Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Tiến trình bị mất đất của Việt Nam- Lữ Giang

Tiến trình bị mất đất của Việt Nam

Lữ Giang
Chúng ta nhớ lại, nhân dịp Đại Hội Đảng Toàn Quân từ ngày 3 đến 11/01/2001, Lê Đức Anh đã đứng lên tố Lê Khả Phiêu 10 tội, trong đó có một tội rất quan trọng là “Bán đất, bán biển cho Trung Quốc” trong chuyến đi Trung Quốc chầu Giang Trạch Dân. Người đầu tiên đưa sự tố cáo này ra công luận là Đỗ Việt Sơn, một đảng viên đảng CSVN về hưu và có lẽ là đàn em của Lê Đức Anh. Sau đó, Lê Chí Quang viết bài “Hãy cảnh giác Bắc Triều” nói rõ rằng phần đất bị “bán” là 720 cây số vuông. Nguyễn Chí Trung, thư ký của Lê Khả Phiêu, nói với báo chí rằng Lê Khả Phiêu là “nạn nhân của những âm mưu đánh phá của 3 vị cố vấn là các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt.”

Dĩ nhiên, nhóm Lê Khả Phiêu phải phản pháo. Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh đã cho Thượng Tướng Nguyễn Nam Khánh dùng tài liệu vụ án chính trị T-4 tại Tổng Cục II thuộc Bộ Quốc Phòng để chơi lại nhóm Lê Đức Anh.
Khởi sự từ đó, một phong trào tố đảng CSVN làm mất đất mất biển được phát động ở hải ngoại, nhưng người Việt chống Cộng không dùng những chữ “Bán đất, bán biển cho Trung Quốc” của Lê Đức Anh, mà đổi thành “Dâng đất dâng biển cho Trung Quốc”. Chiến dịch này đã trở nên rầm rộ khi Trung Quốc thành lập huyện Tam Sa thưộc tỉnh Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, sau đó phong toả Biển Đông.
Thật ra, người Việt đã bị Tàu cướp đất dài dài trong tiến trình lịch sử, bắt đầu từ thời mới lập quốc cho đến ngày nay, do đó người Việt phải tiến dần xuống phía Nam. Tuy nhiên, cha ông chúng ta cũng đã chiếm đất của Lâm Ấp, Chiêm Thành và Chân Lạp để lập thành một nước mới.
Trong bài này chúng tôi chỉ nói về tiến trình bị mất đất trong lịch sử. Trong bài sau, chúng tôi sẽ bàn đến chuyện đòi đất của tiền nhân để rút kinh nghiệm.
BÀI HỌC LỊCH SỬ?
Chúng tôi xin nhắc lại, trong cuộc phỏng vấn của đài RFA ngày 24/07/2009 về đề tài “Việt Nam cần làm gì trước thái độ lấn lướt của Trung Quốc?”, Giáo sư Trần Văn Đoàn dạy học ỏ Đại Học Quốc Lập Đài Loan có nêu lên hai đề nghị: (1) Đọc lại bài học của tất cả những triều đại Việt Nam. Cái gì đã mất rồi thì không bao giờ đòi lại được. (2) Cách hay nhất, cái chiến lược của mình là làm thế nào để không mất đất nữa mà thôi.
Ông nói rõ: “Tôi không nói để bảo vệ nhà nước Việt Nam…”
Nhưng với nhiều người Việt chống Cộng ở hải ngoại, đề nghị này rất khó nghe. Lý do thứ nhất: Người Tàu có “Tam thập lục kế” (với người Tàu, con số 36 có nghĩa là nhiều lắm), nhưng một số người Việt đấu tranh ở hải ngoại chủ trương chỉ có “biểu dương khí thế” là thượng sách, không cần biết kết quả như thế nào. Mọi kế khác gần như không được chấp nhận. Như vậy học sử để làm gì? Lý do thứ hai: Sử đâu mà học?
Trong bài Tựa của bộ “Việt Nam Sử Lược”, cụ Trần Trọng Kim (1882 – 1953) có than phiền: “Sử mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử của mình”.
Bài Tựa này được viết vào năm 1919, khi bộ “Việt Nam Sử Lược” lần đầu tiên được xuất bản, nhưng đến nay vẫn còn đúng. Không những thế, một số “sử gia” đời nay khi viết sử, thường không dựa theo chính sử như cụ Trần Trọng Kim, mà chỉ ghi lại những phần mình thích, bỏ đi những phần bị coi là mất “khí thế” hay không oai hùng, biến hoá nhiều đoạn và thêm huyền thoại vào làm cho sử không còn là thực sử nữa! Một vài thí dụ cụ thể:
(1) Khi viết về vua Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, các “sử gia” ta chỉ ghi lại “Bình Ngô Đại Cáo” và giấu đi tờ biểu thê thảm mà Lê Lợi dâng lên vua Minh xin phong vương. Trong vụ Nguyễn Huệ đánh thắng quân Thanh, các “sử gia” ta cũng chỉ ghi lại “Hịch Đánh Trịnh” của Nguyễn Hữu Chỉnh và “Hịch Gọi Đò” của Nguyễn Huệ, còn tờ biểu được Nguyễn Huệ dâng lên vua Thanh năn nỉ xin ban sắc phong được coi như không có. Họ cho rằng những tở biểu đó làm mất “khí thế” nên phải loại ra khỏi sử, không nên cho con cháu đọc.
(2) Thiền sư Lê Mạnh Thát đã sửa lại sử, cho rằng không có chuyện Bắc Thuộc lần thứ nhất và Mã Viện đem quân đánh hai Bà Trưng. Trái lại, các đời vua Hùng Vương đã kéo dài ra đến sau Công Nguyên, tức đến khi Phật giáo được truyền vào đất Việt! Việc sửa sử này nhắm mục tiêu chứng minh: “Phật giáo là dân tộc” vì đã du nhập vào Việt Nam từ đời Hùng Vương!
Pháp nạn kinh hoàng (gần như làm cỏ) mà Nguyễn Huệ đã gây ra cho Phật Giáo để có phương tiện tiến đánh quân Thanh, không được ai ghi lại một vài dòng, kể cả các “sử gia” Phật Giáo! Họ chỉ nói đến “Pháp nạn” dưới thời Ngô Đình Diệm!
(3) Tàu xây Ải Nam Quan như thế nào và các diễn biến về sau ra sao, đã được ghi rất tỉ mỉ trong chính sử của Tàu cũng như của ta. Công Ước Thiên Tân ngày 9/06/1885 giữa Pháp và Trung Hoa và các văn kiện đính theo đã gọi Ải Nam Quan là “Porte de Chine” (cửa của Trung Hoa) và vẽ nó nằm trên đất Trung Hoa. Ấy thế mà để “tố cộng”, các “sử gia” và các chiến sĩ chống Cộng đã coi những văn kiện lịch sử và pháp lý đó như không có, cũng nhau ngồi “khóc Nam Quan”! Có “đại sử gia” còn biến hoá Ải Nam Quan ra hai phần, một phần nói là của Tàu và một phần nói là của ta, để cho “hợp với lòng dân”!
Bây giờ người Việt ở trong cũng như ngoài nước, gần như nhà nào cũng xem phim Đại Hàn, trong đó có nhiều phim lịch sử, chẳng hạn như Thời Đại Anh Hùng, Những Ngày Đen Tối, Jumong, Bài Ca Sơ Đông, Đại Hiệp Sĩ, v.v… Qua các bộ phim này, chúng ta thấy người Đại Hàn đã diễn tả rất trung thực lịch sử của họ: thời kỳ nào cường, thời kỳ nào nhược, những sự rối loại trong cung đình, những thủ đoạn gian ác áp chế dân lành của các quan lại phong kiến, những phương thức mà cha ông họ đã dùng để chống ngoại xâm… Nhờ diễn tả lịch sử một cách trung thực như vậy, người Đại Hàn ngày nay đã rút được kinh nghiệm lịch sử để xây dựng một đất nước Đại Hàn tốt đẹp hơn. Trái lại, sử của người Việt đã bị hai bên đối nghịch biến chế theo sở thích và theo nhu cầu chính trị, làm sao có thể dựa vào đó để rút kinh nghiệm của cha ông được?
NƯỚC TA KHỞI TỪ BÊN TÀU?
Theo truyền thuyết và dã sử, thời kỳ Hồng Bàng bắt đầu từ năm 2879 trước Tây lịch, thuộc niên đại vua Kinh Dương Vương, với quốc hiệu Xích Quỷ. Địa bàn của Việt Nam dưới thời Kinh Dương Vương nằm ở tận bên Tàu, rất rộng lớn: Phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía đông là Đông Hải, phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên), và phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành).
Nước Chiêm Thành lúc đó nằm ở đâu? Bộ “Phương Đình Dư Địa Chí” của Nguyễn Văn Siêu đã ghi lại như sau:
“Chiêm Thành: phiá đông giáp bể, phía Tây đến Vân Nam, phía nam giáp Chân Lạp, phía bắc liền Annam, phía đông bắc đến Quảng Đông…”
Thật ra, phải đến thế kỷ thứ 13, nước ta mới có quan viết sử, nên những điều xẩy ra trước đó đều được chép lại theo tục truyền, không biết đúng được bao nhiêu phần trăm. Nhưng chắc chắn người Việt ngày xưa ở tận bên Tàu, sau đó trụt dần xuống phía nam. Tại sao như vậy? Cụ Trần Trọng Kim giải thích:
“Người nòi giống Việt Nam ta mỗi ngày một nẩy nở ra nhiều, mà ở phía bắc đã có nước Tàu cường thịnh, phía tây thì lắm núi nhiều rừng, đường đi lại không tiện, cho nên mới theo bờ biển lấn xuống phía nam, đánh Lâm Ấp, dứt Chiêm Thành, chiếm đất Chân Lạp, mở ra bờ cõi bây giờ.”
Đây là kiểu “Dùi đánh đục thì đục đánh săng (gỗ)” hay “Cá lớn nuốt cá bé”.
ĐỒNG TRỤ NẰM Ở ĐÂU?
Nước ta có ranh giới đầu tiên với nước Tàu là do Mã Viện ấn định. Lịch sử kể lại rằng dưới thời Đông Hán, năm 41 sau Tây lịch, vua Quang Vũ của Tàu sai Mã Viện làm Phục Ba Tướng Quân, sang đánh Trưng Vương, đem đất Giao Chỉ về lại cho nhà Hán (Thiền sư Lê Mạnh Thát nói chuyện này không có!). Mã Viện dời phủ trị về Mê Linh và dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới, khắc sáu chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Nghĩa là cây đồng trụ gãy thì người Giao Chỉ mất. Người Giao Chỉ đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao, vì sợ cột đồng ấy bị đổ gãy.
Nhưng cột đồng này đã được dựng ở đâu?
Theo “Lĩnh Ngoại Đại Đáp” của Tàu (đời Đường) và “An Nam Chí Lược” của Lê Tắc, cột này được dựng ở Khâm Châu, trong vùng hang động Cổ Sâm.
Khâm Châu là một châu của Tàu nằm sát biên giới với Giao Chỉ, còn Cổ Sâm là một động của ta nằm sát biên giới Tàu.
Sách “Vân Đài Loại Ngữ” của Lê Quế Đường (tức Lê Qúy Đôn) có ghi: “Giữa đỉnh núi Phân Mao ở Khâm Châu có cột đồng to độ hai thuớc. Có lẽ đây là Mã Tống dựng lên”.
Núi Phân Mao (Phân Mao lĩnh) ở đâu?
Sách “Dư Địa Chí” của Nguyễn Trãi viết:
“Vân Cừ, Kim Tiêu, Phân Mao ở về Yên Bang (sau tránh húy đổi làm Yên Quảng). Vân Cừ là tên sông, tên khác của sông Bạch Đằng, Tiền Ngô Vương bắt Hoằng Tháo, Hưng Đạo Vương bắt Ô Mã Nhi đều ở đây. Phân Mao là tên núi, Kim Tiêu là cột đồng. Ở phía Tây lộ Hải Đông 300 dặm có đèo Phân Mao, ở nửa đèo có cột đồng của Mã Viện dựng, lớn chừng ba thước”.
(Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi toàn tập, bản dịch của NXB KHXH – Hà Nội, tr. 202)
Sách “Gia Khánh Trùng Tu Nhất Thống Chí” của Nhà Thanh cho biết: Núi Phân Mao ở phía Tây Khâm Châu (nay là đất tỉnh Quảng Đông). Năm Tuyên Đức thứ 2 (1427) thời Minh, núi ấy thuộc vào châu Tân An của Giao Chỉ. Đến năm Gia Tĩnh thứ 21 (1542) Mạc Đăng Dung hàng, mới thuộc về nước Tàu.
Đồng trụ nếu to 2 thước ta (theo Lê Qúy Đôn) hay 3 thước ta (theo Nguyễn Trãi) thì cũng rất lớn. Mỗi thước ta bằng 0,425 mét. Như vậy 2 thước là 0,850 mét và 3 thước là 1,275 mét.
Về sau, cả người Tàu lẫn người Việt đều không biết rõ đồng trụ nói trên nằm ở đâu. Sách “Khâm Định Việt Sử Thương Giám Cương Mục” có cho biết năm 1272, nhà Nguyên đã sai Ngột Lương sang Việt Nam hỏi giới mốc đồng trụ ngày trước ở đâu. Vua Trần Thánh Tôn đã sai viên phái Lê Kính Phu đi hội đồng khám xét. Lê Kính Phu tâu với Nhà Nguyên: “Chỗ cột đồng do Mã Viện dựng lên lâu ngày bị chìm lấp, nay không thể biết ở chỗ nào được”. Việc đó sau cũng thôi. (Quyển VII, tr. 219).
Thật ra, Mã Viện không phải chỉ dựng một đồng trụ ở Cổ Sơn. Ông đã mở mang bờ cõi của nhà Hán, dựng lên một đồng trụ ở Đèo Ngang (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) và hai đồng trụ ở Bình Định. “Phương Đình Dư Địa Chí” của Nguyễn Văn Siêu cho biết: Sách Tần Thư Điạ Lý Chí ghi: Ở quận Nhật Nam có cột đồng từ đời Hán dựng làm địa giới. Sách Lâm Ấp Ký chép: Phía tây quận Nhật Nam có nước Tây Đồ Di, Mã Viện qua đất này dựng hai cột đồng nêu bờ cõi nhà Hán.
Quận Nhật Nam lúc đó gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay (có tài liệu cho là đến tận cửa Đại Lãnh, Phú Yên). Vùng này là bắc Chiêm Thành.
Nhìn lại, nếu đồng trụ do Mã Viện dựng để phân ranh giới Việt – Trung mà còn thì nó cũng đã nằm trên đất Tàu, vì năm 1540 Mạc Đăng Dung đã giao vùng đất Cổ Sơn, nơi có đồng trụ, cho Trung Hoa rồi.
MẤT ĐẤT DƯỚI THỜI PHONG KIẾN
Nhiều người tưởng rằng, trong lịch sử, cha ông chúng ta luôn kiên cường dựng nước và giữ nước, không để mất một tấc đất nào. Thực tế không phải như vậy. Ngoài việc bỏ Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây chạy xuống Bắc Việt hiện nay, cha ông chúng ta còn phải chịu bị mất đất rất nhiều lần.
Mặc dầu Mã Viện đã dựng đồng trụ ở Phân Mao để đáng dấu ranh giới giữa Giao Chỉ và nước Tàu, những việc phân định ranh giới giữa hai nước không dễ dàng vì biên giới rất rộng lớn. Mỗi lần có tranh chấp, vua hay quan Tàu đều giành quyền quyết định phần nào thuộc Tàu và phần nào thuộc ta… Thí dụ năm 1442, nhà Minh gởi dụ cho vua Lê Thái Tông, nói rằng Chiêm Lãnh và Như Tích là thuộc Châu Khâm của Trung Quốc, do Hoàng Khoan cai quản, nên phải trả lại cho Trung Quốc. Năm 1547, Đô Đốc Mã của nhà Thanh gởi thư cho Chúa Trịnh và nói: “Từ Sa Châu trở ra ngoài đến Phân Mao – Đồng Trụ là đất của quý quốc cày cấy chăn nuôi từ lâu, cho về An Nam”.
Ngoài chuyện tranh chấp về vùng biên giới, các vua và quan Tàu luôn tìm cách chiếm thêm đất của nước ta. Tạm bỏ qua “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu” đi, chúng ta thấy từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 18, dưới các triều đại của Trung Quốc từ Tống, Nguyên, Minh đến Thanh đều đem quân xâm lấn Đại Việt. Nhà Tống xâm chiếm 2 lần, nhà Nguyên 3 lần, nhà Minh và nhà Thanh mỗi vương triều một lần. Ngoài những cuộc xâm chiếm đại quy mô như thế, các triều đại Trung Quốc cũng thường tìm cách cướp đất của người Việt ở vùng biên giới. Sau đây là một số thí dụ cụ thể:
1.- Mất hai động Vật Ác và Vật Dương.
Dưới thời nhà Tống, Quách Quỳ đã chiếm 4 châu và một huyện của Đại Việt là Quảng Nguyên, Quang Lang, Tô Mậu, Môn, và Thuận châu. Sau đó, năm 1057 Nùng Tôn Đàn nộp động Vật Ác và năm 1064 Nùng Trí Hội nộp thêm động Vật. Dương. Vua Lý Nhân Tông phái sứ qua thương lượng nhiều lần, vua Tống chỉ chịu trả cho 4 châu và một huyện, nhưng không trả hai động Vật Ác và Vật Dương.
2.- Mất 59 thôn ở Cổ Lâu
Năm 1401, khi Hồ Hán Thương được Hồ Quý Ly nhường ngôi, đã sai sứ sang xin vua nhà Minh phong vương. Vua Thánh Tổ nhà Minh nghe tin ở An Nam đang có chuyện lộn xộn nên cho điều tra và biết được Hồ Quý Ly đã cướp ngôi nhà Trần. Nhà Minh muốn nhân cơ hội này đem quân sang chiếm nước An Nam, lấy lý do là để hạch tội Hồ Quý Ly. Khởi đầu, vào năm 1405 nhà Minh sai sứ sang đòi lại đất Lộc châu, tức Lộc Bình thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay, viện lý do đất này trước đây thuộc châu Tự Minh của tỉnh Quảng Tây. Lúc đầu Hồ Quý Ly không chịu, nhưng thấy áp lực của nhà Minh quá nặng nên Hồ đã sai quan hành khiển là Hoàng Hối Khanh đến dàn xếp. Hoàng Hối Khanh quyết định cắt 59 thôn ở Cổ Lâu nhường cho Tàu. Hồ Quý Ly thấy cắt nhiều quá, có mắng Hoàng Hối Khanh. Tuy đã nhún nhường như thế, nhà Minh vẫn không chịu, đem binh qua chiếm nước ta.
3.- Mạc Đăng Dung giao hai châu và 4 động cho Tàu
Theo cuốn “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí” của Phan Huy Chú, năm 1540 khi Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh, đã trao trả 2 châu và 4 động cho nhà Minh. Hai châu là Như Tích và Chiêm Lãng, và 4 động là Tê Phù, Kim Lạc, Cổ Sâm và Liêu Cát. Các lãnh thổ này được sát nhập vào châu Khâm của Tàu. Nhưng Mạc Đăng Dung không được nhà Minh phong vương mà chỉ phong làm Đô Thống Sứ.
4.- Mất 13 châu và 3 động.
Năm 1684, thổ quan huyện Khai Hóa của tỉnh Vân Nam đem quân chiếm ba động Vị Xuyên, Bảo Lạc và Thủy Vĩ thuộc tỉnh Tuyên Hưng của ta. Chúa Trịnh Thuận Đức cho sứ qua đòi lại nhưng nhà Thanh không trả.
Năm 1698 thổ quan tỉnh Vân Nam lại chiếm thêm ba động Ngưu Dương, Hồ Điệp và Phổ Viên thuộc tỉnh Tuyên Quang. Sứ thần Nguyễn Đăng Đạo đến Trung Quốc xin vua Khang Hy trả lại, nhưng vua từ chối. Chúa Trịnh Bính lại phái sứ khác qua nhà Thanh xin xem lại vụ này, nhưng quan Tuần Phủ Quảng Tây không cho đi. Từ đó, ba động này kể như mất luôn.
Năm 1781, dưới thời Tây Sơn do Nguyễn Nhạc lãnh đạo, Hoàng Công Thư đã đem 10 châu của nước Việt nộp cho Tổng Đốc tỉnh Vân Nam. Triều đình ta gởi thư yêu cầu Tổng Đốc Vân Nam xét lại biên giới. Tổng Đốc Vân Nam trả lại thư và nói rằng biên giới tự nhiên không cần vạch lại.
Trên đây là một số vụ mất đất điển hình trong thời phong kiến.
MẤT ĐẤT DƯỚI THỜI XHCN
Có thể nói, nếu không có Pháp xâm chiếm và đô hộ nước ta, khó mà ấn định được đường ranh giới hợp lý và khoa học trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Hoa.
Sau nhiều lần thương lượng rất gay cấn, kể cả dùng sức mạnh quân sự, ngày 9/06/1885 nhà cầm quyền Pháp và Trung Hoa đã ký Công Ước Thiên Tân về biên giới Việt – Trung được gọi là “Hiệp Ước Hòa Bình, Hữu Nghị và Thương Mại” (Traité de Paix, d’Amitié, et de Commerce). Công ước này đã được bổ túc do công ước ngày 26/06/1887 và công ước ngày 20/06/1895.
Mặc dầu có những hiệp ước ấn định ranh giới một cách rõ ràng nói trên, kể từ năm 1954, sau khi Pháp rút khỏi miền Bắc, Trung Quốc bắt đầu xâm phạm biên giới Việt Nam. Những vụ xâm phạm này đã được nhà cầm quyền Hà Nội ghi rõ trong tập “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”, do nhà xuất bản Sự Thật của Hà Nội xuất bản năm 1979, sau khi Trung Quốc đem quân “dạy cho Việt Nam một bài học.” Trong “Lời Nhà Xuất Bản”, nhà xuất bản Sự Thật nói rõ đây là toàn bộ “Bị vong lục của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây khiêu khích, xâm lăng lãnh thổ Việt Nam ở vùng biên giới”.
Vì tập sách khá dài, chúng tôi chỉ ghi lại những điểm chính. Trong phần “Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay”, nhà cầm quyền Hà Nội cho biết thủ đoạn lấn chiếm đất của Trung Quốc như sau:
(1) Từ xâm canh, xâm cư, đến xâm chiếm đất (tr. 8).
(2) Lợi dụng việc xây dựng các công trình hữa nghị để đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam (tr. 10).
(3) Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam (tr. 11).
(4) Từ mượn đất của Việt Nam đến biến thành lãnh thổ của Trung Quốc (tr. 12).
(5) Lợi dụng việc vẽ bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới, điển hình là đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53), nơi chúng định chiếm một phần thác Bản Giốc và cồn Pò Thông (tr.14)…
Sau đây là một số trích đoạn được trích dẫn:
1.- Từ xâm canh, xâm cư đến xâm chiếm đất.
Tài liệu cho biết:
“Lợi dụng đặc điểm là núi sông hai nước ở nhiều nơi liền một dải, nhân dân hai bên biên giới vốn có quan hệ họ hàng, dân tộc, phía Trung Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh thổ Việt Nam để làm ruộng, làm nương rồi định cư những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng nương, cuối cùng nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược coi những khu vực đó là lãnh thổ Trung Quốc”.
Một thí dụ cụ thể: Từ năm 1956 phía Trung Quốc tìm cách nắm số dân Trung Quốc sang làm ăn ở Trình Tường bằng cách cung cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường, vải và nhiều hàng khác, đưa họ vào công xã Đồng Tâm thuộc huyện Đông Hưng, khu tự trị Choang-Quảng Tây. (tr. 8 và 9)
2.- Lợi dụng việc xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
“Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Yên Viên gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã đề nghị Chính phủ hai nước giao cho ngành đường sắt hai bên điều chỉnh lại điểm nối ray cho phù hợp với đường biên giới lịch sử nhưng họ một mực khước từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vấn đề biên giới thì sẽ xem xét…” (tr.10)
3.- Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam.
“Trên đoạn biên giới đất liền cũng như ở các đoạn biên giới đi theo sông suối, tại nhiều nơi, phía Trung Quốc đã tự tiện mở rộng xây dựng các công trình để từng bước xâm lấn đất.
“Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20/02/1970 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc… (tr.11 và 12).
Trên đây chỉ là một vài thí dụ cụ thể. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này sau.
LỆNH PHẢI GIỮ ĐẤT
Năm 1473 khi Lê Duy Cảnh, Thái bảo kiến dương bá, đi trấn giữ ở vùng biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây, vua Lê Thánh Tông đã trao cho ông một sắc dụ, trong đó viết:
“Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vứt bỏ, ngươi nên cố cãi, chớ cho họ lấn dần, nếu họ không nghe, còn có thể sai quan sang xứ Bắc triều bày tỏ phải trái. Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di”.■
California , ngày 11.8.2009
-----------------

Cách thức đòi đất

Lữ Giang



Bây giờ ở hải ngoại, gần như người Việt chống Cộng nào cũng thuộc bài thơ hay bài hịch được nói là của Lý Thường Kiệt và coi đó như là khuôn vàng thước ngọc để đánh đuổi quân Tàu. Bài thơ hay bài hịch đó như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


Được dịch là:

Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.


Vì ít đọc sử, nhiều người tin rằng nhờ bài thơ hay bài hịch đó, Lý Thường Kiệt đã đánh thắng quân Tống, nên ngày nay ta cũng phải dùng bài thơ hay bài hịch đó để cho bọn bá quyền Trung Quốc “một bài học”. Nhưng sự thật không phải thế. Lịch sử cho thấy dưới thời nhà Lý, các vua nhà Lý và Lý Thường Kiệt đã phải chiến đấu rất vất vã và ngoại giao rất khôn khéo mới bảo vệ được đất nước.

ĐÁNH VÀ HOÀ VỚI NHÀ TỐNG

Lý Thường Kiệt (1019–1105) tên thật là Ngô Tuấn, làm tướng thời Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông, và làm Phụ chính thời Lý Nhân Tông. Ông là một danh tướng có công đánh và chống lại quân nhà Tống từ 1075 đến 1077, và đã tấn công Chiêm Thành năm 1069, truy đuổi và bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ.

Sử chép rằng dười thời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) quan Tống là Lưu Gi gây khó khăn cho người Giao Chỉ ở biên giới, vua Lý gởi thư qua hỏi Tống triều, quan Lưu Gi giữ lại không cho đệ về kinh. Vua Lý Nhân Tông liền sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân đi đánh.

Năm Ất Mão (1075) Lý Thường Kiệt đem quân qua vây Khâm Châu và Liêm Châu (thuộc Quảng Đông), còn Tôn Đản đem quân đi đánh Ung Châu. Lý Thường Kiệt và Tôn Đản giết đến 10 vạn (100.000) người (?), bắt người và lấy của đưa về.

Năm 1076, quân Tống đem đại binh qua nước ta chinh phạt, vua Lý lại sai Lý Thường Kiệt đem quân ra chận quân Tống ở sông Như Nguyện (hạ lưu sông Cầu). Quân Tàu chặt gỗ làm máy bắn đá sang như mưa, thuyền của ta bị thủng rất nhiều, quân sĩ chết mấy ngàn người. Lý Thường Kiệt hết sức chống giữ nhưng sợ quân ta ngã lòng, nên sai người vào đền thờ anh em Trương Hống và Trương Hát (tướng của Triệu Việt Vương) phổ biến bốn câu thơ nói trên và nói do một vị thần ban cho.

Sách “Lĩnh Nam Trích Quái” cho biết bài thơ này không phải của Lý Thường Kiệt. Bài thơ đó đã được sáng tác từ thời Tiền Lê và đã được Lê Hoàn, tức vua Lê Đại Hành (980 – 1005) vận dụng để dánh quân nhà Tống trước đó rồi.

Vua Lý Nhân Tông thấy quân ta không giải vây địch được, trước hơn 80.000, sau chết hơn một nữa, nên quyết định thương lượng xin bãi binh.

CÁC CUỘC THƯƠNG LƯỢNG GAY CẤN

Sở dĩ nước ta nhỏ bé sống bên nước Tàu vĩ đại, “sông liền sông, núi liền núi”, mà không bị biến mất như Tây Tạng, Tân Cương hay Mãn Châu vì các lý do chính sau đây: Lý do thứ nhất là vì vùng Bắc Việt ngày xưa được coi như là một vùng sơn lam chướng khí, người Tàu đến đây không hợp thủy thổ, bị chết rất nhiều vì các chứng bệnh thổ tả, kiết lỵ, số rét v.v. Do đó, quan và quân Tàu không ở đây lâu được. Lý do thứ hai là các triều đại của Tàu thay đổi hoài, nên chủ trương cũng thay đổi. Lý do thứ ba là cha ông ta rất kiên cường, nhưng cũng rất khôn khéo, biết khi cương khi nhu, nên đã đối phó được với Tàu. Nếu cha ông chúng ta lúc nào cũng thích “biểu dương khí thế” như Chiêm Thành, nước Nam cũng đã mất từ lâu rồi.

Chúng tôi xin ghi lại dưới đây các cuộc thương lượng rất gay cấn giữa nhà Lý với nhà Tống như những bài học lịch sử để người đời sau có thể rút kinh nghiệm.

1.- Đòi Lôi Hỏa và Kế Thành

Đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), động Lôi Hỏa ở phía tây Cao Bằng được giao cho một tù trưởng người Nùng cai trị, đó là Nùng Tông Đản. Năm 1057, nhân một lúc cao hứng, Nùng Tông Đản đã đem quân qua quấy phá vùng Ung châu của Trung Quốc. Thay vì đánh dẹp quân của Nùng Tông Đản, Trung Quốc đã dụ viên tù trưởng này ly khai khỏi Đại Việt và bổ anh ta coi hai vùng Lôi Hỏa và Kế Thành của Đại Việt và biến vùng này thành đất của Trung Hoa với cái tên mới là châu Thuận An. Bỗng dưng ta bị mất một phần đất!

Vua Lý Thánh Tông sai sứ thần Lê Thuận Tông qua Trung Quốc xin lại phần đất này. Sứ thần Lê Thuận Tông đến Quế Châu gặp quan nhà Tống là Lục Sẵn nhờ tâu lên vua Tống xin trả lại đất. Vua Tống hỏi ý kiên đình thần. Tể Tướng Hàn Kỷ đã tâu như sau: “Xứ Giao Châu rừng núi hiểm trở, khí hậu ẩm độc. Nếu có lấy cũng không giữ được. Chỉ nên vỗ về mà thôi”. Vua Tống liền truyền trả lại hai vùng nói trên cho vua Lý.

2.- Dùng biện sĩ để bàn hoà

Như đã nói ở trước, sau khi Lý Thường Kiệt và Tôn Đản kéo quân qua đánh phá châu Khâm, châu Liêm và Ung châu của Tàu, vua Tống Thần Tông đã sai Quách Quỳ và Triệu Tiết đem quân đánh trả đủa. Quách Quỳ kéo đại binh đến bờ bên kia sông Như Nguyệt, cách kinh đô Thăng Long chỉ khoảng 30 cây số. Quân của Lý kéo tới chận bên này sông, không cho quân Tàu tràn qua. Đại quân của Tàu có khoảng 100.000 binh lính và 200.000 phu, tuy rất mạnh nhưng vì gặp chướng khí và thiếu lương thực nên chỉ sau một thời gian đã chết đến một nữa, phần còn lại đa số đều gầy yếu xanh xao. Tuy thế, khi quân Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công vào Kháo Túc, quân Tàu đã chống cự rất quyết liệt, quân Lý bị thiệt mất hai hoàng tử là Hoàng Chân và Chiêu Văn.

Thấy địch khó thắng được ta vì không hạp thủy thổ và lương thực tiếp tế thiếu hụt, còn ta khó chống lại địch vì thực lực không bằng địch, và nếu quân Tống bị bại trận này, vua Tống có thể cử đại binh khác qua chinh phạt, nên Lý Thường Kiệt tâu với triều đình rằng “dùng biện sĩ để bàn hòa, không nhọc lòng tướng tá, khỏi tốn máu xương mà bảo an được tông miếu.” Vua Lý Nhân Tông đồng ý, sai Kiều Văn Ứng là quan giữ chức Văn Tư Sứ, có tài biện luận và thuyết phục, đến gặp Quách Quỳ để xin hòa.

Kiều Văn Ứng đã nói với Quách Quỳ rằng việc quân Việt kéo qua quấy phá châu Khâm và châu Liêm của đại quốc là do sự xúi biểu của người Tống là Từ Bá Tường chứ không phải chủ trương của vua Đại Việt. Vậy nếu đại quốc bằng lòng lui binh, nước Đại Việt sẽ cử sứ sang tạ lỗi và xin tiếp tục nộp cống như xưa.

Mặc dầu Kiều Văn Ứng xuống nước như vậy, Quách Quỳ nghĩ rằng mình là Tướng đem đại quân đi trừng phạt nước Việt, chưa làm được gì cả mà đã thiệt mất nữa quân số, nay nếu rút lui như thế này thì coi như bị thua trận, chắc chắn sẽ không khỏi bị triều đình trừng phạt. Do đó, Quách Quỳ không đồng ý.

Kiều Văn Ứng về trình lại, Lý Thường Kiệt liền sai Kiều Văn Ứng qua thương thuyết lần thứ hai, đưa điều kiện mới cho Quách Quỳ: “Nơi nào quân Tống đã chiếm, coi nơi đó như đất Tống.” Tuy nói như vậy, nhưng Lý Thường Kiệt thừa biết rằng Quách Quỳ không thể ở Đại Việt lâu được vì thủy thổ không hợp, quân sĩ sẽ chết lần mòn hết, nên thế nào cũng phải rút lui. Khi quân Tống rút lui thì đất Đại Việt lại trở về Đại Việt.

Quách Quỳ cũng hiểu như thế, nhưng với điều kiện mới này, Quách Quỳ có thể lui binh mà không bị mang tiếng là thua trận. Do đó, khi nghe Kiều Văn Ứng đưa ra điều kiện mới, Quách Quỳ đành chấp thuận, nhưng than: “Ta không đạp đổ được sào huyệt của giặc, bắt được Lý Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) để bảo mệnh triều đình, đó là tại Trời. Thôi, ta đành chịu tội với triều đình để cứu hơn 10 vạn nhân mạng”.

Quách Quỳ tâu về triều đình, vua Tống chấp nhận điều kiện của vua Lý. Thế là đến đầu tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077), chiến cuộc coi như chấm dứt.

3.- Chiến thuật vừa đánh vừa đàm

Khi quân của Quách Quỳ rút đến đâu thì quân nhà Lý tiếp thu đến đó. Nhưng quân Tống đã giữ lại 5 châu miền núi không chịu rút, đó là các châu Quảng Lang, Tư Lăng, Tô Mậu, Môn và Quảng Nguyên. Quân Tống quyết giữ hai châu Quảng Lang và Quang Nguyên vì đó là cửa khẩu đi vào châu Ung của Tàu. Ngoài ra, Quảng Nguyên lại còn là nơi có mỏ vàng. Nhà Tống ra quyết định đổi Quảng Nguyên thành châu Thuận An và nâng Quảng Lang lên thành huyện.

Trước tình trạng nói trên, Lý Thường Kiệt bất thần cho quân tiến vào chiếm Quảng Lang. Nhưng Lý Thường Kiệt không dám đánh Quảng Nguyên vì nơi đó có đại binh của Tống đang giữ. Ông lại quyết định dùng ngoại giao để lấy lại Quảng Nguyên. Ông bàn với vua Lý Nhân Tông sai sứ thần Lý Kế Nguyên qua Ung châu thương lượng với quan Tàu là Triệu Tiết đang cai trị ở đây, nhờ xin trả lại Quảng Nguyên, hứa sẽ phóng thích hết các tù binh đang giam giữ và tiếp tục triều cống.

Triệu Tiết về triều xin yết kiến vua Tống và trình bày thỉnh nguyện của sứ giả Đại Việt. Vua Tống đã xuống chiếu như sau: “Giao Chỉ đã theo ta rồi. Nếu nó sai người tới bàn việc, hãy cho tới Quế Châu.” Tuy nhiên, vua Tống vẫn sợ quân Lý lại bất thần đánh Ung châu như đã đánh Quảng Lang, nên đã hỏi Triệu Tiết: “Giao Chỉ thuận nghịch như thế nào? Chúng sắp vào cống. Thế nào chúng cũng yêu cầu trả miền đã nhượng cho ta, ta nên trả lời nhanh hay chậm, cho chúng nhiều hay ít?”

Biết được sự lo sợ của Vua Tống, sứ thần Lý Kế Nguyên đến biên giới Việt - Hoa để trấn an và thương lượng với quan Tàu về việc xin lại đất. Lý Kế Nguyên khẳng định với Triệu Tiết rằng nước Đại Việt không theo đuổi mục tiêu quân sự, chỉ muốn sống hòa bình.

Quan Tàu lấy ấn tín vua Tàu đã phong cho vua Lý ra mà hiểu dụ rằng Lý Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) phải trả lại nhân khẩu đã cướp, triều đình Tống mới cấp đất cho. Lý Kế Nguyên làm biểu của vua Lý dâng lên vua Tống nói rằng vua Lý chấp thuận điều kiện đó. Nhưng khi đọc biểu của vua Lý, Triệu Tiết thấy rằng trong đó có chỗ dùng chữ phạm húy nên không dám dâng. Lý Kế Nguyên phải trở về Thăng Long làm lại tờ biểu khác, bỏ chỗ phạm húy đó đi.

Đầu năm Mậu Ngọ (1078), vua Lý Nhân Tông lại sai sứ thần Đào Tông Nguyên qua Trung Quốc xin lại đất Quảng Nguyên và Quảng Lang. Sứ đem theo một tờ biểu và 5 con voi cống vua Tống. Biểu viết như sau:

“Tôi đã nhận được chiếu chỉ cho phép theo lệ tới cống y như lời tôi thỉnh cầu. Chiếu lại đã sai quan thuộc Ty An phủ định rõ cương giới và dặn tôi không được xâm phạm. Tôi đã vâng lời chỉ dụ. Nay sai người tới cống phương vật. Tôi xin triều đình trả lại các đất Quảng Nguyên và Quảng Lang.”

Triệu Tiết nhận biểu và tâu về vua Tống. Vua Tống ra chỉ dụ: “Hãy để sứ thần tới kinh rồi hãy phán xử về cương giới”. Tuy nhiên, vua Tống cũng ra lệnh đề phòng những hành động của người Việt. Vua đã phê vào biểu của vua Lý:

“Sứ Giao Châu tới kinh. Vì chúng mới đánh cướp đất ta nên phải đề phòng. Khi còn ở dọc đường cũng như khi tới kinh, hễ chúng ra vào phải cắt người giám thị. Vậy phải viết thư cho Ty Kinh Lượng Quảng Tây và các viên hộ tống phải mau mau báo cáo. Nếu dọc đường có xẩy ra việc gì, Ty Kinh Lược chưa kịp bẩm thì cứ việc mà thi hành”.

Vì phải dẫn đàn voi 5 con đi rất khó nhọc nên mãi đến ngày 2 tháng 9 năm Mậu Ngọ, tức 9 tháng sau, sứ thần Đào Tông Nguyên mới tới được kinh đô nước Tàu. Khi qua kinh Hồ Bắc, viên phụ trách chuyển vận sứ không có đủ phu hộ tống để đưa đàn voi qua, sứ Đào Tông Nguyên phải bỏ tiền ra thuê thêm phu phục dịch đàn voi.

Triệu Tiết khuyên vua Tống Thần Tông không nên trả lại hai châu cho nhà Lý cho đến khi vua Lý trả lại các tù binh và nhân khẩu đã bị bắt năm trước, nên vua Tống đã xuống chiếu cho vua Lý:

“Khanh đã được triều đình cho coi cỏi Nam Giao, đời đời ban vương tước, thế mà khanh đã bội đức, phụ mệnh tới cướp phá các biên thành, đã bỏ lòng trung thuận của cha ông, làm phiền quân triều đình phải đi chính phạt. Đến lúc quan quân vào trong cõi, thế bức bách rồi khanh mới quy hàng. Xét tội thì khanh càng đáng bị truất chức.

“Nay khanh đã sai sứ tới cống dâng lời kính cẩn. Xét rõ tư tình, Trẩm thấy khanh đã biết hối.

“Trẩm vỗ về vạn quốc không kể gần xa, nhưng khanh phải trả dân các châu Khâm, Ung mà khanh đã đưa đi xa làng mạc chúng. Đợi khi nào đưa chúng trở về hết, Trẫm sẽ lập tức lấy các châu Quảng Nguyên ban cho khanh”.


Đào Tông Nguyên thay mặt vua Lý xin hứa sẽ trả lại một nghìn quân và dân đã bắt ở ba châu Khâm, Liêm và Ung. Vua Tống lại đặt thêm một điều kiện mới là phải trừng phạt những kẻ cầm đầu đã gây ra các cuộc quấy phá. Vua Tống xuống chiếu như sau:

“Giao Chỉ quận vương Lý Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) bằng lòng trả những người đã cướp ở ba châu Ung, Khâm, Liêm thì theo lời khanh đã xin, Trẩm đem các châu Quảng Nguyên và huyện Quảng Lang trả lại cho, nhưng phải đem các thủ lĩnh đã gây loạn đến biên giới xử”.

Biết được quân Tống sẽ không thể ở lại Quảng Nguyên lâu dài vì thời khí ở đây rất khắc nghiệt, quân Tống cứ đau ốm mà chết dần, nên Lý Thường Kiệt chỉ trả một ít tù binh và nhân khẩu mà thôi. Các tù nhân và nhân khẩu này đang bị giam tại Nghệ An.

Ngày 13 tháng 10 năm Kỷ Mùi (1078) các tù nhân được đưa đến Quảng Tây bằng thuyền. Để cho các tù nhân không biết họ đã bị giam giữ ở nơi nào, cách xa biên thùy Trung - Việt bao nhiêu dặm, các tù nhân được đưa lên các thuyền bịt kín, ở trong thắp đèn, để các tù nhân không biết ngày hay đêm. Mỗi ngày thuyền chỉ đi từ 10 đến 20 dặm rồi dừng lại. Thuyền đi mất mấy tháng mới tới Quảng Tây. Ty Kinh Lược Quảng Tây tâu lên vua Tống rằng Giao Chỉ đã trả 221 người. Đàn ông từ 15 tuổi trở lên đều có thích vào trán ba chữ “Thiên tử binh” (quân của Thiên tử). Một số người bị thích chữ “đầu Nam triều” (theo về với Nam triều). Đàn bà chỉ thích vào tay trái chữ “Quan khách”.

Vua Tống phê lên biểu của Ty Kinh Lược Quảng Tây: “Thuận châu là nơi lam chướng, dẫu được cũng không lợi ích gì, há nên dồn quân lính vào chỗ chết ư?”. Sau đó vua Tống truyền trả lại đất Quảng Nguyên cho vua Lý. Tuy nhiên, quan coi Ty Kinh Lược Quảng Tây đã giữ lại một số động và nói rằng đất đó trước đây thuộc Ung châu của Trung Quốc, rồi họ dồn 9929 người vào vùng này. Như vậy, mặc dầu đã đấu tranh rất căm go, một phần đất của nước Việt vẫn còn nằm trong tay của nhà Tống.

4.- Đi thỉnh Tạng kinh để cầu hoà

Năm Tân Dậu (1080), vua Lý lại đưa một phái đoàn gồm 156 người đến Trung Quốc để nạp cống đồng thời xin thỉnh Tạng kinh của Đức Phật. Phái đoàn do Dương Dũng Luật làm chánh sứ, còn Nguyễn Văn Bội làm phó sứ. Vua Lý Nhân Tông làm một tờ biểu dâng lên vua Tống như sau:

“Trước đây tôi có sai bọn Đào Tông Nguyên vào triều cống nhưng bị quan Quảng Châu cầm chế, ngăn cản nên các thú vật đem cống không cùng tới một luợt được. Nay tôi lại sai viên Lương Dũng Luật và Nguyễn Văn Bội đi thuyền tới cống. Xin giáng chỉ cho phép theo lệ mà vào kinh”.

Viên quan đang cai quản Quảng Tây lúc đó là Trương Hiệt đã tâu lên vua Tống rằng phái đoàn Giao Chỉ vào cống lên đến 156 người. Như vậy theo lệ cũ, thừa ra 56 người. Vua Tống Thần Tông truyền lệnh cứ cho vào, nhưng lần sau phải giữ lệ cũ là 100 người mà thôi. Sở dĩ phái đoàn Đại Việt đi đông như vậy là vì phải có đủ người mới thỉnh Tạng kinh được, vì bộ kinh này rất lớn.

Sứ bộ xin đi theo đường thủy là đường Kinh Hồ để vào kinh. Vua Tống thuận và sai một viên kinh hộ tống theo phái đoàn đi thỉnh Tạng kinh. Sau đó, vua Tống còn hạ chỉ cho các quan cai quản tỉnh Quảng Tây: “Từ nay, hể có chiếu cho An Nam thì sai Khâm Châu báo cho nước ấy, đợi họ sai người tới biên giới thì giao cho”.

Như vậy, nhờ tài ngoại giao khéo léo, nhà Lý đã lấy lại được các phần đất đã bị quân Tàu chiếm và thiết lập được bang giao thân thiện với Trung Quốc, chứ không phải chỉ đọc hịch và “biểu dương khí thế” mà có như nhiều người lầm tưởng.

CÓ VAY THÌ PHẢI CÓ TRẢ

Trên đây là một số bằng chứng về cách đòi đất của người xưa. Dưới thời đảng CSVN, mọi sự đã diễn biến khác hẵn.

Sau Hiệp Định Genève 1954, nhà cầm quyền CSVN cai trị miền Bắc một thời gian mới nhận ra rằng nếu không có miền Nam, miền Bắc không thể phát triển được, nên quyết định phải chiếm miền Nam bằng mọi giá. Muốn chiếm miền Nam, lại phải nhờ Trung Quốc và lệ thuộc vào Trung Quốc như trước đây chống Pháp.

Cuốn “Lịch Sử Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước 1954 – 1975” (Tập II, tr. 235) của Bộ Quốc Phòng Hà Nội cho biết sau khi thông qua Nghị Quyết 15 về “giải phóng Miền Nam” vào đấu tháng 5/1959, Đảng CSVN đã đem nghị quyết này đi trình các đảng Cộng Sản Liên Sô và Trung Quốc. Bí Thư Thường Trực đảng Cộng Sản Liên Sô là Kuxơnen nói:

“Đảng Cộng Sản Liên Sô không đồng tình với chủ trương của Nghị Quyết 15, phải củng cố miền Bắc, qua đó rồi thống nhất, không có chuyện vũ trang khởi nghĩa.”

Còn Trung Quốc thì sao? Tài liệu cho biết:

“Đặng Tiểu Bình đồng ý phương hướng chung của cách mạng miền Nam đã đề ra trong Nghị Quyết 15, nhưng nhấn mạnh: Hoạt động vũ trang chỉ nên đến quy mô đại đội.”

Cũng như thời chống Pháp, Hà Nội đã tiếp nhận tối đa võ khí và tiếp liệu của Trung Quốc để chiếm miền Nam. Để đổi lại, Trung Quốc làm gì ở biên giới, Hà Nội cứ phớt lờ, coi như không có chuyện gì xẩy ra. Đảng CSVN tính toán rằng nếu chiếm được miền Nam mà có mất đi vài khu ở biên giới thì chẳng nghĩa lý gì! Mãi đến đầu năm 1979, khi Trung Quốc đem quân qua biên giới “dạy cho Việt Nam một bài học”, Hà Nội mới phản ứng, cho phát hành cùng một lúc ba tập sách, chửi Trung Quốc cạn tàu ráo máng:

(1) “Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam - Trung Quốc Trong 30 Năm Qua” (Bộ Ngoại Giao)

(2) “Phê Phán Chủ Nghĩa Bành Trướng và Bá Quyền Nước Lớn của Giới Cầm Quyền Phản Động Bắc Kinh” (Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam)

(3) “Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung Quốc” (Nhà xuất bản Sự Thật 1979)

Trong gần 10 năm trở lại đây, người Việt chống Cộng ở hải ngoại đã thay nhau lớn tiếng chửi nhà cầm quyền CSVN “dâng đất, dâng biển” cho Trung Quốc, nhưng thường chỉ chửi đổng hay chửi khống (như Nam Quan của ta!), không thể nêu đích xác đất bị “dâng” ở chỗ nào. Nhờ tập thứ ba mà Hà Nội đã công bố, chúng ta mới biết được một cách chính xác Trung Quốc đã thật sự chiếm đất của Việt Nam ở những chỗ nào. Tập tài liệu này đã nói có sách, mách có chứng, Trung Quốc không thể cãi được. Một thí dụ cụ thể: Năm 1955, tại khu “Hữu Nghị Quan” (tức Ải Nam Quan):

- Trên tuyến đường sắt: Khi phục hồi đường sắt từ biên giới Việt – Trung đến Yên Viên (gần Hà Nội) cho Việt Nam, Trung Quốc đã đặt điểm nối rây giữa hai nước sâu vào lãnh thổ Việt Nam thêm 300m và coi đây là biên giới giữa hai nước!

Trên tuyến đường bộ: Trung Quốc cho ủi sập cột mốc biên giới số 18 trước Ải Nam Quan, cách ải này 100m, trên đường Quốc Lộ 1, rồi đặt cột km số 0 của quốc lộ này vào sâu trên lãnh thổ Việt Nam 100m và coi đó là cột mốc biên giới giữa hai nước. Như vậy, theo Công Ước Thiên Tân, cột mốc biên giới chỉ cách Ải Nam Quan của Trung Quốc 100m, nhưng Trung Quốc đã sửa thành 200m!

Tài liệu cho biết từ 1974 đến 1978, Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ Việt Nam tất cả 4333 vụ, chia ra như sau: 1974: 179 vụ, 1975: 294 vụ, 1976: 812 vụ, 1977: 873 vụ và 1978: 2175 vụ!

Ở hải ngoại, người Việt chống Cộng có hàng chục ngàn chuyên viên chửi Cộng Sản ngày đêm bằng đủ 36 kiểu, không thiếu kiểu nào, nhưng nếu so với những lời CSVN chửi CSTQ trong ba tập tài liệu nói trên, chúng ta thấy những lời chửi bới của người Việt chống Cộng chẳng nghĩa lý gì. CSVN còn xài cả “hịch” và nói đó là “Hịch Tướng Sĩ” của Vua Quang Trung đọc ở Thanh Hoá để doạ Trung Quốc, nhưng không cho biết hịch đó đã trích ở tài liệu nào. Hịch đó như sau:

“Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”


Có nghĩa là:

Đánh cho không một chiếc xe nào trở về,
Đánh cho không còn một mảnh giáp,
Đánh cho chúng biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ”.


Tuy nhiên, sau khi “biểu dương khí thế” long trời lỡ đất như vậy, Hà Nội nhận ra rằng Trung Quốc không hề bị rụng sợi lông chân nào. Trái lại, Trung Quốc đã cho công bố một tập tài liệu có nhan đề “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, viết rất lịch sự và nhẹ nhàng, ngầm cho thế giới biết rằng không có Trung Quốc không có Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có tổ chức và mạnh, không có chiến thắng Điện Biên Phủ..., làm đảng CSVN đau diếng.

Ngày nay, CSVN đã thấm đòn về chuyện bám vào “hậu phương đáng tin cậy” Trung Quốc để xâm lược, hết tự nhận là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”, từ bỏ thói quen “biểu dương khí thế” và bắt đầu học bài học lịch sử của cha ông. Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 19.1.2009, Đại Sứ Lê Công Phụng ở Washington DC đã nói: “Trung Quốc ngày càng lớn mạnh thì Việt Nam càng phải học cách sống chung, nhưng phải không ngừng làm quan hệ với Trung Quốc tốt đẹp trong sự tôn trọng lẫn nhau.”

Nhiều nhà phân tích cho rằng Hà Nội khó thoát khỏi cánh tay của Bắc Kinh, nhưng rồi sẽ chẳng có chuyện gì quan trọng xẩy ra trong lúc này vì hai bên vẫn phải bám vào nhau thành cái thế liên hoàn để bảo vệ tàn dư của chế độ cộng sản còn lại.

Lữ Giang

Tổng số lượt xem trang