Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

Lối ra nào cho kinh tế Trung Quốc?

Lối ra nào cho kinh tế Trung Quốc? - Nguyễn Ước dịch

Barry Naughton, giáo sư môn kinh tế và môn các sự vụ quốc tế tại Ðại học California ở San Diego, là tác giả cuốn The Chinese Economy: Transitions and Growth (Kinh tế Trung Quốc: những bước quá độ và tăng trưởng), Nxb MIT Press, 2007.



Kể từ năm ngoái, lúc nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mối quan hệ vốn đã chặt chẽ giữa chính phủ Trung Quốc (TQ) và nền kinh tế của nó lại càng mật thiết hơn. Ðó chủ yếu là tác động phụ của việc chính phủ mãnh liệt can thiệp nhằm cung cấp sự kích cầu cho nền kinh tế. Về mặt này, đường đi của TQ chẳng khác đường đi của các nước khác cũng đang phấn đấu ngăn không cho lan rộng cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy thế, thêm vào đó, thể hiện mạnh mẽ của TQ khi đối mặt với cuộc khủng hoảng đã làm tăng rõ rệt sự tự tin của các nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách của TQ. Kết quả là họ đang có ý nguyện can thiệp mạnh mẽ hơn, công khai hơn và quyết đoán hơn vào nền kinh tế và ý nguyện ấy có các tác động lên một vài khu vực quan trọng.

Hành động của chính phủ TQ làm phát sinh một tình thế phức tạp, với đầy đủ những hậu quả ngoài dự tính và những hiệu quả nghịch lý, kể cả trong phạm vi quốc tế. Sự tự tin đang tăng của TQ cho phép nó tự khẳng định mình là một tay chơi toàn cầu. Ảnh hưởng toàn cầu đang tăng của TQ có nghĩa rằng nó thỉnh thoảng có thể uốn cong, lý giải các qui tắc luật lệ quốc tế theo cách thức phù hợp nhằm tạo lợi thế cho mình. Nhưng để đạt được đầy đủ mức độ ảnh hưởng đang khao khát, TQ cũng phải chứng tỏ nó có thể chơi theo qui tắc luật lệ. Hậu quả là sự đính ước của TQ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn kéo dài và thậm chí lên cao, bất chấp kiểu mẫu khẳng định mang tính quốc gia và đang gia tăng của nó.

Nói chung, TQ không từ bỏ kiểu mẫu đã qua của nó gồm sự gia tăng việc lập quyết định và sự vướng mắc khít khao giữa chính phủ và các thị trường. Các nhà hoạch định chính sách của TQ càng lúc càng cảm thấy phải chứng mình rằng nước mình đã chọn đúng con đường phát triển. Hơn nữa, nhu cầu dành ưu tiên cho đáp ứng cuộc khủng hoảng kinh tế có nghĩa rằng phải hoãn các chính sách khác hay hất tung một số mục tiêu quan trọng đã được ấn định.

Ðầu máy chạy soàn soạt

Chính phủ TQ xây dựng một cỗ máy tăng trưởng mạnh mẽ nhất, chưa từng thấy trên thế giới. Thành tựu ấy là kết quả của nhiều nhân tố trong đó có sự góp phần không ít của sách lược cải cách kinh tế thành công với chủ trương tiệm tiến. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất trong thể hiện sự tăng trường đầy kinh ngạc của TQ là hành động mở rộng trước sau như một của chính phủ những ưu tiên mang tính chính sách dành cho đầu tư nội địa và xuất khẩu. Gần trọn thập niên này, sách lược ấy mang lại kết quả tốt đẹp. Tăng trưởng đều đặn ấy tăng nhanh nhất trong trọn năm 2007, và Bắc Kinh tung ra một cuộc liên hoan hoang phí lộ liễu suốt Thế vận hội Bắc Kinh tháng Tám năm 2008.

Tuy thế, từ đầu chí cuối, người ta hiểu rõ rằng phép lạ tăng trưởng ấy phát sinh bởi các chính sách không cân đối và có lẽ không thể nào kéo dài. Lợi tức gia tăng, các tiêu chí tiêu dùng cho người TQ bình thường được cải thiện nhất định, nhưng những cải thiện nhiều thêm nữa trong tiêu chí đời sống đòi hỏi phải chuyển dịch vị trí sử dụng tài nguyên từ đầu tư sang tiêu thụ và dịch vụ xã hội. Sự nhấn mạnh trên kỹ nghệ đòi hỏi những đầu vào (input) năng lượng và tài nguyên, tạo ra ô nhiễm môi sinh ghê gớm và đe dọa khả năng chịu đựng của môi trường.

Trong khi đó tổng thặng dư mậu dịch lớn nhất bắt đầu từ sau năm 2004 lên cao tới 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2007. Chính sách của chính phủ đóng góp vào thặng dư đó bằng cách ghìm hối suất của Nhân dân tệ (NDT) ở cấp thấp đối với Mỹ kim (MK). Và rồi hành động ấy gây xích mích với các đối tác thương mại với TQ – trong đó có Hoa Kỳ (HK) – kẻ tin rằng việc định giá thấp ấy tạo cho xuất khẩu của TQ một lợi thế cạnh tranh không công bằng.

Tóm lại, từng có lúc đã có sức ép nhằm biến đổi sách lược tăng trưởng đó. Ngay từ đầu năm 2004 và liên tục sau đó, chính phủ TQ bày tỏ ý định sẽ chuyển dịch, hướng tới một con đường tăng trưởng cân đối hơn, bao gồm sự thân thiện hơn đối với người tiêu thụ TQ cùng môi sinh và làm cho sử dụng tốt trữ lượng tri thức nhân văn (stock of human knowledge) đang tăng rất nhanh của TQ. Một chuyển đổi chính sách như thế sẽ cắt của TQ sự tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên cùng năng lượng, và tối hậu sẽ giảm bớt thặng dư mậu dịch.

Thế nhưng dù đã có các tuyên bố về chính sách ấy, cho tới cuối năm 2008, không thật sự đạt được nhiều. Ngoài một số điều chỉnh trong chính sách về nông thôn, số còn lại được tiến hành để chuyển dịch con đường tăng trưởng kinh tế thì rất ít. Người ta thấy rõ rằng sách lược tăng trưởng kinh tế đã bị quyện chặt với các định chế kinh tế ăn sâu trong hệ thống của TQ và hoàn toàn chống lại sự chuyển dịch ấy.

Thế rồi năm ngoái, cuộc khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ đột kích TQ với một sự tàn bạo không ngờ. Tác động kịch tính nhất xảy đến vào cuối tháng 11 năm 2008, mấy tuần lễ sau khi bế mạc đầy thắng lợi Thế vận hội Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng đánh văng việc hoạch định chính sách của TQ khỏi đường rầy, đập vỡ các hy vọng về một hành động tái cân đối êm thắm nền kinh tế TQ cùng những tài khoản bên ngoài của nó.

Trong thực tế, kể từ quí bốn của năm 2007, các nhà hoạch định chính sách TQ đã lao mình vào nỗ lực làm hạ nhiệt nền kinh tế đang quá nóng của họ. Họ tăng lãi suất và (sau cùng) cho phép NDT lên giá một cách có ý nghĩa. Những biện pháp ấy cần thiết để góp phần kiểm soát áp lực lạm phát bằng cách giảm thiểu nhu cầu về nhà ở và đầu tư (qua lãi suất cao hơn) cũng như về xuất khẩu (qua tỉ giá hối đoái của NDT). Một cách chính xác, vì các chính sách ấy có hiệu quả, các chính trị gia TQ chịu cơn thịnh nộ của một số tập đoàn đầu tư. Thị trường nhà ở khựng lại và một số xí nghiệp xuất khẩu lên tiếng cầu cứu.

Tháng 11 năm 2008, khi trận cuồng phong tài chánh ập tới, các nhà hoạch định chính sách của TQ thấy mình đang ứng xử với tình trạng đi xuống đầy nguy cơ, đang kết hợp các thách đố ở trong nước với ngoài nước. Có lẽ tình trạng ấy vô cùng nguy hiểm nên phản ứng của chính quyền là lẹ làng, quyết đoán và nói chung, hữu hiệu. Ðáp ứng ấy – bắt đầu với gói kích cầu được tuyên bố vào tháng Mười Một năm 2008 – đã uốn nắn mọi sự diễn ra kể từ lúc đó. Nó là điểm bắt đầu để đánh giá nền kinh tế TQ hôm nay cùng mối quan hệ đang tiến hóa giữa chính phủ TQ và các thị trường của nó.

Các keynesian của TQ

Bằng việc sử dụng sự chi tiêu của chính phủ để kích hoạt nhu cầu, nỗ lực kích cầu của TQ là một trong những đáp ứng mạnh mẽ nhất của những người theo trường phái kinh tế Keynes [Keynesianism/ keynesian] bằng mọi biện pháp cấp quốc gia nhằm ứng phó một cuộc khủng hoảng kinh tế. Nó rất rộng lớn và rất nhặm lẹ. Tới mùa hạ năm 2009, kinh tế TQ rõ ràng đang hồi phục từ tình trạng đi xuống sắc nét mà nó đã chịu đựng vào cuối năm 2008, và hầu hết lời khen thưởng công trạng này đều được dành cho các hành động của chính phủ.
Chương trình kích cầu ấy cũng làm tăng sự tín nhiệm ở hải ngoại vào chính phủ TQ vì khi củng cố sức mạnh cho TQ trồi lên khỏi cuộc suy thoái, chính phủ ấy cũng đã thực hiện một bổ sung có ý nghĩa quan trọng cho đòi hỏi của thế giới. Trong trường hợp này, việc TQ theo đuổi năng nổ các lợi ích của nó đã hỗ trợ mạnh mẽ cho mục đích toàn cầu là ổn định kinh tế và tái tăng trưởng.

Phần nổi bật nhất trong tổng gói kích cầu là sáng kiến đầu tư chính thức của chính quyền trung ương. Chương trình ban đầu, được tuyên bố vào tháng Mười Một năm 2008 là 4.000 tỉ NDT (khoảng 586 tỉ MK), tương đương với 13% GDP năm 2008. Sự tuyên bố lẹ làng con số tròn trịa, khổng lồ và (không tránh khỏi) không chính xác là quan trọng đối với việc khôi phục sự tự tin cho các thị trường đang bị rúng động tệ hại.

Quan trọng hơn nữa, đó là sự kiện việc giải ngân gần như bắt đầu ngay lập tức. Chính phủ TQ và Ðảng Cộng sản TQ trực tiếp ra lệnh khẩn cấp cho các cơ quan chính quyền thuộc mọi cấp bậc, nhấn mạnh nhu cầu phải hà hơi tiếp sức cho nhu cầu nội địa và bắt đầu các dự án xây cất mới.

Chính xác, chỉ nội trong vài tuần, các chính quyền địa phương trên khắp nước phải hội họp để soạn ra danh sách các dự án nào sẵn sàng khởi công, tương thuận với đường lối chỉ đạo của chính phủ trung ướng. Kết quả là vào cuối năm 2008, tài nguyên bắt đầu rót xuống theo ống dẫn. Và sang tới quí đầu của năm 2009, đầu tư trải rộng của chính phủ bắt đầu có những tác động cụ thể lên nền kinh tế TQ.

Còn nữa, sự phân bố đầu tư, nói chung, nhắm đúng những mục tiêu tốt. Một ngàn tỉ NDT trích từ tổng số 4 ngàn tỉ, được chia phần cho tái thiết sau vụ động đất ở Tứ Xuyên. Trong số tổng chi tiêu còn lại, một nửa dành để xây cất hạ tầng cơ sở công cộng, ưu tiên cho giao thông vận tải. Hai phần lớn nhất kế đó dành cho xây dựng nhà ở có khả năng trả góp và hạ tầng cơ sở cấp làng xã ở nông thôn. Tất cả còn lại của chương trình là những chi tiêu dành cho công nghệ, môi sinh, y tế và giáo dục.

Ði kèm với nhận thức thấu đáo về chi tiêu ấy là sự phân phối tương đối trong sáng các ngân khoản. Các báo cáo đều đặn theo sát khoản ứng chi của ngân sách kích cầu theo từng địa phương, khu vực và sử dụng rộng rãi, và các báo cáo được phân phát nhanh chóng, kịp thời biểu. Chính phủ xem chương trình này như một mảng trung tâm của việc hoạch định chính sách và cần được xử lý tốt nhất.

Rõ ràng việc chính quyền quản lý tốt chương trình đầu tư của nó chỉ là một phần của câu chuyện, và không khéo nó có thể làm ta lạc đề. Trong thực tế, kích cỡ của sự chi tiêu ấy không to lớn như vẻ xuất hiện ban đầu của nó. Chi tiêu ấy được trải dài trong năm quí (từ quí bốn năm 2008 cho tới cuối năm 2010). Cũng thế, trọn cả 1.000 tỉ dành riêng cho việc tái thiết sau cuộc động đất Tứ Xuyên đã được cam kết sẵn, và như vậy, nó không thật sự là một ngân khoản mới.

Trong số 3.000 tỉ còn lại, số tiền lấy từ ngân sách được phân phối chỉ có 1.18 ngàn tỉ NDT, phần còn lại đến từ những quyên góp địa phương hoặc vay của ngân hàng. Chi tiêu ngân sách, trải dài suốt hai năm, có con số ít hơn 2% GDP hằng năm – một con số hoàn toàn chẳng gây ấn tượng.

Cứ làm người cho vay

Thế thì tại sao sự kích cầu ấy dường như rất hiệu quả, với việc TQ trở thành nền kinh tế đầu tiên trên thế giới trồi lên mạnh mẽ khỏi đáy khủng hoảng và tăng trưởng trở lại? Câu trả lời là, cùng với chương trình đầu tư của chính phủ còn có một cơn lũ cho vay tiền từ các ngân hàng nhà nước, cung cấp một sự kích cầu khác, ít được công khai hoá nhưng rộng lớn hơn nhiều.

Cùng với lệnh cho chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ các tổng chi tiêu dành cho việc xây cất, một lệnh khẩn cấp khác từ chính phủ trung ương trực tiếp chỉ thị các ngân hàng nhà nước TQ tăng cường việc cho các dự án được nhà nước chấp thuận vay tiền. Các ngân hàng đáp ứng rất nồng nhiệt: trong nửa đầu của năm 2009, ngân hàng TQ gia tăng khác thường số tiền cho vay, lên tới 7.4 ngàn tỉ NDT, hoặc 24% GDP.

Chắc chắn đối với mọi nền kinh tế đang mở rộng, một sự khuếch trương tín dụng nào đó là cần thiết. Tuy nhiên sự bùng nổ của việc ngân hàng cho vay trong năm 2009 đã làm lộ rõ những kiểu mẫu bình thường của tiếp cận tín dụng. Suốt trong mười năm vừa qua, gia tăng tín dụng trong mỗi nửa năm đầu là khoảng 10% GDP. Lấy con số gia tăng tín dụng trung bình này (hoặc “bình thường”) trừ cho con số gia tăng thật sự, chúng ta sẽ có một kích cỡ tròn trịa con số kích cầu được phân phối qua hệ thống ngân hàng: 14% GDP trong chỉ riêng nửa đầu của năm 2009.

Như đã ghi nhận ở trên, con số tài khoản kích cầu trực tiếp qua chương trình đầu tư của chính phủ sẽ lên tới con số dưới một chút 2% GDP trong cả năm. Thêm nữa, một số tài khoản kích cầu sẽ đến qua các chương trình xã hội mở rộng và giảm bớt tiền thuế thu được. Kết hợp cả ba thành phần vừa kể, ta sẽ có con số tổng kích cầu từ 18% tới 20% GDP năm 2009, cho dù không có sự gia tăng bất thường tín dụng trong nửa sau của năm này. Ðây chắc chắn là một chương trình rộng lớn, nhưng sự khuếch trương tín dụng giải thích cho phần lớn nhất của nó.

Xét theo nhiều khía cạnh của nó, khuếch trương tín dụng là thiết yếu. Nó cần thiết nhằm cung cấp tài chính để khởi động lẹ làng các dự án đầu tư do sáng kiến của các chính quyền địa phương nhưng họ không có tài khoản để chi trả. Nhưng nếu đặt quá nặng tín nhiệm vào tín dụng của ngân hàng cũng sẽ có các khía cạnh bất lợi của nó.

Khía cạnh bất lợi thứ nhất là sự tăng tốc ào ạt của tín dụng sẽ làm hại các mục tiêu quan trọng mang tính chính sách. Ðã có vô số trường hợp các dự án xây cất xấu, thiết kế nghèo nàn và đôi khi nguy hiểm. Về lâu về dài, chính phủ sẽ phải gánh chịu phí tổn của các dự án thất bại ấy và những gia tăng liên kết trong các khoản vay vi phạm hợp đồng trên bản quyết toán của ngân hàng.

Ðể chuyển động một khối lượng tín dụng khổng lồ như thế, ngân hàng buộc lòng phải hướng tới những công ty lớn, đặc biệt quốc doanh, để ký kết khoản vay. Các công ty nhà nước thụ hưởng sự bảo đảm tuyệt đối của chính phủ cho những khoản vay ấy vì rõ ràng chúng phù hợp với chính sách của nhà nước.

Trong khi đó, ngân hàng ít có thì giờ đánh giá các dự án qui mô nhỏ, đôi khi mạo hiểm, do sáng kiến của các công ty nhỏ mà hầu hết là tư nhân không được chính phủ hậu thuẫn. Kết quả là phần cho vay dành cho các khu vực tư vốn đã thấp nay lại càng thấp hơn.

Khoản cho các gia đình vay với những mục đích khác nhau – tiêu dùng cũng như kinh doanh gia đình – chỉ chiếm 15% tổng số tiền cho vay gia tăng trong nửa năm đầu của 2009, so với cao điểm năm 2007 thì xuống gần tới 1/3 tổng số tiền cho vay năm đó. Ðiều này bị lặp lại bất chấp lời chính phủ phát biểu rằng ngân hàng nên hỗ trợ các công ty cỡ nhỏ và trung bình (mà ngày nay hầu hết đều do tư nhân điều hành). Như thế, đã gây cản trở trầm trọng cho mục tiêu dài hạn là tạo ra một nền kinh tế co giãn và đa dạng hơn, ít tùy thuộc vào các công ty quốc doanh to lớn.

Khía cạnh bất lợi thứ hai của sự khuếch trương tín dụng ấy là, tổng chi tiêu sẽ phần lớn nhắm mục đích ít hữu hiệu hơn chi tiêu trong chương trình đầu tư chính thức của chính phủ. Phần lớn số tiền cho vay đang gia tăng đó được dành cho hạ tầng cơ sở mới, nhưng tổng số tiền cho vay, mà sau cùng sẽ được biết rõ (chúng tôi chưa có dữ liệu đáng tin về cấu thành của nó) chắc chắn sẽ mở ra rất rộng, vượt quá những ưu tiên của chính phủ.

Vì cơn lũ tiền tệ này lớn hơn rất nhiều so với các nhu cầu cơ bản của nền kinh tế – căn cứ vào việc đây là một năm có tăng trưởng bình quân thấp hơn và lạm phát ở con số không – nên không thể tránh khỏi tình trạng một lưu lượng thanh toán tiền mặt nào đó tuồn vào các tài khoản ngân hàng và rồi tìm cách trở thành đầu cơ mua bán trên thị trường chứng khoán và nhà đất.

Một khí cụ cùn

Thật thế, thị trường chứng khoán TQ đã trở lại bình thường – vào tháng Bảy năm 2009, nó tăng gấp đôi mức thấp tháng Mười Một năm 2008. Giá đất cũng đã phục hồi, đạt tới mức cao trước đó. Trong đó, một số phản ánh sự phục hồi kinh tế hợp pháp và trị giá của thị trường chứng khoán vẫn chỉ bằng một nửa mức đầu cơ cao trước đó. Nhưng TQ giờ đây đối mặt với nguy cơ bong bóng giá thị trường chứng khoán mới đang được tạo ra cả trong khi sự phục hồi niềm tự tin của người tiêu dùng và chi phí tiêu dùng vẫn còn mong manh, và yêu cầu xuất khẩu suy trầm. Nguy cơ lạm phát trong tương lai cùng chính sách kinh tế vĩ mô luân phiên kích thích và làm nguội (macroeconomic stop-and-go cycles) hoạt động kinh tế rõ ràng là càng ngày càng đáng quan tâm.

TQ có thể thoát khỏi những mối nguy đó nếu nhu cầu đầu tư tuôn tràn mạnh mẽ để tăng tiến lợi tức gia đình, cải thiện sự tiêu dùng trong nước và tạo được sự phục hồi có khả năng kéo dài. Nếu kinh tế toàn cầu ổn định và xuất khẩu của TQ được cải thiện, lúc ấy có khả năng những vấn đề vừa kể sẽ không là vấn đề lắm trong năm hay mười năm tới. Nhưng dù sao đi nữa, cơn lũ tín dụng đã phô bày những nhược điểm trầm trọng đang diễn ra trong hệ thống TQ.

Ði kèm với tính quyết đoán trong chính sách hiện nay của TQ là tính lóng ngóng của một khí cụ không sắc bén. Chính phủ TQ có tác động nhanh chóng và lớn lao lên trên nền kinh tế nhưng tác động ấy, trong một số phương cách, giống với những gì từng hiện hữu trước đây trong nền kinh tế qui hoạch. Chính phủ vẫn còn có khả năng huy động tài nguyên nhưng không lèo lái chúng một cách hiệu quả để sử dụng tốt nhất. Và các biện pháp mang tính chính sách thì đủ rộng lớn để gây ra tác động thái quá không thể tránh.

Các nhà hoạch định chính sách của TQ kéo nền kinh tế của họ ra khỏi cơn suy thoái chớm phát nhưng với cái giá buông lỏng cơn lũ lưu lượng tiền mặt trong nền kinh tế. Sau khi kinh tế phục hồi, TQ sẽ tốn nhiều thì giờ để giảm hạ lưu lượng quá lố đó và trả giá cho hành động lẹ làng vừa qua.

Kẻ cố vấn cho thế giới

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu biến đổi cách thức các nhà hoạch định chính sách và các kinh tế gia TQ nhìn chỗ đứng của họ trong thế giới. Các kinh tế gia TQ xem cuộc khủng hoảng này điển hình như một bùng nổ của những vấn đề tích lũy lâu dài trong hệ thống tài chính của HK. Họ có khuynh hướng xem thành tích tăng trưởng kinh tế của nước họ và sự chóng vánh cùng tính quyết đoán của gói kích cầu là bằng chứng cho thấy tính ưu việt của kiểu mẫu can dự mật thiết vào nền kinh tế.

Như thế, một trong những kết quả tức thời của cuộc khủng hoảng là làm mất uy tín lớn lao, trong con mắt người TQ, lời khuyên kinh tế mà TQ đôi khi lấy từ các nhà phê bình phương Tây, cách riêng những người trong Quốc hội Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Mỹ. Lời khuyên ấy quả thật đôi khi giản dị quá đáng và nói chung là không được yêu cầu.

Giờ đây, những người hoạch định chính sách của TQ cảm thấy một số quyết định trước đây của họ được chứng minh là có lý, kể cả quyết định giới hạn mức đánh giá NDT tới 21% so với MK suốt thời kỳ từ tháng Bảy năm 2005 tới tháng Bảy năm 2008. Kể từ tháng Bảy năm 2008, tỉ giá hối đoái MK-NDT không nhúc nhích. Thay vào đó, những người hoạch định chính sách của TQ giờ đây có khuynh hướng qui trách tình trạng thặng dư mậu dịch của TQ cho chính sách tiền tệ lỏng lẻo quá đáng tại HK trong thời gian dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính.
Cùng lúc ấy, vì chương trình kích cầu của TQ rõ ràng có những kết quả vô cùng tích cực đối với phần còn lại của thế giới, các chính phủ nước ngoài, kể cả chính quyền Barrack Obama, có rất ít khả năng ép TQ tiếp tục giữ những ưu đãi có tính chính sách dành cho họ. Như thế, TQ ngày nay nhận ít lời khuyên miễn phí từ hải ngoại và nó cũng ít chú ý tới việc đó.

Thế nhưng như vậy không nhất thiết có nghĩa TQ xa cách hơn với các chính phủ ngoại quốc và các định chế quốc tế. Thí dụ mối quan hệ giữa TQ và IMF nguội lạnh thấy rõ trong những năm vừa qua. Trước lúc xảy ra cuộc khủng hoảng, khi IMF xét lại vai trò của nó trong nền kinh tế toàn cầu, bên trong tổ chức ấy đã phát triển một sức ép nào đó muốn tuyên bố rằng đồng tiền của TQ là “chênh lệch tận căn bản”, nhằm hối thúc TQ tăng nhanh giá trị tiền tệ của nó. Vì Bắc Kinh có ý không muốn chấp nhận lời khiển trách có ngụ ý chỉ định như thế nên kể từ năm 2007, IMF không thể hoàn tất việc đều đặn khuyến cáo TQ, như đã được ủy nhiệm.

Tuy nhiên, mới đây dường như IMF bớt căng thẳng trong lập trường của nó và TQ cũng đang bắt đầu tỏ ra ưa thích IMF. Có trong tay hai ngàn tỉ MK trái khoán dự trữ ngoại hối chính thức và không thoải mái với sự nô lệ quá đáng vào đồng MK, TQ thúc giục IMF mở rộng việc sử dụng cái gọi là quyền rút tiền đặc biệt, đơn vị tiền tệ dự trữ đa quốc gia được tạo ra trong thập niên 1970 nhưng từ bấy đến nay chỉ chủ yếu mỏi mòn chờ đợi. Thêm nữa, TQ đồng ý cho IMF vay bằng MK để yễm trợ một sự phát hành dự trữ quốc tế như thế.

Cùng với sự gia tăng yểm trợ IMF, TQ gia tăng lời khuyên của nó đối với Washington. Vài kinh tế gia TQ hiệp cùng Thủ tướng Ôn Gia Bảo thúc giục HK kiềm chế tốc độ tiến triển của việc mở rộng tiền tệ và kiểm soát sự thâm hụt tài chính, đồng thời nhắc nhủ người Mỹ về trách nhiệm cung cấp tiền tệ ổn định cho thế giới và bảo vệ món nợ của chính phủ. Như thế, TQ giờ đây có thể đối chọi với HK trong khả năng cung cấp những lời khuyên giá rẻ, không được yêu cầu, và với lời khuyên ấy, cán cân thương mại rất nghiêng chiều thuận lợi cho TQ.

Việc mở tài khoản

Cùng lúc đó, TQ tiếp tục quá trình cải cách kinh tế tiệm tiến, nghĩa là chậm và cứ thế tăng dần số lượng và sức mạnh, v.v. Ðiều này có chứng cớ trong những bước liên tục của TQ hướng tới việc mở tài khoản tư bản của nó.

Trung Quốc chấp nhận và thực thi một số biện pháp nhằm tạo cho các công ty TQ dễ dàng hơn trong việc đầu tư ra hải ngoại để đổi một cách tự do các tiền tệ được dùng trong thương mại và để dùng NDT trong việc thanh toán các hóa đơn thương mại. Rõ ràng những lưu lượng tư bản độc nhất vẫn còn bị hạn chế là những cái dành cho đầu tư tổng ngạch phiếu khoán (portfolio investment) trong cả hai chiều, và chỉ có thể diễn ra hợp pháp qua những trung gian có đăng ký.

Mỉa mai thay, việc mở tài khoản tư bản ấy được khuyến khích bởi sự tan vỡ ảo tưởng về hệ thống tài chánh đặt căn bản trên MK và bởi khát vọng biểu lộ công khai muốn nuôi dưỡng một chuyển động tiệm tiến hướng tới một thể chế quốc tế đặt căn bản trên nhiều loại tiền tệ ổn định. Trên thực tế, TQ đã có những bước đi không chỉ củng cố IMF mà còn tranh đua với nó. Bằng việc ký kết giao hoán tiền tệ dự trữ và các thoả ước tài chính với một số nước, biến dị khác nhau theo từng nước, như Argentina, Nam Hàn và các nước Ðông Nam Á, TQ tìm cách cung ứng một cái thay thế IMF cho các nước cần cấp vốn từ bên ngoài.

Bằng cách tạo dễ dàng hơn cho việc sử dụng NDT để thanh toán các sai ngạch mậu dịch, TQ đi những bước nhỏ đầu tiên để hướng tới việc sau cùng là thiết lập NDT như một tiền tệ dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên, để những bước ấy hoàn toàn đạt kết quả, TQ cũng phải mở thành công tài khoản tư bản của nó và để cho NDT được mua bán tự do. Như thế, mặc dù tan vỡ ảo tưởng về hệ thống toàn cầu lấy MK làm tâm điểm, TQ cho tới nay tiếp tục chuyển động hướng tới một sự cởi mở tài chính lớn lao hơn cho hệ thống đó.

Lớn hơn cả đại ca

Nếu vai trò biến đổi của TQ trong kinh tế thế giới không làm phát sinh bước lùi đối với cải cách và mở cửa thì nó như thế nào đối với kinh tế nội địa? Ở đây ta có một bức tranh ô hợp, trộn lẫn nhiều thứ.

Chắc chắn tại TQ cũng như tại các nước khác, việc thực hiện đầy đủ chương trình kích cầu rộng lớn có nghĩa là chính phủ có vai trò trực tiếp và lớn lao trong nền kinh tế. Vì chính phủ TQ vốn đã có vai trò nổi bật, một cách không thông thường, trong nền kinh tế nên những gia tăng như thế phải được xem xét một cách trang trọng. Với số lượng tiền rất nhiều để phân phối, chính phủ TQ tăng cường chi tiêu trong y tế nông thôn và tiến các bước vừa phải trong chiều hướng y tế do chính phủ cung cấp. Nhà nước đang ngày càng trở thành kẻ cung cấp trực tiếp và có ý nghĩa nhà ở tại đô thị. Và trong tổng thể của nền kinh tế, đầu tư của chính phủ đang ngày càng chiếm phần lớn hơn.

Hậu quả đáng chú ý là, sau khi suy sụp thấy rõ từ năm 1992 tới năm 2007, số lượng công nhân trong kỹ nghệ quốc doanh thật sự nhích lên một chút trong năm 2008. Một cách chính xác, con số công nhân cộng thêm (237.000 người) chẳng có ý nghĩa gì so với năm 2007 có tổng số 17.5 triệu. Tuy nhiên, sự đảo ngược khuynh hướng suy sụp dài hạn thì hoàn toàn có ý nghĩa. Khoảng 45 triệu người TQ trước đó đã làm việc trong những công ty xí nghiệp quốc doanh năm 1992, vào thời gian trước khi xảy ra việc ồ ạt tinh giản và tư nhân hóa kỹ nghệ nhà nước.

Thật không đáng ngạc nhiên khi sự sử dụng ngày càng tăng các tài nguyên quốc gia đi kèm với tiếng nói lớn lao hơn của nhà nước trong việc sử dụng tài nguyên. Chính phủ trung ương công bố một chuỗi mười chính sách về các ngành hay các lãnh vực, trong đó phác thảo viễn kiến của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (một hậu duệ trực tiếp của Ủy ban Qui hoạch Nhà nước) trong các lãnh vực từ thép và ô-tô tới công nghệ hóa dầu và thông tin. Ðặc biệt trong số mười lãnh vực đó có các kỹ nghệ truyền thống, thí dụ ngành dệt..

Các chính sách ấy là một bọc trộn lẫn. Một số là những kế hoạch thật sự, và một số là những phát biểu mang tính kiến thị mơ hồ. Các mục tiêu phát triển công nghệ đầy tham vọng trộn chung với những biện pháp giản dị nhằm cứu vãn các công ty và kỹ nghệ bị thương tổn bởi cuộc suy thoái kinh tế. Và mường tượng một số các khí cụ khác nhau, từ tiêu chí đặt ra tới sự sử dụng năng nổ việc chính phủ thu mua để hỗ trợ các sản phẩm mới và các ngành phụ. Các sách lược như thế không hoàn toàn khác nhau về mặt phẩm chất theo cách mọi sự đã thao tác trong mấy năm vừa qua, nhưng có nhiều kiểu can thiệp của chính phủ trải ra trên những vạt trơ trụi rộng lớn hơn của kinh tế kỹ nghệ.

Chúng ta từng chứng kiến trong những năm vừa qua ở phần của chính phủ một sự quyết đoán ngày càng tăng trong việc đề xuất những gì được nhận thức là các lợi ích kinh tế của TQ. Ðiều này không chỉ nhằm bảo vệ các lợi ích cấp quốc gia mà còn là một bảo vệ ngày càng tăng các công ty xí nghiệp của TQ. Trung Quốc đã có những nỗ lực thật sự có giá trị để tuân theo các qui tắc của WTO trong việc quản lý thương mại và đầu tư. Nhưng Bắc Kinh cũng ngày càng làm rõ ra rằng ngày nay TQ đã là thành viên WTO, đồng ý chơi theo qui tắc luật lệ của WTO và nó sẽ làm hết mọi sự trong quyền hạn và sức mạnh của mình để hỗ trợ các công ty và các lợi ích của nó theo những giới hạn được chuẫn mực của WTO cho phép.

Ðẩy các giới hạn

Trong thực tế, đối với TQ, dường như việc thăm dò lặp đi lặp lại các giới hạn là một chính sách chính thức. Thí dụ, vào đầu năm nay, chính phủ trung ương TQ nhắc nhở một cách rạch ròi các chính quyền địa phương rằng họ nên ban chế độ ưu đãi cho các công ty xí nghiệp nội địa trong việc chính phủ thu mua. (Trung Quốc không là nước ký vào thỏa ước về sự thu mua của chính phủ theo đường lối của WTO, một thỏa ước chỉ đem lại phúc lợi hỗ tương và những ràng buộc cho các nước ký kết thôi).

Một luật mới, chống độc quyền, được triển khai chống lại các nỗ lực của Coca-Cola xâm nhập các ngành nước trái cây nội địa, dựa trên cơ sở sự nắm quyền kiểm soát với đa số cổ phần sẽ làm hại cho phát triển công nghệ nước trái cây của TQ. Và Trung Quốc tái tổ chức các cơ quan viễn thông nội địa của nó nhằm trao cho China Mobile, một công ty viễn thông di động mạnh nhất nước, kiểm soát các định chuẩn viễn thông thế hệ thứ ba (3G) phát triển nội địa, chừa lại các định chuẩn 3G ứng dụng quốc tế phát triển quốc ngoại cho nhà cung cấp dịch vụ yếu hơn.

Trong cả ba trường hợp ấy, chính quyền TQ cho thấy rõ ràng dự tính cổ vũ các công ty nội địa (và các nhãn hiệu nội địa) trong cuộc cạnh tranh của chúng với các doanh nghiệp nước ngoài. Những thí dụ ấy cũng có điều gì đó nữa có điểm chung. Chúng cho thấy ý nguyện tuân theo các đòi hỏi của luật lệ và các thỏa ước đa dạng, và một nỗ lực có giá trị thật sự nhằm biện minh cho các chính sách bằng những quyền hạn và những thủ tục mà các qui tắc luật lệ lập nên. Trong cả ba trường hợp ấy, TQ đóng khung chính sách của nó bằng sự tuân theo một cách rõ ràng các ràng buộc của WTO đối với nước mình.

Như thế, các quan chức nhấn mạnh rằng những chỉ thị của họ cho chính quyền địa phương chỉ liên quan tới việc chính phủ thu mua (lãnh vực mà TQ được phép ban một cách hợp pháp chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất nội địa). Người phát ngôn của chính phủ cung cấp cơ sở hợp lý, có tính cạnh tranh và minh bạch (nếu có tranh luận) để từ chối việc đấu giá nắm quyền kiểm soát của Coca-Cola.

Trong lãnh vực viễn thông, họ bảo đảm cho phép có sự cạnh tranh giữa các định chuẩn công nghệ. Và như thế, họ tuân theo từng chữ một đòi hỏi của WTO rằng các giấy phép kinh doanh trong lãnh vực viễn thông phải được cấp với thái độ trung lập về mặt công nghệ. Dù thế, thật rõ ràng chính phủ TQ đang sử dụng mọi công cụ được các qui tắc luật lệ cho phép, để đẩy mạnh sự phát triển của các công ty xí nghiệp TQ. Nó như thể tư cách thành viên WTO không chỉ giải quyết những gì TQ có thể không làm mà còn định rõ rằng TQ có thể làm tất cả những gì không bị các ràng buộc của WTO cấm một cách rõ ràng.

Tuy thế, TQ cũng đã đi quá xa trong một ít cơ hội. Vào tháng Sáu và tháng Bảy năm 2009, chính phủ đưa ra hai quyết định khiến các doanh nghiệp đa quốc gia bối rối. Cái thứ nhất đòi hỏi kể từ ngày 1 tháng Bảy năm 2009, tất cả những máy vi tính khi bán ra ở nội địa phải lắp đặt sẵn một chương trình của chính phủ kiểm duyệt internet, có tên là “Green Dam”. Bị một trận la ó tới tấp của quốc tế, TQ hoãn lại đòi hỏi lắp đặt ấy vào ngay trước ngày nó có hiệu lực.

Kế đó, vào ngày 5 tháng Bảy, Stern Hu, một nhân viên của công ty tài nguyên Rio Tinto của Australia, có liên can tới việc thương thảo đầy căng thẳng và vô cùng quí giá với TQ về việc định giá quặng sắt, bị bắt và bị cáo buộc tội trộm các bí mật nhà nước. Ðộng cơ của cáo buộc ấy rõ ràng là vì sự thành công của Stern Hu trong việc có được những thông tin trực tiếp từ các nhà máy thép của TQ về lập trường thương thuyết của TQ. Dù cả hai trường hợp ấy đều là những sự kiện rõ ràng, không một chút hoài nghi, chúng cũng phủ một bức màn lên mối quan hệ giữa chính phủ TQ và các doanh nghiệp đa quốc gia.

Ðâu là lối ra?

Can thiệp mạnh mẽ của chính phủ vào thị trường đã làm cho kinh tế TQ giảm được sự tệ hại nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thế nhưng giờ đây nhà nước phải khởi sự tìm kiếm một sách lược đi ra để cho những hậu quả ngoài dự tính của hành động can thiệp vừa rồi không đe dọa tương lai của sự tăng trưởng kinh tế.

Rõ ràng giới hữu trách tiền tệ của TQ rất ngạc nhiên trước sự tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong tháng Sáu năm 2009, sau khi sụt nhẹ nhàng trong hai tháng trước đó. Họ bắt đầu có những bước khiêm tốn để tái xác nhận sự kiểm soát việc phát hành tín dụng cả trong khi chính phủ công nhận rằng nền kinh tế vẫn còn quá mỏng manh để cho phép siết chặt tín dụng. Nếu không mang được sự tăng trưởng tín dụng vào tầm kiểm soát, kết quả sẽ là một thảm họa hoàn toàn cho kinh tế TQ. Các tác động sẽ gồm có lạm phát, bong bóng giá chứng khoán và tham nhũng gia tăng. Khi đó, việc xử lý thẳng tay các hiện tượng ấy sẽ đưa tới các chu kỳ kinh tế vĩ mô kích thích và làm nguội luân phiên nhau (stop-and-go), làm chấn thương xa hơn các viễn cảnh kinh tế của TQ.

Ðiểm then chốt của vấn đề là kinh tế của TQ ngày nay vẫn quá lệ thuộc vào sự mở rộng đầu tư của chính phủ và vào tiền chính phủ cho vay để hỗ trợ phát triển. Chỉ riêng đầu tư của chính phủ vào hạ tầng cơ sở trong quí hai của năm 2009 đã tăng gấp đội so với cùng quí của năm trước.

Với tình trạng xuất khẩu vẫn giảm sút rõ rệt kể từ năm ngoái, chính phủ không thể nào giật lùi chương trình đầu tư năng nổ của mình. Nhưng trong lúc đó, đầu tư ấy cũng không thể chịu đựng sự gia tăng tới vô tận. Với đầu tư của chính phủ đang tăng rất nhanh, phần chia sẻ của kinh tế dành cho đầu tư cố định sẽ bốc lên 45% năm 2009, đặt một kỷ lục mới (chưa từng xảy ra cho kinh tế TQ và cho bất cứ nền kinh tế lớn nào).

Như thế TQ không thể biến mục tiêu đã công bố của nó thành hiện thực, đó là phát triển một nền kinh tế ít dựa vào sự chế tạo hàng xuất khẩu và nhắm tới sự tiêu dùng trong gia đình. Thật thế, cuộc khủng hoảng toàn cầu làm cho kinh tế của TQ mất cân đối hơn bao giờ hết. Và bằng cách xói mòn lòng tự tin của người tiêu thụ cùng địa vị của các doanh nghiệp qui mô nhỏ, nó làm cho nó thậm chí còn khó khăn thêm trong việc chuyển dịch nền kinh tế hương tới cân đối.

Sách lược tăng trưởng không cân đối có quan hệ mật thiết với vai trò nổi bật – và giờ đây đang gia tăng – của chính phủ trong kinh tế. Ðể TQ ngày càng trở thành một xứ sở thịnh vượng hơn và thu nhập bình quân cân đối hơn, nền kinh tế của nó sẽ phải trải qua một thời kỳ kéo dài, trong đó tiêu thụ và dịch vụ gia tăng nhanh chóng, còn sự gia tăng của đầu tư và đầu vào kỹ nghệ nặng chậm lại một cách đầy kịch tính. Nhưng điều ấy phải chờ cho lòng tự tin của người tiêu dùng sống lại và kinh tế thế giới phục hồi. Thậm chí tới lúc đó, TQ cũng phải nghĩ cho ra một sách lược thực tiễn để xoay trở lại những gia tăng trong sự can thiệp của chính phủ, cái đánh dấu cho năm cực kỳ đặc biệt này.

Bài do dịch giả gửi đăng


Nguồn: Dịch toàn văn bài “In China’ Economy, the State’s Hand Grows Heavier” (Bàn tay của nhà nước ngày càng mạnh hơn trong nền kinh tế của Trung Quốc, đăng trong Current History – A Journal of Contemporary World Affairs (Lịch sử Hiên thời – Tạp chí Các sự vụ Thế giới Ðương đại), số đặc biệt China and East Asia (Trung Quốc và Ðông Á), tháng 9 năm 2009, xuất bản tại Hoa Kỳ, tt. 277-283

Tổng số lượt xem trang