Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Suy ngẫm về nguyên tắc suy đoán vô tội

Suy ngẫm về nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc suy đóan vô tội là một trong những tinh hoa văn hóa của nhân lọai mà nhà nước Việt nam hiện vẫn thừa nhận. Cụ thể là tại điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự, thuộc phần "Những nguyên tắc cơ bản". Bình luận sau đây của tác giả Công Minh làm sáng tỏ thêm về thực trạng áp dụng nguyên tắc này ở Việt Nam.


Sau hàng loạt vụ “bắt bớ” các nhà dân chủ và blogger xảy ra, khi trả lời các hãng truyền thông hoặc cơ quan ngoại giao, quan chức Việt Nam hay lý giải: do có vi phạm pháp luật và bản thân người bị bắt đã nhận tội. Thoạt nghe thấy việc Nhà Nước hành xử là rất đúng và rất tôn trọng pháp luật, nhưng nếu để ý chúng ta sẽ thấy hàng loạt sự mâu thuẫn và vi phạm pháp luật của Cơ quan Công an.

Có một câu nói nổi tiếng mà tôi không biết tên tác giả: “mấy chục triệu người dân Việt Nam đều là những tù nhân hờ”. Nghĩa trực tiếp của câu này là người dân Việt Nam có thể bị bắt bất cứ lúc nào khi Nhà Nước thấy cần thiết. Nghĩa gián tiếp thì Nhà Nước lúc nào cũng thấy người dân Việt Nam của mình “có tội”.

Nhìn đâu cũng thấy người dân mình “có tội” là nỗi ám ảnh của bất kỳ chính thể độc tài nào. Họ luôn luôn cảm thấy lo lắng và nghi ngờ công dân của mình. Sự nghi ngờ, lo lắng và ám ảnh đó đã làm cho họ phải đi ngược lại những gì mà họ đã quy định trong pháp luật, đi ngược lại những gì mà họ đã cam kết với cộng đồng Quốc tế, xa hơn nữa, họ đã đi ngược lại với tiến trình văn minh của nhân loại.

Có thể nói một trong những “phát hiện vĩ đại” của loài người đó là nguyên tắc suy đoán vô tội . Nguyên tắc này là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá một Nhà Nước có thật sự dân chủ và tôn trọng quyền con người hay không. Nguyên tắc này là “linh hồn” trong quan hệ giữa Nhà Nước và công dân, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động tư pháp hình sự, đặc biệt là hoạt động tố tụng hình sự trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố và xét xử.

Nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định trong điều 72 của Hiến pháp và điều 9 của Bộ luật Tố tụng Hình Sự Việt Nam: không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nội dung nguyên tắc này thể hiện ở các khía cạnh sau:

  • Không ai bị kết án dựa trên giả định về tính có lỗi trong việc thực hiện tội phạm.
  • Người bị buộc tội không buộc phải chứng minh mình vô tội mà trách nhiệm chứng minh có tội thuộc về cơ quan tố tụng.
  • Khi tính có tội chưa được chứng minh thì đồng nghĩa với tính vô tội đã được chứng minh.
  • Tất cả nghi ngờ về tính có tội phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị kết tội, và được giải thích theo hướng bất lợi cho cơ quan tố tụng.

Nguyên tắc này có một ý nghĩa pháp lý và đạo đức sâu sắc, bởi lẽ: không ai bị xem là có tội là một giả định được coi là chân lý, là công bằng, cho đến khi nào giả định đó được chứng minh ngược lại. Nguyên tắc này được hình thành trên cơ sở sự thừa nhận rộng rãi về phạm trù đạo đức rằng: mỗi con người vốn dĩ được suy đoán là lương thiện cho đến khi nào “được” chứng minh là bất lương.

Nhà Nước phải thừa nhận chân lý: người dân của mình luôn luôn vô tội và lương thiện cho đến khi nào tòa án có kết luận ngược lại. Chân lý này dẫn đến việc Nhà Nước thừa nhận dưới góc độ pháp lý mỗi người dân là một Công dân.

Khi nói đến từ “Công dân” là nói đến sự công nhận các Quyền con người nói chung và Quyền tố tụng nói riêng. Quyền tố tụng bảo đảm rằng:

  • Mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật.
  • Mọi công dân được quyền bất khả xâm phạm về thân thể.
  • Mọi công dân được bảo hộ về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.
  • Mọi công dân được quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, thư từ, điện thoại, điện tín v.v.

Suy ngẫm về điều này tôi thấy việc bắt bớ và giam cầm ở Việt Nam diễn ra hết sức tùy tiện và cảm tính, có thể nói rằng hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc suy đoán vô tội. Các quy định trong luật Tố Tụng Hình sự Việt Nam đã thật sự tạo điều kiện cho cơ quan Công an “lộng hành”, nhất là trong việc bất bớ, giam giữ và khám xét.

Đọc kỹ Bộ luật Tố Tụng Hình Sự, có thể thấy lý do để công an làm việc này là: phục vụ công tác điều tra và ngăn chặn tội phạm. Về mặt lý luận, lý do này là không ổn, bởi: (1) Không ai bị xem là có tội thì làm sao gọi là “ngăn chặn tội phạm”; (2) Nhà Nước có đầy đủ các thiết chế quyền lực như: tòa án, kiểm sát, công an, quân đội, nhà tù, vũ khí, súng đạn… trong khi người dân chỉ có một điểm tựa duy nhất là được Nhà Nước thừa nhận vô tội và lương thiện, vậy tại sao người dân phải phục vụ công tác điều tra? Khi Nhà Nước chưa chứng minh được người dân có tội thì sự vô tội đã được chứng minh, vậy hà cớ gì người dân phải hợp tác với nhà nước để cùng đi chứng minh rằng họ có tội?

Vừa rồi có tin blogger nổi tiếng Người Buôn Gió và nữ phóng viên Phạm Đoan Trang bị bắt mà Nhà Nước không đưa ra bất cứ một lý do nào, chắc họ cũng như các nạn nhân khác “đang phục vụ điều tra”. Có lẽ họ ở trong trại giam để “làm việc” với cơ quan cơ quan điều tra và “cùng nhau chứng minh mình có tội”.

Hôm qua nghe tin một blogger nổi tiếng khác là Mẹ Nấm bị bắt, được biết chị đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên có thể cơ quan điều tra sẽ cho chị tại ngoại và cấm chị đi khỏi nơi cư trú theo quy định của điều 88 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự. Nhưng tôi lại “giật mình” khi xem lại điều luật này thì có thể chị sẽ bị tạm giam luôn nếu phạm tội an ninh quốc gia hoặc cố tình tiếp tục “phạm tội”. Có thể cơ quan điều tra sẽ lấy lý do: để chị tại ngoại chị sẽ tiếp tục “in áo và mặc áo” chống Trung Quốc chăng?

Cũng có tin một số nhà hoạt động dân chủ bị bắt và tạm giam hơn một năm vẫn chưa được xét xử. Chưa được xét xử thì đồng nghĩa với việc Nhà Nước thừa nhận: những nhà hoạt động dân chủ này là những công dân lương thiện và vô tội. Nếu thế tại sao họ lại bị giam cầm lâu vậy? Tôi miên man trong suy nghĩ: liệu Nhà Nước Việt Nam có thật sự tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội hay không? Hay họ chỉ ghi nhận “phát hiện vĩ đại” của loài người trong các văn kiện pháp luật để lừa dối nhân dân?

Mỗi năm Nhà Nước bỏ ra hàng trăm tỷ để bồi thường “oan sai” cho các hành động bắt bớ và giam cần tùy tiện của mình. Tiền đó cũng chính là tiền của những người dân lương thiện và vô tội.

05/09/2009 - Công Minh


Tổng số lượt xem trang