Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Những bài học mà người Trung Quốc đã dạy Pandit Nehru [*]

Những bài học mà người Trung Quốc đã dạy Pandit Nehru [*]

Arun Shourie

Quê Hương trích dịch từ Are we deceiving ourselves again? Lessons the Chinese taught Pandit Nehru but which we still refuse to learn. New Delhi: ASA. Chương 12, Arun Shourie, 2008.

  • Đừng đặt gánh nặng của toàn thế giới lên đôi vai của bạn. Trước tiên là phải chú tâm vào những vấn đề sát sườn đối với quốc gia của mình. Điều quan trọng là người đứng đầu chính phủ không được cắm đầu cắm cổ vào quá nhiều hoạt động nhằm cứu nguy cho toàn thế giới. Làm tướng mà cứ phải có mặt trên chiến hào thì sẽ chẳng còn thời gian nào để tư duy chiến lược.
  • Nếu thua keo này thì cần phát triển nội lực để không phải bất lực ở keo kế tiếp. Ấn Độ đã phải đứng ngoài nhìn người Trung Quốc xâm lược Tây Tạng, nhưng đó không phải là cái cớ để khỏi phải chuẩn bị cho những năm tiếp theo.
  • Đừng bị đánh lạc hướng bởi những chào đón ân cần hay những “cảm xúc dâng trào” nhân có cuộc viếng thăm giữa hai bên. Hãy thận trọng với hành vi tỏ vẻ là một học trò ham học của Chu Ân Lai. Ông ta đóng kịch trên sự kiêu căng của bạn để đánh lừa bạn đấy.
  • Đất nước sẽ tan tành nếu lãnh đạo cương quyết đi theo đường lối quan hệ đơn phương, đặt lòng tin vào những kẻ mà sau này có thể trở thành đối thủ của mình.
  • Đừng hy vọng vào chuyện bạn ủng hộ sự nghiệp của Trung Quốc thì họ sẽ biết ơn bạn.
  • Đừng bao giờ diễn giải hành vi im lặng của Trung Quốc nghĩa là họ đồng ý.
  • Bao giờ cũng phải cẩn trọng với lời lẽ mơ hồ của họ. Luôn ghi nhớ là lúc nào họ cũng nói bản đồ đã xưa lắm rồi, họ không có thời gian để chỉnh sửa đâu.
  • Cũng đừng bao giờ thật sự tin vào sự đồng ý của họ.
  • Thậm chí đừng tin vào chuẩn thuận mà họ đã ghi trên giấy trắng mực đen: Trung Quốc đã không hối tiếc khi bác bỏ Hiệp ước 17 điểm với Tây Tạng cách đây 50 năm, và giờ đây Trung Quốc cũng chẳng ân hận khi gạt ra ngoài lề thỏa thuận với Ấn Độ về các nguyên tắc và “các yếu tố chính trị” nhằm giải quyết vấn đề biên giới. Điều đáng quan tâm nhất là tiềm lực của bạn so với miếng đòn mà Trung Quốc sẽ tung ra trong cuộc chiến.
  • Bạn phải nhận biết sớm mối nguy để kịp thời đề ra biện pháp xử lý.
  • Điều động quân vào phút chót, mua sắm vũ khí vào phút chót, học hỏi để chống lại các loại vũ khí mới vào chút chót – đều là hành động bắt buộc phải làm khi nước đến chân, nhưng sẽ chẳng đem lại ích lợi gì. Lúc đó thì nhiệt huyết bảo vệ tổ quốc của nhân dân cũng chẳng ích chi. Không chi bằng tự vệ từ trước. Clauswitz từng nói: “Chiến lược hay nhất là lúc nào cũng phải vô cùng mạnh mẽ”. Hai cụm từ “Lúc nào cũng phải” và “vô cùng mạnh mẽ” đều có tầm quan trọng ngang nhau.
  • Một khi đã mất thì hiếm khi nào đòi lại được.
  • Đừng đặt vấn đề “được ăn cả ngã về không”. Quan điểm của bên kia không phải là “chiến tranh hay hòa bình”, mà là “chiến tranh có giới hạn”, “chiến tranh ủy quyền”, hay “ngăn chặn hành vi xâm phạm hòa bình”.
  • Thường xuyên chuẩn bị chiến tranh. Đây không phải là chọn lựa riêng của Ấn Độ. Sẽ không thể tránh khỏi chiến tranh nếu đối phương cương quyết cho rằng “phải dạy cho nó một bài học”, hoặc đối phương muốn đem một quốc gia ra làm gương, hoặc đối phương cho rằng đã đến lúc phải cho thấy ai là chủ.
  • Sẽ không bao giờ đủ nếu chỉ thỉnh thoảng thừa nhận rằng chúng ta đang bị đe dọa hay thỉnh thoảng ghi ra những hành động cần chuẩn bị. Phải có ai đó chắc chắn rằng các hành động này đã được kỹ lưỡng thực thi.
  • Không được hy sinh sự an toàn trước mắt để theo đuổi nền an ninh lâu dài. Cả hai đều mang tính cấp bách. Nếu phải hy sinh nhiều mục tiêu khác cho nền an ninh thì bắt buộc phải hy sinh các mục tiêu đó theo đúng nghĩa của sự hy sinh.
  • Đừng bao giờ, không bao giờ đánh giá thấp những điều mà đối phương đã làm. Đó sẽ là một sai lầm chết người. Pandit Nehru đã phạm phải sai lầm này. Cần cho toàn dân biết mọi diễn biến. Đó là cách duy nhất để có thể kêu gọi toàn dân hy sinh khi không còn con đường nào khác.
  • Nếu lãnh đạo mà thấp bé như những hạng người đang đầy dẫy trong xã hội hiện nay thì thật là vô phúc. Nếu lãnh đạo hiện nay có đầy đủ trí tuệ và đáng được khen ngợi thì phải thể hiện hết tài năng của mình để chứng tỏ rằng họ không bỏ ngoài tai những phản biện trái ngược.
  • Cần tăng cường khả năng phòng vệ, đặc biệt ở các vùng tiếp giáp với Trung Quốc.
  • Đừng vội vã giải quyết xung đột biên giới. Chẳng có hoà giải nào tồn tại được lâu nếu chúng ta chưa đủ sức đánh trả lại kẻ ngang nhiên vi phạm.
  • Ấn Độ không không phải là nước duy nhất có kinh nghiệm với Trung Quốc, Ấn Độ lại càng không phải là quốc gia duy nhất e ngại các hành động mà Trung Quốc có thể làm trong tương lai. Hãy biến chính nghĩa của mình thành chính nghĩa của nhiều quốc gia khác.
  • Hãy nhìn ra xung quanh rồi đặt câu hỏi: Ngày hôm nay chúng ta đã tiến được bao nhiêu rồi?
  • Hãy chắc chắn rằng Trung Quốc đã thấy được những xáo trộn trong đời sống chính trị của chúng ta, thấy được triệu chứng tê liệt trong các thể chế của chúng ta, thấy được yếu kém về quản lý tại nhiều vùng trên phạm vi toàn quốc, thấy rằng truyền thông đang mê mải vào những trò tiêu khiển tầm thường. Hãy đảm bảo rằng Trung Quốc thấy hết được những điều này, nhưng đừng để Trung Quốc lợi dụng.
  • Xin hãy xem lại các tuyên bố của Chính phủ hiện nay, những phát biểu mà đã đặt quá nhiều hy vọng vào lời hứa hẹn của Trung Quốc. Liệu các tuyên bố đó có chứng minh rằng nhân dân và lãnh đạo đã rút ra được từ những sai lầm đắt giá trong quá khứ hay không?
  • Ngoài những tuyên bố đó, xin hãy hồi tưởng lại những những hành động gần đây của Chính phủ. Bạn có cho rằng hành động rước đuốc Olympic thấp hèn là cử chỉ lịch sự cần thiết hay đó là biểu hiện khiếp sợ mà Trung Quốc có thể lợi dụng? Xin hãy đọc lại tiêu đề của tập sách này (“Có phải là chúng ta đang tự lừa dối mình một lần nữa? Những bài học mà người Trung Quốc đã dạy Pandit Nehru nhưng dường như chúng ta vẫn chưa ngộ ra”). Bạn có nghĩ rằng người Trung Quốc nhìn cử chỉ lịch sự cúi chào là một phép xã giao cần thiết hay đó là thái độ của một tên hèn mà Trung Quốc đáng được hưởng?

Chú thích

[*] Pandit Nehru là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ.


HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Tổng số lượt xem trang