Va chạm Trung-Mỹ và tư duy quốc phòng Trung Quốc
(Toquoc)- Vụ va chạm tàu 1/5 liên quan như thế nào tư duy quốc phòng mới Trung Quốc và sứ mệnh “quét sạch nước Mỹ”?
Ngày 1/5, tại vùng biển Hoàng Hải, hai tàu đánh cá Trung Quốc tiếp cận tàu Mỹ USNS Victorious.
Ngày 5/5, Bộ Quốc phòng Mỹ thông cáo các tàu đánh cá của Trung Quốc đã tiếp cận tàu Mỹ ở khoảng cách rất "nguy hiểm" trước khi dừng lại vì bị tàu USNS Victorious phun vòi rồng cảnh báo. Phía Mỹ cho rằng tàu USNS Victorious khi đó vẫn ở trong vùng biển quốc tế, cách xa bờ biển của Trung Quốc.
Tàu thăm dò đại dương USNS Victorious của Mỹ
Ngày 6/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại về sự cố này và yêu cầu phía Mỹ có những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo rằng một sự việc tương tự sẽ không tái diễn". Trong tuyên bố đăng tải trên trang web cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tàu thăm dò đại dương USNS Victorious của Hải quân Mỹ "đã vi phạm Luật hàng hải quốc tế và luật pháp Trung Quốc khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc tại Hoàng Hải" mà không được sự chấp thuận của nước này.
Sự cố ngày 1/5 là vụ va chạm thứ năm trên các vùng biển quanh Trung Quốc giữa tàu Trung Quốc và Mỹ trong vòng hai tháng trở lại đây và không hề là những sự kiện ngẫu nhiên. Nó nằm trong một cách tiếp cận lâu dài của hai cường quốc về quyền lợi biển. Nó cũng thể hiện tư duy quốc phòng của các bên liên quan.
Dưới đây là một số điểm về tư duy quân sự mới mà các nhà nghiên cứu chiến lược quốc phòng Trung Quốc nêu trên báo Trung Quốc và Ấn Độ gần đây.
Trung Quốc: Xây dựng hệ thống quân sự kiểu mới
Tạp chí Liêu vọng (Trung Quốc) mới đây đăng bài của hai tác giả Dương Xuân Trường và Vương Hán Thủy, thuộc Viện khoa học quân sự Trung Quốc. Hai tác giả phân tích:
Cuộc cách mạng quân sự mới của thế giới bắt đầu từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước và trọng tâm của cuộc cách mạng này là thông tin điện tử hóa. Cùng với sự thay đổi của hình thái chiến tranh, toàn bộ trang bị vũ khí, biên chế tổ chức, lý luận quân sự, huấn luyện quân sự và bảo đảm hậu cần đều phải thay đổi triệt để theo nhu cầu của tác chiến thông tin điện tử.
Liên quan đến vấn đề này, hầu hết các nước đều ý thức được rằng thuận theo được trào lưu của cuộc cách mạng quân sự mới hay không, điều này sẽ liên quan trực tiếp đến việc có giành được khả năng khống chế ở tầm cao và quyền chủ động chiến lược trong lĩnh vực quân sự hay không. Đối với cuộc cách mạng quân sự mới này, Trung Quốc đã nhận thấy từ rất sớm. Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 không lâu, Bộ Tổng tham mưu và Viện khoa học quân sự Trung Quốc đã lần lượt mở các cuộc hội thảo và đưa ra kết luận: Chiến tranh hiện đại đang trở thành cuộc chiến tranh kỹ thuật cao, trong lĩnh vực quân sự thế giới bắt đầu nảy sinh những biến đổi sâu sắc. Năm 1993, khi vạch phương châm chiến lược quân sự thời kỳ mới, quân đội Trung Quốc đã xác định rằng trong tương lai, tiêu điểm của đấu tranh quân sự chính là đánh thắng một cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật cao. Sau cuộc chiến tranh Afghanistan, Quân ủy Trung ương ĐCS Trung Quốc đã từng mở Hội nghị chuyên đề, nghiên cứu vấn đề cải cách quân sự trên thế giới.
Cũng cần phải tỉnh táo nhận thấy rằng hiện nay quân đội Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đặc thù là chưa hoàn toàn cơ giới hóa, bên cạnh đó lại còn phải cố gắng thực hiện thông tin điện tử hóa. Công cuộc xây dựng hiện đại hóa và sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh quân sự vẫn đang đứng trước nhiệm vụ nặng nề. Chỉ có đón nhận tốt hơn những thách thức của cuộc cách mạng quân sự mới trên thế giới, tiếp tục đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội, đẩy nhanh cải cách quân sự mang màu sắc Trung Quốc, mới có thể đi lên được, thu hẹp khoảng cách thua kém các nước tiên tiến.
Sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới của thế kỷ mới đã đặt ra yêu cầu mới và cao hơn đối với khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc, đòi hỏi quân đội ta phải đặt trọng tâm vào nhiệm vụ nâng cao khả năng để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin điện tử hóa, để đối phó với các mối đe dọa về an ninh và hoàn thành các nhiệm vụ quân sự. Hiện nay, năng lực quân sự của quân đội Trung Quốc vẫn còn chưa tương xứng với đòi hỏi thực hiện sứ mệnh mới. Vẫn chưa thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích trên biển và an ninh không gian điện tử của đất nước, chưa đáp ứng hoàn toàn đòi hỏi của nhiệm vụ chống khủng bố, duy trì hòa bình quốc tế…
Chính vì vậy, quân đội ta cần phải tăng cường năng lực quân sự trọng điểm, thông qua quá trình đi sâu cải cách, xây dựng tốt hơn cơ cấu quân binh chủng, thay đổi cơ cấu quân chủng thuộc loại hình tác chiến phòng vệ trên đất liền trong đó tỷ lệ lục quân chiếm quá cao, tỷ lệ lực lượng tác chiến của không quân và hải quân tương đối thấp; tăng một cách thích hợp tỷ lệ lực lượng đáp ứng nhu cầu an ninh trên biển, trên không và công tác thông tin, điện tử; tăng cường một cách phù hợp tỷ lệ lực lượng chiến lược như tên lửa hành trình thông thường, kỹ thuật hàng không vũ trụ, đối kháng thông tin điện tử…, cố gắng xây dựng hệ thống quân sự kiểu mới ngang tầm nước lớn và phù hợp lợi ích phát triển.
Việc phát triển trang bị vũ khí quyết định sự thay đổi về hình thái chiến tranh, hình thức tác chiến, phương thức chỉ huy, tổ chức quân đội và lý luận quân sự. Qua nhiều năm xây dựng, trang bị vũ khí của quân đội ta đã có bước phát triển rất lớn, vừa đặt ra yêu cầu mới về phương thức chỉ huy, hình thức biên chế, cơ cấu tổ chức của quân đội ta, vừa tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành cải cách quân đội.
Tàu ngầm hạt nhân của Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) tham gia lễ diễu binh hải quân ngoài khơi thành phố cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông hôm 23/4
Trước hết, trang bị vũ khí kỹ thuật cao không những cải thiện tương đối nhiều hệ thống cơ cấu trang bị vũ khí của các quân binh chủng, mà còn đặt cơ sở vật chất cho việc xây dựng tốt hơn cơ cấu nội bộ quân binh chủng. Ví dụ trong lực lượng lục quân, cùng với việc trang bị tên lửa, xe tăng, lực lượng công binh, lực lượng hóa học, tàu thuyền, máy bay lên thẳng…, tỷ lệ các binh chủng trong quân chủng lục quân cũng sẽ ngày càng hợp lý. Hai là, sự ra đời các trang thiết bị mới đã đưa đến thay đổi về chất trong quá trình phát triển lực lượng mới. Chẳng hạn, việc từng bước trang bị hệ thống vũ khí, như vệ tinh quân sự, đã đặt ra khả năng xây dựng lực lượng quân đội vũ trụ, hoặc cùng với việc tăng thêm nhiều thiết bị thông tin điện tử, việc thành lập lực lượng tác chiến thông tin điện tử mang màu sắc Trung Quốc cũng là đòi hỏi cấp thiết. Ba là, việc xây dựng, phát triển hệ thống thông tin điện tử quân sự, trong đó trọng điểm là hệ thống chỉ huy, đã tạo ra sự đảm bảo về chất để thực hiện liên lạc, phối hợp thao tác với nhau giữa các quân binh chủng và trong nội bộ quân binh chủng, tạo ra khả năng ba lực lượng hải, lục không quân có thể xây dựng hệ thống chỉ huy phối hợp tác chiến, hệ thống huấn luyện phối hợp tác chiến và hệ thống đảm bảo phối hợp tác chiến.
Đổi mới về lý luận quân sự là đưa ra sự chỉ đạo lý luận đúng đắn để phát triển quân đội một cách khoa học. Thúc đẩy đổi mới lý luận quân sự còn cần phải chú trọng tính vượt trội, tính thực tế và tính tổng hợp trong nghiên cứu lý luận, nghiên cứu những vấn đề lớn mang tính hiện thực và nổi bật, nâng cao chất lượng và hiệu quả của thành quả lý luận quân sự.
Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật cao và kỹ thuật mới, mà trong đó kỹ thuật điện tử đóng vai trò nòng cốt, và việc ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự sẽ làm thay đổi sâu sắc ba yếu tố của sức chiến đấu, đó là con người, vũ khí và phương thức kết hợp giữa con người với vũ khí. Phương hướng chung của công tác điều chỉnh, cải cách thể chế, biên chế là từng bước xây dựng một thể chế, biên chế mới phù hợp với trình độ hiện đại của vũ khí trang bị và sự thay đổi về phương thức tác chiến trong điều kiện điện tử hóa. Đặt trọng điểm vào việc xây dựng, kiện toàn hệ thống chỉ huy tác chiến phối hợp, hệ thống huấn luyện phối hợp và hệ thống đảm bảo phối hợp, thành lập mạng lưới chỉ huy, mạng lưới huấn luyện và mạng lưới đảm bảo cho nhu cầu chiến tranh điện tử; đặt trọng điểm vào việc xây dựng tốt cơ cấu lực lượng và biên chế các đơn vị quân đội, điều chỉnh cơ cấu lực lượng trong nội bộ các quân binh chủng, tăng tỷ lệ số đơn vị được trang bị kỹ thuật cao, kỹ thuật mới.
Sự hoàn thiện hơn nữa các cơ quan chỉ đạo cấp cao sẽ có lợi cho việc tăng cường cơ chế phối hợp lãnh đạo tập trung thống nhất, nâng cao năng lực quản lý chiến lược, thiết thực tăng cường vai trò chỉ đạo thống nhất các quy hoạch và kế hoạch, đẩy mạnh giám sát vĩ mô và kiểm tra có hiệu quả quá trình thực hiện các quy hoạch và kế hoạch, kiên quyết không để xuất hiện tình trạng “to cũng được”, “bé cũng tốt” trái với mục tiêu xây dựng hệ thống, nâng cao chất lượng tổng thể và hiệu quả chung trong quá trình xây dựng quân đội.
Bài học thất bại của chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai
Tạp chí Các vấn đề chiến lược (Ấn Độ) số tháng 4/2009, đăng lại phát biểu của Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trì Đạo Hiền tại hội nghị các tướng lĩnh Trung Quốc về “Chiến lược chiến tranh tương lai” cách đây 4 năm. Theo tờ báo nêu treen, Tướng Trì Đạo Hiền coi người Trung Quốc là chủng tộc siêu đẳng nhất thế giới và họ có “sứ mệnh” phải “quét sạch nước Mỹ”.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Tướng Trì Hạo Điền mà báo Ấn Độ đăng lại:
Như mọi người đều biết, theo quan điểm được truyền bá của các học giả phương Tây, toàn thể loài người trên Trái Đất có nguồn gốc chung từ một người mẹ duy nhất ở châu Phi. Như vậy, không một chủng tộc nào có thể tự nhận mình là chủng tộc siêu đẳng nhất. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của đại đa số các học giả Trung Quốc, người Trung Quốc khác với các chủng tộc khác trên thế giới. Chúng ta không có nguồn gốc từ châu Phi. Trái lại, chúng ta có nguồn gốc độc lập trên đất Trung Quốc. Người Bắc Kinh ở Chu Khẩu Điếm mà tất cả chúng ta đều bắt nguồn từ đó đại diện cho một giai đoạn tiến hóa của tổ tiên của chúng ta.
Trước đây, chúng ta thường nói rằng nền văn minh Trung quốc có lịch sử 5.000 năm. Nhưng hiện nay, rất nhiều chuyên gia nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có khảo cổ học, văn hóa sắc tộc, và văn hóa khu vực đã đi tới một sự thống nhất rằng các phát hiện mới như nền Văn hóa Hongshan ở vùng Đông-Bắc, nền Văn hóa Liangzu ở tỉnh Chiết Giang, các phế tích Jinsha ở tỉnh Tứ Xuyên, và khu di tích văn hóa đế chế Yongzhou ở tỉnh Hồ Nam tất cả đều cho thấy bằng chứng về sự tồn tại của nền văn minh tiền Trung Quốc. Chúng khẳng định rằng riêng lịch sử canh tác lúa đã có từ 8.000-10.000 năm trước đây. Điều này bác bỏ quan niệm về “lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc”.
Bởi vậy, chúng ta có thể xác định rằng chúng ta là sản phẩm của nền văn hóa có nguồn gốc từ cách đây hơn 1 triệu năm, nền văn minh và tiến bộ với lịch sử hơn 10.000 năm, một dân tộc có 5.000 năm lịch sử, và một thực thể Trung Quốc với lịch sử hơn 2.000 năm. Đó là dân tộc Trung Quốc tự gọi mình như vậy. “Là dòng dõi của Viêm và Hoàng,” dân tộc Trung Quốc mà chúng ta tự hào thuộc về dân tộc đó. Nước Đức Hítle đã từng kiêu hãnh tự coi mình là chủng tộc siêu đẳng nhất trên Trái Đất, nhưng thực tế là dân tộc chúng ta còn siêu việt hơn người Đức rất nhiều.
Đã có nhiều bài học, trong đó có bài học về sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, cũng như bài học về tại sao Đức và Nhật Bản lại thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Đã có rất nhiều các cuộc thảo luận về sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Hôm nay, điều quan trọng với chúng ta là nói về các bài học thất bại của Đức và Nhật Bản.
Như mọi người đều biết, nước Đức phát xít cũng nhấn mạnh rất nhiều về vấn đề giáo dục cho dân chúng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Đảng và Chính phủ Quốc xã đã tổ chức và xây dựng rất nhiều thể chế tuyên truyền và giáo dục, ví như “Cơ quan hướng dẫn tuyên truyền quốc gia”, “Bộ Giáo dục và truyên truyền quốc gia”, “Cục thanh tra nghiên cứu dư luận thế giới và giáo dục”, và “Cơ quan thông tin”, tất cả đều nhằm gieo vào tâm trí của dân chúng Đức, từ học sinh các lớp tiểu học đến các trường đại học, rằng dân tộc Đức là chủng tộc thượng đẳng, và thuyết phục dân chúng rằng sứ mệnh lịch sử của chủng tộc Ariăng (Arian) là trở thành “chủ nhân của thế giới” và “thống trị toàn thế giới”. Khi đó, nhân dân Đức thống nhất chặt chẽ hơn nhiều so với chúng ta hiện nay.
Tuy vậy, nước Đức đã bị thất bại nhục nhã cùng với nước Nhật Bản đồng minh. Vì sao vậy? Chúng ta đã đi tới một số kết luận tại các hội nghị nghiên cứu của Bộ Chính trị để nghiên cứu về các quy luật quyết định sự thăng trầm của các cường quốc lớn, và tìm cách phân tích sự phát triển nhanh chóng của Đức và Nhật Bản. Khi đó, chúng ta đã quyết định khôi phục lại Trung Quốc dựa trên mô hình nước Đức, song chúng ta quyết không được lặp lại các sai lầm mà người Đức đã mắc phải.
Xin nêu ra những nguyên nhân cơ bản dẫn tới thất bại của họ: Thứ nhất, họ có quá nhiều kẻ thù cùng một lúc, bởi họ đã không tuân theo nguyên tắc là chỉ nên tiêu diệt một kẻ thù ở một thời điểm nhất định; Thứ hai, họ quá hăng hái, thiếu sự kiên nhẫn và bền gan, những phẩm chất đòi hỏi phải có để thực hiện những sự nghiệp vĩ đại; Thứ ba, khi tới thời điểm đòi hỏi phải tàn bạo thì họ lại tỏ ra quá mềm yếu, do vậy đã để lại những nguy cơ bộc lộ về sau này.
Giả dụ khi đó, Đức và Nhật Bản có thể làm cho Mỹ đứng trung lập và tiến hành chiến tranh từng bước đối với Liên Xô. Nếu họ thực hiện chiến lược đó, tranh thủ thời gian đẩy nhanh các nghiên cứu và thành công trong việc làm chủ công nghệ hạt nhân và tên lửa, và sử dụng các vũ khí đó bất ngờ tấn công nước Mỹ và Liên Xô, thì khi đó Mỹ và Liên Xô đã không thể chống lạik họ và sẽ buộc phải đầu hàng.
Đặc biệt là Nhật Bản đã phạm sai lầm khi tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu cảng. Cuộc tấn công này không nhằm vào các phần có tầm quan trọng sống còn đối với nước Mỹ. Thay vì điều đó, cuộc tấn công này đã lôi kéo nước Mỹ tham gia chiến tranh, tham gia lực lượng những nước đào huyệt chôn vùi hai nước phát xít Đức và Nhật Bản.
Tất nhiên, nếu họ không phạm ba sai lầm nói trên và giành chiến thắng, thì lịch sử thế giới đã được viết theo một hướng khác hẳn. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ không nằm trong tay chúng ta. Nhật Bản có thể chuyển thủ đô của họ tới Trung Quốc và thống trị toàn bộ đất nước Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc và toàn bộ châu Á dưới sự chỉ huy của Nhật Bản với toàn bộ sự thông minh của phương Đông sẽ chinh phục phương Tây do Đức lãnh đạo và thống nhất toàn thế giới.
Như vậy, những nguyên nhân cơ bản dẫn tới thất bại của Đức và Nhật Bản là lịch sử không sắp xếp để họ trở thành “những chủ nhân của Trái đất”, “vì, tóm lại, là họ không phải là chủng tộc ưu việt nhất”.
Chiến lược chiến tranh tương lai của Trung Quốc và sứ mệnh “quét sạch Mỹ”
Tạp chí Các vấn đề chiến lược của Ấn Độ số nêu trên đưa tiếp các ý kiến phân tích của Tướng Trì Đạo Hiền:
So sánh về hình thức bên ngoài, Trung Quốc ngày nay giống một cách đáng ngại với nước Đức trước kia. Cả hai đều coi mình là những dân tộc siêu đẳng nhất; cả hai đều có lịch sử bị các cường quốc bên ngoài bóc lột và do vậy đều mang nặng sự hận thù; cả hai đều cảm thấy mình sống trong một không gian rất không phù hợp; cả hai đều giương cao hai ngọn cờ dân tộc và chủ nghĩa xã hội và gắn cho mình nhãn hiệu “chủ nghĩa xã hội quốc gia”; cả hai đều có “một nhà nước, một đảng, một nhà lãnh đạo, và một học thuyết”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tại sứ quán Mỹ ở London, ngày 31/03/2009
Nhân dân Trung Quốc chúng ta thông minh hơn người Đức bởi xét về cơ bản, chúng ta là chủng tộc ưu việt hơn chủng tộc của họ. Đó là kết quả của việc chúng ta có lịch sử lâu đời hơn, đông dân hơn, và đất đai rộng lớn hơn. Xét trên cơ sở này, tổ tiên của chúng ta để lại cho chúng ta hai di sản cốt yếu nhất, đó là chủ nghĩa vô thần và sự thống nhất vĩ đại. Đó chính là đức Khổng Tử, người đã sáng lập nền văn hóa Trung Quốc và đã để lại cho chúng ta những di sản này.
Hai di sản nói trên xác định rằng chúng ta có khả năng sống còn cao hơn phương Tây. Điều đó giải thích tại sao chủng tộc Trung Quốc thịnh vượng lâu dài như vậy. Chúng ta có sứ mệnh “không được để bị chôn vùi cả trên trên Thiên Đàng cũng như trên Mặt Đất”, bất kể đó là những thảm họa do thiên nhiên, do con người gây ra hay thảm họa quốc gia và cho dù chúng nghiêm trọng đến mức nào. Đây là ưu thế của chúng ta.
Ví dụ về phản ứng đối với chiến tranh chẳng hạn. Do cho tới nay nước Mỹ chưa hề nhìn thấy chiến tranh trên đất nước họ, nên một khi các kẻ thù vào đất Mỹ, họ sẽ có thể tiến tới tận thủ đô Washington trước khi Quốc hội Mỹ kết thúc việc thảo luận và cho phép tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, đối với chúng ta, chúng ta sẽ không lãng phí thời gian vì những việc tầm thường như vậy. Đồng chí Đặng Tiểu Bình có lần đã nói: “Lãnh đạo Đảng sẽ thông qua các quyết định một cách mau lẹ. Một khi các quyết định được thông qua, chúng sẽ được thực hiện ngay lập tức. Sẽ không có việc lãng phí thời gian vào những việc tầm thường như ở các nước tư bản. Đó là ưu thế của chúng ta”.
Nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng được xây dựng trên truyền thống về sự thống nhất vĩ đại. Mặc dù nước Đức phát xít cũng nhấn mạnh tới cơ chế tập trung ở mức cao khi ra các quyết định, song họ chỉ chú trọng tới quyền lực điều hành đất nước, nhưng lại coi thường cơ chế lãnh đạo tập thể ở cấp trung ương. Bởi thế về sau này Hitler đã bị rất nhiều người phản bội, điều đó đã làm suy kiệt ghê gớm khả năng chiến tranh của Đức Quốc xã.
Có một nhận xét rất nổi tiếng trong một bộ phim về sức mạnh và quyền uy: “Những kẻ thù thường gặp nhau trên một con đường nhỏ, chỉ có những kẻ dũng cảm mới chiến thắng”. Dạng chiến đấu với tinh thần một mất một còn đã cho phép chúng ta giành được quyền lực tại Trung Quốc đại lục. Số phận lịch sử đã quyết định rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ không tránh khỏi đối đầu trên một con đường nhỏ và chiến đấu chống lại nhau! Mỹ, không giống như Nga và Nhật Bản, chưa bao giờ làm tổn thương Trung Quốc và cũng đã giúp Trung Quốc trong cuộc chiến đấu chống Nhật Bản. Tuy vậy, Mỹ tất yếu sẽ là trở ngại, trở ngại lớn nhất! Về lâu dài, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là đấu tranh một mất một còn.
Có thời, một số người Mỹ tới thăm Trung Quốc và tìm cách thuyết phục chúng ta rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là một quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Đồng chí Đặng Tiểu Bình khi đó đã trả lời một cách lịch sự: “Hãy về nói với Chính phủ của các ngài rằng Trung Quốc và Mỹ không có mối quan hệ phụ thuộc và hiểu biết lẫn nhau như vậy”. Rõ ràng là đồng chí Đặng Tiểu Bình đã quá lịch sự, đồng chí ấy có thể nói thẳng: “Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là một trong các quan hệ đấu tranh một mất một còn”.
Tất nhiên, hiện giờ không phải là thời gian thích hợp để phá vỡ quan hệ với Mỹ. Chính sách cải cách và mở cửa ra thế giới bên ngoài của chúng ta còn phải dựa vào tiền vốn và công nghệ của họ, chúng ta vẫn còn cần tới nước Mỹ. Do vậy, chúng ta cần phải nỗ lực tăng cường quan hệ của chúng ta với Mỹ, học tập nước Mỹ trên mọi lĩnh vực và sử dụng Mỹ làm tấm gương cho việc tái thiết đất nước.
Để giải quyết vấn đề nước Mỹ, chúng ta cần phải vượt lên trên những điều thông thường và hạn chế. Trong lịch sử, khi một nước đánh bại hoặc chiếm đóng một nước khác, họ không thể giết tất cả dân chúng của nước bị chinh phục một cách hiệu quả bằng gươm hoặc giáo dài, hay thậm chí bằng súng tiểu liên hoặc súng máy. Bởi vì không thể giữ được vùng đất rộng lớn mà không duy trì người của mình trên đất đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta chinh phục nước Mỹ theo kiểu đó, chúng ta không thể đưa nhiều người Trung Quốc di cư tới Mỹ.
Chỉ có thể sử dụng những biện pháp đặc biệt để “quét sạch nước Mỹ” và sau đó chúng ta mới có thể đưa nhân dân Trung Quốc tới đó. Đây là lựa chọn duy nhất đối với chúng ta. Đó không phải là vấn đề chúng ta muốn hay không muốn. Những biện pháp đặc biệt nào chúng ta có khả năng thực hiện để “quét sạch nước Mỹ”? Những loại vũ khí thông thường như máy bay chiến đấu, đại bác, tên lửa và tàu chiến không thể làm điều đó; các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như vũ khí hạt nhân cũng không làm được như vậy. Chúng ta không ngu ngốc đến nỗi cùng tự hủy diệt với nước Mỹ bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân, cho dù trên thực tế chúng ta vẫn tuyên bố giải quyết vấn đề Đài Loan bằng mọi giá.
Chỉ có thể sử dụng loại vũ khí không hủy diệt, nhưng có khả năng giết nhiều người chúng ta mới có thể giành lấy nước Mỹ cho chúng ta. Công nghệ sinh học hiện đại đang phát triển nhanh chóng, và các loại vũ khí sinh học mới được phát minh nối tiếp nhau. Tất nhiên là chúng ta không để lãng phí thời gian; trong những năm qua chúng ta đã nắm được khả năng trở thành chủ nhân của các loại vũ khí này. Chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu “quét sạch nước Mỹ” một cách hoàn toàn bất ngờ. Khi đồng chí Đặng Tiểu Bình còn sống, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn là không phát triển các nhóm tàu sân bay và thay vào đó, tập trung phát triển các loại vũ khí có thể thủ tiêu hàng loạt dân chúng của nước thù địch.
Xét về mặt nhân đạo, chúng ta sẽ cần phải cảnh báo cho dân chúng Mỹ và thuyết phục họ rời khỏi nước Mỹ và để lại vùng đất họ từng sinh sống trên đó cho người Trung Quốc. Hoặc là ít nhất họ phải rời khỏi một nửa nước Mỹ để nhường phần đất đó cho người Trung Quốc, bởi phát hiện ra nước Mỹ lần đầu tiên chính là người Trung Quốc.
Nhưng sẽ phải làm điều đó như thế nào? Nếu chiến lược đó không thực hiện được, thì khi đó chúng ta chỉ còn một lựa chọn duy nhất. Tức là, sử dụng các biện pháp kiên quyết để “quét sạch” nước Mỹ, và giành lấy nước Mỹ cho chúng ta ngay lập tức. Thực tế lịch sử của chúng ta cho thấy chừng nào chúng ta thực hiện điều đó, không có nước nào trên thế giới có thể ngăn cản chúng ta. Hơn nữa, nếu một nước Mỹ với tư cách lãnh đạo thế giới bị mất đi, thì tất cả các kẻ thù khác buộc phải đầu hàng chúng ta.
Vũ khí sinh học là loại vũ khí tàn ác chưa từng thấy, song nếu nước Mỹ không chết thì Trung Quốc sẽ bị hủy diệt. Nếu nhân dân Trung Quốc bị mắc kẹt trên diện tích đất hiện nay, thì sự sụp đổ hoàn toàn của xã hội Trung Quốc chắc chắn sẽ xảy ra. Theo cách tính mô hình hóa trên máy tính của tác giả của Yellow Peril, hơn một nửa dân số Trung Quốc sẽ chết, và con số đó có thể sẽ là hơn 800 triệu người! Ngay sau khi giải phóng, vùng đất màu vàng của chúng ta có khoảng 500 triệu dân, trong khi số dân chính thức hiện nay là hơn 1,3 tỷ người. Khả năng của vùng đất màu vàng này đã đạt tới mức giới hạn của nó. Một ngày nào đó người ta có thể biết điều đó sẽ xảy ra nhanh chóng như thế nào, sự sụp đổ lớn sẽ xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào và hơn một nửa dân số của chúng ta sẽ buộc phải ra đi.
Chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng hai phương án. Nếu thành công trong việc sử dụng vũ khí sinh học bất ngờ tấn công nước Mỹ, chúng ta có thể giảm thiểu thiệt hại về người trong cuộc chiến tranh với Mỹ. Nếu, trong trường hợp cuộc tấn công đó thất bại, và kích động một cuộc phản công bằng vũ khí hạt nhân từ nước Mỹ, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu một thảm họa, trong đó hơn một nửa dân số sẽ chết. Bởi vậy, chúng ta cần phải sẵn sàng với các hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố lớn và vừa của Trung Quốc./.
Không nên sợ hacker (tp): Nguyễn Tử Quảng, BKIS.
China's Wide Reach in Africa (nyt).
Falun Gong practitioners tell their tale (ct).
Xuất khẩu lao động: Hồi phục thị trường Malaysia (vnec)
Đôi điều góp thêm về dân trí nước nhà (ct).