MartianMobile (Thành viên X-cafevn)
Trong cùng một vấn đề bao giờ cũng có hai phía bình luận khác nhau, chẳng khác nào như hai thực khách đi vào tiệm ăn một người nói rằng thức ăn ở đây ngon nhưng người khác chê dở cho rằng tiệm ăn có thể làm khá hơn nếu chủ tiệm biết nêm nếm hay thêm bớt một vài gia vị cho đúng mùi.
Khi bộ Lao động công bố chỉ số thất nghiệp trong tháng mười thì không phải sẽ có 2 nguồn tranh luận mà cả người phê phán lẫn ủng hộ đều phải công nhận là có nhiều thất vọng trong chỉ số này. Với thêm 190,000 ngàn người thất nghiệp trong tháng 10, nó đẩy nước Mỹ có con số kỷ lục là 10.2% thất nghiệp và đây là chỉ số cao nhất lần thứ hai so sánh từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế vĩ đại (Great Depression). Nếu cộng thêm vào con số của những người thất nghiệp chán nản không muốn đi tìm thêm việc nữa thì chỉ số này phải là 17.5%.
Những chuyên gia lạc quan lúc trước nói đến "mầm xanh" (green shoots) của chỉ số thất nghiệp như chỉ số thất nghiệp tuy vẫn còn cao như nó đã bớt hơn những tháng trước, nay họ phải đổi lời nói là theo dự đoán thì chỉ số này sẽ phải được khá hơn vào năm 2010. Ai cũng nói đến số lượng công việc sẽ được tạo ra nhưng không thấy ai nói đến những công việc nào sẽ được tạo ra như công việc nặng nhọc chỉ được trả với lương tối thiểu hay công việc chuyên môn với mức lương cao.
Phân tích vào con số này, nước Mỹ đã mất đi 61,000 công việc lương cao trong đó những công việc này sẽ đẻ ra nhiều công việc mới lệ thuộc vào nó. Nó chỉ được tạm thời thay thế bằng các công việc của chính phủ trong lãnh vực như giáo dục, nhân viên xã hội, công chức chính phủ mà những công việc này không đẻ được ra thêm những công ăn việc làm từ đó ra. Nếu cái đà này tiếp tục thì cả xã hội Mỹ sẽ không ổn định, không phục hồi kinh tế thật sự mà Wallstreet đã đánh cá vào trong những tháng gần đây. Nhiều nguời lạc quan nói là chúng ta sẽ có một kinh tế phục hồi với số lượng thất nghiệp cao. Đây chỉ là phần an ủi và che dấu chẳng khác nào chúng ta đang xây những lâu đài trên bãi cát. Một khi những hạt cát này trôi đi thì kinh tế phục hồi sẽ biến mất và hàng ngàn tỉ dollars mà chúng ta bỏ vào hy vọng nó sẽ ngăn chặn được thất nghiệp thì thực tế lại là ngày càng gia tăng. Trong khi đó nước Mỹ tiếp tục đi sâu vào nợ nần chồng chất, ngay đến cả Greenspan là người chủ trương biện pháp bơm tiền vào hệ thống kinh tế mỗi khi có cuộc suy thoái cũng đã phải nhìn nhận là chính sách này đã thất bại. Ngày nay chính phủ Mỹ và Ngân Hàng Trung Ương vẫn tiếp tục theo đuổi cái vòng luẩn quẩn này làm nhiều người dân lo lắng là không biết bao giờ kinh tế nước Mỹ mới thực sự phục hồi.
Có điểm gì khác biệt giữa cuộc khủng hoảng hôm nay và thời kỳ 80s? Cả hai đều có vài điểm giống nhau trong đó các quốc gia sản xuất dầu không muốn trao đổi dùng đồng dollar. Cả hai đều đẩy đồng dollar đi xuống nhanh chóng.
Có điểm gì khác biệt giữa cuộc khủng hoảng hôm nay và khủng hoảng kinh tế tại Nhật từ thập niên 80s cho đến 2000? Cả hai đều có vài điểm giống nhau trong đó Mỹ và Nhật không nhìn nhận thất bại và luôn luôn chống đỡ hệ thống ngân hàng. Nhật cuối cùng đã phải thay đổi chính sách trong đó họ đã để cho các ngân hàng lỗ lã vỡ nợ thay vì có những biện pháp "Quá lớn để thất bại" (Too big to fail) như Mỹ hiện nay. Cả hai đều đẩy đồng tiền của họ đi xuống nhanh chóng và các nhà đầu tư được dịp lợi dụng cơ hội này để làm "carry-trade" kiếm lời, đẩy đồng tiền của họ xuống nhanh hơn và cả hai nước đềukhông làm gì được cho đên khi thay đổi chính sách.
Ảnh hưởng của đồng dollar với các tiền tệ khác trên thế giới đang trong thời kỳ bị hao mòn, từ đồng Yen cho đến Yuan của Trung Quốc đều trở nên có giá trị hơn đồng dollar nhưng không một chính phủ nào muốn như vậy vì nó sẽ tạo ra cán cân trao đổi mậu dịch mất thăng bằng trong đó đa số các kỹ nghệ tại Mỹ sẽ hưởng lợi trong khi kỹ nghệ Tài Chánh và Ngân Hàng của Mỹ sẽ bị lỗ lã vì đồng tiền dollar mất giá. Trong bối cảnh chính trị hiện nay của nước Mỹ thì kỹ nghệ Ngân Hàng lũng đoạn chính sách của các chính phủ Mỹ trong nhiều thập niên qua. Nhìn vào công ty mạnh nhất là Goldman Sachs, họ đã có nhiều viên chức quan trọng làm việc cho chính phủ từ đảng Cộng Hòa cho đến Dân Chủ. Trong những Quý vừa qua cho thấy là Goldman Sachs đã dùng tiền trong quỹ cứu trợ của chính phủ để mua bán commodities, đáng kể nhất là họ đã dùng nó để ảnh hưởng đến giá dầu, vàng, và bạc. Goldman Sachs là những kẻ nhìn thấy ảnh hưởng của commodities đặt lên áp lực của nhiều chính phủ trên thế giới. Trong tuần, khi nguồn tin tiết lộ là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF - International Monetary Fund) đã phải bán ra 200 tấn vàng cho chính phủ Ấn Độ với giá $6.7 tỉ dollar để giúp đỡ, trang trải nợ nần cho các quốc gia thành viên như Iceland hay Serbia, Turkey. Đây là những triệu chứng có phần nguy hiểm một khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu gia tăng số lượng dự trữ vàng. Nếu nhiều quốc gia tuyên bố là họ sẽ có hành động tương tự thì giá vàng sẽ gia tăng không thể tiên đoán được. Những triệu chứng nhìn thấy hiện nay là mặc dầu tuần qua giá dollar đã đi lên nhưng giá vàng cũng đi cùng chiều với nó, có thể hiểu được là nhiều quốc gia đã "peg" đồng tiền của họ theo đồng dollar. Do đó giá vàng có thể bắt buộc sẽ phải đi theo chiều hướng riêng của nó, không lệ thuộc vào chỉ số lạm phát hay giá trị tiền tệ của thế giới, đây là một thử thách lớn lao cho các nhà đầu tư khi tiên đoán giá vàng sẽ lên hay xuống trong thời kỳ này.
Giá vàng lên cao hiện nay đang là thử thách cho các nhà đầu tư trước giờ không mua bán vàng. Một mặt họ có lòng tham để nhẩy vào hiện nay, hy vọng nó sẽ làm họ trở nên giầu có qua đêm, một quan điểm khác cho rằng có thể đã quá trễ để mua vàng với giá của nó lúc này. Thật khó có thể giải thích cho người đầu tư là giá vàng hiện nay đang chỉ làm một nhiệm vụ chính là xác nhận sự mất giá trị của tiền tệ thế giới chứ không cứ chỉ là đồng dollar. Hiện nay vàng đang ở cuối thời kỳ thứ hai trong đó giá vàng sẽ không còn lệ thuộc vào bất kỳ ảnh hưởng nào nữa, tương tự như người dân trên thế giới đang thiếu tin tưởng vào các chính phủ của họ điều khiển guồng máy kinh tế. Họ cho rằng các chính sách của các chính phủ đang trở nên vô hiệu quả và nó đang đẩy người dân vào tình thế tự vệ trong đó người dân thích mua vàng cất giấu và tích trữ hơn là bỏ tiền vào Thị Trường Chứng Khoán hay Trái Phiếu hay đầu tư để thúc đẩy kinh tế. Đến lúc đó thì vàng sẽ không còn là $1095.20 như lúc nó đóng cửa hôm thứ Sáu trong tuần mà nó sẽ là một con số lớn lao khác nhưng lúc đó nó cũng sẽ là mối hiểm nguy cho các nhà đầu cơ vàng vì cũng sẽ có lúc vàng sẽ đi xuống. Lúc đó nó sẽ đi xuống rất mạnh và mãnh liệt mà chúng ta đã nhìn thấy trong thập niên 80s vừa qua.
Hai sự kiện lớn lao trong tuần là chỉ số thất nghiệp và giá vàng lên cao nhất so sánh với cùng con số này trong những thập niên gần đây chứng tỏ là các biện pháp và tài sản của nước Mỹ đã bỏ vào guồng máy kinh tế không mấy hiệu quả. Thật khó cho chính quyền Obama quay trở lại Quốc Hội xin thêm tiền cứu trợ khi người dân không còn ủng hộ chính sách này nữa và Quốc Hội đang trong tình trạng chia rẽ trầm trọng giữa hai đảng và cuộc bầu cử cho năm 2010 cũng đang sắp bắt đầu. Chỉ số thất nghiệp là 10.2% và con số 17.5 triệu người dân Mỹ đang tìm việc thì không nghĩa lý gì nếu người đọc không phải là một trong những người này. Nhưng nếu phải đi kiếm việc hiện nay thì đây là cả một vấn đề khó khăn mà hàng triệu người Mỹ cuối cùng đã phải bó tay và không biết làm gì hơn.
Cầu mong sẽ có phép lạ cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Năm huyền thoại về vẻ đẹp của thùng phiếu
Tqvn2004 chuyển ngữ
Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào việc cổ vũ cho các cuộc bầu cử tự do trên khắp thế giới, với mong muốn rằng chúng sẽ đem lại những chính quyền có chính danh và những lý tưởng dân chủ. Kết quả không phải lúc nào cũng như ý -- không phải ở Iraq, không phải ở lãnh thổ Palestine, và không phải, gần đây nhất, ở Afghanistan. Xua tan một số huyền thoại về những gì bầu cử tự do có thể và không thể làm cho các nền dân chủ mới, sẽ giúp chúng ta đối diện một cách thực tế hơn với sự khác biệt giữa một hòm phiếu và một loại thuốc thần có thể chữa bách bệnh.
1. Bầu cử thường tạo ra những chính quyền có chính danh
Sau sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết năm 1991, bầu cử đã trở thành một biểu tượng của hiện đại hóa: Các nhà độc tài ở khắp nơi đồng ý tiến hành bầu cử. Chỉ có một số ít các nhà lãnh đạo ngờ nghệch, như Tổng thống Kenneth Kaunda của Zambia, là thua cuộc trong các cuộc bỏ phiếu trung thực, bởi họ tin rằng công cụ tuyên truyền của mình là đủ đem lại cho mình sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Nhưng nhiều nhà độc tài khác nhận ra rằng, có thể giả vờ tuân thủ trên hình thức, mà không cần làm theo nội dung. Khi đồng nghiệp của tôi, Anke Hoeffler, và tôi tiến hành nghiên cứu dữ liệu trên 786 cuộc bầu cử từ khắp 155 quốc gia từ năm 1974 tới 2004, chúng tôi thấy rằng gian lận đã ảnh hưởng tới kết quả của 41% các cuộc bầu cử. Đó có lẽ không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi các chính trị gia giữ chức vụ sẽ tại vị lâu hơn 2,5 lần, nếu họ áp dụng các thủ đoạn lừa dối, so với những người chơi với chính trị một cách công bằng. Những cuộc bầu cử giả mạo này không đánh lừa được người dân, và họ thường coi các chính quyền được tạo ra như thế là không chính danh và các chính trị gia "được bầu" thường không có trách nhiệm chính trị.
2. Tiến trình dân chủ cổ vũ cho hòa bình
Chúng ta cũng muốn tin vào việc các cuộc bầu cử sẽ củng cố hòa bình tới mức mà chúng ta coi đó là một sự thật. Không may là, ảnh hưởng của dân chủ lên nguy cơ bạo động chính trị lại phụ thuộc vào thu nhập ở mỗi quốc gia. Nếu thu nhập đầu người trên 2700USD, thì nền dân chủ sẽ ít gặp vấn đề bạo lực hơn là các nền độc tài. Phần lớn các bạo động chính trị xảy ra là ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn nhiều ngưỡng 2700USD nói trên; và tại đó, dân chủ liên quan tới nguy cơ đổ máu lớn hơn.
Trong những năm gần đây, dân chủ đã giữ vai trò một kế hoạch rút lui thường dùng cho các lực lượng gìn giữ hòa bình sau khi xung đột đã kết thúc. Lý thuyết được sử dụng rõ ràng là: Bằng cách thành lập một chính quyền có chính danh và có trách nhiệm, bầu cử dân chủ sẽ giảm bớt khả năng xung đột tiếp tục diễn ra. Nhưng nghiên cứu của tôi cho thấy, mặc dù nguy cơ bạo lực giảm xuống vào năm trước cuộc bầu cử diễn ra, nó lại tăng lên vào năm kế tiếp. Điều này hoàn toàn có thể giải thích được, bởi lẽ năm trước của cuộc bầu cử, các nỗ lực dành quyền lực được chuyển vào kênh đấu tranh chính trị; nhưng sau khi bầu cử kết thúc, sẽ có một kẻ thắng cuộc, và đồng thời có một kẻ thua cuộc - người coi kết quả bầu cử như một vụ lừa đảo.
3. Bầu cử công bằng có thể tổ chức ở bất kỳ nơi nào
Thành công rõ ràng của quá trình dân chủ hóa tại các nước Đông Âu thời hậu Sô Viết đã thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng bầu cử sẽ thành công ở bất kỳ nơi đâu; tất cả những gì người ta cần là lật đổ chế độ độc tài. Nhưng chứng cứ về những cuộc bầu cử "bị đánh cắp" tại các quốc gia mới tập tành dân chủ đã thách thức giả thuyết nói trên. Nghiên cứu của tôi cho thấy rằng những sai phạm bầu cử thường có xu hướng tập trung tại các quốc gia có thu nhập đầu người thấp, dân số nhỏ, có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có và thiếu các cơ chế kiểm tra và kiểm soát quyền lực (check and balance). Đông Âu không nằm trong bức tranh này vì dân số của nó đa số đã nằm ở ngưỡng thu nhập trung bình, nó không có tài nguyên thiên nhiên giàu có, và nó có lợi thế là đã có kinh nghiệm trước đây về dân chủ. Ngược lại, đa số các quốc gia tại tiểu vùng Sahara của Châu Phi có đủ các yếu tố "phá hoại" sự thành công của một cuộc bầu cử, do đó họ chỉ có 3% cơ hội để có được một cuộc bầu cử trung thực, theo tính toán của tôi. Bằng suy nghĩ như thế, Afghanistan không phải là ngoại lệ; trái lại, gian lận bầu cử ở đây gần như là điều không thể tránh khỏi.
4. Các cuộc bầu cử thúc ép các chính quyền dân chủ chi tiêu quá nhiều, làm giảm hiệu năng của các hoạt động và chính sách kinh tế
Khi tôi điều tra ảnh hưởng của các cuộc bầu cử đối với chính sách kinh tế tại các quốc gia dân chủ mới, tôi phát hiện ra rằng áp lực dân túy [đòi hỏi phải đáp ứng được nhu cầu của người dân] thực sự có làm các chính sách kém hiệu quả vào năm trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Đó là điều đã xảy ra ở Ghana năm 2008. Nhưng chính quyền đối diện với các cuộc bầu cử thường xuyên có các chính sách kinh tế tốt hơn nhiều, khi chúng ta xét trung bình trên toàn bộ chu kỳ chính trị, và các chính phủ là đối tượng của các cuộc bầu cử quả có cải thiện các chính sách của họ.
Thật không may, có một trường hợp ngoại lệ: Các cuộc bầu cử "bị đánh cắp" [có gian lận hoặc lừa dối] chẳng hề cải thiện các chính sách kinh tế, bởi lẽ các chính phủ đó chẳng phải chịu trách nhiệm chính trị trước người dân. Ví dụ, Tổng thống Robert Mugabe đã quyết định nhấn chìm nền kinh tế Zimbabwe vào đúng lúc ông ta bước vào cuộc bầu cử. Chính sách của ông ta thậm chí không dính gì tới "dân túy" - ông ta đơn giản là dựa vào gian lận và trấn áp / đe dọa để thiết lập các chính sách có lợi cho một phần lãnh đạo chính trị nhỏ bé.
5. Chúng ta không thể làm gì để tránh gian lận bầu cử
Nếu như 41% các cuộc bầu cử không được tổ chức một cách công bằng và xòng phẳng, khiến cách chính phủ không còn chịu trách nhiệm chính trị, thì đó là một vấn đề. Nhưng cộng đồng quốc tế có thể tiến hành các bước để giải quyết vấn đề này. Một phương thức chính mà các nhà lãnh đạo quốc gia đánh cắp các cuộc bầu cử là dựa vào khoản bảo trợ móc được từ túi của công chúng, như Tổng thống Daniel arap Moi đã làm ở Kenya. Như thế, các quốc gia như Hoa Kỳ, khi cung cấp tài chính cho các cuộc bầu cử dân chủ, cần phải đặt điều kiện đánh đổi: Chính phủ nhận bảo trợ phải hứa minh bạch và chịu trách nhiệm trước công dân của mình, nhất là về tiêu tiền ngân sách.
Ngoài ra, các chính phủ hỗ trợ [các quốc gia khác dân chủ hóa] có thể cung cấp những khuyến khích mạnh mẽ cho các lãnh đạo để họ duy trì một cuộc bầu cử trung thực. Những nhà lãnh đạo thường sợ nhất, không phải là cuộc bầu cử, mà là bị lật đổ bởi quân đội. Khi cộng đồng quốc tế có thể bảo vệ chính quyền nước đó khỏi mối đe dọa như thế, thì họ cần cung cấp sự bảo vệ, với điều kiện rằng quốc gia đó phải tiến hành một cuộc bầu cử trung thực. Lấy ví dụ, việc lật đổ thủ tướng được bầu tại Madagascar vào năm 2008 có thể đã được tránh khỏi bằng các hoạt động quân sự quốc tế nhanh chóng. Xét cho cùng, ngân sách minh bạch và đảm bảo an ninh có lẽ là đủ để đem các cuộc bầu cử như thế gần lại với tư tưởng dân chủ của chúng ta.
Paul Collier là giáo sư kinh tế tại Đại học Oxford và tác giả cuốn "Chiến tranh, súng ống và phiếu bầu: Dân Chủ ở những Nơi Nguy Hiểm".
1989 - Những thước phim lịch sử--- BBC
Đại diện Việt kiều tiêu biểu có về dự?--- BBC
Đảm bảo sự độc lập của tòa án trong tố tụng
Việt- Pháp sẽ ký hợp tác quốc phòng, hạt nhân dân sự
"Công tác phòng chống lụt bão của Phú Yên rất tốt, nhưng..."
Theo ông Diệp Minh Tâm, Phó ban PCLB tỉnh Phú Yên, do nước lớn bất ngờ, vượt mức dự báo nên dẫn đến thiệt hại. Trước những thiệt hại quá lớn do bão số 11 gây ra ở tỉnh Phú Yên, ngày 9/11, phóng viên TS có cuộc trao đổi với ông Diệp Minh Tâm – Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó ban Phòng chống lụt bão (BPCLB) tỉnh Phú Yên về công tác phòng chống lụt bão ở địa phương này.
Tôi sẽ trở thành luật sư
Tập đoàn thua lỗ, sao nhiều người "hạ cánh" an toàn?
Các bộ trưởng bảo vệ tập đoàn kinh tế
Quảng Ninh đăng cai hội chợ Thương mại Du lịch Việt-Trung
Lộ đường dây mua bán hàng chục trẻ sơ sinh
APEC - Singapore kêu gọi APEC quan tâm tới tình trạng nghèo khó trong khu vực
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương thủ tướng Singapore yêu cầu lãnh đạo các nước dự họp hãy khai thác mô hình phát triển kinh tế mới có lợi cho người nghèo.
Bắc Triều Tiên gây phương hại quyền lợi an ninh khu vực của TQ--- VOA