang Duy
Tư liệu:
Báo cáo về công tác mặt trận
tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV
(25 - 30-1-1953)
…III. Về tình hình tổ chức và công tác của các đảng phái dân chủ
Theo báo cáo của các đồng chí phụ trách thì thấy rằng trong năm qua về tổ chức và công tác của Đảng Xã Hội và Đảng Dân Chủ vẫn chưa tiến hành được đúng mức.
1. Về Đảng Xã Hội
Tổ chức của Đảng Xã Hội mỗi ngày một sút kém.
Cuối năm 1952, được biết rằng còn có hơn 3. 000 đảng viên ở Liên khu 5, nay còn có hơn 1 nghìn. Ở các tỉnh Liên khu 3 như Thái-bình, Hưng-yên, Hà-nam là những nơi Đảng Xã Hội có cơ sở tương đối khá, thì từ khi địch đánh lan ra 1950-1951 đến nay vẫn chưa củng cố lại được. Ở trong vùng tự do như Phú-thọ, Tuyên-quang, Thái-nguyên v. v… các chi bộ của Đảng Xã Hội cũng hoạt động không đều, có nơi như nghỉ hẳn. Trong các cơ quan chuyên môn, từ khi có tổ chức công đoàn công chức thì người trí thức đảng viên Xã hội cũng chuyển sang sinh hoạt công đoàn.
Tình trạng tổ chức sút kém đó là do Đảng Xã Hội kém hoạt động, không có công tác thiết thực, không nhằm vào chính sách mặt trận mà đề ra các công tác thích đáng.
Gần đây, một số anh em Xã hội ở trung ương cũng yêu cầu có công việc làm. Nhưng sau khi đi cổ động cho thuế công nghiệp, thương nghiệp ở Thái-nguyên, ở Bắc - Bắc hồi tháng 7, 8 năm 1952 và việc cổ động các anh em trí thức đòi 5 cường quốc lập công ước hòa bình (10/1952) thì cũng không hoạt động gì nữa.
Hiện giờ điều yêu cầu của các anh em Xã Hội là được học tập chính trị và có một tờ báo để nêu tiếng nói của người trí thức tham gia kháng chiến.
Chúng tôi đề nghị Trung ương thông qua bản chính sách cụ thể vận động trí thức mà Ban Tuyên huấn Trung ương đã dự thảo để các cấp ủy địa phương và các cán bộ Xã hội có phương châm vận động giới trí thức.
Đồng thời cũng cần có một vài cán bộ có năng lực và tích cực để giúp đỡ cho các người trí thức trong Đảng Xã Hội học tập để nâng cao trình độ chính trị và công tác của họ, của những người trí thức tốt.
2. Đảng Dân Chủ
Trong lúc tổ chức và công tác của Đảng Xã Hội bị sút kém như trên thì Đảng Dân Chủ cũng có một tình hình tương tự.
Đảng Dân Chủ có cơ sở khắp trong nước. Trước đây số lượng đảng viên gần 3 vạn, nhưng nay mới kiểm soát lại thì con số ấy đã có giảm sút. Ở Nam-bộ số lượng đảng viên là 6. 000 - con số từ năm 1950 - còn ở địa phương khác từ Liên khu 5, Liên khu 4, Liên khu 3 đến Liên khu Việt Bắc, số lượng đảng viên đều có sút giảm. Cuối năm 1952, tổng cộng còn hơn 14. 000. Thành phần đảng viên - từ Liên khu 5 trở ra - chiếm tới 75 % đảng viên ở nông thôn, trong đó trung nông chiếm đại bộ phận, rồi đến phú nông, điạ chủ (có cả bần nông). Còn 25 % là xuất thân tiểu tư sản và tư sản, trong đó đại đa số là viên chức, rồi đến tiểu thương, tiểu chủ, tư sản dân tộc chiếm rất ít (độ 20 người).
Còn cán bộ (kể từ Liên khu 5 trở ra), có độ 100 người phụ trách cấp khu và tỉnh, hầu hết đều là tiểu tư sản. Còn cán bộ ở cơ sở thì đại đa số là phú nông và trung nông cấp trên (có nhiều địa chủ nhận là phú nông).
Có thành phần xã hội ấy vì cơ sở của Đảng Dân Chủ hầu hết là ở nông thôn, chỉ có 14 chi bộ ở thị trấn và 25 chi bộ ở công sở.
Trừ Liên khu Việt-bắc, Trung ương Dân chủ trực tiếp chỉ huy, các khu khác cũng như Nam bộ đều có Ban Chấp ủy. Có một số tỉnh không có chấp ủy, ở những nơi này cũng như ở cấp huyện, thường có 1, 2 cán bộ làm việc. Ở những nơi có Ban Chấp hành thì thường có đại diện của Đảng Dân Chủ tham gia trong các cấp bộ Mặt trận và chính quyền.
Đó là số lượng đảng viên về tình hình tổ chức, còn về công tác của Đảng Dân Chủ thì sao?
Trước hết, Đảng Dân Chủ gánh vác một phần công việc khá quan trọng trong Chính phủ Trung ương. Song các đại diện của Dân chủ làm việc trong các Bộ chưa có ý thức thực hiện chương trình của Chính phủ, của Mặt trận để phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, mà ở đó với ý thức để bênh vực quyền lợi của Đảng Dân Chủ, của các “từng lớp” mà Đảng Dân Chủ đại diện. Đó là một điều thiên lệch của anh em Dân chủ trong việc chấp hành công tác chung.
Một công tác nữa mà Đảng Dân Chủ chú ý là cuộc vận động sản xuất và tiết kiệm. Khi Đảng, Chính phủ và Mặt trận công bố chủ trương chính sách kinh tế tài chánh, Đảng Dân Chủ ở một vài nơi đã có mở những cuộc hội nghị, những buổi nói chuyện để giải thích cho giới tư sản doanh nghiệp, khuyến khích họ bỏ vốn kinh doanh.
Song khuyết điểm là anh em Dân chủ chưa gây thành phong trào sản xuất rộng rãi trong các nhà tư sản công nghiệp, thương nghiệp, mà đã biến thành một sự hợp tác, thành việc góp cổ phần giữa một số tư sản và cơ quan tài chính của Đảng Dân Chủ để gỉai quyết vấn đề tài chính cho Dân chủ, và do đó thường để các tư nhân ấy lợi dụng danh nghĩa để buôn bán riêng nữa. Có người vì buôn bán mà đã có liên lạc với người của Phòng nhì. Còn ở nông thôn như ở Thanh-hoá, trong những nơi cơ sở Dân chủ mạnh thì địa chủ, phú nông đã lôi kéo trung nông làm khó dễ việc thi hành thuế nông nghiệp.
Về công tác tuyên truyền
Báo Độc Lập, cơ quan của Đảng Dân Chủ có ra đều kỳ thật (1 tháng 2 kỳ), nhưng nội dung tờ báo vẫn chưa phản ảnh, chưa phổ biến được toàn bộ chính sách của Chính phủ và Mặt trận. Trái lại, thường chỉ nêu lên chính sách gì, quyền lợi gì thích hợp với “quyền lợi của Dân chủ”. Và có nhiều vấn đề nêu lên với ý nghĩa đòi hỏi và kêu ca về thuế nông nghiệp và công thương nghiệp, đề nghị Chính phủ phát hành giấy bạc để tiêu thụ lâm thổ sản cho tư nhân v. v…
Tóm lại anh em Dân chủ thường chỉ làm những việc gì, thực hiện những chính sách gì của Chính phủ và Mặt trận có lợi trực tiếp cho mình, đặc biệt là công tác tài chính. Còn về phương diện chính trị thì coi nhẹ. Thí dụ: chiến dịch thắng lợi như chiến dịch Tây Bắc vừa rồi, những kỷ niệm Cách mạng Nga, v. v… đều ít nói đến trong sinh hoạt nội bộ.
Nhận xét, đề nghị
Tổ chức và công tác của Đảng Dân Chủ sở dĩ có những lệch lạc trên là vì từ lúc toàn quốc kháng chiến, Đảng Dân Chủ chuyển vào hoạt động ở nông thôn, thì Đảng ta không kịp thời uốn nắn hướng phát triển của họ. Mãi đến 1949 và 1950, khi trung ương thấy có những khó khăn công tác ở nông thôn mà Đảng Dân Chủ đã có cơ sở, thì hướng hoạt động và tổ chức của họ mới quy định lại. Song vì cán bộ Đảng chưa nắm chính sách và cũng vì một số người ngoan cố trong Dân Chủ, nên công tác chuyển hướng rất chậm.
Theo chủ trương mới của Đảng thì Đảng Dân Chủ phải là tổ chức tiêu biểu cho giai cấp tư sản dân tộc và tiểu tư sản lớp trên, cho nên hướng hoạt động của họ là phải giác ngộ chính trị cho các giai tầng ấy để họ có ý thức tham gia vào việc xây dựng nền kinh tế chung. Và do đó hướng phát triển của họ không phải là nhắm vào thành phần phú nông, địa chủ, mà phải nhắm vào lớp tư sản doanh nghiệp và tiểu thương tiểu chủ lớn.
Theo chủ trương ấy, chúng tôi đã mở nhiều cuộc thảo luận với anh em Dân chủ, đã phân tích để họ hiểu rõ cuộc cách mạng tư sản của ta cũng như ở các nước khác lúc này muốn thắng lợi hoàn toàn không thể đi theo con đường cách mạng tư sản kiểu cũ được, mà phải theo con đường mới, con đường xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Con đường ấy nhất định phải tiêu diệt di tích phong kiến, thì nền kinh tế dân chủ nhân dân mới phát triển được.
Do đó hướng phát triển Dân chủ không phải nhắm vào các tầng lớp còn chứa chất nhiều di tích phong kiến, mà phải nhắm vào các lớp tư sản tiến bộ, không nhắm vào nông thôn, mà phải hướng ra thị trấn (vùng tự do).
Song sự chuyển hướng của anh em Dân chủ về tư tưởng, về chính trị cũng như về tổ chức còn chậm chạp, là vì đã có những mối quan hệ sâu sắc với nông thôn, với phú nông, địa chủ đã khá lâu đời.
Cho nên, điều cần thiết là chúng ta cần bền bỉ và tiếp tục thuyết phục họ để anh em Dân chủ dần dần đi vào con đường đúng, và tự giác tự nguyện sửa chữa những sai lầm về tổ chức và công tác như đã báo cáo ở trên. Và muốn vậy chúng tôi đề nghị Trung ương thông qua một nghị quyết để.
1) Các đồng chí ta nhận rõ công tác của Đảng Dân Chủ, với các tầng lớp tư sản dân tộc, một bộ phận của công tác Mặt trận, không phải là công tác riêng của một số cán bộ chuyên trách, mà là công tác của toàn Đảng. Các đồng chí ta có nhận rõ thế thì mới có thái độ đúng với Đảng Dân Chủ, với lớp tư sản và cùng tham gia vào việc vận động chung ấy. Được vậy, anh em Dân chủ cũng như các giới tư sản mới phấn khởi hoạt động và tin tưởng ở Đảng. Đồng thời cũng phải đánh tan một xu hướng sai lầm là: bỏ mặc việc vận động giới tư sản dân tộc cho riêng Đảng Dân Chủ.
2) Theo chủ trương mới thì những đồng chí nào hiện nay công tác trong Đảng Dân Chủ không có lợi thì đổi công tác, còn ai ở lại thì phải công khai giúp đỡ họ với danh nghĩa Đảng, và như vậy thì mỗi cấp ủy phải xét lại cán bộ, ai ở lại công tác bấy giờ phải thật có năng lực, phải nắm vững chính sách và được anh em Dân Chủ mến phục.
Việc rút cán bộ về cần phải có điều tra nghiên cứu kỹ, và phải thi hành từ từ, bắt đầu từ xã trở lên (kinh nghiệm ở Phú-thọ).
Những người còn ở lại phải có trách nhiệm làm cho Đảng Dân Chủ thực hiện cương lĩnh của Chính phủ và Mặt trận (tức là chương trình tối thiểu của Đảng). Ngoài ra cũng cần một số đảng viên và cán bộ chưa bị lộ, bí mật công tác trong Dân chủ để giúp Đảng Dân Chủ sự cảnh giác chống lại sự thâm nhập của đặc vụ Pháp - Mỹ. Số cán bộ này rất cần, có kế hoạch công tác riêng để tránh những hiểu lầm của anh em Dân Chủ.
3) Chúng ta cần giúp Đảng Dân Chủ đủ phương tiện hoạt động, cụ thể là vấn đề tài chánh. Ban kinh tế tài chính ở trung ương cũng như ở các cấp ủy cần tuyệt đối tránh lối tuỳ tiện rút phụ cấp của Đảng Dân Chủ, như đã xảy ra vài trường hợp.
Vì bị thiếu về tài chính, nên họ phải tự động giải quyết, do đó mà họ vấp phải những khuyết điểm sai lầm như coi nhẹ vai trò chính trị của Đảng Dân Chủ hay đã có cán bộ liên lạc với người Phòng nhì mà không biết vì việc buôn bán …
4) Chủ trương của chúng ta là giúp đỡ cho Đảng Dân Chủ phát triển và thành một đảng tiến bộ. Phải tránh tư tưởng kềm chế sự phát triển của Đảng Dân Chủ. Điều quan trọng là phải giúp họ nhận đúng hướng hoạt động và có tổ chức chính trị tương đối mạnh để đủ sức thúc đẩy các giai tầng tư sản và tiểu tư sản ra hăng hái hoạt động chính trị và kinh tế như ở các nước dân chủ nhân dân.
Và muốn cho họ tiến bộ, thì cần tránh xu hướng tổ chức người dân chủ vào Đảng ta. Cần nhận rõ rằng ta không tìm kiếm từng người mà là phải xây dựng cả một tổ chức; cần giúp Dân chủ tổ chức được nhiều phần tử tư sản tốt, đoàn kết nội bộ và có cảm tình với Đảng ta. Có vậy, toàn Đảng Dân Chủ mới đi theo con đường đúng của Đảng và mới thực hiện được chính sách mặt trận của Đảng.
Đó là cách duy nhất để đánh tan những thành kiến của một số người Dân chủ đối với ta và làm cho họ hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chủ tịch.
Tóm lại, Đảng Dân Chủ cũng như Đảng Xã Hội đều là hai tổ chức do Đảng ta xây dựng nên. Nhưng không vì thế mà coi họ là tổ chức quần chúng như công đoàn, nông hội; nhận định như thế là sai lầm, là hẹp hòi, là không hiểu chính sách của Đảng.
Trong quá trình kháng chiến cũng như trong cuộc kiến thiết sắp tới, bên cạnh Đảng cần có những đảng phái dân chủ như thế để phát triển và củng cố Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Đó là một sự tất yếu trong bước đường cách mạng dân tộc dân chủ.
Tất cả cán bộ và đảng viên cần nhận rõ như vậy để có một thái độ đúng và giúp đỡ đúng mức các đảng phái dân chủ.
Nguồn: Văn kiện Đảng 1945-1954 (Lưu hành nội bộ). Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, trang 47-55, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội 1980
© Thông Luận 2009