Nathan Gardels phỏng vấn Francis Fukuyama
Bản dịch của talawas
Die Welt: Năm 1989 trong một tiểu luận nổi tiếng, ông đã trình bày quan điểm về “sự cáo chung của lịch sử”. Hồi đó ông viết: “Chúng ta đang chứng kiến không chỉ là sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh hay sự chuyển đổi sang một giai đoạn đặc biệt của lịch sử hậu chiến, mà là sự cáo chung của lịch sử theo nghĩa: là điểm cuối của quá trình tiến hóa của loài người về mặt thức hệ và là điểm cuối của sự phổ quát hóa nền dân chủ phóng khoáng kiểu phương Tây như là hình thức chính quyền tối hậu do con người tạo ra.” Điều gì còn đứng vững sau 20 năm? Điều gì không? Điều gì đã thay đổi?
Francis Fukuyama: Lập luận nền tảng – nền dân chủ phóng khoáng là hình thức chính quyền tối hậu – vẫn còn đúng về cơ bản. Đúng là có một số mô hình kiểu khác, ví dụ như mô hình Cộng hòa Hồi giáo Iran hay mô hình chế độ chuyên quyền Trung Quốc. Tuy nhiên tôi không nghĩ có nhiều người tin rằng các hình thức này của nền văn minh lại vượt trội hơn các hình thức ở châu Âu, ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ở Nhật Bản hay ở các nền dân chủ phát triển khác – những xã hội đó cho dân chúng một mức sống sung túc hơn và nhiều tự do cá nhân hơn. Vấn đề không phải là liệu nền dân chủ phóng khoáng có phải là một hệ thống hoàn hảo, hoặc chủ nghĩa tư bản có được miễn nhiễm khỏi mọi vấn đề hay không. Rốt cuộc thì vì sự thất bại của thị trường không được điều tiết mà chúng ta đang bị rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Vấn đề đáng đặt ra là, trong 20 năm qua, có xuất hiện một hình thức chính quyền nào tốt hơn thể chế dân chủ phóng khoáng không? Câu trả lời là không. Tiểu luận được các vị nhắc đến ở trên, tôi viết vào mùa đông 1988/89, một thời gian ngắn trước khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Tôi viết tiểu luận đó vì theo tôi, chủ nghĩa bi quan về văn minh, vốn đặc trưng cho não trạng của chúng ta do hệ quả khủng khiếp của lịch sử thế kỷ 20 với các cuộc diệt chủng, các trại tù khổ sai Gulag và các cuộc chiến tranh thế giới, không khớp với bức tranh tổng thể. Thực tế có nhiều xu hướng tích cực trên thế giới, trong đó có sự lan rộng của dân chủ tới những nơi mà trước đó độc tài ngự trị. Sam Huntington gọi đó là “làn sóng thứ ba”. Nó bắt đầu từ những năm 1970 ở Nam Âu, khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành các nước dân chủ. Trừ Cuba, thời của các chế độ độc tài cũng đã chấm dứt trên toàn châu Mỹ Latinh. Và cuối cùng là sự sụp đổ Bức tường Berlin và mở cửa Đông Âu. Tại Nam Triều Tiên và Đài Loan, chế độ dân chủ đã thế chỗ các chế độ chuyên quyền. Từ 80 nhà nước dân chủ những năm 1970, sau 20 năm đã hình thành 130 hoặc 140 nhà nước dân chủ. Tất nhiên không phải tất cả đều đứng vững.
Hôm nay chúng ta đang trải qua một giai đoạn suy thoái dân chủ. Có những bước tụt lùi, ở những nước quan trọng như Nga, chúng ta chứng kiến sự trở lại của một hệ thống chuyên quyền tệ hại, không có luật pháp hay nguyên tắc gì, ở Venezuela hoặc vài nước Mỹ Latinh khác với các chính phủ dân túy cũng vậy. Làn sóng dân chủ đã dâng cao đến mức có thể. Bây giờ nước đang rút xuống ở chỗ này chỗ kia. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng xu hướng sớm muộn sẽ tiến tới dân chủ là không còn nữa.
Die Welt: Luận điểm quan trọng nhất chống lại ông là từ Samuel Huntington. Ông ấy nói về một “cuộc chiến giữa các nền văn hóa”. Sau Chiến tranh Lạnh thì văn hóa và tôn giáo trở thành những điểm gây mâu thuẫn chính. Trong mắt nhiều người thì sự kiện 11/9 là bằng chứng xác nhận điều đó.
Fukuyama: Sự khác biệt giữa Huntington và tôi đã bị phóng đại. Tôi có viết một cuốn sách nhan đề Khổng giáo và kinh tế thị trường. Mâu thuẫn giữa các nền văn hóa, trong đó tôi trình bày quan điểm rằng văn hóa là một trong những yếu tố then chốt của thành công kinh tế. Tôi không hề phủ nhận văn hóa có ý nghĩa quyết định. Vấn đề là, liệu những tính chất văn hóa đặc thù đó có ăn sâu đến mức chúng khiến cho sự hiện diện của những giá trị phổ quát hoặc việc xích lại giữa các giá trị là bất khả hay không.
Ở đây tôi có quan điểm khác. Luận điểm của Huntington là: dân chủ, chủ nghĩa cá nhân và quyền con người không có tính phổ quát, mà là những phản ánh của nền văn hóa có cội rễ từ Thiên Chúa giáo phương Tây. Xét về lịch sử thì điều đó đúng, nhưng các giá trị này đã vượt thoát khỏi nguồn cội của chúng. Chúng đã được tiếp nhận bởi các xã hội có truyền thống văn hóa hoàn toàn khác nhau. Hãy nhìn vào Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia. Các xã hội có nguồn gốc văn hóa hoàn toàn khác nhau này đã chấp nhận các giá trị đó, không phải vì Mỹ cũng đã làm thế, mà vì chúng hoạt động hiệu quả. Điều đó tạo ra một bộ máy chính quyền có khả năng chịu trách nhiệm. Nó cho phép các xã hội có thể loại bỏ người cầm quyền nếu có gì đó trục trặc. Đó là một lợi thế khổng lồ của các xã hội dân chủ mà các xã hội chuyên quyền, như Trung Quốc chẳng hạn, không có được.
Tạm thời thì Trung Quốc được cái ân huệ là có các nhà lãnh đạo nhiều năng lực. Nhưng trước đó thì Trung Quốc có Mao Trạch Đông. Thiếu một hình thức ràng buộc trách nhiệm kiểu dân chủ thì không gì có thể ngăn cản một Mao Trạch Đông mới lại xuất hiện. Những vấn đề như tham nhũng hoặc sự thất bại của các chính phủ có thể được giải quyết dễ dàng hơn nhiều trong một nền dân chủ. Để duy trì một xã hội thịnh vượng và thành công, vai trò cơ bản thuộc về những cơ chế chuyển đổi quyền lực và ràng buộc trách nhiệm của chính quyền thể hiện qua luật pháp và định chế.
Die Welt: Huntington lập luận rằng phương Tây hóa và hiện đại hóa không đồng nghĩa với nhau. Một nhà nước hiệu quả, đô thị hóa, giáo dục, kinh tế thị trường hay sự hình thành của một tầng lớp trung lưu vẫn có thể có được mà không cần phải thế tục hóa hoặc du nhập các chuẩn mực dân chủ. Ở Trung Quốc người ta vẫn thấy tinh thần Khổng tử bàng bạc giữa các cao ốc. Và ở Thổ Nhĩ Kỹ, một đảng Hồi giáo đang lãnh đạo một nhà nước thế tục. Liệu trong tương lai, xu hướng “hiện đại hóa không theo kiểu phương Tây”cũng dễ xảy ra y hệt như xu hướng Tây phương hóa thông qua toàn cầu hóa?
Fukuyama: Theo nhìn nhận của tôi thì có ba yếu tố then chốt cho sự hiện đại hóa chính trị. Thứ nhất: sự hiện đại hóa nhà nước như một thiết chế bền vững, hiệu quả và không phụ thuộc vào cá nhân con người; thiết chế này có khả năng thực thi luật pháp ngay cả trong các xã hội phức tạp. Huntington đã tập trung vào luận điểm này. Nhưng theo tôi thì còn hai yếu tố nữa.
Đó là, thứ hai: tính nhà nước pháp quyền, khiến cho quyền lực nhà nước bị khống chế bởi một hệ thống luật pháp hợp hiến. Nói cách khác là: môt đảng cầm quyền không thể muốn làm gì thì làm. Và thứ ba: một hình thức ràng buộc trách nhiệm của chính quyền. Có thể Huntington sẽ nói rằng, chế độ nhà nước pháp quyền và sự ràng buộc trách nhiệm của chính quyền là những giá trị phương Tây. Tôi cho rằng những xã hội không phải phương Tây đã tiếp nhận những giá trị này từ kinh nghiệm mà chính họ đã trải qua. Không có những giá trị này thì không thể có hiện đại hóa đúng nghĩa. Thực tế thì đây thậm chí còn là những giá trị bổ trợ cho nhau, cần thiết cho nhau.
Nếu chỉ nhìn vào một nhà nước có năng lực và coi đó như bằng chứng cho sự hiện đại hóa chính trị, thì một hình thức cai trị hiệu quả kiểu bạo chúa cũng được coi như vậy. Rõ ràng kiểu “chính phủ mạnh” và một sự thịnh vượng nhất định vẫn có thể xuất hiện một thời gian dài trong các xã hội chuyên quyền. Đó là điều mà Trung Quốc đang làm. Tuy nhiên tôi hoàn toàn tin rằng sự thịnh vượng này sẽ không thể kéo dài lâu. Thiếu nhà nước pháp quyền và hệ thống ràng buộc trách nhiệm của chính quyền, người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cảm thấy an toàn cho bản thân trong sinh hoạt. Thiếu ba yếu tố của hiện đại hóa đó, họ sẽ không bao giờ đạt tới cấp độ phát triển tiếp theo. Tệ tham nhũng và sự thiếu vắng một chính quyền chính danh do dân bầu ra sẽ ngăn họ phát triển, chưa kể thậm chí còn dẫn tới bạo loạn.
Die Welt: Liệu sự ràng buộc trách nhiệm của chính quyền có cần đến các chuẩn mực dân chủ như ở châu Âu hay ở Mỹ hay không?
Fukuyma: Có một hình thức ràng buộc trách nhiệm của chính quyền mà không cần đến bầu cử, đó là giáo dục đạo đức cho các nhà cai trị. Khổng giáo dạy vua phải có trách nhiệm với thần dân như với chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà những thử nghiệm hiện đại hóa thành công nhất trong các chế độ chuyên quyền lại diễn ra ở các xã hội Khổng giáo Đông Á. Nhưng rốt cuộc thì như thế vẫn chưa đủ. Vấn đề “hôn quân” vẫn không thể giải quyết bằng tình cảm đạo đức. Và trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc đã có không ít hôn quân. Không có sự ràng buộc trách nhiệm định kỳ theo bầu cử thì không thể có trách nhiệm thực sự.
Die Welt: Một số trí thức Trung Quốc cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đưa nước này thành thủ lĩnh trong một thế giới hậu Mỹ, và cuộc tranh luận về chế độ chuyên quyền hay chế độ dân chủ cùng đồng nghĩa với tranh luận về cai trị tốt hay cai trị tồi.
Fukuyama: Tôi không tin như vậy. Thiếu sự ràng buộc trách nhiệm thì không thể có những chính phủ tốt được. Tất cả những thứ khác chỉ là ảo tưởng nguy hiểm.
Nguồn: Die Welt, 2.11.2009. Nhan đề do talawas đặt. Nhan đề gốc của bài phỏng vấn trên Die Welt là “Wider den Zivilisationspessimismus” (Chống chủ nghĩa bi quan về văn minh).
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog