Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

Nghịch lý Trung Quốc. Tư bản không dân chủ là liều thuốc cho khủng hoảng

Nghịch lý Trung Quốc. Tư bản không dân chủ là liều thuốc cho khủng hoảng---
Lê Diễn Đứcdịch từ mục Business của Portal Onet.pl

Trung quốc thường đi với hình ảnh của một nền sản xuất rẻ - Foto: Zawadzki
Nói tới Trung Quốc, với người tiêu dùng bình thường, là nói tới hình ảnh một nền sản xuất rẻ và chi phí thấp đang tràn ngập thị trường phương Tây.
Người Trung Quốc cũng được gắn với nhân công rẻ mạt và hiệu quả, có thể dễ dàng “nhập khẩu” vào mỗi ngóc ngách của thế giới. Những công nhân với đức tính tuân phục và có kỷ luật lao động đang làm việc trong các mỏ dầu ở Nigeria và nhà máy đóng tàu Gdansk (Ba Lan).
Thế nhưng không nhiều người hiểu rằng, Trung Quốc cũng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Trong tình hình khủng hoảng của thế giới, người ta ước tính GDP của Trung Quốc trong năm 2009 sẽ đạt tới 8 phần trăm. Trong quý hai của năm nay, tốc độ tăng trưởng đã đạt 7,9%. Một số chuyên gia cho rằng, Trung Nam Hải ngày hôm nay là cơ hội duy nhất cho Châu Á thoát ra khỏi suy trầm kinh tế nặng nề.

Nền kinh tế của Trung Quốc hôm nay rất khó xác định một cách thuần nhất. Hệ thống nhà nước được xem là xã hội chủ nghĩa. Những người cộng sản dưới sự dẫn dắt của Mao đã giành được quyền lực vào năm 1949. Từ thời gian ấy Trung Quốc đi theo con đường của Liên Xô. Họ đã tiến hành cải cách nông nghiệp, trấn áp địa chủ, phú nông, quốc hữu hóa ngân hàng, các ngành công nghiệp, giao thông và thương mại. Tuy nhiên họ nới tay hơn với tài sản của giới tư sản Trung Quốc.
Mao là người lãnh đạo nôn nóng và muốn đưa đất nước tiến nhanh càng sớm càng tốt trên con đường phát triển của xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, điều này đã dội ngược lại những tiêu cực cho nền kinh tế. Sự hợp tác hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng đã đưa đến nạn đói.
Giữa những năm 60 tình hình trong nước biến động sâu sắc. Những xung khắc đã diễn ra trên đỉnh cao quyền lực. Mao bị mất uy thế một thời gian ngắn trước những người ủng hộ cải cách, tập trung xung quanh Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.
Mao trở lại quyền lực năm 1966 trên sóng trào của cuộc “cách mạng văn hoá”, một cuộc cách mạng đã dẫn đất nước vào thảm họa kinh tế và bị cô lập sâu sắc trên trường quốc tế. Cả một xung đột với Liên Xô cũng nổ ra.
Cho đến cuối thập niên 70, Trung Quốc được nhìn nhận như là một nhà nước toàn trị stalinít kiểu Nga hơn là một tiềm lực kinh tế hiện đại.
Năm 1977, nhà cải cách Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền. Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc phê phán cuộc cách mạng văn hóa và quảng bá mở cửa với thế giới, cùng với một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là đồng ý với kinh tế nông nghiệp gia đình, tái sinh khu vực tư nhân, lập ra các vùng kinh tế đặc biệt và cho phép quốc tế thực hiện những đầu tư đầu tiên.
Bắt đầu một kỷ nguyên mới trong nền kinh tế của Trung Quốc, mà dần dần đã di chuyển về hướng kinh tế thị trường.
Cùng với sự phát triển kinh tế, trong c1c thập niên 80 và 90 chính quyền bắt đầu nới lỏng từ từ các chính sách xã hội. Trong đó, ví dụ như tự do đi du lịch, đã tạo nên sự di chuyển 140 triệu người từ nông thôn vào thành phố (nhiều hơn 100 triệu so với toàn bộ dân số Ba Lan). Nhưng với tầm mức Trung Quốc thì con số này không thật lớn, bởi vì đất nước này có số dân hơn 1,3 tỷ người. Riêng tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đã có khoảng 200 triệu người.
Hệ thống an sinh xã hội ở Trung Quốc cũng rất khó so sánh. Mặc dù nhà nước quyết định trên nhiều khía cạnh cuộc sống của công dân, chẳng hạn như về số lượng trẻ em ra đời hoặc nội dung của các tờ báo, nhưng lại ít khi bảo đảm các nhu cầu cơ bản của con người.
Hưởng lương hưu trí chỉ có thể là những công chức và những người làm việc trong các doanh nghiệp quốc doanh. Cũng không có trợ cấp thất nghiệp và chăm sóc sức khỏe miễn phí. Chỉ những nhân viên của các hãng có trả phí bảo hiểm y tế mới tính đến sự giúp đỡ và chăm sóc của bệnh viện khi lâm bệnh. Do đó, phần lớn xã hội, đặc biệt là các vùng nông thôn, phải trả tiền cho việc điều trị.
Giáo dục tiểu học được miễn phí, tuy nhiên, sau khi hoàn tất 5 năm tiểu học, giới trẻ phải trả tiền học phí cho giáo dục trung học. Đỉnh cao của giáo dục là làm sao được vào học tại một trong hơn 100 trường đại học.
Ngày càng nhìn thấy nhiều hơn học sinh từ Trung Quốc trên giảng đường các trường đại học nước ngoài danh tiếng nhất. Họ gặt hái được kết quả rất tốt, bởi vì sự giáo dục gia đình đã khuyên dạy họ tính cần cù và siêng năng. Việc học tập thường được kết hợp với đi làm thêm, cho phép con em từ các tỉnh có thể trang trải được phí ăn học.
Hiệu suất cao, chi phí lao động thấp và ngày càng gia tăng con số các chuyên gia, đã thu hút vốn đầu tư quốc tế vào Trung Nam Hải. Ngày hôm nay trong các nhà máy của Trung Quốc được sản xuất hầu hết các thương hiệu sản phẩm phổ biến trên toàn thế giới.
Ngày mỗi nhiều hơn hàng hóa không chỉ đi ra khỏi đất nước mà còn được mua bởi chính người Trung Quốc. Nhờ có tỷ lệ thất nghiệp thấp và kinh tế phát triển của thị trường bán lẻ, người Trung Quốc trong quý I năm 2009 đã bỏ ra mua sắm 425 triệu đôla. Mặc dù Internet bị chế độ kiểm duyệt, kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển. Người Trung Quốc trong năm 2008 đã mua hàng hoá trên mạng trị giá 17 tỷ đôla. Những thương hiệu sang trọng thu hút sự chú ý ngày càng lớn.
Người Trung Quốc có thể đủ khả năng mua các mặt hàng đắt tiền, bởi vì thu nhập của họ tăng đều đặn. Các ngành công nghiệp phát triển. Trong tháng sáu năm 2009, sản xuất tăng 10%, cao hơn so với cùng thời kỳ năm 2008. Theo tạp chí Forbes, Trung Quốc hiện là quốc gia đứng thứ ba về số lượng người mua xe hiệu Rolls-Royce. Những tỉnh thành phát triển nhanh nhất nằm trên bờ biển phía đông của đất nước – Quảng Châu, Lâm Xuyên, Hàng Châu, Thượng Hải, Nam Kinh, Tế Nam, Thiên Tân, Bắc Kinh, Thẩm Dương và Trùng Khánh.
Xung thêm vào sự phát triển của nền kinh tế của Trung Quốc là Hồng Kông, được nhập vào Trung Quốc năm 1997. Bán đảo này và các hòn đảo liền kề thuộc Anh từ năm 1842 và trở thành một trung tâm thương mại của Châu Á. Cùng với sự trở lại của Hồng Kông, Trung Quốc đã tiếp nhận được những kinh nghiệm tuyệt vời của cư dân địa phương trong thương mại quốc tế. Bằng cách tạo ra Khu vực Hành chính Đặc biệt trên bán đảo, người Trung Quốc đã tạo ra một cổng mở cho thị trường của mình. Người nước ngoài đến đây không cảm nhận một cú sốc văn hóa lớn, như là phải thấy, ví dụ, ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ thành công của kinh tế. Thương mại lớn tập trung ở các thành phố. Ở đây tiền cũng được tích lũy và phát triển. Cư dân của thành phố có thu nhập nhiều gấp ba lần những người sống ở các vùng nông thôn. Thu nhập trung bình trong thành phố khoảng 1,7 nghìn đôla, trong khi ở khu vực nông thôn chỉ 500 đôla.
Viễn cảnh phát triển kinh tế của Trung Quốc rất hứa hẹn. Theo China Daily, đến năm 2015 Trung Quốc sẽ là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, và tới năm 2050 sẽ là cường quốc lớn nhất trên hành tinh. Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế tăng nhịp nhàng. Giá trị của các loại thuế được thanh toán từ doanh nghiệp tư nhân hiện nay chiếm một nửa nguồn thu ngân sách Trung Quốc.
Tầm vóc của Trung Quốc ngày càng được các nhà lãnh đạo thế giới nhìn nhận. Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tầm vóc của Trung Quốc cũng được nhấn mạnh bởi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Trong một bài phát biểu tại Washington, ông nói rằng “các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ định hình lịch sử của thế kỷ XXI”.■
- Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan, đăng trên mục Business của Portal Onet.pl, ngày 9/08/2009, tại link: http://biznes.onet.pl/chinski-paradoks-niedemokratyczny-kapitalizm-lekar,18494,3025394,1,news-detal .
Bản tiếng Việt © Le Dien duc

Tổng số lượt xem trang