Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Loạn thi nâng ngạch

<<<<<:::: Chuyện lâu rồi nha từ năm 2004, hôm nay lại tìm được. Tự nhiên lại moi đống tro tàn lên.... nhiều cái để ngẫm...hihi.. cuối tuần vui vẻ. >>>Loạn thi nâng ngạch

Kỳ thi nâng ngạch kiểm sát viên lên kiểm sát viên chính thị trường năm 2004 do Bộ Thương mại tổ chức xứng đáng được ghi vào kỷ lục "Guinness buồn" của Việt Nam bởi những sai sót, vi phạm xảy ra từ khâu đầu đến khâu cuối, liên quan từ cấp lãnh đạo Bộ đến các công chức quản lý thị trường ở nhiều địa phương.

Trong các ngày 14 và 15/7, Bộ Thương mại đã tổ chức kỳ thi nâng ngạch kiểm sát viên chính thị trường với 71 thí sinh tham gia là công chức Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Một trong những người chứng kiến cuộc thi này đã tả lại với PV Thanh Niên là "lộn xộn hết chỗ nói".

Ngay trong buổi thi môn đầu tiên, các thí sinh đã mang tài liệu vào phòng thi và sử dụng công khai. Thanh tra Bộ Nội vụ đang thực hiện cuộc thanh tra tại đây có ý kiến với Phó chủ tịch Hội đồng thi, nhưng các giám thị vẫn tiếp tục cho các thí sinh tiếp tục chép tài liệu. 8 thí sinh bị phát hiện tại chỗ sử dụng tài liệu đều do các thanh tra viên của Bộ Nội vụ phát hiện và yêu cầu lập biên bản.

Một số thí sinh bị bắt quả tang dùng tài liệu, nhưng trong biên bản lại ghi thành "mang tài liệu vào phòng thi nhưng chưa sử dụng" và "kiến nghị không xử lý". Mà theo quy chế thi thì giám thị không được ghi các kiến nghị vào biên bản.

Việc chấm thi cũng hết sức tùy tiện. Cho dù không được phép chấm ngoài địa điểm quy định nhưng giám khảo chấm thi môn Quản lý nhà nước đã mang bài thi của các thí sinh... về nhà chấm điểm và gần 2 tháng sau mới trả lại cho trưởng ban chấm thi.

Ở môn Ngoại ngữ, cán bộ chấm thi còn chấm sai đáp án, cho điểm cả những phần thí sinh không làm được hoặc làm sai hoàn toàn; thậm chí chấm điểm cho cả những bài của thí sinh này chép từ thí sinh khác. Những bài thi quay cóp này được miêu tả như là "những tổ hợp chữ cái không có nghĩa và đương nhiên không phải là tiếng Anh"!

Theo một cán bộ của Bộ Nội vụ, trong trường hợp người ra đề thi bất cẩn nhưng Chủ tịch Hội đồng thi làm đúng chức trách thì chắc sai sót trên đã được loại trừ. Lý do giải thích cho sự thiếu sát sao của Chủ tịch Hội đồng thi là hôm đó, ông "bận đi công tác"!

Có môn thi, ngay cả đề thi và đáp án ra cũng sai. Ví dụ như phần 4 của đề thi tiếng Anh có đoạn: "I took it (stamp collection) up when I was very sick and (had) to be off school for a couple of mothers". Câu này dịch sang tiếng Việt có nghĩa: "Tôi bắt đầu sưu tập tem trong thời gian bị ốm và phải nghỉ học trong vòng vài bà mẹ". Để câu trên có nghĩa, cụm từ cuối câu phải là "for a couple of months", nghĩa là "trong vòng vài tháng".

Khi được hỏi tại sao lại đề ra một câu vô nghĩa và không thể hiểu được như thế trong một đề thi quốc gia, người ta giải thích là "lỗi đánh máy"! Nhưng khó có thể tin được vì trong các phần khác môn thi này, các lỗi kiểu như vậy không ít.

Giở lại hồ sơ của các thí sinh thi tuyển và quá trình tổ chức thi, người ta mới hiểu vì sao có tình trạng trên. Trong 71 thí sinh dự thi có tới 52 thí sinh (73%) thiếu ít nhất một hoặc nhiều điều kiện và tiêu chuẩn dự thi theo quy định. Có tới 27 cán bộ, công chức QLTT đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để làm hồ sơ và được tham gia kỳ thi. Trong số đó có 26 bản sao chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B do Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA (Hà Nội) cấp và 1 bản sao bằng đại học tẩy xóa nội dung. Các bản sao chứng chỉ ngoại ngữ trên đều là bất hợp pháp vì UIA chưa bao giờ được Bộ Giáo dục - Đào tạo duyệt về chương trình giảng dạy ngoại ngữ trình độ A, B, C.

19 thí sinh chỉ có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước do Trường Chính trị của tỉnh cấp mà không được Học viện Hành chính quốc gia ủy quyền. 8 thí sinh mới tốt nghiệp đại học trong các năm 2002, 2003 và 2004... đều chưa đủ điều kiện để dự thi vẫn được thi.

Theo Thanh tra Bộ Nội vụ, từ Chủ tịch Hội đồng thi, trưởng ban chấm thi, Ban giám khảo, trưởng ban coi thi... cho đến các giáo viên ra đề thi, thí sinh đều phải chịu trách nhiệm về các sai phạm. Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đã nhận được kiến nghị kiểm điểm các cán bộ, cá nhân sai phạm và hủy bỏ kết quả kỳ thi nâng ngạch nói trên.

Phải hủy bỏ kết quả kỳ thi nói trên còn vì một lý do nữa: theo Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về tổ chức tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, thì Bộ Thương mại chưa được phân công quản lý một ngạch công chức chuyên ngành nào, do đó không có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch và cấp giấy chứng nhận ngạch với ngạch công chức chuyên ngành quản lý thị trường.

Điều cuối cùng cần rút ra từ kỳ thi quốc gia này là trong số 71 thí sinh nói trên, chỉ có 3 người không làm chức vụ quản lý, còn lại là các chi cục trưởng, chi cục phó, đội trưởng, đội phó... quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố. Những người được giao chức trách lại gian dối như thế thì có thể tin tưởng vào năng lực, phẩm chất của họ nữa hay không?



Trường đòi sinh viên "ai mua đề, giơ tay lên"
‘Ai đã mua đề, giơ tay lên? Ai cho rằng đề thi không bị lộ, giơ tay lên? Nhà trường mong các em hợp tác để tìm ra sự thật’.



Chuyện các ông viện nghiên cứu: Thiên tài!?
- Bạn Nguyễn Ngu Ngơ ở viện nghiên cứu A, học hàm học vị đủ hết nhưng chẳng thấy công bố công trình gì cho ra hồn. Suốt ngày bù khú, ba ngày tiệc nhỏ, năm ngày tiệc lớn, mặt mày lúc nào cũng như mặt trời mới mọc. Gặp bạn, Ngơ cười cười, nói ông rõ là giáo sư bia, tiến sĩ rượu.



Khi quỷ dữ cũng tìm cách kiếm tiền (Kỳ cuối)
Với việc bán cô người yêu đã từng thề non hẹn biển vào tổ quỷ, Đào Hữu Cường chỉ sở hữu vỏn vẹn được 700 nghìn đồng. Số tiền ấy chỉ đủ cho Cường ăn chơi trong mấy ngày.

Tổng số lượt xem trang