Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc: Những giới hạn co giãn của toàn trị [1]

Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc: Những giới hạn co giãn của toàn trị [1]
Tác giả: Bruce Gilley, Nguyễn Ước dịch
Lời mở đầu cho loạt bài tuyển dịch “Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc”

Bước sang năm 2006, trên hầu hết các tạp chí có liên quan tới thời cuộc, chủ đề Trung Quốc là một trọng tâm trong những bài tổng kết sinh hoạt chính trị và kinh tế thế giới năm qua. Sự nổi bật của Trung Quốc hiện nay đã gây kinh ngạc và làm rúng động toàn cầu, đồng thời kích thích các học giả tiến hành những công trình nghiên cứu sâu rộng hơn. Ðiều hầu như rất nhiều người muốn tìm biết là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế lạ thường và liên tục của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng vẻ ổn định dưới chế độ toàn trị của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, tiềm ẩn những vấn đề nan giải nào, và có gây nản lòng hoặc nuôi lớn những hy vọng nào.


Liệu những thay đổi sâu xa về chính trị và kinh tế, xã hội tại Trung Quốc có thúc đẩy cuộc chuyển thể tiến tới dân chủ hóa? Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố vẫn giữ địa vị người tiền phong của giai cấp vô sản, trong khi liên kết với giới tinh hoa doanh nghiệp và kỹ thuật và tìm sự tương hợp với phát triển kinh tế thị trường, làm thế nào hóa giải các mâu thuẫn, phục hồi tính chính thống và ứng phó với các phong trào quần chúng trong cuộc đối đầu giữa các giai cấp, vốn không thể tránh khỏi và đúng theo kinh điển của Ðảng?

Trong khi đó, thực tế, người dân Trung Quốc có thật sự được được hưởng, trên một qui mô lớn, các thành quả của cuộc cải cách kinh tế? Hiện nay, phải chăng cái nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân quả thật đang lâm vào tình trạng bế tắc tới độ có nguy cơ làm sụp đổ mọi thành quả kinh tế đang có được, kéo theo sự suy sụp của chế độ, hay đó chỉ là tuyên truyền của những kẻ chính thống Lêninnít trong Ðảng hay những kẻ có quan điểm chống cộng cổ điển hoặc phân biệt chủng tộc, đố kỵ, nhiều ác cảm với một nước đang trỗi lên và có khả năng trở thành siêu cường?

Bên cạnh đó, sách lược chính trị và kinh tế của Trung Quốc đối với các nước trên thế giới như thế nào, và ngược lại, các siêu cường, và đặc biệt là các nước đang phát triển phản ứng ra sao? Phải chăng, với các nước thứ hai này, Trung Quốc là một bạn hàng cần kíp, một kiểu mẫu chính trị ổn định hay một đối tác vừa được miễn cưỡng ngưỡng mộ vừa phải cực kỳ cảnh giác? Liệu “quả bong bóng kinh tế” của Trung Quốc có sắp nổ vì các vấn đề chính trị nội bộ và tham vọng bành trướng của Trung Quốc?

Qua kinh nghiệm Trung Quốc, có vấn nạn lớn và cấp bách nào đặt ra cho Việt Nam, nơi cũng có một chế độ toàn trị mà có người xem chỉ là sao chép vụng về các chính sách và tổ chức của Trung Quốc hơn một thập niên trước? Có phải Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn tự xưng tiền phong đấu tranh cho công bằng xã hội và tự hào xung kích bảo vệ độc lập dân tộc cũng đang đánh mất chính nghĩa, do đó, góp phần chủ yếu làm mất tính chính thống của chế độ đương nhiệm? Trong tình huống ấy, liệu Việt Nam có triển vọng cũng sẽ tăng trưởng kinh tế, bình định chính trị như Trung Quốc, hay trở thành vùng ngoại biên đáp ứng đủ các yêu cầu đa dạng của Trung Quốc? Và có phải lịch sử tái diễn tấn bi kịch tự trói tay mình vì tâm thức phiên thuộc từng ám ảnh vua Tự Ðức và hầu hết triều thần?

Như thế, từ sinh hoạt chính trị muôn hình muôn vẻ của Trung Quốc, có thể rút tỉa những bài học nào cho các thành phần trong nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam còn ôm ấp ngọn lửa lý tưởng, cũng như cho người dân trong nước và hải ngoại đang thao thức về các vấn đề độc lập, tự do và phát triển đồng bộ của dân tộc Việt? Và đặc biệt, những bài học nào cho giới ưu tú trong lãnh vực văn hóa và xã hội, gồm các học giả, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và những người hoạt động cho một xã hội dân sự đang chật vật hình thành...?

Ðể góp chút ánh sáng nhỏ nhoi và tạo thêm dịp suy nghĩ về các vấn nạn trên, hầu tự mỗi người có thể rút ra câu trả lời cho riêng mình, xin mời người đọc đi vào sáu bài viết, được nhìn từ các góc độ khác nhau và có tính hàn lâm, của sáu nhà nghiên cứu sinh hoạt chính trị và xã hội Trung Quốc đương đại.

Năm bài đầu, trích từ Tạp chí Dân Chủ (Journal of Democracy), Tập 14, số 1, tháng Giêng năm 2003. Ðây là một tạp chí của National Endowment for Democracy, Baltimore, MD, và Johns Hopkins University Press, Washington D.C., Hoa Kỳ. Từ khi ra mắt năm 1990 tới nay, Tạp chí Dân Chủ trở thành diễn đàn cho những phân tích có tính nghiên cứu và những quan điểm học thuật đối chọi nhau về dân chủ. Các bài viết của nó thường được đăng lại trên các báo The New York Times và The Wall Street Journal, được dịch ra nhiều ngôn ngữ và phổ biến rộng rãi trên nhiều tạp chí khắp thế giới.

Sở dĩ năm bài viết đầu về Trung Quốc của các tác giả Mỹ, Trung - mà phần tiểu sử sơ lược có ở cuối mỗi bài - được tuyển chọn làm thành đề tài “Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc”, vì theo ý tôi, đó là những bài viết chỉ hai tháng sau ngày Ðại hội lần thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 11.2002, trong không khí sốt dẻo hậu đại hội với sự kế thừa êm thắm của Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào và một nghị trình cập nhật hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau năm bài ấy, mời người đọc sang bài thứ sáu, được viết đúng ba năm sau, là bài tổng kết về kinh tế, chính trị và ngoại giao của Trung Quốc đăng ở những trang đầu (10-11) của cuốn The World Almanac 2006 and Book of Facts, một loại niên giám được báo The New York Times thẩm định là sách bán chạy số một, với 80 triệu ấn bản từ trước tới nay. Bài viết này được tôi sử dụng, không khỏi có phần chủ quan, như một tổng kết và đối chiếu với luận điểm của các tác giả năm bài trước, đồng thời để lại những vấn đề tồn đọng.

Trước khi đi sâu vào từng bài, xin được giới thiệu nhan đề và tóm lược chủ đề mỗi bài:

Những giới hạn co giãn của toàn trị (The Limits of Authoritarian Resilience) của Bruce Gilley: chế độ Trung Quốc chỉ định chế hóa nền toàn trị một cách cục bộ và tạm bợ; các tiêu chuẩn có tính định chế hiện đang bị xói mòn, và tình trạng ấy có thể vẫn tiếp tục.

Ðe dọa quyền tối thượng của Ðảng (Threats to Party Supremacy) của Bruce J. Dickson: sự thích nghi của Ðảng Cộng sản Trung Quốc đối với giới tinh hoa mới của xã hội; nếu có chút nào dẫn tới chuyển thể dân chủ thì phí tổn được chi trả trên tính liên tục của chế độ.

Những vấn đề yếu ớt của nhà nước (The Problems of State Weakness) của Shaoguang Wang: nhà nước Trung Quốc rất yếu ớt so với những gì mà hầu hết người dân nhận biết; tình trạng ấy báo điềm gở cho các viễn ảnh dân chủ hóa xứ sở.

Sự bất bình đẳng mới (The New Inequality) của An Chen: sinh hoạt chính trị giai cấp là một thực tại có tầm quan trọng hơn bao giờ hết, nhưng tăng trưởng của tư bản chủ nghĩa tại Trung Quốc có vẻ không có khả năng tạo ra những sức ép để có dân chủ hóa.

Ổn định như núi lửa đang sôi (A Volcanic Stability) của Qinglian He: vẻ xuất hiện bên ngoài của nhà-nước-đảng cộng sản thì đầy sức mạnh và tự tin, thật ra, đang che đậy một tình trạng khủng hoảng sâu sắc.

Thức giấc cùng Trung Quốc (Waking to China) của Ted C. Fishman: sự thức giấc của Trung Quốc làm thế giới run sợ; thế giới cũng cần tỉnh giấc để nhận ra Trung Quốc với những sức mạnh và bất định của nó; đồng thời mỗi nước phải có phương sách ứng phó thích đáng.

Ghi chú thêm: Ðể có bản tiếng Anh, có thể tiếp cận: muse.jhu.edu allbookstores.com

Ðể có sách của sáu tác giả, có thể tiếp cận: amazon.com hoặc các địa chỉ bán sách khác trên mạng.
--
Thành công mới đây của Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong việc chuyển giao quyền lãnh đạo có thể được thông giải như một bằng chứng rằng chế độ toàn trị của Trung Quốc là độc đáo về mặt lịch sử. Hơn một thập niên sau ngày Liên bang Sô Viết và các trật tự cộng sản tại Ðông Âu sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ vẫn nắm quyền mà còn làm lễ tấn phong cho một tập hợp những người kế thừa trẻ hơn, được học hành tốt hơn và thậm chí tự tin hơn, làm đầu lĩnh của nó. Và Ðại hội thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Mười một năm 2002 đánh dấu lần đầu tiên có sự chuyển giao êm thắm quyền lãnh đạo trong chế độ cộng sản mà không chút dính líu tới cái chết hoặc sự thanh trừng vị thủ lãnh sắp thôi việc.

Các nhà lý thuyết chính trị thường hiểu một cách truyền thống rằng các chế độ toàn trị thì yếu ớt, vô phương cứu chữa trong tận cốt lõi của nó, vì nó hoàn toàn thiếu sự kiểm tra về quyền lực như một sự cai trị theo luật pháp, về sự phân chia quyền lực và về khả năng tranh thủ quần chúng. Quan điểm cho rằng tính yếu ớt cố hữu của các chế độ đó sẽ, một cách không thể tránh được, trở thành rõ rệt hơn khi theo thời gian, sự cân bằng tương đối của các tài nguyên được chuyển dịch từ nhà nước tới các lực lượng xã hội tự quản, thông thường như là kết quả của nhiều hình thức phát triển một khi kinh tế tăng trưởng và mở cửa ra quốc tế. Tại những cấp độ phát triển ấy, nói chung người ta tin rằng các chế độ toàn trị thấy mình bị khổ sở vì cái có thể gọi là “lô-gic của quyền lực tập trung” - nghĩa là, cái khuynh hướng ủng hộ việc quyền lực nằm trong tay vài cá nhân hoặc bè cánh có tính cá nhân chủ nghĩa, rồi bị họ lợi dụng chí tử với những kết quả điển hình, trong đó gồm có sự cai trị tồi, suy giảm tính chính thống, tham nhũng và các tiêu chuẩn yếu kém về hạnh kiểm của giới tinh hoa cai trị (elites). [1]

Nhưng Trung Quốc - mà nhân dân của nó tiêu biểu cho khoảng một nửa phần dân số thế giới hiện không được phép chọn các nhà lãnh đạo bằng các cuộc bầu cử dân chủ - cho tới nay đã và đang thách thức kiểu mẫu truyền thống đó. Một số người thử giải thích sự kiện ấy bằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tái củng cố nền tảng ngôi nhà của nó sau khi tình trạng tính chính thống của Ðảng bị sa sút tột độ sau vụ phản kháng Thiên An Môn năm 1989. Các nhà quan sát thì cãi lại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có vẻ đang giải quyết hữu hiệu sự thiếu hụt dân chủ bằng phương cách phi dân chủ, với việc đặt đúng chỗ các cơ chế làm giảm thiểu, hoặc có khả năng trừ khử sự yếu ớt có tính truyền thống của các chế độ toàn trị. Andrew Nathan tóm tắt bằng chứng của các cơ chế đó trong một đề mục “sự định chế hóa chế độ”.

Tôi cho rằng đặc điểm hóa như thế là sai, một vấn đề tôi sẽ tranh luận sau đây, liên quan tới ba điểm đặc trưng của các chế độ toàn trị khiến về mặt lịch sử, chúng ở trong số các chế độ khó định chế hóa nhất:

1. quá trình đề bạt giới tinh hoa;
2. sự bảo quản trách nhiệm về chức năng hoạt động của giới tinh hoa;
3. sự tham sự của nhân dân.

So với tình trạng hỗn độn trong kỷ nguyên Mao Trạch Ðông thì chắc chắn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hôm nay là một nhà nước tương đối được định chế hóa. Nhưng xét theo quan hệ với các nhu cầu thật sự của xã hội Trung Quốc đương đại, thì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rõ ràng là không đạt: bất cứ điểm đặc trưng đã định nào [trong ba điểm nêu trên] của một hệ thống chính trị chỉ có thể cho là “đã được định chế hóa” khi nó phù hợp với các lý tưởng có tính tiêu chuẩn của quốc gia cũng như được thực hiện hữu hiệu. Theo những tiêu chuẩn ấy thì bằng chứng về sự định chế hóa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa còn yếu. Cũng không có vẻ rằng cuối cùng sự định chế hóa loại đó sẽ mạnh. Quả thật, tính từ năm 1949 tới nay, có thể thấy rõ là tại Trung Quốc có ba chu kỳ củng cố và suy sụp: trước là đạt tới những giới hạn của sự định chế hóa chế độ, rồi tiếp liền đó, cái “lô-gic của quyền lực tập trung” tái khẳng định nó. Ðiều tương tự như thế có thể tái diễn vào một thời điểm thích hợp, và làm suy yếu sự định chế hóa hình thức tại Đại hội thứ 16 vừa qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sự định chế hóa hiện nay

Samuel P. Huntington xác định đặc điểm của sự định chế hóa chính trị như một quá trình mà qua đó điểm đặc trưng đã định của một hệ thống chính trị đạt đủ các nét “khả năng thích ứng, tính phức tạp, tính tự quản, và tính nhất quán.” Nơi mà điểm đặc trưng có vấn đề thì có thể là một quá trình, một định chế, hoặc một lề luật. Huntington nói, khi sự định chế hóa được thành tựu từ trên xuống dưới hệ thống chính trị, thì nó tạo ra một chính quyền có “hiệu năng, thẩm quyền, [và] chính thống.” [2]

Dù định nghĩa ấy đủ để giải thích tính chất hiệu năng và tính chất thẩm quyền của chính quyền, gần như chắc chắn rằng Huntington đã quan niệm sai về bản chất cá biệt của vấn đề tính chính thống trong bối cảnh toàn trị. Ông không nắm bắt được rằng bất cứ điểm đặc trưng đã định nào của một hệ thống chính trị có tính chính thống cũng phải phù hợp với quan điểm có tính tiêu chuẩn và bao trùm của nhà nước. (Cần phải nhấn mạnh rằng, trong một nhà nước đa nguyên, điều kiện này được dễ dàng xem là tất nhiên). Nếu điểm đặc trưng đó thiếu sự chứng minh rộng rãi có tính tiêu chuẩn hóa, thì lúc đó, chính nó sẽ xói mòn tính chính thống của nhà nước. Loại “nhất quán có tính tiêu chuẩn hóa” này khác với loại nhất quán mà Huntington đưa ra làm định đề vốn chỉ cốt ở sự am hiểu chức năng hoạt động giữa những người bên trong nhà nước chứ không phải sự đồng thuận trên qui mô lớn của xã hội bên ngoài.

Như thế, sự định chế hóa chính trị có cả thành tố nâng cao hiệu năng lẫn thành tố nhất quán một cách tiêu chuẩn hóa, và phải đạt được để cho điểm đặc trưng đã định ấy được định chế hóa. Như một thí dụ phủ định, những cuộc hội họp của quần chúng liên quan tới sự trông cậy thường xuyên của chế độ Trung Quốc đối với các chiến dịch chống tội phạm “Ðánh triệt để”, đã có hiệu quả đáng chú ý trong nhân nhượng hơn là kết án, nhưng những vi phạm quá trình thích đáng mà các chiến dịch ấy can dự đã trái ngược hoàn toàn với lời cam kết của chính quyền trong việc triển khai sự cai trị của luật pháp.

Bằng chứng tốt nhất về sự đề bạt giới tinh hoa có từ một cuốn sách đáng chú ý, viết bằng tiếng Hoa, nhan đề là Ðệ tứ đại (Disidai - Thế hệ thứ tư) mà nó tuyên bố một cách đáng tín nhiệm là đã dựa vào hồ sơ nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc chuyển giao quyền lãnh đạo năm 2002. [3] Thông tin chứa trong cuốn ấy bác bỏ cái bề ngoài của quá trình đề bạt có vẻ được định chuẩn hóa ấy. Nó trình bày rằng sự dễ dàng trong việc chuyển giao ấy liên quan tới di sản mạnh mẽ của bậc đại trưởng thượng Ðặng Tiểu Bình hơn là tới sự định chế hóa. Chính họ Ðặng là kẻ, ngay từ năm 1992, đã chọn Hồ Cẩm Ðào làm người thừa kế được chỉ định, gỡ khỏi đấu trường chính trị vấn đề duy nhất gây tranh cãi liên quan tới việc thừa kế. Họ Ðặng và Tống Bình, hai người đỡ đầu cho Hồ Cẩm Ðào, còn mạnh khỏe đủ lâu để bảo đảm cho họ Hồ được thừa kế. Vì thế, Ðại hội thứ 16 có vẻ là một phó sản ngẫu nhiên hơn là một kết quả có tính hệ thống.


[1]Lối nói “lô-gic của quyền lực tập trung” là dựa theo câu nói của Robert Dahl về “lô-gic của sự bình đẳng” - nỗ lực hướng tới sự tham gia rộng rãi và quyền lực chính trị có tinh thần trách nhiệm mà Dahl coi đó là kết quả cố định phát xuất từ việc bắt đầu đảm đương sự bình đẳng chính trị giữa các thành viên của xã hội [đoàn, nhóm, hiệp hội...]. Xem: Dahl, On Democracy (Bàn về dân chủ), New Haven: Yale University Press, 1996, 10.
[2]Samuel P. Huntington, Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong các xã hội đang thay đổi), New Haven: Yale University Press, 1968, 12,2.
[3]Zong Hairen, Disidai (The Fourth Generation, Thế hệ thứ tư), New York: Mirror Books, 2002. Nó là nền của cuốn sách viết bằng tiếng Anh mà tôi là đồng tác giả với Andrew Nathan, China’s New Rulers: The Secret Files (Những nhà cai trị mới của Trung Quốc: Hồ sơ mật), New York: New York Review of Books, 2002. Chúng tôi trình bày tính xác thực của Disidai với đầy đủ chi tiết trong lời nói đầu của cuốn sách.

--

Ði sâu vào chi tiết, Ðệ tứ đại trình bày rằng:

1. Năm 1997, như một chiến thuật nhằm loại trừ đối thủ cấp tiến Kiều Thạch, Giang Trạch Dân đề nghị nguyên tắc không người nào từ 70 tuổi trở lên được chỉ định vào Bộ Chính trị. Họ Giang, lúc đó 71 tuổi, tự miễn cho mình nguyên tắc đó, dù trong Đại hội thứ 15 năm 2002, ông cam kết tuân theo nó. Tuy thế, từ năm 2001 cho tới ngày Ðại hội, họ Giang cho phép một số lãnh tụ quân sự, các nhà nghiên cứu của đảng và các cận thần loan truyền ý tưởng rằng ông sẽ vi phạm nguyên tắc đó thêm lần nữa để tiếp tục nắm quyền. Nỗ lực ấy thất bại, tuy thế ông thành công trong việc thanh trừng Lý Thụy Thanh, một người cấp tiến 68 tuổi, trên cơ sở cá biệt rằng họ Lý đã phục vụ quá lâu trong Ban Thường vụ, từ năm 1989. Những thách thức đối với nguyên tắc tồn tại bất thành văn và mơ hồ ấy, đã nêu lên những thắc mắc được loan truyền rộng rãi về tính lâu bền của nó.

2. Chỉ có ba lãnh tụ thượng đỉnh - Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ - khống chế cuộc tuyển chọn ban lãnh đạo mới (với các bậc lão thành của Ðảng đã nghỉ hưu là Bạc Nhất Ba và Tống Bình đóng vai trò ảnh hưởng ở hậu trường). Sự tập trung ảnh hưởng đó trái ngược với nguyên tắc chính thức rằng những quyết định như thế phải được lập bởi 21 ủy viên Bộ Chính trị, và như thế nó tiêu biểu cho sự thất bại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc thực hiện một loại “lãnh đạo tập thể” để có thể làm giảm những nguy hiểm của sự quyền lực bị tập trung hóa trong chế độ cộng sản.

3. Lòng trung thành cá nhân quan trọng gấp bội công trạng cá nhân. Bảy trong chín ủy viên mới của Ban Thường vụ Bộ Chính trị - Hồ Cẩm Ðào, Tăng Khánh Hồng, La Cán, Ngô Bang Quốc, Giã Thanh Lân, Hoàng Cúc và Lý Trường Xuân - được chọn dựa vào lòng trung thành có tính bè cánh dù họ là quan chức có các khuyết điểm bị nhiều người biết. [4] Chỉ có Ôn Gia Bảo và Ngô Quang Chính là được chọn chủ yếu nhờ công trạng. Trong hệ thống chính trị đa nguyên, việc chỉ định quan chức dựa vào lòng trung thành cá nhân được chấp nhận một cách tiêu chuẩn hóa và được thực hiện dễ dàng vì chính các quan chức phụ trách việc bổ nhiệm cũng sẽ được lựa chọn và bổ nhiệm bởi những kẻ do họ chọn. Nhưng vì tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ nắm quyền lực không ai tranh giành, nên nó miễn cưỡng tán thành cái lý tưởng có tính tiêu chuẩn hóa là việc bổ nhiệm ở bất cứ cấp nào cũng bị buộc phải dựa vào công trạng. Tuy thế, lý tưởng ấy không được thực thi hữu hiệu, và những cuộc bổ nhiệm đành rằng là xấu thì có khả năng gây bất đồng chính kiến và phản kháng.

4. Các nguyên tắc đề bạt thông thường trong hàng phẩm trật của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị xem thường khi chúng gây bất tiện cho hàng lãnh đạo cao cấp của Ðảng. Ðó là trường hợp cả ba cán bộ lãnh đạo cao cấp thuộc “thế hệ thứ năm” trong việc đảm trách Ban Thường vụ Bộ Chính trị năm 2012. Lý Khắc Thương đã được xác nhận là tổng bí thư của Trung ương Ðoàn liên hiệp Thanh niên Cộng sản năm 1993 dù đại bại khi tranh cử chiếc ghế ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Đại hội thứ 14 năm 1992. Bạc Hi Lai được đem vào Đại hội thứ 15 năm 1997 như một “đại biểu được mời đặc biệt” sau khi thất bại trong cuộc bầu cử đại biểu đảng viên địa phương của mình. Và Tây Nhân Bình được chỉ định vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội thứ 15 sau khi không được bầu làm đại biểu tại Ðại hội ấy.
Về vấn đề chuyên môn hóa chức năng hoạt động của giới tinh hoa, Ðệ tứ đại trình bày cái nhìn thoáng qua và sơ khởi vào con số lớn lao những cuộc đấu đá nhau mang tính thư lại và phủ trùm sinh hoạt chính trị của giới lãnh đạo tại Trung Quốc. Trong khi theo truyền thống thì các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị được chỉ định vào các chức vụ cá biệt (các vấn đề kinh tế, an ninh nội bộ, các sự vụ quốc ngoại và vân vân), sự phân chia này vẫn là đối tượng kinh niên của tránh né hoặc bất chấp - nghĩa là “tính chất tự quản” là yêu cầu của sự định chế hóa chính trị theo định nghĩa của Huntington vẫn tiếp tục bị thủ tiêu trong nhiều phạm vi quan trọng có tính chính sách.
Thất bại của sự chuyên môn hóa giới tinh hoa được biểu thị trong nhiều khu vực hoạt động:
* Các vấn đề kinh tế: Sự ủy quyền cho thủ tướng về các vấn đề kinh tế có thể bị thu hồi trong những phạm vi các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị không tán thành. Thí dụ, năm 1999, Giang Trạch Dân thật sự nắm chức vụ phụ trách các công ty quốc doanh, vốn là chức vụ của Chu Dung Cơ, bằng việc triệu tập hội nghị các quan chức công ty quốc doanh từ bốn miền chính của Trung Quốc.
* Nhân sự và tổ chức: Tầm quan trọng của chức vụ này đối với việc xếp đặt bè cánh khiến nó trở thành nguyên nhân bất đồng thường xuyên. Từ năm 1993 tới 1997, khuôn mặt khống chế vấn đề nhân sự và tổ chức là Tăng Khánh Hồng, phụ tá của họ Giang, người lúc đó thậm chí không là ủy viên Bộ Chính trị. Suốt thời kỳ ấy, Hồ Cẩm Ðào, ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị chính thức phụ trách vấn đề này, phải chấp nhận bị giẫm chân, để duy trì tính cách thừa kế của mình trong tương lai.
* Chống tham nhũng: Việc xử lý các trường hợp tham nhũng ở cấp cao trong Ðảng vẫn là vấn đề thủ đoạn chính trị, một màn hỏa mù nhằm che đậy các cuộc đấu đá bè cánh ở cấp thượng đỉnh - nghĩa là, ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảm trách các nỗ lực chống tham nhũng chỉ đơn thuần là người quản lý các vụ việc được chọn bởi lý do chính trị. Sự việc ấy đã trở thành một vấn đề mọi người dân đều biết, vì lý do ấy, thậm chí một sự khởi tố xác thực và minh bạch về tham nhũng ở cấp cao là một bước lùi của Ðảng nhưng đồng thời cũng có nghĩa là một bước tiến cho tính chính thống của Ðảng.

Ðiểm đặc trưng duy nhất ở bên dưới cấp tinh hoa, có tiềm năng mạnh mẽ để làm giảm những tác động buồn thảm của tình trạng quyền lực tập trung trong các chế độ toàn trị, là sự tham gia chính trị: sự “thâm thủng dân chủ” có thể tối thiểu được bù đắp phần nào bằng sự “thặng dư tham gia”. Ðể làm bằng chứng cho sự định chế hóa đang gia tăng ở cấp dưới cấp tinh hoa, các nhà nghiên cứu kể tới các cuộc bầu cử cấp xã, việc đệ đạt thỉnh nguyện của nhân dân, và vai trò của các cơ quan lập pháp địa phương. Tuy trong các trường hợp đó, không trường hợp nào đạt hai tiêu chuẩn của sự định chế hóa - hiệu năng và nhất quán. Ðơn cử vài thí dụ nổi tiếng:

5. Rõ ràng các cuộc bầu cử cấp xã đã chứng minh tính hiệu năng trong sự cải thiện việc cai trị tại gần một triệu xã ở Trung Quốc và thiết lập chính quyền nhà nước tại vùng nông thôn. Nhưng chúng thiếu sự nhất quán có tính tiêu chuẩn hóa: Bên trong nhà nước độc đảng, sự đua tranh chính trị phải được giữ trong vòng kiểm soát chặt chẽ. Ðồng thời, duy trì sự kiểm soát ấy đôi khi có ý nghĩa là Ðảng phải vi phạm những nguyên tắc đua tranh do chính Ðảng đề ra - thí dụ, bằng các việc như vi phạm chính sách do nó đề ra trong các cuộc bầu cử cấp xã; vô hiệu hóa các kết quả bầu cử mà nó không thể chấp nhận; hoặc lén lút cấy sự kiểm soát của nó ở những xã không chịu vào khuôn phép. Việc đề ra các cuộc bầu cử ấy có thể là chiến thuật từ phía một số quan chức chính phủ cấp trung ương muốn giấu diếm dân chủ ở cửa sau, nhưng việc giấu diếm như thế chỉ có thể tiến hành ngang đây thôi, trước khi nó bắt đầu vận dụng sức ép chính xác lên trên lý tưởng cai trị có tính tiêu chuẩn hóa mà chỉ một mình Ðảng nắm quyền lực chính trị.

6. Trong nỗ lực khẳng định vai trò “giám sát” công tác của chính quyền, các cơ quan lập pháp cấp quốc gia lẫn cấp địa phương đều phải chịu đựng cũng một loại không nhất quán có tính tiêu chuẩn hóa ấy. Vì Đảng và nhà nước Trung Quốc không chấp nhận ý tưởng ủy thác quyền lực chính trị nên các cơ quan lập pháp bao giờ cũng yếu. Trong các đan cử hiếm hoi ấy, nơi mà họ cố xoay xở để, thí dụ như, từ chối một luật lệ, một sự bổ nhiệm người vào cơ quan hoặc một bản báo cáo của chính quyền thì gần như có tình trạng hoang mang buồn cười về việc mình phải làm gì đây. Không giống các cuộc bầu cử cấp xã, nơi ít ra sự ủy thác quyền lực hành chánh cũng có hiệu năng, các hội đồng nhân dân của Trung Quốc vẫn còn bị Ðảng kiểm soát rất chặt chẽ tới độ chúng hầu hết đều không hiệu năng.

7. Cũng có một hệ thống đệ đạt thỉnh nguyện của nhân dân mà người ta có thể nói là đáp ứng yêu cầu của ý tưởng có tính tiêu chuẩn hóa đều khắp: rằng nhân dân được phép đưa đề nghị để góp phần giúp Ðảng thực hiện công tác. Vào năm 2000, một Văn phòng Quốc gia Nhận Thư thỉnh nguyện và Tiếp dân (State Bureau of Letters and Visits) mới được thành lập như một cơ quan cấp dưới bộ. Thế nhưng việc giải quyết thư thỉnh nguyện của nhân dân vẫn rất thất thường, vì quá trình cứu xét tối hậu không thật sự tùy thuộc sự xử lý thường xuyên theo quyền hành đã được ủy thác, mà đúng hơn, theo sự chấp nhận có tuyển chọn do Ðảng giám sát.
Như thế, bằng chứng hiện nay về sự định chế hóa có vẻ bị giới hạn một cách dứt khoát. Sự định chế hóa không chỉ bao gồm sự vắng mặt của hỗn độn mà còn đưa tới sự có mặt tích cực của hiệu năng và nhất quán có tính tiêu chuẩn hóa. Lúc đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển dịch từ một trạng thái hỗn độn tới một trạng thái an bình đặc biệt; nhưng chỉ tới đó thôi, không đi xa hơn. Kết quả là, các vấn đề gắn bó một cách truyền thống với các chế độ phi dân chủ - sự phi chính thống, cai trị kém cỏi, tham nhũng, sự bất ổn của giới tinh hoa - vẫn còn nhiều vô số tại Trung Quốc. Chỉ riêng tham nhũng đã được ước lượng tới con số tương đương từ 10% tới 20% tổng sản lượng quốc nội (GDP). Sự bất ổn của giới tinh hoa biểu thị rõ rệt trong những cuộc đấu đá bè cánh và ý thức hệ mà đã đặc điểm hóa những năm thời họ Giang, bao gồm việc thanh trừng không dưới sáu ủy viên Bộ Chính trị. Tất cả những cái ấy gợi cho thấy rằng các nỗ lực của Trung Quốc nhằm định chế hóa nói chung là thất bại.


[4]Các khuyết điểm ấy được thừa nhận rõ ràng trong các tài liệu chính thức của đảng. Xem: Andrew Nathan và Bruce Gilley, China’s New Rulers, phần nói về Hồ Cẩm Ðào, tr. 68; về Ngô Bang Quốc, 102; về La Cán, 110; và về Lý Trường Xuân, 114.
--
Sự định chế hóa trong tương lai
Có lẽ câu hỏi đúng ra nên là, cái gì tương lai sẽ mang tới. Liệu các tiêu chuẩn được định chế hóa một cách quá yếu tại Trung Quốc có sẽ trở thành mạnh hơn, hoặc suy sụp? Nghĩa là, liệu chúng ta có thể hân hoan trông đợi giai đoạn “dân chủ hóa từng bước một” để khắc phục sự vô hiệu năng và phi nhất quán của hệ thống hiện nay?
Mọi sự củng cố có tính dân chủ đều bắt đầu từ những thay đổi mà theo định nghĩa thì chúng chưa hằn sâu, có thể được đặc điểm hóa như một thỏa ước tạm thời (modus vivendi) giữa những tay chơi thích đáng. Chỉ với thời gian thì những thay đổi ấy mới hằn sâu, mới được thấy một cách tổng quát là đáng được thừa nhận vì lợi ích của chính chúng, và như thế, chúng trở thành những tiêu chuẩn. Nhưng luôn luôn có khả năng ngược lại, cái mà tôi tin tưởng có khả năng hơn trong trường hợp Trung Quốc: rằng những diễn tiến mới sẽ suy sụp như một kết quả của “lô-gic của quyền lực tập trung.”
Thí dụ, về vấn đề đề bạt giới tinh hoa, thật dễ tưởng tượng là chắc chắn rằng theo thời gian, nguyên tắc 70 tuổi sẽ được định chế hóa hơn, tuy thế chỉ cần một hoặc hai người không đồng ý là làm hỏng cuộc mặc cả, như từng thấy trong cuộc đấu đá về kế thừa tại Đại hội Ðảng thứ 16. Tại Đại hội Ðảng thứ 17 năm 2007, La Cán, người theo đường lối cứng rắn, sẽ trên 70 tuổi, trong khi một đối thủ của Hồ Cẩm Ðào là Tăng Khánh Hồng sẽ 68. Cả hai đại điện cho các bè cánh có sức mạnh. Và khi quyền lực bị đe dọa một cách tối hậu thì sự duy trì các tiêu chuẩn bị bấp bênh - như các chế độ toàn trị trên khắp thế giới đã biểu lộ nhiều lần. Càng khư khư ôm chặt quyền lực chừng nào thì những tiêu chuẩn càng có khuynh
hướng bốc hơi chừng nấy.
Ngược lại, những đề bạt dựa trên công trạng chắc chắn sẽ góp phần càng ngày càng đem thêm nhiều người có năng lực vào các cơ quan cao hơn. Nhưng tại cấp địa phương, diễn tiến đề bạt thường trở thành đút lót, trong khi ở cấp tinh hoa, diễn tiến ấy vẫn bị quyết định bởi những thất thường của các bè cánh chính trị. Việc thay đổi các mẫu thức ấy đòi hỏi một tuyến độ rộng rãi để theo dõi và giám sát qua truyền thông không bị kiểm duyệt, việc chống tham nhũng và việc ủy thác quyền lực. Trong những cái đó, có vẻ Đảng Cộng sản Trung Quốc không chọn cái nào. Việc thay đổi các mẫu thức rộng rãi hơn của tham nhũng cũng đòi hỏi những triển khai tương tự, và cũng không có khả năng tương tự.
Tới với các cuộc bầu cử cấp xã, các lãnh tụ Ðảng sẽ có khuynh hướng cảnh giác khi gặp bất cứ dấu hiệu nào của hiệu năng nơi các xã trưởng được bầu lên. Sự xuất hiện của nhiều viên chức được bầu đó - như một nhóm không có tính nhạy cảm đối với việc kết nạp hoặc việc mưu toan lật đổ - thì không thể tránh khỏi, sẽ nêu lên vấn nạn rằng không biết Ðảng có nên xét lại các tiêu chuẩn của nó để ủng hộ việc chia sẻ quyền lực chính trị hay không - và đó chính là con đường mà các chế độ toàn trị mạnh mẽ ở Ðài Loan, Nam Hàn và Thái Lan đã đi. Nhưng trong trường hợp một chế độ yếu ớt như chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì sự “tự nguyện rút lui” đó không chắc có thật. [5] Một diễn tiến có vẻ có thật hơn là, Ðảng tiếp tục vi phạm các cuộc bầu cử cấp xã khi các nhóm chính trị mới mẻ ấy bắt đầu tranh đua với sự thành công ngày càng nhiều hơn. Như Paul Brooker ghi nhận, các chế độ toàn trị đưa ra các cuộc bầu cử địa phương chân chính “có thể tối hậu sẽ đối mặt với vấn đề là phải tìm cho ra một phương cách phi dân chủ không quá lộ liễu để làm cho khập khễnh cái đảng đang đấu tranh quá thành công với đảng chính thức của mình.” [6]
Tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy cũng giúp giải thích tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất chấp những lời hứa được lặp đi lặp lại của nó, vẫn chưa tán trợ việc mở rộng bầu cử những người điều hành trực tiếp ở cấp cao hơn cấp xã. Những thử nghiệm rải rác việc bầu cử người cai trị cấp huyện đã bị cấp lãnh đạo Ðảng phê bình, mặc dù chúng được dân chúng tại các địa điểm ấy chấp nhận và ưa thích, và nói chung đáp ứng được cuộc khủng hoảng cai trị đang diễn ra trong vấn đề cai trị ở cấp huyện.
Về phần các hội đồng nhân dân, chắc chắn chúng cải thiện việc cai trị tại nhiều địa hạt. Nhưng thông thường chúng làm được như thế bằng việc nắm lấy quyền lực, ngược với ý kiến của Ðảng. Nơi nào chúng cải thiện được tính chính thống của chế độ thì chỉ bởi vì các thành viên của chúng được Đảng kết nạp đầy đủ. Chúng hoặc chỉ có thể cải thiện sự cai trị, hoặc chỉ có thể cải thiện sự kiểm soát của chế độ, không thể làm cả hai việc đó.
Trong mỗi trường hợp - các cuộc bầu cử cấp huyện hoặc các hội đồng nhân dân - đang bị buộc phải chọn giữa hiệu năng và nhất quán. Dường như lúc nào Ðảng cũng chọn cái thứ hai.


[5]Tôi đưa ra một phương thuốc kéo dài diễn tiến có khả năng đột phá dân chủ trong China’s Democratic Future (Tương lai dân chủ của Trung Quốc), sắp xuất bản.
[6]Paul Brooker, Non-Democratic Regimes: Theory, Government and Politics (Các chế độ phi dân chủ: lý thuyết, chính quyền và chính trị)
--
Các chu kỳ và suy sụp

Nhiều người viết về các chu kỳ sinh hoạt chính trị tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1949. Trong khi những ngẫu nhiên có tính con người và tính lịch sử có khuynh hướng giải thích những thời điểm rạch ròi của các chu kỳ này, thì động cơ nằm bên dưới dẫn tới sự suy sụp sau mỗi sự củng cố, nói một cách chính xác, chính là cái “lô-gic của quyền lực tập trung”: trong những thời kỳ khủng hoảng chính trị, loạn chức năng, hoặc có vấn đề kế thừa thì bất cứ quyền lực nào từng được ủy thác một cách thận trọng để cải thiện việc cai trị và ổn định giới tinh hoa chính trị đều bị thu hồi lẹ làng. Tính từ năm 1949, đại khái ta có thể thấy có bốn chu kỳ tách biệt:

1. Thời kỳ 1(1940-61):

* Củng cố (1949-56): thiết lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
* Suy sụp (1956-61): từ Phong trào Vận động Chống hữu khuynh tới nạn đói từ Ðại nhảy vọt.

2. Thời kỳ 2 (1961-76):

* Củng cố (1961-66): phục hồi sau nạn đói.
* Suy sụp (1966-76): Cách mạng Văn hóa.

3. Thời kỳ 3 (1976-94):

* Củng cố (1976-86): tái củng cố, mở rộng các định chế của Ðảng và chính phủ, và luật pháp.
* Suy sụp (1986-94): Nổi lên phong trào sinh viên phản kháng, phản ánh những nứt rạn trong giới tinh hoa về cải cách; các lãnh tụ lão thành của Ðảng tái áp đặt luật lệ.

4. Thời kỳ 4 (1994- ):

* Củng cố (1994- ): các lãnh tụ lão thành của Ðảng từ trần; mở rộng sự cai trị của luật pháp và chuyên môn hóa chính quyền; gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Một phân tích thoáng qua các công trình nghiên cứu trong ba chu kỳ kể trên gợi cho thấy các nhà nghiên cứu sinh hoạt chính trị của Trung Quốc đều rất có khuynh hướng thông giải rằng sự thay đổi ở từng giai đoạn thì mang tính tuyến tính. Thí dụ năm 1978 - ngay lúc bắt đầu của cái mà tôi dùng thuật ngữ Củng cố Thời kỳ Ba” - có xuất hiện một bài viết với nhan đề Hiện đại hóa và sinh hoạt chính trị kế thừa tại Trung Quốc. Bài viết ấy gây nhiều tranh luận vì đưa ra một số cảnh báo về sự bất định trong tương lai, một sự bất định mà mãi tới ngày nay mới xảy tới, trong giai đoạn Đại hội thứ 16. [7] Ngược lại, các công trình nghiên cứu sau năm 1989 có khuynh hướng mạnh mẽ nhấn mạnh sự tiếp tục suy sụp của chế độ.

Dõi theo những thăng trầm của từng giai đoạn cá biệt và so sánh chúng với các giai đoạn trước đó, người ta có thể nói rất chắc chắn về tiên đoán đó. Khi tin rằng các thời kỳ ấy không thể đảo ngược thì chính niềm tin đó ẩn chứa sự nguy hiểm; lịch sử của Trung Quốc cách riêng và lý thuyết về chế độ toàn trị nói chung gợi cho thấy rằng chúng có khả năng đảo ngược. Indonesia của Suharto có thể là một phản thí dụ tốt nhất - vào giữa thập niên 1990, chế độ đó bị tuột hết quyền lực vào lúc nó có vẻ như đang có chiều hướng đi lên và củng cố chính nó bằng những hình thức định chế hóa mới, và xem ra “chắc chắn và hiệu năng rất cao.” [8]

Nếu chúng ta đã tìm kiếm kỹ lưỡng hơn các dấu hiệu củng cố sau năm 1989 thì chúng ta nên tìm kiếm kỹ lưỡng hơn các dấu hiệu suy sụp ngày nay tại đỉnh điểm của những gì sẽ là Thời kỳ Suy sụp thứ Tư trong biểu đồ trên. Nhiều dấu hiệu trong đó có thể bao gồm sự xuất hiện của tình trạng nứt rạn ít nhiều và công khai trong các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị về các vấn đề chính sách trọng yếu, thí dụ Ðài Loan hoặc bầu cử cấp địa phương; sự công khai xuất hiện trở lại của các lãnh tụ đang nghỉ hưu như Giang Trạch Dân hoặc Lý Bằng; hoặc Bộ Chính trị mất quyền hành trên lãnh vực hoạt động như an ninh nội bộ.

Vấn đề thời kỳ suy sụp mới có thể dẫn tới đâu thì nằm ngoài phạm vi ứng xử của trang giấy này. Nhưng một lời cảnh cáo coi như là kết luận rằng: sự suy sụp mang tính định định chế hóa đó không báo điềm sụp đổ của chế độ. Sức mạnh của bộ máy cưỡng bách của Trung Quốc - sáu triệu viên chức công an và bộ đội - hiệp với tình trạng xã hội dân sự yếu ớt đủ để đảm bảo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không bị rớt đài hoặc bị đẩy khỏi quyền lực. Tấn thảm kịch dưới hình thức các cuộc thanh trừng chính trị và trấn áp xã hội là kết quả rất điển hình cho các thời kỳ suy sụp tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ðồng thời có một hệ quả mang tính lựa chọn mà có thể giúp Trung Quốc thoát khỏi chu kỳ chính trị đó: sự đột phá có tính dân chủ. Sự suy sụp định chế cung cấp cơ hội - thường thì kèm theo nó là khủng hoảng cai trị - cho giới tinh hoa có khuynh hướng cải cách thiết kế sự gỡ rối cho chế độ bằng những hứa hẹn cởi mở chính trị vốn là bước đầu tiên hướng tới dân chủ. Lúc ấy, mỉa mai thay, hy vọng dân chủ nhất lại có thể nằm ngay trong chính những mâu thuẫn đang tạo ra quá nhiều trục trặc cho sự định chế hóa hiện nay.

Bruce Gilley, tiến sĩ chính trị học tại Ðại học Princeton University, Hoa Kỳ. Ông từng làm Biên tập viên hợp tác của Far Easter Economic Review (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông). Ông tà tác giả và đồng tác giả khoảng 10 cuốn sách về Trung Quốc. Trong đó có: Tiger on the Brink: Jiang Zemin and China’s New Elite (Hổ bên mép vực: Giang Trạch Dân và giới tinh hoa của Trung Quốc, 1998); và đồng tác giả (với Adrew Nathan) cuốn China’s New Rulers: The Secret File (Các nhà cai trị mới của Trung Quốc: Hồ sơ mật, 2002); cuốn mới nhất là China’s Democratic Future: How It Will Happen and Where It Lead (Tương lai dân chủ của Trung Quốc: Sẽ xảy ra như thế nào và dẫn tới đâu, 2004).


[7]Kenneth Lieberthal trong Journal of International Affairs 32 Fall 1978 (Tạp chí Các Sự vụ quốc tế số 32 Mùa thu 1978), 239- 54. Bài báo ấy ghi nhận các “kết quả làm giật mình” của sự củng cố thời sau-Mao, do bởi “sự nhất trí... rất cao” của giới lãnh đạo và nỗ lực của nó để “làm cho đảng khôi phục quyền lực và năng lực trước đây.” Tuy thế, nó cảnh cáo rằng “quá sớm để nói liệu tiến trình đó có thể đảo ngược hay không”.
[8]R. William Liddle. “Indonesia: Suharto’s Tightening Grip” (Indonesia: Kềm kẹp đang siết của Suharto), Journal of Democracy 7 (October 1996), 70. Trích trong: Larry Diamond, Developing Democracy: Towards Consolidation (Phát triển dân chủ: hướng tới sự củng cố), Baltimore, John Hopkins University Press, 1999, 262.

Bài do tác giả gởi đến Đàn Chim Việt Online
--

Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc: Ðe dọa quyền tối thượng của Đảng [2]


Tác giả: Bruce J. Dickson, Nguyễn Ước dịch

Với sự nổi bật của Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong Ðại hội Thứ 16 của Ðảng này vào tháng Mười Một năm 2002 bằng một ban lãnh đạo mới và một chương trình cập nhật hóa, hệ thống chính trị đang nắm quyền kiểm soát đó có triển vọng chính trị nào?

Giải quyết nhẹ nhàng việc chuyển giao quyền lực như vừa qua chứng tỏ một cấp độ ổn định có tính định chế chưa từng thấy bên trong giới tinh hoa chính trị (elites) của Trung Quốc. Và tuy hiện nay Ðảng Cộng sản Trung Quốc có thì giờ để nhìn sự tàn lụi dần cái sức mạnh của hạ tầng cơ sở quần chúng, nạn nhân của nhiều trầm cảm phát sinh từ sự hội nhập tăng theo mức lũy tiến của Ðảng cùng với một xã hội đang thay đổi lẹ làng. Trong khi đó, các chính sách “cải cách và mở cửa” của Ðảng Cộng sản Trung Quốc có những hệ quả ngoài dự tính, làm yếu thêm viễn tượng về sự tiếp tục độc quyền chính trị của nó: vì khu vực tư nhân đang bành trướng, Ðảng không còn kiểm soát nơi chốn nhân dân ở và làm việc; vì sự lan rộng của việc tiếp cận internet, vô tuyến truyền hình qua vệ tinh viễn thông và truyền thông tự chọn, Ðảng không còn kiểm soát loại thông tin nào người dân đang có hoặc nó được phổ biến như thế nào; và vì sự kết hợp những lợi tức sẵn có để chi tiêu rộng rãi hơn và sự giải phóng chính trị, Ðảng không còn kiểm soát những gì dân chúng làm trong lúc nhàn rỗi. Ðể giải quyết những hệ quả đó, Ðảng dùng một sách lược mới. Trong chừng mực thiết yếu của sách lược đó, nó tái định hướng một cách có hiệu quả mối quan hệ của Ðảng với xã hội Trung Quốc, và tới một mức độ nào đó, phát sinh câu hỏi được nhiều người chia sẻ về sự sinh tồn lâu dài của một chế độ toàn trị đang giải phóng và hiện bị khống chế bởi một đảng độc nhất: việc thích nghi với môi trường kinh tế và xã hội mới sẽ làm mạnh hoặc quả thật làm yếu sự tiếp tục nắm quyền lực của Ðảng?

Từ bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc, nhiều nhà quan sát kỳ vọng rằng sự tiếp tục cải cách kinh tế và tư nhân hóa cùng hội nhập hệ thống quốc tế sẽ dẫn tới những phát triển kinh tế và rồi lần lượt đẩy mạnh những hình thức phát triển xã hội - đặc biệt sự ló dạng một xã hội dân sự, và tối hậu, sự khởi đầu mạnh mẽ công cuộc dân chủ hóa. Ðây là một quan điểm hấp dẫn, đặt căn bản trên những cái nhìn thấu suốt của lý thuyết về hiện đại hóa; chúng thường bị sỉ vả nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng. Tuy thế, sự thật thì phát triển xã hội và kinh tế chưa là đáp ứng “tự nhiên” đưa dân chủ tới gần: trong khi bị liên quan tới các cấp độ phát triển, dân chủ cũng là những diễn tiến chính trị rất cá biệt, được thúc đẩy một cách cá biệt bởi những người làm chính trị (cả bên trong lẫn bên ngoài chế độ). Ðảng Cộng sản Trung Quốc biết như thế nên nó hành động để ngăn chặn những yêu cầu mang tính tổ chức đang dậy lên từ bên ngoài Đảng nhằm mục đích thay đổi chính trị.

Chiến lược của Ðảng Cộng sản Trung Quốc gồm hai mũi giáp công: nung đúc những quan hệ nặng tính liên hiệp và đồng thời bổ dụng giới tinh hoa kinh tế và kỹ thuật. [1] Vào đầu thập niên 1980, thấy sự thành lập vô số các tổ chức kinh tế, xã hội và chuyên gia, các quan chức của Đảng hoặc chính phủ bắt đầu khống chế các chức vụ chóp bu của nhiều tổ chức đó, cho phép nhà nước bỏ rơi ngay tức khắc những “khát vọng chuyên chế” của nó và duy trì sự kiểm soát có liều lượng trên các nhóm có ảnh hưởng nhất trong xã hội. [2] Vì lý do ấy, rất ít các tổ chức đó được hưởng ngay cả mấp mé cái cấp độ tự quản mà các kiểu mẫu có tính tiêu chuẩn hóa của “xã hội dân sự” đòi hỏi. Có điều không tổ chức nào tìm kiếm cấp độ tự quản ấy, vì tại Trung Quốc, tự quản thì giống như bất lực. Thay vào đó, họ thích được nằm sâu bên trong nhà nước, không khác gì ý thích của các tổ chức tương tự tại hầu hết các nước Ðông Á và các xứ đang phát triển. [3]

Trong khi đó, Ðảng tuyển mộ loại chuyên gia kinh tế và kỹ thuật cần thiết để đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa kinh tế. Ở đây, lý do cơ bản tự nó có hai nếp gấp: thứ nhất, Ðảng Cộng sản Trung Quốc muốn được móc nối với những loại người nó cần để thúc đẩy tăng trưởng liên tục mà vốn là nguồn gốc chủ yếu của lời tuyên xưng đương đại của Ðảng về sự cai trị có tính chính thống của nó. Thứ hai, Ðảng Cộng sản Trung Quốc muốn ngăn chặn những nỗ lực phát xuất từ các nhóm tinh hoa mới này nhằm hoặc thành lập các nhóm của chính họ trong vị trí đối lập với Ðảng hoặc đứng chung hàng ngũ với những kẻ đối lập với chế độ. Loại bổ dụng này không giống với lối xây dựng Đảng từ trước tới nay của Ðảng Cộng sản Trung Quốc với đối tượng Đảng là người dân thường - chủ yếu là người lao động và nhà nông - và tiến hành công tác đó bằng việc lập các tiểu tổ tại chỗ họ sinh sống và làm việc. Nhưng hiện nay, Ðảng ngày càng đặc biệt ra sức nhấn mạnh tới những người có tài năng phát triển kỹ thuật và doanh nghiệp: trong khi có khoảng 5% dân số tùy thuộc vào Ðảng thì tỉ lệ đảng viên trong giới doanh gia tư nhân từ 13% năm 1993 lên tới khoảng 20% năm 2000. Ngược lại, các công nhân kỹ nghệ và nông nghiệp hiện nay chiếm phần thiểu số trong tổng số đảng viên, họ từ 63% năm 1994 xuống còn 45% năm 2002. Ðảng cũng tạo ưu tiên để thu hút các chuyên gia có học. Tỉ lệ đảng viên có trình độ giáo dục trung học hoặc cấp cao hơn từ 17.8% năm 1984 lên tới 52.5% năm 2002. Và trong Ban Chấp hành Trung ương của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, tỉ lệ các ủy viên có bằng đại học hoặc cao đẳng từ 55.5% năm 1982 lên tới 98.6% năm 2002, còn tỉ lệ của những người có bối cảnh kỹ thuật (nghĩa là khoa học, kỹ thuật hoặc quản trị) từ chỉ 2% năm 1982 lên tới 57% năm 1997. Cả 9 ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị được tuyển chọn hồi tháng Mười Một năm 2002 đều là chuyên gia khoa học kỹ thuật.

Hậu quả của những chuyển đổi này là Ðảng Cộng sản Trung Quốc tái định nghĩa mối quan hệ của nó với xã hội Trung Quốc - một sự tái định nghĩa được diễn tả bằng khẩu hiệu “Tam đại biểu - Ba đại diện”: Thay vì mô tả mình đơn giản là người tiên phong của giai cấp vô sản, Ðảng lúc này tuyên bố đại diện cho:

1. “các lực lượng sản xuất tiên tiến” của xã hội, nghĩa là đặc biệt các giai cấp trung lưu thành thị càng ngày càng đông đảo, gồm các nhà kinh doanh, các chuyên viên, các chuyên gia kỹ thuật cao;
2. sự cổ vũ “văn hóa tiên tiến”, như đối lập với những truyền thống “phong kiến” hoặc chủ nghĩa duy vật chất hiện đại; và
3. các quyền lợi của đại đa số nhân dân Trung Quốc. Chính sự tái định hướng này của Ðảng,
hơn bất cứ những sắp xếp việc kế thừa được định chế hóa ở cấp thượng đỉnh, tạo ra tiềm năng thật sự cho sự thay đổi chính trị.

[1]Xem: Ken Jowitt, New World Disorder: The Leninist Extinction (Vô trật tự thế giới mới: sự tuyệt chủng của những người theo thuyết Lê-nin), Berkeley: University of California Press, 1992, 88-120. Cũng xem cuốn của tôi: Red Capitalists in China: The Party, Private Entrepreneurs, and Prospects for Political Change, New York: Cambridge Univerity Press, 2003.
[2]Xem: Gordon White, Jude Howell và Shang Xiaoyuan, In Search of Civil Society: Market Reform and Social Change in Contemporary China (Ði tìm xã hội dân sự: Cải cách có tính thị trường và thay đổi xã hội tại Trung Quốc đương đại), Oxford: Oxford University Press, 1996; Mixin Pen, “Chinese Civic Assosiation: An Empirial Analysis,” Modern China 24: (“Hội đoàn công dân tại Trung Quốc: một phân tích theo kinh nghiệm,” Tạp chí Trung Quốc hiện đại số 24, tháng Bảy 1998), 285- 318; Tony Saich, “Negotiating the State: The Development of Social Organizations in China,” China Quartely 03.2000 (Thương thảo với nhà nước: sự phát triển các tổ chức xã hội tại Trung Quốc,” Trung Quốc Quí San tháng Ba 2000), 124-41.
[3]Xem: Peter Evans, Embedded Autonomy: States and Industrial Transformation (Sự tự quản bị giữ riết: Nhà nước và sự chuyển thể kỹ nghệ), Princeton: Princeton University Press, 1995.
--

Cấm hay không cấm

Cả hai sách lược ấy đều có nguy cơ: một đằng, các tổ chức mới có thể tự triển khai bản sắc của chúng và từ khước quyền lãnh đạo của Ðảng; đằng khác, các đảng viên mới ấy có thể đẩy Ðảng tới hướng tuyệt thông với các thành phần cơ bản và chính thống của nó. Và quả thật, chính những quan tâm này làm dậy lên những cuộc tranh luận hiềm khích bên trong Ðảng Cộng sản Trung Quốc suốt thập niên 1980, đặc biệt về tư cách đảng viên của doanh gia. Vào tháng Tám năm 1989 - không lâu (cũng không phải ngẫu nhiên) sau khi chế độ buộc lòng phải đàn áp những cuộc biểu tình thân dân chủ của quần chúng trong năm đó tại Bắc Kinh và hàng trăm thành phố khác ở Trung Quốc - các lãnh tụ chính thống của Ðảng Cộng sản Trung Quốc cấm ngặt việc kết nạp doanh gia. Lệnh này làm chậm lại sự sinh sôi nảy nở của thành phần doanh gia trong Ðảng nhưng còn lâu lắm mới chấm dứt được sự kết nạp đó: các viên chức Ðảng địa phương thường làm lơ lệnh cấm ấy, trong khi các đảng viên hiện hành thì xói mòn nó bằng việc bản thân họ càng ngày càng đi vào doanh nghiệp tư nhân.

Suốt thập niên 1990, tính chất thích đáng hay không của lệnh cấm ấy được thảo luận kỹ lưỡng trên các tạp chí của Ðảng Cộng sản Trung Quốc. Người ủng hộ thì ghi nhận sự mâu thuẫn giữa các biểu đồ nhân số đang thay đổi của Ðảng và truyền thống xã hội chủ nghĩa trong việc ủng hộ các quyền lợi của người lao động, đặc biệt của tầng lớp nông dân, chống lại những kẻ thuộc về tư bản tư nhân, đồng thời cảnh cáo rằng số lượng ngày càng tăng các doanh gia ở trong Ðảng đang xói mòn tính chặt chẽ của Ðảng và thậm chí đang đe dọa sự sống còn của Ðảng. Người chống lại lệnh cấm thì đưa lời tranh cãi thực dụng hơn. Họ tuyên bố, các doanh gia mới này sở dĩ thành công là do bởi các chính sách của Ðảng, và không nên trừng phạt họ vì họ làm theo chính sách của Ðảng; thêm nữa, sự thành công của họ làm lợi cho Đảng và cho đất nước bằng việc tạo ra công ăn việc làm mới và gia tăng sự thịnh vượng chung, qua đó nâng cao tính chính thống của chế độ; và cuối cùng, nếu các doanh gia tiếp tục bị cấm vào Ðảng thì lúc đó họ có khả năng tổ chức chống lại Ðảng, vì các tài nguyên kinh tế ngày càng tăng của họ sẽ chuyển đổi, một cách không tránh được, thành sức mạnh hoặc ảnh hưởng chính trị.

Vào ngày 1 tháng Bảy năm 2001, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Giang Trạch Dân chính thức thúc giục hủy lệnh cấm đó - nhưng ông thất bại, kể cả việc giải quyết vấn đề đó. Các sách báo xuất bản dùng đường lối Mác-xít chính thống để phê bình kịch liệt và chỉ trích rằng lời phát biểu ấy của họ Giang làm hại quyền lợi của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, rồi họ đi rất xa tới độ cáo buộc ông vi phạm kỷ luật Ðảng qua việc đề nghị một sáng kiến gay cấn như thế mà không có sự xem xét cặn kẽ và thích đáng trong nội bộ Ðảng. Giang phản ứng bằng cách đóng cửa các tạp chí đó và như thế, bịt miệng tiếng nói công khai của chủ nghĩa Mác chính thống của Ðảng. Trong kỳ họp quốc hội tháng Mười Một năm 2002, đề nghị kết nạp doanh gia và lý thuyết của họ Giang về “tam đại biểu” được ghi bổ sung vào bản Hiến pháp nhưng cuộc tranh luận ấy vẫn tiếp tục nơi hậu trường. Kẻ chống lại sự bổ sung đó thì tranh cãi rằng chính sách kinh tế mới của Trung Quốc làm chuyển thể xã hội Trung Quốc và có nguy cơ tạo ra sức ép chính trị theo một cách thức và trên một qui mô mà sẽ đưa sự cai trị của Ðảng tới một chung cuộc. Người ủng hộ thì phản bác rằng việc đi theo định nghĩa mới về vai trò của Ðảng và việc mở hàng ngũ Ðảng ra cho các quyền lợi kinh tế đa dạng của Trung Quốc đương đại (mà trong quá khứ, nhiều đại diện của nó bị bức hại như là các “kẻ thù của giai cấp”) sẽ giúp tăng cường chứ không làm tiêu hao quyền cai trị của Ðảng.

Cùng lúc đó, hiện ra rõ ràng trước mắt là các tổ chức quần chúng của Ðảng đang bị phân rã. Trong khi Ðảng có mặt ở mọi chốn lao động của nền kinh tế qui hoạch thuở trước, thì nay rõ ràng là nó vắng mặt tại những chốn lao động của khu vực tư nhân đang ngày càng tăng. Ðảng Cộng sản Trung Quốc nay chỉ phát triển được cơ sở không tới 1% trong hơn một triệu rưỡi các xí nghiệp tư nhân đang xuất hiện trên toàn xứ sở và nó chỉ tuyển mộ được một ít đảng viên trong các lực lượng lao động. Ở nông thôn, đất sống của 70% trong tổng số 1.3 tỉ dân số Trung Quốc, vào giữa thập niên 1990, Ðảng tuyên bố có một nửa các tổ chức nông thôn của Ðảng không hoạt động vì hiếm có người chịu gia nhập Ðảng. Dù Ðảng bỏ ra nhiều nỗ lực để tái tiếp tế sinh lực cho các cơ sở của mình ở nông thôn, những báo cáo về tình trạng èo uột của chúng và mức gia nhập thấp vẫn tiếp tục được gởi lên trên và chuyền quanh. Người ta ước lượng có khoảng 2,5 triệu đảng viên, hầu hết là thanh niên, đang gia nhập “dân số nổi trôi” của đám dân thiên di tìm việc làm tại các thành phố. Như thế, sự có mặt của Ðảng tại vùng nông thôn lại yếu ớt thêm. Ðối với hệ thống Lênin-nít, thành tố quyết định của nó là năng lực giám sát và phê chuẩn động thái kinh tế và xã hội; hệ thống ấy có được ổn định hay không là tùy vào năng lực thiết yếu đó. [4] Như Samuel P. Huntington ghi nhận, sức mạnh của bất cứ chế độ toàn trị độc đảng nào cũng tùy thuộc, trên một qui mô lớn, vào sức mạnh của đảng cai trị. Khi đảng suy yếu thì chế độ mất ổn định. [5]

Liên hiệp chủ nghĩa và bổ dụng, hai sách lược song sinh của Ðảng Cộng sản Trung Quốc có thể nói là tương tự với hai thành tố gom vào và loại trừ của chủ nghĩa liên hiệp của nhà nước mà Alfred Stephan nhận ra: Ðảng Cộng sản Trung Quốc muốn gom vào nó những người nào thuộc giới tinh hoa về kinh tế và kỹ thuật mà không đe dọa nó bằng một nghị trình chính trị khác, đồng thời nó muốn loại trừ những người nào có khả năng đe dọa nó; Ðảng muốn gom vào nó các phần tử nào, các mảng nào của xã hội dân sự đang xuất hiện mà kinh tế là quyền lợi chủ yếu của chúng không thành vấn đề đối với nó; cùng lúc đó, Ðảng loại trừ và thỉnh thoảng đàn áp các phần tử thích tranh luận chính trị và có nhiều khả năng tạo ra thách đố cho Ðảng, thí dụ, Ðảng Dân chủ Trung Quốc hoặc Pháp Luân Công, một tập đoàn gần như có tính cách tôn giáo và hấp dẫn quần chúng. Như Michael W. Foley và Bob Edward ghi nhận, nếu một xã hội dân sự đầy khí lực là thiết yếu cho các nền dân chủ ổn định thì nó lại có khuynh hướng tạo thành nguy cơ lớn lao cho các chế độ toàn trị. [6] Ðảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức rất rõ sự dị biệt giữa lãnh vực kinh tế bên trong xã hội dân sự của Trung Quốc, một lãnh vực mà quyền lợi của nó tương hợp với quyền lợi của Ðảng, với lãnh vực chính trị nhỏ hơn mà nguy hiểm hơn đang tiềm tàng sự thách đố. [7] Sách lược mà Ðảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra là ôm chặt lãnh vực kinh tế, trấn áp lãnh vực chính trị, và ngăn chặn sự ly khai chống lại Ðảng của giới tinh hoa kỹ thuật và kinh tế. Như kẻ đánh bạc liều lĩnh, Ðảng cho rằng sách lược ấy là đúng đắn và có thể thực hiện lâu dài, nhưng như Ken Jowittt đã cảnh cáo, rằng chính giai đoạn gom vào này có thể là bước đi trước làm tuyệt chủng, một cách giản dị, các đảng Lênin-nít hơn là ngăn chặn sự tuyệt chủng đó. [8]


[4]Andrew G. Walder, “The Decline of Communist Power: Elements of a Theory of Institutional Change”, Theory and Society 23 (“Sự sa sút của quyền lực Cộng sản: các yếu tố lý thuyết về thay đổi định chế,” Tạp chí Lý thuyết và Xã hội số 23, tháng Tư 1994), 297-323.
[5]Samuel P. Huntington, “Social and Institutional Dynamics of One-Party Systems” (Các động lực có tính xã hội và định chế của các hệ thống độc đảng), trong: Samuel P. Huntington và Clement H. Moore (biên tập), Authoritarian Politics in Modern Society: The Dynamics of Established One-Party System (Sinh hoạt toàn trị trong xã hội hiện đại: Các hệ thống độc đảng đã được thiết lập), New York: Basic Books, 1970, 9.
[6]Michael W. Foley và Bob Edwards, “The Paradox of Civil Society”, Journal of Democracy 7 (“Nghịch lý của xã hội dân sự”, Tạp chí Dân chủ số 7, Tháng Bảy 1996), 38-52.
[7]Yanqi Tong, “State, Society, and Political Change in China and Hungary,” Comparatives Politics 26 (“Nhà nước, xã hội và thay đổi chính trị tại Trung Quốc và Hungary,” Tập san Chính trị học đối chiếu số 26, tháng Tư 1994); White, Howell và Shang, In Search of Civil Society.
[8]Ken Jowitt, New World Disorder.
--

Cái gì đang lâm nguy

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang héo hon vì những đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống của họ. Thật không dễ thấy sự mỏng manh của Ðảng Cộng sản Trung Quốc vì từ năm 1989 tới nay, nó không phải đối mặt với một thách đố trực tiếp nào trong lúc phải xoay xở để sống sót với những phí tổn cực lớn cho uy tín của nó ở bên trong Trung Quốc và tiếng tăm của nó ở hải ngoại. Kể từ lúc đó, những người phản kháng cũng thận trọng để sống sót dưới hình thức tổ chức lỏng lẻo và không liên kết nhau, đồng thời tránh việc chất vấn về căn bản chính thống của hệ thống chính trị của chế độ hiện hành. Nhưng bất chấp những thận trọng đó, sự phản kháng đang ngày càng tăng trên khắp xứ sở, ở cả thành thị lẫn nông thôn. [9] Hầu hết những sự cố ấy đều liên quan tới các vấn đề cơ bản: tiền lương không trả, hợp đồng bị cắt ngang, tịch thu tài sản, đánh thuế phi pháp, các giấy hẹn thay cho tiền mặt dùng chi trả các hợp đồng cung cấp lúa gạo và các loại thực phẩm khác, và vân vân. Ðảng Cộng sản Trung Quốc đối phó lại bằng một hỗn hợp củ cà rốt và cây gậy, vừa đáp ứng các yêu cầu về tiền bạc của những người phản kháng, vùa bắt bỏ tù những kẻ đứng đầu các cuộc phản kháng.

Một cách kiên quyết và thỉnh thoảng tàn nhẫn, Ðảng bảo vệ sự độc quyền của nó đối với các hội đoàn có tính chính trị. Thậm chí một phong trào cực kỳ vô hại như phong trào khuyến khích sinh viên bảo vệ môi sinh bằng cách đừng dùng loại đũa chỉ dùng một lần, cũng đã cẩn thận không tự tổ chức mình, vì sợ bị đánh giá là một nhóm có tiềm năng đối lập và rồi những người đứng đầu phong trào có nguy cơ bị đuổi học hoặc thậm chí bị bỏ tù. Sự vắng mặt các cuộc phản kháng có qui mô lớn sau một thập niên có những gương mẫu đặc biệt - từ Bức tường Dân chủ năm 1978-79 tới những cuộc phản kháng của đại chúng tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 - không thể được đánh giá một cách đáng tin cậy là dân chúng đang mãn nguyện, nhưng đó chỉ là phản ứng “có lý trí” trước một chế độ từng chứng tỏ nó “máu lạnh” tới ngần nào trong ý chí trấn áp và khả năng trấn áp những ai đòi hỏi thay đổi chính trị sâu rộng hơn. [10] Dù chế độ ra sức đặt căn bản tính chính thống của nó trên sự phát triển kinh tế, nhưng đi kèm với phát triển kinh tế là sự gia tăng của tham nhũng và bất bình đẳng, mỉa mai thay, cùng lúc, đã và đang xói mòn tính chính thống. Có điều tự thân sự ủng hộ yếu ớt mà nhân dân đang dành cho Ðảng không đe dọa nền cai trị của Ðảng. Như Adam Przeworski tranh cãi rằng: Sự chú ý mà người ta dành cho “tính chính thống” của một chế độ thường bị đặt sai chỗ: cái quan trọng hơn (sự ủng hộ của nhân dân) là sự thiếu vắng cái có khả năng thay thế có hiệu quả. [11] Và Ðảng Cộng sản Trung Quốc thành công trong việc ngăn chặn cái có khả năng thay thế nó. Nó bằng lòng chấp nhận con số ngày càng tăng những cuộc biểu tình rời rạc, trong chừng mực chúng đừng hiệp nhất hoặc tổ chức thành nhóm quyền lợi xã hội có thể hoạt động lâu dài. Ðiều ấy cho phép Ðảng tiếp tục đàn hồi, khi co khi giãn, trong việc tối thiểu hóa nhu cầu thích nghi về chính trị. Nhưng nó cũng có ý nghĩa rằng không có một lực lượng xã hội tự quản và chặt chẽ mà khi lâm vào thời kỳ khủng hoảng, Ðảng có thể thương thảo với nó để hoặc đưa tới một giải pháp êm thắm hoặc một sự chuyển tiếp được “thỏa ước” rất đỗi khó khăn.

Thay đổi chính trị và xã hội đang diễn ra tại Trung Quốc có những hệ quả chính trị nào? Suốt kỷ nguyên sau Mao, nhiều người quan sát ghi nhận sự bất tương hợp của các định chế Lênin-nít và nền kinh tế thị trường đang tăng trưởng; họ tiên liệu rằng tới một lúc nào đó, các hệ thống chính trị và kinh tế ấy sẽ đưa tới một hòa điệu căn bản, có thể bằng cải cách có tính dân chủ hơn là bằng sự khôi phục việc qui hoạch có tính tập trung. Cho tới lúc này, Ðảng Cộng sản Trung Quốc đang gây trở ngại cho các kỳ vọng đó và sự bất tương hợp ấy vẫn còn. Dù vậy, nhiều người quan sát vẫn tiếp tục mường tượng rằng công cuộc chuyển thể Trung Quốc thành một thực thể dồi dào sinh lực với tiềm năng thương mại lớn lao cuối cùng sẽ đưa tới sự chuyển tiếp dân chủ tương đối êm thắm. [12] Nhưng không phải ai cũng lạc quan như thế. Những khủng hoảng kinh tế và tài chánh đang hiện ra lờ mờ ở Trung Quốc khiến một số người tiên đoán sự sụp đổ của chính quyền Trung Quốc, dù trong số những người ấy chẳng ai có tham vọng tiên đoán sự sụp đổ ấy sẽ xảy ra vào thời điểm nào hoặc sau sự sụp đổ sẽ là cái gì. [13]

Cả hai viễn ảnh kể trên đều bỏ sót các khía cạnh quan trọng của toàn cảnh. Người tin rằng sự chuyển thể chế độ của Trung Quốc đi liền với, một cách không tránh được, sự hiện đại hóa kinh tế, đã không để ý tới vấn đề tác nhân trung gian - nghĩa là vấn đề ai sẽ lãnh đạo cuộc chuyển thể và nó sẽ cho cuộc chuyển thể đó một hình thù như thế nào; trong bối cảnh toàn trị, sự dân chủ hóa là kết quả không thể tránh của sự tăng trưởng kinh tế hơn là hậu quả hành động của các lãnh tụ chính trị bên trong chế độ và các lực lượng dân chủ bên ngoài xã hội nói chung. Hầu hết các doanh gia tư nhân và giới tinh hoa kỹ thuật của Trung Quốc đều cho thấy họ ít quan tâm tới việc cổ vũ cho dân chủ hóa. Cộng đồng của những người bất đồng chính kiến tại Trung Quốc đã và đang bị Ðảng xói mòn rất hiệu quả bằng cách bỏ tù hoặc trục xuất ra nước ngoài những lãnh tụ nổi tiếng nhất; trong khi đó, giữa các lãnh tụ ấy lại có xung khắc cá nhân và không tín nhiệm nhau - đặc biệt giữa những người sống lưu vong - gây trở ngại cho một sự hợp tác có hiệu quả hoặc tuyên truyền một thông điệp hợp nhất.

Xét theo chuỗi tình huống ấy thì thật khó xác định một trung gian nào có khả năng làm tác nhân cho công cuộc đổi thay chính trị có tính dân chủ. Mặt khác, người tiên đoán sự sụp đổ của chế độ cộng sản thì không để ý tới những tài nguyên chính trị mà Ðảng hiện có: các tổ chức có tính chính trị, nghĩa là sự tiếp tục vắng mặt của tổ chức đối lập, và sự tiếp tục chấp nhận Ðảng Cộng sản Trung Quốc của hầu hết nhân dân Trung Quốc như một loại hình sinh hoạt chính trị độc nhất hiện có trong nước. Cùng lúc ấy, Ðảng tiếp tục là nguồn bảo trợ chủ yếu cho công ăn việc làm và các cơ hội kinh doanh. Ðảng cũng đang tự quấn quanh thân nó lá quốc kỳ Trung Quốc giữa lúc lòng yêu nước đang gia tăng, biến sự phê bình Ðảng thành một hành động trông có vẻ không ái quốc. Thêm nữa, Ðảng làm cho quần chúng nản lòng ủng hộ sự đổi thay chính trị bằng sự nơm nớp sợ hãi rằng sẽ có tình trạng bất ổn đi liền với công cuộc dân chủ hóa. Và nhiều người tại Trung Quốc chấp nhận lời tuyên bố của Ðảng Cộng sản Trung Quốc rằng chế độ dân chủ thì không thích hợp với nền văn hóa Trung Quốc, vì thế, làm giảm thiểu thêm nữa cái sức ép buộc Ðảng phải cam kết cải cách chính trị sâu rộng hơn.

[9]Elizabeth J. Perry và Mark Selden (biên tập), Chinese Society: Change, Conflict, and Resistance (Xã hội Trung Quốc: thay đổi, xung khắc và đề kháng), New York: Routledge, 2000; Thomas Bernstein và Xiaobo Lu, Taxation without Representation in Contemporary Rural China (Ðánh thuế mà không có tiêu biểu tại nông thôn Trung Quốc đương đại), New York: Cambridge University Press, sắp xuất bản.
[10]Timur Kuran, “Now Out of Never: The Element of Surprise in the East European Revolution of 1989", World Politics 44 (Ngày nay tưởng chẳng bao giờ: yếu tố ngạc nhiên trong cuộc cách mạng Ðông Âu năm 1989,” Tạp chí Chính trị thế giới số 44, tháng Mười một 1991, 7-48.
[11]Adam Przeworski, “Some Problems in the Transition to Democracy” (Một số vấn đề trong cuộc chuyển tiếp tới dân chủ), trong: Guillermo O’Donnell, Philippe C. Schitter, and Laurence Whitehead (biên tập), Transitions from Authoritarian Rule, Vol. 3: Comparative Perspectives (Các cuộc chuyển tiếp từ nền cai trị toàn trị, Cuốn 3: Ðối chiếu các viễn cảnh) Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986.
[12]Henry S. Rowen, “The Short March: China’s Road to Democracy”, National Interest Fall 1996 (“Cuộc di hành ngắn ngủi: đường tới dân chủ của Trung Quốc”, tập san Quyền lợi quốc gia, số Mùa thu 1996), 61-70; Shaohua Hu, Explaining Chinese Democratization (Cắt nghĩa sự dân chủ hóa Trung Quốc), Westport, Conn.: Praeger, 2000; David Sheff, China Dawn: The Story of a Technology and Business Revolution (Bình minh ở Trung Quốc: Câu chuyện cuộc cách mạng kỹ thuật và doanh nghiệp), New York: Harper Business, 2002.
[13]Gordon G. Chang, The Coming Collapse of China (Sự sụp đổ đang tới của Trung Quốc), New York: Random House, 2001.
----

Loay hoay mày mò mãi

Trong các điều kiện ấy, kịch bản có khả năng xảy ra nhất về một tương lai có thể thấy trước là Ðảng Cộng sản Trung Quốc loay hoay mãi với sách lược thích nghi có giới hạn của nó, liên hiệp các quyền lợi mới trong khi đề kháng sức ép của khát vọng thay đổi chính trị. Ðây không chỉ là kịch bản có khả năng xảy ra nhất mà còn là kịch bản tốt lành nhất đối với Ðảng Cộng sản Trung Quốc, vì những đổi thay đang diễn ra về xã hội và chính trị có khuynh hướng làm tiêu hao hơn là làm vững mạnh địa vị đảng cai trị của nó. Có khả năng xảy ra là sự tăng trưởng kinh tế và tư nhân hóa sẽ làm Ðảng suy yếu qua sự tiếp tục băng hoại của các tổ chức quần chúng của Ðảng và sự tiếp tục suy yếu khả năng của Ðảng trong việc giám sát và kiểm soát các khuynh hướng xã hội đang chiếm ưu thế.

Trong khi Trung Quốc đang kinh qua cải cách chính trị nhiều hơn các nhà quan sát thừa nhận, [14] thì sự qui hoạch cải cách đó làm cho hệ thống toàn trị hoạt động hữu hiệu hơn chứ không làm cho nó đáp ứng hơn sức ép đòi thay đổi của xã hội. Cùng lúc đó, không thể chối cãi rằng các sức ép ấy đang gia tăng. Câu hỏi là liệu Ðảng Cộng sản Trung Quốc có thể điều tiết chúng trong khuôn khổ Lênin-nít thiếu yếu của nó hay không. Và căn cứ vào lịch sử của Ðảng Cộng sản Trung Quốc và kinh nghiệm của các đảng Lênin-nít khác, câu trả lời có khả năng là không. Trước hết, chủ nghĩa Lênin bất tương hợp với sự xuất hiện một xã hội dân sự chính cống; khát vọng chủ yếu của các đảng ấy là nhấn mạnh lên đường dọc của quyền lực và ngăn chặn các loại dây liên kết hàng ngang của các tổ chức tự trị vốn là nền tảng của xã hội dân sự. Thứ đến, Trung Quốc thiếu các định chế có khả năng làm kênh vận chuyển sự tham gia chính trị mà yêu cầu mỗi ngày một tích cực hơn. Chính xác là vì Ðảng Cộng sản Trung Quốc quá hữu hiệu trong việc bảo vệ độc quyền chính trị của nó và việc trấn áp thật sự các tổ chức tự quản nên sự phản kháng của quần chúng có khuynh hướng leo thang, và tới khi xảy ra thì nó vượt quá tầm kiểm soát. Hễ lúc nào Ðảng Cộng sản Trung Quốc tỏ vẻ đang cân nhắc hoặc đang khích lệ cải cách chính trị thì lúc đó, các biến cố xảy ra trầm trọng thêm từng ngày cho tới khi lãnh đạo Ðảng cảm thấy bị thúc ép phải ra tay đàn áp các phong trào cá biệt của quần chúng đang tạo sức ép đòi cải cách. Ðiều này rất đúng với thời kỳ Bức tường Dân chủ năm 1978-79, với những thử nghiệm các cuộc bầu cử địa phương đầu thập niên 1980, với những cuộc biểu tình của sinh viên năm 1986-87, và thêm lần nữa, với thời kỳ có những cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn và những nơi khác năm 1989. Ngày nay, bất chấp thực tế đang diễn ra sự giải phóng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc miễn cưỡng thảo luận công khai về khả năng có sự cải tổ chính trị được bảo trợ một cách chính thức vì họ sợ mình sẽ thêm lần nữa mở chiếc cửa ngăn không cho lũ lụt tràn vào.

Như thế, Ðảng Cộng sản Trung Quốc bị thúc ép bởi các hành động của nó trong quá khứ và đặc biệt bởi các quyết định của nó nhằm trấn áp sự phản kháng chính trị có tổ chức và nhằm ngăn chặn sự hình thành các tổ chức tự quản. Lãnh đạo Ðảng biết điều đó, và họ cẩn thận phối trí những chuẩn bị việc kế thừa, thiết kế các sách lược về chủ nghĩa liên hiệp có giới hạn và về bổ dụng để làm nản lòng những ai đang nuôi hy vọng rằng có khả năng sớm xảy ra một cuộc cải tổ chính trị nào đó. Một số nhà lãnh đạo toàn trị, bằng những thiết kế khác, đã đánh giá quá cao sự ủng hộ của quần chúng, với niềm tin rằng mình sẽ sống sót và khởi sắc. [15] Nhưng không có vẻ như giới lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có một quyết định sai lầm chiến thuật như thế.

Hệ quả là các viễn ảnh về một nền dân chủ tại Trung Quốc thì liên quan trực tiếp tới chính số phận của Ðảng Cộng sản Trung Quốc. Có vẻ như Trung Quốc không kinh qua sự dân chủ hóa cùng với sự liên tục của chế độ như Ðài Loan và Mexico đã làm. [16] Nghĩa là, cho dù Ðảng Cộng sản Trung Quốc có thể sống sót dưới một hình thức nào đó sau cuộc chuyển tiếp, và cho dù nhiều quan chức của Ðảng có thể ở lại một cách tích cực trong một chế độ hậu cộng sản - như trường hợp nhiều chính phủ ở Ðông Âu và cựu Liên Xô - nếu đất nước Trung Quốc có trở thành dân chủ thì cốt yếu nằm ở chỗ Ðảng Cộng sản Trung Quốc phải chi trả phí tổn cho cuộc chuyển tiếp đó. Chỉ sự suy thoái của Ðảng Cộng sản Trung Quốc mà thôi thì không đặt được quá trình tiến tới dân chủ cho bất cứ tương lai hậu cộng sản nào. Nhiều nơi ở châu Á đang có “nền dân chủ hẹp hòi”, và một nền dân chủ được củng cố đầy đủ thì hầu như không là tiêu chuẩn trong phần còn lại của thế giới hậu cộng sản. [17] Như hết thảy chúng ta đều thấy trong nhiều trường hợp, sự kết liễu của chủ nghĩa cộng sản không bảo đảm cho sự bắt đầu một chế độ dân chủ.


Bruce J. Dickson là phó giáo sư môn khoa học chính trị và các sự vụ quốc tế tại Ðại học George Washington. Ông là tác giả bảy cuốn sách về Trung Quốc, trong đó dặc biệt có Red Capitalism in China: The Party, Private Entrepreneurs, and Prospect for Political Changes (Chủ nghĩa tư bản đỏ tại Trung Quốc: Đảng, các doanh gia và viễn ảnh thay đổi chính trị, 2003) và Democratization in China and Taiwan: The Adapbility of Leninist Parties (Dân chủ hóa tại Trung Quốc và Ðài Loan: khả năng thích nghi của các đảng Lênin-nít, 1997), và là biên tập viên cộng tác của tạp chí Problems of Post-Communism (Các vấn đề thời hậu cộng sản).

[14]Ðể có thêm chi tiết giải thích về các điểm này, xem: Minxin Pei, “Is China Democratizing?” Foreign Affairs 77 (“Có phải Trung Quốc đang dân chủ hóa?”, Tạp chí Các sự vụ quốc ngoại, số 77, tháng Giêng - tháng Hai 1998), 68-82. Pei ít lạc quan khi nhìn tiếp vào những viễn cảnh của cuộc cải tổ chính trị tại Trung Quốc; xem: “China’s Governance Crisis,” Foreign Affairs 81 (“Khủng hoảng cai trị tại Trung Quốc”, Tạp chí Các sự vụ quốc ngoại số 81, tháng Chín - tháng Mười 2002), 96-109.
[15]Guillermo O’Donnell và Philippe C. Schmitter, Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain Democraties (Những chuyển tiếp từ nền cai trị toàn trị: Các kết luận chưa dứt khoát về các nền dân chủ bất định), Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986, đặc biệt chương 6; Samuel P. Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Ðợt sóng dân chủ hóa thứ ba trong cuối thế kỷ hai mươi), Norman: University of Oklahoma Press, 1991, 174-78.
[16]Tôi giải thích tỉ mỉ về biện luận này trong Democratization in China and Taiwan: The Adaptability of Leninist Parties, Oxford: Oxford University Press, 1997; và “Taiwan’s Democratization: What Lessons for China?” (“Cuộc dân chủ hóa của Ðài Loan: Bài học nào cho Trung Quốc?”) trong: Muthiah Alagappa (biên tập), Taiwan’s Presidential Politics: Democratization and Cross-strait Relations in the Twenty-first Century (Hoạt động chính trị bầu cử tổng thống tại Ðài Loan: dân chủ hóa và những quan hệ giao lưu đôi bờ trong thế kỷ hai mươi mốt), Armonk, N.Y.: M.E. Sharpe, 2001.
[17]Michael MacFaul, “The Fourth Wave of Democracy and Dictatorship: Noncooperative Transitions in the Post-Communist World,” World Politics 54 (“Ðợt sóng thứ tư của dân chủ và độc tài: những cuộc chuyển tiếp bất liên hiệp trong thế giới hậu cộng sản,” Tập san Chính trị thế giới số 54, tháng Giêng 2002), 212-44.

Bài do tác giả gởi đến Đàn Chim Việt Online
------------
Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc: Sự bất bình đẳng mới [3]

Trần An 陳安, Nguyễn Ước dịch

Tại Trung Quốc, chủ nghĩa tư bản gây ra sự phân tầng xã hội đầy ý nghĩa và xung khắc giai cấp đang gia tăng. Liệu sự kiện ấy có đẩy xứ sở ấy tới một chế độ dân chủ kiểu phương Tây, ít ra trong một tương lai gần? Câu trả lời của tôi là không. Lý do độc nhất và quan trọng là, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và sinh hoạt chính trị có tính giai cấp tại Trung Quốc trông không có vẻ tạo ra một sức ép xã hội thân dân chủ mãnh liệt hoặc hình thành một kiểu mẫu liên minh giai cấp ủng hộ dân chủ hóa.

Nhiều sinh viên môn chuyển tiếp dân chủ đã phân loại chúng theo hai mô hình rộng rãi. Cái thứ nhất tôi sẽ gọi là mô hình cấu trúc, nhấn mạnh tầm quan trọng của các điều kiện kinh tế xã hội rộng rãi, làm thuận lợi cho sự dân chủ hóa, hoặc ít nhất làm chuyển đổi hẳn một chủ nghĩa toàn trị đã phát triển đầy đủ. Cái được liệt kê thứ hai là kiểu mẫu chuyển tiếp trên căn bản “thỏa ước” hoặc “thương lượng”, đặt trọng tâm vào những chọn lựa có tính chiến lược và những tương tác của giới tinh hoa chính trị trong việc gây ra “sự đoạn tuyệt với toàn trị” và “sự mở màn dân chủ.” Kiểu mẫu thứ hai này không loại trừ các sức ép có tính cấu trúc nhằm thay đổi để có dân chủ, và đang được ưa chuộng nhất trong giới nghiên cứu về các cuộc chuyển tiếp theo “đợt sóng thứ ba” kể từ năm 1974. Thế nhưng kiểu mẫu này dường như khó có thể áp dụng tại Trung Quốc. Trong hầu hết các cuộc chuyển tiếp do thương lượng thì ở đó đã có sẵn truyền thống xã hội dân sự và đối lập chính trị có tổ chức khiến có thể làm cho giới tinh hoa (các lãnh tụ đương nhiệm hoặc các lãnh tụ đối lập) chơi trò mặc cả. Nhưng điểm khởi hành của Trung Quốc là từ một chế độ toàn trị, do đó, nếu có xảy ra thì không xảy ra trong một bối cảnh như vậy. Thế cho nên để nắm bắt những quĩ đạo khả hữu của sự chuyển tiếp tại Trung Quốc, chúng ta phải quay lại kiểu mẫu thứ nhất, cái có tính cấu trúc.

Kiểu mẫu ấy đi vào nhiều biến thể mà ở đây chúng ta chưa cần dừng lại để liệt kê đầy đủ. Chỉ cần nói rằng cái ý nghĩa quan trọng nhất trong việc áp dụng nó tại Trung Quốc, theo quan điểm của tôi, là cái mà tôi gọi là kiểu mẫu cổ điển có tính cấu trúc (classical structural model). Ðược rút tỉa chủ yếu từ kinh nghiệm lịch sử của châu Âu, biến thể này có thể rọi ánh sáng lên các câu hỏi quyết định về tương lai của Trung Quốc: Chính xác thì cái gì sẽ là đầu tàu cho sự dân chủ hóa tại một xứ sở vốn không có lịch sử, truyền thống hoặc văn hóa dân chủ? Mấy chục năm giải phóng kinh tế và những thay đổi có tính hệ quả trong cấu trúc của xã hội Trung Quốc vừa qua đã khiến kinh nghiệm châu AÂu trở thành thích đáng hơn bao giờ hết.

Kết quả cuối cùng thì rõ ràng: đời sống chính trị của Trung Quốc đang diễn ra trong một bối cảnh chính trị mới mẻ đối với Trung Quốc nhưng cũng quen thuộc đối với một số không ít các trường hợp lịch sử trước đó, và do đó, cần phải tiên đoán một cách công bằng và tích cực, ít nhất về những nét đại cương với điều kiện là những vấn đề thiết yếu của cái kiểu mẫu cấu trúc cổ điển đó được duyệt xét một cách trí tuệ dưới ánh sáng của tình huống tạo nên trường hợp Trung Quốc — và quả thật, với hết thảy các trường hợp “mới đây” — tách biệt hẳn các trường hợp “lịch sử” trước kia.

Thế thì cái gì phân chia các nhà dân chủ “mới đây” và các nhà dân chủ “lịch sử”? Cho tới khoảng nửa thế kỷ trước, phong trào hướng tới dân chủ là một quá trình tăng trưởng lâu dài mà có thể truy tầm nguồn gốc của nó nơi truyền thống của chủ nghĩa đa nguyên chính trị. Quá trình hướng tới dân chủ tự do xảy ra chống lại một bối cảnh chính trị rộng lớn trong đó rõ ràng là mọi bộ phận cấu thành dân chủ, thí dụ sự phân quyền, cai trị theo hiến pháp, quyền tối thượng và độc lập của quốc hội, đã được định chế dần dần. Dân chủ trở nên đầy đủ hơn khi quyền bỏ phiếu được mở rộng hơn bao giờ hết cho các tầng lớp nhân dân trên qui mô lớn hơn.

Trong hầu hết các trường hợp đương đại — gồm Trung Quốc — các chế độ trước đó đều là chế độ chuyên quyền, thiếu một cái gì đó hơn là cái vẻ bên ngoài của các cơ chế dân chủ tối thiểu, và gần như loại khỏi chính quyền mọi giai cấp xã hội. Tuy thế, cả trong trường hợp đó, dân chủ - bao gồm phổ thông đầu phiếu - được đề ra cho đúng với nguyên tắc dù bị coi rẽ trong thực hành. Thế thì sự dân chủ hóa chân chính - nếu nó xảy ra - sẽ xảy ra theo cái mà Ruth Brins Collier gọi là “một chương hồi cải cách độc nhất trong cuốn truyện dài thay đổi chế độ sâu rộng”, trong đó hết thảy các nhóm xã hội đều có quyền bầu cử và ứng cử. [1]

Từ cái đó, phát sinh những ứng dụng nào? Phần vì các chế độ toàn trị đương đại không thể chứng minh bằng nền tảng ý thức hệ nên chúng bị ám ảnh bởi vấn đề chính thống. Tại Trung Quốc nơi ý thức hệ Mác-xít không còn bám riết con tim và khối óc và nơi mà nền kinh tế đang càng ngày càng hội nhập cộng đồng quốc tế trong đó tự do và dân chủ chiếm ưu thế, nền tảng đạo đức và ý thức hệ của sự cai trị xuất phát từ Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ) bị xói mòn đáng kể. Tuy thế, đối với người Trung Quốc, ngoại trừ sự dan díu đầy lãng mạn phù phiếm và ngắn ngủi với chế độ đại nghị vào lúc mới bắt đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa toàn trị bao giờ cũng là cách thế “bình thường” trong đời sống chính trị của họ. Do đó, trong bối cảnh Trung Quốc, chủ nghĩa toàn trị không cần được chứng minh bằng các thuật ngữ thuần túy chính trị. “Tính chính thống” của nó có thể được giải thích thỏa đáng theo Max Weber “chính quyền của ‘muôn thuở hôm qua’...của những tập tục được làm cho có vẻ hợp pháp qua sự công nhận từ đời nảo đời nao không mường tượng nổi và sự định hướng làm thành tập quán tuân thủ.” [2] Các chế độ toàn trị khác có thể phải dựa, tới một cấp độ biến thiên nào đó, vào sự hợp tác và giúp đỡ của những người hoạt động trong khu vực tư nhân để sống còn. Tại Trung Quốc, quan hệ đó thì đảo ngược, bất chấp tầm quan trọng kinh tế và ảnh hưởng chính trị của khu vực tư đang gia tăng.

Mặc dù các nhóm học giả và nhà nghiên cứu phương Tây đều đồng ý với nhau về sự nới rộng các tự do cá nhân và chủ nghĩa đa nguyên kinh tế xã hội tại Trung Quốc, khả năng khống chế xã hội Trung Quốc của Ðảng và nhà nước cộng sản không bị xói mòn đáng kể. Cho tới nay, chế độ của ÐCSTQ nới lỏng sự kiểm soát toàn xã hội hoặc buông bỏ phần nào cái sức mạnh có tính định chế của nó không phải do bởi sức ép ở trong nước hoặc quốc tế nhưng nói chung do bởi nghị trình của đảng và nhà nước, một nghị trình có phần nào — nhưng chỉ phần nào thôi — bị chế ngự bởi các yêu cầu của nền kinh tế thị trường đang bắt đầu nảy nở.

Làm thế nào công cuộc dân chủ hóa có thể phát sinh dưới một nhà nước toàn trị và gần như tối thượng như thế? Ðộng lực cơ bản hoặc sức mạnh thúc đẩy dân chủ hóa sẽ phát xuất từ đâu? Và làm thế nào nó có đủ sức mạnh? Vì một số lý do, sức ép từ hải ngoại có vẻ như không đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch Trung Quốc tới dân chủ. Ngược lại, dân chủ hóa đòi hỏi sức ép cực độ từ bên trong, một sức ép mà chỉ các nhóm xã hội có sức mạnh mới có thể đảm đương nổi. Nhưng liệu có phát sinh được sức ép đó không? Ðặc biệt nó tùy thuộc vào vấn đề chủ chốt và sau cùng mà kiểu mẫu cấu trúc cổ điển trình bày sức mạnh giải thích được của nó.

[1]Ruth Brins Collier, Paths Towards Democracy: The Working Class and Elites in Western Europe and South America – Những con đường tiến tới dân chủ: giai cấp lao động và giới tinh hoa tại Tây Âu và Nam Mỹ (New York: Cambridge University Press, 1999), 188.
[2]Weber có ý nói tới chính quyền này như là một chính quyền “lấy sự thống trị làm căn bản chính thống.” Xem H.H. Gerth và C. Wright Mills, biên tập, From Max Weber: Essays in Sociology – Tuyển Max Weber: các luận văn xã hội học (New York: Oxford University Press, 1946) 78-79. Có vẻ an toàn khi nói rằng ngày nay, chính quyền này có chút gì đó nhạt nhòa, đặc biệt nơi các mảng của xã hội Trung Quốc mà người ta thấy bị nhiều ảnh hưởng của phương tây. Nhưng có khuynh hướng ngược lại. Quá khứ toàn trị và gần như tất cả những gì dính líu tới nó đều được giữ cho tươi nhuận trở lại bằng một tình trạng dồi dào các tác phẩm văn học, phim ảnh, tuồng tích vô tuyến truyền hình trình bày sinh hoạt chính trị của các vua chúa xa xưa. Ám ảnh người dân bình thường
bằng những câu chuyện mô tả đời sống của các hoàng đế Trung Hoa, những âm mưu cung đình cùng với những sự khác, gợi lên ảnh hưởng có thật và sự có mặt khắp nơi của truyền thống chính trị và văn hóa Trung Hoa.

Phân tầng xã hội và những xung khắc giai cấp

Tại cốt lõi của kiểu mẫu này là quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa. Tư bản chủ nghĩa đưa tới sự phân chia và cân bằng hỗ tương các sức mạnh kinh tế và chính trị. Nó cũng tạo ra sự phân tầng xã hội và sự đa dạng hóa các quyền lợi giai cấp, chuyển thể nhà nước thành đấu trường ở đó những xung khắc quyền lợi được giải quyết bằng đấu tranh. Vì những lý do này và những lý do nọ, chủ nghĩa tư bản có lô-gic thân dân chủ và chẳng có lý do đặc biệt nào để tin rằng Trung Quốc không bị nó thẩm thấu. Những cải cách mang tính thị trường suốt mấy thập niên vừa qua đã làm phát sinh những sức mạnh kinh tế độc lập đối với sự kiểm soát của nhà nước và xói mòn các trụ cột kinh tế xã hội của quyền bá chủ cộng sản chủ nghĩa. So với nhà nước tư bản, nhà nước Trung Quốc vẫn mạnh hơn rất nhiều nhưng nó không thể hoàn toàn lãnh đạm với xã hội, và quả thật, ngày nay nó cần tới sự giúp đỡ của xã hội hơn bao giờ hết để cai trị có hiệu quả. Khi xã hội Trung Quốc tiếp tục bị phân biệt và phân tầng thì sinh hoạt chính trị giai cấp trở thành một vấn đề mà ÐCSTQ phải đếm xỉa tới.

Dưới thời Mao, không có giai cấp xã hội hiểu theo nghĩa kinh tế. Ngoại trừ các “kẻ thù của giai cấp”, hầu hết người dân Trung Quốc hoặc là “công nhân” lao động trong các công ty xí nghiệp do nhà nước làm chủ hoặc là “nông dân” canh tác trong các “công xã nhân dân”. Trong các thập niên sau-Mao, có vẻ như một phần ba nông dân bỏ việc cày cấy để tìm những việc làm phi nông nghiệp. [3] Còn nữa, giai cấp lao động mà đẳng cấp của chúng từng phình lên ngày nay vỡ thành tầng lớp có khả năng ngoi lên thành giới cổ trắng vững vàng hoặc tầng lớp bị sa sút thành các nhóm nghèo khổ, thậm chí “hạ cấp” (underclass – dưới-giai-cấp).

Ngày nay, trong các thành phố lớn của Trung Quốc, nói chung người ta có thể nhận thấy có phẩm trật bốn giai cấp. Ở trên chóp đỉnh là tầng lớp trưởng giả thượng hạng và ít ỏi, gồm các doanh gia thành công nhất. Kế đó tới giai cấp trung lưu gồm các doanh gia nhỏ hơn, các quản trị viên và các công nhân cổ trắng làm việc cho công ty nước ngoài hay công ty tư doanh lớn, và các chuyên gia. Hai giai cấp phát đạt này chiếm có lẽ không hơn 13% dân số đô thị, biến họ thành 5% tổng dân số cả nước. [4]

Ðứng bên dưới hai giai cấp phồn vinh ấy là giai cấp lao động gồm đa số nhân dân Trung Quốc. Nằm dưới đáy xã hội là giai cấp “hạ cấp” với lợi tức thấp hơn mức chỉ đủ sống để tồn tại. Trong những năm vừa qua, tình trạng đông đảo công nhân công ty quốc doanh không công ăn việc làm đã mở rộng giai cấp “hạ cấp” này tới một kích cỡ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, có lẽ đang đạt tới con số 50 triệu cư dân thành phố trên toàn lãnh thổ. [5]

Tại Trung Quốc, hoạt động chính trị giai cấp bị khích động bởi sự kết hợp của sự phân tầng xã hội đang sâu sắc, sự mất tinh thần đang gia tăng vì thất bại của chế độ trong việc xóa đói giảm nghèo và sự tức giận ngày càng cao đối với tham nhũng và những chênh lệch sâu rộng liên quan tới phát triển kinh tế do nhà nước lãnh đạo. Năm 1998, Ngân hàng Thế giới — dùng một phương pháp không tính đến lợi tức phi pháp của viên chức nhà nước - đã ước lượng chỉ số Gini của Trung Quốc với con số đáng lo ngại là 40,3 (từ số 0 biểu hiệu cho tình trạng hoàn toàn bình đẳng lợi tức tới số 100 biểu hiệu cho hoàn toàn bất bình đẳng [6] . Chỉ số ấy đặt Trung Quốc ngang tầm chất lượng với các nước như Bolivia (42.0, 1990), Phi Luật Tân (46.2, 1997) và Peru (46.2, 1996). Bản báo cáo chính thức tiết lộ rằng mặc dù đã thực hiện nhiều nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở đô thị, vẫn còn 30 triệu thị dân kiếm chỉ vừa đủ sống [7]

Ðối với nhiều người, sự chênh lệch lợi tức ngày càng lớn giữa người Trung Quốc dường như dính líu nhiều tới các gian trá và tham nhũng chính trị hơn là tới những nỗ lực lương thiện của thị trường tự do. Ðiển hình là các nhà tư bản tạo dựng tài sản bằng thông đồng với viên chức thư lại bất lương hoặc nắm lợi thế trong tình trạng thị trường hỗn độn để khỏi bị trừng phạt vì những thủ đoạn vô đạo và phi pháp. Khi các công ty quốc doanh chuyển biến thành các thực thể tư doanh, chia cổ phần, thí dụ nhiều giám đốc do nhà nước bổ nhiệm có thể dùng địa vị của mình để làm “tay trong” và thành người giàu có trong khi đó số lượng đông đảo công nhân “thừa” hoặc “không sinh lợi” của các xí nghiệp quốc doanh cũ bỗng
thấy mình có mặt trên đường phố.

Tình trạng thiếu các kênh được định chế hóa để nói lên quyền lợi của giai cấp hoặc thiếu đấu trường chính trị hợp pháp để cạnh tranh giai cấp khiến người ta không có khả năng đánh giá chính xác chiều sâu của những phân chẻ giai cấp trong xã hội. Nhưng một báo cáo mới đây của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc — trong đó có phần dựa trên những nghiên cứu được xúc tiến tại một số thành phố kỹ nghệ “tiêu biểu” — đã cung cấp vài dữ kiện xác minh tình trạng leo thang của chiến tranh giai cấp. Theo bản báo cáo ấy, chỉ có 10,6% người được nghiên cứu thấy rằng không có “xung khắc quyền lợi” [xã hội hoặc giai cấp] trong khi đó 89,4% nghĩ rằng đang có “các xung khắc” giữa một số hoặc tất cả các giai tầng hoặc giai cấp xã hội. Các nhóm xã hội có ý thức “đấu tranh giai cấp” mạnh mẽ nhất là các doanh gia tư nhân (100%) và các công nhân bị sa thải (90,5%). Tại hai thành phố Thiên Tân và Chân Ninh, tỉ lệ phần trăm các công nhân kỹ nghệ được thăm dò than phiền về lợi tức “bất bình đẳng” tương ứng với mỗi nơi là 81% và 89%. [8] Có bằng chứng ngày càng nhiều là sự đối kháng giai cấp không còn chỉ nằm trên giấy tờ nhưng đã phát sinh những yêu cầu đặc biệt trên căn bản giai cấp đặt ra cho nhà nước. Tại thành phố Hạ Phì, khoảng 85% công nhân kỹ nghệ, dù đang có việc làm hoặc thất nghiệp, nói rằng họ muốn chính phủ đánh thuế người giàu nặng hơn và tăng trợ cấp xã hội cho người nghèo; ngược lại các doanh gia tư nhân thì phản đối cả hai ý tưởng đó với tỉ lệ 3 chống 1. Tại thành phố Hán Xuyên, 84.4% người lao động nông nghiệp khẩn khoản yêu cầu có những biện pháp tái phân phối có hiệu quả để điều hướng sự bất bình đẳng lợi tức. [9]

[3]Xem Lu Xyeyi, biên tập. Dangdao Zhonguo Shehui Jieceng Yanjiu Bangao - Báo cáo về cuộc nghiên cứu các giai tầng xã hội đương đại Trung Hoa (Beijing: Shehui Kexue Wenxian Chubanshe, 2002), 160-98.
[4]An Chen, “Capitalist Development, Entrepreneurial Class, and Democratization in China, Political Science Quartely 117 – Phát triển tư bản, giai cấp doanh gia và dân chủ hóa tại Trung Quốc, Quí san Khoa học Chính trị số 117” (Mùa thu 2002), 401-22 . Thẩm định này dựa trên những tính toán của tôi lấy từ các dữ kiện tiêu biểu cùng các thống kê chính thức.
[5]Xem Long Hua, “Zhonguo Zhenzhi Fazhan Keneng Yinqi de Shehui Wenti, Xin Bao – Các vấn đề xã hội mà phát triển chính trị của Trung Quốc có thể đem tới, Tân Báo”, (Hongkong Economic Journal), số 13 tháng Chín 2000, 20; “Chang Xinghua, Jinji Biange Zhongde ‘Heixiang’ – ‘Hộïp đen’ trong cuộc chuyển thể kinh tế”. (Zhuhai, Guangdong: Zhuhai Chubanshe, 1998), 202.
[6]World Band, World Development Indicators 2000 – Biểu đồ phát triển trên thề giới năm 2000 (Washington D.C.), 66.
[7]Xinhua News Agency – Tân Hoa Xã, 11 tháng Ba 2002.
Theo báo cáo mới nhất về chỉ số Gini thì Trung Quốc (44.7, 2001), Việt Nam (36.9, 2002). Wikipedia Encyclopedia – www.wikipedia.org – ghi thêm của người dịch
[8]Lu Xueyi, biên tập, Dangdai Zhongguo, 42-43, 80.
[9]Lu Xueyi, biên tập, Dangdai Zhongguo, 115

Sinh hoạt chính trị và các giai cấp mới

Như lịch sử cho thấy, phát triển tư bản chủ nghĩa có thể sinh ra những nhóm xã hội thúc đẩy cho dân chủ. Dân chủ cũng có thể phát sinh như là phó sản của cuộc đấu tranh giữa các nhóm xã hội khi không một giai cấp đơn độc nào có thể giành được quyền lực, do đó tất cả các giai cấp đều đồng ý về những nguyên tắc cạnh tranh. Liệu Trung Quốc hiện có một giai cấp hoặc nhiều giai cấp thân dân chủ không? Liệu có thể tiến tới một thỏa ước tạm thời (modus vivendi) để thúc đẩy dân chủ? Ðể trả lời hai câu hỏi đó, chúng ta cần khảo sát ba vấn đề liên hệ: 1) bản chất của cuộc đua tranh giữa các giai cấp; 2) mối quan hệ giữa mỗi giai cấp và nhà nước; và 3) các giai cấp khác nhau thẩm định thế nào về những hiệu quả bắt nguồn từ các sản phẩm dân chủ như chủ nghĩa đa nguyên chính trị, chủ nghĩa đa đảng, các cuộc bầu cử tự do, và sự cai trị của đa số.

Không giống hầu hết các giai cấp tương tự ở những nơi khác, các giai cấp giàu có mới phất của Trung Quốc có vẻ không ủng hộ dân chủ. Một là, sự bất ổn kinh tế và sự tuân phục chính trị bao giờ cũng là vận may của họ; cho dù có giai cấp loại này không là thành tố phụ và trực tiếp của các quan chức chính trị nhũng lạm đi nữa, họ vẫn phải lệ thuộc sâu xa vào các tài nguyên đang bị nhà nước độc chiếm. Ðiều độc đáo là chủ nghĩa tư bản tại Trung Quốc vẫn ở trong tầm kiểm soát của ÐCSTQ và những người Trung Quốc thuộc giai cấp trung lưu làm ăn phát đạt là nhờ thị trường thiếu sự quản lý hoàn toàn chủ động của nhà nước nên họ có nhu cầu biến sự phát đạt kinh tế của mình thành phát đạt chính trị.

Còn nữa, tình trạng xung khắc giai cấp đang tăng cường độ và sự sợ hãi của vô số người nghèo đang dồn người giàu từ tư thế thụ động chấp nhận chủ nghĩa toàn trị tới tư thế tích cực ủng hộ nó. Ðối với Trung Quốc, mặc dù một động lực như thế hầu như không là độc nhất, những tình huống đặc biệt có khuynh hướng khích động và làm tồn tại mãi mãi sự đối đầu giai cấp của Trung Quốc theo chiều hướng đưa tới sự hòa giải có tính dân chủ giữa các giai cấp — mà không dính dáng gì tới sự hình thành một liên minh của nhiều giai cấp và thân dân chủ — thì rất không chắc sẽ xảy ra.

Trường hợp Trung Quốc phù hợp với kiểu mẫu đấu tranh giai cấp cổ điển của số ít người giàu chống lại số đông người nghèo. Tuy thế, tại Trung Quốc, sự tập trung cao độ tài sản làm người giàu có sức mạnh vượt trội trong cuộc đấu tranh ấy cho dù sự ít ỏi về số lượng khiến họ cảm thấy mình yếu và dễ bị thương tổn khi đối mặt với khối đa số người nghèo. Trong các cuộc phỏng vấn của tôi với những người Trung Quốc phát đạt, họ phô bày mối thiện cảm đáng kể khi dân chủ được coi ngang với sự cai trị của luật pháp. Khi dân chủ được định nghĩa chủ yếu như là sự cai trị của đa số, mối thiện cảm ấy trở thành nghi ngại. Và khi mô tả thêm nữa về sự cai trị của đa số, như một trò chơi đơn giản bằng các con số trong đó con số lớn nhất sẽ lập chính sách thì hầu hết họ không thể chấp nhận. [10]

Khoảng thời gian ngay trước cuộc dân chủ hóa tại Ðài Loan và Nam Hàn, sự truyền bá sâu rộng về các phúc lợi của tăng trưởng kinh tế đã làm tăng thêm các giai cấp trung lưu một cách có ý nghĩa và làm giảm giai cấp lao động truyền thống và giai cấp “hạ cấp”. Cấu trúc giai cấp mới này thuận lợi cho dân chủ vì: 1) làm dịu sự đối kháng giai cấp cùng khuynh hướng đi theo chủ nghĩa cực đoan chính trị của nó; 2) làm cho giai trung lưu đông đảo ngày nay có thể hình dung rằng, trong hoàn cảnh dân chủ, nó là kẻ có khả năng chiến thắng hoàn toàn.

Chẳng bao lâu, cuộc phát triển tư bản tại Trung Quốc không phát sinh những kết quả giống như thế. Có nhiều khả năng thế hệ hiện nay của những người Trung Quốc giàu có hơn sẽ tiếp tục nhìn những mạo hiểm dân chủ hóa là quá nặng cho phúc lợi của họ. Ai cũng biết rằng đại đa số người Trung Quốc thiếu học đều ít có hy vọng làm cho mình trở thành giai cấp trung lưu và rằng người giàu sẽ tiếp tục trông vào nhà nước toàn trị để bảo vệ tài sản của mình. Lại càng cần phải tạo sự bảo vệ của nhà nước hơn nữa khi tình trạng phân cực kinh tế xã hội ngày càng tồi tệ khiến người nghèo có quan điểm chính trị cực đoan, do đó làm cho người giàu hoảng sợ thêm lên. [11]

Trong lúc các giai cấp giàu có chống lưng cho sự ổn định của chế độ toàn trị, các giai cấp thấp hơn dường như đang đi tới đối lập với chế độ. Nhưng họ không kêu gào dân chủ mà chỉ biểu lộ xu hướng cách mạng bằng hình thức các cuộc biểu tình hoặc nổi loạn trên đường phố mà mới đây đã trở thành bạo động hơn và có tổ chức hơn. Sự đột phá có tính cách mạng ấy tới lượt nó gây lo lắng cho người giàu có và kéo họ vào với nhau để chống lại sự trao quyền cho quần chúng, và kết chặt một liên minh giữa người giàu có và chế độ để “ủng hộ sự ổn định”.

Tại Trung Quốc, sự cực đoan hóa của người nghèo có thể có những cội rễ sâu xa hơn sự nghèo nàn vật chất. Những chênh lệch lợi tức khó biện minh hơn ở Trung Quốc nơi có truyền thống mạnh mẽ về chủ nghĩa bình đẳng. Nếu tình trạng thù nghịch của người giàu và người nghèo vẫn còn là vấn đề giữa các giai cấp xã hội thì không nhất thiết nó sẽ leo thang thành bạo động hay cách mạng như từng được xác nhận qua kinh nghiệm của một số xã hội tư bản, nơi vai trò chủ yếu của nhà nước (điển hình là nhà nước toàn trị) là làm trung gian hòa giải giữa các giai cấp đang đấu tranh nhau. Nhưng mọi sự đó sẽ thay đổi nếu chế độ đó bắt đầu trở thành nguyên ủy của đau khổ và bất bình của quần chúng. Tại Trung Quốc, nỗi đắng cay vì lỗ hổng lợi tức đang nung nấu cảm xúc chống chế độ vì: 1) các quan chức thất bại trong việc hạn chế nạn tham nhũng, nguồn cội của rất nhiều lợi tức phi pháp; và 2) chế độ đã làm quá ít trong công tác xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh Trung Quốc, sự thất bại thứ hai ấy đặc biệt gây tổn thương cho tính chính thống của chế độ. Với truyền thống phi dân chủ, với các phương thế không được luật pháp công nhận để người nghèo tổ chức và nói lên những bất bình của họ và với một lịch sử đế chế trong đó các triều đại bị lật đổ bởi cách mạng, thì chỉ ngạc nhiên chút ít việc Trung Quốc đang chứng kiến một số hành động cực đoan do bởi hàng triệu người bất mãn.

[10]Những cuộc phỏng vấn và thăm dò này được xúc tiến tại năm tỉnh của Trung Quốc từ năm 1998 tới 2000.
[11]Như Edward N. Muller quan sát, mức độ cao về bất bình đẳng lợi tức thì bất lợi cho dân chủ hóa vì sự bất bình đẳng cực độ khiến giai cấp lao động “dễ mắc vào những yêu cầu cách mạng có tính xã hội chủ nghĩa, mà sẽ ngăn chặn một sự liên minh thân dân chủ rộng rãi của giai cấp lao động và giai cấp trung lưu.” Xem Edward N. Muller, “Economic Determinants of Democracy – Yếu tố quyết định có tính kinh tế của dân chủ,” trong Manus I. Midlarsky, biên tập, Inequality, Democracy and Economic Development – Bất bình đẳng, dân chủ và phát triển kinh tế (New York: Cambridge University Press, 1997), 133-55.
Những chọn lựa của chế độ

Các lãnh tụ của ÐCSTQ nắm chìa khóa tương lai chính trị Trung Quốc. Nếu họ tiếp tục từ chối giải phóng hóa và cải cách dân chủ thì đại bộ phận nhân dân sẽ vượt qua cơn sợ và tiếp theo đó hoặc sẽ lâm vào tình trạng vô chính phủ hoặc sự cai trị của ÐCSTQ sẽ kết liễu. Cả hai nỗi sợ ấy hiện được chứng minh. Các lãnh tụ nhận ra đang có nguy cơ vì lỗ hổng lợi tức ngày càng rộng nhưng họ thiếu năng lực để đưa ra giải pháp lâu dài. Chế độ không thể chấm dứt tình trạng ung thối của hầu hết các kỹ nghệ quốc doanh cũng như không có các cơ chế đủ hiệu năng để chế ngự tác phong luồn lách hoặc trộm cướp của cán bộ địa phương. Các công ty quốc doanh thua lỗ đang bòn rút hết ngân sách nhà nước. Một hệ thống thuế má mới làm lợi cho địa phương thì chính trung ương phải trả giá, gây trở ngại thêm cho Bắc Kinh trong việc lập mạng lưới an sinh xã hội cho cả nước. Trong những tình huống như thế, nếu nhà nước muốn làm chậm lại hoặc chấm dứt tình trạng gia tăng mạnh mẽ sự bất bình đẳng lợi tức, nó sẽ phải chuyển chi phí xóa đói giảm nghèo qua cho người giàu, do đó, nó đứng về một phe trong cuộc xung khắc giai cấp.

Vì ÐCSTQ tự tuyên bố mình là giai cấp lao động nên việc “cướp của người giàu chia cho người nghèo” — triệt phú trợ bần — là một chọn lựa hợp lô-gic. Nhưng không nhiều thì ít, giới lãnh đạo dường như bác bỏ giải pháp đó, không chỉ vì giai cấp giàu có mới phất “hối lộ” lãnh đạo Đảng hoặc nói cách khác, đạt được ảnh hưởng chính trị trực tiếp mà còn vì nền kinh tế tư nhân và các giai cấp điều hành nền kinh đó đã trở thành niềm hy vọng độc nhất cho sự tăng trưởng liên tục. Trung Quốc hiện nay sở hữu hơn một nửa GDP từ các công ty quốc doanh. Năm 1998, kinh tế tư nhân trả 46% tổng số tiền thuế cả nước [12] . Trong các năm vừa qua, vốn tư nhân được kết toán là 35% tổng số đầu tư nhưng đóng góp tới 60% vào sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc [13] . Người ta ước lượng tới năm 2004, kinh tế tư nhân sẽ lên tới 60% nền kinh tế quốc gia và thuê mướn 75% lực lượng lao động của Trung Quốc. [14]

Với việc giai cấp kinh doanh không muốn chuyển giao thêm của cải của nó, nhà nước đảng trị sẽ không có khả năng phân phối thêm lợi tức cho người nghèo trước khi khổ nạn gia tăng. Ðể duy trì thành tích tốt của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc và nâng cao tính cạnh tranh bén nhạy của nó — điều kiện tiên quyết cho sự sống sót của chế độ — nhà nước đảng trị phải đứng chung hàng ngũ với tư bản và theo đuổi chính sách khuếch tán lợi ích đầu tư [15] , hoặc cách khác, cố gắng làm thế nào để cân bằng quyền lợi của các giai cấp đối kháng nhau. Về điểm này, dường như chủ nghĩa thựïc dụng kinh tế tuyệt đối đang thúc ép chế độ của ÐCSTQ lấy các giai cấp giàu có làm căn bản ủng hộ của nó, và chọn ổn định hơn là cải cách thêm nữa.

Quyền lực trung ương chống quyền lực địa phương

Ðể sang một bên những lợi ích chung chia giữa nhà nước đảng trị và các giai cấp giàu có mới phất, người ta chưa có thể kết luận sớm sủa rằng cả hai đang xây dựng một liên minh bền chặt. Một phần vì các căng thẳng nội bộ của nhà nước cộng sản đảng trị giữa trung ương và các bộ phận địa phương khác nhau. Vì trên thực tế, giới cầm quyền địa phương của ÐCSTQ từ lâu đã đứng chung hàng ngũ với người giàu: thí dụ, trong các tranh chấp lao động, đặc thù của chính quyền địa phương là đứng về phía tư bản. Trong thế cộng sinh gần như chẳng cần che đậy giữa cán bộ địa phương và doanh nghiệp tư nhân thì phía thứ hai này cung cấp phần lớn thu nhập của chính quyền bằng việc trả thuế và thuê nhân công; thường xuyên tham gia, một cách quyết định, vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội địa phương mà thành bại của nó là một trong những tiêu chuẩn chủ yếu cho sự thăng quan tiến chức của cán bộ. Tới lượt mình, cán bộ đánh thuế nhẹ hơn, cung cấp hợp đồng và cho vay mượn tiền của chính quyền, để thông thường nhận lại không chỉ sự đề bạt chức vụ mà còn những cổ phần thật sự lấy từ lợi nhuận kinh doanh.

Về phần nhà nước trung ương thì dây liên kết với giới tư bản giàu có phải được duy trì dù có cảm thấy gớm ghiếc tới mấy đi nữa. Có những dấu hiệu gợi cho thấy cấp lãnh đạo chóp bu vẫn không quyết định chính xác rằng dây liên kết ấy nên thân cận tới đâu và công khai như thế nào. Bên trong hàng ngũ thượng đỉnh của ÐCSTQ vẫn hiện hữu nhóm “khuynh tả” (chống chủ nghĩa tư bản) mà tiếng nói của họ không thể bị hoàn toàn bỏ lơ. Ðể tránh những gì làm cho người nghèo xa lánh thêm, các lãnh tụ hiện nay quyết định lưu giữ sự cam kết chính thức của ÐCSTQ với xã hội chủ nghĩa cùng tư thế “đảng của giai cấp lao động”, và thêm ngân khoản xóa đói giảm nghèo dù sự gia tăng ấy không đủ để thu hẹp hoặc thậm chí giữ yên lỗ hổng lợi tức đang rộng thêm.

Sự thiếu năng lực tài chánh và chính trị của ÐCSTQ trong việc giảm thiểu tình trạng phân cực kinh tế xã hội đang trở thành một trong những lý do chủ yếu khiến cuộc phát triển tư bản tại Trung Quốc không nhất thiết dẫn tới dân chủ hóa (ít nhất qua mọi mặt diễn tiến trong một tương lai gần). Khi nghèo đói và bất bình đẳng lợi tức tiếp tục càng ngày càng thêm tồi tệ, biến chính quyền thành mục tiêu sôi sục phẫn nộ của quần chúng thì đang lờ mờ hiện ra tình thế cách mạng. Tình thế đó gây kinh hoàng giới lãnh đạo ÐCSTQ cũng như các giai cấp giàu có, và làm khuynh hướng chống dân chủ của họ thêm kiên định. Vì chế độ đảng trị của ÐCSTQ không chịu tái điều hướng ngân sách, rút bớt chi phí dành cho các dự án quân sự cùng các dự án khác, nên nó chỉ có thể tái phân phối lợi tức bằng cách “rút tỉa của người giàu”. Nhưng chế độ không dám đi quá xa theo chiều hướng ấy vì e rằng việc đó có thể làm xẹp các động lực tăng trưởng kinh tế liên tục của Trung Quốc. Cũng có thể vì người giàu, đặc biệt ở cấp địa phương, đang sở đắc những ảnh hưởng quan trọng lên chính sách. Càng triển khai cuộc cải cách theo định hướng tư bản chủ nghĩa thì người giàu càng có thêm của cải, có ảnh hưởng hơn và quyền lực hơn. Nhà nước dĩ nhiên cũng có lợi vì thu nhập gia tăng khiến nhà nước có thêm tiền do bởi tăng thêm tiền thuế. Nhưng đồng thời nhà nước lại càng phải dựa thêm nữa vào người giàu khiến nó lại càng ít có vẻ sẽ có một sự tái phân phối nào đó do nó chi trả. Hậu quả là, Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn của trấn áp chính trị và thôi thúc cách mạng củng cố lẫn nhau trong tình trạng xung khắc giai cấp ngày càng sâu sắc tới độ ngăn không cho xảy ra một cuộc khai mở chính trị êm thắm.



An Chen (Trần An

陳安) - tiến sĩ Ðại học Yale, phó giáo sư môn khoa học chính trị, Ðại học Quốc gia Singapore, từng là thành viên nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ông là tác giả cuốn Restructuring Political Power in China: Alliances and Opposition, 1978-1998 (1999)– Tái cấu trúc quyền lực chính trị tại Trung Quốc: Các liên minh và đối lập, 1978- 1998.

[12]“Feigong Jingji Nashui zhan Zhongguo Banbi Jiangshan – Tiền thuế thu từ khu vực phi quốc doanh chiếm một nửa tổng thu nhập từ thuế của Trung Quốc, Qianshao - Tiền đạo số 104 (tháng Chín 1999): 135.
[13]Wang Jiahang, “Minying Qiye Chengwei Ziben Shichang Xinliangdian – Các công ti tư nhân trở thành ngọn đèn pha mới trong thị trường tư bản”, có sẵn trên mạng tại địa chỉ www.peopledaily.com.cn, 10 tháng Chín 2002.
[14]Dexter Robert và những tác giả khác, “China’s New Capitalism – Chủ nghĩa tư bản mới của Trung Quốc,” có sẵn trên mạng tại địa chỉ www.businessweek.com (BusinessWeek Online)
[15]Một chính sách đặt căn bản trên lý thuyết kinh tế rằng nguồn tài chánh đổ vào kinh tế, đặc biệt từ chính phủ, sẽ kích thích tăng trưởng nhờ phân phối qua các doanh nghiệp lớn, hơn là qua những phúc lợi trục tiếp như trợ cấp xã hội hoặc các công trình công cộng,v.v. — ghi chú của người dịch

Bài do tác giả gởi đến Đàn Chim Việt Online

Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc: Ổn định như núi lửa đang sôi [5]

Tác giả: Hà Thanh-liên 何 清 涟, Nguyễn Ước dịch

Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ) có thể kéo dài thêm bao lâu? Liệu Trung Quốc có thể sụp đổ thành phân liệt hoặc thậm chí nội chiến? Ðó là những câu hỏi thách thức không dễ trả lời, và suốt mấy năm vừa qua, tôi đã nhiều lần bị đặt cả hai câu đó, tại Trung Quốc cũng như tại hải ngoại. Trong khi thật khó tiên liệu tương lai của Trung Quốc một cách chính xác thì một sự dự đoán tạm thời nào đó về những thay đổi có tính cấu trúc là điều khả dĩ.

Trung Quốc là nước độc đảng trong đó quyền lợi của chính quyền và của ÐCSTQ không thể tách rời nhau. Suốt những năm vừa qua, câu trả lời độc nhất mà Ðảng có trong cuộc truy lùng nhằm duy trì trật tự dân sự là, “nhổ tận gốc trốc tận rễ mọi nhân tố có tiềm năng gây bất ổn”. Ðảng đã và đang cần cù hoạt động để tạo một hiện thực trong đó không lực lượng có tổ chức nào có khả năng thay thế sự cai trị của cộng sản. Theo quan điểm của ÐCSTQ, cái chết của Ðảng chỉ mang một ý nghĩa độc nhất, đó là cái chết của chính Trung Quốc.

Hai hệ quả tưởng như hợp lô-gic là, chúng ta phải chịu đựng sự kiện ÐCSTQ sử dụng “cải cách” như một kỹ xảo để ngăn chặn bất ổn và sụp đổ, và chúng ta phải chấp nhận công thức “nền kinh tế thị trường cộng với nền cai trị toàn trị” của ÐCSTQ.

Sự xây dựng kịch bản ấy thuận lợi cực kỳ cho mục tiêu của Ðảng là ổn định tư thế của nó trong cộng đồng quốc tế, đổi lại, cộng đồng ấy chấp nhận và thực hiện một chính sách nhân nhượng vô nguyên tắc đối với Trung Quốc. ÐCSTQ rất hài lòng vì những lời kêu gọi Trung Quốc cải thiện thành tích nhân quyền và hoạt động để ngày càng dân chủ hơn đang từ từ yếu dần, hơn bao giờ hết. Từ năm 2000, cộng đồng quốc tế có phản ứng lập lờ đối với sự kém cỏi và chông chênh của Giang Trạch Dân vì họ hy vọng rằng sự chuyển giao quyền lực cho các lãnh tụ Ðảng thuộc thế hệ sắp tới sẽ nuôi lớn các nhân tố “lành mạnh” ở bên trong ÐCSTQ và đẩy mạnh sự ổn định.

Lối tiếp cận ấy quá đặt trọng tâm trên sức mạnh độc quyền của Ðảng, không để ý tới các thành tố tạo nên sự ổn định thật sự. Các thành tố ấy bao gồm những giới hạn việc bóc lột môi trường và sinh thái cũng như sự lập thành các giá trị luân lý đạo đức, có thể dùng làm những điểm chuẩn cho xã hội như một tổng thể. Nếu hệ sinh thái thực vật và môi trường trong đó chúng hiện hữu, là nền tảng vật lý cho sự sống còn của một quốc gia và nhân dân của nó thì đạo đức và những bài giảng về đạo đức cũng làm điều tương tự trên cấp độ tinh thần. Xã hội nào cũng cần một “sinh thái đạo đức” lành mạnh để giữ vững nó theo những cách không chính thức nhưng có thật, không bị nắm bắt bởi tiêu điểm rất đơn thuần
trong luật pháp thành văn và các định chế chính thức.

Một môi trường đang khủng hoảng

Trung Quốc ngày nay bị đe dọa ghê gớm bởi sự ô nhiễm trầm trọng, thậm chí đe dọa tới mạng sống con người. Từ ngày Ðảng cầm quyền, môi trường của Trung Quốc bị tước đoạt bừa bãi; dù những cuộc cải cách kinh tế có thành tựu được gì đi nữa, rõ ràng chúng đã làm tăng tốc độ bóc lột ấy. Sử dụng tràn lan phân bón hóa học làm đất canh tác ngày càng bớt màu mỡ trong khi độ nhiễm mặn và thoái hóa đất đai nói chung làm giảm chất lượng của đất tại các khu vực rộng lớn của đất nước. Ngày nay, hoang mạc phủ 38% tổng thể đất đai của Trung Quốc, như là hậu quả của việc sử dụng đất một cách hư hoại, và hiệu suất của đất canh tác đã căng hết mức giới hạn của nó, đưa tới một tình trạng tồi tệ tiềm ẩn tai họa. Tài nguyên quặng mỏ giàu có của Trung Quốc bị tiêu phí ở mức cao chưa từng thấy (trung bình cao gấp bốn lần tính bình quân theo đầu người mà người ta thấy tại các nước đã phát triển kiểu mẫu), trong khi đầu ra sản phẩm thật sự thì còm cỏi so với đầu vào do quặng mỏ cung cấp— một dấu hiệu phung phí lớn lao không thể chối cãi. Nếu chúng ta lấy khái niệm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) “xanh” [1] để tính những phí tổn sinh thái và môi trường kết hợp với thái độ theo đuổi phát triển kinh tế của Trung Quốc thì con số bình quân trong suốt 23 năm vừa qua (1980-2002) có giá trị tiêu cực.

Nhìn theo viễn ảnh đạo đức cũng thế, Trung Quốc đang ở trong tình trạng nghèo đạo đức. Công chức viên chức lương thiện là biệt lệ, tham nhũng là luật lệ. Tại những lãnh vực quan hệ tới kinh tế, có thể đo lường sự suy sụp ấy bằng sự kiện chỉ 60% các hợp đồng ở Trung Quốc được tôn trọng và sự thiếu tín nhiệm khác thường đã và đang leo thang trong hoạt động kinh tế nói chung.

Có thể truy nguyên nguồn gốc của tình trạng suy thoái luân lý đạo đức ấy nơi bản chân chính quyền. Dù nó chế biến những bản thống kê bịa đặt hoặc chế tạo ra hàng đống “báo cáo tin tức” vẽ vời, nhà nước Trung Quốc một khi cố ý loan truyền thông tin sai lạc thì không một ai có thể sánh nổi với nó. Các viên chức chính quyền trở thành các nhà chuyên nghiệp “phát biểu chính thức”: được dạy dỗ để có thái độ nhã nhặn, ăn nói êm ái đúng với đòi hỏi của một cơ quan công cộng, họ sử dụng các kỹ năng ấy nhân danh sự cổ động tinh ma cho những điều dối trá. Trước khi bị kết án vì những cáo buộc tham nhũng và tắc trách, các quan chức cao cấp, thí dụ Xương Khả Gia, cựu phó chủ tịch quốc hội, và Trần Hy Ðồng, thị trưởng Bắc Kinh, người nào cũng là tác giả một bộ tuyển tập các bài diễn văn bàn về “chính quyền trong sạch”. Những bài thuyết giảng ca ngợi tính liêm khiết công cộng và cá nhân ấy không cho thấy dấu vết chênh lệch nào giữa lời nói ngoan đạo của họ với thói quen của họ như nhận hối lộ, nuôi tình nhân, lui tới với kỹ nữ, áp bức thường dân, và nói chung, bất chấp pháp luật lẫn công luận. Với những kiểu mẫu từng đóng vai trò chủ chốt như thế, liệu người ta có ngạc nhiên chút nào về tác phong tội phạm đang gia tăng một cách báo động?

Ở bất cứ xử sở nào, đạo đức xã hội và ý nghĩa luân lý khái quát đều quan trọng hơn luật pháp thành văn khi nó đạt tới mức làm xã hội gắn bó với nhau trên căn bản hằng ngày. Ðạo đức xã hội cung cấp cho người dân những tiêu chuẩn căn bản về đúng và sai, điều chỉnh hạnh kiểm của họ. Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay, các ý tưởng về đúng và sai bị mờ khuất trong hỗn độn và hoang mang. Thí dụ, đối với các nhà kinh tế hãnh tiến, chuyện thời thượng của họ là thừa nhận tham nhũng và bao che nó. Kết quả là càng ngày càng trở thành trường hợp kỳ cục tới độ chỉ có sức mạnh thô bạo của ÐCSTQ mới có thể làm cho xã hội Trung Quốc gắn bó với nhau.

Trong các năm vừa qua, nhà nước đảng trị củng cố những phương tiện muôn hình muôn vẻ của nó trong công tác kiểm soát xã hội tới độ phải sử dụng bạo lực chính trị và đầy rẫy công an mật. Các sức mạnh ấy bóp nghẹt từ trong trứng nước bất cứ nhóm nào có tiềm năng phát triển thành một thực thể có tổ chức, và bằng cách đó, đảng bảo đảm rằng nhân dân Trung Quốc vẫn tiếp tục bị cầm cố trong cảnh huống thường trực cách ly nhau — giống những hạt cát nằm trên tờ giấy — và không cách gì triển khai được sự đề kháng có tổ chức. Ðồng thời, chính quyền chấp nhận và thực hiện những phương pháp chẳng vẻ vang để kiểm soát tác phong của quan chức như các chiến dịch “chống tham nhũng”, ít liên quan tới việc diệt trừ tham nhũngmà chỉ tạo vừa đủ một số trường hợp điển hình để nhắc nhở các viên chức rằng nếu họ muốn sống sót thì cách tốt vẫn là làm chiếc răng cưa hữu dụng trong bộ máy khổng lồ của nhà nước đảng trị, đừng nói gì tới chuyện phất lên giàu có.


[1]Kirk. Hamilton, “Green Adjusments to GDP, Resources Policy 20 (1994) – Những điều chỉnh xanh cho GDP, Tạp chí Chính sách Tài nguyên số 20” (1994): 155-68.
Xem thêm www.ias.edu/publications/details.cfm/articleID/51, UN University Institute of Advanced Studies.
Những ứng dụng mới của ý thức hệ

Nhưng điều quan trọng hơn cả là chính quyền thực hiện đúng lúc một sách lược ý thức hệ mới; việc nhà nước tập trung kiểm soát đời sống công cộng và tạo được sự liên minh giữa giới tinh hoa kinh tế và trí thức. Thi hành chiến lược ý thức mới ấy và củng cố công tác kiểm soát lãnh vực công cộng, chính quyền Giang Trạch Dân khắc nghiệt hơn và hữu hiệu hơn nhiều so với chính quyền Ðặng Tiểu Bình. Chính quyền thực hiện trọn vẹn ý đồ của Giang Trạch Dân nhằm “nhổ tận gốc trốc tận rễ mọi nhân tố có tiềm năng gây bất ổn”, và không một tổ chức nào thật sự là quần chúng độc lập hoặc phi chính phủ có khả năng xuất hiện trong môi trường trấn áp như thế. Trong khi đó, xét theo vài cấp độ tinh tế, so với sự trấn áp chính trị thẳng thừng kiểu bạo lực chuyên chính vốn là đặïc thù của kỷ nguyên họ Mao, thì lối tiếp cận của họ Giang âm ỉ hơn nhưng hữu hiệu hơn vì nó tính toán làm sao để thực hiện luồn lách bên dưới tầm quan sát bén nhạy của quốc tế đang theo dõi và sẵn sàng lên án.

Chiến lược càng cua của ÐCSTQ là bêu xấu và lăng mạ nền dân chủ phương Tây, đồng thời thực hiệt tốt công tác ép thật chặt sự kiểm soát của Ðảng lên khắp đời sống công cộng ở Trung Quốc. Trong các trường tiểu, trung và đại học sự gia tăng cường độ giảng dạy ý thức hệ nhồi nhét vào đầu óc của tuổi trẻ Trung Quốc vô số điều dối trá và huyền hoặc chính trị. Sự việc ấy có thể góp phần giải thích tại sao trong khi vẫn ngưỡng mộ Hoa Kỳ mà vì những nguồn tin không chính thức, nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc vẫn chứa chấp dai dẳng trong lòng những cảm xúc thù nghịch phát sinh một cách ý thức hệ đối với Hoa Kỳ và những gì nó tiêu biểu.

Nhà nước đảng trị hành xử gần như độc quyền hầu hết các phương tiện truyền thông và xử lý chúng cao tay ấn hơn so với cách xử lý trong thời thô lỗ của chủ tịch Mao. Các ký giả bị liên tục nhắc nhở, bằng những lối nói dứt khoát, rằng ai đang trả lương cho họ. Ngay bản thân các phóng viên cũng thừa nhận họ là “cái loa của Ðảng,” như thế kết quả của thực tế đó là trong giới tinh hoa trí thức, những phần tử nào còn ấp ủ lương tâm thì không có phương tiện đáng tin cậy nào để có thể trình bày trung thực ý kiến của mình. Từ năm 1999, chính phủ dùng các chuyên gia điện toán từng được huấn luyện cấp đại học để làm “công an Internet”. Nó cũng đề ra các qui định để thuần hóa “con ngựa hoang” Mạng lưới Toàn cầu (World Wide Web).

Từ sau vụ Thiên An Môn, giới trí thức đối mặt một môi trường mới đầy hoang mang. Suốt thập niên 1990, nhà nước đảng trị thực tế đã tìm cách mua chuộc giới trí thức với các danh dự hàn lâm, đẳng cấp và lương bổng để đưa họ vào hàng ngũ những kẻ ủng hộ nguyên trạng (status-quo). Ngược lại, một số ít trí thức không để bị mua chuộc thì bị đánh đổ: không người nào có thể xuất bản công trình nghiên cứu quan trọng về bất cứ đề tài nào theo con đường chính thức, và các nhà nghiên cứu khó tính ấy có thể dễ nhận ra là mình bị sa thải, dù lúc nào cũng với lý do mà trên danh nghĩa là “không liên quan gì tới chính trị”.

Ngày nay, các trí thức có ảnh hưởng là đối tượng giám sát và xoi mói của công an mật, và thông thường, việc cưỡng bách di dân ra nước ngoài là thuộc phần các chiến dịch sách nhiễu tổng quát do Ðảng đề ra. Việc áp dụng sách lược cương nhu này — “cương” vì nó cấu thành trấn áp, “nhu” vì nó không đi tới mức bỏ tù thật sự hoặc tra tấn thể xác — đã có hiệu quả làm trung hòa giới trí thức ưu tú như một lực lượng phê bình độc lập của Trung Quốc. Ngày nay, hầu hết các học giả Trung Quốc đều muốn thích ứng các nghiên cứu của mình để xoa dịu chế độ, giữ thái độ thờ ơ hoặc chiếu lệ đối với các vấn đề xã hội và chính trị nhạy cảm.

Cho tới thập niên 1990 vừa qua, chính phủ Trung Quốc vẫn bướng bỉnh đeo bám khái niệm rằng nó đại diện giai cấp lao động — thậm chí khi các viên chức đã lập những quan hệ riêng tư thân mật và có lợi nhuận với giới tinh hoa kinh tế mới phất. Giữa họ, giới tinh hoa kinh tế và các thủ trưởng của nhà nước đảng trị, lúc này kiểm soát 85% tổng số tài sản của Trung Quốc và lập thành lớp siêu phú gia (super-rich) của Trung Quốc. Dưới ánh sáng của hiện thực đó, nhà nước-ÐCSTQ chỉ còn giải pháp duy nhất là đưa ra sự điều chỉnh có tính chiến lược giữa các giai cấp trung thành với nó, và như thế khẩu hiệu “Tam Ðại biểu - Ba Ðại diện” của Giang Trạch Dân được tung ra; nó cho hai giới tinh hoa kinh tế và chính trị một không gian rộng rãi hơn để liên kết và bành trướng. Lời kêu gọi của họ Giang “cho phép các nhà từ bản tư nhân gia nhập Ðảng”, chỉ là mưu chước tưởng thưởng cho giới tinh hoa kinh tế một cột trụ trong hệ thống và một tiếng nói chính trị hợp pháp.

Rõ ràng ảo tưởng nghiêm trọng nhất mà giới trí thức Trung Quốc đã giữ suốt thập niên 1980 là giai cấp trung lưu sung mãn sẽ đòi hỏi quyền dân chủ. Thập niên kế đó dập tắt vĩnh viễn “giấc mộng ngày” đó. Các chiến thuật chính trị của Ðảng bao gồm việc cho phép giới tinh hoa kinh tế cùng với các nhóm trí thức thích đáng và dễ bảo được đòi quyền ở trong hệ thống và chia sẻ một số quyền lực của Ðảng — nhưng còn cách rất xa sự tạo ra một sinh hoạt chính trị dân chủ mới mẻ.

Ðể đối phó với những lo âu và rối loạn trong hàng ngũ người nghèo và người bị tước đoạt, chính phủ phải dựa vào việc trấn áp bằng bạo lực càng ngày càng tăng. Dập tắt những cuộc phản kháng ở qui mô nhỏ đã trở thành công tác thông lệ của các viên chức địa phương, những kẻ lúc này giàu kinh nghiệm đối phó với các sự cố như thế. Nói chung, họ thiên về lối tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy”: các “quần chúng phản kháng” (thường là nông dân hoặc công nhân thất nghiệp) nhận “củ cà rốt” nhỏ, có thể đáng giá một hai tháng trợ cấp đời sống với điều kiện thôi xuống đường. Ngược lai, những kẻ “lãnh đạo phản kháng” thì lãnh “cây gậy”. Gần như không có ngoại lệ, chính quyền nghiêm khắc trừng trị bất cứ “kẻ gây rối loạn an ninh trật tự công cộng” nào — công nhân, nông dân hoặc ngược lại — bất cứ ai mà nó có thể đặt cánh tay “không chút dịu dàng” lên trên. Ở mức tối thiểu, Ðảng ra sức bẻ gãy tinh thần của họ và lấy đi nhân cách của họ, nhưng sẽ không ngần ngại giết họ nếu thấy cần thiết. Thông thường, việc ấy đủ để làm những kẻ có tiềm năng lãnh đạo run sợ, không dám trở thành con dê tế thần khi những kẻ sát nhân cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thường ra dấu hiệu rằng đã đến lúc chính quyền hết còn chịu đựng nổi cuộc phản kháng tập thể.

Vẫn còn có những cuộc phản kháng yếu ớt — ngay cả nổi loạn — để đáp trả các liên minh đầy uy lực và có tính khống chế ngày càng tăng được thành lập giữa các giới tinh hoa của đất nước. Nhưng giới chức cầm quyền đã có kinh nghiệm, không để chúng lan rộng và việc đè nén sự bất ổn khiến cho đôi khi, phải phong tỏa hoàn toàn một thành phố hay một khu vực. Do đó, những cuộc phản kháng chỉ có tính địa phương và rời rạc; từ sau vụ Thiên An Môn, không có vụ nào đạt tới mức đặt vấn đề thay đổi trong nghị trình xã hội như một tổng thể. Trong chừng mực quan tâm của nhà nước đảng trị, các khái niệm nhiều khía cạnh và rộng lớn của “nhân quyền” có thể bị giảm thiểu một cách an toàn thành quyền sinh sống mà thôi. Cách diễn đạt chật hẹp ấy về quyền con người đã hạ nhân dân Trung Quốc xuống đẳng cấp loài vật ăn máng, nhưng bao lâu họ còn dễ bảo thì bấy lâu nhà nước đảng trị còn bất cần.
Những chọn lựa cho tương lai

Nói chung, cộng đồng quốc tế chọn quan điểm lạc quan và hão huyền về tương lai của Trung Quốc. Quan điểm này chú mục vào hai kỳ vọng mà cả hai vừa sai lầm vừa đồng cảm chẳng kém gì nhau. Kỳ vọng thứ nhất là việc cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ khích lệ dân chủ hóa. Kỳ vọng thứ hai là những tiến bộ kỹ thuật sẽ phá vỡ các “bức tường lửa” mà Trung Quốc đang áp đặt và sẽ cởi mở xã hội Trung Quốc, không còn kiểm duyệt tin tức và thông tin. Về kỳ vọng thứ nhất, tôi chỉ có thể vạch ra rằng WTO là một tổ chức điều chỉnh kinh tế quốc tế nên chúng ta không thể kỳ vọng hoặc hy vọng rằng nó sẽ làm biến đổi hệ thống chính trị của một nước. Còn về kỳ vọng thứ hai thì Bắc Kinh hiện nay đang làm tiêu hao nó bằng dự án trị giá nhiều tỉ đô la “Lá chắn Vàng – Golden Shield” mà mục đích là dùng kỹ thuật máy điện toán để mở ra và siết chặt gọng kìm của nhà nước lên trên xã hội. Các công ty đa quốc gia, các tín hiệu đô-la nhảy múa trước mắt họ, đang háo hức dự phần vào màn kịch cá biệt này. Nhưng bản thân giới tinh hoa của Trung Quốc thấy tương lai như thế nào? Xã hội Trung Quốc hiện nay giống một hỏa diệm sơn sắp tới hồi phun lửa. Hầu như mọi người Trung Quốc đều cảm giác sức nóng của ngọn lửa trong lòng đất nhưng có lẽ không ai cảm giác cho bằng giới tinh hoa của Trung Quốc, những kẻ hiểu ngầm với nhau rằng chọn lựa tốt nhất của họ là duy trì nguyên trạng bằng trấn áp chính trị và hoạt động tình báo quốc nội. Trong thực tế, điều ấy có nghĩa là phải dùng sức mạnh đàn áp tập thể tất cả những ai “phá rối trật tự xã hội” ngay khi họ bộc phát. Suốt hơn thập niên qua, từ sau vụ Thiên An Môn, tuyến phòng ngự số một của nhà nước đảng là chống lại sự rối loạn phát xuất từ bên dưới.

Bên trong liên minh của các giới tinh hoa, giới thư lại cảm nhận về sự khủng hoảng ấy nhạy bén hơn giới trí thức. Vào đầu thập niên 1990, tẩu tán tư bản lên qui mô lớn khi các đạo quân quan chức chuyển tài sản phi nghĩa mới kiếm được của họ tới các ngân hàng ở bên ngoài Trung Quốc, thường là tới các nước họ đang có thân nhân sống nhàn hạ. Trong khi đó, các nước châu Âu cùng Hoa Kỳ, Canada, Australia ra sức thu hút sinh viên Trung Quốc ra hải ngoại để góp phần phát triển kinh tế nội địa của mình. Các trường cao đẳng và đại học tại những nước đó nhận thấy giới sinh viên Trung Quốc có nhu cầu cực lớn được đi du học: qua một số thẩm định, Trung Quốc bỏ ra mỗi năm hơn 4 tỉ Mỹ kim tài trợ cho việc du học trong đó ưu tiên số một dành cho thanh niên. Ðây là dấu hiệu cho thấy giới tinh hoa đang kỳ vọng họ sẽ kiểm soát được tương lai: qua những sắp xếp mà họ dàn dựng cho con cái, họ đang bỏ phiếu bằng ngoại tệ mạnh.

Như tôi đã cố gắng trình bày, thật sai lầm khi nghĩ rằng có một nhóm quyền lực nào đó bên trong hàng ngũ thượng đỉnh của Ðảng Cộng sản sắp gỡ cho Trung Quốc thoát ra các khủng hoảng đang vây bủa nó. Các nhà phân tích vốn tranh cãi việc ÐCSTQ có thể xói mòn tương lai của đất nước thì đang chấp nhận và thực hiện điều mà tôi gọi là lý thuyết “lính chữa cháy.” Họ giả định rằng chế độ của ÐCSTQ giống với lính chữa cháy rừng nhiều hiệu năng, được trang bị bằng những thiết bị mới nhất, không khác gì một “hệ thống phòng ngừa hỏa hoạn”, gồm sự kiểm soát triệt để truyền thông và công luận, đàn áp chính trị cao độ, các đội ngũ công an chống nổi loạn và toàn bộ guồng máy an ninh quốc gia hiến thân hết mình, chống đỡ cho trật tự hiện nay để mọi sự đâu vào đó. Nhưng tại Trung Quốc, nguy cơ hỏa hoạn không đơn giản xảy ra một cách ngẫu nhiên tại các khu vực có củi khô, mà đó là những ngọn lửa ngầm, đang cháy âm ỉ ngay bên dưới bề mặt, ở bất cứ nơi nào và vào bất cứ lúc nào, một khi đã phun lên thì diễn ra rất ác liệt, vượt ngoài tầm kiểm soát. Thậm chí các thiết bị chữa cháy kỹ thuật tiên tiến nhất cũng có những giới hạn của chúng khi đương đầu với các nguy cơ như thế.

Ngày ấy sẽ tới khi ÐCSTQ không còn đè nén nổi những ngọn lửa đó. Một khi nền cai trị lâu năm của ÐCSTQ bị thiêu rụi trong đám cháy lớn đó thì sự tăng trưởng về dân số chưa từng có tại Trung Quốc, sự phá hoại bừa bãi môi trường và sinh thái, và sự sụp đổ gần như toàn bộ nền luân lý xã hội, mới chỉ là một trong các nhân tố làm cho công tác tái thiết đã lớn lao lại còn khó khăn hơn.


Hà Thanh-liên (何 清 涟 – Qinglian He), cựu biên tập viên lâu năm của Thiên Tân Pháp luật Nhật báo tại Trung Quốc, hiện là khách nghiên cứu của phân khoa chính trị, kinh tế và triết Trường Cao đẳng Staten Island thuộc Ðại học Thành phố New York. Bà là tác giả trên ba cuốn sách viết bằng Hoa ngữ, trong đó có cuốn bán rất chạy, nhan đề Pitfalls of China (Những cạm bẫy của Trung Quốc), ấn bản cập nhật hóa từ bản đã được xuất bản ở Nhật Bản năm 2002.

Bài do tác giả gởi đến Đàn Chim Việt Online

Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc: Thức giấc cùng Trung Quốc [6]


Tác giả: Ted C. Fishman, Nguyễn Ước dịch

Napoléon có lời nhận xét nổi tiếng rằng khi Trung Quốc thức giấc, thế giới sẽ run sợ. Dĩ nhiên Trung Quốc không bao giờ thật sự thiếp ngủ. Trên thế giới, có những nước có thể bị tả một cách tương đối là như đang ngủ. Trung Quốc hầu như không là một trong những nước ấy.

Suốt thế kỷ vừa qua, Trung Quốc lâm vào tình trạng hỗn loạn không kém bất cứ xứ sở nào. Nó bị tả tơi vì những cuộc nội chiến và các cuộc xâm chiếm thuộc địa. Tiếp theo cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, cuộc Cách mạng Cộng sản của Trung Quốc đã buông cương cho các chính sách có tính ý thức hệ với sức mạnh lớn lao nhằm lập đi lập lại trật tự cuộc sống riêng tư lẫn công cộng và thường dẫn tới kết quả tai họa. Từ đầu tới cuối chương trình kinh tế được gọi là Bước đại nhảy vọt trong hai năm 1959 và 1960, một giai đoạn trong đó Trung Quốc như thể người đang ngủ đối với thế giới bên ngoài, năm chục triệu người răm rắp tuân theo các chính sách của chính quyền, rời bỏ hẳn nông trang để di chuyển vào một tương lai kỹ nghệ. Sự phá vỡ ấy góp phần gây nên một nạn đói lớn lao nhất do con người tạo ra, với tổng số người chết đói trên 30 triệu.

Cách mạng kỹ nghệ của Trung Quốc

Ngày nay, chắc chẳng ai có ý kiến sai lầm rằng Trung Quốc là nước đang ngủ. Trung Quốc hiện trông có vẻ rất khác, khác tận gốc, so với nó trước đây, khi bị cai trị bởi những kẻ duy ý thức hệ cộng sản nghiêm ngặt nhưng quá khứ đó cũng mang lại kết quả phần nào cho sinh lực hiện tại của xứ sở. Suốt hai thập niên vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc là một trong những phép lạ trên thế giới. Các con số thì có chút mơ hồ nhưng theo báo cáo của các cơ quan quốc tế thì mức tăng trưởng của Trung Quốc bình quân là 9% trong suốt thời kỳ 20 năm. Một mức tăng trưởng đủ nhanh để có thể đưa lợi tức trung bình tại Trung Quốc lên gấp 4 lần và tạo ra giai cấp trung lưu có thể chiếm tới một phần tư tổng số dân một tỉ người.

Ngày nay, dân chúng Trung Quốc chuyển dịch hơn bao giờ hết với 300 triệu nông dân và cư dân sống tại các làng quê đang kỳ vọng thế hệ sắp tới của họ sẽ chuyển lên sống ở các thành phố lớn. Lần này kết quả của di chuyển sẽ không phải là nạn đói. Các nông trang của Trung Quốc vẫn sản xuất tốt và cư dân mới của các thành phố gởi tiền về cho thân nhân nơi quê cũ. Từ lúc bắt đầu các cải cách có tính thị trường và người dân được phép lao động bên ngoài các kỹ nghệ bị nhà nước kiểm soát, người Trung Quốc mở ra 125 triệu cơ sở làm ăn. Tổng số hiện hành là 85 triệu. So với nước Mỹ, nơi người dân sống trong nền kinh tế thị trường từ hơn ba thế kỷ nay với 26 triệu cơ sở làm ăn hoặc tính theo đầu người thì có tỉ lệ xấp xỉ với Trung Quốc.

Trung Quốc mở cửa

Sự tiến bộ đầy kinh ngạc của Trung Quốc không chỉ do vấn đề mở cửa mà còn do vấn đề chuyển mọi cơ chế hướng tới kinh tế thị trường, và trên hết, nối kết với hệ thống thương mại thế giới.

Sự thịnh vượng mới của Trung Quốc chịu một ơn nghĩa nào đó đối với sự thất bại của các chính sách xã hội thuở trước. Các nhà sản xuất trên thế giới càng ngày càng chọn Trung Quốc làm nơi cư trú của họ và những khách mua hàng trên thế giới cần nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trị giá hàng trăm tỉ Mỹ kim mỗi năm, đều nhận thấy mình có lợi thế trong tình trạng nghèo khổ tràn lan khiến người lao động lương rẻ phải vào làm trong các xí nghiệp mới lập để sản xuất những hàng hóa có tổn phí thấp nhất thế giới. Mỉa mai thay, thành công của Trung Quốc trong suốt 20 năm qua lại mắc món nợ cay đắng đối với sự cai trị hà khắc của những kẻ theo Mao-ít, những kẻ đã tạo ra các tiền đề cho một lực lượng sản xuất có kỷ luật, phí tổn thấp, để ngày nay phục vụ các nhà tư bản của Trung Quốc và của thế giới.

Vì cách mà Trung Quốc hiện đang sắp đặt các sinh lực của nó, nó là một xứ sở tiêu biểu cho phần còn lại của thế giới với những cơ hội lớn lao nhất cùng những hiểm họa cũng lớn lao không kém. Tính từ sự trỗi dậy của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ trong cuộc Cách mạng Kỹ nghệ vào thế kỷ 19, không một xứ sở nào thách thức phần thế giới còn lại một cách lẹ làng và đầy sức mạnh trên nhiều mặt trận như Trung Quốc

Thách thức của Trung Quốc

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì phức tạp. Hoa Kỳ cần cân nhắc từ mọi góc độ bất cứ hành động nào có tác động lên những quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc, như thế giới dần dần nhận ra, có thể cướp mất bất cứ công việc hãng xưởng nào của gần như bất cứ xứ sở nào trong bất cứ ngành kỹ nghệ nào. Năm 2005, Trung Quốc cho thấy nền tài chánh đang gia tăng của nó khiến nó có thể hành xử trên khắp thế giới. Ngày nào cũng như ngày nấy, Trung Quốc có tới 2 tỉ công khố phiếu của Hoa Kỳ. Tháng Năm vừa qua, Lenovo, công ty khổng lồ chế tạo máy điện toán do nhà nước Trung Quốc làm chủ, đã thỏa thuận xong việc thương lượng để sở hữu phân xưởng sản xuất máy điện toán cá nhân của IBM, và như thế, biến Lonovo thành công ty chế tạo máy điện toán cá nhân lớn thứ ba trên thế giới. Sang tới tháng Sáu, một trong những công ty dầu hỏa lớn của Trung Quốc gần như do chính quyền làm chủ, CNOCC [Công ty khai thác dầu hỏa viễn duyên Trung Quốc] đánh một quả ngoạn mục dù cuối cùng không đạt kết quả: nó đưa ra giá 18,5 tỉ Mỹ kim để mua UNOCAL, một công ti dầu lửa khổng lồ của Mỹ.

Liệu những đề xuất đó có thể không làm cả thế giới rúng động? Trung Quốc đã thành khách mua hàng hóa kỹ nghệ và tài nguyên thiên nhiên, với tính háo thắng và được chào đón hầu như khắp thế giới. Quả thật, hãy để sang một bên Hoa Kỳ trong bức tranh thương mại của Trung Quốc thì thấy Trung Quốc đang bị thâm hụt mậu dịch lớn lao với các nước khác trên thế giới khi nó mua những gì cần thiết để xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ nghệ và đô thị. Nhưng việc hiến giá để mua UNOCL gây rúng động toàn bộ chính quyền Hoa Kỳ, và Quốc hội Mỹ phải vội vã chận đứng bằng quyền lập pháp để cuối cùng chấm dứt cuộc thương lượng.
Thành tố Nhân dân tệ

Vào tháng Bảy năm 2005, Trung Quốc chiếm lĩnh hàng đầu các bản tin trên báo chí thế giới khi chính phủ của nó điều chỉnh cách mà nó định giá đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc vẫn thường bị công kích về việc giữ cố định hối suất tiền tệ của mình quá thấp so với đồng Mỹ kim. Ðề xuất mới này là một cử chỉ có phần nào hướng tới điều mà các viên chức tài chánh thế giới cổ vũ từ lâu.

Ðiều chỉnh tiền tệ của Trung Quốc lên chưa tới 3% chỉ là một thay đổi nhỏ nhưng nó là tin lớn tại Hoa Kỳ và châu Âu, nơi chế độ tiền tệ của Trung Quốc gây lạm phát cho trị giá của đồng Mỹ kim và đồng Euro khiến các nhà sản xuất tại Âu Mỹ khó cạnh tranh với các công ty Trung Quốc. Biện pháp tiền tệ ấy chứng tỏ rằng Trung Quốc, từng có thời bị xem là một nước có chính sách ngoại giao vụng về và các chính sách kinh tế vừa ra lệnh vừa kiểm soát, ngày nay có đủ khả năng tinh tế cả ngoại giao lẫn tài chánh. Với chỉ một cú lao xuống đột ngột, Trung Quốc trông như thể có thiện ý để cho các nhà phê bình quốc tế thường chỉ trích nó — thí dụ Ngân khố Hoa Kỳ — thấy rằng nó có thể nhân nhượng tới một mức nào đó trước nhu cầu của các đối tác thương mại, trong khi nó đồng thời cũng đang thận trọng phục vụ cho các nhu cầu của chính nó.

Bằng việc nâng trị giá Nhân dân tệ, Trung Quốc tự ban cho nó có thêm sức mua trên các thị trường tài nguyên thế giới. Trong lãnh vực năng lượng, trị giá thấp của tiền tệ Trung Quốc đặt nó ở thế bất lợi trong thị trường năng lượng thế giới. Sự kiện này hầu như không phục vụ các mục tiêu của một nước đang bị trói tay vì điện lực và xăng dầu cho xe hơi xe tải. Trung Quốc thiếu điện kinh niên. Nhà nước thường bắt các công ty hoặc các thành phố để đèn lờ mờ nhằm giúp các hạ tầng cơ sở điện lực bắt kịp nhu cầu. Số lượng ô-tô của Trung Quốc đang tăng cực nhanh. Tới năm 2025, ước lượng Trung Quốc sẽ dùng khoảng 14 triệu thùng dầu mỗi ngày — gấp đôi con số tiêu thụ hiện nay. Việc nâng tiền tệ Trung Quốc lên cao hơn tỉ giá thấp một cách giả tạo, giúp cho người tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc mua thêm điện và góp phần giữ cho lạm phát xuống thấp.

Việc đánh giá lại tiền tệ ấy cũng là tin lớn cho các nước châu Phi, châu Mỹ La-tinh, và châu Á, những nơi đang cung cấp cho Trung Quốc nguyên liệu thô và được hưởng lợi khi khách hàng Trung Quốc có thêm sức mua. Thế nhưng họ phải trả giá cho sự thịnh vượng của mình. Khi Trung Quốc thiết lập được các cơ sở sản xuất của nó thì nó cũng lấy mất công việc sản xuất có phí tổn rẻ hơn của các nước đang phát triển và các nước phi kỹ nghệ hóa trong khi các nước ấy đã và đang phấn đấu suốt nhiều thập niên qua để đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Thí dụ, Indonesia nhận thấy rằng công nghệ làm giày của nó từng có thời phát đạt nay hoàn toàn mất vào tay Trung Quốc.

Vô địch trong các chế độ bất trị

Ảnh hưởng ngày càng tăng trên thế giới cả hai mặt chính trị lẫn kinh tế làm phát sinh những vấn nạn khó khăn cho các nước khác. Ngay cả Hoa Kỳ cũng là nước không chắc tìm được một chiến lược quốc gia về phương sách đối phó với ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc vốn thường làm cho Hoa Kỳ bực mình vì bị tổn thương ảnh hưởng.

Trung Quốc đang quyết chí lập quan hệ bền vững với với các chế độ mà Hoa Kỳ cùng các cường quốc khác lâu nay muốn cô lập. Các chế độ tàn bạo ở Myanmar (Miến Ðiện trước đây), Sudan, Zimbabwe đều hưởng lợi nhờ sự ủng hộ của Bắc Kinh và các lợi ích kinh doanh của Trung Quốc. Nhưng về lâu về dài, những quan hệ ấy có thể chứng tỏ cho thế giới thấy là chúng tiêu cực. Là nhà vô địch trong số các chế độ bất trị, Trung Quốc có thể đóng vai trò mà các nước khác không thể đóng. Thí dụ, nó là nước chủ nhà cho các cuộc đàm phán sáu quốc gia hồi tháng Chín đưa tới kết quả Bắc Hàn hứa từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Nhân quyền

Tuy thế, suốt thời gian vừa qua, ý nguyện của Trung Quốc trong việc làm dịu bớt các chế độ ít thơm tho của thế giới có thể dùng để đánh giá thấp thành tích của ÐCSTQ trong việc đi theo con đường riêng của nó về nhân quyền. Từ lâu, Trung Quốc không muốn chấp nhận toàn bộ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền - một lãnh vực mà các siêu cường khác có thể tuyên bố là họ đang giữ vị trí cao hơn. Dân chủ, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và sự cai trị của luật pháp, may mắn lắm mới còn là những mục tiêu xa xăm tại Trung Quốc. Thay vào đó, chính quyền hùng hổ tấn công nhằm dập tắt các cuộc phản kháng, trong khi tìm cách nhấn mạnh các tiến bộ kinh tế và sự ổn định xã hội của nhân dân như một tổng thể.

Trong năm 2005, theo tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), Trung Quốc có hành động mạnh mẽ chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo, cấm hành đạo, xuất bản sách báo và tập quán y phục của thiểu số theo đạo Hồi Uighur ở miền tây tỉnh Tân Cương. Phật tử Tây Tạng tiếp tục chịu những qui định nghiêm ngặt, cắt giảm những ngày lễ tôn giáo của công chúng và cấm nhiều nghi thức truyền thống. Hồi tháng Bảy, Bắc Kinh tuyên bố sẽ chỉ định vị Ðạt Lai Lạt Ma sắp tới. Tổ chức Quan sát Nhân quyền cũng tường trình rằng một số nhóm Tin lành và Pháp Luân công, một tổ chức tâm linh có nhiều tín đồ bị bắt giam mà không được xét xử công bằng, bị tống vào các trại lao cải hoặc bị giao cho các viện tâm thần. Vào đầu năm 2005, Bộ Ngoại giao Mỹ cho công bố bản báo cáo năm 2004 của Bộ về nhân quyền tại Trung Quốc. Bản báo cáo ấy ghi nhận rằng “chính quyền duy trì những nghiêm cấm chặt chẽ về tự do ngôn luận và tự do báo chí, và đợt bắt giam vào cuối năm đó là dấu hiệu cho thấy một chiến dịch mới nhắm vào các nhà văn nổi tiếng và các nhà bình luận chính trị.
Những bất định

Với sức mạnh liên tục của mình, Trung Quốc dàn trải sự bất định trên cả hai lãnh vực chính trị lẫn kinh tế. Ðang có những nghi ngờ rộng rãi rằng không biết sự tăng trưởng của Trung Quốc có kéo dài không và không biết môi trường kinh doanh của nó có đáng tin cậy không?

Một số quan tâm tập trung quanh tâm trạng của người dân Trung Quốc, những kẻ dĩ nhiên phải chung chia sự bất định đó hơn ai hết, và sẽ là những kẻ đầu tiên chịu đau khổ nếu trật tự xã hội và kinh tế bị sụp đổ. Mặc dù di chuyển và gởi tiền về cho gia đình, hàng trăm triệu người dân Trung Quốc nói chung bị gạt ra ngoài phép lạ kinh tế, và tệ hơn nữa, cảm thấy mình bị nó trừng phạt. Theo các thống kê của Liên hiệp quốc, số người nghèo nhất chiếm 20% trong tổng số 1,3 tỉ dân và chỉ chiếm 4,7% tổng số lợi tức, trong khi những người những người giàu nhất cũng chiếm 20% tổng dân số lại chiếm số lợi tức trên một nửa (> 50%).

Tại Trung Quốc, những cuộc phản kháng vẫn tiếp tục gia tăng, thường xuyên hơn và nhiều người tham gia hơn. Vào tháng Bảy năm 2005, Chu Dũng Cương, Bộ trưởng Công an của Trung Quốc, được tường trình qua hãng Reuters rằng, có 74.000 “sự cố tập thể” (biểu tình và nổi loạn) xảy ra trong năm 2004, tăng so với 58.000 vụ năm 2003 và 10.000 vụ năm 1995. Những sự cố ấy chủ yếu bị giới hạn tại địa phương; ÐCSTQ vẫn thừa sức mạnh cưỡng bách và động viên cải thiện, giữ không cho những người bất đồng chính kiến vượt quá ranh giới địa phương để liên kết nhau và lớn mạnh thành phong trào.

Ðảng lập được thành tích về sự tăng trưởng kinh tế lạ thường, thế nhưng sau những biện pháp hứa hẹn và trình diễn mà chỉ có ý nghĩa kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khỏi vùng đất mơ mộng của nó, kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2005 lại tăng trưởng tới hơn 9,4% so với nửa đầu của năm 2004. Những đảo lộn xã hội và kinh tế thường là kết quả của những nhân tố mà thế giới ít biết tới, và thật là điên rồ khi tiên đoán có phần nào chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không chịu một sự đảo lộn nghiêm trọng vào một thời điểm sớm sủa nào đó. Kinh tế của xứ sở này có trên một tỉ “biến số” với ý nguyện tự do ngày càng tăng, và gần như hết thảy mọi người đều thấy cuộc đời mình bị phá vỡ một cách có ý nghĩa vì sự thay đổi.

Quan hệ với các nước khác

Ngoại trừ những gì không biết ở bên trong Trung Quốc, một số bất định về tương lai Trung Quốc có xuất xứ từ sự bất định về cách mà các nước khác có thể hành động đối với Trung Quốc, đặc biệt Hoa Kỳ. Thí dụ, trên mặt trận kinh tế, năm 2005 Quốc hội Hoa Kỳ đã tranh luận kịch liệt về thuế xuất nhập khẩu và những nghiêm cấm trên hàng hóa của Trung Quốc, ngăn không cho các công ty Trung Quốc thâm nhập vào các công ti sáp nhập của Hoa Kỳ và chơi trò mua lại công ty, đồng thời thảo luận về sự đáp trả mối đe dọa quân sự xuất phát từ Trung Quốc trong tương lai.

Cũng thế, Nhật Bản hiện đối mặt với sự bất định ngày càng tăng trong quan hệ của nó với Trung Quốc. Năm 2005, người Trung Quốc bùng phát bạo động nhắm vào những lợi ích của Nhật Bản tại Trung Quốc và duy trì những trao đổi ngoại giao căng thẳng do việc Nhật Bản không chịu xin lỗi về những tàn ác mà họ gây ra tại Trung Quốc trong thế kỷ vừa qua. Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều tiếp cận vấn đề với sự thôi thúc mãnh liệt của tinh thần dân tộc chủ nghĩa, và sự thù nghịch của đôi bên dường như ngày càng tăng, không tránh khỏi.

Một đốm có thể coi như sáng là sự cải thiện quan hệ của Trung Quốc với Ðài Loan, dù quan hệ này chẳng phải không có vấn đề lớn. Năm 2005, cả hai xứ sở tiếp tục cùng nhau khiêu vũ một cách tinh tế mà cho đến nay, giữ cho hòn đảo ấy được độc lập trên một qui mô lớn. Về mặt tiêu cực, Trung Quốc vào tháng Ba vừa qua, đã thông qua đạo luật cho phép dùng vũ lực chống lại Ðài Loan nếu vùng đất đó chính thức tuyên bố độc lập đối với lục địa. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy cả Trung Quốc lẫn Ðài Loan đều có thể đang muốn cân nhắc những chuẩn bị mang tính cấu trúc để đem cả hai tới gần nhau hơn. Bằng một đề xuất cảm động nhưng nặng tính tượng trưng, Trung Quốc tuyên bố vào tháng Năm rằng cho phép du khách lục địa được viếng thăm Ðài Loan.

Thức giấc nhìn thách đố

Trong hầu hết các cách mà Trung Quốc thách thức Hoa Kỳ và thế giới, các chiến lược làm thế nào để bám trụ cạnh tranh với Trung Quốc và làm thế nào để phồn vinh khi những phát triển của nước mình sẽ thành công hơn nữa nếu không tùy thuộc vào việc Trung Quốc đang cố ý gây ảnh hưởng lên các lợi ích của thế giới. Ðúng hơn, những nước cạnh tranh với Trung Quốc phải tìm ra giải pháp cho riêng mình. Thế giới, và có lẽ đặc biệt Hoa Kỳ, làm hết sức để tránh lăng mạ xứ sở đó. Ðằng sau những gì có tính kinh tế mà thế giới đang sợ hãi Trung Quốc thì có điều gì đó ngưỡng mộ. Sự điều hành nền kinh tế mạnh mẽ của xứ sở ấy đã đem hàng trăm triệu người dân ra khỏi vực sâu đói nghèo hun hút. Nó đã bắt đầu tạo ra một giai cấp trung lưu rộng lớn nhất. Và nó lúc này là nơi tọa lạc của một số cơ sở sản xuất tốt nhất, so với bất cứ nơi nào.

Một số người phản đối cái nhìn ấy và vạch ra rằng Trung Quốc vẫn là một nước cộng sản bị điều hành bởi giới tinh hoa chỉ chăm lo cho quyền lực của mình hơn là chăm lo cho người dân Trung Quốc. Ðiều ấy chẳng cần phải chối cãi. Tuy nhiên, chú mục vào tính tiêu cực thì rất ít để ý tới sự tiến bộ gây kinh ngạc của Trung Quốc và không đưa ra được chiến lược tốt nhất để ứng xử với nó. Bằng việc xem Trung Quốc như quỉ dữ thì phần còn lại của thế giới sẽ ít hưởng lợi. Chúng ta hẳn sẽ tiến hành tốt hơn trong việc nghiên cứu, và có thể miễn cưỡng ngưỡng mộ những sức mạnh đang càng ngày càng tăng của xứ sở ấy - và dĩ nhiên, nhân dân năng động của nó. Nói cách khác, bằng nhiều cách không chỉ Trung Quốc cần nhận ra, mà phần còn lại của chúng ta cũng cần nhận ra.


Có thể đọc thêm:

* Peter Hays Gries, China’s New Nationalism: Pride, Politics, and Diplomacy (Tân dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc: lòng tự hào, sinh hoạt chính trị và ngoại giao), University of California Press, 2004.
* Kellee S. Tsai, Back-Alley Banking: Private Entrepreneurs in China (Giao dịch ngân hàng cửa hậu: các doanh gia tư nhân ở Trung Quốc), Cornell University Press, 2002.
* Rachel DeWoskin, Foreign Babes in Bejing: Behind the Scenes of the New China (Những người ngoại quốc thơ dại ở Bắc Kinh: hậu trường của Trung Quốc mới), W.W. Norton and Co., 2005.

Ted C. Fishman xuất thân là một doanh nhân. Ông là tác giả nhiều cuốn sách viết về Trung Quốc, trong đó có sách bán rất chạy, nhan đề China, Inc.: How the Rise of the Next Superpower Challenges America and the World (Liên hiệp công ty Trung Quốc: Sự trỗi dậy của một siêu cường sắp tới thách thức Mỹ và thế giới như thế nào) 2005. Các bài viết của ông xuất hiện trên The New York Times Magazine, The Times of London, USA Today, và nhiều sách báo khác.

Tổng số lượt xem trang