Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Sự huỷ diệt của lãng phí

Sự huỷ diệt của lãng phí

Nguyễn Long Vân (nhà báo)

Tôi vẫn cảm nhận là Nhà nước chúng ta còn nợ nhân dân nhiều lắm, nợ doanh nghiệp nhiều lắm trong việc đưa tất cả cùng nhau nỗ lực phát triển, đó là lời nhận xét của bà Phạm Chi Lan trong một buổi phỏng vấn bàn tròn trên Vietnamnet gần đây.

Câu nhận xét của bà được nhiều người đồng cảm và chia sẻ cùng với một nỗi đau không có điểm vịn tựa.

“Nhà nước chúng ta” là một bộ máy khổng lồ từ trung ương đến địa phương, không cụ thể là ai. Nhân dân là cả một tập hợp gồm hơn tám chục triệu dân, cũng không rõ mặt ai. Doanh nghiệp là một cộng đồng gồm vài trăm ngàn tổ chức, không đại diện cho cụ thể một ai. Cả chủ nợ và con nợ đều không biết là ai, thế mà ai cũng hiểu, ai cũng đau nhưng rồi dường như ai cũng nghĩ rằng người phải phải sửa sai đang đứng ở bên cạnh.

Là một nhà phản biện chính sách kinh tế đã thành danh, bà Phạm Chi Lan không lạ lẫm gì đối với giới doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách của nước nhà. Vốn là Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), rồi trong tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, lại có cái khiếu trời cho là tư duy mạch lạc, ăn nói đâu ra đấy, bà là một trong số rất ít người dành cả cuộc đời mình cho sự phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Vậy món “nợ nhiều lắm” của Nhà nước mà bà Phạm Chi Lan nêu lên ở đây có thể hiểu là những gì?

Nước Nhật chỉ hơn 20 năm sau chiến tranh, họ đã là một cường quốc kinh tế thế giới. Hàn Quốc cũng trong khoảng thời gian như vậy cũng vươn lên thành một trong những con hổ của Châu Á. Trung Quốc sau hơn 30 năm “xây dựng CNXH theo màu sắc Trung Quốc” đã vươn lên thành cường quốc kinh tế tranh chấp vị trí thứ 2 thế giới. Còn Việt Nam với số năm nhiều hơn thế vẫn còn lẹt đẹt trong top những nước nghèo. “Nợ” là ở đấy chứ còn đâu nữa.

Nguyên nhân do đâu? Do hậu quả của chiến tranh? Do điểm xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu? Do trí tuệ của người Việt thua kém? Do vị trí địa lý không thuận lợi? Do tài nguyên thiên nhiên eo hẹp?…Thật khó lý giải bởi các nguyên nhân đó nhiều nước cũng có, thậm chí trong hoàn cảnh ngặt nghèo hơn Việt Nam, họ vẫn phát triển vượt bậc. Có lẽ chính vì thế, bà Phạm Chi Lan mới khoanh “món nợ” này trong phạm vi “đưa tất cả cùng nhau nỗ lực phát triển”. Có nghĩa là Việt Nam có nhiều nguồn lực phát triển nhưng đang bị lãng phí. Và hậu quả của sự lãng phí thì ai cũng biết, đó là sự tự huỷ diệt.

Ai cũng biết đất đai là công thổ quốc gia. Có nhà khoa học ước tính nếu khai thác tốt tài nguyên đất, Việt Nam có thể có trong tay 5.000 tỷ USD. Nhưng hiện nay, đất đai phần thì đang bỏ hoang phí vô hạn độ, phần thì khai thác không hiệu quả, phần thì để một bộ phận nhỏ thao túng, đục đẽo…

Ai cũng biết về nhân chủng học, người Việt Nam được thừa nhận là một dân tộc thông minh, hiếu học nhưng sự sáng tạo lại vô cùng hạn chế. Hàng ngàn hàng vạn giáo sư, tiến sĩ mà không có mấy công trình nghiên cứu khoa học được công nhận trên thế giới. Nhiều sự sáng tạo cá nhân bị bao bọc bởi “tính tổ chức”, không thể phát huy. Một hệ thống giáo dục đào tạo đã tồn tại nhiều chục năm không khuyến khích tính tư duy độc lập, sáng tạo cá nhân…

Ai cũng biết Việt Nam có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng với tư duy của nền kinh tế “mỳ ăn liền”, khai thác bất kể sự trả giá về môi trường, về sự sống còn của con cháu mai sau, xuất khẩu nguyên liệu thô…khiến cho nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt mà đất nước vẫn nghèo.

Ai cũng biết nhiều giai đoạn phát triển, Việt Nam đã phải đi một con đường vòng vất vả, tốn kém không biết bao nhiêu nguồn nhân tài vật lực. Trong nông nghiệp ban đầu thì dồn dân vào hợp tác xã, sau khoán hộ chia nhỏ ruộng đất thành hơn 75 triệu mảnh, nay lại tiến hành dồn điền đổi thửa để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong công nghiệp, mới đầu xoá doanh nghiệp tư nhân để công tư hợp doanh, rồi đến doanh nghiệp Nhà nước, nay lại nỗ lực cổ phần hóa và phát triển doanh nghiệp tư nhân…Mỗi lần đi vòng ấy mất vài chục năm.

Lãng phí thời gian và của cải như thế trong bấy nhiêu năm trời là do ai? Cái đau nhất là không tìm ra ai.

Tổng số lượt xem trang