Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Berlin, sinh quán của châu Á Hiện đại

Berlin, sinh quán của châu Á Hiện đại

PROJECT SYNDICATE *

Berlin, sinh quán của châu Á Hiện đại

Brahma Chellaney


NEW DELHI – Bằng việc ghi dấu ấn kết thúc Chiến tranh Lạnh và sự tan rã của hình bóng Liên bang Sô Viết khổng lồ, sự sụp đổ của Bức tường Berlin 20 năm trước đã làm thay đổi những tính chất địa chính trị trên toàn cầu. Thế nhưng không có lục địa nào lại được hưởng lợi hơn là châu Á, nơi có nền kinh tế phát triển một cách ngoạn mục kể từ năm 1989, lóe sáng với một tốc độ và tầm cỡ không đâu sánh nổi trong lịch sử thế giới.


Đối với châu Á, ý nghĩa quan trọng nhất từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin chính là việc chủ nghĩa cộng sản tan rã đã tạo ra một bước chuyển đổi về sức mạnh quân sự đứng ở vị trí hàng đầu sang sức mạnh kinh tế chiếm vị trí thống trị trong việc hình thành trật tự quốc tế. Đúng vậy, mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng đã diễn ra trong cuộc Cách mạng Công nghiệp và trong thời kỳ hậu Đệ nhị Thế chiến. Nhưng trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, tăng trưởng kinh tế tự nó đã góp phần làm thay đổi các mối quan hệ quyền lực trên toàn cầu.

Sự kiện rõ nét khác vào năm 1989 là vụ thảm sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Nếu như không phải vì mục tiêu muốn kết thúc Chiến tranh Lạnh, thì phương Tây có lẽ sẽ không để cho Trung Quốc thoát khỏi cái cạm bẫy từ những vụ giết người mà họ gây ra. Thay vào đó, phương Tây đã chấp nhận một cách tiếp cận thực dụng, lảng tránh việc trừng phạt về thương mại và giúp Trung Quốc hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu và các tổ chức quốc tế thông qua tầm ảnh hưởng tự do hóa đầu tư nước ngoài và giao dịch thương mại. Đã có Hoa Kỳ và các đồng minh của mình theo đuổi một cách tiếp cận tập trung vào những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, như với Cuba và Miến Điện, kết quả có lẽ là một nước Trung Quốc ít thành công hơn, kém cởi mở hơn, và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn.

Quả thực, sự thành công kinh tế kỳ lạ của Trung Quốc – được minh họa bằng thặng dư thương mại vượt trội trên thế giới, dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, và sản lượng thép cao nhất – phải chịu ơn nhiều trước quyết định của phương Tây đã không duy trì những biện pháp trừng phạt thương mại sau cuộc tàn sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Có được bước nhảy vọt vượt qua cả Đức để trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc giờ đây dường như sẽ thay thế Nhật Bản như là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự trỗi dậy của Ấn Độ như một gã khổng lồ về kinh tế cũng liên quan tới những sự kiện sau 1989. Ấn Độ dính líu nhiều vào trao đổi thương mại với Liên Xô và các đồng minh cộng sản của nước này ở Đông Âu. Khi Khối Đông Âu tan rã, Ấn Độ đã phải bắt đầu chi trả cho các hàng hóa nhập khẩu bằng ngoại tệ mạnh. Điều này đã nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ còn khiêm tốn của nước này, gây ra một cơn khủng hoảng tài chính gay gắt vào năm 1991, để từ đó lần lượt buộc Ấn Độ phải bắt tay vào những cải cách kinh tế quyết liệt đặt những nền tảng cho sự trỗi dậy về kinh tế của quốc gia này.

Nhìn rộng ra hơn, thì sự thất bại điển hình của chủ nghĩa Marx năm 1989 đã cho phép các quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, theo đuổi các chính sách [kinh tế] tư bản một cách công khai. Mặc dù sự phục hồi kinh tế, văn hoá của Trung Quốc đã bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình, Đảng cộng sản Trung Quốc, sau năm 1989, mới có thể công khai cho phép người ta mơ tới việc làm giàu. Ví dụ đó, lần lượt, đã có một ảnh hưởng mang tính xây dựng cho việc duy trì sự tồn tại của các đảng cộng sản khác ở châu Á và những nơi khác.

Về mặt địa lý, những lợi ích của thời kỳ hậu 1989 đã được mở rộng vượt xa khỏi phương Tây. Sự sụp đổ của Liên bang Sô Viết là một lợi ích chiến lược đối với châu Á, loại bỏ một đế chế luôn đe dọa và mở đường cho Trung Quốc nhanh chóng theo đuổi những mối quan tâm của mình trên toàn cầu. Sự suy tàn của nước Nga trong những năm 1990 lại trở thành sự thành công của Trung Quốc.

Với Ấn Độ, Chiến tranh Lạnh kết thúc đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong chính sách đối ngoại với việc loại trừ đối tác đáng tin cậy nhất: Liên bang Sô Viết.

Nhưng, với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1991, Ấn Độ đã có thể nổi lên với một chính sách đối ngoại đã được sửa đổi – một đất nước đã bỏ đi những truyền thống hào hiệp viển vông và đi theo chủ nghĩa thực dụng và thực tế hơn hẳn.

Ấn Độ hậu Chiến tranh lạnh bắt đầu theo đuổi những quan hệ đối tác chiến lược, đôi bên cùng có lợi với những đối thủ then chốt khác ở châu Á và trên thế giới. “Quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu” mới với Hoa Kỳ – một nét đặc trưng rõ ràng của thập kỷ này – có thể xảy ra do những thay đổi sau năm 1989 trong suy nghĩ về chính sách của Ấn Độ.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi sự phát triển sau năm 1989 đều là tích cực. Chẳng hạn như hiện tượng các quốc gia bị suy thoái, thứ đã ảnh hưởng nhiều nhất đến an ninh châu Á, chính là hậu quả trực tiếp của sự kết thúc Chiến tranh lạnh. Khi Chiến tranh lạnh bùng phát, một khối này hay khối kia đã làm chỗ dựa cho các quốc gia yếu kém. Nhưng, với sự biến mất của Liên bang Sô Viết, Hoa Kỳ đã từ bỏ cuộc chơi đó.

Kết quả là, tình trạng tê liệt hoặc thất bại bất ngờ xuất hiện vào những năm 1990, tạo thành một mối đe dọa cho an ninh khu vực và quốc tế bằng việc trở thành xứ sở của những tên cướp biển (Somalia) hoặc những tên khủng bố xuyên quốc gia (Pakistan và Afghanistan), hay bằng cách công khai phản kháng đối với những tiêu chuẩn toàn cầu (Bắc Triều Tiên và Iran). Châu Á đã hứng chịu nhiều tổn thất hơn từ sự gia tăng khủng bố quốc tế so với bất cứ khu vực nào khác.

Hơn nữa, hai thập kỷ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, lan truyền dân chủ đã bị ngưng trệ. Từ năm 1988 đến năm 1990 khi Chiến tranh Lạnh đang hạ nhiệt, các cuộc biểu tình ủng hộ nền dân chủ bùng nổ từ Đông Âu, lật đổ các chế độ độc tài ở nhiều nước khác như Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, và Chile. Sau sự tan rã của Liên bang Sô Viết, thậm chí Nga đã nổi lên như một ứng cử viên đáng tin cậy cho cải cách dân chủ.

Nhưng, trong khi việc lật đổ các chế độ độc tài hoặc chuyên quyền đã chuyển qua bước cân bằng quyền lực toàn cầu vì lợi ích của các lực lượng dân chủ, không phải mọi hoạt động ủng hộ dân chủ đều thành công. Và “những cuộc cách mạng da màu” tiếp theo ở những nơi như Ukraina chỉ làm cho những chế độ độc tài còn sót lại thận trọng hơn, nhắc họ thực hiện các giải pháp chống lại những sáng kiến dân chủ hoá đầy sáng tạo từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự thụt lù của nền dân chủ ở nước Nga, Trung Quốc – giờ là chế độ chuyên chế lâu đời nhất trên thế giới – đang chứng minh rằng khi chủ nghĩa độc đoán được củng cố, một thương trường hàng hoá và dịch vụ có thể ngăn cản môi trường của những ý tưởng chính trị. Hai mươi năm sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, chủ nghĩ tư bản độc đoán chuyên quyền đã nổi lên như là kẻ thách thức hàng đầu cho việc truyền bá các giá trị dân chủ.


Brahma Chellaney là Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và là tác giả của cuốn sách Asian Juggernaut: The Rise of China, India and Japan.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

* Project Syndicate là tổ chức tình nguyện bao gồm 431 tờ báo hàng đầu của 150 quốc gia trên thế giới

Tổng số lượt xem trang