Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

Đại địa mạch quốc gia

Đại địa mạch quốc gia
(TuanVietNam) - Những tìm hiểu của KTS Trần Thanh Vân đề đại địa mạch quốc gia.

Chuyện 700 năm trước
Trong trận đánh Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288, có hai người “phạm lỗi” với Triều đình nhà Trần, nhưng đều đã lập nên chiến công lớn, góp phần không nhỏ vào việc đuổi giặc Nguyên Mông. Đó là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, con nuôi của vua Trần Thánh Tông và Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ 3 của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Sách cũ kể rằng Trần Khánh Dư là người rất có tài, nhưng ăn nói thì quá mạnh bạo mà sinh hoạt thì hơi phóng túng, nên bị nhà Vua tước hết quan chức, bổng lộc và ông buộc phải về quê ở Chí Linh làm nghề bán than kiếm sống.

Nhưng cũng tại nơi đây, Trần Khánh Dư được phục chức và đã trở thành Phó tướng Vân Đồn. Ông đã chỉ huy quân ta phá tan đội thuyền tiếp tế lương thực của quân Nguyên Mông và góp công lớn vào trận chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng.
Võ đã giỏi, văn cũng hay, sau này Trần Khánh Dư là người viết lời tựa cho cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Trần Hưng Đạo, ông viết như sau:
Người giỏi võ cầm quân thì không cần bày trậnNgười giỏi bày trận thì không cần đánhNgười giỏi đánh thì không thuaNgười khéo thua thì không chết
Sách cũ cũng kể rằng Trần Quốc Tảng là một người có tài đặc biệt về quân sự, nhưng vì lúc nhỏ luôn ở bên cạnh ông nội là Trần Liễu, nên Quốc Tảng từng có biểu hiện muốn cướp ngôi vua từ trong tay dòng thứ, để giành ngôi cho cha mình là dòng trưởng, khiến Trần Hưng Đạo giận, nên đã “đẩy” con trai đi trấn thủ tận Cửa Suốt, là một nơi ở rất xa Triều đình để tránh hậu hoạ.
Nhưng cũng tại nơi biên cương Tổ quốc này, Hưng Nhượng Vương đã lập nên kỳ tích trong trận thắng Bạch Đằng Giang năm 1288, khiến cho sau khi ngài qua đời năm 1313, nhân dân đồn rằng Đức Ông Trần Quốc Tảng hiện về nhắc nhở, nên đã xây Đền thờ Ngài cùng nhiều tướng lĩnh ở ngay trên đỉnh núi nhìn ra Bái Tử Long.
Ngày nay ngôi Đền Cửa Ông toạ lạc trên núi cao, không khác gì một trạm gác tiền tiêu nhìn ra Vịnh Bái Tử Long, khiến cho hậu thế có nhiều người thắc mắc rằng có thật là hai vị tướng danh tiếng đó do vì có tội nên bị điều ra tận nơi biên cương ấy, hay phải chăng đây cũng là một trong những “bí truyền thư” mà Đức Thánh Trần đã lưu lại để dạy bảo cho chúng ta?
Đền Cửa Ông không khác gì một trạm gác tiền tiêu nhìn ra Vịnh Bái Tử Long
Khi bí mật không còn là bí mật
Cách đây gần 10 năm, trên mạng thông tin quốc tế có một tấm bản đồ thật thú vị: Hình một con rồng rất đẹp mà đầu thì ở dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (đỉnh Everest cao 8.888m nóc nhà của thế giới), lưng uốn theo hướng Tây Bắc Đông Nam của dãy núi cao thấp dần và đuôi xoè ra ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, sau đó đi xuống vùng Vịnh Bắc Bộ và đã kết thúc ở vùng đại dương sâu nhất thế giới (Vịnh Mindanao ở Philippines sâu 10.800m).
Đó là tấm sơ đồ sơn thuỷ ở phạm vi vĩ mô tầm thế giới. Thật kỳ diệu, các triền núi đó không thẳng băng mà uốn lượn như hình con rồng, tạo ra mạch núi và mạch nước tụ lại, rồi lan tỏa ở trên đồng bằng Bắc Bộ nước ta.
Sơ đồ đại địa mạch

Thế mới biết tại sao vùng đất này luôn luôn bị người ngoài thèm khát và dòm ngó. Và thế mới biết sự uyên bác kỳ tài của Thiền sư Vạn Hạnh và Vua Lý Thái Tổ đã quyết rời bỏ Hoa Lư, để trở về vùng đất Thăng Long và triệt phá được thiên la địa võng mà Cao Biền đã trấn yểm trên thành Đại La cũ 200 năm trước.
Cho đến hôm nay, tất cả những người có chút hiểu biết về phong thủy và lý thuyết về địa mạch thì đã hiểu rằng tất cả mọi bí mật xa xưa về đường kinh mạch, về huyệt đạo linh thiêng mà chỉ có các thầy pháp cao tay mới nắm giữ được, thì nay đã bị phơi bày ra tất cả.
Cái chính là “thiên hạ” thì biết cả, nhưng những người trong cuộc có ý thức được vấn đề và có những giải pháp mạnh để làm chủ các lợi thế đó hay không?
Nhìn vào sơ đồ “vi địa mạch”
Trở lại với địa hình núi sông trên miền Bắc nước ta, thì có 8 dãy núi vòng cung tạo thành hình rẻ quạt là dãy Đông Triều, dãy Ngân Sơn, dãy Bắc Sơn, dãy Tam Đảo, dãy Sông Gâm, dãy Hoàng Liên Sơn , dãy Sông Đà và dãy Hoà Bình, trong đó Hoàng Liên Sơn nối từ Hy Mã Lạp Sơn về có đỉnh Phan xi păng cao nhất Đông Dương (3143m).
Hướng đi của các dãy núi đều hình thành các con sông như sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, sông Đà, sông Đuống, sông Cầu…
Thế nhưng các dãy núi chỉ “chầu” nên đều đã dừng lại từ xa, còn các con sông thì đã “tụ” lại ở Việt Trì và nối thông với nhau và tỏa ra ở chính vùng Thăng Long. Kỳ diệu hơn nữa là ở ngay trên đất Thăng Long đã “mọc” lên ba ngọn núi khác: đó là cụm núi Ba Vì linh thiêng đầy huyền thoại. Đỉnh núi này nhìn theo đường chim bay thì chỉ cách Hồ Tây chừng 25km.

Nhờ khoảng cách không quá xa, nên khi thuyền của vua Lý Thái Tổ đi từ sông Hồng qua sông Tô Lịch vừa rẽ vào Hồ Dâm Đàm từ làng Hồ Khẩu mùa xuân năm 1010, nhà vua có thể nhìn thấy rồng cuộn sóng bay lên, vừa nhìn thấy đỉnh Ba Vì, nên cái tên Thăng Long và tứ văn “Đắc Long bàn Hổ cứ chi thế, tiện núi sông hướng bối chi nghi” mới xuất hiện trong bản Thiên đô chiếu bất hủ.
Ngày nay, từ trên bản đồ vệ tinh, ta có thể dễ dàng tìm thấy đỉnh cao 1226m, nơi toạ lạc Đền Thượng, thờ Tản Viên Sơn Thánh, từ đó có một đường kinh mạch đi theo hướng chính Đông, qua khu vực Đền Kim Ngưu bên bờ Đầm Trị tiếp giáp với Hồ Tây, ra đến tận Cảng Vân Đồn và Vịnh biển Bái Tử Long, ở đó đã có đền Cửa Ông đầy linh thiêng mà nhân dân và hải quân ta hằng tôn thờ suốt 7 thế kỷ qua. Cảng Cửa Suốt của Đức Ông Trần Quốc Tảng xưa, đã và sẽ mãi mãi là một quân cảng quan trọng nơi Bờ Đông của Tổ quốc.
Cũng trên bản đồ vệ tinh, nếu nối một đường theo hướng Đông Bắc-Tây Nam mà mọi người quen gọi là Trục Thần Lộ đi từ đền Kim Ngưu bên bờ Đầm Trị, lên đến thành Cổ Loa- Kinh đô 2300 năm trước của vua An Dương Vương và cũng là Kinh đô hơn 1000 năm trước của vua Ngô Quyền, trên trục đó ta sẽ gặp phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077 của Đại tướng Lý Thường Kiệt và Ngã ba sông Thiên Đức, nơi Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương lập đại bản doanh chỉ huy đánh quân Nguyên Mông năm 1284 và năm 1288.
Kỳ lạ thay, đường chéo này đi tiếp, rồi đi tiếp nữa, sẽ đến Đồng Đăng, cửa ải phía Bắc của Tổ quốc. Trong kinh dịch, hướng Đông Bắc là hướng Ngũ quỷ, lộc có nhiều mà hoạ cũng lắm, vậy nên chăng phải có đôi mắt tinh anh của Đức Thánh Trần chấn ngữ cửa ải này ?
Những người có chút tính hiếu kỳ không thể không kinh ngạc khi phát hiện ra trục kinh mạch nằm ngang ở 21 độ vĩ bắc 3’ 28’’ từ đỉnh Ba Vì và trục Thần Lộ nói trên lại gặp nhau ở chính vùng nước cạnh Phủ Tây Hồ mà mọi người vẫn thành kính gọi là huyệt đạo quốc gia.
Tại sao có cái tên đó? Tại vì nơi đó vẫn sủi bọt mỗi khi mực nước sông Hồng dâng cao, như thể hồ và sông là cái bình thông nhau. Nhiều người vẫn còn nhớ vào chiều thu nắng đẹp ngày 11/9/1955, người ta đã chứng kiến chính nơi đó đã có cột nước bất chợt phụt lên làm lật úp ba chiếc thuyền gỗ khiến 4 người bị thiệt mạng.
Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Thế Hùng ở Viện Vật lý nghe mô tả lại hiện tượng đó thì đoán rằng chắc có kẻ nào đó đã chui xuống đáy hồ sờ soạng, khiến mạch nước có áp suất lớn bỗng bật lên như khi người ta mở nút chai rượu champagne?
Cảng Vân Đồn
Am Mỵ Châu thờ ai?
Lúc sinh thời, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng rất hay được mời đi nói chuyện ở nơi này nơi khác. Với giọng nói đầy tự tin, giàu hình ảnh và hơi ngang ngang, giáo sư Vượng có cách truyền đạt ý tưởng rất thuyết phục, khiến cho người nghe chưa tin lắm mà vẫn phải tin, đặc biệt với người không theo học ngành sử, hiểu biết sử liệu rất ít mà cũng trở thành rất “am hiểu” về lịch sử. Xin kể đôi điều câu chuyện ông giải thích về am Mỵ Châu ở thành Cổ Loa như sau.
Trong một dịp ngày 8 tháng 3, chúng tôi được nghe một bài giảng của giáo sư Trần Quốc Vượng về tầm quan trọng của Cổ Loa Thành và am thờ nàng Công Chúa Mỵ Châu đối với Thủ đô của chúng ta.
Giọng đầy vẻ bí mật, giáo sư Vượng hỏi:
- Các cô có hiểu tại sao hơn 2000 năm qua, nhân dân ta, kể từ vua chúa đến thường dân đều thành kính thờ một người con gái cụt đầu có tên là Công chúa Mỵ Châu trong một cái am nho nhỏ ở Đền Cổ Loa hay không?
- Dạ không
Đó chính là ta thờ Người Mẹ Tổ Quốc của chúng ta đó. Chuyện tình duyên của Mỵ Châu Trọng Thuỷ là chuyện bịa đặt, nhưng chuyện dân tộc ta vì quá nhân hậu và thiếu cảnh giác nên trót đặt trái tim lên đầu để Triệu Đà cướp mất nước là có thật. Đạo gốc của dân tộc ta là Đạo Mẫu. Bản chất người mẹ là bản chất nhân hậu và dễ bị lừa.
Xưa kia dân tộc ta đã từng bị lừa, hiện nay cũng đang bị lừa và có thể ta còn bị lừa nữa, bởi vậy nàng Công Chúa Mỵ Châu cụt đầu là hiện thân của Người mẹ Tổ quốc đã và đang đau khổ nhắc ta phải luôn cảnh giác.”
- Vậy câu chuyện nỏ thần là có thật hay không?
- Không! Ta có một bí mật quốc gia quý hơn nỏ thần nhiều nhưng không ai ăn cắp được. Từ 2000 năm trước bí mật đó đã không còn là bí mật nữa rồi, nhưng kẻ thù đã từng ra sức phá. Hiện nay chúng cũng đang phá bằng khẩu hiệu “bài đế phản phong” để ta tự phá ta, để ta quên đi ta đang có báu vật trong tay.
- Vậy làm cách nào để khắc phục?
- Thiên cơ bất khả lộ. À, có cô nào thích xem tử vi không?
- Có ạ, có ạ!
- Tốt, tôi sẽ lập lá số cho từng người và sẽ có lời khuyên riêng từng người.
Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng rất giỏi khoa tử vi, ông chỉ hỏi ngày sinh tháng đẻ rồi bấm bấm ngón tay mấy cái là phán như thánh phán.
Ông cười nhạo, nói: “Tử vi liên quan đến số phận riêng của từng người thì ai cũng quan tâm, nhưng cứ giấu giấu giếm giếm như kẻ ăn vụng. Còn có cái khác quan trọng hơn Tử vi liên quan đến vận mệnh đất nước thì hễ ai quan tâm đều bị coi là nhảm nhí. Thế mới khổ!”
  • Trần Thanh Vân

Long mạch: lo nhà, bỏ quốc gia


Nhân đọc bài báo của KTS Trần Thanh Vân, trong đó đề cập tới long mạch quốc gia, và vài tình tiết thú vị quanh vấn đề nầy, như vụ “cột nước bất ngờ phụt lên làm lật úp ba chiếc thuyền”, Ba Sàm thấy ngứa miệng muốn bàn góp vài ngu ý và đôi ba chuyện nghe lóm được.


1- Cách nay chừng mươi năm, một bữa tình cờ hầu chuyện một vị cán bộ phụ trách văn hóa Tây Hồ. BS thiệt bất ngờ là ổng rất hiểu biết và say mê lịch sử địa phương, kể đủ chuyện sự tích Sông Kim Ngưu, Hồ Tây v.v.. làm BS chỉ còn biết ngoạc miệng ra mà nghe như nuốt từng lời. Trong những câu chuyện đầy tinh thần tự hào dân tộc, chống ngoại xâm đó, có một chuyện liên quan tới điều mà KTS T.T.Vân đề cập, làm BS nghe muốn sởn gai ốc.

Theo ổng, kẻ thù phương Bắc bao nhiêu lần xâm lăng nước ta đều thất bại, nên đã kiếm cách trấn yểm vô long mạch quốc gia, được xác định là chạy qua ngay vị trí Tây Hồ, ngõ hầu làm cho dân tộc ta suy vi, tất dễ bề cai trị.

Rồi có một năm, từ phương Bắc, một phái đoàn văn công tới nước ta biểu diễn. Theo yêu cầu của họ, ta cho cả đoàn lên một chiếc thuyền lớn ra du ngoạn Hồ Tây. Nhưng, … thiệt khủng khiếp! Một chuyện mà các cụ sống bao năm ở đây biểu là chưa từng xảy ra, đó là một trận cuồng phong bất ngờ nổi lên giữa mặt hồ yên lặng, nhấn chìm cả chiếc thuyền lớn cùng đoàn văn công. Không một ai sống sót.

Có điều câu chuyện không dừng lại ở đây. Các cụ rỉ tai nhau, rằng phải chăng có kẻ tà tâm, muốn lợi dụng màn giao hảo mà tính kế yểm bùa vô trúng ngay huyệt đạo quốc gia. Nhưng nơi đó linh thiêng lắm, đâu dễ …

Chuyện sanh tử mười mấy mạng người, lại thuộc vô hàng quốc gia đại sự, quan hệ quốc tế quốc ta, BS nghe biết vậy, đâu dám nghĩ gì hơn.

Ông cán bộ văn hóa như muốn chứng minh thêm sự linh thiêng nơi đây, liền lấy ví dụ về vụ án đình đám mới đó, vụ “Thủy cung Thăng Long”. Ổng biểu: “Anh thấy chưa, bọn nó định làm trò ma mãnh ở đây, động vào long mạch, là bị Trời phạt ngay“.

Bán tín bán nghi, rồi một ngày, BS cùng người bạn lên viếng mộ người thân trên Bất Bạt. Vừa bước vô cửa nghĩa trang, chợt thấy một khu mộ ngay ngắn, khác thường. Tò mò tới coi, thì ra đó là khu mộ của cả đoàn văn công bỏ mình giữa Tây Hồ năm nào. Giật mình nhớ lại chuyện nghe được mấy năm trước, … nhưng BS lại tự đặt dấu hỏi: “Tại sao họ không bốc hết mộ về quê hương bên đó, mà lại để ở đây ta?

Cho tới giờ, những nghi vấn vẫn còn nguyên. Không ai viết ra, nhưng, … bổ sung thêm vô câu chuyện huyền bí, thấm đẫm một tinh thần yêu nước, cảnh giác trước nạn ngoại xâm đó còn có câu chuyện Thánh vật ở Sông Tô Lịch cách đây mấy năm, nổi tiếng tới độ đã được đưa lên Từ điển Bách khoa Trực tuyến-Wikipedia.

Trở lại chuyện Tây Hồ. Vậy liệu có phải thực sự những người trên con thuyền năm nào đã chết do trận cuồng phong, hay ngược lại, họ đã phải chết để nhằm một mục đích gì tương tự như trò trấn yểm mà một bài viết công phu về vụ Sông Tô Lịch đã phân tích? Nếu lưu tâm tới những trò ma thuật từ Mã Viện cho dựng trụ đồng mà lâu nay có rất nhiều nghi vấn, tranh luận, cho tới Cao Biền trấn yểm, thì ta không thể dễ dàng bỏ qua hiện tượng nầy được.

Lạ thay (mà lại rất quen) những câu chuyện đó không những không được các “cơ quan chức năng” quan tâm, tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, mà thậm chí có báo còn bị ăn phạt, cái “tội” truyền bá “mê tín dị đoan”.

Thế nhưng, … chớ vội lầm, đằng sau vẻ khô cứng, đạo mạo, bao giờ cũng ẩn dấu những điều thú vị. Mời bà con ráng coi tiếp câu chuyện thứ hai.


2- Mấy năm trước, tự nhiên trên một tờ nhựt báo với số ấn bản thuộc hàng khủng có một bài viết, của một nhà báo cũng thuộc loại tiếng tăm, thắc mắc rằng ở cơ quan Bộ nọ, sao người ta lại lập bàn thờ chi chi đó trên tuốt tầng thượng, hương khói tối ngày. Chắc độc giả có đọc cũng không hiểu trời trăng chi.

Nhưng rồi, mấy bữa sau, ngay trên trang nhứt tờ báo của Bộ đó, có một bài thanh minh cho vụ “lập bàn thờ” nầy. Bài báo thưa rằng nguyên do trước đó, có một phái đoàn của một cơ quan hữu quan tới thăm, có kính tặng “bức tượng Bác Hồ”. Suy đi tính lại, lãnh đạo quyết định lập bàn thờ tại một căn phòng riêng trên tầng cao nhứt và để bức tượng tại đó.

Tới đây, chắc ai cũng phải thắc mắc, cách làm nầy tuy không lạ lắm ở xứ ta, nhưng cũng lại là khác thường. Vì tượng lãnh tụ thường được trưng ngay Hội trường cơ quan, chớ sao lại lập am lập miếu chi kỳ vậy? Mà chắc mấy cha nhà báo bắt trúng phóc chuyện chi đây không bình thường thì mới tố phé lên vậy chớ? Sức mấy dám “vuốt râu cọp”?

Và đây là những gì người ta dễ dàng ráp nối với cái vụ “bàn thờ” kia, mặc dù “ai cũng không hiểu, chỉ vài người mới hiểu (nhái bài hát Phượng Hồng).

Trong nhiều năm, các cấp lãnh đạo cơ quan Bộ nầy, từ cấp vụ cho tới Thứ trưởng, nhiều người bị bịnh hiểm nghèo một cách khác thường, có người đã ra đi “gặp các cụ Các-mác, Lê-nin” nữa. Rồi một ngày, ai đó bỗng nêu lên một giả thiết giải thích cho lý do đó. “Phải chăng ta đụng tới ‘cõi âm’?” Thế là nghe đâu thầy địa lý được mời tới. Thầy phán rằng do xây dựng tòa nhà mới, chặt đi một cái cây cổ thụ rất thiêng, bít dòng chảy một mạch nước ngầm … cũng rất thiêng. Và nghiêm trọng nhứt, là đụng tới long mạch. Giờ phải làm lễ thôi, nếu không là còn …chết nữa.


Không biết thầy phán trúng trật, cũng không biết ba câu chuyện nầy có liên quan tới nhau hay không, nhưng thiệt tình thì nó luôn có thể trở thành đề tài của bất cứ ông quan chức đạo mạo nào, nhưng là ở … quán bia, bên người … chí thân, chí cốt, chớ hổng phải bên đồng chí, tại cơ quan, nha. Và, thường là liên quan tới vận mạng, quyền lợi bản thân, bà con họ hàng họ thôi, chớ chuyện vận mệnh quốc gia, thì … khỏi lo, đã có “trên”. HẾT.

Tổng số lượt xem trang