Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Niềm tin vào dân chủ của người dân khối Sô Viết cũ sụt giảm

Niềm tin vào dân chủ của người dân khối Sô Viết cũ sụt giảm

Tqvn2004 chuyển ngữ
Chủ nghĩa tư bản và dân chủ đang mất đi sự ủng hộ rộng rãi tại các nước cộng hòa thuộc Sô Viết cũ ở Đông và Trung Âu, khi mà nhiều người cảm thấy thoải mái hơn với nền kinh tế dưới thời cộng sản, một thăm dò vào thứ Hai cho thấy như thế.
Hai mươi năm sau sự kiện sụp đổ bức tường Berlin, nghiên cứu do Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho thấy phần trăm những người phía sau bức tường sắt ủng hộ dân chủ đã giảm đáng kể so với một thăm dò tương tự vào năm 1991.

Sự thay đổi lớn nhất là tại Ukraine, với con số sụt giảm khổng lồ 42%: Chỉ còn 30% người Ukraine được hỏi nói họ bây giờ tán thành việc chuyển đổi từ cộng sản sang hệ thống đa đảng, giảm xuống từ 72% năm 1991.
85% người được hỏi ở Đông Đức ủng hộ sự thay đổi sang dân chủ - nhưng đó vẫn là thấp hơn 6% so với con số năm 1991. Ở Bulgaria, con số giảm là 24%, Lithuania là 20%, Hungary là 18% và Nga là 8%.
Ba Lan và Slovakia đi ngược lại xu hướng chung, tăng lên tương ứng là 4% và 1%.
"Đông Đức là một ví dụ thành công về mặt chấp nhận dân chủ," Andrew Kohut, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, nói. "Ukraine mới là nơi thực sự gặp nhiều vấn đề".
Thăm dò cũng cho thấy người dân rõ ràng đã vỡ mộng với chủ nghĩa tư bản. Số người ủng hộ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tụt 34% ở Hungary và 26% tại Lithuania.
Người tham gia thăm dò tại Ukraine cho chủ nghĩa tư bản sự ủng hộ thấp nhất, chỉ có 36% ủng hộ - giảm 16% so với năm 1991.
Chỉ có người Ba Lan (47%) và người Séc (45%) nói tình hình kinh tế ngày hôm nay đã khá hơn so với thời chủ nghĩa cộng sản, và có tới 72% người Hungary tham gia phỏng vấn trả lời rằng họ tin là điều ngược lại là đúng.
Bất chấp những con số trên, hầu hết các quốc gia khi nhìn lại đều tán thành sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, và số người hài lòng với cuộc sống của mình tăng lên, ngoại trừ Tây Đức.
"Về cơ bản, mọi người đều thấy rằng cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng không đẹp như họ đã tưởng tượng", cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright, người đồng điều hành dự án Thái độ Toàn Cầu của Pew, nói.
"Có sự thất vọng thực sự với lãnh đạo chính trị. Có sự mất lòng tin vào các thể chế chính trị, nhưng nhìn chung là [họ] chấp nhận dân chủ."
Trở thành thành viên của EU được nhiều người nhìn nhận là một điều tích cực, ngoại trừ Hungary. NATO cũng được ưa chuộng, ngoại trừ ở Ukraine và Nga, tại đây 59% người tham gia thăm dò đánh giá tiêu cực về liên minh quân sự này.
Nga bị tất cả các quốc gia, ngoại trừ Bulgaria và Ukraine, đánh giá là đã đem lại những ảnh hưởng tiêu cực.
Đại đa số người Nga nói rằng họ cảm thấy sự kết thúc của Liên bang Sô Viết là một "điều không may lớn", và gần một nửa, 47%, đồng ý rằng nước Nga có một đế chế [kiểm soát các nước nhỏ hơn] là điều "tự nhiên".
Cuộc thăm dò, tiến hành từ 27/8 tới 24/9, đã đặt câu hỏi cho khoảng 1000 người tại mỗi quốc gia.

Tổng số lượt xem trang