|
Ảnh: anhso.net
|
Quyết định này còn quy định hoạt động bán lẻ nông sản, thực phẩm phải được thực hiện theo quy hoạch của quận - huyện. Đặc biệt, đối với các mặt hàng thuộc nhóm 46321 (thịt gia súc, gia cầm tươi, đông lạnh, sơ chế, nội tạng dạng thịt từ gia súc, gia cầm), nhóm 46322 (thuỷ sản đông lạnh, khô, mắm như cá, động vật giáp xác như tôm, cua…, động vật thân mềm như mực, bạch tuộc…, động vật không xương sống khác sống dưới nước), nhóm 46323 (các loại rau, củ, quả tươi, đông lạnh) chỉ được hoạt động kinh doanh ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi.
Quyết định 64 đặt ra rất nhiều vấn đề đáng bàn dưới nhiều góc độ.
Về vấn đề ban hành quy phạm phạm luật, Quyết định 64, danh nghĩa là quy hoạch về hoạt động bán buôn, bán lẻ nông sản, thực phẩm nhưng quy hoạch chỉ là phụ (vì việc quy hoạch chợ đầu mối đã có từ trước) còn nội dung chính lại là “cấm” (cấm bán buôn ngoài phạm vi chợ đầu mối và cấm bán lẻ ngoài phạm vi chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi).
Mơ hồ và cảm tính
Theo Quyết định 64, kể từ10/8, đa số các nhu yếu phẩm hàng ngày (thịt, cá, rau củ tươi) chỉ được bán lẻ trong phạm vi các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng văn minh tiện lợi và sẽ bị “cấm tiệt” ở những nơi khác.
Và muốn bán lẻ thịt, cá, rau củ quả tươi, những sạp rau phải “lên đời” thành “cửa hàng văn minh tiện lợi”. Nhưng làm thế nào để “lên đời” một cửa hàng thành “Cửa hàng văn minh tiện lợi”? Quyết định 64 không nêu ra tiêu chí xác định thế nào là “cửa hàng văn minh tiện lợi” hoặc thế nào là “văn minh”, “tiện lợi”.
Nếu xét ở góc độ văn minh, ai dám bảo rằng những tiệm chạp phô là thiếu văn minh, ai dám khẳng định là một xe đạp bán rau xanh di động là không tiện lợi đối với các bà nội trợ?
Quyết định 64 đặt ra nhiều vấn đề mới nhưng không giải quyết hậu quả của các vấn đề đó. Thứ nhất, Quyết định 64 không đưa ra lời giải cho các doanh nghiệp đang bán lẻ ngoài phạm vi chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi? Họ sẽ vẫn tiếp tục kinh doanh bình thường hay phải loại bỏ ngành nghề trong giấy phép hiện tại? Họ phải xin ai để chứng minh rằng cửa hàng của họ là “cửa hàng văn minh tiện lợi”?
Rõ ràng một khái niệm pháp lý mới được xây dựng trên những tiêu chí mơ hồ và cảm tính sẽ khiến việc thực thi luật pháp trở nên khó khăn và rất dễ phát sinh tiêu cực trong việc xác định thế nào là “văn minh”, “tiện lợi”.
Về mặt quản lý nhà nước, Sở KH-ĐT và UBND huyện có thu hồi GCNĐKKD đối với những cửa-hàng-không-văn-minh-tiện-lợi không? Sẽ ngừng cấp mới GCNĐKKD đối với ngành bán lẻ thịt, cá, rau tươi hay là phải bắt doanh nghiệp chứng minh cửa hàng của minh là “văn minh tiện lợi” rồi mới cấp giấy phép?
Nếu doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về kinh doanh bán lẻ, an toàn thực phẩm thì có đương nhiên được bán lẻ theo Quyết định 64 không?
Cuối cùng, mục đích của Quyết định 64 là gì? Nếu là để quy hoạch hoạt động bán buôn – bán lẻ thì đã có quy định về quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại rồi. Còn nếu vì muốn cấm bán lẻ ngoài phạm vi chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thì những quy định của pháp luật hiện hành đã khá đầy đủ rồi.
Hơn nữa Quyết định 64 cũng không giải thích được tính cần thiết phải ban hành quyết định này hoặc tại sao chỉ cấm bán thịt, cá, rau tươi ngoài phạm vi chợ, siêu thị, trung tâm thương mại mà không cấm bán trứng, đường, sữa, hoa tươi…? Đâu là cơ sở thực tế và khoa học cho việc ban hành Quyết định 64? Tại sao phải phân con gà thành hai khi mà thịt gà thì phải bán một cách “văn minh” trong khi trứng gà thì được bán kém “văn minh” cũng được?
Thị trường bán lẻ của ai?
Ai sẽ được lợi khi thực hiện Quyết định 64? Chắc chắn không phải những cô bán hàng chạp phô hoặc chị bán rau dạo vì cả đời họ cũng không thể mơ đến việc có đủ tiền để mở một “cửa hàng văn minh tiện lợi” nào đó. Chỉ có những “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ mới có lợi vì chỉ có họ mới có đủ khả năng lập chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện dụng. Quyết định 64 ủng hộ luật chơi của kẻ mạnh.
Rộng hơn, Quyết định 64 đã tạo ra rào cản gia nhập thị trường của các thương nhân và doanh nghiệp nhỏ từ đó, hạn chế cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Khi các “ông lớn” không phải lo lắng cạnh tranh với rất nhiều những đối thủ nhỏ, họ sẽ thu nhiều lợi nhuận hơn. Khi mà đa số doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếc bánh của thị trường bán lẻ sẽ về tay các tập đoàn bản lẻ đa quốc gia. Liệu chăng Quyết định 64 khuyến khích những tập đoàn bản lẻ lớn?
Xét ở góc độ tự do kinh doanh, việc đặt ra các rào cản cho việc gia nhập thị trường đã xâm phạm quyền tự do kinh doanh của người dân.
Nguy cơ "đứt gẫy" hệ thống phân phối
Một điều chắc chắn là khi thực hiện Quyết định 64 này, số lượng cửa hàng văn minh tiện lợi sẽ chiếm số lượng lớn so với chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, vì tại một quận hiện, số lượng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa nâng cấp một tiệm tạp hoá, một sạp rau xanh lên “cửa hàng văn minh tiện lợi” có thể là một giải pháp khả dĩ hơn là “lên đời” một cửa hàng tạp hoá thành một siêu thị! Để “lên đời” một cửa hàng như thế xã hội phải bỏ ra chi phí rất lớn và một nguồn lực lớn của xã hội có thể sẽ bị mất mát vô ích và suy cho cùng, chính ngừơi tiêu dùng sẽ gánh chịu chi phí phát sinh này vì nó sẽ được phân bổ vào từng con gà, cân thịt mà họ sẽ mua.
Hệ thống phân phối được hợp thành từ rất nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận có những vai trò riêng để đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Chợ đầu mối, siêu thị, trung tâp thương mại (bán buôn) có thể coi là đỉnh trên của hệ thống phân phối còn những tiệp tạp hóa, những hình thức bán lẻ khác là chân của hệ thông phân phối – nơi kết nối trực tiếp với người tiêu dùng cuối cùng là các hộ gia đình. Quyết định 64 xóa bỏ những cửa hàng thực phẩm nhỏ - nơi hàng ngày đã và đang cung cấp các nhu yếu phẩm cho người dân. Điều này dẫn đến sự đứt khúc thị trường phân phối, đặc biệt trong phân khúc thị trường dành cho người nghèo và có thể dẫn đến sự tắc nghẽn trong hệ thống – sẽ là rất nguy hiểm nếu sự tắc nghẽn này xảy ra. Chúng ta còn chưa quên “cơn sốt gạo” năm 2008 mà nguyên nhân chính là do sự tắc nghẽn trong hệ thống phân phối khi mà gạo trong kho còn thừa nhưng gạo trong hê thống bán lẻ không đủ để cung cấp cho người tiêu dùng!.
‘Quyết định 64 sẽ “khai tử” các tiệm chạp phô ven đường hoặc các sạp rau đầu ngõ. Người dân sống nhờ vào những tiệm chạp phô ấy sẽ sống như thế nào? Những cô công nhân tan ca lúc 9-10 giờ đêm sẽ mua rau, thịt ở đâu cho bữa ăn tối và có siêu thị nào còn mở cửa chờ họ vào lúc đêm khuya? Quan trọng hơn họ có đủ tiền để mua rau củ tại “cửa hàng văn minh tiện lợi” không? Quyết định 64 đề cập đến vấn đề ăn uống hàng ngày của nhân dân nhưng dân không biết và cũng không thấy tiếng nói của dân “vọng” vào Quyết định 64.
Khi luật không bắt nguồn từ cuộc sống, không lắng nghe tiếng nói của người dân, luật sẽ chỉ nằm trên giấy. Liệu rằng Quyết định 64 sẽ không chịu số phận như quyết định cấm chở thịt lợn bằng xe máy hoặc việc cấm xe thô sơ trước đây?