Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2009

“Sáng suốt lựa chọn những kẻ dốt nát, bất tài…”

“Sáng suốt lựa chọn những kẻ dốt nát, bất tài…”

Ledienduc’s Blog: Đọc được trên Yahoo! bài viết hay của một người trong nước trên vn.myblog, xin chia sẻ cùng các bạn.

****

Tôi ngạc nhiên một cách thú vị khi thấy entry “Điều trăn trở từ lâu” nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhóm “hạt giống đỏ” lại nhận được sự quan tâm rộng lớn của cộng đồng dân cư mạng đến vậy! Điều này có được, một phần là nhờ Nhà văn Nguyễn Quang Lập đưa lên “chiếu rượu” quechoablog.wordpress.com . Từ đây, thêm một lần nữa tôi hiểu sức mạnh của “báo chí công dân”, do vậy mà tôi chẳng buồn phiền nhiều khi bài của mình không được một số tòa báo “cho thấy ánh sáng”.

Tôi viết về cuộc đời, sự nghiệp và số phận của họ như là một cách cung cấp thông tin để chúng ta suy nghĩ, nhìn nhận những điều đang diễn ra hiện nay và trong tương lai gần. Ai cũng nói dân tộc ta thông minh, hiếu học; ai cũng thấy những ông bố, bà mẹ và những đứa con khổ sở như thế nào trong việc học thêm, chạy trường, thi cử. Nhưng tôi đồ rằng, trong cái sự nhiệt tình tới mức thái quá đấy chứa đựng một cái gì đấy rất hình thức và sự cam chịu của chúng ta. Chúng ta thông minh, lại ham học; thế mà chúng ta đã học được cái gì trong thế giới hòa nhập này?! Có vẻ như chúng ta học được rất ít những điều tốt đẹp, còn cái xấu, cái dở chúng ta lại học được quá nhanh, quá giỏi, quá nhiều… Tôi chỉ muốn nói tới vài cái tệ đang diễn ra hàng ngày trước mắt chúng ta.

Thứ nhất: Đấy là một nền giáo dục sau đại học xuê xoa, dối trá và kém chất lượng vào loại nhất trên thế giới. Hiện nay nước ta có khoảng trên 20 000 thạc sỹ và cũng chừng ấy tiến sỹ (và đang có kế hoạch từ nay đến năm 2020 đào tạo thêm 20 000 tiến sỹ nữa!). Ba phần tư trong số này được đào tạo tại Việt Nam trong vòng 15 năm trở lại đây.

Chất lượng của một số thạc sỹ, tiến sỹ rất thấp vì quy trình đào tạo không hợp lý, những người quản lý, điều hành và trực tiếp hướng dẫn xuê xoa, dễ dãi. Điều này thể hiện ở chỗ rất nhiều người khi học đại học thuộc lĩnh vực khác, khi làm tiến sỹ lại làm về ngành khác. Tỷ lệ này cao nhất đối với các tiến sỹ triết học, xã hội học. Nhiều người là hướng dẫn khoa học, nhưng họ lại không có bằng tiến sỹ trong lĩnh vực này.

Thái độ tâng bốc nhau, không đánh giá đúng trong việc thẩm định luận án cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng thấp. Một lần tôi ngồi Hội đồng bảo vệ luận án thạc sỹ, tôi là phản biện. Trong phiên bảo vệ nảy ra tranh luận rất gay gắt, có ý kiến chê bai luận án. Tôi là người bảo vệ nhiệt tình cho học viên của mình. Cuộc tranh luận tạm thời kết thúc để chấm điểm, bỏ phiếu kín. Tôi ít khi cho điểm cao, nhưng trong trường hợp này tôi cho điểm 9. Cứ ngỡ với hành động “dũng cảm” này, thêm một lần nữa tôi bảo vệ học viên. Ai dè khi công bố điểm, tôi mới ngã ngửa ra: Hội đồng có 7 thành viên, 5 người cho điểm 10, 1 người cho 9,5 và người cho điểm 9 là tôi! Tôi xin lỗi học viên của mình, nhưng cho đến bây giờ vẫn không hiểu vì sao mình lại có lỗi!?

Vừa rồi, có người cho rằng tôi cố tình hạ thấp chất lượng đào tạo sau đại học. Người đó còn khẳng định là tôi không có cách nào chứng minh kết luận của mình. Tôi dám đánh cược là tôi chứng minh được, và khá dễ dàng. Về nguyên tắc, người có học vị tiến sỹ phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ. Vì vậy tôi chỉ cần thành lập một hội đồng gồm những cử nhân ngoại ngữ, và chỉ ra rằng, có đến quá nửa các tiến sỹ của chúng ta không đạt tiêu chuẩn này.

Thứ hai: Văn hóa chính trị của chúng ta đang có vấn đề lớn. Thôi thì thời nào cũng phải có người ra gánh vác công việc quản lý, điều hành hoạt động của đất nước, của xã hội. Những người đấy là quan hay là cán bộ theo cách gọi của từng giai đoạn lịch sử. Nếu ai tham gia vào guồng máy này, tạm gọi nôm na là hoạt động chính trị. Như vậy là hoạt động chính trị có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của xã hội. Mà hoạt động chính trị thì rắc rối, phức tạp lắm. Ở đây có cả sự khôn ngoan, sự cao thượng và những thủ đoạn thấp hèn. Có không ít nhà chính trị nổi tiếng công khai thừa nhận điều này. Năm 1993, tôi nghe chính Giáo sư – Tiến sỹ Khasbulatov (lúc này là Chủ tịch Duma Quốc gia Nga) dõng dạc nói: “Chính trị là trò bẩn thỉu!”

Thông thường những nhà chính trị phải có học vấn, có tài, có đức; người có chức vụ càng cao thì học vấn, tài đức phải càng nhiều. Nhưng hiện nay ở ta thì sao?

Học vấn, như đã nói ở trên, nhiều người có bằng tiến sỹ nhưng trình độ không được như vậy (khoảng 50% tiến sỹ của ta không hoạt động khoa học mà lại hoạt động chính trị). Một khi học vấn đã là giả thì nó kéo theo những hành động không trong sáng, thiếu minh bạch trong con đường thăng quan, tiến chức. Nói thẳng ra là việc “mua quan, bán chức” đang diễn ra khá phổ biến trong hoạt động chính trị của chúng ta.

Trước Đại hội X của Đảng, tôi có người bạn hoạt động lâu năm trong ngành ngoại giao, tên tuổi của anh khá nổi. Một lần anh bảo, được một người rất quan trọng gọi lên gặp gỡ, khen ngợi, có ý bóng gió là anh có thể trở thành Ủy viên Trung ương Đảng. Nghe vậy, một người bạn là doanh nhân giàu có, rất lọc lõi trong các mối quan hệ, phán ngay là phải kiếm 4 “cục gạch” mang đến 4 nơi thì việc mới thành. Người bạn tôi không nghe theo, kết quả là anh “vẫn chỉ là anh”.

Một số người có tài, có đức thực sự lại rất tự trọng nên họ khó mà có vị trí cao trong con đường công danh. Điều này tạo cơ hội cho những kẻ dốt nát, kém đức, không tài nhưng sẵn sàng chi tiền và chạy chọt, được ngồi vào những chức vụ quan trọng. Và khi có chức, có quyền rồi, họ phải lấy lại “vốn đầu tư” chứ. Thế là tham nhũng lại làm nảy sinh tham nhũng! Chống bằng cách nào đây?

Thầy Văn Như Cương kể, trong đợt bầu cử Quốc hội khóa XII vừa rồi, thầy đến nơi bỏ phiếu, bút lăm lăm trong tay. Thầy đọc danh sách ứng cử viên và nói to: “Sáng suốt lựa chọn những kẻ dốt nát, bất tài…”. Thầy nhắc lại vài lần như vậy, lập tức có người đến hỏi tại sao lại như vậy; thầy điềm nhiên trả lời “để mà gạch!”.

Đúng là phải gạch tên những kẻ dối nát, bất tài; loại chúng ra khỏi guồng máy hoạt động chính trị của chúng ta. Làm như vậy để văn hóa chính trị được nâng lên.

Tổng số lượt xem trang