Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Vén màn bí mật lịch sử (Lữ Giang)

-Bí Mật Lịch Sử: Trần Thiện Khiêm - Trần Ngọc Giang

-Kể từ biến cố lịch sử năm 1975 đến nay đã có nhiều sách báo, đoàn thể, tôn giáo cũng như hầu hết đồng bào Việt Nam đều quy trách những nhà lãnh tụ miền Nam như Tổng Thống Diệm, tuớng Minh, Đôn, Thiệu, Kỳ v.v...đều là những người đã một phần chịu trách nhiệm để Cộng sản thôn tính miền Nam. Sự quy trách này trên bình diện chính trị, truyền thông đương nhiên không ai phủ nhận, nhưng trên phương diện lịch sử thì thật là phiến diện. Do đó tiện giả sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở vẫn phải cầm cây viết hầu phơi bày một sự thật để phần nào giúp các sử gia sau này có những sự kiện quan trọng đưa vào dòng định mệnh của Lịch sử Việt Nam.Ngược dốc thời gian năm 1958, Đại Tá Trần Thiện Khiêm là một trong những sĩ quan được Tổng thống Diệm ưa thích vì vậy Đại Tá Khiêm đã được bổ nhiệm Tư lệnh Sư đoàn 4BB.

Thời gian này Đại Tá Khiêm có hai người bạn thân nhất là Đại Tá Nguyễn Khánh và Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu, bất cứ cuối tuần nào , Đại Tá Khiêm đều lái xe đến thăm Đại Tá Khánh tại đồn điền trà J'Ring, sau đó 2 người kéo lên Đà Lạt thăm Trung Tá Thiệu đương là Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt..
Năm 1960 trong vụ đảo chánh do Trung Tá Vương Văn Đông cầm đầu bị thất bại, bởi Đại Tá Khiêm Tư lệnh SĐ 21BB từ miền Tây kéo về giải cứu Tổng thống Diệm, và kể từ đó Đại Tá Khiêm được Tổng thống Diệm tín cẩn tuyệt đối, thăng cấp Thiếu Tướng và được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Liên quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sau khi nắm chức vụ trên và nhất là được sự tin tưởng của Tổng thống, Thiếu Tướng Khiêm đã đề cử Trung Tá Thiệu làm Tư lệnh Sư đoàn 5BB và Thiếu Tướng Khánh làm Tư lệnh vùng 2 Chiến thuật. Tóm lại tất cả các chức vụ quan trọng trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào thới điểm này nếu có sự đề bạt của Thiếu Tướng Khiêm chắc chắn sẽ được Tổng thống Diệm chấp thuận, ngoài ra TT Khiêm hơn hẳn các Tướng lãnh khác là được cả ông Cố vấn Ngô Đình Nhu mến phục. Bởi vậy tiếng nói của Thiếu Tướng Khiêm với hai nhân vật then chốt của nền Đệ Nhất Cộng Hòa có một tác dụng gần như tuyệt đối, các Tướng lãnh và tư lệnh quân binh chủng trong QLVNCH biết như vậy nên mọi lệnh của TT Khiêm, Tham mưu trưởng Liên quân đưa ra đều được thi hành đầy đủ, chính xác.
Từ trước tới nay đã có nhiều sử gia và nhân vật chính trị đề cập đến cuộc đảo chánh ngày 1-11-63 nhưng nhiều sự kiện vẫn còn thiếu sót và không chính xác vì chưa ai nêu đúng nhân vật chủ chốt, hầu hết đều cho rằng các Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính là những nhân vật chính. Nhưng mặt trái bên trong hậu trường thì không phải vậy, Trung Tướng Đôn mặc dù là Quyền Tổng Tham mưu trưởng nhưng không được các Tư lệnh quân binh chủng tin tưởng, Tướng Minh không có thực lực trong tay còn lại Tướng Đính chỉ trong phạm vi Tổng trấn Sài Gòn mà thôi.
Đến đây tiện giả xin trình bày diễn tiến cuộc đảo chánh 1-11-63 để quý vị độc giả có thể thấu hiểu ai là người đã soạn thảo, móc nối và thi hành kế hoạch đảo chánh.
Khoảng đầu tháng 10-1963 Thiếu Tướng Khiêm gọi Thiếu Tá Giang lên văn phòng cho biết sẽ có đảo chánh để lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa vì Thiếu Tướng Khiêm được biết ông Ngô Đình Nhu đã có liên lạc với phía Việt Cộng. Đến đây tiện giả xin mở dấu ngoặc. Sở dĩ Thiếu Tướng Khiêm tiết lộ cuộc đảo chánh cho Thiếu Tá Giang vì Thiếu Tá Giang đã từng là Chánh Văn phòng của Thiếu Tướng Khiêm, và ngay sau nhậm chức Tham mưu trưởng Liên quân Thiếu Tướng Khiêm đã yêu cầu Nha An ninh quân đội đưa Thiếu Tá Giang sang giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh Quân đội Bộ Tổng Tham mưu.
Ngày 20-10-1963 Thiếu Tướng Khiêm chỉ thị Thiếu Tá Giang qua gặp Đại Tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh quân đội để cho Đại Tá Mậu biết là ông Cố vấn Ngô Đình Nhu vừa ra lệnh cho Thiếu Tướng Khiêm tạm giữ Đại Tá Mậu vì ông này đang vận động đảo chánh; và Thiếu Tướng Khiêm dặn Thiếu Tá Giang nói với Đại Tá Mậu tạm thời lánh mặt để Thiếu Tướng Khiêm dễ dàng trình lên ông Cố vấn. Cũng trong thời gian này Thiếu Tướng Khiêm tiết lộ với Thiếu Tá Giang về phía Tướng lãnh Thiếu Tướng Khiêm đã tranh thủ được hầu hết, chỉ còn có Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh vùng 4 là chưa hội ý, riêng Tướng Khánh và Đại Tá Thiệu hoàn toàn đồng ý với Thiếu Tướng Khiêm, ngoài ra các Tư lệnh quân binh chủng đã có hứa là sẽ sát cánh với Thiếu Tướng Khiêm. Nói tóm lại việc vận động, tổ chức cũng như hoàn tất kế hoạch đảo chánh hầu như do Thiếu Tướng Khiêm chủ động vì chỉ có Tướng Khiêm hội đủ mọi yếu tố để cho các Tướng lãnh và tư lệnh quân binh chủng tin tưởng.
Sáng sớm ngày 31-10-1963 Thiếu Tướng Khiêm gọi Thiếu Tá Giang lên văn phòng; khi Thiếu Tá Giang bước vào thì thấy Đại Tá Nguyễn Hữu Có ở đó, Thiếu Tướng Khiêm chỉ thị cho Thiếu Tá Giang cầm công điện hỏa tốc đi cùng với Đại Tá Có xuống Mỹ Tho để bàn giao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn hiện do Đại Tá Đạm là tư lệnh. Sở dĩ Thiếu Tướng Khiêm ra lệnh cho Thiếu Tá Giang đi với Đại Tá Có là để Đại Tá Đạm tin tưởng là lệnh thật do chính Thiếu Tướng Tham mưu trưởng ký vì Đại Tá Đạm từng biết sự thân cận giữa Thiếu Tướng Khiêm và Thiếu Tá Giang.
Đến 11 giờ sáng cùng ngày Thiếu Tá Giang trở về Bộ Tổng Tham mưu và được Thiếu Tướng Khiêm cho biết đúng 12 giờ trưa Thiếu Tướng Khiêm sẽ chủ tọa buổi họp các tư lệnh quân binh chủng, và sau buổi họp nếu ai chống lại đảo chánh thì thiếu Tá Giang phải giữ lại trong phòng họp Bộ Tổng Tham mưu chờ lệnh của Thiếu Tướng Khiêm. Buổi họp vừa chấm dứt; trong lúc lộn xộn thì Đại Úy Nhung sĩ quan cận vệ của Trung Tướng Minh tự ý bắt Đại Tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng đặc biệt dẫn đi đâu không rõ, sau đó Đại Úy Nhung trở lại định bắt Đại Tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Sư đoàn nhảy dù và ông Lê Văn Tư, Giám đốc Cảnh sát Đô Thành, nhưng Thiếu Tá Giang đã ngăn chặn kịp thời. Đại Úy Nhung báo lên Trung Tướng Minh và Trung Tướng đến hỏi lý do cản trở Đại Úy Nhung thì Thiếu Tá Giang trả lời là thi hành lệnh Tướng Khiêm.
Khoảng 2 giờ trưa ngày 31-10-63 Đại Úy Lê Quang Triệu, em ruột của Đại Tá Tung dẫn 1 đại đội lực lượng đặc biệt cùng với 4 chiến xa đến cổng Bộ Tổng Tham mưu để hỏi tình trạng Đại Tá Tung, ngay khi đó Đại Úy Nhung chạy ra gặp Đại uý Triệu và yêu cầu Đại Úy vào trình diện Thiếu Tướng Khiêm, Đại Úy Triệu nghe lệnh trình diện Thiếu Tướng Khiêm nên Đại Úy không nghi ngờ gì do đó mới bị chết thảm.
Khi tiếng súng đảo chánh nổ trưa 31-10-63 Thiếu Tướng Khiêm đã chủ động qua các diễn trình như:
- Ra lệnh cho Đại Tá Có điều động Sư đoàn 7 ngăn chặn lực lượng tiếp viện từ vùng 4 chiến thuật.
- Lệnh cho Đại Tá Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 điều quân về Sài Gòn để làm chủ lực tấn công Lữ đoàn phòng vệ Phủ Tổng thống và Dinh Gia Long.
- Cô lập tất cả Tư lệnh Quân binh chủng nào xét ra chống lại cuộc đảo chánh.
- Ra lệnh cho Tướng Khánh, Tư lệnh vùng 2 và Tướng Trí vùng 1 chiến thuật thi hành những biện pháp cần thiết. Riêng các Tướng Minh, Đôn, Kim, Nghiêm, Xuân v.v...có mặt tại Tòa nhà chánh bộ Tổng Tham mưu chỉ có tính cách phụ giúp hơn là thực quyền vì tất cả mọi lệnh và điều hành đảo chánh đều diễn ra trong phòng làm việc của Tướng Khiêm.
Tiếng chuông của chiếc điện thoại được reo đúng 3 giờ 17 phút, Thiếu Tướng Khiêm nghe, đầu giây bên kia người đối thoại không ai khác là Tổng thống Diệm. Sau cuộc điện đàm Thiếu Tướng Khiêm quay qua Tướng Minh, Đôn nói "Tổng thống nói với các Tướng lãnh đến dinh Gia Long nói chuyện. Moi trả lời để hội ý rồi sẽ trình lại Tổng thống sau" nhưng sau đó Tướng Minh, Đôn, Kim và cả Khiêm không đồng ý đến gặp Tổng thống Diệm. Tuy nhiên khoảng 4:30 chiều 31-10-63 Thiếu Tướng Khiêm tự ý điện thoại cho Tổng thống Diệm với đề nghị đưa Tổng thống cùng toàn thể gia đình ông Nhu ra ngoại quốc với sự bảo đảm an ninh do chính Thiếu Tướng Khiêm hứa. Khoảng 6 giờ chiều Tổng thống Diệm gọi cho Tướng Khiêm để cho biết là T.T. đồng ý đề nghị nói trên nhưng khi Tướng Khiêm hội ý với Tướng Minh, Đôn, Kim thì Tướng Minh nói ngay "Giờ này quá trễ rồi, chúng ta cứ tiếp tục". Qua các cuộc điện đàm kể từ lúc tiếng súng bắt đầu nổ cho đến khi Tổng thống Diệm chạy đến nhà thờ Cha Tam, Tổng thống Diệm chỉ có gọi điện thoại cho Thiếu Tướng Khiêm mà thôi.
Đọc hết đoạn trên chắc độc giả đã nhận ra vai trò của Tướng Khiêm từ tiền đảo chánh đến khi cuộc chính biến 1-11-63 hoàn tất, nếu Tướng Khiêm không được Tổng thống Diệm tin dùng, nếu không có sự hợp tác với Tướng Minh, Đôn v.v...chắc chắn là cuộc đảo chánh không thể xảy ra được vì trên cương vị Tham mưu trưởng Liên quân lại được sự tín cẩn của Tổng thống vì vậy các Tư lệnh Quân Binh Chủng đã không có phản ứng nên chính biến 1-11-63 mới thành công một cách dễ dàng. Ngược lại nếu Tướng Minh, Đôn, Đính ra lệnh cho các đơn vị chắc chắn sẽ bị chống đối hoặc không thi hành, nhất là 2 lực lượng nồng cốt do chính Thiếu Tướng Khiêm điều động với SĐ7 có nhiệm vụ ngăn chặn tiếp cứu của vùng 4, và Sư đoàn 5 chủ yếu tấn công Lữ đoàn Liên Binh phòng thủ phủ Tổng thống với dinh Gia Long.
Sau cuộc chính biến 1-11-63 thành công, vai trò nổi bật là những Tướng Minh, Đôn, Kim, Đính, Xuân. Riêng Tướng Khiêm với chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng hữu danh vô thực, ngoài ra tiếng nói của Tướng Khiêm trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng hầu như bị lãng quên do đó cuộc chỉnh lý mới bùng nổ mà nguyên nhân chính là do sự bất mãn của Tướng Khiêm.
Người tổ chức, thảo kế hoạch do Tướng Khiêm chủ động với sự trợ giúp của Tướng Khánh và Tướng Thiệu cùng 1 số đông các Tư lệnh quân binh chủng. Tuy nhiên vì sở trường của Tướng Khiêm là không bao giờ muốn lộ mặt nên Tướng Khánh được Tướng Khiêm chỉ định coi như lãnh đạo cuộc chỉnh lý. Trên thực tế Tướng Khánh không có thực lực, không được ai tin tưởng cho nên nếu không có Tướng Khiêm đẩy ra sân khấu chắc chắn không bao giờ Tướng Khánh mơ tưởng được làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân, Thủ Tướng v.v...
Mục tiêu của cuộc chỉnh lý không ngoài mục đích của Tướng Khiêm là vô hiệu hóa hết quyền hành các Tướng Minh, Đôn, Kim v.v...để trả thù lại sự vô ơn của các Tướng đối với Tướng Khiêm sau cách mạng 1-11-63 và luôn thể đưa những người bạn thân nhất nắm chính quyền là Tướng Khánh, Tướng Thiệu v.v... Do đó ngay khi cuộc chỉnh lý thành công Tướng Khiêm không muốn ở vị thế lãnh đạo nên đẩy Tướng Khánh ra thay thế Tướng Minh, đưa Tướng Thiệu nắm chức Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH.
Nhưng khi tam đầu chế Minh, Khánh, Khiêm thành hình thì Tướng Khánh ham quyền lực, quên đi người đã gây dựng sự nghiệp cho mình là Tướng Khiêm, nên Tướng Khánh một mặt củng cố uy quyền mặt khác loại bỏ những người thân cận của Tướng Khiêm. Tiện giả còn nhớ câu của Tướng Khánh nói với Tướng Khiêm khi Tướng Khánh tống Tướng Khiêm đi làm Đại sứ tại Đài Loan như sau: "Anh phải dời VN trong vòng 48 tiếng, nếu không tôi sẽ không bảo đảm tính mạng của anh".
Mặc dù sau khi Tướng Khánh loại được Tướng Khiêm, nhưng từ Đài Loan Tướng Khiêm vẫn âm thầm tổ chức để lật đổ Tướng Khánh, do đó mới có những cuộc binh biến xảy ra liên miên cầm đầu bởi Tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Đại Tá Tồn, Trang v.v... Tuy nhiên, Tướng Khiêm ít nhất vẫn được người bạn trả ơn đàng hoàng là Tướng Thiệu, vì ngay khi Tướng Thiệu đắc cử Tổng thống thì Tướng Khiêm, đương kim Đại sứ Hoa Kỳ được gọi về giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và sau đó là Thủ Tướng cho đến sát biến cố 4-1975.
Xuyên qua những sụ kiện trình bày trên tiện giả chỉ với mục đích duy nhất là đóng góp nhỏ nhoi vào kho tàng lịch sử biến động nhất của 2 nền Cộng hoà mà tiện giả nghĩ rằng nhân vật Trần Thiện Khiêm dù muốn dù không đã nắm giữ một vai trò tích cực có tính cách xoay chuyển cục diện của miền Nam v.v...


Tiện giả cũng nghĩ rằng nếu không có Trần Thiện Khiêm sẽ không có đảo chánh 1-11-63, không có chỗ cho vai trò của Tướng Khánh trên sân khấu chính trị "cải lương" nhất trong giòng lịch sử Việt và chắc chắn sẽ không có một Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống nền Đệ nhị Cộng hòa, người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm làm tan rã QĐVNCH trong một thời gian kỷ lục cũng như đau khổ, tủi nhục cho hàng triệu gia đình Việt Nam.

-Vén màn bí mật lịch sử (Lữ Giang)

“...Trong cuộc họp ngày 27/8/1963, khi nghe đọc xong bản tường trình của ông William E. Colby về tình hình Việt Nam, tổng thống Kennedy tỏ ý muốn hoản lại cuộc đảo chánh vì thấy chưa cần, nhưng Hilsman đòi làm ngay...”

Hôm 22/11/2013, nhân kỷ niệm 50 ngày tổng thống Kennedy bị ám sát ở Dallas, đài phát thanh Pacific Radio ở San Franciso, California, mở một cuộc phỏng vấn 5 nhân vật đã từng nghiên cứu về cuộc ám sát này và công bố trên làn sóng KPFA 94.1 FM, ở Berkeley, California, trong 4 tiếng đồng hồ.
Năm người được phỏng vấn là Oliver Stone, nhà làm phim về vụ ám sát Kennedy; Peter Kuznick, giáo sư về lịch sử của American University đã hợp tác với Oliver Stone; Mark Lane, một luật sư và chuyên gia về Kennedy; Peter Dale Scott, tác giả của quyến sách nổi tiếng "Deep Politics and the Death of JFK"; và Jefferson Morley, người nghiên cứu và điều hành website http ://www.jfkfacts.org/(Các sự kiện về Kennedy). Nhiều tài liệu bí mật đã đươc trình bày thêm.
Phát hiện tài liệu thứ nhất
Các giả thiết về cái chết của tổng thống Kennedy quá nhiều, nhưng các học giả và sử gia đồng ý loại bỏ các giả thiết đi quá xa. Đa số tập trung vào các tài liệu được tìm thấy và lời khai của các nhân chứng đã được công bố. Đầu tiên, người ta tìm thấy chỉ thị mật về an ninh quốc gia mang số NSAM 263 do ông McGeorge Bundy, phụ tá đặc biệt về An Ninh Quốc Gia của tổng thống Kennedy ký tên. Chỉ thị này rất ngắn và trong đó có một câu rất quan trọng sau đây :
“Tổng thống chấp thuận những đề nghị về quân sự trong Phần IB (1-3)* của báo cáo, nhưng ra lệnh thông báo không chính thức về việc thực hiện các kế hoạch rút 1.000 quân nhân Mỹ vào cuối năm 1963” [(FRUS 1961 - 1963, Vol. VI, pp. 395 - 396].
Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết, trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, tổng thống Kennedy không còn tin tưởng vào cuộc chiến thắng tại miền Nam Việt Nam nữa, ông đặt câu hỏi :
“Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không ?”.
Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình :
“Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó”.
Sau đó ông nói :
“Giờ đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như là một quốc gia độc lập.”
Ông McNamara cho biết, qua nhiều cuộc thảo luận, tổng thống Kennedy đã đi đến kết luận rằng cuối cùng người Nam Việt Nam phải chính họ gánh vác cuộc chiến; Hoa Kỳ không thể gánh vác cuộc chiến đó cho họ (in the end, the South Vietnamese must carry the war themselves; the United States could not do it for them) [Robert S. McNamara, In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam”, tr. 86 - 87].
Phát hiện tài liệu thứ hai
Ngày 29/11/1963, tổng thống Johnson vừa lên kế vị đã ban hành quyết định thành lập một ủy ban điều tra về vụ ám sát tổng thống Kennedy. Ủy ban do Thẩm Phán TCPV Earl Warren làm chủ tịch nên được gọi là Warren Commission (Ủy Ban Warren). Ủy Ban gồm 2 nghị sĩ, 2 dân biểu, một cựu giám đốc CIA và một cựu giám đốc Ngân Hàng Thế Giới.
Ngày 24/9/1964, Ủy Ban trình tổng thống Johnson một bản phúc trình dày 889 trang. Bản phúc đã được công bố 3 ngày sau đó. Trong bản phúc trình, Ủy Ban đã kết luận như sau : “Các hành động khác của Lee Harvey Oswald có xu hướng yểm trợ cho kết luận rằng ông ta đã ám sát tổng thống Kennedy… Ủy ban tin rằng, trên cơ sở các bằng chứng hiện có, tổng thống John F. Kennedy có thể đã bị ám sát do kết quả của một âm mưu. Ủy ban không thể xác định các tay súng khác hay quy mô của âm mưu.”
Một cuộc thăm dò cho thấy trên 50% dân chúng Mỹ không đồng ý kết luận này vì những kẻ chủ mưu chưa được đưa ra ánh sáng.
Tuy bản phúc trình đã được công bố, nhưng hơn 3.100 tài liệu khảo cứu và 552 lời khai của các nhân chứng chỉ được công bố theo quyết định giải mã từng giai đoạn của chính phủ. Đến năm 1992, 98% tài liệu này đã được công bố, phần còn lại sẽ công bố vào năm 2017.
Quả thật rất khó xác định nhóm chủ mưu ám sát tổng thống Kennedy, nhưng về nguyên nhân của vụ thảm sát, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra một sự kiện quan trọng thứ hai, đó là chỉ 4 ngày sau khi tổng thống Kennedy bị ám sát, ngày 26/11/1963 tổng thống Johnson đã phê chuẩn chỉ thị về an ninh quốc gia mang số NSAM 273, đảo ngược chỉ thị rút quân ra khỏi Việt Nam của tổng thống Kennedy. Chỉ thị này cũng do ông ông McGeorge Bundy, phụ tá đặc biệt về An Ninh Quốc Gia ký tên. Chỉ thị NSAM 273 đã được giải mã vào tháng 5 năm 1978, nhưng đến ngày 31/1/1991 nội dung của bản dự thảo chỉ thị này mới được công bố và cho biết người soạn thảo chính là ông McGeorge Bundy. Bản dự thảo đó đã được biên soạn từ ngày 20/11/1963, tức 2 ngày trước khi tổng thống Kennedy bị giết !
Với những tài liệu được tiết lộ này, nhiều nhà phân tích cho rằng tổng thống Kennedy đã bị giết vì đã ra lệnh rút quân khỏi Việt Nam, phá hỏng kế hoạch mở rộng chiến tranh để tiêu thụ các vũ khí cũ và sản xuất các vũ khí mới. Tài liệu phân tích về vụ này rất dài, chúng tôi sẽ trở lại trong một bài khác.
Kennedy và cái chết của ông Diệm
1. Hoa Kỳ muốn đem quân vào Việt Nam
Chúng tôi xin nhắc lại, ngày 9/5/1961 một phái đoàn do Phó tổng thống Johnson cầm đầu đã đến miền Nam Việt Nam trong 4 ngày để quan sát tại chỗ và yêu cầu chính phủ Việt Nam cho Mỹ đem quân vào Việt Nam, nhưng ông Diệm từ chối. Ngày 13/5/1961 Phó tổng thống Johnson rời Việt Nam thì ngày 15/5/1961 tổng thống Diệm đã gởi ngay cho tổng thống Kennedy một văn thư nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa hai bên và nói rằng Việt Nam sẵn sàng hy sinh xương máu và nhân lực để bảo vệ xứ sở. Việt Nam chỉ xin “sự yểm trợ vật chất của quý đại quốc, một sự yểm trợ vô cùng thiết yếu để đạt được thắng lợi cuối cùng".
Trong cuốn “From Trust to Tragedy”, đại sứ Frederick Nolting tại Sài Gòn lúc đó, đã đưa ra một lý do nữa khiến ông Harriman quyết định phải lật đổ ông Diệm vì ông ta không chịu nghe lời ông Diệm nên thất bại trong chủ trương trung lập hóa Lào.
Averell Harriman lúc đó là phụ tá Bộ Ngoại Giao Đặc Trách về Chính Trị kiêm chủ tịch Đoàn Công Tác Đặc Biệt Chống Nổi Dậy (Special Group for Counterinsurgency), chỉ huy tất cả các cơ quan tình báo Mỹ nên được coi là một người đầy quyền lực.
2. Chủ trương đảo chánh và chống đảo chánh
Phe chủ trương đảo chánh lúc đó gồm có Averell Harriman, McGeorge Bundy, Phụ Tá Đặc Biệt của tổng thống về An Ninh Quốc Gia; Michael Forrestal, một thành viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, và Roger Hilsman Jr., phụ tá ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ. Phe không đồng ý đảo chánh là Dean Rusk, bộ trưởng ngoại giao; George Ball, thứ trưởng ngoại giao; Robert McNamara, bộ trưởng Quốc Phòng, William E. Colby, giám đốc CIA, và tướng Paul Harkins, chỉ huy trưởng cơ quan MACV. Cuộc tranh luận giữa hai nhóm rất gay cấn. Ngày 25/10/1963, CIA nói rằng Hoa Kỳ nên làm việc với Diệm và Nhu hơn là tiến hành những hung hăng để loại bỏ họ. Hôm 27/10/1963, CIA lại phản đối việc tiến hành đảo chánh và nói với tổng thống Kennedy rằng một cuộc đảo chánh có thể kéo theo cuộc đảo chánh thứ hai hay thứ ba.
Các tài liệu cho thấy tổng thống Kennedy thường đưa ra kế hoãn binh bằng cách hoặc yêu cầu các viên chức Hoa Kỳ tại Sai Gòn giải thích thêm hoặc ra lệnh cho mở cuộc điều tra về tình hình. tổng thống nói chúng ta chưa đi quá xa đến nổi cuộc đảo chánh không có thể được hoản lại. (The president said we had not gone so far that a coup could not be delayed). Có lần ông nói : “Nếu cuộc đảo chánh chưa sẵn sàng, chúng ta có thể hủy bỏ.” (If the coup is not in the cards, we could unload) [FRUS, 1961 - 1963, Volume IV, tr. 1 - 6. Document 1].
Chúng ta đã tim thấy hàng chục tài liệu tương tự trong các tài liệu đã được giải mã.
3. Đánh lừa tổng thống Kennedy
Trước sự do dự của tổng thống Kennedy, cuối cùng họ phải đánh lừa tổng thống Kennedy. Ông Robert S. McNamara kể lại rằng ngày 24/8/1963, tổng thống và gia đình đi Hyamis Port, Massachusetts. Roger Hilsman đã thảo bức điện tín gởi cho đại sứ Henry Cabot Lodge ra lệnh đảo chánh. Bức điện này được ông Averell Harriman chấp thuận. Michael Forrestal liền gởi ngay cho tổng thống Kennedy với câu “Đã được Ball và Bộ Quốc Phòng chấp thuận... Đề nghị cho tôi biết nếu tổng thống muốn... hoản hành động.” Họ đi tìm ông George Ball ở sân banh và bảo ông ta gọi cho tổng thống trình bày nội vụ và được tổng thống trả lời rằng ông đồng ý nếu các cố vấn của ông cũng đồng ý như vậy. Sau đó ông George Ball gọi ngay cho ngoại trưởng Dean Rusk tại New York báo tin tổng thống đã chấp thuận.
Bức công điện mang tên Deptel 243 thuộc loại tối mật và cần hành động tức khắc (operational immediate), được gởi cho ông Lodge ở Saigon trong ngày 24/8/1963 [Robert S. McNamara, sách đã dẫn, tr. 53].
Trong cuộc họp ngày 27/8/1963, khi nghe đọc xong bản tường trình của ông William E. Colby về tình hình Việt Nam, tổng thống Kennedy tỏ ý muốn hoản lại cuộc đảo chánh vì thấy chưa cần, nhưng Hilsman đòi làm ngay. Tổng thống ra lệnh đánh điện cho ông Lodge và tướng Harking hỏi nên tiến hành đảo chánh hay nên lui.  Đang lưỡng lự trong việc lật đổ ông Diệm thì tại Sài Gòn, ông Lodge xúc tiến một cách nhanh chóng việc thực hiện đảo chánh.
4. Kennedy bị khủng hoảng
Khi nghe tin ông Diệm và ông Nhu đã bị hạ sát, Michael Forrestal cho biết cái chết của hai người “đã làm ông rúng động một cách sâu xa, gây bàng hoàng tâm trí và đánh mạnh vào tiềm thức tín ngưỡng... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông được khuyến cáo liên quan đến Nam Việt Nam”. Arthur Schlesinger Jr. ghi nhận rằng tổng thống “rất buồn thảm và bối rối cùng cực”, tinh thần suy sụp chưa từng thấy kể từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.
Chiều thứ bảy 2/11/1963, lúc 6 giờ, tổng thống Kennedy cùng vợ và các con dùng trực thăng bay về ngôi nhà mới của ông ở Rattlesnake Mountain. Trong buổi cơm tối, bà Mary Gimbel, một người bạn của tổng thống, đã nói với ông về ông Diệm và ông Nhu :
- Họ đúng là những nhà độc tài.
Tổng thống trả lời :
- Không, họ ở trong một tình trạng khó khăn. Họ đã làm cái tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho quê hương họ. (No. They were in the difficult position. They did the best they could for their country).
5. Kennedy hối hận
Hôm 4/11/1963, hai ngày sau khi ông Diệm bị ám sát, tổng thống Kennedy nói :
“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào hôm Thứ Bảy. Tôi phải không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn”.
Tổng thống Kennedy nói ông đã gởi một bức điện khác để đình hoản lại nhưng kế hoạt đảo chánh đã được tiến hành rồi.
Trên đây chỉ là vài nét tóm lược. Nguyễn Giang, trưởng ban Việt ngữ của đài BBC không biết gì về các biến cố tại miền Nam nên đã bị lừa. Nhưng nhóm Thư Viện Hoa Sen như Nguyễn Xuân Quang, Phan Tấn Hải (Nguyên Giác), Nguyễn Kha đừng nghĩ rằng có thể dùng vọng ngữ để sửa lại lịch sử.
Lữ Giang (12/12/2013)


Những cuộn băng ghi âm mới của Kennedy (Lữ Giang)
“…Phải đọc từng trang biên bản các phiên họp, các báo cáo, các chỉ thị của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao, chúng ta mới thấy được sự phức tạp trong chính sách của Hoa Kỳ về việc điều hành cuộc chiến Việt Nam. Ngồi viết mò hay dựa theo quan điểm của một số tác giả, không thể viết đúng được…”
Mặc dầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ và hạ sát một cách tàn nhẫn cách đây 46 năm, thỉnh thoảng Bộ Ngoại Giao, Cơ quan CIA, các văn khố và thư viện Hoa Kỳ lại cho công bố thêm một vài tài liệu liên quan đến vụ này. Chắc chắn còn một số văn kiện quan trọng khác liên quan đến nội vụ vẫn chưa được giải mã vì có phương hại đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng với những tài liệu đã được công bố, chúng ta có thể biết được biến cố đã thật sự xẩy ra như thế nào, không còn có thể nói mò, viết mò hay bóp méo sự thật như từ năm 1990 trở về trước.

Không phải là chuyện mới lạ

Ngày 3.11.2009, hầu hết các báo tại Hoa Kỳ đã đăng một bài dưới đầu đề “Những cuốn băng cho thấy Kennedy chống lại cuộc đảo chính ở Sài Gòn (năm 1963)” (Kennedy was conflicted over Saigon coup) của ký giả Barry Schweid thuộc hãng thông tấn AP, nói về việc thư viện JFK Presidental Library ở Boston vừa mới công bố các cuốn băng cho thấy cách đây 46 năm các tướng lãnh Việt Nam tin tưởng được sự ủng hộ của đồng minh Hoa Kỳ đã lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn, nhưng Tổng Thống Kennedy chống lại việc Bộ Ngoại Giao bật đèn xanh cho các tướng làm đảo chính. Tổng Thống nói: “Tôi không thấy có bất cứ lý do nào để tiến tới, trừ khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta có cơ hội tốt để thành công.” Theo Kennedy, chúng ta muốn có những phán đoán tốt hơn, và ông không nghĩ rằng chúng ta phải làm điều đó. Ông Maura Porter, người quản thủ thư viện cho biết các cuộc hạ sát không hề được bàn cãi tại các cuộc họp ở Toà Bạch Ốc.

Sáng ngày 3.11.2009 đài truyền hình MSNBC đã cho phát lại đoạn video phỏng vấn Tổng Thống Kennedy trong chương trình Huntley-Brinkley Report (NBC) ngày 9.9.1963 và audio trích lại một phần những phát biểu trong các buổi họp nói trên.

Năm 2003, các lời phát biểu của các Tổng Thống Mỹ trong thời gian chấp chính đã được ghi lén và in lại trong 9 CD dưới cái tên “The White House Tapes Eavesdroping on the President”, trong đó có những lời phát biểu của Tổng Thống Kennedy và các cố vấn liên quan đến cuộc đảo chính năm 1963. Từ đó đến nay, một số băng khác cũng đã được công bố thêm. Những đoạn băng mới được công bố nói trên chỉ là phần bổ túc mà thôi.

Thật ra, tài liệu về sự bất đồng của Tổng Thống Kennedy trong việc tổ chức đảo chính lật đổ ông Diệm đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố gần đầy đủ trong bộ “Foreign Relations of the United States” (FRUS), Tập IV, 1961 – 1963 (từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1963), xuất bản năm 1991.

Không đọc các tài liệu in trong các bộ FRUS từ 1954 đến 1963 đã được Bộ Ngoại Giao Hoa ấn hành, không thể biết được chính phủ Hoa Kỳ đã thúc đẩy và giúp đỡ chính phủ Ngô Đình Diệm hình thành ở miền Nam một chế độ độc đảng giống “mô thức Trung Hoa Quốc Dân Đảng” của Tưởng Giới Thạch để chống cộng, và cuộc tranh luận chung quanh “mô thức” này. Nhưng sau đó, khi quyết định đưa quân vào miền Nam, các viên chức Hoa Kỳ đã phê phán và đập phá “mô thức” do chính họ đòi hỏi phải thiết lập một cách không thương tiếc.

Phải đọc bản phúc trình điều tra của phái đoàn Liên Hiệp Quốc mới biết được biến cố Phật Giáo đã xẩy ra tại miền Nam năm 1963 như thế nào. Đây là một bản phúc trình đã nói lên những sự thật khiến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lo sợ, phải vận động và làm áp lực để bản phúc trình đó đừng được đưa ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc!

Phải đọc từng trang biên bản các phiên họp, các báo cáo, các chỉ thị của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao, chúng ta mới thấy được sự phức tạp trong chính sách của Hoa Kỳ về việc điều hành cuộc chiến Việt Nam. Ngồi viết mò hay dựa theo quan điểm của một số tác giả, không thể viết đúng được.

Cũng đừng tin vào hai cuốn được giới thiệu là tài liệu mật của CIA mới được giải mã, đó là cuốn CIA and the House of Ngo và cuốn CIA and the Generals do Thomas L. Abern Jr. biên soạn và được Nguyễn Kỳ Phong tóm lược và giới thiệu, vì Thomas L. Abern Jr. đã viết hai tập đó với ý đồ “lái sử”, nên không phản ảnh đúng sự thật. Phải đọc từng bản văn chính thức đã được giải mã để tìm hiểu những chuyện gì đã thật sự xảy ra.

Trong phần dưới đây chúng tôi sẽ trình bày những nét chính về sự bất đồng của Tổng Thống Kennedy trong việc tổ chức lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và âm mưu của các nhóm đứng đàng sau.

Bất đồng về đảo chính

Ông McNamara cho biết quyết định của Tổng Thống Kennedy là Hoa Kỳ “không đưa ra bất cứ khởi xướng nào nhắm tích cực khuyến khích một sự thay đổi trong chính phủ” (VNCH) đã gây tranh luận mấy tuần liền.

Trong một điện văn gởi cho Tướng Maxell Taylor ngày 25.10.1963, ông Lodge nói rằng âm mưu của các tướng Nam Việt Nam nay đã đi quá xa và “chúng ta không nên phá ngang cuộc đảo chính.” (we should not thwart a coup). Lập luận của ông ta “dường như dám đánh cá chính phủ mới sẽ không vụng về (bungle) và sai lầm (stumble) như chính phủ hiện tại”. Thay mặt Tổng Thống, Tướng Taylor trả lời rằng không phải chúng ta làm hỏng cuộc đảo chính, mà chúng ta phải xem xét kế hoạch của các tướng và loại ra những sơ hở có thể đưa tới thất bại.

Tướng Harkins đã nổi giận khi đọc công điện nói trên của ông Lodge. Ông cho rằng ông Lodge đã không cho ông biết về kế hoạch đảo chính. Tướng Harkins đề nghị “chúng ta không nên đổi ngựa một cách quá vội vàng, mà chúng ta phải tiếp tục tìm cách thuyết phục con ngựa đó đổi hướng và phương pháp hành động”.

Ông Lodge cho rằng như vậy là Hoa Kỳ đang phá hỏng kế hoạch đảo chính. Ông viết: “Đừng nghĩ rằng chúng ta có quyền ngăn trở hay trì hoản cuộc đảo chính.” (Do not thing we have the power to delay or discourage a coup.)

(Robert S. McNamara, In Retrospect, Tragedy and Lesson of Vietnam. Vintage Books, New York, 1995, tr. 81 – 82).

Tổng Thống nói xem ra lực lượng quân sự ủng hộ và chống ông Diệm bằng nhau. Nếu thế, bất cứ âm mưu bày ra một cuộc đảo chính nào đều vớ vẩn. Nếu Lodge đồng ý quan điểm đó, chúng ta sẽ chỉ thị ông ta ngăn cản cuộc đảo chính. (FRUS 1961 – 1963. Volume IV, tr. 468 – 471. Document 234).

Lúc 6 giờ 40 ngày 29.10.1963, Đại Sứ Lodge đã gởi về Bộ Ngoại Giao ở Washington một công điện nói rằng xem ra âm mưu đảo chính của các Tướng Lãnh đã đến nơi (imminent), và dù cuộc đảo chính này thành công hay thất bại, Chính Phủ Hoa Kỳ phải chuẩn bị để chấp nhận sự kiện là chúng ta sẽ bị đổ tội (blamed), mặc dầu không chứng minh được. Và cuối cùng, “không một hành động tích cực nào của Chính Phủ Hoa Kỳ có thể ngăn chận âm mưu đảo chính trừ phi báo tin cho Diệm và Nhu với tất cả sự nhục nhả mà một hành động như thế có thể gây ra”. (FRUS 1961 – 1963. Volume IV, tr. 454 – 455. Document 226).

Trong công điện gởi cho Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Sài Gòn lúc 5 giờ 49 phút chiều 30.10.1963, ông Bundy, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Về An Ninh Quốc Gia, đã nói thẳng với Đại Sứ Lodge: “Chúng tôi không chấp nhận như là một chính sách của Hoa Kỳ rằng chúng ta không có quyền trì hoản hay ngăn cản cuộc đảo chính”. Ông phải khuyến khích những người đảo chính ngưng hay hoản lại bất cứ hoạt động nào mà theo sự phán đoán tốt nhất của của ông, rõ ràng là không đem lại viễn tượng thành công cao. (FRUS, 1961 – 1963, Volume IV, tr. 500 - 501. Document 249).

Sau đó, lúc 6 giờ 30 chiều 30.10.1963 ông Lodge lại gởi một công điện khác cho Bộ Ngoại Giao nói rằng chúng ta phải đánh giá chính xác về cơ hội thành công cuộc cuộc đảo chính, “nhưng đừng nghĩ rằng chúng ta có quyền trì hoãn hay ngăn cản cuộc đảo chính”.

Qua các cuộc tranh luận, chúng ta thấy Tổng Thống Kennedy, Tướng Taylor, Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Tướng Harkins, hai viên chức cao cấp CIA là McCone và Colby, v.v. đã tỏ vẻ không muốn tổ chức đảo chính. Chỉ có Harriman và Cabot Lodge là cương quyết hành động.

Nhóm chủ trương đảo chính

1.- Lý do quyết định đảo chính:

Ông Frederick Nolting, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa đã ghi rõ trong cuốn From Trust to Tragedy như sau:

“Âm mưu “trung lập hóa” Lào của ông ta (Harriman) là một sự thất bại thê thảm, và sự thù nghịch ngày càng gia tăng của ông với Tổng Thống Ngô Đình Diệm và gia đình của ông ta, trở thành một yếu tố chủ yếu trong việc lật đổ ông Diệm. 1963.” (Frederick Nolting, From Trust to Tragedy, sách đã dẫn, tr. Xiv).

2.- Làm cho tình hình xấu đi:

Để có thể tổ chức đảo chính, nhóm Harriman đã cố tình làm cho tình hình tại miền Nam ngày càng xấu đi. Sau vụ giao cho Trần Quang Thuận tổ chức hoả thiêu Hoà Thượng Quảng Đức vào ngày 11.6.1963, theo báo cáo của Tướng Trần Văn Đôn cho CIA, chiều 18.8.1963 Tướng Khiêm, một nhân viên CIA, đã triệu tập các tướng tại Bộ Tổng Tham Mưu, trong đó có cả những tướng đang bất bình với ông Diệm như Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Nguyễn Ngọc Lễ, và quyết định đến xúi ông Nhu và ông Diệm phải “ban hành các biện pháp mạnh để ổn định tình hình”. Họ báo cáo rằng “tinh thần của quân đội đang xấu hơn (deteriorating) và trong thực tế họ sợ rằng một đồn quân sự ở trong tình trạng gần như đào ngũ (near state of desertation)”. Ông Diệm đã trúng kế của CIA. Ngay chiều 20.8.1963 ông ban hành Sắc Lệnh số 84/TTP “tuyên bố tình trạng giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam...” và cho phép lục xét các chùa để bắt các phần tử gây rối. (FRUS, 1961 – 1963, Volume III, tr. 616. Document 275).

3.- Ra lệnh đảo chính

Trong cuốn hồi ký Swords and Plowshares, Đại Tướng Maxwell D. Taylor, Chủ Tịch Ban Tham Mưu Liên Quân thời Tổng Thống Kennedy, cho biết khi tình hình lộn xộn xẩy ra tại Sài Gòn, một nhóm hoạt động chống Diệm (a small group of anti-Diem activists) đã nắm lấy cơ hội, xử dụng “mánh mung lẫn tránh” (end run) để vượt qua bằng cách soạn thảo một cách vội vàng một công điện tối quan trọng đối với Sài Gòn không cần có sự đồng ý thông thường của Bộ.

Trong cuốn hồi ký In Retrospect, Tragedy and Lesson of Vietnam, ông Robert S. McNamara đã trình bày khá rõ ràng về quyết định lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông viết:

“Khi báo cáo về tình trạng xáo trộn tới tấp gởi về Hoa Thịnh Đốn vào ngày 24 tháng 8, các nhân viên có nhiệm vụ ứng trực nhận thấy rằng cơ hội để có hành động chống lại ông Diệm đã đến. Trong đêm đó Hoa Kỳ đã đề ra một kế hoạch đảo chính, một hành động trong số những hành động quan trọng nhất của hai trào Tổng Thống Kennedy và Johnson.

Người khởi xướng hành động này là Roger Hilsman Jr., nhân vật kế nhiệm Averell Harriman, giữ chức Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ.

“Sau khi Roger Hilsman hoàn thành bức công điện, trong ngày 24 tháng 8, Averell Harriman, người vừa được trở thành Thứ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Về Chính Trị Vụ, chấp thuận ngay. Bức công điện của những người chủ trương được quyết định gởi cho Sài Gòn ngay trong ngày hôm đó...”


4.- Sử dụng cơ quan mật vụ đặc biệt

Lúc đó, Giám Đốc CIA tại Washington và Trưởng Trạm CIA ở Sài Gòn đều chống đảo chính, nên nhóm Harriman phải xử dụng một hệ thống tình báo đặc biết để tổ chức đảo chính.

Khi Harriman được Tổng Thống cử làm Thứ Trưởng Ngoại Giao về Chính Trị Sự Vụ, ông kiêm luôn Chủ Tịch Đoàn Công Tác Đặc Biệt về Chống Nổi Dậy vừa có chân trong Ủy Ban 40 (phối hợp về tình báo) trong đó có “Đoàn Công Tác Đặc Biệt” (Special Group). Tổ chức này giống như “một chính phủ bí mật trong một chính phủ” (a secret government within a government). Thông thường, Đoàn triển khai chủ trương của Tổng Thống, nhưng khi có sự xung đột về quan điểm, mạnh ai nấy làm. Như vậy ông đã nắm trọn trong tay các cơ quan tình báo Mỹ nên quyền lực rất lớn.

Kế hoạch đảo chính được hoạch định rất công phu và tỉ mỉ. Trước hết là tách những người thân tín như Trần Kim Tuyến (Giám đốc sở mật vụ), Nguyễn Đình Thuần (Bộ trưởng Phủ Tổng Thống), Đỗ Mậu (Giám Đốc An Ninh Quân Đội)... ra khỏi ông Diệm và ông Nhu bằng cách tạo ra những biến cố giả tạo để gây sự nghi ngờ. Kế đến là sử dụng ngay lực lượng được ông Nhu tin cẩn nhất đó là Sư Đoàn 5 đo Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy với nhiệm vụ bảo vệ thủ đô để làm lực lượng chính của cuộc đảo chính. Người chỉ huy cuộc đảo chính cũng là người được ông Diệm tin tưởng nhất, đó là Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Ông Điệm và ông Nhu không bao giờ nghĩ rằng Tướng Khiêm và Đại Tá Thiệu đã đi theo CIA!

Lệnh giết ông Diệm và ông Nhu

Chúng tôi xin nhắc lại, trong một cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, cho biết vào ngày 1.2.1966, Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã nói chuyện bằng điện thoại với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCathy như sau:

Johnson: ... Nhưng ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm.

MacCarthy: Có chứ.

Johnson: (Rằng) ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau VÀ XỬ DỤNG MỘT BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.

Ít phút sau, trong một cuộc nói chuyện với Tướng Maxwell D. Taylor đang là Đại Sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, Tổng Thống Johnson lại nhắc lại điều đó:

Johnson: Họ khởi đầu và nói: “Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm.”

Taylor: Phải, sự việc đã khởi đầu tất cả như thế. Đúng là sự việc đã khởi đầu như thế.

Johnson: Và lúc đó tôi đã van nài họ, “Xin vui lòng đừng làm điều đó”. Nhưng sự việc vẫn được khởi sự. Và họ đã lật đổ ông ta.”

Ông Maura Porter, người quản thủ thư viện cho biết các cuộc hạ sát không hề được bàn cãi tại các cuộc họp ở Toà Bạch Ốc. Vậy quyết định giết ông Diệm mà Tổng Thống Johnson nhắc lại ở trên đã được bàn tại đâu và ai là người đã ra lệnh giết ông Diệm và ông Nhu? Phải chăng bàn ở Bộ Ngoại Giao? Hiện nay vẫn còn nhiều tài liệu chưa được tiết lộ và có thể sẽ vĩnh viễn không được tiết lộ, nên rất khó biết được.

Trong cuốn The Secret History of the CIA, Joseph J. Trento cho biết Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh cho ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn năm 1963 điều tra xem việc gì đã xẩy ra và ai có trách nhiệm. Trả lời của ông Corson như sau:

“Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện” (On instructions from Averell Harriman... The order that ended in the deaths of Diem and his brother originated with Harriman and were carried out by Henry Cabot Lodge’s own military assistant).

Phụ tá quân sự của Đại Sứ Henry Cabot Lodge được ông Corson nói ở đây không ai khác hơn là Trung Tá Lucien Conein.

Theo ông Corson, năm 1963, Harriman đã điều hành Việt Nam không cần hỏi ý kiến của Tổng Thống hay Tổng Trưởng Tư Pháp.

Tổng Thống Kennedy bắt đầu nghi ngờ rằng không một ai trong toán an ninh quốc gia là trung thành. Ông Carson tiết lộ:

“Kenny O’Donnell (người được Tổng Thống Kennedy chỉ định làm thư ký) tin rằng McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia, nhận lệnh từ Averell Harriman chứ không phải từ Tổng Thống. Kenndy đặc biệt lo lắng về việc Michael Forrestal, một người trẻ trong nhân viên Toà Bạch Ốc phụ trách về liên lạc giữa Việt Nam và Harriman.”

Trưởng Trạm CIA tại Saigon là “Jocko” Richardson được thay thế bằng một toán không tên (no-name team). Nhân vật chính là một sĩ quan của Đội Hành Quân Đặc Biệt (Special Operations Army), đó là John Michael Dunn, nhận mệnh lệnh không phải từ hệ cấp CIA thông thường mà từ Harriman và Forrestal.

Theo Carson, “John Michael Dunn được biết như là người tiếp xúc với những người âm mưu đảo chính”, mặc vai trò của Dunn không bao giờ được công khai hoá trước công luận. Carson tin rằng Richardson bị cất chức để Dunn, một người được Đại Sứ Cabot Lodge chỉ định cho “các công tác đặc biệt” (special operations) có thể hành động không bị trở ngại. (Joseph J. Trento, The Secret History of the CIA. Carroll & Graf, New York, 2005, tr. 334 – 335).

Phản ứng của Kennedy

Trong cuốn hồi ký mang tên In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam, ông McNamara cho biết những gì đã xẩy ra tại Tòa Bạch Ốc sau khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết:

“Khi Tổng Thống Kennedy nhận được tin này, mặt ông tái xanh. Tôi chưa bao giờ thấy ông xúc động mạnh đến như thế...

“Arthur Schlesiger Jr. ghi nhận rằng Tổng Thống “buồn thảm và bối rối”, tinh thần xem ra suy sụp chưa từng thấy từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.

“Đọc xong bản tin, Tổng Thống nghĩ đến ảnh hưởng cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại...”


Hôm 4.11.1963, hai ngày sau khi ông Diệm bị ám sát, Tổng Thống Kennedy nói:

“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó (ra lệnh đảo chính) đã được soạn thảo tồi tệ. Đáng lẽ bức điện đó không bao giờ được gởi vào hôm Thứ Bảy. Đáng lẽ tôi không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn”

Tổng Thống Kennedy nói ông đã gởi một công điện khác để đình hoản lại nhưng kế hoạt đảo chính đã được tiến hành rồi. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm thấy công điện này.

Phần băng ghi lại lời của Tổng Thống Kennedy ba tuần lễ trước khi ông bị ám sát tại Texas có đoạn như sau:

Tôi bị chấn động vì cái chết của Ngô Đình Diệm. Ông ta là một nhân vật khác thường. Trong khi ông ta bắt đầu gặp nhiều sự khó khăn trong vài tháng cuối cùng, ông ta đã có thể duy trì được đất nước về một mối trong 10 tháng cuối cùng”.
Ngày 9.11.2009
Lữ Giang
© Thông Luận 2009

Tổng số lượt xem trang