Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Du kích kí số 24 ĐOÀN KẾT! ĐOÀN KẾT! AI ĐOÀN KẾT VỚI AI?

Du kích kí số 24 ĐOÀN KẾT! ĐOÀN KẾT! AI ĐOÀN KẾT VỚI AI?

Kể từ cái năm 45 ấy, khi tớ bắt đầu liều mình bỏ nhà ra đi cứu nước, xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu, “lạnh lùng vung gươm ra sa trường” thì tớ đã bắt đầu quen với hai chữ “đoàn kết”. Đầu tiên là đoàn kết công nông binh đánh đổ phong kiến đế quốc. Sau nữa là đoàn kết toàn dân trong mặt trận liên Việt để đánh Pháp đuổi Nhật. Và bất cứ ở cuộc họp nào khi kết thúc đều vang lên câu hát “kết đoàn chúng ta là sức mạnh”, một bài hát của người Tàu đặt lời Việt hát lên nghe rất lơ lớ y hệt người Tàu hát tiếng ta. Nhưng bài hát càng vang lên to bao nhiêu thì tớ thấy đất nước càng thêm phần chia năm sẻ bảy. Này nhé:

1)Đoàn kết mọi thành phần để thành lập chính phủ liên hiệp chống Pháp thì dần dần biến đâu mất tất cả những ông cần phải đoàn kết

2)Trong quân đội, tớ phát hiện ra có một tổ chức dăm ba người thôi nhưng thỉnh thoảng họ lại họp nhau bàn bạc nhỏ to những chuyện gì đó. Mãi sau này, tớ bắt được cuốn sổ tay của anh chàng Lê Hùng mới biết rằng họ họp chi bộ đảng cộng sản. Họ phân công nhau theo dõi quần chúng này quần chúng kia, thậm chí có những ghi chép y hệt những chuyện chỉ điểm trong các tiểu thuyết gián điệp...Thế là trong đầu tớ đã phát sinh ra những câu hỏi: Tại sao trong tổ chức quân đội lại có những nhóm riêng hội kín mất đoàn kết như thế nhỉ?

3)Cho tới những năm 48, 49, khi cuộc chiến càng ngày càng ác liệt thì người ta chủ trương phát triển đại trà những nhóm đó ở khắp mọi quân xã và từng đại đội đều có chi bộ Đảng cả. Tớ là một sỹ quan quân đội nên cũng không thoát khỏi cái sự phát triển của tổ chức đảng lúc này và từ tháng 7/1949. tớ cũng được “vinh dự” đứng vào hàng ngũ cũng đảng viên đảng cộng sản, cũng có một cuốn sổ tay để ghi chép báo cáo tình hình tư tưởng của năm, bảy “quần chúng” được phân công phụ trách. Tóm lại là tớ phải theo dõi từng lời ăn tiếng nói, từng hành động của mỗi người để có thể “bồi dưỡng” họ trở thành đảng viên. Hoặc nếu ghét người nào thì vùi họ xuống đất đen dễ ợt. Cái sự mất đoàn kết đầu tiên mà tớ nhận thấy chính là ở cái chỗ này đây. Người Việt , anh lính cầm súng bỗng tự nhiên chia ra làm hai loại. Người Việt Nam đảng viên, anh lính đảng viên và người Việt Nam quần chúng, anh lính quần chúng.Cho đến những năm 53, 54, khi cuộc cải cách long trời lở đất bắt đầu thì cái chuyện “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết!” coi như đi tong. Còn lại chăng chỉ mấy ông bà bần cố nông được tự do hát câu đoàn kết “Giết nữa bàn tay không ngừng nghỉ”

4)Tiếp quản thủ đô và các thành phố miền Bắc thì câu ca đoàn kết chưa vang lên được mấy tháng. Các nhà tư sản, tiểu thương, tiểu chủ đã nếm mùi cải tạo. Văn nghệ, trí thức đã nếm đòn đã nếm đòn “chuyên chính vô sản”. Hàng triệu đồng bào bỏ cửa bỏ nhà gồng gánh, bồng bế nhau di cư vô Nam

5)Sau “đại thắng mùa xuân” một cuộc duy tư khổng lồ của những người không chấp nhận đoàn kết của người Việt chưa từng có trong lịch sử. Phải chăng là hậu quả của một chính sách đoàn kết giả hiệu. Lại còn hàng triệu sỹ quan công chức của “ngụy quyền” phải đi cải tạo mút mùa, gia đình bị đẩy đi kinh tế mới. Và hàng triệu gia đình vượt biên bỏ xác dưới đại dương. Liệu ai còn ai mất? Liệu những linh hồn sống, linh hồn chết có thể nào đoàn kết được với những người đã đẩy họ vào thảm cảnh này. Tóm lại, hơn sáu mươi năm tập tọe làm cách mạng, qua chiêm nghiệm của cuộc đời, tớ chẳng bao giờ thấy cái nước Việt mình đoàn kết cả. Chính những lúc người ta gân cổ hô to:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” lại là lúc dân tộc Việt mình bị những lý thuyết điên khùng, “đấu tranh giai cấp” phá tan tành mọi cơ sở của sản xuất văn hóa đời sống. Chỉ tính sơ qua vài bước đi của lịch sử kể trên, tớ không phải là nhà thống kê nhưng cũng bạo phổi đưa ra con số là 80-90% dân Việt Nam mình không những không yêu gì cái chủ nghĩa cộng sản mà còn muôn đời không hòa giải được với nó

Vậy mà, cho tới hôm nay, người ta vẫn không ngớt ca ngợi chủ nghĩa Mác Lê nin vẫn kiên định chủ nghĩa xã hội, vẫn đẩy càng ngày càng nhiều người vào phía đối lập, phía kẻ thù, lên án những người đã nhìn ra sự thật là “không kiên định”, là “tự diễn biến”, là “ăn phải bả của các thế lực thù địch” dù đó là những người cộng sản chính gốc đã hi sinh theo đảng từ khi những người dạy họ chưa ra đời.

Một nghị quyết 97 đã đẩy hàng vạn trí thức vào phía đối lập. Hơn 3000 nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cán bộ cao cấp quân đội kiến nghị về vụ bauxit cũng bị xếp vào những phần tử cơ hội, chính trị hóa về những vấn đề kinh tế, thậm chí thiếu hiểu biết rồi bị phớt lờ coi như “nước đổ lá khoai”

Càng nguy hiểm hơn nữa là gần đây có thể là hốt hoảng trước tình hình thế giới và trong nước đang biến chuyển không có lợi cho sự tồn tại của quyền lực mà một nhóm lãnh đạo nào đó đã cho ra cái chỉ thị số 34 CT-TW. Chẳng biết chỉ thị này có “tuyệt mật” không nhưng nó đã được phổ biến tùm lum trên mạng. Tớ cũng cố cắn răng đọc hết các thứ lí luận cổ lỗ sĩ, phản khoa học cực kì duy tân đó để phát hiện ra có cái gì mới đây? Toàn bộ nghị quyết toát lên 2 vấn đề:

1)Nhận xét, đánh giá tư tưởng cán bộ đảng viên nhân dân đều đang bị các thế lực thù địch tấn công làm cho thoái hóa. Thậm chí còn đưa ra được cả những con số 35%, 45%. Vậy thì cần phải cải tạo giáo dục cho 4, 50 triệu người. Thiếu tinh thần các mạng vô sản đó như thế nào đây?Ai sẽ cải tạo giáo dục cho mấy chục triệu người này đây? Tớ có cảm giác rằng tất cả những nhận xét đó đều xuất phát từ một cơn điên loạn về tư tưởng, khủng hoảng về tinh thần, về lí luận, nói ra cho có nói cứ chẳng biết để làm gì

2)Chỉ thị số 34 lại quay ngắt mũi dùi vào đế quốc Mĩ. Tất cả tội ác trước mắt và lâu dài đều do cái kẻ thù cũ này. Này nhé “Mĩ triển khai đội hòa bình tổ chức tuyên truyền và kích động lật đổ và dự kiến thực hiện chương trình liên quan đến sự chuyển đổi chính trị dân chủ ở Việt Nam của cơ quan phát triển Mĩ (USAID) cho thấy rõ các bước đi của Mĩ nhằm thúc đẩy mầm mống “cách mạng màu” ở Việt Nam”. Chỉ thị cũng không ngần ngại đề cập đến một vấn đề mà chính phủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa đã vô cùng hoan nghênh người Mĩ đã cung cấp các học bổng như Fullbright, các thỏa thuận giáo dục và đào tạo kể cả mở các trường đại học Mĩ tại Việt Nam là đều do Mĩ âm mưu lật đổ nhà nước bằng tự diễn biến hòa bình. Phải chăng đây chỉ là chuyện chỉ đích danh người Mĩ định lợi dụng chuyện đào tạo để Việt Nam tự diễn biến hòa bình hay là còn nhằm vào ai đó nữa đã quyết tâm đi với Mĩ

Nghị quyết cũng nêu lên hằng hà sa số những tổ chức phản động: Không kể 413 tổ chức có tên lại còn đến 700 tổ chức NGO (tổ chức phi chính phủ), 62 đài phát thanh và tivi, 390 tờ báo, 88 nhà xuất bản.

Tất cả những con số này tớ cho là đều hốt hoảng mà phát ra chứ nếu mà lực lượng thù dịch cả trong lẫn ngoài nước đều nhiều đến thế thì hỡi ôi có 15 ông Tề Thiên Đại Thánh cũng chẳng giúp được các nhà lãnh đạo giáo dục, uốn nắn tư tưởng cả cái khối khổng lồ Nhân Dân. Không thể nào đoàn kết với các vị được

Là một người lâu nay không chút tơ vương tới miếng đỉnh chung, tới quyền tới lợi, tớ từng chứng kiến nhiều lần những lời hô hoán, báo động giả qua nhiều chỉ thị, nghị quyết “nội bộ” như thời nghị quyết chống xét lại, cứ y như là chủ nghĩa Phát Xít đang lâm nguy. Thế rồi chưa chống thì nghị quyết đã nằm ngay ở trên bàn đại sứ Liên Xô Tcherbakov để đến nỗi ông Lê Liêm phải “mất sạch”. Lần này, nghị quyết 34 chẳng hiểu đã nằm ở trên bàn giấy ông Michalak chưa? Hậu quả sẽ là cái gì đây. Đúng là làm chính trị kiểu này nguy hiểm thật. Chỉ thị 97 thì tuyên chiến với trí thức. Nghị quyết 34 chỉ thẳng vào mặt đế quốc Mĩ.

Hòa giải, hòa nhập, đoàn kết liệu có phải là ảo tưởng?

Viết đến đây, tớ bỗng dưng nhớ tới anh bạn Chính Yên, báo Nhân Dân khi bị dính vào vụ “xét lại” có nhắc tới ý đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa bằng một khẩu lệnh rất khôi hài như sau. "Đoàn kết, đoàn kết, đại ....đoàng....hết!"

Tổng số lượt xem trang