Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Từ các cuộc tấn công khủng bố ở Paris, Trung Quốc nhìn thấy cơ hội để bào chữa cho việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Tân Cương xử tù người Duy Ngô Nhĩ vì để râu, che mặt. (Ảnh:
Tân Cương xử tù người Duy Ngô Nhĩ vì để râu, che mặt. (Ảnh: NYT)
-
-Từ các cuộc tấn công khủng bố ở Paris, Trung Quốc nhìn thấy cơ hội để bào chữa cho việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Tác giả: Larry Ong, Epoch Times | Dịch giả: Phạm Duy
26 Tháng Mười Một , 2015

-Sau khi những kẻ khủng bố có súng, tự nhận có liên kết với tổ chức khủng bố nhà nước hồi giáo tự xưng ISIS, tiến hành vụ thảm sát tại Paris với những quả bom tự chế và súng trường tự động Kalashnikov, giết hại ít nhất 129 người, đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng tận dụng cơ hội này để đạt được sự ủng hộ quốc tế.


Trung Quốc, như các quan chức tuyên bố, cũng có vấn đề khủng bố.

Nhưng các chuyên gia về khu vực Tân Cương Trung Quốc, nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ hồi giáo, lại cho rằng nguyên nhân của các bùng phát bạo lực ở khu vực Tân Cương là có rất ít sự tương đồng với những nhóm thánh chiến hồi giáo cực đoan như ISIS.


Chính phủ Trung Quốc đã tận dụng tình hình này để làm cho khán giả Phương Tây chấp nhận điều mà họ nói về Tân Cương

– Patrick Meyers, nhà nghiên cứu độc lập – Trường đại học Zurich ETH.

Nhận định trên của các chuyên gia cũng không ngăn được Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tại hội nghị cấp cao G20 ngày 15 tháng 11: “Trung Quốc cũng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, và việc tấn công lực lượng khủng bố ‘Đông Turkestan’ đại diện bởi Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, sẽ trở thành một phần quan trọng của chống khủng bố quốc tế”.

Những người đòi li khai Duy Ngô Nhĩ gọi Tân Cương bằng tên trước đây của nó là Đông Turkestan.

Một ngày trước và sau cuộc tấn công Paris 13 tháng 11, một vài phương tiện truyền thông nhà nước ở Trung Quốc đăng các bức ảnh các cảnh sát vũ trang quân phục màu đen đang xộc vào nơi trông như nhà ở tại khu vực nông thôn Tân Cương.

“Paris của nước Pháp đã bị đánh bởi một cuộc tấn công khủng bố tổi tệ nhất trong lịch sử của nó, với hàng trăm người chết và bị thương. Ở một nơi khác của thế giới, cảnh sát ở Tân Cương Trung Quốc, sau 56 ngày đuổi bắt, cũng đã tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào những kẻ khủng bố và đã đạt được những kết quả to lớn”, đây là dòng chữ (chú thích) theo sau các hình ảnh trình chiếu.

Sau khi bài viết này thu hút nhiều phản ứng phản đối mạnh mẽ, nó đã bị giỡ bỏ xuống.

“Chính phủ Trung Quốc đã tận dụng tình hình này để làm cho khán giả Phương Tây chấp nhận điều mà họ nói về Tân Cương,” ông Patrick Meyers, một nhà nghiên cứu độc lập với trường đại học Zurich ETH tại Thụy Sỹ, nói.

“Lời buộc tội của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ có mục đích chính trị đặc biệt: Trung Quốc kết nối người Duy Ngô Nhĩ với những kẻ khủng bố, để có thể đàn áp và tấn công cả hai”, ông Dilxat Raxit, người phát ngôn của Hội Nghị Duy Ngô Nhĩ Thế giới, nói trong một cuộc phỏng vấn trên điện thoại.

Quả thực có các bùng nổ bạo lực ở Tân Cương, ông Raxit nói, nhưng “việc người Duy Ngô Nhĩ đả kích ĐCSTQ là không có bất cứ điều gì liên quan tới chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.

Ông Raxit bổ sung “họ gọi nó là ‘khủng bố’ là để tránh cộng đồng quốc tế buộc tội ĐCSTQ có chính sách đàn áp ở Tân Cương”.
Cai trị hà khắc

Tân Cương là một khu vực rộng lớn ở phía tây của Trung Quốc. Nó đã bị xâm chiếm ( và theo cách diễn đạt của ĐCSTQ là “được giải phóng”) bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân trong năm 1949, và đã bị đặt dưới sự cai trị hà khắc mà ở đó dân số Duy Ngô Nhĩ gốc, những người hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, là những người thứ yếu và bị trấn áp ngay tại quê hương của mình.

Người Duy Ngô Nhĩ cảm thấy sâu sắc rằng người Hán, nhóm người vô thần có ưu thế ở Trung Quốc, đã di cư đến ồ ạt và chi phối chính phủ và xã hội, đẩy người Duy Ngô Nhĩ sang bên lề. Một cuộc điều tra dân số (ở Tân Cương) năm 2000 cho thấy người Duy Ngô Nhĩ chiếm 43% dân số, so sánh với 40% dân số của người Hoa – một sự hoàn toàn trái ngược với trước khi ĐCSTQ tiếp quản (Tân Cương) khi mà gần 90% dân số là người Duy Ngô Nhĩ.

Việc kiểm soát của cảnh sát là nghiêm ngặt và có rất nhiều hạn chế về việc tự do thực hành tín ngưỡng, bao gồm việc lựa chọn để râu hoặc ăn chay trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.


Người Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân của sự áp bức quyền con người bởi vì ở Tân Cương không có quyền con người, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tín ngưỡng
– Erkin Emet – Giáo sư, trường đại học Ankara.

Tháng 5 này, cơ quan của ĐCSTQ ở Laskuy, một thị trấn nằm tại thành phố Hòa Điền (Hotan) của Tân Cương, thậm chí đã ra lệnh cho các cửa hàng ăn và siêu thị trưng bày nổi bật về thuốc lá và rượu, 2 mặt hàng bị cấm kị cho người hồi giáo.

Cũng như các trường hợp với rất nhiều nhóm người dân tộc và tôn giáo thiểu số, ĐCSTQ đã mưu toan ngăn cấm ngôn ngữ và văn hóa Duy Ngô Nhĩ ngay từ khi họ đến và cai trị lãnh thổ. Ví dụ như, những đứa trẻ ở trường được dạy toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc phổ thông trong các lớp học, và chúng đã đang quên dần đi tiếng mẹ đẻ Duy Ngô Nhĩ của mình.
Các cuộc tấn công ‘phản kháng’ ở Trung Quốc

Nhóm người Duy Ngô Nhĩ nói rằng một phần trong việc phản kháng lại các chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc là một số cá nhân đã sử dụng vũ khí – 5 kẻ tấn công đã đâm bằng dao 33 người đến chết tại một ga tàu hỏa ở tỉnh Vân Nam trong tháng 3 năm 2014, 5 người Duy Ngô Nhĩ đã tấn công vào một chợ tại thành phố Urumqi, thủ phủ của Tân Cương ngày 22 tháng 5, giết chết 39 người.

Các chuyên gia nhìn nhận các cuộc bùng phát này là một cái gì đó hoàn toàn khác so với nhóm như ISIS, những kẻ có hệ tư tưởng cực đoan quá khích và tôn giáo rõ ràng, và hoạt động như một tổ chức khủng bố được tài trợ tố và tổ chức tốt.

“Người Duy Ngô Nhĩ rất rất tức giận với các chính sách của Trung Quốc, và một vài nhóm người cũng khốn khổ với tình trạng này và vì thế họ đã hành động một cách bạo lực” ông Meyers nói.

Ông Raxit nói rằng bạo lực của người Duy Ngô Nhĩ đã xảy ra “khi mọi người không thể chịu đựng được nữa” và rằng “Bắc Kinh có trách nhiệm không thể trốn tránh”. Một trong những trường hợp biết đến nhiều nhất là cuộc biểu tình tuần hành qui mô lớn bởi hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ ở thành phố Urumqi năm 2009, được thúc đẩy từ một vụ bạo lực chủng tộc trong một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông nằm ở phía nam của Trung Quốc.

Các hành động bạo lực – đâm chém người tại các nhà ga đường sắt, tấn công bằng dao hoặc bom tại các chợ – là các “trường hợp phản kháng”, ông Meyers nói, được đặc trưng thực hiện bởi các cá nhân hoặc nhóm nhỏ người Duy Ngô Nhĩ bị đối xử sai trái. “Một vài sự việc nhỏ bé xảy ra với họ và họ lập nên các nhóm tự phát”.

Mặt khác, ông Meyers bổ sung “Các vụ bạo lực ở Paris là được tổ chức và lập kế hoạch. Nó hoàn toàn khác về bản chất”.

Bởi vì tin tức quốc tế thảo luận về chủ nghĩa khủng bố và đạo hồi ở một mức độ rất nông cạn, sự tương tự mà chính phủ Trung Quốc đang cố gắng đưa ra, “sẽ có tác dụng và khán giả quốc tế sẽ chấp nhận nó” ông Meyers nói.

Ông Erkin Emet, một giáo sư tại trường đại học Ankara ở Thổ Nhĩ Kỳ, người chuyên sâu nghiên cứu về Tân Cương và ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ nói Trung Quốc đã đang nối kết người Duy Ngô Nhĩ với chủ nghĩa khủng bố kể từ sau cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11 tháng 9 năm 2011.

“Người Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân của sự áp bức quyền con người bởi vì ở Tân Cương không có quyền con người, quyền tự do ngôn luận, nguồn tự do báo chí và quyền tự do tín ngưỡng,” ông Emet nói.

Trong quan điểm của ông, mặc dù cộng đồng quốc tế không bị thuyết phục bởi cố gắng của nhà cầm quyền Trung Quốc nối kết chủ nghĩa khủng bố và người Duy Ngô Nhĩ – nhưng ĐCSTQ có thể thành công trong hành động tuyên truyền ở đất nước mình.

Tân Cương xử tù người Duy Ngô Nhĩ vì để râu, che mặt (Dân Trí): Một tòa án tại Tân Cương vừa tuyên phạt 6 năm tù giam với một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ vì để râu, và vợ ông ta 2 năm tù vì tội đeo mạng che mặt.

Tờ NYT hôm qua 29/3 cho biết người chồng 38 tuổi bị Tòa án huyện Kasgar, Tân Cương xử 6 năm tù giam vì tội để râu, còn người vợ bị xử 2 năm tù giam vì mang mạng che mặt.


Giới chức địa phương cho biết họ đã cảnh báo nhiều lần đối với hai vợ chồng này trước khi họ chính thức bị buộc tội “gây rối”, một cụm từ rất mơ hồ trong hệ thống pháp luật Trung Quốc.


Các quan chức địa phương cũng cho hay “từ đầu năm, đã có thêm nhiều trường hợp vi phạm các quy định cấm để râu mang mạng che mặt, và đều đã bị xét xử”.


Hồi năm ngoái, tình trạng bạo lực ở Tân Cương leo thang, đã có khoảng 200 người thiệt mạng trong hàng loạt vụ đánh bom tự sát và các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh địa phương. Bắc Kinh cáo buộc “các phần tử ly khai và cực đoan tôn giáo” gây ra những vụ tấn công này.


Bởi vậy, chính quyền khu tự trị này mở chiến dịch cấm đàn ông để râu nhằm chống khủng bố. Giới chức Tân Cương thậm chí còn treo thưởng người dân ở huyện này báo tin nếu như hàng xóm của họ để râu và tóc bất thường.


Đồng thời, chính quyền khu tự trị này cũng mở chiến dịch mang tên gọi “Kế hoạch sắc đẹp” để vận động phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bỏ khăn trùm đầu và mạng che mặt.
Thoa Phạm
Theo NYT


Vấn đề Tân Cương nghiêm trọng đối với TQ

Thông Tấn Xã Việt Nam

Mức độ nghiêm trọng của vấn đề
Tân Cương đối với Trung Quốc
Thứ Tư, ngày 29-7-2009

Mạng “Tin tức Hong Kong” ngày 23/7 đăng bài bình luận của Francesco Sisci, biên tập viên chính về khu vực châu Á của nhật báo lớn nhất Italia “La Stampa” đặt vấn đề sau nửa tháng trôi qua, vụ bạo loạn Tân Cương với quy mô nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc trong hàng thập kỷ vẫn ẩn chứa nhiều tình tiết chưa rõ ràng và không ít sự kiện dường như quá trùng hợp.

Yếu tố nổi bật nhất là thời điểm bắt đầu vụ bạo loạn trùng với chuyến thăm chính thức Italia đồng thời dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại đây. Hồ Cẩm Đào rời Bắc Kinh trong buổi sáng ngày 5/7 và tới Rome lúc 7 giờ tối (giờ địa phương). Vào khoảng 6 giờ tối cùng ngày, một đám đông tụ tập ở quảng trường Nhân dân tại Urumqi (thủ phủ Tân Cương) và đến 8 giờ tối, bạo lực bắt đầu diễn ra. Cảnh sát vũ trang can thiệp lúc khoảng 10 giờ tối và tình trạng bạo loạn kéo dài suốt đêm.

Dĩ nhiên, với thực tế là nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đang ở Italia và bận họp với quan chức chủ nhà khiến phản ứng và các quyết định tại Urumqi trở nên phức tạp hơn.

Đây có thể chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên, một điều kém may mắn cho Hồ Cẩm Đào và Trung Quốc. Nhưng “ngẫu nhiên” thường không xảy ra trong các phân tích chính trị và khắp thế giới đang nghi ngờ đằng sau đó là những âm mưu và tính toán ngầm.

Khả năng có một âm mưu xung quanh vụ bạo loạn ở Tân Cương không phải là lý do bào chữa cho những sai lầm trong chính sách của Bắc Kinh với người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng nếu quả thực có một âm mưu như vậy, rõ ràng một số người đã không nhận ra hoặc cố tình lờ đi cho đến khi mọi chuyện bùng nổ ngày 5/7.

Trước khi đi xa hơn trong phân tích về động cơ và đối tượng mà âm mưu này nhắm vào, hãy lùi lại thời gian để xem xét quá trình bắt đầu vụ bạo loạn. Ngày 16/6, Huang Jiangyuan, một thanh niên 23 tuổi tức giận vì không được nhận vào làm tại nhà máy đồ chơi Xuri Toy Factory (chủ Hong Kong) ở tỉnh Quảng Đông đã viết một bài trên diễn đàn Internet www.sg169.com kể rằng “6 thanh niên Tân Cương cưỡng hiếp 2 cô gái vô tội ở nhà máy Xuri”. Mười ngày sau, một nhóm người Hán tấn công các công nhân người Duy Ngô Nhĩ tại đây làm 2 người Duy Ngô Nhĩ thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Đến ngày 28/6, Huang Zhangsha, 19 tuổi, viết trên mạng rằng “8 người Tân Cương bị đánh chết trong một cuộc xung đột ở nhà máy”. Hãy thử tính toán. Mất 10 ngày cho câu chuyện bịa đặt của Huang Jiangyuan gây ra vụ đụng độ tại nhà máy Xuri. Rồi cũng mất 10 ngày để việc những người Duy Ngô Nhĩ bị giết châm ngòi cho ngọn lửa Urumqi. Tại sao phản ứng trong hai vụ này lại chậm chạp như vậy? Đó là dấu hiệu cho thấy có sự chuẩn bị và tổ chức kỹ lưỡng. Thực tế, ở nhà máy Xuri, đó không phải là cơn giận dữ bộc phát của một vài người mà là dạng tấn công trừng trị quy mô lớn khiến hơn 100 người bị thương. Phải mất thời gian để thuyết phục đông đảo người tham gia và tổ chức họ thực hiện cuộc tấn công đó.

Nhiều khả năng, kịch bản tương tự với quy mô còn lớn hơn đã xảy ra ở Urumqi. Một phản ứng giận dữ tự phát đáng lẽ đã phải xảy ra từ ngày 27/6, một ngày sau vụ tấn công ở nhà máy đồ chơi và là khi mà các gia đình nạn nhân đón nhận tin dữ về người thân ở Quảng Đông. Hoặc muộn một chút, nó đáng lẽ đã phải xảy ra vào ngày 29 hoặc 30/6, khi câu chuyện lan rộng trên Internet. Nhưng tại sao phải mất tới một tuần lễ, người ta mới xuống đường gây bạo loạn?

Có thể nguyên nhân là “ai đó” đã xem xét đến chuyến công du Italia của Hồ Cẩm Đào. Chủ tịch Trung Quốc sẽ vắng mặt trong vài ngày và chính phủ sẽ lộn xộn cho đến khi người đứng đầu quay trở về. Tình huống hoàn toàn có lợi cho những kẻ gây rối. Nếu Hồ Cẩm Đào cắt ngắn chuyến thăm (như thực tế đã xảy ra và đây là lần đầu tiên, một nhà lãnh đạo Trung Quốc phải huỷ bỏ kế hoạch chính thức ở nước ngoài vì một vụ lộn xộn trong nước), ông sẽ “mất mặt” trên trường quốc tế. Còn nếu tiếp tục lịch trình, những kẻ tổ chức bạo loạn sẽ có thêm thời gian bởi giới lãnh đạo sẽ chậm chạp trong phản ứng vì không có mặt Hồ Cẩm Đào.

Thực tế, khi xảy ra những vụ nghiêm trọng, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cần đạt được sự nhất trí toàn diện trong cách xử lý mà tất cả đều tán thành và không ai được phép lật lại quan điểm. Tháng 4/2001, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân phải cắt ngắn chuyến đi thăm Mỹ Latinh vì vụ EP3 (một máy bay do thám Mỹ va chạm với máy bay chiến đấu Trung Quốc và phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam). Ông Giang nói rằng ông không được thông tin đầy đủ khi ở nước ngoài. Thực tế, sự hiện diện cần thiết của Tổng bí thư trong các vụ lớn ở Trung Quốc còn được chứng minh từ lâu hơn thế như hồi tháng 4/1989. Khi đó, Tổng bí thư là Triệu Tử Dương đang thăm Bắc Triều Tiên, Bộ Chính trị đã họp nhất trí về một bài xã luận trên tờ “Nhân dân Nhật báo” phản đối phong trào của sinh viên. Triệu Tử Dương được cho là dù vắng mặt nhưng cũng đồng ý.

Tuy nhiên, sau khi xuất hiện, bài xã luận không “hăm doạ” được sinh viên trở lại trường và thay vào đó càng đổ thêm dầu vào lửa khiến tình hình phức tạp hơn. Khi Triệu Tử Dương trở về Bắc Kinh, ông nói rằng ông đã bị thông tin sai lệch. Ông lật lại quan điểm, tuyên bố ủng hộ việc rút lại bài xã luận gây tranh cãi trên, điều khiến nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị không hài lòng. Tình tiết này làm cho nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc mất đoàn kết và góp phần dẫn đến vụ đàn áp Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

Để tránh bài học tương tự, các quyết định quan trọng của Bộ Chính trị Trung Quốc được đưa ra với sự hiện diện của tất cả các uỷ viên. Vì thế, Hồ Cẩm Đào phải vội vã từ Italia về nước khí mức độ nghiêm trọng của vụ bạo loạn tại Tây Cương đã rõ ràng và cần có những biện pháp mạnh tay để giải quyết tình hình. Đó là một tiến trình ra quyết định rất cồng kềnh và nặng nề. Cho dù tránh được nguy cơ quyền lực tập trung vào một nhân vật (như trường hợp Mao Trạch Đông), nó vẫn kém hiệu quả hơn một tiến trình ra quyết định kiểu dân chủ, cởi mở mà không cần sự đồng thuận tuyệt đối. Với một hệ thống dân chủ, chính phủ có thể nhanh chóng ra quyết định khi đối mặt với một thách thức rõ ràng.

Trước khi trở lại với tiến trình này, cần đặt ra vài câu hỏi: Phải chăng, không ai nhận thấy cuộc nổi loạn đang đến? Phải chăng, sự chuẩn bị của những đối tượng nổi loạn không được phát hiện? Đến ngày 28/6, khi câu chuyện công nhân Duy Ngô Nhĩ bị giết hại ở Quảng Đông lan rộng trên Internet, rõ ràng vài điều nghiêm trọng sẽ xảy ra và sẽ có tình trạng “báo thù” sắc tộc. Phải chăng không ai nghĩ đến hậu quả của tin này ở vùng Tân Cương vốn “bất kham”? Quan trọng hơn, khi vụ bạo loạn dường như là có tổ chức và chuẩn bị kỹ lưỡng, phải chăng không ai thấy quá trình hình thành nó trước chuyến đi Italia của Hồ Cẩm Đào? Trừ phi tin rằng vụ bạo loạn hoàn toàn bột phát, cần xem xét khả năng Bắc Kinh đã đánh giá sai nghiêm trọng với tình hình hoặc thậm chí ai đó đã cố tình che giấu việc chuẩn bị cho cuộc bạo loạn này.

Nhà chính trị lão làng của Italia, cựu Thủ tướng nước này Giulio Andreotti, từng có câu nói để đời về chính trị: “Nghĩ xấu là một tội lỗi. Nhưng thường đó lại là suy nghĩ đúng”. Trong trường hợp này, suy nghĩ tiêu cực là ai đó đã thấy trước vụ bạo loạn nhưng không đánh động, cảnh báo. Tại sao? Có thể nhằm hạ bệ uy tín của Hồ Cẩm Đào? Vì lý do gì? Có thể đơn giản đây là một cơ hội, một thủ đoạn chính trị lớn hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012. Đại hội sẽ quyết định việc thăng tiến của một nhóm các quan chức mới và đương nhiên Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào sẽ có tiếng nói lớn nhất trong việc lựa chọn này.

Hồ Cẩm Đào có một thành tích lẫy lừng. Về cơ bản, ông đang giải quyết được vấn đề Đài Loan, điều mà ngay cả Mao Trạch Đông lẫn Đặng Tiểu Bình đều không làm được. Ông chống đỡ được cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 80 năm qua, làm chao đảo tất cả các nền kinh tế phương Tây. Ông cải thiện được quan hệ với Mỹ (có tầm quan trọng chiến lược), tổ chức thành công Thế vận hội Olympic năm 2008 và nâng cao được sự ủng hộ trong dân chúng đối với chính phủ. Ngay cả những kêu ca thường trực của phương Tây về vấn đề nhân quyền cũng xẹp hơi. “Bảng vàng công trạng” đó đem lại cho Hồ Cẩm Đào một quyền lực lớn.

Nhưng những quan điểm bất đồng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể nhằm vào những điểm có thể gây hại cho uy tín Hồ Cẩm Đào: Tình hình ở Tây Tạng thì sao? Tình hình ở Tân Cương thế nào? Phải chăng đều tệ hơn trước đây? Liệu Hồ Cẩm Đào có đánh mất sự ổn định ở Tây Tạng và Tân Cương trong khi bị cuốn hút vào giấc mơ Đài Loan và Mỹ? Liệu Hồ Cẩm Đào có tuột khỏi tầm tay sự kiểm soát đã từng làm tốt ở Tây Tạng và Tân Cương trong khi theo đuổi những thứ chưa có hoặc không bao giờ có là Đài Loan và Mỹ? Dĩ nhiên với quan điểm này, mọi chuyện càng lộn xộn ở các điểm nóng trên càng tốt. Vì vậy, nhiệm vụ sống còn của Hồ Cẩm Đào là giữ kiểm soát được Tây Tạng và Tân Cương bằng mọi giá, mọi hình thức.

Thực tế, khó mà biết được liệu có mâu thuẫn, tranh giành quyền lực nào đang xảy ra ở Trung Nam Hải, “Nhà Trắng” của Trung Quốc. Và dĩ nhiên những lập luận trên đều mang tính suy đoán. Nó có thể không thực, nhưng cũng có thể là thực. Bên cạnh những âm mưu giả định đó, hãy trở lại với một điều rõ ràng hơn là vụ bạo loạn Urumqi cùng hậu quả của nó đã chứng minh rằng Bắc Kinh cần cải cách cơ cấu của tiến trình đưa ra những quyết định. Sở dĩ cần sự nhất trí toàn diện lúc này vì tiến trình đưa ra quyết định là bí mật, và Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tránh tình trạng có những mưu toan “âm thầm” trong các quan chức Đảng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc có nhiều quy định và bí mật mang tính chính thức còn những bí mật không chính thức thường bị cấm đoán. Có nhiều hạn chế áp đặt với các chính trị gia cấp cao trong việc ngăn cản họ đi lại, trao đổi với nhau để tránh hình thành những “âm mưu” và bảo đảm rằng tất cả các quyết định chỉ được thảo luận tại các cuộc họp chính thức.

Dĩ nhiên, những bí mật không chính thức hay có thể gọi là các “âm mưu” là điều gì đó khá tự nhiên và bất cứ hệ thống chính trị nào cũng có chuyện âm thầm đi cửa sau như vậy. Một phần, nó là truyền thống từ lâu ở Trung Quốc khi bất cứ triều đại nào cũng có những âm mưu và toan tính. Tuy nhiên, vụ bạo loạn Tân Cương cho thấy vấn đề này cần được giải quyết mà giải pháp không thể là thắt chặt hơn nữa các quy định bởi như thế sẽ càng làm tình trạng “đi đêm” trong giới lãnh đạo càng nhiều thêm. Thay vào đó, tranh luận chính trị cần được cởi mở hơn, các nhà chính trí hàng đầu cần được tự do hơn. Nó sẽ giúp làm sáng tỏ về cách cư xử của cá nhân các nhà chính trị. Theo nghĩa khác, dân chủ hóa hơn nữa là cần thiết để tránh và ngăn ngừa mối nguy hiểm của những âm mưu mới.

Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh ở Trung Quốc đang kéo theo những cuộc biểu tình thành thị. Tình trạng suy giảm kinh tế khiến hàng nghìn người dân ở các thành phổ lớn giận dữ, dễ nổi loạn. Nếu nó xảy ra ở những làng mạc nhỏ, ảnh hưởng chính trị và xã hội sẽ nhỏ. Nhưng tại các thành phố lớn, tác động được khuyếch đại vì quy mô. Sự suy yếu kinh tế, dịp cho sự bất mãn nảy sinh với bất cứ vấn đề gì, là không thể tránh khỏi và thực tế đang tăng lên với quy mô của các thành phố. Dù vẫn có quá ít cuộc nổi loạn ở các thành phố Trung Quốc, nhưng như thế vẫn là nhiều cho một quốc gia mà sự tăng trưởng kinh tế lẫn chính trị đang làm thay đổi cán cân quyền lực thế giới.

Có một thực tế là quá trình đô thị hóa nhanh, dân chủ hóa là cách tốt nhất cho người dân “xả hơi” và giữ ổn định cơ cấu xã hội chung. Giới lãnh đạo Trung Quốc dĩ nhiên hiểu điều đó. Tuy nhiên, tốc độ dân chủ hóa có thể bị kiềm chế bởi sự bùng nổ những cuộc biểu tình thành thị (trừ phi chính quyền có thể lường trước và ngăn chặn). Vấn đề là tốc độ đô thị hóa và biểu tình xã hội đang không phù hợp với thời gian biểu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra cho quá trình dân chủ hóa. Đảng dường như muốn một tốc độ chậm hơn, nhưng những cuộc biểu tình cho thấy còn ít thời gian cho giai đoạn tạm lắng.

Có hay không một âm mưu đằng sau vụ bạo loạn Tân Cương, kẻ giật dây là tay trong hay ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc thì vấn đề đô thị hóa và dân chủ hóa dường như sẽ là đề tài chính trị trong nước lớn nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải thảo luận trong đại hội sắp tới.

Tổng số lượt xem trang