Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

Bauxite Việt Nam Cuộc truy tìm kim loại nhôm: vai trò của Trung Quốc trong khu vực sông Mê-kông

Đây là công trình của Kate M. Lazarus mới xuất bản năm 2009, đề cập đến việc khai thác quặng bauxite ở ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam trong mối liên hệ với vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ cung cấp bản dịch đầy đủ công trình này. Trong khi chờ đợi, xin bạn đọc xem bản tóm tắt.



Bauxite Việt Nam
Cuộc truy tìm kim loại nhôm: vai trò của Trung Quốc trong khu vực sông Mê-kông
Mạng Bauxite Việt Nam biên dịch
(Từ Kate M. Lazarus, In Search of Aluminum: China’s Role in the Mekong Region. Policy Brief. Heinrich Böll Stiftung, WWF, IISD, 2009.
http://www.tradeknowledgenetwork.net/pdf/in_search_of_aluminum_brief.pdf)
Chết khát vì tài nguyên thiên nhiên, Trung Quốc đang phải truy tìm tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới. Bất chấp tỉ lệ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm từ 13 phần trăm trong năm 2007 xuống còn 9 phần trăm trong năm 2008, tỉ lệ thấp nhất kể từ năm 2002, Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tài nguyên thiên nhiên ngày càng tăng. Nhờ dư giả về tiền mặt, hiện nay Trung Quốc đang lợi dụng tình trạng khủng hoảng tài chính toàn cầu để trở thành một quyền lực chính chi phối hoạt động cho vay và đầu tư. Trong năm 2008, hoạt động sát nhập và mua lại công ty nước ngoài của Trung Quốc đã lên đến 52,1 tỉ đô-la Mỹ, và chỉ riêng hai tháng đầu năm 2009, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 16,3 tỉ đô-la Mỹ ra nước ngoài. Nhiều hoạt động được thực hiện bởi các tập đoàn do người Trung Quốc và cả Chính phủ Trung Quốc làm chủ. Họ còn đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp khai khoáng, nơi từng được cho là vô cùng tốn kém, nhưng nay đang bắt đầu đem lại ý nghĩa kinh tế. Qua các hoạt động đầu tư, Trung Quốc đang đóng vai của một kẻ thừa tiền, sẵn lòng giang tay cứu vớt nhiều công ty khai khoáng đang vướng phải nợ nần trên toàn thế giới. Những năm gần đây, Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về tiêu thụ gần như mọi kim loại. Cụ thể là trong năm 2002, Trung Quốc thành nhà tiêu thụ đồng số một, và hiện nay Trung Quốc nằm trong tốp những nhà tiêu thụ về nhôm, kẽm và nickel hàng đầu. Kết quả là Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng trên thị trường kim loại toàn cầu thông qua việc chi phối nhu cầu cũng như làm giá nhiều mặt hàng (mặc dù chúng phải hạ giá do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/09).
Quan hệ kinh tế của Trung Quốc với thế giới vẫn còn phải tiếp tục trải qua giai đoạn biến đổi nhanh chóng. Được thúc đẩy bởi chiến lược ‘Vươn ra Toàn Cầu’ năm 2004, Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 Năm lần thứ 10 (2001-05) đã đề ra mục tiêu chiến lược là Trung Quốc phải chủ động tận dụng tài nguyên thiên nhiên ngoài nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu tài nguyên thiên nhiên ngày càng tăng, chiến lược vùng và toàn cầu này sẽ trợ cấp cho các công ty Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài để thâu tóm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài vì khoáng sản trong nước không đủ cung
Nhiều công ty khai khoáng Trung Quốc đang thi hành chiến lược tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài theo hình thức liên doanh, mua lại công ty hoặc dự án khai khoáng và siết chặt các hợp đồng dài hạn để làm giá. Trước nguy cơ hoạt động thăm dò khai thác quặng mỏ trong nước sẽ bị cạn kiệt và không đủ cân bằng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã phải tăng cường mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để ổn định nguồn cung khoáng sản và kim loại. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích hình thành nhiều tập đoàn kinh tế lớn bằng cách sát nhập các công ty trong nước, mua một phần hoặc toàn bộ công ty nước ngoài. Nhiều dự án đầu tư khai khoáng ở nước ngoài đã được tiến hành ngay từ đầu những năm 1990, và tiếp tục gia tăng đáng kể vào những năm 2000.
Trung Quốc tiếp tục duy trì đường lối này cho đến cuối năm 2008 thì Chính phủ chỉ thị cho tất cả các tập đoàn khai thác và xử lý khoáng sản của mình phải đóng băng mọi hoạt động đầu tư nước ngoài, cho đến khi nhu cầu thế giới phục hồi. Động thái này của Chính phủ nhằm phản ứng lại tình hình giảm mạnh nhu cầu trong nước, nên phải chuyển hướng tập trung đầu tư vào tài nguyên trong nước. Đó cũng là lúc nhiều công ty Trung Quốc đang mua hoặc lên kế hoạch mua tài sản khai khoáng nước ngoài với giá ngất ngưởng. Nhưng đến đầu năm 2009, vẫn trong lúc nhu cầu dài hạn về nhập khẩu tài nguyên hầu như biến mất thì Trung Quốc lại tái khởi động việc đàm phán đầu tư vào các công ty quốc tế như Rio Tinto và OZ Minerals.

Bauxite, nguồn nguyên liệu làm ra nhôm

Bauxite, vật liệu chủ yếu để sản xuất nhôm, là một trong những khoáng sản đem lại lợi ích kinh tế quan trọng nhất. Theo cơ quan Điều tra Địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng bauxite toàn cầu vào khoảng 55-75 tỉ tấn (quặng thô), trong đó Nam Mỹ chiếm 33 phần trăm, Châu Phi chiếm 27 phần trăm, Châu Á 17 phần trăm, Châu Đại Dương 13 phần trăm và 10 phần trăm tại các vùng còn lại. Với tốc độ khai thác hiện nay, người ta cho rằng trữ lượng bauxite có thể đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp nhôm trong vòng 170 năm nữa. Hiện nay toàn thế giới có 24 quốc gia đang khai thác bauxite cả trong lẫn ngoài nước, 12 quốc gia đứng đầu trong số đó chiếm 97 phần trăm tổng sản lượng bauxite. Năm 2007, Trung Quốc sản xuất 19,46 triệu tấn alumina chiếm một phần tư tổng sản lượng toàn cầu, sản xuất 12,56 triệu tấn nhôm điện phân chiếm 32,8 phần trăm tổng sản lượng toàn cầu, và 11,76 triệu tấn nhôm thành phẩm. Cũng trong năm 2007, Trung Quốc đã tiêu thụ 26,12 triệu tấn alumina chiếm 35 phần trăm tổng tiêu thụ toàn cầu và 12,1 triệu tấn nhôm điện phân chiếm 32 phần trăm tổng tiêu thụ toàn cầu.
Trong những năm gần đây, do nhu cầu về nhôm ngày càng tăng, quy mô khai thác bauxite hàng năm của toàn thế giới đã tăng 6,5 phần trăm. Hiện nay thị trường nhôm thế giới đang chuyển về Trung Quốc do Trung Quốc có nhu cầu lớn về sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như máy bay và ô tô. Mức tiêu thụ nhôm và alumina của Trung Quốc đã tác động trực tiếp đến xu hướng thị trường alumina toàn cầu. Vào giữa những năm 2000, mức tiêu thụ nhôm ở Trung Quốc đã vượt quá sản lượng nội địa, sinh ra nhu cầu nhập khẩu alumina và nhôm. Dự kiến trong mười năm tới, nhu cầu nhôm và alumina sẽ tăng mạnh hơn do các bùng nổ trong ngành công nghiệp xây dựng, giao thông và đóng gói tại Trung Quốc.
Ở lĩnh vực nhôm, Chinalco là tập đoàn nhôm lớn nhất Trung Quốc, ngoài ra Chinalco còn là một tập đoàn khai khoáng toàn cầu có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Chinalco đã chứng minh tiềm lực tài chính này qua các sát nhập và mua lại nhiều công ty quốc nội, đồng thời mở rộng hoạt động của nó ra thị trường toàn cầu. Chẳng hạn năm 2008, Chinalco công bố kế hoạch đầu tư 19,5 tỉ đô-la Mỹ vào một trong những tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới là Rio Tinto. Năm 2007, Chalco, một công ty nhôm cổ phần trách nhiệm hữu hạn, đã mua 7 phần trăm cổ phần của tập đoàn Alcoa Hoa Kỳ. Chinalco còn đẩy mạnh chương trình mở rộng toàn cầu qua việc mua lại một số vùng mỏ ở Úc, Canada và Peru. Còn Minmetals, một công ty nhà nước Trung Quốc hoạt động tại mỏ vàng và đồng Sepon ở Lào, thì đang mua lại OZ Minerals với giá 1,2 tỉ đô-la Mỹ.

Khu vực sông Mê-kông: Nguồn bauxite mới

Ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đều giàu có về tài nguyên khoáng sản; tuy vậy, hoạt động khai thác tài nguyên thường có quy mô nhỏ, đình trệ do xung đột, thiếu đầu tư nước ngoài, bị hạn chế về vốn và thiếu khả năng thực hiện các dự án khai khoáng lớn. Khung pháp lý của ba nước còn cản trở đầu tư, thủ tục nhượng quyền và cấp phép khai khoáng còn khó khăn, luật khai khoáng còn thiếu nhiều quy định cụ thể về thuế và phí khai thác (thường được tính trên cơ sở của từng dự án), hệ thống luật nói chung còn rối rắm. Một phần là do Chính phủ tại đây có quá ít kinh nghiệm về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Lào chỉ bắt đầu khai thác mỏ tại Sepon vào năm 2002; Việt Nam gần đây mới có một mỏ khai thác trên quy mô lớn; Campuchia thậm chí còn chưa thăm dò đầy đủ nguồn khoáng sản và chưa hề có dự án khai thác nào lớn. Thêm vào đó, do nền kinh tế tập trung, Chính phủ sở hữu mọi nguồn tài nguyên khoáng sản, nên cả ba nước đều e ngại chuyển nhượng quyền khai thác cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sinh ra nhiều cơ chế nhằm duy trì quyền kiểm soát của nhà nước, chẳng hạn quy định bắt buộc phải hợp tác với công ty nhà nước, hoặc Chính phủ phải nắm cổ phần. Về phương diện khai khoáng tại Việt Nam, nơi doanh nghiệp nhà nước được giao trách nhiệm tham gia vào mọi dự án khai khoáng quy mô lớn, là nước ít thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhất bởi vì Việt Nam hoàn toàn không có cạnh tranh từ các công nghiệp nhà nước.
Cả ba nước đều không công khai thông tin, gây khó khăn cho việc đánh giá kế hoạch giảm nhẹ các tác động môi trường và xã hội. Và một khi kế hoạch được thông qua, Chính phủ hầu như không có khả năng và không có ý định kiểm soát để đảm bảo các công ty tuân thủ nghiêm túc. Chính vì Chính phủ Lào hết sức quan ngại về 50 hạng mục trong đánh giá tác động môi trường (EIA: Environment Impact Assessment) mà Tập đoàn Trung – Lào Slaco đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay Slaco là một tập đoàn tư nhân tại Lào, trong đó Chalco chiếm 51 phần trăm cổ phần, công ty liên doanh Thái – Ý RCI/ITD chiếm 39 phần trăm, còn công ty LSI của Lào chiếm 10%. Tuy nhiên vẫn chưa rõ là tập đoàn này sẽ giải quyết 50 quan ngại ở trên ra sao. Còn tại Việt Nam, kinh nghiệm cho thấy việc chuẩn bị EIA chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu của nhà nước, vấn đề môi trường chỉ được đề cập qua loa, giai đoạn thực thi không được kiểm soát cẩn thận, kế hoạch hoàn nguyên và cải thiện môi trường không phải lúc nào cũng tuân theo EIA. Một ví dụ điển hình về xung đột lợi ích (vừa đá bóng vừa thổi còi) là trường hợp của dự án alumina đầu tiên tại Lâm Đồng, chính Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, một công ty do nhà đầu tư kiểm soát, lại là người thực hiện EIA.
Hiện nay, xu thế khai khoáng đang phát triển. Vì Lào và Campuchia chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên (nước, rừng, khoáng sản, …) để tạo ra thu nhập, họ đang cố gắng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Tháng 12/2008, Lào còn thể hiện nỗ lực cải thiện môi trường luật pháp qua việc đệ trình trước Quốc Hội bản sửa đổi Luật Khoáng sản, hy vọng được thông qua trong tháng 06/2009. Campuchia cũng đang rà soát lại Luật Khoáng sản. Nhiều nhà đầu tư như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu vẫn tỏ thái độ hết sức thận trọng trong vấn đề đầu tư khai khoáng, họ đang nỗ lực cải thiện các hoạt động khai khoáng trong vùng. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ kỹ thuật và năng lực cho Bộ Năng lượng và Quặng mỏ Lào trong một số lĩnh vực liên quan đến khai khoáng.
Khu vực sông Mê-kông đang trở thành đối tác chiến lược của Trung Quốc trong đầu tư khoáng sản; tuy nhiên, vẫn còn khó đánh giá đúng tiềm năng xuất khẩu cũng như nhu cầu từ phía Trung Quốc. Việt Nam có trữ lượng bauxite lớn nhất trong vùng, ước tính khoảng 5,4 tỉ tấn, trong đó 98 phần trăm trữ lượng tập trung ở Tây Nguyên. Tại cao nguyên Bolaven – Nam Lào, theo giá nhôm vào thời điểm năm 2007 thì giá trị tài nguyên bauxite tại đó ước tính vào khoảng 3.200 triệu đô-la Mỹ. Ở đông bắc Campuchia, người ta phát hiện có bauxite tại tỉnh Mondulkiri nhưng trữ lượng chưa được công bố chính thức. Do nằm ngay cạnh khu vực sông Mê-kông, Trung Quốc có cơ hội vô cùng thuận lợi trong việc khai thác tài nguyên bauxite, rồi chuyển thành alumina và nhôm một cách dễ dàng và rẻ tiền. Tuy nhiên, cho dù quặng bauxite tại đây có chất lượng cao, tiềm năng khai thác bị hạn chế đáng kể do lưu thông khó khăn và khả năng cung cấp năng lượng đến các vùng này.
Nhà đầu tư Trung Quốc đang thống trị khu vực
Trung Quốc có quan hệ vừa sinh động vừa phức tạp với ba quốc gia khu vực sông Mê-kông là Campuchia, Lào, và Việt Nam. Lợi dụng môi trường đầu tư thuận lợi và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nằm ngay sát bên, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ về khu vực này. Trung Quốc xây dựng quan hệ hữu nghị bằng cách đặt lên bàn đàm phán một gói đầu tư dị biệt. Trung Quốc còn được xem là một ‘quyền lực mềm’ về văn hóa và tư tưởng, muốn làm bạn với tất cả các nước trong vùng, sử dụng tình hữu nghị làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh. Quyền lực mềm này thể hiện rất rõ trong công nghiệp bauxite, bằng chứng là các nhà đầu tư Trung Quốc đã nâng cấp đường xá ở Nam Lào, hứa hẹn sẽ thuyết phục Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi cho Việt Nam để xây dựng một tuyến đường sắt từ Tây Nguyên ra biển, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển bauxite (!).
Nhà đầu tư Trung Quốc đã hiện diện tại hai trong ba nước này. Họ thống trị Lào bằng việc hợp tác với các công ty Lào và Úc để tạo ra nhiều liên minh (consortia). Tại Việt Nam, công ty Trung Quốc can dự vào hầu hết gói thầu xây dựng và mua sắm kỹ thuật cho các nhà máy sản xuất alumina. Còn Campuchia thì chưa có nhà đầu tư bauxite Trung Quốc nào. Các công ty bauxite Trung Quốc hoạt động chủ yếu trong vùng là Chalco, Chalieco (Tập đoàn Kỹ nghệ Nhôm Quốc tế Trung Quốc), Chinalco và CNMIM (Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Kim loại phi sắt Trung Quốc).
Hơn nữa, do ở gần Campuchia, Lào và Việt Nam nên nhiều đầu tư hạ tầng giao thông tại đây sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho Trung Quốc trong vận chuyển alumina và nhôm về nước bằng đường bộ, đường sắt, cũng như đường biển. Nhiều quặng mỏ tại Lào và Campuchia cũng nằm gần đường bộ, đường sắt và cảng biển Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nước còn đang giúp Lào phát triển thủy điện.
Về chính trị, chỉ Trung Quốc và Việt Nam là có tuyên bố chung về khai thác bauxite tại Việt Nam. Hai nước đã nhấn mạnh hợp tác kinh tế để phát triển và ổn định quan hệ chính trị. Năm 2006, lãnh đạo cấp cao hai nước đã ký thỏa thuận ghi nhớ (MOU) cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam để hợp tác khai thác bauxite trên Tây Nguyên. MOU này tập trung vào các nhà máy khai thác bauxite và luyện nhôm với giá trị lên đến 1,3 tỉ đô-la Mỹ. Trong khi Lào cũng ưu tiên khai thác bauxite, chiến lược của Lào luôn đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu. Còn Campuchia thì chưa chấp thuận để Trung Quốc vào đầu tư khai thác bauxite.

Nhôm rất khát năng lượng

Một trong những trở ngại trọng yếu trong toàn bộ dây chuyền khai thác bauxite, gồm công đoạn tinh chế alumina rồi cuối cùng luyện thành nhôm, là năng lượng phải vừa rẻ và vừa ổn định. Khai thác bauxite và sản xuất alumina không cần nhiều năng lượng, khoảng 200-250 mega-oat cho một tấn alumina, nhưng lò luyện nhôm thì tiêu hao năng lượng khủng khiếp, hầu như phải nhờ thủy điện cung cấp. Nếu sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay thì cũng phải cần 14 ngàn mega-oat để có thể luyện ra được một tấn nhôm. Do Lào và Campuchia đang có kế hoạch khai thác nguồn sông ngòi phong phú của họ để phát triển thủy điện phục vụ xuất khẩu, Trung Quốc có thể tiết kiệm chi phí rất nhiều nếu xây dựng lò tinh chế alumina và luyện nhôm tại một hay cả ba nước này. Tuy nhiên, để có thể sản xuất nhôm hiệu quả, thủy điện phải được bán với giá 2,5-3,5 xu Mỹ một kilo-oat. Không một ai có thể chào bán giá với này. Một phương án là ngưng tại công đoạn alumina rồi bán ngay cho người mua (mặc dù vận chuyển alumina sẽ gặp khó khăn).
Tác động của khai thác bauxite lên môi trường và xã hội
Khai thác bauxite chắc chắn sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng lề. Chắc chắn là sẽ có nhiều tác động quan trọng trên diện rộng và liên vùng, bao gồm thiệt hại nguồn lợi thủy sản, thay đổi thủy văn dòng sông và chất lượng nguồn nước, từ đó ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều dân tộc bản địa đang sinh sống trong vùng khai thác. Những tác động quan trọng đó còn vượt ra khỏi phạm vi khai thác, gây ô nhiễm cho các vùng lân cận và hạ lưu. Đối với các hoạt động khai thác bauxite tại Lào, nhiều quan ngại đã được nêu ra tại vùng tiếp giáp với Campuchia, chất thải công nghiệp và sự gia tăng sử dụng nguồn nước trên sông Sekong có thể tác động nghiêm trọng đến miền hạ lưu. Chẳng hạn, việc thải ra một lượng lớn bùn đỏ có tính kiềm, kèm theo nhiều chất gây ô nhiễm, sẽ đe dọa nghiêm trọng nhất đến nước bề mặt cũng như nước ngầm ở miền hạ lưu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng ngàn hộ gia đình đang sinh sống dựa vào dòng sông này.
Hướng đến việc cải tiến quy trình ra quyết định và đầu tư bền vững về môi trường cũng như xã hội trong khai thác bauxite
Việt Nam và Lào, có thể kể thêm Campuchia, đang trải qua giai đoạn quan tâm đặc biệt đến việc khai thác tài nguyên bauxite. Đa phần là do nhu cầu phát triển công nghiệp từ phía Trung Quốc, thêm vào đó là thời cơ thuận lợi để ba nước tham gia thị trường bauxite thế giới. Cho dù các dự án này có thể đem lại doanh thu cho Chính phủ, nhưng lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương thì chẳng rõ ràng. Thật không may, hầu hết tài nguyên bauxite lại được phát hiện trong vùng tam giác Nam Lào, Tây Nguyên Việt Nam và tỉnh Mondulkiri Campuchia, nơi có nhiều khu vực nhạy cảm về mặt môi trường và là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân cư, trong đó có nhiều nhóm dân tộc thiểu số. Vì các dự án này, dân cư địa phương chắc chắn sẽ phải gánh chịu nhiều chi phí bất tương xứng cả về kinh tế lẫn môi trường.
Chính phủ của cả ba nước đều đã có luật và quy định về xã hội và môi trường cho ngành công nghiệp khai khoáng, có bổ sung thêm những chính sách rất phù hợp, chẳng hạn EIA. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các chính sách đúng đắn này không được thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, ngành công nghiệp khai khoáng của họ lại còn non trẻ, chưa có nước nào vượt qua được giai đoạn thăm dò, vì vậy phải cần thời gian hoàn thiện hệ thống luật pháp và tăng cường năng lực thực thi chính sách, ngõ hầu đem lại kết quả tốt đẹp nhất.
Nhiều chính sách về môi trường và xã hội của chính Trung Quốc đang trở nên tiến bộ hơn, thậm chí Trung Quốc đã có thể đóng vai trò đầu tàu trong việc định hình một phương thức bền vững hơn cho ngành công nghiệp này. Khi ‘Hướng ra Toàn cầu’ để tìm cơ hội đầu tư, công ty Trung Quốc cần tiếp tục tuân thủ luật pháp và quy định trong nước của mình. Tuy nhiên, ở đâu mà quy định còn dễ dãi hơn ở Trung Quốc, thì đó là cơ hội để Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu trong đầu tư bauxite bền vững về môi trường cũng như về xã hội. Điều này có thể trở thành hiện thực nếu công nhận và cam kết tuân theo các thực hành và nguyên tắc toàn cầu tốt, chẳng hạn như Nguyên tắc Phân điểm Xích đạo (Equator Principles) dùng trong ngân hàng và Hội đồng Quốc tế về Khuôn khổ Phát triển Bền vững trong Khai khoáng và Kim loại. Ngoài ra, Trung Quốc còn cần kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư ra nước ngoài, đi đôi với việc tăng cường các quy định đầu tư của chính mình. Tuy nhiên, trách nhiệm không riêng về phía Trung Quốc, quan trọng là Trung Quốc cần hợp tác chiến lược với Chính phủ tại những quốc gia mà công ty Trung Quốc có tham gia đầu tư để giúp các quốc gia này tăng cường hệ thống pháp luật và quy định của họ, khuyến khích họ chấp nhận luật chơi toàn cầu. Đây không cần phải là ràng buộc để Trung Quốc có thể đưa ra quyết định đầu tư, mà đúng hơn là để đảm bảo mọi quốc gia tuân thủ các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội [*].
Chú thích của người dịch:
[*] Chúng tôi vô cùng nghi ngờ khả năng Trung Quốc sẽ nghe theo lời khuyên này.

Tổng số lượt xem trang