THANH BÌNH
Canada
Thuê lao động nước ngoài có thể là một phần thiết yếu trong chiến lược kinh doanh của một công ty ở Canada. Lao động nước ngoài có thể lấp đầy những thiếu hụt lao động và mang những kỹ năng cũng như hiểu biết mới để giúp phát triển nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, trong hầu hết mọi trường hợp, các lao động nước ngoài bắt buộc phải có giấy phép lao động để làm việc hợp pháp tại Canada. Khi thuê một người nước ngoài làm việc ở Canada, người chủ thuê nhân công phải nộp đơn lên Trung tâm Dịch vụ Canada nêu được công việc cần thuê là chính đáng; bù lấp được sự thiếu hụt lao động ở Canada hoặc việc thuê người nước ngoài làm việc sẽ trực tiếp tạo ra những cơ hội việc làm mới hay giúp duy trì những việc làm cho người Canada. Người lao động nước ngoài đó sẽ truyền những kỹ năng mới và hiểu biết cho người Canada…
Sau khi đã xét đơn và thấy các điều kiện nêu ra đều hợp lệ, Trung tâm Dịch vụ Canada phê chuẩn và có thư thông báo đến người lao động nước ngoài để người lao động này nộp đơn xin giấy phép lao động của Bộ Di trú và Quốc tịch Canada (CIC). Sau đó, CIC sẽ quyết định liệu người lao động nước ngoài có được phép làm việc và cư trú tạm thời ở Canada hay không.
Singapore
Theo khảo sát của Hãng tư vấn Gallup, Singapore là nơi hấp dẫn lao động nước ngoài số 1 trong 29 nền kinh tế có dân số dưới 20 triệu người. Ở đất nước 4 triệu dân này có đến gần 1 triệu người lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài tạo ra tới 41% GDP cho Singapore. Vì vậy, Cựu Thủ tướng Goh Chok Tong xem việc thu hút nhân tài nước ngoài là một vấn đề sống còn, quyết định khả năng cạnh tranh kinh tế của Singapore. Ông Lý Quang Diệu còn cho rằng 20 năm nữa, thậm chí nếu có 5 thành viên nội các chính phủ không phải là người sinh ra từ mảnh đất này thì cũng là điều tự nhiên. Cần nhớ nội các đầu tiên gồm 10 thành viên của Chính phủ Singapore chỉ có hai người bản địa.
Đặc điểm chính của chính sách lao động Singapore là hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài có kỹ năng thấp, trong khi tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhằm thu hút lao động có kỹ năng cao. Theo quy định, lao động có tay nghề thấp có mức lương dưới 2.500 đôla Singapore (khoảng 1.500 USD). Việc tuyển dụng lao động loại này hướng vào một số nước, một số ngành cụ thể và chịu một số hạn chế. Ví dụ, người lao động thủ công không được đưa người thân sang sống cùng và phải trả mức phí càng cao nếu tay nghề càng thấp. Trong khi đó, chính phủ hết sức khuyến khích tuyển dụng những lao động có tay nghề cao với mức lương trên 2.500 đô-la Singapore. Nếu được chủ lao động nhận, lao động diện này được cấp giấy phép làm việc ngay chỉ trong vài ngày và được quyền cho người thân sang sống cùng.
Singapore cũng chú trọng tuyển dụng nhân tài nước ngoài thông qua kênh giáo dục. Hiện tại, Singapore có 35.000 sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học ở đây. Tại các trường như Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Kỹ thuật Nanyang, Đại học Quản lý Singapore, số sinh viên nước ngoài chiếm 20%. Nhiều sinh viên sang học dưới dạng vay tiền của Chính phủ Singapore. Đổi lại, sau khi tốt nghiệp các bạn trẻ này có nghĩa vụ làm việc cho một công ty của Singapore (tại Singapore hoặc bất kỳ nước nào) trong thời gian tối thiểu ba năm để trả nợ. Với cách làm này, Chính phủ Singapore luôn có nguồn lao động chất lượng cao được bổ sung hằng năm để làm việc cho các công ty Singapore.
Những lao động nước ngoài tìm việc ở Singapore từ $2.000-$2.500 cần một giấy cấp phép của Cơ quan quản lý việc làm Singapore. Giấy phép thường được cấp 2 năm 1 lần. Đơn xin gửi đến Bộ Lao động Singapore kèm theo bản sao bằng cấp, giấy chứng nhận đi làm.
Mỹ
Thị trường lao động Mỹ đang cần rất nhiều lao động ở các ngành nghề khác nhau, đặc biệt là những lao động có kỹ năng, ví dụ như y tá. Nước Mỹ hiện có khoảng 100.000 vị trí y tá còn trống và con số này dự kiến tăng lên 434.000 vào năm 2020. Do sự thiếu hụt ấy mà đầu năm 2006, chính quyền Mỹ đã tu chính Luật Di trú, tháo bỏ giới hạn số y tá nước ngoài mà các bệnh viện Mỹ có thể thuê mướn, mở ra nhiều cơ hội để y tá các nước đến hành nghề ở Mỹ…
Tuy nhiên, dù khan hiếm, nhưng hầu hết các ngành nghề của Mỹ đều phải thi lấy chứng chỉ hành nghề rồi mới được làm việc. Ví dụ, ở Mỹ chỉ có những y tá được hành nghề (Registered Nurse), tức là những người đã tốt nghiệp một trường đào tạo y tá và đã vượt qua kỳ thi của Hội đồng quốc gia phụ trách Thi cấp giấy phép hành nghề (NCLEX).
Những nghề cao cấp hơn, như luật sư, sau khi nhận bằng Juris Doctor (JD) – họ còn phải vượt qua kỳ thi ở các tiểu bang mới được hành nghề. Ngay cả đến những nghề thủ công, dù có được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đi chăng nữa thì cũng phải qua sát hạch của tiểu bang và phải đậu mới có chứng chỉ được phép hành nghề.
Tuy nhiên, ngoài việc xét visa vào Mỹ rất khó, một vấn đề mà chính quyền Mỹ quản lý chặt là khoản tiền cọc 15.000 USD. Nói chung, việc sinh sống bất hợp pháp tại một đất nước pháp quyền như Mỹ không dễ chút nào.
Nguồn: BÁO THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BaiLienQuan/2009/6/BA176986B3A93244/